Là xứ thuộc địa nên người Pháp thường tỏ ra xem thường người Việt, có thái độ khinh miệt và phân biệt đối xử. Khi về làm việc tại bệnh viện Sài Gòn, mặc dù là Trưởng khoa hộ sinh và là người có quốc tịch Pháp, bà Henriette Bùi cũng không tránh khỏi bị kỳ thị. Nhưng với bản tính cương cường, dòng máu Việt vẫn tràn đầy trong huyết quản, bà đã có những phản ứng khá mạnh trước các thái độ bất thân thiện của các quan chức và đồng nghiệp người Pháp...................
---------------------------------
Năm 1935 là năm có nhiều sự kiện xảy ra với bà Henriette Bùi. Vừa tốt nghiệp bác sĩ y khoa bà phải trở về nước lấy chồng theo ý muốn của cha. Nhưng, không như những người khác, dù có chồng bà vẫn mạnh dạn nhận nhiệm vụ trưởng khoa hộ sinh tại Bệnh viện Sài Gòn.
Nhất định không mặc đồ đầm
Người Pháp xâm lược VN đã chia đất nước ra làm 3 kỳ. Bắc Kỳ là xứ bảo hộ. Trung Kỳ thuộc triều đình nhà Nguyễn và Nam Kỳ chính thức là thuộc địa của Pháp.
Bác sĩ Henriette Bùi (1906 - 2012)
Là xứ thuộc địa nên người Pháp thường tỏ ra xem thường người Việt, có thái độ khinh miệt và phân biệt đối xử. Khi về làm việc tại bệnh viện Sài Gòn, mặc dù là Trưởng khoa hộ sinh và là người có quốc tịch Pháp, bà Henriette Bùi cũng không tránh khỏi bị kỳ thị. Nhưng với bản tính cương cường, dòng máu Việt vẫn tràn đầy trong huyết quản, bà đã có những phản ứng khá mạnh trước các thái độ bất thân thiện của các quan chức và đồng nghiệp người Pháp.
Bà không thể chịu đựng nổi khi chứng kiến trong các buổi họp, chỉ các bác sĩ Pháp nói chuyện với nhau trong khi người Việt đứng về một phía. Về quyền lợi bác sĩ người Việt dù có quốc tịch Pháp cũng chỉ được hưởng lương 100đ/tháng trong khi bác sĩ Pháp gấp 10 lần.
Đối với bệnh nhân, thật khó lòng chấp nhận trước tình trạng phân biệt đối xử. Bệnh nhân Pháp thì được chăm sóc hết sức tận tình, thuốc men đầy đủ trong khi người Việt thì qua loa, chiếu lệ...
Bà cũng đã hết sức bất mãn trước thái độ xem thường người Việt của những người Pháp làm việc trong bệnh viện. Trường hợp bác sĩ Euliche đã từng mắng chửi "dân A-na-mit dơ bẩn như heo" và đánh đập các nữ hộ sinh và y tá người Việt đã làm bà vô cùng phẫn nộ.
Những điều bất công và bất bình đẳng này đã thôi thúc bà cần phải đấu tranh gay gắt để xóa bỏ. Bước đầu bà bày tỏ quan điểm với ban giám đốc bệnh viện nhưng bà chỉ nhận được thái độ không đồng tình. Không nản, bà tiếp tục đệ trình yêu cầu của mình lên thống đốc Nam Kỳ - ông Pagès. Sau khi nghiên cứu kỹ những yêu cầu của bà, Pagès thừa nhận đó là những yêu cầu hợp lý đã ra lệnh cho giới bác sĩ người Pháp phải xóa bỏ ngay tức khắc tình trạng phân biệt đối xử đồng thời phải có những cư xử đúng mực với nhân viên người Việt.
Biệt thự tư gia của bà Henriette Bùi ở số 28 đường Testard (nay là Võ Văn Tần) được bà hiến tặng làm cơ sở cho trường Đại học Y khoa thuộc viện Đại học Sài Gòn, nay là Bảo tàng chứng tích chiến tranh TPHCM. (Ảnh: Internet)
Đối với bản thân bà, ngay khi mới được giao nhiệm vụ trưởng khoa, giám đốc bệnh viện là một bác sĩ người Pháp đã lệnh cho bà phải mặc váy đầm bởi mặc như thế bà sẽ được sự kính trọng của nhiều người. Giám đốc bệnh viện cho rằng mặc y phục Việt Nam sẽ khiến nhiều người lầm tưởng bà chỉ là một cô mụ vườn đỡ đẻ không hơn không kém. Bà kịch liệt phản đối.
Bà đã đáp trả lại với viên giám đốc, nhất định không mặc đồ đầm vì bà chỉ cần sự kính trọng của người Việt qua y phục Việt Nam mà thôi.
Sau nhiều năm du học ở trời Tây, bản thân bà là người Việt nhưng lại mang quốc tịch Pháp song những yếu tố đó không làm cho dòng máu Việt trong người bà vơi đi. Bà vẫn là người Việt và phục vụ cho lợi ích người Việt ...
Hạnh phúc không mỉm cười
Trong thời gian theo học ở Pháp, năm 1934, bà dự định viết luận án tốt nghiệp về đề tài "thụ tinh nhân tạo cho những người hiếm muộn". Đề tài hay và quá mới lúc bấy giờ nên gây nhiều tranh cãi. Nhiều người khuyên bà nên tìm một đề tài khác và bà đã nge theo để sau đó, luận án tốt nghiệp của bà được đánh giá khá cao và được tưởng thưởng huy chương.
Luật sư Vương Quang Nhường, người chồng đầu tiên. Sau khi li dị với bác sĩ Henriette, ông trở thành rể vua Thành Thái. (Ảnh: Internet)
Sau khi ly hôn với luật sư Nhường, bác sĩ Henriette Bùi dồn hết tâm trí vào công việc khám chữa bệnh và nghiên cứu y học. Thời ấy, chưa có thuốc mê và trụ sinh nhưng bà đã dùng kỹ thuật giải phẫu "Caesarien" trong những trường hợp sinh khó. Rất nhiều sản phụ và trẻ sơ sinh đã được cứu.
Bà cũng đã từng nghiên cứu và học tập về châm cứu tại Nhật. Bà cũng đã áp dụng châm cứu trong việc điều trị bệnh cho bệnh nhân.
Một sự kiện trọng đại đã đến với bà trong năm 1945. Người bạn thân vừa là đồng hương Bến Tre, kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích đang giữ chức Khu bộ phó Việt Minh bị Pháp bắt kết án tử hình. Bà đã cùng số bạn bè hiện còn ở tại Pháp đã tích cực vận động, ông Bích được chuyển sang dạng tù binh để trao đổi và bị buộc phải rời khỏi Việt Nam.
Trước đó trong thời gian học tại Pháp, bà và ông Bích có những quan hệ bạn bè thân thiết. Hiểu nhau và cảm thông nhau rồi yêu nhau nhưng vì điều kiện gia đình, bà đành phải chấp nhận chung sống với người không yêu (luật sư Nhường) để rồi hôn nhân đổ vỡ.
Thoát chết, ông Bích trở lại Pháp. Lần này ông vào học trường đại học Y mặc dù đã có bằng kỹ sư cầu đường. Tốt nghiệp bác sĩ, ông không hành nghề mà trở lại trường Y dạy môn vật lý.
Bà Henriette Bùi vẫn ở lại Việt Nam. Trong suốt 20 năm phục vụ trong ngành y tại Sài Gòn, bà lần lược đảm nhận các chức vụ quan trọng và thời gian còn lại bà vẫn tiếp tục miệt mài nghiên cứu y học.
Kỹ sư, bác sĩ Nguyễn Ngọc Bích - người chồng sau của bà
Năm 1961, bà xin thôi việc ở bệnh viện, trở lại Pháp mở phòng mạch. Tại đây, mối quan hệ bà với ông Bích được nối lại và tình yêu tiếp tục nẩy nở. Hai người chính thức trở thành vợ chồng và chung sống với nhau.
Dường như hạnh phúc không mỉm cười với bà. Sau 4 năm đầu ấp tay gối với nhau, ông Bích không may bị ung thư vòm họng. Bà đưa ông trở về VN để sống những ngày cuối đời trên quê hương mình và ông qua đời vài tháng sau đó.
Từ đó bà Henriette lao vào các công tác cứu giúp những người không may. Bà luôn có mặt trong các chương trình từ thiện, vào những nơi cam go nhất để cứu người. Năm 1970, bà tình nguyện phục vụ không lương trong ngành hộ sản và nhi khoa tại một bệnh viện ở ngoại ô Sài Gòn.
Những năm cuối đời, bà trở lại Pháp tiếp tuc khám chữa bệnh cho đến 1976 mới nghỉ hưu sau 44 năm cống hiến cho y học.
Ngày 27/4/2012 bà trút hơi thở cuối cùng. Bà mất đã để lại cho hậu thế tấm gương sáng về nữ bác sĩ sống trọn đời với ngành y. Sau bà hàng ngàn nữ bác sĩ đã tiếp tục nối bước với đầy đủ y đức mang dáng dấp nữ bác sĩ Henriette Bùi.
Trần Chánh Nghĩa
( Theo http://vietnamnet.vn/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét