Tác giả: TRẦN NHẬT THU
Chuyện kể rằng: Vào mùa xuân năm 1533, công chúa Phương Anh - con gái yêu của vua Lê Trung Tông lâm bệnh hiểm nghèo... Các quan ngự y trong triều đã thúc thủ, bó tay. Bao nhiêu bài thuốc hay trong nước cũng như của Trung Hoa được dâng lên nhưng bệnh tình công chúa vẫn không thuyên giảm, trái lại ngày càng nặng thêm. Ngày lo việc triều chính, đêm đêm vua lại về ngồi cạnh giường bệnh con gái.
Cuộc đời cũng có lắm điều kỳ diệu, nhưng kỳ diệu hơn cả là tình phụ/mẫu tử. Dù là bậc vua chúa hay thứ dân thì ai cũng thiết tha với mạng sống của con cái mình. Vua Lê Trung Tông cũng không ngoại lệ, bởi vua vốn là nguời giàu lòng nhân ái trong đời thường, là bậc minh vương trong việc trị nuớc, chăm dân, quyết không để con gái đi vào cõi chết. Vua truyền lệnh cho mời tất cả lương y trong nước về kinh. Có người chỉ mới cầm tay bắt mạch, xem sắc mặt công chúa thì vội cúi đầu lạy tạ lui ra.
Lúc bấy giờ ở làng Đa Sĩ, xã Kiến Hưng (Hà Đông) có đông y tên là Hoàng Đôn Hòa, ngày đêm chăm lo bốc thuốc cứu người, không từ nan bất cứ con bệnh nào, dù xa xôi cách trở đến đâu, ông cũng đi cho bằng đuợc để thăm mạch kê đơn. Người nghèo ông cứu mạng không lấy tiền. Hình như cái phù vân, phù du, công hầu danh tướng ông đã cởi bỏ, không tơ hào đến giàu sang, phú quý... Nguời từ cõi chết trở về qua tay ông không biết bao nhiêu mà kể.
Nghe quần thần dâng bảo, vua Lê Trung Tông cho người tới mời Hoàng Đôn Hòa về triều.
Từ chốn thôn quê vào nơi cung cấm, đông y Hoàng Đôn Hòa không khỏi bối rối, e dè, ngập ngừng. Vả lại trước ông từng có bao nhiêu bậc danh y đã không cứu nổi một người con gái! Công chúa Phương Anh cũng là một mạng người, dù mạng người đó ở chốn lầu son gác tía. Hoàng Đôn Hòa biết rằng nếu công chúa không qua khỏi bệnh tình thì tiếng tăm ông cũng dần phai nhạt, không còn dấu ấn gì trong cuộc đời! Mấy lần ông định thoái thác, nhưng bổn phận của người thầy thuốc, của một lương y đức độ không cho phép ông chùn buớc.
Và hình như tâm linh cho ông biết rằng đây là định mệnh, là số phận của riêng ông. Năm đó ông mới bước sang tuổi 20...
Ngày đêm ông dốc lòng, dốc sức cứu chữa cho công chúa bằng các bài thuốc đã chữa cho người nghèo, theo đó mà gia giảm từng vị, rồi tự mình sắc thuốc dâng lên công chúa. Ông miệt mài lo cho con bệnh mà bỏ ngoài tai những lời bàn tán xì xầm của kẻ xấu, chỉ chực chờ ông thất bại. Các quan ngự y thì khinh mạn, xem thường cho ông còn non nớt, khờ dại và chỉ mong ông "thân bại danh liệt"...
Được Hoàng Đôn Hòa tận tụy cứu chữa, bệnh tình công chúa thuyên giảm dần và qua được cơn "thập tử nhất sinh". Công chúa Phương Anh trở về cuộc sống với khuôn mặt kiều diễm trong nỗi mừng khôn xiết của vua cha và muôn dân.
Mến tài cao, mến đức độ của một lương y dân dã, vua Lê Trung Tông gả công chúa Phương Anh cho Hoàng Đôn Hòa, bởi bậc minh vương cho rằng mạng sống của công chúa là do bàn tay ông giành giật với tử thần. Vua trao cuộc đời người con gái yêu của mình và cố giữ lại Hoàng Đôn Hòa làm quan ngự y.
Vốn xuất thân từ chốn thôn quê đói nghèo, vất vả, không tham danh lợi, ông nhất quyết xin về quê chữa bệnh, giúp đời và trong tâm nguyện là biên soạn cuốn "Hoạt nhân toát yếu" mà bao nhiêu năm qua ông ấp ủ, quên ăn, quên ngủ...
Phương Anh - cô công chúa ngày nào - xin phép vua cha được đổi tên là Phương Dung, khăn gói theo chồng về quê...
Ngày ngày vợ chồng Hoàng Đôn Hòa lặn lội lên rừng, xuống biển tìm thảo dược, linh dược... bào chế thuốc. Hễ nghe đâu đó trong dân gian có bài thuốc hay lưu truyền, vợ chồng ông cũng tìm đến xin được lĩnh hội.
Trước ngọn đèn hao gầy, dưới vầng trăng khuyết và bên cạnh người vợ hiền thục, dịu dàng, ông kiên chí biên soạn cuốn sách của đời mình.
Một danh y đức độ, một công chúa kiêu sa, trở thành vợ chồng sống hạnh phúc êm ấm bên nhau trong mái tranh nghèo - một cuộc tình tuyệt đẹp.
Dòng đời tưởng cứ thế trôi qua, không ngờ 20 năm sau, đất nước xảy ra nạn binh đao. Lúc này vua Lê Thế Tông (nối dõi Lê Trung Tông) đích thân cầm quân đi dẹp loạn và trưng dụng Hoàng Đôn Hòa vào quân đội.
Ở nơi sơn lâm đầy chướng khí, quân lính bị bệnh nhiều, Hoàng Đôn Hòa lại lấy những cây cỏ, những hoa lá của núi rừng để chữa bệnh và cứu sống nhiều binh sĩ...
Giặc giã tạm yên, vua Lê Thế Tông hồi kinh rồi một mực giữ ông lại. Nhưng một lần nữa danh y Hoàng Đôn Hòa tạ ơn, xin được về quê. Từ đấy ông mở lớp truyền nghề và làm thuốc chữa bệnh cho khắp thiên hạ gần xa. Công chúa Phương Anh - nay là Phương Dung, theo chồng thức khuya dậy sớm lo việc nghĩa, việc thiện như bao người vợ tảo tần khác.
Người nghèo khắp vùng nghe danh và tấm lòng đức độ của vợ chồng Hoàng Đôn Hòa, hễ có bệnh dù nặng, nhẹ cũng dắt díu nhau đến nương nhờ...
Và cuộc đời đã không phụ ông, danh y Hoàng Đôn Hòa cùng sự giúp sức của vợ đã hoàn thành bộ "Hoạt nhân toát yếu" với 201 phương thuốc chữa trị hơn 100 chứng bệnh và có công đúc kết hơn 300 vị thuốc Nam, hầu hết là cây cỏ quê nhà. Bộ sách nằm trong dòng chảy của nền Y học cổ truyền Việt Nam còn lưu lại đến ngày nay.
Ông đột ngột qua đời vào tuổi 79 - một ngày đầu xuân năm 1593 trong niềm tiếc thương vô hạn của dân làng. Ông từ giã cõi đời khi mùa xuân còn vương vấn hương khói và những bông hoa chưa kịp tàn.
Sau này nhiều triều vua của ta phong sắc cao quý cho ông và mãi 200 năm sau, vua Càn Long (Đời nhà Thanh - Trung Quốc) biết tiếng danh y Hoàng Đôn Hòa, cảm phục mà truy tặng ba chữ "Linh Thế Y".
Nhưng ông đã trở về với cát bụi..., chỉ còn tên tuổi đúc tạc vào thời gian.
Ngay bên bờ con sông Nhuệ, dưới bóng cây đa cổ thụ trùm bóng mát, có một ngôi miếu cổ thờ danh y Hoàng Đôn Hòa mà nhân dân quanh vùng đã lập nên. Và đến ngày giỗ chạp, khói nhang trầm thơm ngát cả bốn phương trời...
Lịch sử Việt Nam có nhiều thiên tình sử - một trong những thiên tình sử ấy phải kể đến mối tình tuyệt đẹp của danh y Hoàng Đôn Hòa và Công chúa Phương Anh - Phương Dung.
(Theo Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét