14.HẢO ( ƯA)
Háo danh, háo lợi, háo nhân tình,
Háo sắc, háo tài, háo tử sanh
Chấp có muôn ngàn, tâm trói buộc;
Buông trôi tất cả, khỏe hồn linh
Linh-Quang ngời sáng chốn không trung,
Đại-Đạo quy nguyên chỗ tận cùng,
Muốn sự muốn ham đều giải sạch,
Trở về nguyên bổn chốn hư không.
Hư-không vốn thật chỗ huờn sinh,
Trở lại nguyên lai tánh tự minh,
Mới biết muôn ngàn điều mến chuộng;
Phải chăng huyển ảo tự tâm mình.
Lòng người ai cũng có chỗ ưa riêng. Chỗ ưa là điều mà lòng mình chú tưởng vào đó hơn hết. Chẳng phải cố ý như vậy mà có vậy, lại không biết hơi cớ đâu mà ra vậy.
Do một niệm tưởng, có thể phân biệt phẩm người cao thấp. Nội một thời gian, có thể quyết định đời người nên hư. Vậy chẳng khá không cẩn thận.
Giả sử chỗ ưa của họ là: nhân, nghĩa, lễ, nhạc, thi thơ, chẳng hỏi mà biết họ là người hiền. Giả sử chỗ ưa của họ là: du đãng, cờ bạc, tửu sắc, chẳng hỏi mà biết họ là người bỏ. Giả sử chỗ ưa của họ là: vườn cây, vườn thú, câu cá, đốn củi, chẳng hỏi mà biết họ là dân thấp kém. Giả sử chỗ ưa của họ là: tranh đấu, kiện thưa, kiêu ngạo, đao binh, chẳng hỏi mà biết họ là người hung bạo.
Phàm kẻ nào ưa coi hát xướng, phải thất 5 điều:
1. Tiết thể (coi khinh thân thể),
2. Lao thần (làm nhọc thần hồn),
3. Thương tài (tốn hao tiền của),
4. Thất thời (luống mất ngày giờ),
5. Ngộ sự (hỏng hư công việc).
Tuy có việc cực kỳ tinh xảo, mà không đặng bền dai, thì người quân tử không làm.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: "Đại khái, chỗ ưa của con người thiên lịch như thế đó, đều là do hạt giống đã gây từ đời vô thủy mà mang đến ngày nay. Nếu chưa triệt ngộ trước rồi,
dầu muốn đổi lại, cũng là khó lắm."
15 -THÂN
Có thân có khổ lẽ tự nhiên,
Tá giả tu chơn học đạo huyền,
Mượn chiếc thuyền từ qua bể khổ;
Tu thân phải học phép tham thiền.
Thiền tâm ẩn hiện tại thân trung
Có luyện, có tu mới tận cùng
Lý nhiệm nơi thân hằng có sẵn,
Khai thông Huyền Khiếu đắt tâm thông.
Thông ký nhiệm-mầu quí bản thân,
Đem thân theo Đạo rạng tinh-thần,
Say mê dục lạc thân hư hoại;
Bỏ xác hồn linh vẫn đọa trần.
Trong thân con người, ở phía trước có ba cung là: nê hoàn cung, giáng cung, hoàng đình cung, là chỗ thần khí đình trú (Nê hoàn cung, cũng gọi là Thượng đan điền, ở trong chính giữa cái đầu, phía trước là Mi gian, phía sau là ải Ngọc chẩm, phía hữu và phía tả là hai lỗ tai. Chớ lầm tưởng đó là huyệt Bách hội, ở trên đỉnh đầu.
Cuốn: "Như thị ngã văn" nói:
"Dưới cái tâm huyết có một khiếu, gọi là Giáng cung, là chỗ rồng cọp giao hội.
Từ Giáng cung xuống ngay 3 tấc 6 phân, gọi là Thổ phủ, là Huỳnh đình. Ấy là Trung đan điền, mở trống không một khiếu, vuông tròn 1 tấc 2 phân. Đó là chỗ chứa khí, là nơi dưỡng đan. Từ đó đi xuống sau rốn, có ước 3 tấc 6 phân. Cho nên nói: Trên trời 36, dưới đất 36. Từ tầng trời cao đi xuống tới đất thấp, là 8 muôn 4 ngàn dặm.
Nói về trong thân thể con người, từ tâm tới thận có 84 phân. Thiên tâm có 36 phân, địa thận có 36 phân, Trung đan điền có 12 phân. Cộng lại: 36 + 36 + 12, có phải là 84 phân hay là 8 tấc 4 phân chăng?
Sau rốn trước thận, chỗ chính trung gọi là Yển nguyệt lô, lại cũng gọi là Khí hải. Thấp xuống 1 tấc 3 phân, gọi là Hoa trì (Quan nguyên). Đó là Hạ đan điền, chỗ chứa tinh.). Ở phía sau có ba quan, là vĩ lư quan, giáp tích quan, ngọc chẩm quan, là đường thần khí lưu thông (Ba quan này ở nơi xương sống. Xương sống của con người có 24 mắt.
Vĩ lư quan ở phía dưới, tại mắt thứ 22 (có chỗ ghi thứ 24). Giáp tích quan ở giữa (trên 12 mắt, dưới 12 mắt). Ngọc chẩm quan ở trên tận chót, cũng gọi là Phong trì, tại sau cái não.).
Mạnh tử nói: "Nghiêu, Thuấn tính chi dã, Thương, Vũ phản chi dã". Nghĩa là: vua Nghiêu, vua Thuấn làm theo tính tự nhiên, vua Thương, vua Vũ phải đem tính trở lại (Vua Nghiêu, vua Thuấn đặng thiên tính hoàn toàn, nên chẳng cần tu tập. Vua Thương, vua Vũ phải tu thân cho hợp với Đạo, đặng phục cái thiên tính lại.). Lại nói: "Thang Vũ thân chi dã". Nghĩa là: Thang Vũ gắng sức mình mà làm. Hai nghĩa đều nói rằng: Thương Vũ chỉ có trở lại cầu nơi mình mà thôi. Vua Thương, vua Vũ hay trở lại cầu nơi mình, thì trong mình Thương, Vũ đề có vua Nghiêu, vua Thuấn. Chúng ta hay trở lại cầu nơi mình, thì trong mình chúng ta đều có Nghiêu, Thuấn. Xem lại trong thân ta, thì khí có ở trong đó. Xem lại trong khí ta, thì thần có ở trong đó.
Người quân tử đem thân theo Đạo, cho nên thân tu thì Đạo lập. Kẻ tiểu nhân đem thân theo dục, cho nên dục phát thì thân vong.
Kinh Lăng Nghiêm nói rằng: "Nhất môn thâm nhập, nhập nhất vô vọng, Bỉ lục tri căn, nhất thời thanh tịnh". Nghĩa là: Một cửa (Một cửa, đây có ý nói một căn trong sáu căn. Một căn đã phản nguyên, trở về Vô cực, thì đặng viên thông. Đồng một lượt, năm căn há cũng đều đặng giải thoát.) tuốt vào sâu, vào một hết dục vọng. Còn lại mấy căn kia, đồng thời đặng thanh tịnh.
Người chưa có thể đắc Đạo, đều là bị hình thể làm lụy. Muốn trừ cái lụy này, thì phải biết cái thân này là vật không bền, là cái xác rất khổ, là hình không chủ, là đãy đựng mủ máu đái phân, toàn cả thân mình trong ngoài đều không có một điểm gì là sạch tốt. Vậy chớ sao mà ta tự hỏi ta mày muốn ăn ngon, mặc tốt? Đến trước người hay khoe lanh lợi, chưng tuấn tú? Chỉ sử người cho ý loạn tâm mê? Gạt gẫm người thế chẳng ai không bị hại? Chết rồi sống, sống rồi chết, từ mấy muôn đời đến nay, chịu không biết bao phiền não, không biết chừng nào thoát khỏi vậy?
Ngày nay ta lập chí học Đạo, đem cái duyên do đầu Đuôi của mày ra mà xét thấu hết cả, không còn bị mày mê hoặc nữa, không còn bị mày chỉ sử nữa, tập lần nhân không huệ ("Nhân không huệ" là đã thấu rõ nguồn vô sinh, không còn tính nhân ngã.), dùng liền xả thân pháp ("Xả thân pháp" là chẳng luyến ái giả thân, hay quên mình vì Đạo.), buông thân thể, bỏ thông minh, giữ theo đó chẳng rời, thì mới mong kề gần với Đạo. Người phái Tiên gia tu thân thì phải xét lại trong cái thể của mình, thần tức khí ngưng (kết đọng lại), khí tức là thần chú (sang sớt qua), tính mệng song tu, Đạo với món khí cụ đựng cái Đạo nương nhau, hình thần đều được huyền diệu, cùng Đạo hợp một lẽ chân.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: "Lão tử nói: "Ngoại kỳ thân nhi tồn". Nghĩa là: Gác thân ra ngoài thì thân còn (ý nói Thánh nhân chẳng vì giả thân mà tranh giành, kình địch, khiến phải lụy thân). Trường Xuân chân nhân nói: "Bá kế dĩ dưỡng thân, tức bá kế dĩ muội tâm". Nghĩa là: Trăm kế để bổ dưỡng thân hình, tức là trăm kế làm mê muội tâm hồn.
16-MẠCH
Trăm mạch lưu thông cậy Khí Thần,
Lửa hòa với gió hiệp đồng cân,
Pháp luân thường chuyển thông Nhân Đốc;
Muôn quyển thiên kinh há phải cần.
Cần định Khí Thần dính điểm son,
Chuyên Tinh điễn lực kết thành hòn,
Khai thông bản thể từ ma chướng;
Phá Khiếu Huyền-Quan khai Nhứt Môn.
Môn sinh tu luyện khá tinh tường,
Nhâm Đốc tương thông tánh hiển dương,
Tứ-Đại phải chẳng là cát bụi,
Trong thân mà có nẻo Thiên-Đường.
Trong thân người có mạch, kể ra mười hai bộ chính kinh (Mười hai bộ chính kinh: Thái dương kinh, Dương minh kinh, Thiếu dương kinh, Thái âm kinh, Khuyết âm kinh, Thiếu âm kinh, sáu kinh thuộc về tay (thủ), sáu kinh thuộc về chân (túc), cộng lại là 12 bộ) và tám bộ kỳ kinh (Tám bộ kỳ kinh là: Nhâm, Đốc, Xung, Đới, Dương Duy, Âm Duy, Dương Kiều, Âm Kiều. Xin coi bản đồ kỳ mạch, có vẽ các huyệt hữu hình theo y học Tàu). Nhưng chỉ có hai mạch Nhâm Đốc quan hệ nhất đến việc sinh tử của người.
Với kẻ phàm phu thì mạch Nhâm ở nơi bụng bắt dưới mà đi lên trên, còn mạch Đốc ở sau lưng bắt trên mà đi xuống dưới, trước sau hai mạch gián cách với nhau, cho nên hóa cơ (máy sinh hóa) mất căn bản. Bởi cớ nên mạng sống tùy theo khí bẩm yếu mạnh mà ra vắn dài.
Tiên gia biết được mạch Nhâm là chỗ tổng hội các phần âm, còn mạch Đốc là nơi thống nhiếp các phần dương. Hai mạch nếu thông, thì trăm mạch đều thông. Cho nên Tiên gia thoái âm phù, tiến dương hỏa, làm phép vận chuyển hà xa (Hà xa là bánh xe quây nước để chở dược vật (thuốc của Tiên gia). Vận chuyển hà xa cho thông hai mạch, lên thì gọi tiến, xuống thì gọi thoái.). Theo phép này thì phải ngưng thần nhập Khí huyệt, ấy gọi là quy căn, thần khí giữ nhau, khắng khít không rời. Chờ đến khi tịnh cực (tịnh đến cực điểm) rồi thì phát động, ấy là thần trở lại thừa khí mà thượng thăng nơi Nê hoàn cung. Chừng đó đường hà xa mới thông. Phải biết đường hà xa, tức là hai mạch Nhâm Đốc của thân ta đó.
Hồi khí mới phát sinh, nó uất chưng (Uất chưng, nghĩa là nước nhờ có lửa nấu chưng nên sinh ra khí, càng nhiều càng mạnh, bồng bột như trong nồi nước sôi đậy nắp kín (chaudière)) nơi khoảng giữa hai cái thận, tràng dẫy lên trên ngũ du (Ngũ du là năm thứ huyệt ăn vô năm tạng). Ấy là kinh thủy loạn hành, chẳng còn do nơi mương rãnh nữa. Ta mau đem thần chuyển nó về Vĩ lư, rồi lên tới Giáp tích. Giáp tích khó qua thì lưỡi trụ ổ gà, khiến nó lên Phong phủ mà thẳng tuốt tới Nê hoàn. Thần với khí giao hội nơi chỗ đó, thì mới nghe trong mình thơ thới điều hòa. Một chút thì nó biến ra cam lộ. Mau lấy lưỡi dẫn nó từ trên Thước kiều mà đi xuống khai thông Hội yết, qua Trùng lâu, dạo Giáng cung, trở về chỗ chứa nó (Khí huyệt) thì nghỉ. Gội rưới giáp ròng như vậy lâu rồi thuần thục, khí mãn ba điền (Ba điền là ba đan điền, chỗ dưỡng đan), dưới trên giao thái. Đây là chỗ gọi:
Thường sử khí thông, quan tiết thấu,
Tự nhiên tinh mãn, Cốc thần tồn.
Nghĩa là:
Vận khí thông quan, xoi cốt tiết,
Tự nhiên tinh đủ, dưỡng nguyên thần.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: "Từ chỗ: theo phép này... sắp xuống mấy câu, muôn quyển đan kinh chẳng nói ra ngoài vòng đó. Nói ra ngoài vòng đó là bàng môn. Chỗ Lão tử gọi rằng: "Trí hư cực, thủ tĩnh đốc, vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan kỳ phục". Nghĩa là: Phăng chỗ hư (trống) cho cùng cực, giữ lòng tịnh (lặng) cho hết sức, thì muôn vật đều phát hiện (hư trung sinh thật, vô trung sinh hữu), ta nhân đó mà thấy lại đặng bản lai hư tịnh là cái tâm của ta hồi ban sơ, tức là nói vô đây. (Theo kinh Dịch, âm cực thì nhất dương trở lại sinh nơi dưới, gọi là quẻ Phục. Phục là cái Đạo sinh sinh vô cùng chẳng dứt). Phải biết quý nó! Rán giữ lấy nó! Nhất là nguyện kẻ thượng đẳng căn khí hết lòng làm theo đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét