57.-KHẢM LY
Khảm li trở lại Khôn Càn,
Mượn khí thuần âm quá ngũ quan,
Phục lại thể Càn hườn Đại Đạo,
Mới hay Quốc Độ mở Huyền Quan.
Huyền Quan Nhứt Khiếu của Linh Tiêu,
Đạo Pháp đâu xa học hỏi nhiều,
Thanh lọc, phục hườn và mở Khiếu,
Thuần dương xuất tục, Tánh tiêu diêu.
Tiêu diêu khoái lạc có chi bằng,
Tánh hiệp vô vi cứ thượng thăng,
Thông thấu Tam Tài chi bí chỉ,
Còn Thầy, Thầy độ tận lương năng.
Có kẻ hỏi: Dịch có tám quẻ, mà kẻ cầu Đạo thường nói quẻ khảm, quẻ li mà thôi, là tại sao vậy?
Đáp: Quẻ Kiền thuộc dương, quẻ Khôn thuộc âm. Kiền ở phương nam, khôn ở phương bắc hai ngôi đối chiếu nhau. Đây là cái thể của tiên thiên. Kiền dương khi động tức sanh ngọn gió bất chánh, cho nên hào giữa ở quẻ Kiền sa vào giữa quẻ Khôn, làm cho quẻ Kiền thành ra quẻ Li, quẻ Khôn thành ta quẻ Khảm.
Nam bắc là hai cái then chốt của trời đất. Ấy là, theo bát quái tiên thiên, chỗ kiền khôn ở trước khi. Nay Kiền Khôn lui về địa vị vô dụng, rồi lại đem Li Khảm mà thế vào chỗ ấy, thì cái công dụng của hậu thiên mới phát hành. Chơn khí ở cung Khảm biến làm diên, tức là “Thiên nhứt sở sanh chi thuỷ” (là nước của Trời sanh ra lần thứ nhứt). Chơn tinh ở cung Li biến làm hống, tức là “Địa nhị sở sanh chi hoá” (là lửa của Đất sanh ra lần thứ nhì). Bởi cớ nam(1) đặng cái tinh nầy, mà dùng tinh hay biến đổi, cho nên đi thuận thì thành người. Nữ (1) đặng cái khí kia, nhưng dùng khí được vững bền, cho nên đi nghịch thì thành tiên.
Lấy chơn diên là tiên thiên chưa bị vọc khuấy (chưa nhiễm trần) chế chơn hống là hậu thiên chứa đã lâu rồi, thì hai loại mến nhau, triều nhau như vợ chồng, như con mẹ, chẳng dành rời nhau. Đó là tự nhiên như nhiên, không biết duyên cớ sao mà ra làm vậy.
(1) Nam đây là chỉ quẻ khảm. nữ đây là chỉ quẻ li. Sách Đạo Gia thường dùng hai chữ nam nữ chỉ khảm li, âm dương, chớ lấy nghĩa trai gái mà lầm.
Li là mặt nhựt, mặt nhựt chủ về dương tinh, mà hào giữa quẻ li thuộc âm, ấy là âm ngụ nơi nhà dương. Ở trong mình người, thiếu âm số 8, nam tử đặng số đó, cho nên hai tám (16 tuổi) thì chơn tinh thông (lậu tinh); thiếu dương số 7, nữ tử đặng số đó, cho nên hai bẩy (14 tuổi) thì thiên quí chí (có kỳ). Có phải nhờ dương đặng số âm, âm đặng số dương, mà được thấy nghĩa hộ tàng (cái nầy ngụ trong cái kia,
cái kia ngụ trong cái nầy) đó chăng?
Cho nên người muốn cầu Đạo thì phải đem cái hào dương trong quẻ khảm tái nhập cho được trong giữa quẻ li, thì mới phục lại thể kiền mà hườn ý Đại Đạo. Vả lại, dương ở trong âm lấy động làm chủ, cho nên lúc rút quẻ khảm chỉ phải coi chừng nó động. Còn âm ở trong dương lấy tịnh làm chủ, cho nên khi đắp quẻ li rồi, phải tịnh để dưỡng nó.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Dùng tinh hay biến đổi, người đời đều biết; dùng khí được vững bền, người đều không rõ, Lấy chơn diên tiên thiên chưa bị vọc khuấy mà chế chơn hống hậu thiên chưa đã lâu rồi. Hai câu nầy tiết lậu cái bí chỉ của trọn bộ Ngộ Chơn thiên, kẻ đắc quyết (1) tự mình hiểu lấy.
Lúc rút quẻ khảm, chỉ coi chừng nó động, khi đắp quẻ li rồi, phải tịnh để dưỡng nó, lại là một câu khẩu quyết còn trọng yếu hơn nữa.
(1) Đắc quyết nghĩa là được thày truyền bí quyết rồi.
58.-KHAI QUAN (Mở cửa ải)
Khai quan điểm nhãn khách phàm phu,
Kiến tánh minh tâm hết điếc mù,
Hoán đổi hậu thiên thành chánh khí,
Phá tan cửa ngục thoát lao tù.
Lao tù cơ thể nhốt chơn linh,
Thiên Tánh tự nhiên biến Thất Tình,
Vận chuyển Pháp Luân trừ nội tặc,
Lưu thanh khử trược khoẻ thần minh.
Minh lý đạo mầu kíp luyện phanh,
Đạo năng khai giải, Đạo năng hành,
Khai quan tựu khí thông đường cũ,
Chí lớn căn sâu Đạo đắc thành.
Trong mình người có mạch Nhâm và mạch Dốc. Đương hồi còn trong thai bào, hai mạch nầy thường vận chuyển không bao giờ gián đoạn, nên thần khí hỗn hiệp, thông với tiên thiên. Đến khí xé bọc ra, cắt rún rồi, thì mạch nầy bèn chia làm hai: Mạch Nhậm chủ về phần âm, khởi tại huyệt Thừa tương (môi dưới) mà dứt ở huyệt Hội âm (gần lỗ đại, phía trước) ; mạch Đốc chủ về phần dương, khởi tại huyệt Trường cường (gần lỗ đại, phía sau) mà dứt ở Nhơn trung (môi trên) (1), thì âm dương hết giao, trước sau gián đoạn. nê hườn chẳng cùng đơn điền giao thông, khí Đơn điền chẳng cùng Vĩ lư thấu suốt, quan khiếu chẳng thông, hoá cơ không chủ. Do cái khí bẩm nhiều ít mà thành ra thọ mạng vắn dài. Cho nên ngày chết đã định rồi từ khi con người mới sanh ra.
(1) Coi bản đồ trong bài chữ Mạch.
Xưa có người hiểu lý nầy trước hết, được chứng quả trường sanh, là nhờ có phép châu thiên thăng giáng, hà xa vận chuyển khiến cho hai mạch liền nhau, tuần hườn không dứt, ba quan khai thông, châu lưu chẳng nghỉ. Theo phép nầy, trước giờ tý, sau giờ ngọ, ngồi xếp bằng ngay thẳng, bốn cửa bế ở ngoài, hai mắt xem vào trong, trong trẻo như nước đứng, vắng lặng tợ nhà không, sẽ đến không lo, qua rồi chẳng tưởng, tâm chẳng sanh diệt, khí không ra vào. Hãy điều hơi thở cho lâu, chú tưởng tại đơn điền, giữ đừng cho khí tán, thì mới nghe trong đơn điền có khí phát động. Tức thì đem hơi thở lỗ mũi cẩn bế nơi dạ dưới, lấy ý mà phụ hơi một chút, cho khí thông vĩ lư. Vĩ lư thông thì phải nhiếu hơi cốc đạo ( lỗ đại), lưỡi chống ổ gà, dùng ý dẫn từ từ lên tới nê hoàn. Đem khí lên tới Nê hoàn gọi là hoàn tinh bổ não. Một chập, khí ấy hoá ra cam lộ, do thước kiều(1) mà đi xuống, thì bỏ cái lưỡi xuống, tự nhiên hội yết khai thông, dùng ý nhẹ nhẹ đưa về ngươn hải. Đó là một hiệp. Đủ 360 hiệp như vậy gọi là châu thiên.
Làm như vậy cho lâu, tự nhiên khí cơ lưu chuyển, cốt tiết xoi thông, ba quan lần mở, hai mạch tìm lại con đường Tào khê, có cảm sẽ thông, vào cửa chúng diệu (huyền khiếu), ngươn tinh hết chạy ra nữa.
Trên là một tiết công phu, có thể làm cho người sống lâu. Tới việc bảo ngươn khế hư (giữ gìn huyền khiếu, hiệp với hư không), thoát thai thần hoá (thần ra khỏi thai, vô cùng biến hoá), lại có một từng công phu vi diệu khác nữa, nhưng kỳ thiệt cũng tự bước đầu nầy mà tiến lên.
(1) thước kiều là cầu của chim ô thước bắt qua sông Ngân Hà cho Chức Nữ sang gặp Ngưu Lang đêm mồng bẩy tháng bảy. Đây có nghĩa là chỗ nguy hiểm khó qua (ngõ thông ra lỗ mũi).
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Giữ điều hơi thở, có ngày phục trú cái khí hậu thiên, chứa khí khai quan, tự nhiên trở lại con đường tiên thiên, tức là chỗ gọi, tìm được con đường trước đi lại.”
59.-TỰU CHÁNH
Tựu chánh lâu ngày đắc chánh trung,
Tâm hồn, tánh vía thảy qui không,
Thế gian cõi tạm nương thân độ,
Công quả, công phu đến tận cùng.
Cùng tận tánh chơn rõ Đạo mầu,
Biết đường chẳng luận chậm hay mau,
Trở về nguồn sống mà vui sống,
Tận độ khách trần học Đạo Cao.
Cao Đài xuất thế độ toàn linh,
Học Đạo giác mê cũng tự mình,
Thánh thể Thấy phô bày trước mắt,
Người không giác ngộ mối Thiên Tình.
Đức Khổng Thánh nói rằng: “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫu ư sự nhi thận ư ngôn, tựu hữu đạo nhi chánh diên”, nghĩa là: Người quân tử (chuyên tâm dốc chí về sự học) ăn không kịp no, ở không kịp yên, nhặm lẹ về việc làm, dặt dè trong lời nói (nhưng còn chưa dám cho mình làm phải). Lại hay gần gũi với người có Đạo để chất chánh những điều trái phải.
Tựu là đến gần, chánh là chất chánh (hỏi cho chính đính về chỗ còn nghi ngờ). Tựu chánh nghĩa là gần người có Đạo để chất chánh trái phải.
Ngài chuyên tâm gắng sức, có thể nói là học đúng theo tông chỉ. Vậy mà còn phải gần gũi người có Đạo để minh biện chánh tà. Chẳng phải ngài có ý quá khiêm, kỳ thiệt là muốn học thêm mà thôi. Ngài thiệt thấy rõ Đạo Lý trong thiên hạ vô cùng, còn học vấn của một người thì hữu hạn. Cho nên Đại Thuấn là bức thánh nhơn, còn ham hỏi và ưu xét những lời thiển cận, quên mình mà theo người, vui xem gương người để làm lành. Nhan tử là bực đại hiền, mình có tài năng mà hỏi người không tài năng, mình nhiều học thức mà hỏi kẻ không học thức, có như không có, đầu tợ trống trơn.
Từ xưa đến nay, thánh không tự xưng mình là thánh, cho nên nhờ đó mà làm thánh, hiền không tự xưng mình là hiền, cho nên nhờ đó mà làm hiền. Người nay chẳng phải vậy. Họ tự khoe mình đã gặp thầy, mà chẳng xét coi thầy đó chơn hay giả, tự khoe mình đã cầu Đạo, mà chẳng xét coi Đạo đó sâu hay cạn. Họ lầm theo bàng môn, luyện đui tu mù, rốt cuộc không nên tỉnh ngộ. Có kẻ thương họ lầm lạc, lấy Đạo chánh mà chỉ dạy, họ cũng không tin nữa!
Kinh Dịch nói rằng: một âm một dương gọi là Đạo. Kẻ nhân thấy Đạo gọi Đạo là nhân, kẻ trí thấy Đạo gọi Đạo là trí. Đời nay, những nhà luận Đạo đều là người thấy nhân thấy trí, cầu luôn về gốc ngọn, gồm hết cả dưới trên, giữ trọn tánh mạng song tu, Đạo đã minh, đức đã lập, tất nhiên phải chờ người dốc lòng ham học, thường có lòng tựu chánh, mới là nói Đạo cùng họ.
Kẻ sĩ có Đạo mới có thể làm nên thân mình, giúp người tròn phận, mới có thể xét rộng, rồi tuỳ thời mà thi thố. Tỉ như cái chuông lớn, đánh mạnh thì nó kêu lớn, đánh nhẹ thì nó kêu nhỏ, chẳng đánh thì nó không kêu. Chẳng đánh mà kêu thì người ta cho là cái chuông kỳ quái, còn đánh mà không kêu thì người ta cho là cái chuông đồ bỏ. Cho nên người có Đạo tuỳ người mà giúp ích, chẳng phải để mất người, nghĩa là: Gặp người nên giúp thì chẳng bỏ qua, lại cũng chẳng phải để mất lời nói, nghĩa là: chẳng nên nói Đạo với người không biết gì.
Có kẻ hỏi: Như ở đời nầy, có kẻ sĩ mộ Đạo, mà khó gặp người có Đạo, là tại sao vậy?
Đáp: Kinh sách ở trong đời nầy tự người có đạo truyền lại. Mình xem kinh sách mà tựu chánh. chỉ giữ đừng phạm câu kinh sách dặn, thì lời dạy ta chẳng phải là nhiều sao?
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Muốn gần người có Đạo để chất chánh phải quấy, nếu ta chẳng có Đạo thì làm sao biết được người có Đạo? Huống Đạo có lớn có nhỏ chẳng đồng, có tà có chánh khác xa. Mình đặng chánh rồi mới biết chỗ chánh của người, mình không tà rồi mới biết chỗ tà của người. Nếu chẳng phân biệt trắng đen, gặp người thì cầu giáo, làm như thế mà không theo bàng môn ngoại đạo, thiệt là ít có lắm!”
60.-PHỤ GIẢI VỀ CHỮ NHÂN (của dịch giả)
Câu “Nhân giả nhơn dã” là lời của thầy Mạnh Tử (coi sách Mạnh Tử, chương Tận Tâm). Chữ nhân đây chỉ cái lý do mà con người được nên người, cái đức tánh hoàn toàn mà người muốn làm người phải giữ lấy đó làm căn bản.
Thầy Mạnh Tử cũng có nói (coi chương Cáo Tử): “Nhân, nhơn tâm dã”, nghĩa là: Nhân là lòng người vậy. Hay là nói một cách khác: Nhân là bổn đức của cái tâm. Tức là chỗ thầy Trình Tử gọi: “Tâm như cốc chủng”, nghĩa là: Tâm in như hột lúa giống. Đây nói nhân là cái tánh hay sanh sanh hoá hoá của cái tâm.
Đức Lữ Tổ cũng nói: “Thiên địa chi đại đức viết sanh, sở dĩ sanh sanh giả viết huyền. Tại thiên vị chi huyền, tại nhơn vị chi nhân”. Nghĩa là: Cái đức lớn của trời đất gọi là sanh, cái lý bởi đó mà sanh hoá gọi là huyền. Ở trên trời thì gọi là huyền, ở trong mình người thì gọi là nhân.
Ông Bác sĩ Nhựt Bổn, Phục Bộ Vũ Chi Cát, là một nhà nghiên cứu về triết học nước Tàu rất sâu sắc, không những nổi tiếng ở Nhựt Bổn, mà còn nổi tiếng cả Trung Quốc và Âu Mỹ nữa. Ông diễn thuyết về vấn đề “Cái hư tưởng căn bổng của Khổng, Mạnh”, có nói rằng:
Ngài (đức Khổng Tử) đối với môn nhơn là Tăng Tử và Tử Cống nói câu “Nhất dĩ quán chi”, ấy là ngài nói về cái nguyên lý căn bổn của ngài đó.
Nhưng cái nguyên lý căn bổn của học thuyết đức Khổng tử là gì? Cái nguyên lý căn bổn của Đức Khổng Tử, cứ như lời Tăng Tử nói khi đáp lại các môn nhơn thời không ngoài một chữ nhân. Thế mà các nhà Nho từ xưa đến nay nói rõ về chữ nhân là nguyên lý căn bổn của Khổng Tử thời ở nước Tàu chỉ có Lưu Xướng và ở Nhựt Bổn có Y Đằng, Nhân Trái và Vật Tô Lai ba người.
Nay chữ nhân phải giải thích ra thế nào? Cứ theo ý riêng của tôi, Khổng tử nói nhân một mặt là chỉ đức Trời, một mặt là chỉ cái bổn tánh của loài người ta sẵn có. Khổng Tử đã lấy nhân làm cái thiên tánh của loài người ta vốn có, bèn đem nhân mà thiệt hiện ra mỗi việc, khiến cho ta vừa trọn được cái đạo của ta, vừa trọn được cái đạo thờ trời.
Xem trên đó thì đủ biết nghĩa chữ nhân rộng là thế nào. Cho nên nói nhân hay háo sanh, ái nhơn thì được, mà nói háo sanh, ái nhơn là nhân thì không đủ, vì đó chỉ là một phần việc của nhân mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét