50.-ĐỨC
Công phu tích đức trở về lành,
Đức vẹn tánh hườn Đạo trọn danh,
Pháp tánh vượt ra vòng đối đãi,
Trường sanh liễu ngộ, đắc vô sanh.
Vô sanh kỳ thật đức vô cùng,
Vô cực vô biên đấng Chí Công,
Năng học thiên nhiên hoà vạn loại,
Mới tường pháp nhiệm Đấng Huyền Khung.
Khung cảnh trần gian lắm dị đồng,
Buộc ràng tâm tánh khó hườn “không”,
Ai hay tự giác năng tu đức,
Tỏ rạng lương tri hiểu tận cùng.
Người đời nay ít ai đặng Đạo. Chẳng phải là Đạo khó đặng, tại biết chưa thiệt, giữ không bền.
Muốn hành công phu nhập đức (vào cõi đức hạnh), trước phải biết cơ vi (1). Muốn hành công phu sùng đức (quí trọng đức hạnh), trước phải giữ thành ý. Muốn hành công phu tu đức (trau sửa đức hạnh),
trước phải cải về lành.
Thánh nhơn nói rằng: “Xá đức chi nguyên tỉ ư xích tử”, nghĩa là: Cái gốc chứa đức tỉ như con đó..., Con người, khi ban sơ, ai lại không phải là con đỏ? Chỉ trừ cho sạch hết tập nhiễu, trở lại con đỏ khi ban sơ, làm được bấy nhiêu là trọn đức của thánh nhơn rồi.
Vua tôi, cha con, chồng cợ, anh em, bằng hữu, là năm cái đạt đạo (2) của thiên hạ. Bỏ năm bực nầy ra mà nói Đạo, tức là ngoại đạo (ra ngoài đạo).
Trí, nhân, dõng, là ba cái đạt đức của thiên hạ. Bỏ ba thứ nầy ra mà nói đức, tức là bội đức (trái với đức).
Người đời xưa, mỗi lần giận, làm cho thiên hạ yên. Ta nay cũng lấy cái giận ấy mà làm cho tâm mình yên, mới gọi là đại dõng. Dõng phải có trí trợ sức, có nhân làm cho đến thành công. Trí nghĩa là giác mà không mê. Nhân nghĩa là thuần mà chẳng tạp. ba thứ nầy phải cho đủ mới gọi là chí đức. Chí đức được lập thành thì Đại Đạo mới ngưng kiết (tụ mà không rời rạc, ý nói kết quả tốt).
(1) Một sự biến hoá đều tử ẩn vi mà phát ra hiển hiện, từ giản dị mà phát ra phiền tạp, vì vậy cho nên đạo Nho cốt nhứt là phải biết cơ, thấy cơ. Phải phòng vi đổ tiệm. Cơ vi là cái tiên triệu mới phát rất nhỏ nhẹm. Đây nói cơ vi ở trong tâm người.
(2) Đạt đạo là con đường xưa nay ai ai cũng đều phải noi theo đó. Đạt đức là cái lý xưa thiên hạ đồng đặng như nhau (coi sách Trung Dung chương thứ 20).
Đức Khổng Tử nói: Cứ ư đức. Cứ nghĩa là cố chấp (nắm chặt), đừng sờn chí ngã lòng. Có cái tánh nầy thì một lần đặng việc chi là đặng luôn luôn, chẳng khi nào sợ mất. Cố chấp lâu rồi quen, quen thì tự đổi ra nhân.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Châu Tử nói: Đức là đắc (đặng). Đức là hành đạo có sở đắc trong tâm.
Chúng ta bình thường nên rán xét nét lấy mình, coi quả có chơn tri không? Quả có chơn đức không? Hết thảy chỗ nghe, chỗ thấy có được chính chắn không? Nếu có thì phải gắng sức làm thêm, bằng không thì tự hỏi mình có yên được chăng?
51.-NHÂN
Làm người chí mỹ, trọn lòng nhân,
Ngôi Phật, Thánh, Tiên, chẳng mất phần,
Tiên gọi Kim đơn, Phật Xá lợi,
Chơn Nhơn xuất tục thoát phàm trần.
Trần tình trói buộc khách trần ai,
Hay đắm say mê chịu đoạ đày,
Nhân giả siêu sinh, chơn Phật dã,
Thánh Tiên thoát tục, cũng chung bài.
Bài học làm người trọn giác lành,
Lương tri hướng thượng chí cao thanh,
Vượt qua bỉ ngạn, năng tu kỷ,
Trọn đạo vi nhơn, đạo chí thành.
Nhân giả nhơn dã, nghĩa là: nhân tức là người vậy (1). Kẻ bất nhân mà muốn thành chơn nhơn thì chẳng hề có vậy bao giờ.
Theo ta hiểu, nhà Nho gọi nhân, tức là chỗ Phật gọi Xá lợi, Tiên gọi là Kim đơn.
Tâm là cái nhà của nhân, nhân là người chủ trong tâm. Chỉ đem cái tâm nầy mà quét cho ráo rẻ sạch không, thì liền nghe ngươn khí phục hồi, tay chơn thân thể đều khoẻ khoắn, ngoãnh lại xem muôn vật cũng đồng có một vẻ đẹp vui. Cho nên nói: “Nhứt nhựt khắc kỷ phục lễ, thiên hạ qui nhân”. Nghĩa là: một ngày sửa mình theo lễ (chế trừ phần tư dục mà trở lại lẽ phải tự nhiên) thì muôn việc trong thiên hạ đều theo về nhân cả
Cái lý sanh sanh của Trời Đất gồm ở trong tâm người ta gọi là nhân (2), ấy là lấy cớ năng sanh mà nói. Hột ở trong trái, người ta cũng gọi nó là nhân, đây cũng là lấy cớ năng sanh. Sao người ta chẳng đem cái lý sanh sanh nầy mà tồn dưỡng nơi tâm?
Ngô Lâm Xuyên nói: “nhân giả thọ”, nghĩa là: người có nhân được sống lâu. Ta thường vịn theo đó mà xét coi người thiên hạ. Phàm kẻ nào có khí ôn hoà thì sống lâu, chất hiền lương thì sống lâu, lượng khoan hồng thì sống lâu, tướng trầm trọng thì sống lâu, lời chất phác thì sống lâu. Nhưng ôn hoá, hiền lương, khoan hồng, trầm trọng, chất phác, đều là một mối của chữ nhân cả, cho nên họ được sống lâu là phải. Lâm Xuyên chỉ luận một mối mà còn được sống lâu thay. Huống gồm đủ cả năm đức tánh nói trên thì lại càng sống lâu hơn nữa, tưởng không cần hỏi ai cũng đủ biết.
(1) Coi bài phụ giải về chữ Nhân ở sau rốt bộ Dưỡng Chơn Tập.
(2) Coi sách Luận ngữ, chương thứ 12 (Nhan Uyên).
Chữ Thiên hạ ở đây có nhiều nghĩa. Theo thầy Châu Tử thì thiên hạ là thiên hạ chi nhơn, nghĩa là hết thảy những người trong thiên hạ đều khen cho là nhân.
Thiên hạ cũng có nghĩa là mọi vật, mọi việc trong thiên hạ. Thầy Trình Tử nói rằng: Khắc kỷ phục lễ tắc sự giai nhân, cố viết: Thiên hạ qui nhân. Nghĩa là” Sửa mình theo lễ thì mọi việc đều là nhân. Cho nên nói: thiên hạ đều theo về nhân cả. Cái nghĩa sau nầy rộng hơn.
Theo sách Tánh Mạnh Khuê Chỉ, thiên hạ lại có một cái nghĩa khác cũng nên biết. Trong bản đồ trung tâm có câu giải rằng: Kịch dịch nói : thiên hạ hà tư hà lự? Sách Luận ngữ nói: Thiên hạ qui nhân. Chữ hạ nầy với chữ gian trong thiên địa chi gian, chữ tâm trong thiên địa chi tâm, đều là chỉ ngôi trung nầy mà nói, tức là chỗ vui của đức khổng tử thầy Nhan vậy.
Sách Luận Ngữ nói: “Nhân giả nhạo sơn”, nghĩa là người có nhân ưa núi. Vả chăng núi là một vật từ xưa đến nay chẳng hề dời đổi. Trong các vật sống lâu, không có chi bằng núi. Núi mới thường tịnh. Người có nhân thường tịnh, thì thần ngưng, khí kiết, tinh mãn, hình cố (thần đọng, khí tụ, tinh đủ, hình bền), há lại không có người sống lâu sao?
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Thầy Nhan hỏi về chữ nhân. Đức Khổng Tử dạy phải khắc kỷ phục lễ, là làm kiền đạo, khiến phải một đao chặt lìa hai đoạn, tức là chỗ nhà Thiền gọi đốn giáo. Trọng Cung cũng hỏi về chữ nhân. Đức Khổng Tử dạy phải giữ lòng thành kính, làm đạo thứ (1), là làm khôn đạo, khiến phải theo thứ tự mà đi lần tới, tức là chỗ nhà Thiền gọi tiệm giáo. Tại làng Khuyết Lý trước đã có dạy người cái nghĩa đó, chớ nào phải chờ có nam Năng, bắc Tú (2) rồi mới phân đốn, tiệm khác nhau đâu!
(1) Thứ nghĩa là suy lòng ta ra lòng người.
(2) Huệ Năng truyền đạo ở phương nam. Thần Tú ở phương bắc (coi sự tích trong cuốn Pháp Bửu Đàn Kinh)
52.-TỊNH
Tịnh là yên lặng để soi lòng,
Giữ vẹn tín thành đón “Chủ Ông”,
Thần khí giao hoà “Nhơn Nhứt Tức”,
Tánh tình qui hiệp Hạo Nhiên Không,
Trang nghiêm, sáu thức hườn minh triết,
Thanh tịnh, Ba Ngôi dựng đại đồng,
Hỡi bạn tu hành chuyên thủ nhứt,
Chuyện đời xem nhẹ tợ như lông.
Ngạn ngữ nói rằng: “Thánh nhơn chủ tịnh lập nhơn cực” Nghĩa là: Thánh nhân chủ về phép tịnh là cốt để đạt tới ngôi tuyệt đích của con người. Ngôi nầy là ngôi gì? Là ngôi đại trung.
Những bực thánh nhân chủ về phép tịnh, chẳng phải cho phép tịnh là hay, mà để ý về đó. Thiệt là muôn vật không đủ gì làm náo loạn cái tâm mình, chẳng cầu tịnh mà tự nhiên được tịnh.
Nay có kẻ cầu tịnh chưa đặng chơn truyền, đều nói: xiềng chặt con vượn tâm, cột cứng con ngựa ý. Đến khi xiềng cột không được, bèn cho cái tâm nầy, dầu làm thế nào, cũng không tịnh được.
Sao mà chẳng nghĩ lại, lỗi ấy lại chẳng trí tri. Trí tri thì sáng, sáng thì thấy được cái lý trong thiên hạ đều là đình đình đáng đáng (1), một mảy ý riêng không dính dấp với nó được. Đây là chỗ gọi: Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tịnh, tịnh nhi hậu năng an (2).
(1) Coi lời giải trong bài chữ Vật.
(2) Coi nghĩa trong bài chữ Tánh Mạnh và chữ Ngôn. Tri chi là biết chỗ xu hướng tức là cõi chí thiện,
tức là ngôi đại trung.
Ngoài quên danh lợi thì thân yên, trong quên tư lự thì tâm yên, Người đều nói: thân yên tức là phước. Có kẻ lại nói: tâm yên tức là Đạo.
Huệ Khả yết kiến đức Đạt Ma mà bạch rằng: Cái tâm của tôi chưa được yên, nhờ thầy dạy phép cho nó yên.
Đạt Ma nói: Đem cái tâm lại đây rồi ta cho người được yên.
Khả đáp: Kiếm tâm quyết không thể nào được.
Đạt Ma nói: Vậy ta cho người yên đó.
Tâm sau êm đềm, Khả bèn nói rằng:
Tam tế cầu tâm tâm bất hữu,
Thốn tâm mích vọng, vọng nguyên vô,
Vọng nguyên vô xứ tức bồ đề,
Thị tắc danh vi chơn đắc Đạo.
Nghĩa là:
Ba cõi kiếm tâm, tâm chẳng có,
Trong lòng hỏi vọng, vọng xưa không,
Chỗ xưa không vọng ấy bồ đề,
Vậy mói gọi là thiệt đắc Đạo.
Cáo tử không động tâm là vì: bất đắc vật cầu, Nghĩa là: chẳng được thì đừng cầu, bỏ lơ mà không động (1). Đời sau, có những kẻ tu khô khan (ù lỳ) như thế đều là bọn cáo tử cả. Chẳng phải người hiểu Đạo,
thì ai biết là họ lầm.
(1) Sách Mạnh Tử, thiên Công Tôn sửu thượng nói rằng: “Viết cảm cấn phu tử chi bất động tâm dữ Cáo tử chi bất động tâm, khả đắc văn dư? Cáo tử viết “Bất đắc ư ngôn, vật cầu ư tâm, bất đắc ư tâm, vật” cầu ư khí.” Bất đắc ư tâm, vật cầu ư khí, khả; bất đắc ư ngôn, vật cầu ư tâm, bất khả”. Nghĩa là: Sửu nói: Dám hỏi nhà thầy không động tâm với Cáo tử không động tâm, cái mẹo có thể nghe được chăng? thầy nói: Cáo tử nói rằng: “Lời nói mà chẳng được thông thì chớ suy nghĩ ở trong tâm (sợ sanh ra ngờ vực, náo loạn); trong tâm mà chẳng được yên, thì chớ động chi đến khí.” Nói rằng tâm chẳng được yên, thì chớ động chi đến khí, còn hơi phải. Nói rằng, lời nói chẳng được thông chớ suy nghĩ ở trong tâm, thì không phải.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Người nào ở trong quên được tự lự, ở ngoài quên được danh lợi, thì cái công phu chủ tịch kia chẳng cần đợi nói nữa. Nếu tự lự chưa trừ, danh lợi chưa dứt, dẫu có tịnh cũng trong chốc lát mà thôi, chớ đâu được lâu dài. Kềm, thúc hay là tự nhiên, xét thấu hay là chưa xét thấu, sai đi một hào, thì thấy khác xa như một trời, một vực.”
53.-LẠC
Vui sướng chi hơn đắc Đạo mầu,
Vượt xa thế tục chẳng tham cầu,
Chúng dân đắc Đạo, hơn vua chúa,
Thoát bể trầm luân có dễ đâu.
Đâu bằng khách Đạo luận thanh nhàn,
Chẳng phải lánh đời, tánh định an,
Xét thấu muôn duyên là giả hợp,
Chi nên chuyển cõi sống huy hoàng.
Huy hoàng lạc cảnh tự tâm trung,
Pháp giới mênh mông chẳng tận cùng,
Chuyển hoá tinh thần về cõi tịnh,
Mới hay tâm lạc tại kỳ trung.
Vui có chi vui bằng đắc Đạo, dân chúng đắc Đạo vui hơn bực vương hầu, khổ có chi khổ bằng thất Đạo, vương hầu thất Đạo khổ hơn người xách bị.
Một ngày học Đạo, một ngày sung sướng, ngày ngày học Đạo, ngày ngày sung sướng, chung thân học Đạo, chung thân sung sướng. Học Đạo là cái pháp môn an lạc, cho nên Thánh nhơn học mà không nhàm.
Châu Mậu Thúc dạy hai họ Trình tìm chỗ vui của Đức Khổng, của thầy Nhan. Cái vui nầy ở trong thân người, cầu ngược vào trong thì tự nhiên có đủ.
Mạnh Tử nói rằng: Người quân tử có ba điều vui:
1. Vui về thiên luân (cha mẹ song toàn, anh em vô sự).
2. Vui về tánh phận ngước lên chẳng hổ cùng Trời, cúi xuống không thẹn với người).
3. Vui về danh giáo (tụ hiệp bực anh tài, chỉ dạy cho biết Đạo).
Cái vui ở đâu trên trời hay là ở tại người khác, ta không thể chắc cầu được. Còn cái vui ở nơi ta, sao mà chẳng lấy hết sức mình để cầu cho được nó vậy?
Nay người có ai bị kẻ khác sai khiến chăng? Có ai bị muôn vật sai khiến chăng? Có ai bị hình thể sai khiến chăng? Người nào trừ được ba thứ sai khiến này thì mới có thể nói chuyện đến sự vui với họ.
Thường thấy kẻ đa mang công việc, hết sức hết gân, chỉ trông buông ra mà nghỉ, thì nghe khoái sướng trong mình lắm. Người học Đạo, nếu buông nghĩ được, lại vui gấp mấy muôn lần hơn kẻ thế.
Lối mấy năm trước, ta đi đường xa mà lại gặp nắng gắt, thấy một ông già ngồi trong nhà mát, ta cho ông ấy là cực vui sướng. Nay ta nhàn rỗi, ngồi dưới gốc cây, tàng che mát mẻ, mà chẳng thấy gì là vui sướng hết, sao vậy? Năm trước, ta đương cực nhọc mà thấy người thong thả, mới có cái tư tưởng vui ấy. Ý đó có phải là nghèo thấy giàu, hèn thấy sang, mà đều như thế hết chăng?
Làm người, ai ở địa vị nào thì cứ làm theo địa vị nấy, thế thì không vào cảnh nào mà chẳng tự đắc (toại chí). Phàm để tâm ước mơ ra ngoài, không có chi ích cả. Hết thảy các phan duyên, nghiệp trái, phải quấy, tội phước, đều do nơi một niệm ước mơ ra ngoài đó mà phát khởi, vậy chẳng nên dè dặt sao?
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Học Đạo là pháp môn an lạc, người hay cho nó là khổ, còn danh lợi là việc cực nhọc, mà trái lại người cho nó là vui. Huệ nhãn với nhục nhãn tự nhiên phải có chỗ khác nhau là thế!
54.-THÁI CỰC
Thái cực Thánh Hoàng bực Chí tôn,
Năng sanh, năng hoá, độ linh hồn,
Tìm nguồn Thái Cực nới linh khiếu,
Mới biết nhiệm mầu diệu pháp môn.
Môn sinh học Đạo luyện kim đơn,
Biết phép cầm thâu, biết phục hườn,
Biết giống Tiên Thiên nơi Tổ Khiếu,
Ngàn tu muôn luyện, một Chơn Nhơn.
Nhơn năng tiến hoá ngộ nơi mình,
Biết chuyển pháp Luân mở khiếu linh,
Tâm Pháp nhãn tàng rày đã rõ,
Mới hay Trời Phật rộng chơn tình.
Coi lời giải trong bài chữ Thức
Thái cực là tổ sanh lưỡng nghi (âm dương). Lưỡng nghi là tổ sanh Trời Đất. Trời đất là tổ sanh muôn vật. Tu thân bằng tổ khí thì thân được vững bền. Vẽ bùa với tổ khí thì bùa sẽ linh nghiệm.
Ở trong mình người, thái cực gọi là huyền tẫn, Ấy là hai thứ chơn tinh diệu hiệp, tự nhiên mà tạo thành. Nó là gốc của thần khí, cũng là khiếu của tánh mạng.
Đại khái, xem xét cái cơ Đạo của Trời, noi theo cách vận hành của Đất, làm hai việc đó thì trọn rồi.
Một âm, một dương, hai cái phối hiệp cùng nhau, là cái cơ Đạo của Trời Đất. Nhựt nguyệt vần xây, ngày đêm hiệp sáng với nhau, là cách vận hành của Trời Đất. Cho nên nói: Trời Đất sắp theo ngôi thứ thì có “dịch” vận hành nơi giữa.
Nói dịch là chỉ khảm li. Thánh nhơn biết như thế nên mới lấy kiền khôn làm đảnh khí, lấy ô thố làm dược vật (1). Ở trong đó, khi phát, khi tàng, khi đầy, khi với, có số, cũng phải lấy hoả hậu mà toán định (2).
Âm Phù kinh nói rằng: Nhựt nguyệt hữu số, đại tiểu hữu định, thánh công sanh diên, thần minh xuất diên. Nghĩa là: nhựt nguyệt có độ số (châu thiên), lớn nhỏ (âm dương) có nhứt định (văng lai), thánh nhơn theo đó mà hành công phu, tự nhiên có thần minh (thiên cơ tạo hoá) phát lộ. Tóm lại, trộm được cái máy nghịch dụng (vận dụng đi trở ngược lại) là đủ rồi.
(1) Đạo Quang nói rằng: Kinh nói: Nhựt nguyệt vốn là tinh ba của kiền khôn. Thánh nhơn vi kiền khôn như đảnh khí, tỉ nhựt nguyệt như đơn dược. Kiền khôn tức là chơn long chơn hổ.
Nhựt nguyệt là huyền khí của long hổ.
(2) Thánh nhơn mượn vật hữu hình mà ví dụ. Kỳ thiệt chỉ đem tính “chơn nhứt” về huỳnh đạo. Huỳnh đạo là trung cung, chỗ kim đơn ngưng kiết.
Trời đất phân rẽ, nhựt nguyệt vần xây, chiếu diệu hiệp sáng, thì tạo hoá sanh vậy. Nhựt nguyệt là tinh thần của trời đất, của âm dương. Nói theo bát quái, tức là khảm li. Ô tinh là khí âm ở trong quẻ li, thố tuỷ là khí dương ở trong quẻ khảm.
Theo phép luyện đơn thì lấy ô thố để làm dược vật (vị thuốc), chẳng qua là biết cái tinh ba của ngũ tạng, rồi trộm cái cơ mầu nghịch dụng mà thôi. Dược vật sanh sản có thời tiết, hái lấy có cân lường, vận chuyển có pháp độ. Chỗ cốt yếu là tại mặt trăng mọc lúc canh sơ (trăng lưỡi liềm mông ba mới phát sanh kim khí), diên khí sanh hồi quí hậu (khi có quí thuỷ rồi), nhựt nguyệt hiệp sáng, âm dương hoà khí, tự nhiên mà đơn thành. Cho nên hình chữ đơn do hai chữ nhựt nguyệt hiệp lại.
Có kẻ hỏi: Sao mà gọi là kim dịch hườn đơn?
Đáp: Vật mất rồi mà tìm lại được gọi là hườn. Thâu lấy khí kim ở trong thuỷ, hiệp với khí hống của ta, mà được thành công, gọi là kim dịch.
Bạch Tẫn Lão Nhơn nói rằng : “Thái Cực là lý, là tánh, Lưỡng nghi là khí, là mạng. Kỳ thiệt, ngoài lý không có khí, ngoài khí không có lý, đủ thấy mạng chẳng phải chia ở hai chỗ riêng. Tu tánh tức là phương dưỡng mạng, cũng như đầy bụng (thật phúc) tức là phép trống lòng (hư tâm) vậy
55.-TRUNG
Đạo mầu hiển lộ tại ngôi “Trung”,
Chẳng thấp chẳng cao, chẳng tận cùng,
Ai biết “Qui Trung” vào Chánh Đạo,
Nơi nầy siêu xuất “Chủ Nhơn Ông”.
Ông Phật, Ông Tiên, cũng hiệp qui,
Qui Tam, Hiệp Ngũ, tại thân này,
Duy tinh, duy nhứt, rồi qui hiệp,
Suất tánh tinh thông lữ diệu kỳ.
Diệu kỳ Tánh tự ngôi “Trung”,
Tâm Pháp nhãn tàng nói chẳng cùng,
Quán nhứt chấp trung cầm mối Đạo,
Thông rồi một mối, vạn nguồn thông.
Những bực thánh xưa truyền lại cho nhau, chỉ có một chữ trung chẳng chinh lịch, chẳng dựa nương, là cái thể của chữ trung. Chẳng quá chừng, chẳng không kịp, là cái dụng của chữ trung.
Đạo Đức nói rằng: Thị dĩ Thánh nhơn chi trị (dân), hư kỳ tâm, thật kỳ phúc, nhược kỳ chí, cường kỳ cốt, thường sử dân vô tri vô dục, sử phù tri giả bất cảm vi dã, vi vô vi tắc vô bất trị. Nghĩa là: Cho nên những bực vua thánh trị dân, làm cho chúng nó trống lòng mà đầy bụng yếu chí mà mạnh xương, thường khiến dân không hay biết, không lòng tham (thanh tịnh), khiến kẻ trí chẳng dám dùng trí mình (mưu loạn), làm theo phép vô vi mà không chỗ nào chẳng được trị an.
Trống lòng đầy bụng nghĩa bóng là trống lòng dục, đầy lòng Đạo, chớ chẳng phải nói cho dân ăn no mà để cho nó dốt.
Vua Nghiêu nói rằng: Doãn chấp khuyết trung nghĩa là: tin chắc nắm giữ chữ trung của mình. Chấp trung đây là nói gồm luôn về động, về tịnh. Tịnh thì giữ chữ trung ấy để tồn tâm (dưỡng tinh thần), động thì giữ chữ trung ấy để ứng sự (đối người vật).
Doãn nghĩa là tin chắc. Có cái ý do thời kỳ, tuỳ sự vật, tự nhiên mà nắm giữ chữ trung, chớ không có một mảy miễn cượng, gián đoạn nào cả.
Vua Thuấn nói rằng: Duy tinh duy nhứt. Rõ thấy chỗ huyền vi, gọi là tinh. Trước sau giữ một dạ, gọi là nhứt. Ý nói làm người phải nghe thấy cho (duy tinh), giữ chí được (duy nhứt), rồi sau mới có thể nắm giữ chữ trung. Trong chữ doãn đã có cái ý nầy, nhưng sợ người không thấu hiểu, cho nên vua Thuấn mới nói rõ thêm rằng: “Nhơn tâm duy nguy, Đạo tâm duy vi”, nghĩa là: lòng người rất rắc rối (khó yên), lòng Đạo rất nhỏ nhẹm (khó biết). Có niệm tưởng là lòng người, không niệm tưởng là lòng Đạo. Ý nói lòng người dễ lừng (bốc lên mà đốt), còn lòng Đạo dễ chìm (rất nhỏ khó thấy). Đây nói cái cơ vừa rắc rối vừa nhỏ nhẹm, làm cho ngưòi để ý đến, ngõ hầu cẩn thận về phép chấp trung.
Lý Diên Bình(1) nguy toạ (cũng như đoan toạ, là ngồi ngay thẳng) cả ngày để nghiệm thử coi cái khí tượng của hỉ, nộ, ai, lạc, lúc chưa phát về trước, ra sao, đặng kiếm chỗ “trung” nói đó. Ông làm như vậy lâu rồi, mới biết gốc lớn của thiên hạ quả là ở tại đó. Cho nên nói: học vấn chẳng phải nhiều nói, chỉ ngồi lẳng lặng, lóng sạch lòng, để nghiệm thử thiên lý. Nếu thấy được thiên lý rồi thì nhơn dục phải tiêu thối cả.
(1) Lý Đông tự là Nguyên Trung theo học cùng La Tùng Ngạn, nghiên cứu lý học rất tinh tường. Châu Tử thờ ông làm thầy. Người thế gọi ông là Diên Bình tiên sanh, nghĩa là tiên sanh ở đất Diên Bình.
Lý Thanh Am nói rằng: Chỗ trung nầy chẳng phải là ngôi giữa chừng hai bên trong ngoài, chẳng phải là ngôi giữa của bốn phương, cũng chẳng phải là ngôi giữa trung tâm. Ấy là chỗ ý niệm chưa phát. Cho nên nói rằng: thánh nhơn do nơi đó mà tẩy tâm thối tàng ư mật (rửa lòng thối ẩn nơi kín).
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Chỗ ý niệm chưa phát gọi là trung. Thanh Am nói ra lời nầy, có thể gọi là một tay đã vẽ rồng mà còn điểm nhãn luôn.
Diên Bình tiên sanh cả ngày nguy toạ, để nghiệm thử coi cái khí tượng của hỉ, nộ, ai, lạc, lúc chưa phát về trước, chánh là doãn chấp khuyết trung, Nhờ lâu ngày dày công, nhơn dục biến ra thiên lý, yêu tinh trọn hoá như lai, công phu toàn do nơi: tẩy tâm thối tàng.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét