Hành Sơn
Lời mở đầu
Đức Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang một bậc chân tu Thánh-Đức, Ngài vốn là một vị Thái Lão Sư phẩm vị cao trong nhất của Đạo Tam-Giáo Minh-Sư, sắp được thọ truyền Tổ-Ấn từ Trung-Hoa thì gặp lúc Đạo Cao-Đài ra đời. Đức Cao-Đài Thượng-Đế giáng cơ khuyên Ngài qui hiệp với Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ mở rộng đường phổ hóa để tận độ nhân-loại buổi Tam-Kỳ Hạ-Ngươn nầy. Ngài về với Đạo Cao-Đài được Thiêng-Liêng phong Ngọc-Chưởng-Pháp một phẩm cao trọng bậc nhì trong Hội-Thánh Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ đầu tiên tại Tòa Thánh Tây-Ninh, trừ một phẩm đệ nhất là Giáo-Tông đương thời là Đức Lý Thái Bạch.
Vì vậy toàn Bổn-Đạo Cao Đài và Minh-Sư khắp hai miền Nam-Trung nước Việt không mấy ai không hiểu biết và kính trọng Ngài. Mỗi năm ngày 17 tháng 2 âm lịch khắp nơi trong toàn Đạo đều có cúng giỗ kỷ niệm ngày đăng tiên của Ngài, đặc biệt tại Linh-Quang-Tự Tổ Đình Đạo Minh-Sư của Ngài, nay các đệ tử dời về Hốc-Môn và tại Hội-Thánh Minh-Chơn-Đạo miền Hậu-Giang và Hội-Thánh Truyền-Giáo Trung-Việt cử hành lễ kỷ niệm trọng thể.
Mùa cúng giỗ của Ngài năm nay nghĩ tình Sư-Đệ, vì nghĩa vụ kẻ hậu sinh, nhân có chút thì giờ xin chép lại tóm lược về tiểu sử Ngài những điều tôi đã hân hạnh ghi nhận được, để góp phần sưu tầm Sử Đạo tương lai và cũng để toàn thể Đạo tâm chúng ta hiểu biết thêm về quá trình của một bậc Hướng-Đạo chân tu nêu gương sáng lạng muôn đời.
Mười ba tuổi phát-tâm nhập Đạo.
Đức Ngọc-Chưởng-Pháp Trần Đạo Quang tên thật của Ngài là Trần Văn Quang, Ngài ra đời lúc bình minh, giờ Dần ngày mồng 10 tháng 11 năm Canh Ngọ (1870) tại Ban Dầy, quận Cai Lạy, tỉnh Định-Tường (Mỹ-Tho) ( Lúc đi Trung-Kỳ truyền Đạo, Ngài chưa có giấy thuế, phải lấy tên Hà Văn Thuần của người trong làng xin căn cước mới được ra Trung vì vậy Ngài đứng tên bất-động-sản tại Đà-Nẵng hay những nơi khác là Hà Văn Thuần). Thân phụ Ngài Cụ Ông Trần Chí Hiếu, thân mẫu Ngài là Cụ Bà Dương Mỹ Hậu. Ngài sinh trưởng trong một gia đình nông nghiệp, lại là một người con độc nhất nên cha mẹ rất quý yêu không cho đi xa, mỗi lúc đi đâu phần nhiều dắt theo, nên Ngài chỉ học được chữ Nho và Quốc-ngữ các trường quanh làng. Tuy ít học nhưng bản chất Ngài thông minh đĩnh ngộ từ tuổi ấu thơ đã dày lòng hiếu-kính cha mẹ, nhân-ái đối với kẻ khó người nghèo chứng tỏ đã có căn lành từ trước.
Thân sinh Ngài vốn ham mộ tu trì theo Đạo Tam-Giáo Minh-Sư nên Ngài thường được theo cha mẹ đến chùa nghe cầu kinh giảng Đạo. Năm mười ba tuổi Ngài phát tâm xin nhập Đạo, song thân Ngài thuận cho. Năm mười sáu tuổi năm Ất-Dậu (1885) bỗng nhiên Ngài phát Đại nguyện xin phép dâng lễ cầu sám thọ giới trường trai, bước đầu vào đường giải thoát. Song thân Ngài thấy con giốc lòng mộ Đạo mà nữa mừng nữa lo, mừng vì con muốn làm điều thiện theo ý nguyện của mình, nhưng lo vì Ngài là con độc tự nếu giốc lòng tu cầu giải thoát thì lấy ai nối dõi tông đường. Nhưng nghĩ lại giới cầu sám vẫn còn nhập thế được nên bằng lòng cho Ngài dâng lễ, và nhờ Đức Thái Lão Sư Trần Đạo Cửu nhận làm bậc Thầy đứng khai thị.
Năm năm sau, năm Canh-Dần (1890) Ngài được 21 tuổi là năm khó khăn trên bước đường tu của Ngài, vì Ngài thì quyết tâm xin cầu lên Nhứt Bộ, trường trai tuyệt dục phế đời giải thoát, nhưng Song thân Ngài thì nhất định không cho, vì lẽ thừa tự nói trên. Vấn đề dằn co mãi, sau cùng Đức Lão Sư Trần Đạo Cửu lấy lẽ duyên nghiệp đem chuyện Đức Phật Tổ bỏ ngai vàng đi tu mà khuyên can, và kết cuộc Song thân Ngài mới bằng lòng cho Ngài bước vào đường xuất thế.
Rồi từ đó đường tu của Ngài cứ một mạch đi lên, năm 22 tuổi Ngài cầu lên Nhị Bộ, năm 23 tuổi Ngài cầu lên Tam-Bộ, thế là xong phần Nhứt Thừa Châu Viện. Đến năm 25 tuổi (Giáp-Ngọ), Ngài bắt đầu bước vào Nhị Thừa lãnh Thiên-Mạng gọi là Thiên-Ân. Năm 31 tuổi năm Canh-Tý Ngài được cầu Thọ-Thiên-Ân lên một bực là "Chứng-Ân", chữ lót tên Ngài được đổi lại chữ "Minh" , Trần Minh Quang, Năm 34 tuổi, Ngài được lãnh Thiên-Ân lên một bậc nữa là "Dẫn-Ân" thì chữ lót tên Ngài được đổi lại chữ "Xương", Trần Xương Quang. Năm 37 tuổi, Ngài được thọ lãnh Thiên-Ân lên một bậc nữa là "Bảo-Ân" thì chữ lót tên Ngài được đỗi lại chữ "Vĩnh", Trần Vĩnh Quang. Đến đây đã xong phần Nhị-Thừa. Năm Ngài 41 tuổi, năm Canh-Tuất (1910) bắt đầu bước vào Tam-Thừa, Ngài được thọ phong Đảnh-Hàng tức phẩm-vị Lão-Sư, hàng chức sắc cao cấp của Đạo Minh-Sư, và chữ lót tên của Ngài được đổi lại chữ "Vận", Trần Vận Quang.
Trong hàng Lão-Sư lúc bấy giờ quí vị phần đông bán thế xuất gia. Đặc biệt Đức Thái-lão Trần Đạo Quang đồng chơn nhập Đạo, một bậc chơn tu đạo hạnh, nhập đạo từ năm 13 tuổi, nên Ngài rất được trong Đạo, ngoài đời kính trọng. Vì vậy lúc thọ lãnh Thiên-Ân, Ngài đã đến nhiều nơi trong tỉnh nhà Định-Tường phổ độ người vào đạo rất đông. Đầu tiên Ngài đến Cả Hòa, bổn đạo hiến đất xây cất chùa, và tạo mãi ruộng vườn để làm phước điền. Rồi Ngài đến xã Thôm-Rôm cũng xây cất chùa, tạo phước điền. Sau Ngài về quê nhà, quận Cai-Lạy, phổ độ thêm nhiều bổn đạo và lan rộng đến nhiều nơi trong các tỉnh miền Nam như Gò-Công v.v..
Từ đó danh tiếng Ngài không những ở miền Nam, mà nhiều nơi tại Trung-Kỳ cũng đều ngưỡng mộ. Năm ấy không rõ năm nào, Ngài định ra Trung-Kỳ thăm dò đường mở Đạo, do một đệ tử mời Ngài ra Quảng-Ngãi, (theo lời một đệ tử khác thì người mời Ngài ra Quảng-Ngãi là Thầy Ba-Họa, Ông này thọ giáo lúc còn nhỏ ?) xin cầu tiến bạc Tiên Linh, nghĩa là cầu siêu cho ông bà cha mẹ. Nhưng Song thân Ngài không bằng lòng cho đi, vì cha mẹ tuổi già chỉ có mình Ngài là con nên không muốn cho đi xa. Ngài phát Đại nguyện khẩn thiết xin Song thân cho Ngài đi, vì thọ truyền Tổ Mạng không thể không dẩn dắt nhơn sinh. Song thân Ngài khóc lóc khuyên can, nhưng Ngài quyết tâm xin ký thác Song thân cho chư đệ tử rồi Ngài nuốt lệ mà bái biệt.
Năm Ngài 45 tuổi, năm Giáp-Dần (1914) được cầu phong Thập-Địa Thái-Lão-Sư do Đức Tổ-Sư Trần-Đạo-Khánh (Tông Phổ Tế) từ Trung-Hoa truyền thọ đại nhậm. Và chữ lót tên Ngài đổi lại chữ " Đạo" nên gọi Ngài là Thái-Lão-Sư Trần-Đạo-Quang cho đến mãi về sau. Như thế con đường tu-trì theo Đạo Tam-Giáo Minh-Sư của Ngài đã đi đến tột đỉnh chỉ còn truyền Tổ-Ấn nữa là hết (Tổ-Sư Trần-Đạo-Khánh nguyên người Việt qua Trung-Hoa thọ giáo tu-trì từ thuở bé, được truyền phong Tổ-Ấn.).
Thọ Tổ-Mạng xong, Ngài vẩn tiếp tục phổ độ nhiều nơi. Thời gian sau, được sự tín nhiệm của 12 vị Lão-Sư mời Ngài về Linh-Quang-Tự tại làng Hạnh-Thông-Tây, quận Gò-Vấp, tỉnh Gia-Định, chuyển thác chùa Linh-Quang và đạo nghiệp cho Ngài. Từ đây Linh-Quang-Tự được coi như là Tổ-Đình Tông-Phổ-Tế đạo Tam-Giáo Minh-Sư mà Ngài là người chủ trì.
Ra Trung lần thứ hai chính thức mở đạo Tam-Giáo Minh-Sư.
Khoảng năm Ất-Mẹo, Ngài trở ra Trung lần thứ Hai. Duyên do chuyến ra Trung lần nầy. Theo tài liệu của Ông Trần Chuân (túc Lão-Sư Trần-Đạo-Cơ) đệ tử thân cận Thái-Lão-Sư Trần-Đạo-Quang cung cấp tài liệu cho tôi viết thiên sử nầy, và sự ghi nhận của Bà Tham Tường con Cụ Trương Như Hối và Ông Nguyễn-Thượng-Khải con Cụ Nguyễn-Vĩnh-Từ (Nguyễn Thương Toại), hai vị chức sắc đạo Minh-Sư cùng đệ tử Đức Thái-Lão (Bà Tham Tường và Ông Nguyễn Thượng Khải thì hiện là chức sắc của Hội-Thánh Truyền-Giáo Cao-Đài) thì sau chuyến ra Trung lần thứ 1 của Đức Thái-Lão có tiếng đồn đãi trong giới ham mộ tu trì về Ông Minh-Đường hay Ông Lão-Phật-Đường chân tu, nên nhiều người rất mong gặp Đức Ngài..
Lúc bấy giờ tại vùng Quảng Ngãi, Quảng Nam cũng có phong trào đồn đãi về nhà Sư Thạch Đng tu đắc đạo, có phép lạ, cứu thế độ dân. Nhà Sư danh hiệu là gì, sự liên hệ với Đức Thái Lão ra sao sẽ khảo cứu sau. Chỉ biết Ông là người Quãng-Ngãi tu ở động đá, nên gọi là Sư Thạch-Động. Ông chỉ ăn toàn trái cây, rau ranh và đậu xanh mà thôi. Thường ngày ngoài việc khuyến tu, giảng đạo và cho thuốc chửa bệnh rất nổi tiếng nên đệ tử khá đông. Tiếng đồn đến Huế, các quan lại trong triều và Hoàng Tộc cho mời Ông ra chửa bệnh trong nội cung, có lần đến một hai năm...
Giới hâm mộ tu trì thời ấy, đặc biệt ở Quảng Nam có cụ Lãnh-Binh Trương Điềm quê ở Thừa-Thiên, được triều-đình Huế bổ nhiệm vào trấn nhậm ở Quảng Nam. Lãnh-Binh , một chức quan võ cai quản quân cơ trong một tỉnh, một chức quan có quyền thế của Nam-Triều.
Thời thái bình quan Lãnh-Binh trông nôm việc mở mang đường xá trong tỉnh. Nhân đó Cụ Lãnh-Binh Trương Điềm được dịp tiếp xúc nhiều giới thân sĩ. Cụ lại phát tâm muốn tìm đạo tu trì. Nên ngoài việc tiếp xúc với nhà Sư Thạch-Động, cụ tìm gặp các vị tu sĩ đạo Minh-Sư, đệ tử ĐứcThái Lão Trần Đạo Quang để biết thêm về đường lối tu trì củ Đức Ngài. Và năm ấy, cụ Lãnh-Binh Trương Điềm nhờ Ông Tú Trực, người làng Thanh Chiêm, phủ Điện Bàn Quảng Nam viết thư cung thỉnh Đức Thái Lão Trần Đạo Quang ra Quảng Nam, một mặt Cụ xin phép quan Tổng Đốc, lệnh truyền làng Thanh Chiêm dọn dẹp khang trang ngôi chùa cổ trong đầu làng để đón tiếp Đức Thái Lão.
Đức Thái Lão ra Trung lần này, ban đầu Ngài ở chùa làng Thanh Chiêm và nhà Ông Vỏ Chi Lương, đệ tử của Ngài, người làng Long Châu (Cải Thóc) cũng phủ Điện Bàn, nhờ Cụ Lãnh Binh thọ giáo và hộ trì nên Ngài thu nộp được nhiều môn đệ. Và đặc biệt nhất là Ngài thu nhận chùa Tây Thiên do bà Cụ Giám Đốc Lương Văn Tấn hiến cúng để làm cơ sở hành đạo,truyền đạo Tam Giáo tỉnh Quảng Nam.
Chùa Tây-Thiên ở làng Thọ Sơn, tổng Mậu Hòa, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, do cụ Bà Giám Đốc Lương Văn Tấn tạo lập nên thường gọi chùa Bà Giám. Nguyên Cụ Lương Văn Tấn đổ cử nhân được cụ Phạm Phú Thứ trấn nhậm Tổng Đốc Hải Dương (Bắc-Việt) đề cử giử chức Bí Thư kiêm Giám Đốc thương cảng Hải Phòng. Vì vậy về sau mới có danh từ gọi Bà là Bà Giám ? Cụ Lương Văn Tấn qua đời, một thời gian sau, gia đình gặp nhiều biến cố, Cụ Bà buồn chán phát nguyện quy y theo nhà Sư Thạch Động và tạo chùa Tây Thiên hiến cúng để nhà Sư làm nơi giảng kinh, thuyết pháp.
Chùa Tây Thiên chuyển biến qua Đức Thái Lão Trần Đạo Quang duyên do từ Cụ Lãnh Binh Trương Điềm thọ giáo Đức Thái Lão, nhưng từ trước vẫn thường học hỏi Giáo Lý với nhà Sư Thạch Động. Nhờ vậy mà nhà Sư Thạch Động cũng được hiểu biết nhiều về Đức Thái Lão Trần Đạo Quang, bậc chân tu đạo hạnh. Ta tạm gác lại huyền thoại về nhà Sư Thạch Động tiên tri nên ủy thác đạo nghiệp lại cho Đức Thái Lão, ở đây chỉ ghi lại (theo lời Ba Tham Tường) một buổi lễ nọ (không nhớ ngày) nhà Sư Thạch Động truyền môn đệ tập hợp đông đúc tại chùa Tây Thiên để nghe Ngài nói pháp, và hôm ấy nhà Sư cho thỉnh Đức Thái Lão Trần Đạo Quang và một số môn đệ Ngài.
Sau thời pháp, nhà Sư Thạch Động đề cao Đức Thái Lão Trần Đạo Quang và nói với chúng đệ tử, Ngài hết nhiệm vụ ở thế độ dẩn nhơn sanh, Ngài phải trở về núi, nên chuyển thác đạo nghiệp lại cho Đức Thái Lão Trần Đạo Quang, khuyên chư đệ tử tuân theo lời Ngài mà tu trì với Đức Thái Lão. Rồi từ đó nhà Sư biệt tích.
Vì vậy bà Cụ Giám trở thành đệ tử Đức Thái Lão Trần Đạo Quang và chùa Tây Thiên chuyển biến cho Đức Ngài và trở thành chùa Tam Giáo Minh-Sư, đặc biệt nhất ở Quảng Nam để liên lạc với Linh Quang Tự ở Sàigòn .
Để phát họa quang cảnh thủy tú sơn thanh của chùa Tây Thiên, trước có núi Thọ Sơn, sau có chi nhánh sông Thu Bồn, Tôi ghi lại mấy vần thơ của Bà Tham Tường cảm tác lúc Bà 18 tuổi, nhân về viếng chùa bà Ngoại (Cụ bà Giám là bà Ngoại của bà Tham Tường), mà bà Ngoại đã mất đi rồi:
"Bước đến Tây Thiên ngở núi Bồng
Cảnh chùa bà Ngoại phải đây không?
Sau lưng nước đón đưa người Đạo
Trước mặt non che khuất bụi hồng
Hương ngát thơm tho mùi Đạo lý
Chuông rung chuyển động phép thần thông
Người đây cảnh đấy bao tình cảm
Cảnh có Bà không? Cháu tủi lòng".
Đức Thái Lão ở Trung kỳ lần thứ hai về, bổn đạo miền Trung từ Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi thường xuyên liên lạc với Ngài tại chùa Linh Quang Tự để xin thọ giáo hoặc cầu phong. Ngài sắp xếp mọi việc an bày, lo mở rộng cơ Đạo tại miền Nam. Bổn Đạo ở Phước Long, tỉnh Rạch Giá rước Ngài đến hiến đất xây chùa và tạo mãi Phước Điền. Và khoảng mười năm sau, năm Giáp-Tý (1924), bổn đạo Quảng Nam cung thỉnh Ngài ra chùa Tây Thiên, Ngài ra Trung lần thứ ba này để tiếp xúc rộng rãi với toàn bổn đạo, cầu chứng cho một số bổn đạo không vào Nam thọ giáo được, và chứng nhận khoảng 20 phật đường do các vị thọ thiên ân lập để phổ độ nhơn sanh như Quảng Tế Đường, Viên Tế Đường, Phổ Tế Đường, Vĩnh Tế Đường v.v. ..
Đức Thái Lão Trần Đạo Quang ra Trung phổ độ dưới chế độ cai trị của chánh quyền bảo hộ Pháp và Nam Triều, không phải không gặp những khó khăn, huống tại Quảng Nam, chí sĩ Trần Cao Vân cũng là một đạo sĩ đã gây nhiều phong trào chống Pháp và sau xúi vua Duy Tân khởi nghĩa, nên mấy lần quan địa phương phủ huyện đòi Ngài đến chất vấn. Ngài vẩn lời lẽ chân thật, đạo đức hiền hòa trình bày: "Tôi nghĩ chính phủ ta hay Bảo-hộ (Pháp) cai trị dân cũng muốn người dân lương thiện, biết tôn trọng luân thường đạo lý, tuân theo phép nước, làm tròn bổn phận người dân. Thì chính tôi đây độ dẩn người tu hành là khuyến dân làm những điều ấy. Còn hơn vậy nữa, người tu hành biết thương người thương vật, không sát hại đến loài cầm thú côn trùng nên tôi mong rằng chánh phủ và quan lớn không giúp đở tôi được thì cũng xin đừng ngăn cấm chúng tôi"
Lời lẽ Ngài đầy từ bi hoan hỷ, tướng mạo phi phàm của Ngài: râu dài quá rốn, đạo cốt tiên phong. Các quan lại Nam Triều tuy khó khăn nhưng cảm phục, nên mọi việc rồi cũng bỏ qua.
Qui hiệp với Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.
Năm Ất-Sửu (1925),Đức Thái Lão lại chuẩn bị ra Trung-Kỳ Quảng-Nam hành đạo. Hành trang sắp xếp xong, lần này định mang kinh sách ra phổ độ. Ngài định ngày 09 tháng 09 âm lịch khởi hành, thì bất ngờ đêm mùng 08 quí Ông Bộ Tương, Ba Kinh (Ông Bộ Tương đây không rõ Ngài Lão Sư Tương sau được phong Thượng Chưởng Pháp, hay là Ngài Phủ Nguyễn Ngọc Tương, vì ông Trần Chuân không nhớ rõ!, Ba Kinh tức ông Giáo Sư Kinh) hướng dẫn quí ông Hội Đồng Lê Văn Trung, Đốc Phủ Lê Bá Trang, Vương Quan Kỳ, quí ông Cao Quỳnh Cư và ông Ba Sanh đến trình bày có lệnh Thượng Đế dạy đến xin lập đàn cơ để Ngài dạy Đức Thái Lão.
Giờ Tý ngày 09 tháng 09 năm Ất-Sửu, cơ đàn thiết lập tại Linh Quang Tự, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế tá danh Cao Đài giáng dạy Đức Thái Lão nên qui hiệp về Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ để tận độ chúng sanh cho kịp cơ đại ân xá.
Lệnh truyền tuy đột ngột, nhưng Đức Lão nhận hiểu kịp Thiên Ý, vì trải bao năm tu Đạo Minh-Sư, Ngài có nhiều lần đọc qua kinh sách giáng bút từ Trung-Hoa đã có nói: "Lục vạn dư niên Thiên khai Huỳnh Đạo nhứt kỳ. . . và mạc hậu Tam-Kỳ Thiên khai Huỳnh Đạo v.v. . ." nên Ngài có bạch hỏi một vài điều, được Đức Thượng-Đế Cao-Đài giải đáp và xin cho có thời gian để chuẩn bị tuân mạng . . .
Thế là cuộc đi Trung-Kỳ đình lại và thiên mạng Ngài nhận ở Tổ Sư Trần Đạo Khánh cũng kết thúc từ đây!
Rằm tháng Giêng năm Bính Dần (1926), Đức Thái Lão Trần Đạo Quang Lên chùa Gò-Kén Tây-Ninh thọ mạng Thượng-Đế, qui hiệp Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, và thời gian sau đó, Ngài được Đức Cao-Đài Thượng-Đế phong cho chức Ngọc Chưởng Pháp cùng với Ngài lão Sư Tương: Thượng Chưởng Pháp, Ngài Hòa Thượng Như Nhãn (chủ chùa Gò-Kén) Thái Chưởng Pháp, là những chức sắc cao cấp trong Hội Thánh Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ đầu tiên tại Tây-Ninh.
Tin Đức Thái Lão Trần Đạo Quang qui hiệp Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ không mấy lúc đã loan truyền khắp cả giới Đạo Minh-Sư Nam và Trung Kỳ, gây cho toàn Đạo Minh-Sư, chư đệ tử của Ngài một sự kinh ngạc, xúc động và hoang mang. Khắp nơi lập tức gởi người về SàiGòn hỏi ý kiến, khuyên can Đức Ngài, không dằn được bực tức đến hờn trách Ngài. Vì họ coi đây như là việc bỏ Đạo, giữa đường bỏ họ. Trường hợp như ông Ba Họa, người Quảng Ngãi, xuất gia theo Đức Thái Lão từ thuở ông còn nhỏ, Ngài tin cậy Ông làm hộ pháp (Hộ-Pháp tức là hộ-trì Đạo-Pháp, theo hộ-trì Đức Thái Lão) cho Ngài.Tình Sư Đệ thắm thiết dường ấy, ông Ba-Họa không ngăn cản Ngài được, quá bực tức, có lần Ông lên gỡ Thiên-Nhãn, biểu hiệu thờ của Đạo Cao-Đài, xé đốt. Về sau Ông này khật-khùng chuyên nói quốc sự, viết thư gởi cho Toàn Quyền Pháp ở Hà-Nội, Thống Đốc Nam-Kỳ, đuổi phải về nước và viết thư cho chánh phủ Pháp đòi trả nước Nam lại cho Ông ta. Suốt ngày lẩn đêm, khi ăn lúc ngủ, cho đến lúc đi đường, Ông cũng luôn luôn cầm khăn gói theo mình, cho đó là túi binh thư đồ trận... ,mãi cho đến ngày Ông qui liễu v.v.. .
Bởi Đức Thái Lão Trần Đạo Quang là linh hồn của họ, là bậc Thầy độc nhất của họ. Trong hàng Lão Sư Việt Nam, Ngài là vị lảnh đạo chân tu đạo hạnh, được phong Thái Lão Sư là phẩm vị cao nhất trong hàng chức sắc đạo Tam-Giáo Minh-Sư lúc bấy giờ. Khi truyền thọ thiên mạng Thái Lão Sư cho Ngài, Đức Tổ-Sư Trần Đạo Khánh bên Trung-Hoa có tặng cho Ngài câu đối, đầu câu lấy hai chử "Đạo Quang", cuối câu lấy 2 chử "Lão Nhân",
"Đạo cốt tiên phong duy thử Lão.
Quang tiền đủ hậu thị tư Nhân.".
Nghĩa là : Đạo cốt tiên phong duy có Ông này, soi sáng đời trước, truyền nối lại đời sau cũng chỉ có Ông này. Ý nghĩa câu đói trên Đức Tổ-Sư Trần Đạo Khánh ngợi khen và đặc biệt tín nhiệm Đức Thái Lão Trần Đạo Quang và chuẩn bị sẽ truyền thọ Tổ-mạng "An-Nam Đệ Nhất Tổ" cho Ngài Đạo Quang, để về sau tổ-mạng đã có ở Việt Nam, các tu sĩ chức sắc Tam-Giáo Minh-Sư không phải qua Tàu xin cầu phong nữa, xa xôi huyền cách.
Sự việc như vậy bảo toàn thể chức sắc Đạo đồ Minh-Sư không đau buồn sao được? Chính Đức Thái Lão Trần Đạo Quang cũng xót xa trước tình sư đệ thiêng liêng, linh-sơn cốt nhục. Trước sứ mạng trọng đại rao truyền tân pháp tận độ chúng sinh Đức Thượng Đế Chí Tôn giao phó, Ngài phải tuân mạng. Hơn nữa trong buổi đời Hạ-Ngươn mạt kiếp, mạt pháp này chỉ có Tân Pháp mới độ rổi được toàn thể sinh linh đó có cả chư đệ tử Ngài. Đó là điều Ngài thấy ở thiên cơ đã minh thị
Dầu vậy, chấm dứt đạo thống Minh-Sư, từ chối Tổ-Mạng An Nam Đệ Nhứt Tổ sắp được truyền, để qui hiệp với Đạo Cao-Đài, một việc làm phi thường đầy quả cảm của một tâm trường Bồ Tát, của bậc giác ngộ siêu nhân, đoán được thời cơ, biết được vận hội, cầm được cương lãng đạo pháp, thủ xả tuỳ duyên, pháp không định tướng, hợp cơ là hợp Đạo vậy (pháp vô định tướng hợp cơ vi diệu).
Với đức độ hoan hỷ Bồ-Tát, với lẽ Đạo nhiệm mầu dung thông vì chúng sanh mà có pháp. . . Ngài đã giải thích cho toàn bổn Đạo Minh-Sư, đệ tử Ngài thông cảm. Ngài khuyên những vị nào nhận hiểu kịp thì theo đường qui hiệp của Ngài, bên muốn tự tu cầu giải thoát giữ nguyên đường lối Minh-Sư, Ngài sẽ chĩ giáo cho, hoặc nhờ các vị Lão Sư bảo cử dẫn-tấn hướng dẫn... Về sau trong hàng đệ tử Ngài, quí vị chức sắc thiên ân nhận hiểu được dìu dắt bổn đạo theo đường qui hiệp với Ngài; một số giữ nguyên đường lối Minh-Sư như Ngài đã dặn, còn một số gia nhập theo phái Nam-Tông do Ngài Lão Sư Đinh, người Gò-Công, hướng dẫn, như hiện nay ở Quảng-Nam Trung-Việt có chùa "Nam-Tông Phật Đường" toàn là đệ tử Ngài trước kia.
Tạm giải quyết vấn đề nội bộ Minh-Sư, nhờ quí vị chức sắc thiên ân chuyển đạt ý kiến Ngài đến toàn bổn đạo, Đức Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang lên Tây-Ninh, Một mặt lo phổ độ một mặt mua đất lập vườn trồng trúc, mít, nơi có qui tụ bổn đạo là sở thích nhất của Ngài. Ngày 23 tháng 8 năm Bính-Dần, tại Thánh Thất Cầu Kho Sài Gòn, Ngài cùng 27 vị Tiền Bối Khai Đạo đứng tên vào tịch đạo gởi lên Thống Đốc Nam Kỳ công khai mối đạo. Sự đứng tên của Đức Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang lúc bấy giờ rất hệ trọng. Muốn cho người Pháp bớt nghi ngờ việc công khai mối Đạo phải có bậc chân tu đạo hạnh như Ngài.
Thời gian sau đó Ngài đi khắp nơi Định-Tường, Gò-Công, Phước-Long, Rạch-Giá, phổ độ được các giới đồng bào ngưỡng mộ nhập Đạo rất đông, và một số bổn đạo Minh-Sư cũng về với đạo Cao-Đài.
Phổ độ khắp nơi rồi lại về Tây-Ninh, cứ như vậy ít năm thì nội bộ Hội Thánh Tây-Ninh xãy ra việc khảo đảo. Trước tiên sự thủ thách ở chùa Gò-Kén, sau về Long-Thành (Thánh Địa Tòa Thánh Tây-Ninh ngày nay). Vì bất đồng ý kiến giửa một số quí vị chức sắc cao cấp (phải chăng đây là Thánh ý ?), Ngài Thái Chánh Phối Sư Nguyễn Văn Ca (đốc phủ Ca) tách Toà Thánh về Định-Tường, tỉnh nhà (Mỹ-Tho) lập phái Đạo Minh-Chơn-Lý với danh nghĩa "Minh Chơn Lý" Hiệp ngũ chi quy nguyên Đại Đạo bắt đầu chống lại Tòa Thánh, rồi lần đến cả hai chống nhau. Đức Trần Đạo Quang cảm thấy không hài lòng, Ngài về Linh Quang rồi xuống Định-Tường, mục đích muốn hòa giải nội bộ, nhưng mấy lần thấy vô hiệu và Thiên Sư Phùng có tâm đố kỵ, Ngài thấy không hợp bèn cáo biệt về miền Hậu Giang phổ độ. Ở đây được nhiều giới mộ đạo nhập môn theo Ngài tại Xóm-Sở Cà-Mâu có một số đạo tâm hiến đất cho Ngài lập vườn xây cất chùa, và Ngài tạo thêm ruộng để làm phước điền, chùa tại Xóm-Sở lấy theo phái Ngọc của Ngài đặt tên chùa "Ngọc-Sắc".
Hiện nay Hội-Thánh Minh-Chơn-Đạo đặt tại đây. Ngài Đốc Phủ Ca về Đinh-Tường một thời gian ít năm, Ngài Thượng-Chánh-Phối-Sư Nguyễn-Ngọc-Tương (Tri phủ Tương) cũng tách Tòa Thánh về Bến-Tre lập "Ban Chỉnh Đạo", cơ đạo ở Tòa Thánh bước vào giai đoạn chia rẻ thực sự. Trước sự thế, Đức Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang thấy không làm gì được nên Ngài ít về rồi đến không về Tòa Thánh nữa, Ngài thường ở Hậu Giang lo việc mở Đạo, ở Hậu -Giang, những nhân vật tên tuổi đầy nhiệt tình với quốc gia được Thiêng-Liêng thâu vào Đạo như Ngài Cao Triều Phát, Phan Văn Thiệu. . . Quí vị này thấy Đức Ngọc Chưởng Pháp bậc đạo đức chân tu mời các Ngài hợp tác và được Thiêng Liêng chấp nhận lập Hội Thánh Minh-Chơn-Đạo và giao phó Đức Ngọc-Chưởng-Pháp Trần Đạo Quang Quyền Chưởng-Quản Cửu-Trùng-Đài, Ngài Cao-Triều-Phát Bảo-Đạo Quyền Chưởng-Quản Hiệp-Thiên-Đài, Ngài Phan Văn Thiệu Ngọc-Đầu-Sư và v.v. . ..Sau này Tòa Thánh đặt tại Giồng-Bốn cùng với "Ngũ-Hành-Tòa".
Tòa Thánh này bị chiến tranh Việt Pháp 1945- 1954 phá hủy nên hiện nay Hội Thánh Minh-Chơn-Đạo đặt tại chùa Ngọc-Sắc như đã nói trên.
Ra Trung lần thứ 3, qui tụ bổn đạo Minh-Sư hợp tác công khai với Đạo Cao-Đài
Tạo lập Tòa Thánh Hậu-giang (Ngủ-Hành-Tòa) Giồng-Bốn, khí thế đạo bành trướng tấp nập đến đả có câu truyền miệng nhau " Phản tiền vi hậu", ý nói lấy Hậu-Giang làm Tiền-Giang nghĩa là Hậu-Giang thay cho Tây-Ninh (?), Đức Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang cùng Đạo trưởng Cao Triều Phát, Phan Văn Thiệu đương điều hành cơ Đạo thì có lệnh Thiêng Liêng dạy Đức Ngọc Chưởng Pháp ra Quảng Nam Trung Kỳ để quy tụ bổn đạo Minh-Sư qui hiệp về đạo Cao-Đài và hợp sức với các hướng đạo Quảng Nam mở rộng cơ đạo Trung, Bắc Kỳ. . .
Mùa Trung Thu năm Đinh-Sửu (1937), Vâng lệnh Thiêng liêng Đức Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang ra Trung Kỳ có nữ đệ tử đạo tỷ Thanh Sang và hai tu sĩ nam: Ông Đạo Năm và ông Đạo Mt, hai tu sĩ này ở núi xuống, gốc người Quảng Nam , theo tu trì.
Nhân việc hai thầy tu núi không biết tu đạo gì, ở núi Tây-Ninh hay Thất Quang Châu Đốc xuống theo hầu Ngài, ta cũng biết tại chùa Linh Sơn (Tổ đình Đạo Minh-Sư) của Đức Ngọc Chưởng Pháp, Ngài dung nạp mọi thứ thầy tu. Có lẽ họ nghe đồn đạo đức chân tu của Ngài tìm đến hoặc một phần dưới chế độ cai trị của ngườ Pháp thời gian sau khi đạo Cao Đài ra đời có phần khắc khe với các chùa chiền, nhất là các tu sĩ ở núi không ai dám tiếp nạp, vì vậy chùa Linh Quang có đủ thứ thầy tu: Tịch cốc có, ăn ngọ cũng có, luyện pháp có, Minh-Vương Thánh Chúa có, Quan Thánh giáng trần, Phật nhập thế có, như trường hợp ông Trần Chấn Hưng chẳng hạn v.v. . .Đức Ngọc Chưởng Pháp tiếp nhận cả, khuyến họ học hiểu chân lý mà tu đừng có dục vọng.
Việc tiếp nhận này, có lần chủ quận Gò-Vấp, Gia-Định mời Ngài đến hỏi lý do, Đức Ngài chân thành trình bày tất cả những người ấy họ thảy là con dân đất nước, chán đời họ đi tu, ở chùa hoặc ở núi, ở không được thì họ trở về, đến đâu cũng sợ không chứa, bây giờ bảo họ ở đâu ? Quan lớn bảo họ làm quốc sự, làm giặc, thì họ là những người ăn chay trường, một con vật nhỏ như loài côn trùng cũng không sát hại thì họ làm giặc sao được? Nếu bảo họ điên khùng cuồng tín thì cần phải nuôi dạy họ lần hồi sẽ hết. Tôi dung nạp nhửng người ấy là cốt ý muốn cho họ trở nên người tốt v. v. ..Thế rồi chính quyền cũng bỏ qua, nên chùa Linh Quang những tu sĩ ấy vẫn tiếp tục có mãi.
Đức Ngọc Chưởng Pháp ra Trung Kỳ, trước hết Ngài đến chùa Tây-Thiên (cơ sở chính của đạo Minh-Sư) tại quận Duy-Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Lúc tàu lửa đến ga Chiên Sơn, thì ở đây có sẳn quí Đạo Trưởng Giáo-Sư Trần Công Bang, Nguyễn Quang Châu va Giáo-Hửu Nguyễn Đán, Quí vị hướng đạo Cao-Đài Quảng Nam và cũng vốn là đệ tử Ngài từ ở Minh-Sư nhập vào đạo ở Linh-Quang, đang đón đợi nghinh đón.
Đức Ngọc Chưởng Pháp trú ở chùa Tây-Thiên chưa đầy một tháng, bổn đạo Minh-Sư, Cao-Đài tấp nập đến thăm Ngài, trong số có vị hướng đạo Minh-Sư Trần Nguyên Chất, Huỳnh Ngọc Trác và v.v. . .Nhân dịp Ngài trực tiếp giãi thích lý do Ngài tuân mạng Thượng-Đế qui hiệp Cao Đài và khuyên tín hửu theo đường Ngài để phổ độ lập công. Vì bổn đạo đi lại đông đảo, chính quyền địa phương có ý làm khó dể. Tri phủ Duy-Xuyên Nguyễn Sĩ Túc đến tận chùa xem xét, và khuyên Ngài đừng tiếp xúc nhiều , vì địa phận Trung-Kỳ cấm truyền bá tu tập đạo Cao-Đài.
Nhận thấy dưới chế độ Nam-Triều lúc bấy giờ cơ đạo rất khó bề phát triển, nên Ngài Quan-lộc tự-khanh Lê Trí Hiển một trong các vị hướng đạo Quảng Nam đến thăm Ngài, có cả quí vị Trần Công Bang, Nguyễn Quang Châu, Nguyễn Đán cùng hợp trình bày, Thánh ý Đức Trần Hưng Đạo khuyên nên ra Tourane (Đà Nẳng hiện nay), đất nhượng địa trực thuộc quyền Pháp cai trị như Sài Gòn, thành lập cơ sở công khai truyền Đạo làm nơi tiếp xúc với miền Nam, và chuẩn bị mở rộng ra Bắc, và cũng là nơi tàng trử kinh sách.
Từ đó phát cho bổn đạo chuyển lần về vùng quê các tỉnh. . .Đức Ngọc Chưởng Pháp đồng ý chuẩn bị dọn ra Tourane, nhưng được tin điện Đạo Trưởng Cao Triều Phát sắp ra, Ngài ở lại Tây-Thiên chờ đón và ủy thác quí Đạo Trưởng Nguyễn Quang Châu, Nguyễn Đán ra trước Tourane sắp xếp chỗ tạm trú.
Cuối mùa thu năm Ất-Sửu tại Tòa Thánh Hậu-Giang, Đạo Trưởng Cao Triều Phát được lịnh Thiêng Liêng dạy ra Trung-Kỳ thu xếp mặt ngọai giao giúp Đức Ngọc Chưởng Pháp và các hướng đạo miền Trung công cuộc mở cơ Đạo Trung, Bắc Kỳ. Đạo Trưởng suy nghĩ có lẽ Thánh ý biết Đạo Trưởng quen thân với Phạm Quỳnh ở Pháp lúc hai người cùng là thông ngôn cho lính Việt Nam giúp Pháp đánh Đức hồi cuối dệ nhứt thế chiến khoảng 1916-1918. Và Phạm Quỳnh bấy giờ là Thượnh Thơ Bộ Học kiêm Ngự Tiền Đổng Lý Cơ Mật viện Đại Thần, một vật uy quyền trong triều đình Huế.
Tuân lệnh Thiêng Liêng Cụ Cao Triều Phát ra Trung đem theo đồng tử Cao Minh Tuất và do Ông Nguyễn Hồng Phong một nhân sĩ Quảng nam và cũng là bổn đạo Đức Ngọc Chưởng Pháp hướng dẫn, đến Quảng Nam đã có quí vị hướng đạo đón tiếp đưa thẳng đến chùa Tây-Thiên để gặp Đức Ngọc Chưởng Pháp.
Ở đây rồi Cụ Cao-Triều đến viếng Thánh-Tịnh Thanh-Quang cơ sở đàu tiên mở đạo Trung -Kỳ và Cụ cùng Đạo Trưởng Giáo Sư Nguyễn Quang Châu đi thuyền đến làng Đa-Hóa thăm Ngài Quan Lộc tự khanh Lê Trí Hiển.
Cụ Cao Triều Phát ra Trung lần nầy là lần đầu tiên, và Cụ rất hăng hái với công cuộc truyền đạo Trung, Bắc-Kỳ, nên tom góp chở theo mấy kiện kinh sách để phân phát cho đồng bào bổn đạo, vì vậy Tri Phủ Duy Xuyên được báo trình, cấp tốc cho trát mời Cụ Cao-Triều đến phủ đường để cho biết theo đạo dụ số 10 của Hoàng Đế Bảo Đại thì tất cả kinh sách của Cao Đài không được truyền bá trong địa phận Trung-Kỳ (nhất thiết Cao Đài thư tịch bất đắc truyền bá Trung-Ký).
Việc này Cụ Cao-Triều đả biết trước và chuẩn bị trước từ ở trong Nam, nhân dịp Cụ cũng trách (khéo) Tri Phủ Nguyễn Sĩ Túc, viên Tri Phủ khét tiếng là hung bạo, phải nể Cụ. Và từ đó cũng có phần nể các vị Hướng Đạo Cao Đài. Khi đến Phủ đường Duy Xuyên Cụ Cao-Triều trao danh thiếp Hội Đồng Quản Hạt và trả lời với Tri Phủ: "Bẩm Quan lớn, Tôi lần đầu tiên ra Trung-Kỳ, trước thăm Đức Ngọc Chưởng Pháp chúng tôi ở chùa Tây-Thiên và cũng nhân dịp viếng xem phong cảnh một lần cho biết, Tôi ở trong Nam nghe nói Trung, Bắc-Kỳ là xứ Nho-Học đầy lễ giáo, Tôi đến đây thấy Quan lớn làm việc dể dãi hơn chúng tôi trong Nam, Quan lớn đòi Tôi có mặt 2giờ 30 chiều mà bây giờ 3giờ 30 Quan Lớn mới ra khách tiếp Tôi, thì giải quyết việc cho dân có lẽ trể tràng lắm? Về việc kinh sách Cao Đài không được truyền bá Trung-Kỳ, thì Tôi có truyền bá địa phận Quan Lớn đâu? Có lẽ Quan Lớn nói về mấy kiện kinh sách hiện ở chùa Tây-Thiên? Mời Quan Lớn lại xem Tôi đã ghi rõ ở mỗi kiện hàng: "Mr Cao-Triều-Phát à Tourane". Địa chỉ của những kiện hàng ấy là Tourane nhưng hành lý của Tôi thì Tôi ở đâu phải mang theo đó v.v.. .Tri Phủ Duy-Xuyên chỉ còn xin lổi rồi huề. . .
Đêm hôm ấy ở chùa Tây-Thiên có đàn cơ, Thiêng Liêng giáng dạy các việc, Đức Ngọc Chưởng Pháp, Cụ Cao-Triều, quí hướng đạo Quảng Nam họp bàn chương trình tiến hành, rồi Cụ Cao-Triều, ông Nguyễn Hồng Phong, đồng tử Cao Minh Tuất từ biệt đi Huế thăm Phạm Quỳnh và nhờ giúp đở công cuộc truyền đạo Trung, Bắc. Mấy hôm sau, Cụ Cao-Triều và đồng tử từ Huế trở về SàiGòn, ông Nguyễn Hồng Phong về Tourane trình bày mọi việc với Đức Ngọc Chưởng Pháp.
Lúc bấy giờ Ngọc Chưởng Pháp từ chùa Tây-Thiên cũng đã dọn ra Tourane mượn nhà tạm chùa Bửu-Nghiêm, đường Đổ Hửu Vị (nay đường Hoàng Diệu) làm nơi tạm trú để mua đất xây cất Thánh Thất lớn làm cơ sở truyền bá đạo Trung-Kỳ như Thánh ý đã dạy và các vị hướng đạo Nam Trung đã hợp bàn.
Ở Tourane đất nhượng địa chế độ cai trị như SàiGòn nên kinh sách được phát hành, bổn đạo nhà quê ra tu tập tự do.
Các giới đồng bào công tư chức ở Tourane đồn nhau Đức Thái Lão (ở Trung, vì đệ tử Ngài đạo Minh-Sư nên hầu hết chỉ gọi Ngài Đức Thái Lão) ông Tiên ở SàiGòn ra mở đạo Cao Đài, họ rũ nhau đi coi Ngài, nên ngày nào cũng có khách tìm tấp nập. Khu chùa Bửu Nghiêm trước kia tịch mịnh bao nhiêu thì từ ngày Đức Ngọc Chưởng Pháp đến tạm trú trở nên náo nhiệt bấy nhiêu. Phần Phật Giáo Trung Kỳ lúc này đang phát triển, hội Nam Phật Giáo Trung-Kỳ ra đời phát triển tân học tham gia đông để cùng tổ chức thuyết pháp, diễn thuyết thường xuyên, và tại Tourane Giáo Hội Tin Lành cũng coi như Hội Thánh trung ương đặt tại đây.
Trước tình thế trăm hoa đua nở, nhất là đối với một nền Đạo mới, những cuộc tranh luận giáo lý thường xảy ra hằng ngày, việc này có Cụ Nguyễn Hồng Phong và Đạo Trưởng Nguyễn Quang Châu đối phó.
Đức Ngọc Chưởng Pháp đến Tourane được hai tháng, nhờ bổn đạo tìm mua được khu đất gần một mẫu ta cùng đường Đổ Hửu Vị, cách mặt đường 100 thước, Ngài kêu gọi bổn đạo miền quê ra hợp sức xây cất một ngôi nhà tranh để có một nơi thờ phượng lễ bái, qui tụ bổn đạo chuẩn bị xây cất Thánh Thất.
Cuối tháng 11 năm Đinh-Sửu, ngôi nhà tạm cất xong, Ngài trả chùa Bảo-Nghiêm dọn về nhà mới thiết Thiên Bàn, tạm đặt tên Ngọc Vân Thánh Thất (lấy chử Ngọc của Phái Ngài) triệu tập quí vị hướng đạo Quảng Nam và bổn đạo miền quê ra dự để bàn việc xây cất Thánh Thất mới. Buổi hợp này có cả Cụ Lê Trí Hiển cùng góp ý muốn cất một Thánh Thất qui mô để làm cơ sở truyền Đạo và giao tiếp Trung Nam như Thánh ý đã truyền dạy. Nhưng nếu như vậy thì Đức Ngọc Chưởng Pháp phải về SàiGòn vận đng tài chánh thì e còn trể nhiều.
Ý kiến chưa ngã ngũ, đêm ấy thiết lập đàn cơ, Đức Tổng Lý Trần Hưng Đạo giảng dạy, khuyên nên xây cất một Thánh Thất qui mô, đủ ba đài Bát Quái Đài, Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài, lầu chuông trống. Ngài phát họa luôn thước tất và cho hiệu Thất là "Trung Thành" để làm nơi rao truyền sứ mạng Trung-Hưng. Ngài khuyên Đức Ngọc Chưởng Pháp yên tâm đừng tính chuyện về Nam, ở lại chủ trì tinh thần, qui tụ nhân tâm, mở cửa tiếp nhận những người mới xin nhập Đạo? Việc xây cất thì Đức Ngọc Chưởng Pháp và toàn Đạo làm hết sức mình còn Ngài sẽ vận chuyễn. . . Đàn cơ hôm ấy mọi người đều phấn khởi. Bây giờ chỉ lo việc họa đồ và mua sắm vật liệu chuẩn bị khởi công.
Thánh-Thất Trung-Thành chính thức ra đời tuy còn tạm ngôi nhà tranh, nhưng ngày nào cũng có người nhập môn, đặc biệt quí ông Ba Thới, Hai Xứng, Năm Cảnh. . . là những tay anh chị ở Tourane, vì cảm phục Đức Ngọc Chưởng Pháp thảy đồng nhập đạo, nhất là Carlot, tây lai trước nhân viên quan thuế (thương chánh) sau là người của sở mật thám đến để theo dõi nhưng rồi cũng vào đạo.
Mọi việc tiến hành thuận lợi thì một trở ngại đưa đến, Công Sứ Tourane không cho phép xây cất Thánh Thất, Rằm tháng Giêng năm Mậu-Dần (1938) buổi hợp đủ quí vị hướng đạo Đức Ngọc Chưởng Pháp, Ngài Lê Trí Hiển,Nguyễn Quang Châu, Trần Công Bang, Nguyễn Đáng, Nguyễn Hồng Phong,v.v. . . thảo luận vấn đề phép xây cất, nhưng kết luận chỉ cách nhờ trong Nam can thiệp, vì Tourane là nhượng địa chánh phủ Nam Triều không thẩm quyền. . . Vấn đề còn toan tính thì đêm ấy có đàn cơ Đức Trần Hưng Đạo Vương đến truyền lệnh hãy bình tâm để Ngài sẽ chuyễn người lo liệu. . .
Phép tắc xây cất chưa xong, đầu tháng hai năm ấy (Mậu-Dần) quí vị chức sắc Phái Đạo Tiên-Thiên Ngài Ngọc Chưởng Pháp Nguyễn Thế Hiển, Thượng Đầu Sư Nguyễn Bửu Tài ra Trung mang theo Thánh lịnh của Liên-Hòa Tổng-Hội, Thiêng Liêng dạy phải xây cất Trung-Thành Thánh-Thất cho xong đến ngày mùng 8 tháng 4 năm Mậu-Dần khánh thành, khai hội Long-Vân đệ bát, chính thức công khai Đại Đạo Trung Bắc Kỳ.
Thật là rắc rối nổi mừng nổi lo dồn dập đưa đến, Ngài Nguyễn Thế Hiển, Ngài Nguyễn Bửu Tài gặp Đức Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang biết rõ sự tình, hai Ngài vào quê thăm Thánh Tịnh Thanh Quang, Thánh Thất Từ Quang và đến thăm Ngài Lê Trí Hiển (Quan lộc tự Khanh) rồi vội vã trở về Nam nhận lãnh trách nhiệm vận động tài chánh và phép tắc. . .
Cuối tháng 2 Mậu-Dần, Đạo Trưởng Lê Kim Tỵ Thượng Chưởng Pháp Phái Đạo Tiên-Thiên được lệnh Thiêng Liêng phải ra gắp Tourane Trung-Kỳ cùng Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang xây dựng Trung-Thành Thánh Thất cho kịp ngày đã định.
Đạo Trưởng Lê KimTỵ đến Tourane ngày mồng 6 tháng 3 Mậu-Dần, chỉ còn đúng 1 tháng 2 ngày là đến ngày khánh thành. Đạo Trưởng lập tức họp các vị Hướng Đạo thành lập Ban Tạo Tác phân phối công việc, chia nhiều ban, mỗi người một việc, một mặt đến thăm xả giao Công Sứ Tourane dò xem tình hình, thấy có phần khó khăn, Đạo Trưởng ủy thác mọi việc cho Ban Tạo Tác, Ông đáp tàu tốc hành đi thẳng Hà Nội nhờ De Beaumont (một thân sĩ Nam-Kỳ) đánh điện cho Công Sứ Tourane yêu cầu cho phép xây cất Thánh-Thất.
Được De Beaumont sốt sắng giúp đở nên Đạo Trưởng vui mừng vội trở về, nhân dịp ghé thăm Cụ Phan Bội Châu và tặng Cụ 20$ rồi mới đón tàu khác về Tourane.
Trước hoàn cảnh cấp bách bối rối, xây cất Thánh Thất qui mô, mà thời gian chỉ còn không đầy một tháng, mà vẩn tưởng nhớ đến bậc chí-sĩ ái-quốc Cụ Phan-Bi-Châu để ghé thăm, thật tinh-thần một người hướng đạo Cao Đài lúc nào cũng nặng tình với quốc gia dân tộc.
Đạo Trưởng Lê Kim Tỵ về đến Tourane tính ra chỉ còn có 22 ngày nữa là đến ngày khánh thành, nên cấp tốc chia công tác ra 3 ban, 1 ban làm ban ngày , 2 ban đốt đèn măng-sông làm ban đêm (từ 19 giờ đến 01 giờ, từ 01 giờ đến 7 giờ sáng) đồng thời xây Thánh-Thất và xây bờ thành, ngõ cùng một lượt. Bổn đạo nhà quê thợ xây hồ, thợ mộc, lao công thay đổi nhau kéo ra, gạo thóc, bí, bầu, mít, chuối tấp nập chở về bằng thuyền, bằng xe lửa, xe hơi hoặc đi bộ, nhờ vậy mà nhân công, lương thực rất dồi dào. Tài chánh thì bổn đạo Quảng Nam đóng góp phần nào, còn về trong Nam vận động gởi ra. Công việc thật hào hứng sôi nổi, tiếng đồn vang đến khắp thôn quê. Lớp người đến xin nhập Đạo, lớp người đi coi lẩn lộn với người làm, trật tự kiểm soát thật là mệt nhọc, dịp ấy có một số đồng bào nghèo hoặc lao công thành phố đến bửa vào ăn uống như bổn đạo, Đức Ngọc Chưởng Pháp biết rõ nhưng khuyên ban trật tự đừng xua đuổi họ, vì chỉ có một dịp thôi và đó cũng là phổ độ, một người ăn sẽ có năm ba người trả, không sao!
Đức độ từ bi hỷ xã của Đức Ngọc Chưởng Pháp làm cho mọi người cảm phục. Từ đó một đồn ra năm, ra mười gây ảnh hưởng tốt cho việc mở đạo, truyền đạo sau này vậy.
Thấm thoát hai tuần lễ qua, còn một tuần nửa đến ngày mùng 8 tháng 4 Mậu-Dần (1938) ngày lễ khánh thành Thánh Thất Trung-Thành. Tại SàiGòn có Thánh lệnh từ trước dạy Cụ Nguyễn Phan Long, Tổng Trưởng Liên Hòa Tổng Hội, ra chủ tế khai mạc Đại Hội Long Vân Đệ Bát và đọc diễn từ bằng Pháp văn chính thức công khai mối Đạo tại Trung Kỳ. Quí vị bác sĩ Trương Kế An, Giáo Sư Trần Văn Quế, Phan Trường Mạnh, Nguyễn văn Kinh ra thuyết đạo, Quí chức sắc hướng đạo và bổn đạo Tiên-Thiên, Minh-Chơn Đạo, Liên-Hòa Tổng-Hội ra dự Đại Hội rất đông đảo. Dịp này Cụ Nguyễn văn Phùng điều đình với sở hỏa xa mướn luôn một wagon-đôi xe lửa đưa gần 400 bổn đạo ra Tourane.
Tại Quảng Nam cũng có lệnh Thiêng Liêng dạy Đạo Trưởng Lê Kim Tỵ cùng quí vị Nguyễn Quang Châu, Trần Công Bang, Nguyễn Đán, Nguyễn Hồng Phong hướng dẫn hàng trăm bổn đạo lên tận ga lớn Tourane để đón phái đoàn, Đức Ngọc Chưởng Pháp và Ngài Lê Trí Hiển thì đón tại Trung Thành Thánh Thất, va hàng ngàn bổn đạo nam nữ sắp hàng hai bên đường từ Thánh Thất đến nhà ga để đón mừng.
Đúng 19 giờ ngày mùng 7 tháng 4 Mậu-dần chuyến tàu hỏa tốc hành từ SàiGòn đến, hướng dẫn phái đoàn Cụ Nguyễn Phan Long bận quốc phục đi dưới Đạo kỳ, kế đến quí chức sắc hướng đạo và bổn đạo miền Nam. . . Tại sân nhà ga, Đạo Trưởng Lê Kim Tỵ cũng bận quốc phục áo dài trắng, khăn đóng đen túc trực sẳn dưới Đạo kỳ hướng dẫn toàn đạo miền Trung nghinh đón. Hai bên gặp nhau mừng vui khôn xiết, và sắp xếp thành hai hàng, Đạo Trưởng Lê Kim Tỵ và Nguyễn Phan Long đi đầu song song dưới hai Đạo kỳ, đến quí chức sắc hướng đạo, bổn đạo Nam và Trung tiếp theo sau.
Lúc ấy tháng tư ta, nhằn đầu mùa hè, tiết trời miền Trung nắng ráo, đêm ấy lại nhằm bửa có trăng non, quang cảnh gió mát, trăng thanh,giúp lòng người càng thêm phấn khởi. Từ nhà ga xe lửa Tourane về đến Thánh Thất Trung-Thành khoảng đường bộ 2 cây số rưởi, hàng hàng chức sắc hướng đạo và đạo đồ Nam Trung tuần tự diễn hành làm nổi bậc thành phố Tourane một màu trắng xóa dọc theo hai bên đường, bổn đạo miền Trung kẻ cờ người lồng đèn phất phới chào mừng, ngoài ra hàng vạn đồng bào các giới chen lấn nhau xem "rước lễ Cao Đài" làm huyên náo cả phương trời.
Giờ Tý đêm mồng 7 rạng mồng 8, Đức Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang chủ lễ dâng sớ khánh thành Thánh Thất Trung Thành. Ngày mùng 8 buổi sáng từ 8 giờ tiếp rước quan khách, có Công Sứ Tourane đến dự, 12 giờ trưa Cụ Nguyễn Phan Long chủ lễ khai hội Long-Vân đệ bát, 21 giờ Cụ Nguyễn Phan Long nhân danh Tổng Trưởng Liên Hòa Tổng Hội đọc diễn từ Pháp văn chính thức công khai mối đạo tại Trung-Kỳ, tiếp đến quí vị Phan Trường Mạnh, bác sĩ Trương Kế An thay nhau thuyết đạo. Đêm ấy khán thính giả thật là đông đảo cả đời lẩn đạo khoảng trên ba ngàn người, đặc biệt vì nghe đồn có Cụ Nguyễn Phan Long thuyết đạo bằng tiếng Pháp nên đa số công tư chức Pháp và Việt đều đến dự thính.
Đến mùng 9 lại một buổi thuyết đạo nữa do quí vị hướng đạo miền Nam thuyết giảng, số người đến dự nghe cũng tấp nập đông đảo như trước. Bởi lần đầu tiên đạo Cao Đài được công khai tổ chức và diễn giả là quí vị trong Nam, đạo mới người mới, đạo Cao Đài bị cấm nay được công khai, đó là lý do khiến mọi người mọi giới một đồn trăm, trăm đồn ngàn đua nhau chen lấn đi nghe và cũng đi coi.. Người ta đông đến sân rộng Thánh Thất Trung Thành cả ngoài đường không chứa đủ , lần đến dậm nát cả nửa mẫu khoai mì trước Thánh Thất, chủ đất phải vào thưa ban tổ chức , Đức Ngọc Chưởng Pháp khuyên chủ đất hãy yên tâm để đồng bào đứng nghe, nếu có thiệt hại bao nhiêu sau khi khánh thành xong Ngài sẽ bồi hoàn, lễ xong,chủ đất chỉ nhật bồi thường chút ít và sau gia đình ấy cũng nhập đạo.
Lễ chính thức cử hành xong, Ngày mồng 9 Cụ Nguyễn Phan Long về SàiGòn trước, Mồng mười quí chức sắc và bổn đạo mới về sau, Đạo Trưởng Lê Kim Tỵ một tuần lễ sau nửa sắp đặt mọi việc rồi cũng về, chỉ còn Đức Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang ở lại.
Dịp lễ khánh thành mùng 8 tháng 4 này Đức Ngọc Chưởng Pháp chứng minh buổi lễ đặc biệt lịch sử cho quí vị hướng đạo Minh Sư Trần Nguyên Chất, Huỳnh Ngọc Trác qui hiệp về Đạo Cao Đài và về sau quí vị này trở thành bậc hướng đạo cao cấp trong Hội Thánh Truyền Giáo, và tiếp theo một số quí chức sắc bổn đạo Minh Sư cũng xin về qui hiệp.
Sau lễ khánh thành Thánh Thất Trung-Thành và Long Vân đại hội tổ chức rầm rộ như nói trên, những nhân vật miền Nam danh tiếng miền Nam tham dự như quí Cụ Nguyễn Phan Long, Cao Triều Phát, Lê Kim Tỵ, Nguyễn Thế Hiển, Nguyễn Bửu Tài, Trương Kế An,Trần Văn Quế (mặc dù cụ Trần Văn Quế hồi ấy không ra Trung) v.v. . . Đặc biệt Đức Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang, một bậc chân tu đức hạnh phi phàm như một vị Bồ Tát tại thế, tạo nên không khí bừng dậy cho cơ đạo miền Trung, chẳng những ở Tourane mà khắp miền quê các tỉnh Thừa-Thiên, Quảng-Nam, Quảng-Ngãi, Bình-Định tiếng đồn vang dội, lần hồi người theo đạo ngày càng đông.
Đặc biệt tại Quảng Nam (lúc bấy giờ chưa có Quảng Tín) phần lớn bổn đạo Minh-Sư đều về với Cao-Đài, nên sau ngày lễ 3 tháng, số bổn đạo từ trên 3000 vọt lên trên 7000 người. Nhất là hình ảnh Đức Ngọc Chưởng Pháp in sâu vào lòng người dân miền Trung trong đạo cũng như ngoài đời cho đến ngày nay vẫn thường ca ngợi.
Đức Ngọc Chưởng Pháp ra Trung lần này lâu nhất, Ngài ở đến 9 tháng, sứ mạng Thiêng Liêng của vị Sư-Tổ đối với bổn đạo Tam-Giáo Minh-Sư Ngài đã giải quyết chu toàn, sự nghiệp công khai mối Đạo Trung, Bắc-Kỳ, Ngài đã góp phần khai sáng và lãnh đạo đắc lực. Ngài sắp sếp mọi việc xong giao lại cho quí vị hướng đạo Quảng Nam , Ngài định ra Huế thăm do lời mời của Cụ Cả Cao Như Hối, cao đồ của Ngài rồi sẽ về Nam.
Nhưng bất ngờ có lệnh Thiêng Liêng từ Tòa Thánh Minh Chơn Đạo Hậu Giang triệu hồi Ngài về gấp để lo việc tạo tác Bát Quái Đồ Thiên ở Hà Tiên, làm Ngài phải thôi việc đi Huế, cùng với đệ tử tâm phúc Đạo Tỷ Thanh Sang về Nam, để hai đệ tử Đạo Năm Trần Công Nghiễm, và Đạo Một ở lại lập công tại Trung Thành.
Lễ tiễn đưa Đức Ngọc Chưởng Pháp về Nam thật là đông đảo, đủ mặt quí vị hướng đạo Nguyễn Quang Châu, Trần Công Bang, Nguyễn Đán, Ngài Lê Trí Hiển, Trần Nguyên Chất, Huỳnh Ngọc Trác, Nguyễn Hồng Phong một số công tư chức Tourane và đạo hữu. Giả từ bổn đạo, Đức Ngọc Chưởng Pháp để lại những kỷ niệm sâu xa, những lời lẽ ngậm ngùi như Ngài đã dự trù lần này là lần cuối cùng Ngài sẽ không ra Trung nữa.
Tại miền Nam những ngày sau cùng.
Cuối tháng 4 Năm Mậu-Dần (1938) , từ biệt chức sắc bổn đạo miền Trung, Đức Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang cùng đệ tử Thanh San về SàiGòn, nghỉ ngơi tại Linh Quang Tự một tuần sau Ngài thẳng đến Hội Thánh Minh Chơn Đạo Hậu Giang thọ tuân Thánh lệnh, trao đổi ý kiến cùng Đạo Trưởng Cao Triều Phát rồi Ngài qua Hà Tiên lo việc tạo tác Bát Quái Đồ Thiên.
Bát Quái đồ Thiên, tôi chưa được hân hạnh đến xem nhưng đọc qua Thánh Giáo nói về ngôi Bát Quái này, và lời trình bày của quí vị hướng đạo, quí đạo tâm đã đến làm công quả thì thật theo dự đồ là một Thánh Đường kỳ vĩ. Về hình thức xắp xĩ với Hội Thánh Tây Ninh, về cảnh trí thì đặc biệt hơn nhiều.
Hà Tiên một tỉnh nhiều thắng cảnh danh lam nhất miền Nam nước Việt.
Ở đây không tiện diễn tả hết, chỉ nói về vị trí Bát Quái Đồ Thiên đặt giữa hai núi Đại Tô Châu và Tiểu Tô Châu, chánh điện trông về hướng bắc có Đông Hồ, quang cảnh thủy tú sơn thanh, về đêm có sao Bắc Đẩu soi sáng. Hậu điên xây về phía Nam vịnh Thái Lan , trời bể mênh mông nhìn ra năm châu thế giới, thật đáng là một kỳ quang phối hợp giữa thiên nhiên và nhân tạo vậy.
Vị trí Bát Quái Đồ Thiên nguyên trước kia là dòng suối cạn giữa hai núi Đại Tô Châu và Tiểu Tô Châu suốt từ Đông Hồ ra bể. Vâng Thánh Lệnh toàn đạo Hậu Giang (Minh Chơn Đạo và Tiên Thiên) mỗi ngày hàng ngàn người công quả nỗ lự xe đất lấp bằng dòng suối ấy để xây cất Bát Quái Đồ Thiên.
Bát Quái Đồ Thiên được mô tả hình dáng vĩ đại, có 8 tòa gọi là Bát Quái Đồ, xây cao 3 từng lầu, vật liệu bầng ciment cốt sắt.
Công cuộc kiến thiết qui mô này toàn bổn đạo Hậu Giang Minh Chơn Đạo và Thiên Thiên đều tham gia, nhất là sự đóng góp tích cực của quí vị chủ sắc hướng đạo có danh vị to, tài sản lớn trong Đạo cũng như ngoài đời, như Cao Triều Phát, Phan Văn Thiệu, Phan Văn Tông, Nguyễn Thế Hiển, Nguyễn tấn Hoài, Hội đồng Thứ, Lê Kim Tỵ v.v. . .Đặc biệt có ông Lê Văn Thanh đương kiêm chủ quận Châu Thành Hà Tiên tận tình giúp đở, nếu không có ông Phủ Thạnh cũng khó mà làm được. Về sau Thiêng Liêng hóa độ ông này nhập đạo.
Đức Ngọc Chưởng Pháp đến Hà Tiên vào cuốt tháng 5 Mậu-Dần (1938) nhiện vụ của Ngài, Thiêng Liêng gọi đến để chủ trì tinh thần kêu gọi toàn đạo tham gia công quả, vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài đạo góp phần vào công cuộc kiến thiết qui mô này.
Ngài ở Hà Tiên một thời gian, rồi lại về Bạc Liêu Hội Thánh Minh Chơn Đạo để có gì hội ý Đạo Trưởng Bảo Đạo Cao Triều Phát và Ngọc Đầu Sư Phan Văn Thiệu, vì lúc bấy giờ Tòa Thánh Hậu Giang tại Giồng Bốn còn đang mở mang thêm.
Ở Minh Chơn Đạo Bạc Liêu, rồi Ngài lại qua Bát Quái Đồ Thiên Hà Tiên, rồi Ngài lại đi các nơi vận động tài chánh, lương thực , công quả cho công cuộc tạo tác, thỉnh thoảng Ngài mới về Linh Quang Tự an nghĩ.
Như thế được hơn hai năm, đến cuối năm 1940, Bát Quái Đồ mới xây cất được 4 tòa chưa xong, ước lượng toàn diện được 40% thì gặp lúc tình thế khó khăn. Đệ II thế chiến bùng nổ đến hồi quyết liệt, quân Đức, Ý uy hiếp Âu Châu. Chính quyền bảo hộ Pháp ở Việt Nam cũng khủng bố Đạo quyết liệt. Không riêng ở Trung-Kỳ, mà khắp cả Nam-Kỳ các Thánh Thất, Thánh Tịnh đều bị đóng cửa niêm phong, triệt hạ chử Vạn, lấy cớ là chử Vạn là dấu hiệu cờ Đức Quốc Xã. Ở Trung-Kỳ lại triệt hạ luôn Thiên Nhãn, vì bảo Thiên Nhãn là biểu hiệu mặt trời Nhựt Bổn, Quí chức sắc cao cấp từ Tòa Thánh Tây-Ninh: Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, Sĩ Tải Hiển, Phối Sư Nguyễn Văn Phấn, Trần Ngọc sáng, Giáo Sư Thái Văn Gấm. Hội Thánh Tiên Thiên: Chưởng Pháp Lê Kim Tỵ, Nguyễn Thế Hiển, Phan Văn Tòng, Hội đồng Thứ, Đoàn Văn Chiêu, Huỳnh Văn Ngãi, Trung Kỳ thì có quí vị Nguyễn Quang Châu , Trần Nguyên Chất, Huỳnh Ngọc Trát, Nguyễn Đán , Trần Nguyên Chi và số đông chức sắc trung cấp, bổn đạo không kể hết đều bị bắt bớ lưu đày khắc các trại an trí trong nước và cả Madagascar Phi Châu.
Vì vậy mọi sinh hoạt đạo có tính cách hình thức đều phải đình chỉ, công việc tạo tác Bát Quái Đồ Thiên cũng đành tạm gát lại.
Bậc hướng đạo ra đi.
Từ năm 1941 (Tân-Tỵ) về sau, Đức Ngọc Chưởng Pháp thường trú tại Linh Quang Tự vì lý do sức khoẻ cần nghỉ ngơi, một phần chính quyền Pháp cũng ngăn cản mọi sự đi lại của người Đạo. Các Thánh Thất, Thánh Tịnh thường xuyên bị kiểm soát tuy đã đóng cừa, Linh Quang Tự của Ngài cũng bị theo dõi. Mọi việc đạo thì các nơi thường xuyên cho người về Linh QuangTự xin giáo thị của Ngài hoặc Ngài cho người liên lạc các nơi dặn dò bổn đạo quyết tâm trì thủ chờ ngày hạnh thông sẽ đến.
Năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp, toàn đạo reo mừng tự động mở cửa các Thánh Thất, Thánh Tịnh. Ngài khuyên hãy bình tỉnh trong cương vị tu hành, đời còn nhiều khó khăn thử thách, hãy kiên tâm nhẩn nại giữ lấy " Bộ thiết giáp đạo đức" của Thầy mà che thân. Người tu hành lúc đắc thế không kiêu căn, khi thất thế cũng không chán nản.
Quả thật, mấy tháng sau nhiều biến cố xảy ra, tiếp đến chiến tranh Việt-Pháp khai diễn. Mùa xuân năm Bính-Tuất, chiến loạn bộc phát khắp miền Nam, bổn đạo đồng bào bước vào cảnh lầm than cơ cực, thêm tin bổn đạo miền Trung lại bị sát hại, Ngài vô cùng đau xót, nhưng biết mình sắp từ giả cõi đời,nên gọi các đệ tử thân cận bên Ngài căn dặn " Thế sự vô thường, đạo đức duy nhơn ", nhớ rằng khi đạt thì cùng với thiên hạ san sẻ điều lành, lúc cùng thì tu luyện lấy thân tâm, tránh điều khổ lụy và cầu đến đạt đạo giải thoát". Dặn dò các đệ tử mọi việc, giờ Dậu ngày 17 tháng2 năm Bính-Tuất (1946) Đức Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang đăng Tiên, Ngài hưởng thọ 77 tuổi.
Và sau đó, Ngài giáng cơ tại Tòa Thánh Hậu-Giang chứng quả " Vạn Đức Đại Tiên".
Đức Ngọc Chưởng Pháp đăng Tiên nhằm lúc chiến tranh Việt-Pháp đang khốc liệt, quí chức sắc và bổn đạo khắp nơi không liên lạc được, chỉ những bổn đạo trong phạm vi SàiGòn-Gia Định gặp gở nhau nhưng rất khó khăn, nên Thánh lễ an táng nhục thể Ngài cử hành lặng lẽ và an táng tại mộ địa của chùa Linh Quang ở gần chùa.
Lúc bấy giờ chùa Linh Quang ngoài số bổn đạo tới lui, chỉ còn các đệ tử thân cận nhứt của Ngài, quí đạo cô Võ thị Thại, Võ thị Nhạn (hiện nay qui liễu), Đạo sĩ Trần Chuân (hiện nay Lão Sư Trần Đạo Cơ) và quí đạo Tỷ Nguyễn Diệu Trinh, Lê Tịnh Đăng và Nguyễn Diệu Sen v.v.. .vẫn giử theo đường lối tu trì Tam Giáo Minh-Sư trong nôm chùa chiền, hương khói phụng sự Ngài, và cũng giữ gìn đạo nghiệp Linh Quang Tự do 12 Lão Sư chuyễn thác cho Đức Ngài từ trước.
Năm 1953, chiến tranh lan tràn, trường bay Tân Sơn Nhất càng mở rộng, chùa Linh Quang và mộ địa bắt buộc phải dời ra khỏi phạm vi sân bay. Trước tình thế không làm sao hơn được, Đạo sĩ Trần Chuân cùng các đệ tử Đức Ngài phải dời chùa Linh Quang lên Hốc Môn kiến thiết lại tuy nhỏ bé nhưng cũng cố duy trì để giữ lại di tích của Đức Ngài.
Về phần mộ Đức Ngài thì Đại sĩ Trần Chuân và quí chức sắc Cơ Quan Truyền Giáo tán trợ tạm thời thiên táng về nghĩa địa Gia Định họ Lê sau Minh-Kiến-Đài tại Thông Tây Hội, Gò Vấp, tỉnh Gia Định và mong một dịp nào thuận lợi quí Hội Thánh Truyền Giáo và Minh Chơn Đạo hợp cùng chư đệ tử sẽ xin di táng mộ phần Ngài một lần nữa đưa về Tòa Thánh Tây-Ninh hoặc đến nơi Thánh-Lâm mộ địa khang trang xây dựng một bửu tháp uy nghi để kỷ niệm bậc hướng đạo chân tu thánh-đức suốt đời vì Giáo-Hội, xã hội nhân sinh.
Kết luận.
Đọc qua lược sử Đức Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang, chúng ta người đi sau không khỏi ngậm ngùi bái phục, một bậc chân tu thánh-đức phi phàm, một Bồ Tát tại thế, từ thưở bé thơ đã phát tâm mộ đạo. Năm 13 tuổi Ngài đã xin thọ giáo nhập đạo Tam Giáo Minh Sư, năm 16 tuổi Ngài đã phát đại nguyện tu cầu giải thoát cho đến năm 45 tuổi, 33 năm trời trên con đường tu kỷ độ nhân, Ngài đã lập nhiều đạo nghiệp vẽ vang qui tụ nhiều đệ tử khắp hai miền Nam và Trung-kỳ,Ngài đã thọ phong qua chín cấp Giáo-Phẩm đạo Minh-Sư, và lần này Tổ-Sư Trần-Đạo-Khánh phong cho Ngài Thập-Địa Thái-Lão-Sư là phẩm vị cao nhất của đạo Minh Sư.
Hành Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét