Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

Lòng Thầy


                                          

Lòng Thầy
(Trích"Lòng con tin Đấng Cao Đài"- Huệ Khải)


        Rằm tháng 10 Bính Dần (19-11-1926) đạo Cao Đài chính thức ra mắt nhân sinh trong một đại lễ tại chùa Gò Kén (làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh). Con đường vừa mở ra, tưởng đâu thẳng tắp, bon bon, nào ngờ chỉ bốn năm sau (1930) đã sớm xảy ra cảnh phân hóa giữa lúc Đạo hãy còn quá trẻ.

Người ta có thể lấy lý do này hay nguyên cớ nọ để biện minh, phân giải cho sự phân hóa ấy; nhưng Thầy đã vạch cho thấy chung quy chỉ vì con cái của Thầy xa rời tình thương mà gây nên nỗi. Và nhiều lần Thầy đã khóc:

Thầy nhìn trẻ chan hòa giọt lệ,
Bởi tình thương con để xa con.
Đường đi sửa méo nên tròn,
Nhưng chưa thành đạt thì con tách rồi.

Kể từ năm 1930, sự phân hóa bắt đầu diễn ra cho tới năm 1935. Đó là những trang sử chứ a nhiều nỗi trở trăn, u uất của người đạo Cao Đài, mà lắm khi những người con áo trắng thương Thầy mến Đạo phải tự an ủi mình bằng lời tiên tri của Thầy khi chuẩn bị khai Đạo:


Đã thấy ven mây lố mặt dương,
Cùng nhau xúm xít dẫn lên đường.
Đạo cao phó có tay cao độ,
Gần gũi sau ra vạn dặm trường.

Vạn dặm trường xa cách ấy nếu chỉ cách trở về không gian địa lý thì thâu ngắn đã dễ dàng rồi. Thương thay, đường đi thì không quan san mà quan san lại chính ở lòng người, ở ngay cả lòng riêng của nhữ ng vị đã được ân ban và được tôn kính là bậc Thiên phong hướng đạo.

Năm 1961, nhắc đến nỗi phân ly trong Đạo, Thầy xót xa dạy rằng:

Có trẻ cũng cậy oai áo mão,
Mà con không cổi tháo phàm tâm.
Con tu mà phải luân trầm,
Thiên phong mà phải lạc lầm Thiên phong.
Có con cũng ỷ công hành đạo,
Mà con quên mình tạo nghiệp đời.
Quen làm giáo chủ một nơi,
Quên giềng mối lớn quên lời thệ xưa.

Lời minh thệ xưa là lúc nào? Trước hết, là đại hồng thệ của Thầy. Khi Thầy hội Công đồng Tam giáo lập tờ đoan thệ rằng nếu Đạo không thành thì Thầy nguyện không trở về ngôi vị cũ.

Lời đại hồng thệ của Thầy đã kinh động thiên đình, cho nên chư phật tiên, thánh thần đều xuống trần theo Thầy lập Đạo kỳ Ba. Và các tiền bối Cao Đài ngày xư a hay các hướng đạo ngày nay cũng là các nguyên nhân tá thế do đại nguyện của Thầy. Năm 1960, Thầy nhắc nhở:

“Hỡi này các con hướng đạo ôi! Các con là đại căn linh chủng hạ phàm để dẫn dắt quần sanh trở về con đường chơn tu đắc thánh, cùng thay thế Thầy lập Đạo kỳ Ba.”

Lời đại hồng thệ của Thầy cũng kinh động cõi âm tà cho nên quỷ vương đã vội vàng kéo rốc kiện tướng tinh binh của tam thập lục động, rần rần rộ rộ vào cõi thế trần để gi ựt giành với Thầy trong thời hạ nguơn mạt ki ếp. Một cuộc đấu tranh quyết liệt và dĩ nhiên không tránh khỏi có những đại căn linh chủng sa chân vào mê hồn trận của quỷ vương, rốt cuộc không hoàn thành đại nguyện.


Người đời sẽ hỏi: Thầy là đấng Chí tôn Thượng đế, quyền năng vô biên mà tại sao Thầy không che chắn, không đỡ nâng cho các con? Thực ra, như Thầy từ ng nhiều lần giảng gi ải, Th ầy để quỷ vương thử thách con Thầy thì mới đúng lẽ công bình của Tạo hóa. Năm 1961, Thầy dạy:

“… nếu cơ Đạo không trải qua những gi ờ phút đen tối như hiện tình, thì ngày thành đạo, con nào cũng là trang quả cảm hy sinh cả, như vậy sao gọi có luật công bình.”


Hai năm sau, Thầy nhắc lại:

“Cao Đài Đại đạo cũng như người tín đồ, Thầy chỉ đánh giá lúc ngặt nghèo, chớ bình thường thì chẳng biết ai là người tâm đạo, ai là kẻ có lòng.”

Thế nên, khi con cái của Thầy quá đỗi mòn mỏi trước những màn khảo thí thiên hình vạn trạng, Thầy cũng không vì thương con mà bồng ẵm đàn con. Thầy đành nén lòng, dõi mắt nhìn con Thầy tự hoàn thiện mình trong trường tranh đấu. Có lần Thầy an ủi, khuyến nhủ, vỗ về:

Cơ lừa lọc trò tiên buổi chót,
Bước quả công bòn mót nghe con.
Biết rằng nhiều trẻ mỏi mòn,
Đó là giờ cuối thử con trọn lòng.


Thầy dạy sao thì biết vậy, nhưng nhiều khi người tín đồ chứ ng kiến lắm kẻ cũng khăn đen áo trắng, tay bi ết bắt ấn Tý, miệng biết niệm danh Thầy mà lại giỏi kết bè kết cánh để làm điều nghị ch đạo thì hỏi sao lòng trần không phẫn nộ? Có lần, chắc vì nộ khí xung thiên đã động đến Thầy nên Thầy hạ trần khuyên lơn lần nữa:


“Này các con! Không phải Thầy không đủ quyền pháp để chuyển xoay máy Tạo, nhưng Thầy quá lòng từ bi để các con lập công bồi đức mà trở về ngôi vị. Nếu Thầy dùng quyền lực thì các con sẽ trở thành tro bụi.”


Những tưởng chỉ có người phàm mới uất ức, mới thầm xin Thầy “ngó” một cái để ai đó “tiêu” luôn cho rồi, nào ngờ các vị thần theo phù hộ người hành đạo, nhiều khi thấy ai đó làm cản bước tiến của Đạo, cũng nóng ruột, cũng vào quỳ trước Bạch Ngọc kinh, lạy Thầy nài xin ra tay trừng phạt.


Giữa năm 1961, Thầy tiết lộ một trường hợp. Thần Ngũ lôi vào dâng sớ xin trị t ội ai đó, và Thầy đã cản không cho thần Ngũ lôi xuống tay giáng sấm sét đánh tiêu tan kẻ ấy:

Vừa trước bệ chương đài Bạch Ngọc,
Ngũ lôi thần vào đọc sớ qua.
Xin ra oai trị lòng tà,
Đặng gìn mối Đạo kỳ Ba vẹn tuyền.
Nếu như vậy con hiền chịu khổ,
Bởi từ bi nhiều chỗ nguyên nhân.
Để con dẫn dắt lúc cần,
Nếu Thầy ra lịnh Lôi thần còn chi.


Ở thế gian, đứa con ngu dại, ngỗ nghịch làm tan lòng nát dạ mẹ cha thường cũng chính là đứa con mà mẹ cha thương xót đớn đau hơn cả. Lấy lòng cha mẹ huyết nhục trần gian mà suy thì ắt hiểu lòng Thầy là Cha Trời đối với các linh căn đang trầm luân, lầm lạc.


Ở thế gian, đâu thiếu chi những ông cha, bà mẹ chỉ vì con bụi đời đi hoang mà cha mẹ phải liều mình lùng sục khắp các chốn tệ nạn xã hội để mong tìm thấy con, lôi kéo con về nhà, bất chấp những nơi nhơ nhuốc, khổ ải, hiểm nguy. Thì Thầy cũng vậy. Thấy con cái lầm lỗi, mắc kế mỵ tà, làm cho nền Đạo rẽ chia, Thầy đã bao phen giáng thế, vào chốn trần ai ô trược để cứu vớt các con.


Vì sợ rằng phạm thượng, sợ là thất kính, chúng ta không dám nói Thượng đế đọa trần, nhưng chính Thầy đã thổ lộ vì quá thương con mà Thầy phải đọa trần:


Con biết chăng gan đồng Thầy bể,
Con biết chăng Ngọc đế đọa trần...



Thầy chị u “lăn lóc với đời” vì tin tưởng các con dù sao cũng là linh căn, sẽ có thể biết xét suy nghĩ lại. Thầy dạy:


Tâm trần dù có mê si,
Cũng còn chút ít lương tri của Thầy.


Vì tin con và thương con như thế nên nhiều phen Thầy nhắc lại lời hồng thệ của Th ầy khi mở Đạo, để khơi dậy điểm thiên lương sót lại của đàn con, mong con hồi tâm hướng thiện.


Thầy sao mãi miệt mài trần thế,
Bởi vì câu hồng thệ của Thầy,
Trước Tòa Tam giáo còn đây,
Không thành tan nát thân Thầy còn chi!


Một bực Đại la Thiên đế mà phải miệt mài trần thế! Lời dạy của Thầy hoàn toàn không hề là mỹ từ bóng bảy mà chính là sự thật xót xa.

Lời Thầy dạy từ thuở mở Đạo cho t ới nay, đã cạn bao dòng mực trên muôn vạn trang thánh ngôn, thánh giáo. Ngọn linh cơ cũng đã mòn với thời gian và nhịp thăng trầm Đại đạo.

Năm 1964, lời Thầy dạy nghe mà ngậm ngùi khôn xiết:

Bút đã mòn với dòng kinh điển,
Mực cạn dần bao quyển thánh ngôn...

Thử hỏi bút nào không mòn, mực nào không cạn, khi mà:

Thầy vì con sớm chiều hạ thế,
Thầy vì con chẳng nệ đêm khuya ...


Những lúc con cái trĩu nặng tâm tư u uất, hay quá đỗi đớn đau vì tình đời cảnh đạo, Thầy ban bố thật nhiều lời nhủ khuyên, an ủi. Một lần nọ Thầy dạy:

“Hôm nay Thầy đến với các con để vỗ về an ủi cùng chan rưới điển lành cho các con, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, lớn bé, nguyên nhân cùng hóa nhân, để các con hấp thụ linh đi ển đó mà bình tâm sáng suốt, chọn một con đường đi, khỏi lo chông gai hiểm trở.

“Vậy thì nơi đây, các con hãy trút tất cả những tâm tư, những buồn tủi, những gi ận hờn, những đau khổ, để Thầy an ủi, vỗ về, xoa dịu nỗi tâm tư. Lòng Tạo hóa từ bi bao trùm vạn vật, mở lượng khoan dung, dang tay từ ái, đón rước tất cả sanh linh. Đứa phải, đứa trái cũng là con cái của Thầy.

“Khóc đi các con! Hãy khóc đi để Thầy ban lời khuyến dỗ.”


Mỗi lần về đàn, cách Thầy xưng hô với các con cũng rất đặc biệt. Bao giờ cũng là “Thầy các con! Thầy mừng các con nam nữ!”


Còn nhớ, cuối năm 1963, có một lần, Thầy về Huờn Cung Đàn, lời Thầy sao mà bình dị, sao mà thương yêu đến mức như vầy: “Thầy đây. Thầy mừng các con.”


Chúng ta cứ thử nhẩm lại đi: “Thầy đây. Thầy mừng các con.” Nghe sao mà chứa chan, sao mà thân thiết! Một ông Trời, một vị Ngọc hoàng Thượng đế, một đấng Chúa tể càn khôn, nhưng Ngài đã đến với chúng ta, và đến như vậy đó!


*


Trở lại với chuyện Đạo phân hóa từ 1930 đến 1935. Trên bàn tay còn có ngón dài ngón vắn, con trong một gia đình dẫu có kẻ bướng bỉnh ngang tàng vẫn còn người ngoan hiền nhu thuận. Cho nên, đau lòng vì cảnh huống đồng đạo chia phân, lần lượt đã có những người con hiếu thảo của Thầy nối tiếp nhau tìm cách hàn gắn các chi phái, bảo toàn cho Đạo trước những âm mưu chia rẽ Cao Đài để mong triệt tiêu Cao Đài.

Nhắc đến những người con trung hiếu, đầu năm 1965 Thầy dạy:


Cũng có con nặng oằn tâm đạo,
Cũng có con trọng bảo danh Thầy,
Đứa thì củng cố đó đây,
Đứa thì kêu gọi ngày ngày quy nguyên.


Nói về con đường quy nguyên của Đạo, trong khoảng hai mươi bảy năm, từ 1936 tới 1962, có thể lược kể vắn tắt như sau:


1936: Cao Đài Đại đạo Liên đoàn, không lâu sau đó Liên đoàn đổi tên thành Liên hòa Tổng hội.


1945: Cao Đài Hiệp nhứt 11 phái.

1947: Hội thánh Duy nhứt 12 phái Cao Đài Thống nhứt.

1951: Cơ quan Cao Đài Quy nhứt.

1952: Cơ quan Cao Đài Quy nhứt đổi tên thành Cơ quan Cao Đài Thống nhứt.

1956: Cơ quan Cao Đài Thống nhứt đổi tên thành Ban Vận động Cao Đài Thống nhứt.

1962: Ban Phổ thông Giáo lý ra đời với định hướng dùng con đường phổ thông giáo lý tác động cho mục tiêu quy nguyên, thống nhứt nền Đạo.


Điểm lại danh xưng các tổ chức từ 1936 tới 1962, những thay đổi liên tiếp như thế chứng tỏ nhân tâm đã bao lần biến dịch không ngừng. Sau này, đầu thập niên 1960, Thầy tiết l ộ cũng vì thương con mà lắm phen Thầy đã chìu theo nhân tâm biến dịch:


“Thầy nhắc lại lời Thầy nói khi xưa là con nào muốn ăn cơm, Thầy cho cơm; con nào muốn ăn bánh, Thầy cho bánh. Lúc nào Thầy cũng lặng lẽ nhìn các con với luồng Thiên nhãn đầy nét yêu thương trìu mến.”

Người xưa nói: Dụng nhân như dụng mộc. Thầy cũng vậy. Lòng kẻ thế gian khi như t ấm ván cong vênh, lúc như khúc cây chỗ lành lặn, chỗ mọt sâu... Không nỡ bỏ sót một con nào, Thầy lại tùy theo trường hợp mà chuyển hướng để cho các con của Thầy còn có dịp lập đức lập công với Đạo:


Vì tư dục mọi bề chi phái,
Bởi lòng phàm nhơn loại đấu tranh.
Thầy đâu nỡ bỏ con đành,
Tùy phương chuyển hướng lập thành bảng tiên.
Dụng quyền pháp thiêng liêng vận động,
Cho mỵ tà mất bóng tan hình,
Để con về nẻo quang minh,
Khỏi cơn ác mộng giữ gìn lý chơn.


Ôn học thánh giáo của Thầy, khi nhìn lại những biến đổi liên tục ở hình danh sắc tướng của các nỗ lực nhằm quy nguyên thống nhứt Cao Đài từ năm 1936 tới 1962, chúng ta hiểu trong đó có sự chuyển hướng xoay chiều của Thầy, mà nhữ ng chuyển xoay ấy được Thầy ví như giọng đàn thay cung đổi nhịp:


Thương con Thầy đổi giọng đờn,
Nhặt khoan để trẻ hưởng ơn huệ hồng.


*


Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, con đường Đại đạo mở ra trên quê hương Việt Nam đã sớm là con đường không suôn sẻ và bằng phẳng. Cuối năm 1960, sau những nỗ lực hàn gắn phái chi mà đích thành công vẫn chưa nằm trong tầm tay với, Thầy đến với các con và than rằng:


“Đã t ừ lâu, Thầy dùng mọi hình thức cũng như diệu huyền để dạy dỗ các con, nhưng rồi cũng chỉ trôi qua theo thời gian biến chuyển. Lòng con cũng vẫn mãi rạt rào trước ngọn giáo chia phân. Đến giờ phút này, Thầy biết rằng có nhiều con đã chồn chân trên bước đường chia rẽ. Dù thế, nhưng cũng chưa được trọn lòng hòa hiệp là bởi lòng của các con đó chưa quên mình cho Đại đạo. Thầy lấy làm đau xót!”


Quả thực, những t ổng kết của Thầy vào đầu thập niên 1960 là nhữ ng dòng thánh giáo chưa đượm nét tươi vui bởi vì Thầy nhận thấy vẫn chưa hết người “Miệng rằng thống nhứt bụng mà còn chia.” và đó chính là một chướng ngại ngăn cản tiến trình quy nguyên thống nhứt nền Đạo.

Năm 1961, đạo Cao Đài ba mươi sáu tuổi, lời Thầy càng thúc giục.

Tháng 2, Thầy dạy:


Ba sáu năm ngoài trong chia xẻ,
Giờ nay đây con trẻ phải quy.
Đồng nhau dự hội khoa thi,
Dưới trên tương hiệp chớ ly tách Thầy.


Tháng 7 cùng năm Thầy liền nhắc: 



Đây Thầy nhắc cái ngày khai Đạo,
Hỡi con ôi, ba sáu năm rồi!
Nhớ chăng Thầy dạy những lời,
Đạo mau thống nhứt kịp đời Thượng nguơn. 
Vẳng âm thanh giọng đờn thống nhứt,
 Làn du dương tiếng nhạc quy nguyên.
 Dù cho cách trở sơn xuyên,
Lòng Thầy dạ trẻ tư riêng sao đành.


Vì sao càng lúc tiến trình quy nguyên Đại đạo càng trở nên thúc bách? Đây cũng là lời Thầy phân giải:


“Các con nên hiểu rành hai chữ quy nguyên. Quy nguyên Đạ i đạo để hoàn thành mục phiêu độ thế, để hoằng pháp năm châu, nào phải nơi chật hẹp ở cõi Nam bang này.”


Từ khi ra đời vào năm 1952 tính đến năm 1961, Cơ quan Cao Đài Thống nhứt đã trải qua một thập niên làm tác nhân chủ chốt cho công cuộc quy nguyên Đại đạo. Thế nhưng đến cuối năm 1961 này, Thầy lại dạy như sau:


“Hiện giờ Thầy nói đến các con trong sứ mạng của Cao Đài Thống nhứt. (...) Trải qua bao năm tháng, giờ Thầy thử hỏi các con đã làm những gì đối với Đạo và các con hiểu được Cao Đài Thống nhứt chăng?


“Các con ôi! Thầy nhận thấy các con là nh ững đứa con trí thức, có bản năng nên Thầy mới trao cho các con một nhiệm vụ dưới thánh bảng Cao Đài Thống nhứt. Các con đã cùng nhau hy sinh cho Đạo trong bao năm trường, nhưng nếu tình cờ đàn em các con đứng lên hỏi các con sẽ đưa chúng nó về đâu? đạt thành nguyện vọng gì? thì các con mới trả lời sao đây?


“Chẳng lẽ các con đưa tay lên chỉ một phương trời vô định hay các con lại mượn đồng loan nhờ Thiêng liêng thi phú để giáo dỗ nhơn sanh? Nhơn sanh chỉ nghe suông rồi các con tự an ủi mình bằng cách hãnh diện là được Thiêng liêng kêu gọi.”


C ăn cứ theo lời dạy trên của Thầy, là lớp người sau tìm hiểu hành trạng của lớp người trước, chúng ta cảm nhận rằng hoạt động của Cơ quan Cao Đài Thống nhứt dường như còn thiếu một yếu tố hiệu quả thiết thực để hướng dẫn tinh thần đồng đạo.


Vậy là một lần nữa Thầy lại đổi giọng đờn khi chuyển hướng lập ra Ban Phổ thông Giáo lý vào năm 1962 với chủ đích dùng con đường phổ thông giáo lý, lấy phương tiện thuyết minh giáo lý để tác động cho mục tiêu quy nguyên, thống nhứt nền Đạo.


Năm 1962 Thầy giải rõ lý do chuyển hướng như sau:


Chuyển hướng để đời sang cõi thiện,
Phổ thông cho đạo sớm quy nguyên.
Công phu dày dạn từ năm ấy,
Chỉ một kỳ nầy phật, thánh, tiên.
Đã đến lúc thuyết minh giáo lý,
Và đúng kỳ cơ chỉ quy nguyên,
Nên Thầy cùng phật thánh tiên,
Ban hành sắc lịnh giáo truyền phổ thông.
Đạo nay đã đến phần giáo lý,
Để phô bày ý chỉ, mục tiêu.
Đạo cần phải biết luật điều,
Sách kinh phổ hóa được nhiều con xem.
Giờ con phải tâm bền học hỏi,
Kinh sách xem mở cõi lòng con.
Gia công nghiên cứu cho tròn,
Hiệp nhau để đặng mót bòn quả công.
Đại đồng lập phổ thông giáo lý,
Chuyển hườn nguyên tôn chỉ Tam kỳ;
Liên quan huynh đệ ngại chi,
Hòa nhau hệ thống tường tri đủ điều.


Mặc dù Thầy đã dạy rất rõ về yêu cầu phải chuyển hướng sang phổ thông giáo lý, nhưng trong nội bộ Cao Đài Thống nhứt bấy gi ờ lại có thành phần không đồng quan điểm về sự chuyển hướng này.


Tình thế đã buộc những người vâng tùng thánh ý của Thầy phải tách ra khỏi Cao Đài Thống nhứt, quy tụ về Thiên Lý Đàn ở khu Hòa Hưng để chờ lệnh Thầy. Đó là năm 1963, cũng là năm đạo Cao Đài ba mươi tám tuổi, với lời tổng kết không vui của Thầy:

“Ba mươi tám năm trường lặng lẽ trôi qua, thử hỏi có một kết quả nào chung cho nền Đại đạo?”

Đối với những người con tuân theo sự chuyển hướng đã định từ năm 1962, thì sang đầu năm 1964, Thầy dạy:

“Thầy nhắc cho các con nhớ: Phổ thông giáo lý là một cơ quan truyền bá mục đích Đại đạo, mà các con là những sứ mạng trung kiên của Thầy, của Tam giáo.”


Năm 1964 có thể coi là năm chuẩn bị rốt ráo để Thầy quy tụ những hạt nhân nồng cốt, trung kiên tạo thành lớp người tiền phong cho một t ổ chức mới là Văn phòng Phổ thông Giáo lý, sẽ khai mạc vào ngày rằm tháng Giêng Ất Tỵ (16-02-1965), trùng với ngày Thiên quan Tứ phước. Nửa tháng trước ngày khai mạc Văn phòng, Thầy ân cần trao các con những lời ký thác:


Thầy sắc ban Văn phòng Giáo lý,
Cho con nào có chí hy sinh,
Vì chánh đạo, dám quên mình,
Đem tài phục vụ nhơn sinh buổi này.
Thầy không mượn lâu đài chùa thất,
Mượn lòng con chơn thật mà thôi.
Không chức sắc, không vị ngôi,
Mà còn khổ cực, còn hồi gian nan.
Trước liệu lượng, sau toan hứa hẹn,
Lãnh lịnh Thầy, đừng thẹn với Thầy.
Thủy triều vận tải Đông Tây,
Danh con được rạng, Đạo Thầy hoằng dương.


Văn phòng Phổ thông Giáo lý năm xưa chính là tiền thân của Cơ quan Phổ thông Giáo lý hôm nay, một Cơ quan được Thầy cho biết là bộ máy sau cùng của Đạo.


Ôn lại quãng đường bốn mươi năm từ khi Thầy mở Đạo cho đến khi Thầy thành lập Cơ quan Phổ thông Giáo lý (1926-1965), chúng ta thấy Thầy đã phải biết bao lần uốn nắn cho con đường quanh co trở thành thẳng tắp, và cũng đã nhi ều phen Thầy phải đau lòng than thở rằng lịch sử ghi chẳng nên dòng.


Nhận thức như vậy để thấy rằng vì sao những lời Thầy gởi gấm Cơ quan, gởi gấm bộ máy sau cùng của Đạo, vốn đã rất thiết tha càng thêm bội phần tha thiết:


Nhiệm mầu lý đạo hỡi con ôi!
Dụng đức hy sinh để đắp bồi.
Chẳng nệ thân phàm không vị cả,
Đừng màng danh tục chẳng cao ngôi.
Nhịp cầu giáo lý xây non nước,
Guồng máy thiên nhiên dụng đạo đời.
Cứu cánh nguyên nhân kỳ mạt hạ,
Vững vàng lèo lái giữa dòng khơi.


Là bộ máy sau cùng của Đạo, Cơ quan Phổ thông Giáo lý có điều kiện nhìn lại suốt cả bước đường đã qua của bao lớp ti ền nhân buổi trước. Nhữ ng cái đã được và nhữ ng cái chư a được của người xưa đều là tấm gương sáng và là bài học hay để Cơ quan chiêm nghiệm mà ý thứ c bảo tồn và kiên trì thực thi đường lối do Thầy chỉ dạy từ ngày đầu thành lập:

“Các con sẽ là đoàn người hy sinh, không chức vị, chẳng oai quyền, chẳng danh lợi, mà phải làm đoàn người xung phong phá núi, đốn rừng, dẹp những chướng ngại trên đường Thiên đạo, để khách lữ hành Tam giáo chung bước sau này trên những lối đi bằng phẳng đó.”


Đến nay, Đạo sắp bước sang năm thứ bảy mươi bảy, Cơ quan cũng sắp đầy ba mươi bảy tuổi. Con đường bằng phẳng mà Cơ quan sẽ mở ra cho khách lữ hành Tam giáo tuy chưa hình thành, nhưng thời gian mấy mươi năm qua, với Hội trường Thuyết minh Giáo lý của Cơ quan, không chỉ là tín đồ Cao Đài mà còn có đạo tâm các nơi hội hiệp, quy tụ. Nhờ đó chúng ta ngày một thông cảm nhau hơn, gần gũi nhau hơn khi kết liên với nhau bằng sợi dây giáo lý, đúng như lòng Thầy mong muốn:


Gặp gỡ nhau trên dòng giáo lý,
Nhìn với nhau tôn chỉ Cao Đài,
Không còn chia biệt Đông Tây,
Không còn phái nọ, chi này, Phật, Tiên.
Đây là đường quy nguyên Tam giáo,
Cũng là giềng trọng bảo nước non,
Là mong cứu kiếp sống còn,
Cho toàn lê thứ trong cơn hãi hùng.


*


Ôn lại khái quát những nguyên nhân lịch sử đã dẫn tới sự ra đời của Cơ quan Phổ thông Giáo lý, chúng ta thêm một lần cảm nhận sâu sắc lòng thương bao la không bến bờ của Thầy đối với chúng ta, và ý thức rõ rằng Thầy lập ra Cơ quan cũng là trao cho chúng ta một cơ hội chót để lập công bồi đức trong kỳ hạ nguơn hầu có thể trở về ngôi xưa vị cũ.


Trên con đường phổ thông ph ổ truyền giáo lý, xin nguyện cầu cho mọi bước chân đi đều vữ ng vàng, đúng hướng, đúng như lòng Thầy vẫn hằng mong muốn:


Thầy muốn con thơ bước thẳng đường,
Hầu đem chánh pháp Đạo hoằng dương,
Trong khi ma quỷ bày trăm kế,
Giữa lúc yêu tinh đón vạn phương.
Hủy kiếp thiêu thân vì ánh sáng,
Hoại danh hào kiệt bởi quan trường.
Tắt quanh, mau chậm, con ơi khéo,
Đời đạo hai vai ráng liệu lường.


15-11-2001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides