Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

NGÔI XƯA VỊ CŨ RÁN TẦM


Huệ Ý

“Đến cõi trần gian để lại gì ?

Sau khi cởi xác bỏ thân đi;

Nếu không siêu thoát về Tiên cảnh,

Đành phải trầm luân chốn ngục tì.

Thượng giới muốn lên cần Thánh thiện,

Trầm luân mong thoát tránh sân si.

Hành trang bác ái cùng tâm pháp,

Sáu dục bảy tình phải cách ly”.

Đức Đông Phương Lão Tổ dạy:

"Giá trị kiếp người là công trình của mỗi hành giả đem tâm huyết đẻo, gọt, tô, vẻ, thân tâm mình. Đối với nguyên nhân, khi đến trần gian là mang sứ mạng “mở đường” để cứu mình và dẫn đồng loại ra khỏi lục đạo luân hồi."

”Đến cõi trần gian để lại gì ?

Sau khi cởi xác bỏ thân đi”

Từ “đến” gợi cho chúng ta phát xuất từ cõi thượng. Trong bài kinh Tắm Thánh, theo giáo lý Cao Đài, những trẻ mới sinh ra không phải mang tội tổ tông, cũng không than ra đời để khổ, mà phải vào đời để hoàn thành nguyện hứa.

“Đừng thối chí nản lòng trở gót,

Để cho đời chua xót tình thương;

Trăm năm thọ khảo vĩnh trường,

Thuận căn, thuận mạng đôi đường cao thăng”.

“ Trần gian” nơi chúng ta “sống gởi thác về”. Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch sinh thời đã viết:

“Sinh giả vi quá khách,

Tử giả qui cố hương”

Dịch:

“Sống là khách qua đường,

Chết là về quê cũ”.

Đến Tòa Thánh Tây Ninh, thấy căn nhà ghi “Khách Đình”, chúng ta chớ vội vào, không phải nơi tiếp người đến viếng Thánh địa, mà là nhà tang lễ, chuẩn bị đưa một lữ khách trở về quê xưa.

“Trần gian”, Phật giáo gọi là cõi “Ta bà”. Ta bà nghĩa là “Kham nhẫn”, nơi chúng ta học bài học kham khổ, nhẫn nhục để nuôi chí lớn là tu dưỡng nội lực để một ngày bay về chín từng mây.

"Để lại gì?” Muốn để lại gì, trước hết phải có tâm “quên mình vì người”; cha muốn để lại cho con một căn nhà tất phải ăn uống kham khổ, tiết kiệm, lợi tức nhiều năm mới có thể tạo mái nhà hay xây cất được.

Người tu để lại tấm gương cách mạng bản thân, giải thoát trần la nghiệp lực, cho thế hệ đi sau. Mỗi tịnh đường 10 năm nữa, 20 năm nữa có danh sách các tịnh sĩ được Đức Chí Tôn sắc phong đắc đạo, đó là cách để lại quí báu nhứt.

“Cổi xác” xác là cái áo của linh hồn, áo cũ quá thì phải bỏ. Ngoài xác, hồn còn mặc 6 lớp áo nữa. Người tu đến “thất chuyển huờn đơn” mới tự cởi được 7 lớp áo.

Trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn đại xá, những vị ăn chay từ 10 ngày mỗi tháng trở lên, khi liễu đạo được làm phép xác, cổi 7 lớp áo này để về cõi trên tu tiếp. Kinh Đệ Nhứt Cửu có dạy:

“Vườn ngạn uyển sanh hoa đã héo,

Khối hình hài đã chịu rã tan;

Bảy dây oan nghiệt hết ràng,

Bợn trần rửa sạch, muôn ngàn đau thương”

Thân xác con người trước sau gì cũng phải cởi bỏ nhưng nếu chủ nhân ông khéo sử dụng thì chính xác thân ấy sẽ đưa con người đi tới nơi về tới chốn, không bị tai nạn dọc đường.

Một cách hình tượng khác, xác thân tập hợp gia nhân: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý. Những tên gia nhân này nếu không được dạy dỗ, chúng dễ quyến rũ chủ nhân vào con đường sa đọa.

Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn dạy:

“Cho hay không sắc, sắc rồi không,

Ở ở đi đi khéo bận lòng;

Vạn cổ nào ai lưu nhục thể,

Chỉ e linh giác lụy trần hồng”.

Chúng ta may mắn được học pháp môn, tìm đường giải thoát. Đức Lão Tổ dạy:

“Thái sơn tuy nặng, nặng còn dời,

Chỉ có xác phàm khổ lắm ôi;

Đến được không tìm ra lối thoát,

Muôn năm linh tánh chịu luân hồi”

Cái nặng của xác thân là bởi bụi hồng: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; hãy tìm Đấng Chơn Tiên để có phất trần mà quét chúng:

“Huyền môn giải phá trần tù,

Phất trần quét sạch ngút mù từ lâu”.

“Nếu không siêu thoát về Tiên cảnh,

Đành phải trầm luân chốn ngục tì”.

Siêu thoát gợi cho chúng ta, cái bong bóng bị cắt đứt sợi dây bay bổng lên mây. Muốn siêu thoát về Tiên cảnh, có nhiều tấm gương, nơi đây chúng ta nhắc lại bài học của Đức “Độc Hành Kỳ Đạo Tiên Cô” (Đạo tỉ Diệu Chơn Tịnh ở Minh Lý Thánh Hội)

"Sắc tứ:

………..

Xét : CÔNG, HẠNH, GIỚI, NGUYỆN

Nhiều kiếp tích đức hành thiện cúng dường Tam Bảo, công hạnh túc cần.

Hiện thân gặp đạo tu hành, an thuận quả duyên, đọc tụng thánh giáo, đắc ngộ lý mầu. Phát tâm lập nguyện, cầu phát liễu sanh. Chuyên tâm tu luyện, kiên cố công phu, mở thông căn trí. Chí nguyện giải thoát trần mê, thanh tâm đoạn dục. Tùng pháp, chế luyện kim đơn, tự tâm khai thị.

Chiếu : Tâm nguyện công phu,

Phong : ĐỘC HÀNH KỲ ĐẠO TIÊN CÔ“

Tứ đức của phụ nữ là : công, dung, ngôn, hạnh

Tứ đức của Tiên nữ là : công, hạnh, giới, nguyện

Công : Trải thân quên mình vì người.

Hạnh: sự thể hiện của Đạo ra ngoài, qua ngôn ngữ, cử chỉ.

Giới : Tuân giữ thanh qui, khuôn vàng thước ngọc.

Nguyện: hành động tự nguyện của ý chí để phấn đấu tiến từ mục tiêu thấp đến mục tiêu cao.

Trên cơ sở công, hạnh, giới, nguyện, hành giả lo luyện đơn nấu thuốc:

“Luyện đơn nấu thuốc làm nền Tiên gia,

Cảnh Tiên biết thuở nào già,

Muôn năm vui hưởng Thiên tòa hân hoan”.

Ngược lại siêu thoát là trầm luân, chìm đắm trong cảnh khổ. Ơn Trên dạy:

“Luân hồi nhiều kiếp khó leo lên,

Lầm lỡ nhiều lần mất tuổi tên;

Lẩn quẩn loanh quanh dường kén nhộng,

Biết thời tu niệm mới an bền”.

Người tu phải khử trược lưu thanh từ thân đến tâm. Nếu như ngược lại thì lớp bụi trần càng lúc càng dày đặc, càng lúc càng nặng nề, nhận chìm chơn hồn vào ngục tối.

Theo quyển Hồi dương nhơn quả, những vị đi tụng kinh nhận tiền của người khác, tụng kinh thiếu, phải vào “bổ kinh sở” để tụng cho đủ.

Nếu như chúng ta từ cõi trên đến mà không tu luyện cũng khó lòng quay lại quê xưa.

Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn xuống thế ba kiếp nay mới về quê cũ. Ngài than:

“Cho hay cuộc thế hữu tình,

Men đời chưa nhắp mà mình đã say,

……

Ngoài xã hội lợi danh đầy đủ,

Trong gia đình hào phú kiêu sa;

Với đời nở mặt người ta,

Với mình xét lại đó là trái oan.

Buộc Chơn Tiên vào hàng tục tử,

Nặng nghĩa ân khó giữ lời nguyền”.

Đức Chơn Thường Đạo Sĩ (B.S Trần Văn Quốc) cũng thế, khi chết mới được Đạo trưởng Huệ Lương nhập môn chạy tang. Khi về đàn Ngài nhắn:

“Nặng đời phung phí tuổi xanh,

Tu gìn giữ lại mối manh hãy còn”.

“Thượng giới muốn lên cần Thánh thiện,

Trầm luân mong thoát tránh sân si”

Ơn Trên dạy:

“Này chư môn đệ nữ nam,

Muốn thành Tiên Phật, trước làm hiền nhân.

Hiền nhân trọng sự tu thân,

Tu thân là sửa thân tâm trọn lành”

Khi thân tâm trọn lành, chúng ta mới cư ngụ ở thượng giới được bởi vì:

“Cảnh tục, người tiên không thể trú,

Cảnh Tiên, người tục dễ chi gần”.

Tham, sân, si là tam độc, đưa con người vào trầm luân.

Tham sanh ra ái, một mắc xích trong bánh xe luân là thập nhị nhân duyên.

Vô minh…kéo đến ái, thủ, hữu, sanh, lão, bệnh, tử.

Kinh Phật có câu:

“Ái hà thiên xích lãng,

Khổ hải vạn trùng ba;

Dục thoát luân hồi khổ

Tảo cấp niệm Di Đà.”

Đức Phật A Di Đà dạy: “đến giờ lâm chung mà niệm danh hiệu Ngài 3 lần, Ngài sẽ tiếp dẫn về cõi Cực Lạc để tu tiếp”. Điều này là có thật, nhưng muốn thực hiện được, mỗi ngày chúng ta phải thường niệm cho quen, cho nhuần, cho thuần, lúc lâm chung mới nhớ để niệm. Còn không thường niệm đến lúc trút hơi, tứ đại đau đớn, việc nhà cửa chưa xong, tinh thần bấn loạn, đâu còn sáng suốt để tưởng niệm Ơn Trên.

Mỗi ngày luôn niệm mới được kết quả:

“Nhứt cú Di Đà thùy biệt niệm,

Bất lao đàn chỉ đáo Tây Phương”.

Pháp môn “niệm Phật” là một phương tu để về cõi trên. Trong đạo Cao Đài chúng ta phải học tâm pháp.

“Hành trang bác ái cùng tâm pháp

Sáu dục bảy tình phải cách ly.”

Muốn đồng nhứt với Đức Chí Tôn, Đức Giáo Tông dạy:

“Đắc nhứt tâm rồi thế mới yên,

Muốn tâm đắc nhứt phải tham thiền;

Tham thiền tâm sẽ hòa muôn vật,

Hòa ấy làm nên Đạo phối thiên”.

Tham thiền là thực hiện được hai mục đích: thế đạo đại đồng (thế mới yên), và Thiên đạo giải thoát (Đạo phối thiên). Trước khi thực hành bác ái, chúng ta phải học công bình, sau đó tiến lên từ bi.

Hành trang lên đường về cõi thượng là mục đích, tôn chỉ và lập trường Đại Đạo.

Đồng thời trong mỗi người chúng ta đều có 13 anh bộ hạ lì lợm phải thuần hóa chúng. Ba anh cầm đầu thân, tình, trí; phải dạy chúng ngộ năng, ngộ tịnh, ngộ không thì đường tu của mình mới thoát được 81 nạn.

Tâm pháp, càng trẻ học sớm càng tốt

“Công trình, công quả, công phu

Ba công hội đủ đường tu vững vàng”

Kết luận :

1. Trần gian là trường học lớn, dù căn trí nào cũng đòi hỏi sự dụng công, dụng tâm để hoàn thành học trình.

2. Giáo trình của thời Tam Kỳ Phổ Độ là hiện đại, giúp hành giả học, hiểu, hành hiệu quả, nhất là đối với người Việt Nam.

3. Trở lại quê xưa là mở đường cho chính mình và đồng loại.

Huệ Ý
(Mùa tu Đông Chí - Canh Thìn 2000)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides