Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

Sắc Không – Không Sắc

 


LỜI NÓI ĐẦU

        Sắc Không – Không Sắc, ví như đường bay điểm nhắm, trực diện tiến vào lạc cảnh tiêu dao, giải phóng những tồi-tệ u-mê của kiếp trần đọa lạc, san bằng chướng ngại tham sân trong vô lượng đã gieo mầm hệ lụy buồn vui sướng khổ của kiếp trần nhơn sinh.

Hãy nỗ lực phấn đấu không trì huỡn chẳng đợi chờ, phải đứng dậy mà đi rồi sẽ đến, đến với Tướng Không và Tướng Sắc, mỗi tự thân ép mình buông xả những cố chấp hẹp hòi, để nhẹ mình tung cánh bay đi vượt khoảng tầng không, bằng vô vi lẽ thiệt. Buông bỏ đi, sẽ nhận được sự đền bù trong tiêu dao an lạc, của đại ngàn bao la bát ngát của Có Không – Không Có, vì “một phút giác xé toạc màn tâm mê”, bởi niết bàn cực lạc không lìa sanh tử khổ đau.

Nên Tướng Không – Tướng Sắc là nguồn Đạo mạch, vận động ở Có Không – Không Có, không cầu kỳ đâu xa mà ở tại nơi lòng, như lời Đức Chí Tôn dạy:

              Có Không là luật chí công

 Có Không cũng tại nơi lòng các con

        Thân ái kính chào!

THÁI ĐẦU SƯ

                             Thái Long Nhựt


I.                   LỜI DẪN NHẬP:

        Thầy dạy:

          Chẳng hiểu chữ: Sắc Không – Không Sắc

          Chẳng thông câu: Không Có – Có Không

Sắc Không Không Sắc là hai từ ngữ đối lập nhau, ám thị và phản ánh qua quá trình vận động từ vũ trụ không gian, đến vạn vật muôn loài, có nguồn gốc phát sinh đến rốt kết trong vô vi.

Vô vi là sự khởi đầu, là Lý phát nguyên của vạn sự vật, để hình thành âm thinh sắc tướng, trong hiện thực cuộc đời, bằng mắt thấy tai nghe và ý thức định đoán. Sắc Không, tuy hai mà một, là nhị nguyên trong nhứt nguyên, như lời Phật dạy: “Sắc thị Không, Không thị Sắc” có là không, không là có, vừa chấp nhận vừa phủ nhận, theo qui trình sinh diệt tự nhiên của lý sắc không, nó thâm trầm vời vợi như bóng râm, ấm mát để mầm sống sanh sôi nảy nở, và cũng ạt ào sôi động thành vạn hữu theo Lý thường hằng thường chuyển (tiệm biến).

Nên Sắc chẳng phải, tồn tại vĩnh hằng không hoại diệt; Không chẳng phải, vĩnh viễn miên trường không sinh hóa, mà nó luôn biến động đổi thay như lời Đức Chí Tôn dạy: “Có mà Không mới thật rằng Không”.

Nên Sắc trong Không là Tướng Không, là tướng vô hình, khó diện kiến toàn cuộc, phải dùng cái thấy không bị thấy của Phật, mới thẩm thấu chơn tướng, vì nó thuộc diện tinh thần như lời Đức Chí Tôn:

Chữ Không là luật của Trời

Sắc là thể sắc mỗi ngày đổi thay

Không không mà có mỗi ngày

Trừng răn thưởng phạt đọa đày xiết bao

II.                   ĐNH NGHĨA:

SẮC: là cảnh vật sắc màu, là vi là có, là hiện hữu do tai nghe mắt thấy, tay sờ nóng lạnh, mùi vị mặn lạt thơm tho, buồn vui lo lắng xuyến xao. Nên Sắc là những sự vật, do sáu căn nhận được sáu trần, tạo ra sắc tướng âm thinh, là Tướng Sắc (Có).

KHÔNG: bao la trùm phủ, là vô là không, lặng lẽ im lìm, là khoảng Trời mênh mông, chẳng tiếng tăm hơi hướng sắc màu (Không không lặng lẽ như tờ) gọi là Tướng Không (Không).

Trong cái không không lồng lộng cao cao ấy, không thể dùng lục thức giới hạn, nhận biết lẽ không sự có. Bởi Sắc Không – Không Sắc đã thấy biết như vậy mà không phải vậy. Nó tự biến chuyển theo chu kỳ sinh diệt tự nhiên của chính nó, vừa có đó cũng là không đó, theo luật vô thường, không định quyết tuyệt đối thuần nhất Có hay Không Có (nếu có là do sở đắc của bản ngã riêng tư). Nên cái Không, không phải là Có, mà là Có; cái Có, không phải là Không, mà là Không.

Tướng Không – Tướng Sắc là qui luật sinh diệt phản phục âm dương, vãng lai không có (Sắc Không Không Sắc nan chiêm) bởi trong bản chất có không, đều tiềm ẩn “diệu tướng tinh thần” là tâm giác ngộ vô thường (bồ đề tâm), như lời Đức Chí Tôn:

Tướng Không Tướng Sắc chẳng đồng

Tướng là diệu tướng ẩn trong tinh thần

Nên Sắc Không là đầu mối của mọi sự vận động không không có có. Không Không, không phải trống rỗng chẳng có gì, mà là hàm ẩn cái Tướng Không. Tướng Không là lực hấp vô hình, phát sinh ra những Tướng Sắc trong không, như Thái Cực sinh bởi Vô Cực.

III.                   TƯỚNG KHÔNG TƯỚNG SẮC:

1.            Cái Tướng của Không: không lời gọi chẳng tiếng kêu, nhưng thâm trầm như cánh gió làm chiếc lá lung lay mặt hồ gờn gợn, là tiếng vọng không lời, là sự bắt đầu trong nhỏ nhặt u vi (Không kêu nên gọi không lời; Mà trong thấy rõ gọi lời u vi), là cái tinh tủy ở bên trong Có Không, là nguồn Đạo mạch.

Cụ thể như Đạo vô hình, vô thinh vô xú không không, nhưng có ra Thể Tướng dạy Đạo (Địch không lỗ có duyên mới biết; Đờn không dây vô phước khó nghe) nên gọi là Tướng Không (Không không có có có chi đâu; Có đó rồi không thật rất mầu) nên Không Có là vô vi, là cội nguồn sinh ra vạn vật, là Lý Đạo Trời. Nên cần suy xét truy biện, đến tận cùng cái Lý của Tướng Không, để nhận Tướng Sắc hiển-hiện ra ngoài.

2.            Cái Tướng của Sắc:

Là hình sắc lộ diện bề ngoài, do ngũ quan – lục thức cảm nhận, qua thế giới sắc màu hiện hữu trong cuộc sống đời thường, do mắt thấy tai nghe, trong động ngôn thị thính, như đền đài lăng miếu, kinh sách phụng cúng,…như Phật dùng ngón tay chỉ trăng (Trăng là Tướng Sắc, sự sáng là Tướng Không). Thầy dạy:

Đã biết Đạo không hình là Đạo

Thể ra hình dạy Đạo con người

Nên Tướng Không – Tướng Sắc, là cái lý trong Có Không (là Lý tự nhiên) mọi sự việc phải như vậy, không như vậy là không phải Đạo thường (như gừng cay muối mặn). Đạo là Lý tự nhiên, nên phải biết tự nhiên trong động tịnh, điềm đạm trong vô vi, loại bỏ cái Ta cố chấp, để lần về thể tướng của Sắc Không (Có mà Không, Không mà có) như lời Đức Chí Tôn: “Có Không cũng tại nơi lòng các con”.

Tướng Không – Tướng Sắc cùng một nguyên lý phát sinh, nhưng không đồng vì một đàng chủ về tinh thần (Không), một đàng chủ về vật chất (Có). Như Lưỡng Nghi trong Thái Cực (Dịch Kinh). Hai hình thái Có Không biến động, được cụ thể ở không gian vũ trụ vạn vật và tâm linh tín ngưỡng tu hành.

IV.   SỰ VẬN ĐỘNG CỦA CÓ KHÔNG KHÔNG CÓ:

1.            Không gian vũ trụ:

Bao cuộc biến thiên đổi dời dâu bể, ở thượng tầng không gian vủ trụ, đều do không không có có như: chuyển gầm sấm sét, thời tiết nắng mưa, ngày tháng ngắn dài,…tự diễn biến và cũng tự chuyển hóa, như lời Đức Chí Tôn dạy:

-                                             Trời bình tịnh thoạt còn nổi gió

Trăng làu làu lại trổ mòi mưa

-                                             Xuân sang Hạ ngày dài đêm ngắn

Thu về Đông ngày ngắn đêm dài

2.            Hạ tầng thế sự con người: bởi mất còn theo hai lẽ tử sanh, không có như: nghèo giàu thay đổi, an biến đổi dời, nhân quả đeo đai trong vòng nhân quả, đầy vơi tiêu trưởng, như lời Đức Chí Tôn dạy:

-                Phần sanh tử nghèo giàu thay đổi

Đó là do phước tội cân trừ

-                An an biến biến đổi dời

…………………………….

Nhớ câu Thiện ác đáo đầu

-                Hễ làm thì chịu không sai

Chớ kêu oan ức rằng ai hại mình

Nên Sắc Không – Không Sắc là hiện thể cho quá trình qua lại vãng lai của Tướng Không – Tướng Sắc, tuy lặng lẽ mà sôi động, im lìm mà dời đổi, theo cái nhiếp của Có Không, như lời Đức Chí Tôn:

Không không lặng lẽ như tờ

Không tầm mà đặng cậy nhờ nơi trong

3.            Tâm linh tín ngưỡng tu hành:

Tâm linh là thế giới vô hình (Không), lấy vô vi làm gốc cho mọi hình thái biến động của vật thể, từ vô hình đến hữu hình, lúc có lúc không, làm chủ vạn hữu theo luật mất còn – thăng giáng – vãng lai (Dịch Học) (Chổ qua lại ngưng kết của âm dương) (Không Có).

Nên đối với giới tu hành, cần trí tri đến tận cùng của tâm, lý Sắc Không – Không Sắc, xóa bỏ san bằng những định kiến cố hữu, để vong thân với chính mình, tạo ra khoảng trống nơi lòng, gieo mầm vô ngã, ra đi rồi trở về theo lý Có Không như lời Đức Mẹ dạy:

Có đi thì phải có về

Đó là căn bản đâu hề có sai

V.                   PHƯƠNG PHÁP TU CHỈNH:

Phật ngôn có câu: “Đã vượt thoát khỏi xích xiềng cương tỏa, hãy nhẹ mình cất cánh bay đi”.

Giới tu hành là người đã tự nguyện để hoàn thiện vai trò, tự khắc bản thân ban đầu, bằng qui pháp luật lệ, để hạn chế rời bỏ những tham vọng do Tam Nghiệp gây nên và từng bước nổ lực đi lên, tu cầu giải thoát. Trước tiên phải đạt được 3 mục tiêu trước mắt, chủ yếu chơn tu cầu giải thoát, từ tư tưởng đến lời nói và hành động như:

-                Tư tưởng phải trong sạch và thanh cao.

-                Lời nói ôn hòa thân thiện chân tình.

-                Hành động đúng với tư tưởng và lời nói.

        Ngoài ra cần có đủ sức mạnh tinh thần, bản lĩnh về trí tuệ, để khắc phục đối kháng lại những hẹp hòi cố hữu từ quá khứ kết động, làm cản ngại bước hồi cư quay về với Tướng Không trong Không Có – Có Không.

        Hãy để lòng im lặng như Trời khuya canh vắng, như khách độc hành lặng lẽ mà đi, “đi không có chỗ để về”, không buồn phiền không lo liệu chẳng câu chấp.

        Đừng phân biệt đối đãi, qua thị phi đắc thất, vui giận ghét hờn,…theo nhị nguyên lưỡng cực, như lời Đức Chí Tôn:

                   Tâm không vui giận ghét hờn

                    Là tâm lý hiệp thành nhơn huệ từ

        Hãy buông xả mở rộng tâm hồn, trong bao dung thứ tha, để nhận được cái Tướng Không, trong Không Có – Có Không, một cách tự nhiên, không tầm mà gặp như lời Đức Chí Tôn:

                       Không không lặng lẽ như tờ

                Không tầm mà gặp cậy nhờ nơi Không

VI.                   TÓM YẾU:

Không Có – Có Không là hai từ ngữ để gọi tên, để định vị cho một bản chất của các pháp hữu vi, biểu thị trạng thái biến dịch, cùng thông phản phục trong vạn hữu con người.

Sắc Không – Không Sắc khác nhau về hình sắc, nhưng bản tánh vẫn không hai, chỉ là một lý tánh là tánh thật thiệt, là Tướng Không, như lời Đức Chí Tôn:

        Tướng vô hình trong không mà thấy

        Chỗ thấy nầy là thấy Tướng Không

Nên Không, không phải Không, là Sắc; Sắc không phải Sắc, là Không, như lời Phật dạy: “Không tức thị Sắc; Sắc tức thị Không”.

Tướng Không là cái không tưởng, nó không có cũng không không, là diệu tướng ở trong tinh thần, là Chơn Lý, là Đạo, là xích tử chi tâm. Cái Tướng Không ấy được kết luận qua lời Phật:

Cái không tưởng của các pháp nó chẳng sinh chẳng diệt, chẳng bẩn chẳng sạch, chẳng tăng chẳng giảm. Bởi vậy, trong cái không ấy không có Sắc Thọ Tưởng Hành Thức (ngũ uẩn) không có Nhản Nhỉ Tỷ Thiệt Thân Ý (lục căn) không Sắc Thinh Hương Vị Xúc Pháp (trần) không nhản giới - ý thức giới,…không có gì là sở đắc nó là diệu tướng là Tướng Không, như lời Đức Chí Tôn:

            Tướng Không Tướng Sắc chẳng đồng

            Tướng là diệu tướng ẩn trong tinh thần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides