Thầy dạy:
Vào vòng huynh đệ khá thương nhau
Một đức trổi hơn một phẩm cao
Quyết chí thiên đường men bước tới
Phải nhiều máu thịt mới đồng bào.([1])
Cái vòng huynh đệ bắt đầu từ tình nghĩa anh em trong một gia đình, đến tình làng nghĩa xóm, tình đồng bào trong một nước, tình huynh đệ nhân loại. Hay là: “Hễ thọ giáo với một thầy thì tỷ như con một cha…” ([2]) Hoặc là (Kinh Hôm): “Chi lan bậu bạn tình sâu / Anh em bốn bể đồng bào khác chi.”
Nhưng để điều hòa và an bài trong nếp sống, để tình huynh đệ được thắm thiết, gắn bó thật sự với nhau thì phải tôn đức, trọng đức và xứng đức. Phải “thắng nhứt đức vi huynh” (hơn một đức thì làm anh). Một đức trổi hơn là một phẩm cao chứ không phải một tước vị.
Và hạnh đức cũng chính là cái thang bắc lên tận chốn thiên đường, đoạt cơ siêu thoát; hay là quyết chí tạo cho được một vòng huynh đệ có đầy đủ sự thương yêu hòa ái, đức hạnh cao trổi cũng chính là cảnh tượng của một thiên đường tại thế.
Nhưng đức hạnh là gì? Nói đức, nói hạnh thì thật là vô cùng. Từ ngôn ngữ, cử chỉ, ý nghĩ, việc làm của một con người cho ra người; quy giới, đạo hạnh của một người tu cho ra tu; đến tâm đức của bậc quân tử thánh nhân, tâm hạnh của hàng Bồ Tát, cao rộng hơn nữa là “thiên địa chi đức” (đức của trời đất), hay “Đạo sinh chi, đức súc chi.” ([3])
Nhưng dù cho cao rộng hay đa dạng thế nào, căn bản của đức hạnh vẫn là sự sống, tình thương, và lẽ thật.
Để thực hiện cái sự sống, tình thương, lẽ thật đó một cách chân thực giữa người với người, Thầy dạy một lời chí cốt: “Phải nhiều máu thịt mới đồng bào.” Đồng bào tức là cùng một bọc, cùng một bụng mẹ sinh ra, là anh chị em ruột thịt (cũng gọi là bào huynh, bào tỷ, bào đệ, bào muội).
Người ta muốn cho mọi người dân trong nước phải thương yêu, đoàn kết, gắn bó với nhau như anh em ruột thịt cùng chung một mẹ sinh ra để giữ nước, dựng nước, nên cũng gọi nhân dân trong nước là đồng bào. Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ của dân tộc Việt Nam đã tạo thành một ý niệm thấm sâu trong khí thiêng sông núi và hồn linh dân tộc.
Đồng thời để nói lên cái tình huyết nhục, nghĩa anh em ruột thịt, huyết thống đồng bào, dân gian Việt Nam nói “Máu ai thấm thịt nấy”, vừa có tính chất vật lý cũng vừa có tính chất tâm lý. Đó là một tình thương thâm thúy, một sự rung động, cảm thông sâu sắc đến mức bây giờ muốn nới rộng cái vòng huynh đệ, cái nghĩa đồng bào trong một lĩnh vực, một cộng đồng, một giáo hội, một tập thể huynh đệ đồng sự một cách chơn thật thì phải nhiều máu thấm nhiều thịt, chứ không phải máu ai thấm thịt nấy. Cái tình thương, sự sống, lẽ thật không phải trên lời nói, ở ngoài da, mà phải thật sự luôn xuất phát tự đáy lòng, thẩm thấu trong máu thịt. Có cái đó thì mới thật sự là có đức. Hễ thấm vào nhiều thì tình huynh đệ càng cao, vòng huynh đệ càng rộng, và “Một đức trổi hơn một phẩm cao”.
Nhưng làm sao để thấm vào được nhiều người?
Trong y học thì chỉ có loại máu O là có thể truyền vào cho nhiều trường hợp, có thể dung hòa với nhiều loại máu, có thể thấm vào thịt của nhiều người, mà không bị phản ứng, không gây những cơn sốc nguy hại, giúp ích được nhiều người.
Cũng như chỉ có tinh thần Vô Ngã Thuần Chơn mới có thể thẩm thấu vào tinh thần của mọi người; có thể dung thông mọi dị biệt khuynh hướng; có thể đem lại tình huynh đệ hòa ái thật sự thắm thiết, nồng nàn; có thể mở rộng vòng huynh đệ đồng bào, tình đồng đạo tương thân; và mới có thể đi được đến đại đồng.
Lời Thầy dạy với bốn câu của một bài thơ tứ tuyệt giản đơn, chân chất, mang đậm bản sắc dân tộc, nhưng qua tìm hiểu chúng ta cũng thấy được một triết lý sâu sắc về tình huynh đệ, nghĩa đồng bào; nói lên được sự dung thông hòa hợp những dị biệt; nói lên sự quan hệ giữa đức hạnh với phẩm vị; và nói lên cái đường hướng đại đồng được đắp móng xây nền, được nhận thức, được khởi đi từ “một đức trổi hơn”, từ một “vòng huynh đệ”.
Đạo trưởng Phối Sư Thái Phẩm Thanh thường hay nhắc câu này: “Phải, là anh; không phải, là em.”
Trong hơn hai mươi năm lập công tu học gần gũi bên đạo trưởng, tôi được nghe nhiều lần, được nghe giải thích, được nghe xuất xứ.
Đạo trưởng đã giải thích một cách đơn giản: “Phải, là anh. Anh mình, mình phải kính trọng. Không phải, là em. Em mình, mình phải thương xót. Thầy đã khai ngộ cho tôi nói ra câu này, và tôi lấy đó để sống với anh em.”
Thật là một câu đơn giản, nhưng thực hành không phải giản đơn. Đạo trưởng Phối Sư Thái Phẩm Thanh trong suốt đời sống đạo đã vận dụng thành một triết lý sống. Đồng thời thực tế chứng minh đạo trưởng trở thành một người hướng đạo với tinh thần dung thông hòa đồng rộng rãi, trở thành một chất keo để góp phần hàn gắn những gì đã rạn nứt trong lòng Giáo Hội, một gạch nối liền giữa Hội Thánh với nhân sinh, giữa lớp già với lớp trẻ, giữa đạo với đời, giữa tình đồng bào lân lý… Đạo trưởng đã cảm hóa, dìu dắt nhũng người sai quy phạm giới trở lại tinh tấn tu hành, đã làm ơn, chở che cho những người đã từng gây oán, đã quên mình phục vụ cho người trong tình huynh đệ đồng đạo thắm thiết…
Một câu nói giản đơn nhưng đã được vận dụng thành một triết lý sống thành công hiệu quả. Đó là sự tuyệt đối nơi mình vì chân lý. Như lời đạo sĩ Bramananda ở thành Benares (Ấn Độ) mà giáo sư Blair T. Spalding (1857- 1953) chép lại trong quyển Hành Trình Về Phương Đông:
“Tại sao cứ nghĩ pháp môn này mới hay, tôn giáo kia mới tốt? Không một đường nào có thể là duy nhất được. Tốt hơn cả hãy tự biết mình. Thay vì đi tìm một chân lý tuyệt đối hãy tìm sự tuyệt đối nơi mình, vì chân lý để sống chứ không phải để dạy.”
Hòa thượng Tinh Vân, một cao tăng Trung Hoa, suốt cuộc đời sống đạo đã trải nghiệm được cái lẽ đương nhiên này: “Dùng lửa dừng lửa, đổ nước nóng để ngưng sôi đều chẳng phải là hành vi đương nhiên. Từ bi hỷ xả mới là sự tu hành đương nhiên nhất, là tài sản quý báu nhất của đời người.” ([4])
Trước tình trạng thử thách của cơ đạo, trường đời, nhân tâm phân hóa, đạo đức suy vi, và trước hiện tình Giáo Hội, có lần Đức Bảo Pháp Thanh Long cảm thán:
Nhìn cơ đạo lòng đau như cắt
Thánh thể Thầy dường chặt tay chân
Mối tình tương ái tương thân
Hóa ra lợt lạt vừa gần lại xa.([5])
Chúng tôi xin ghi lại đây đôi điều tìm hiểu, suy gẫm từ thánh ngôn cũng như danh ngôn, tư tưởng về những triết lý sống để đi vào vòng huynh đệ trên con đường HỌC NGHIỆM – TU ĐỨC – SỐNG ĐẠO của mỗi chúng ta.
ĐỨC THUẦN
--------------------------------------
([1]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I. Đêm 08-1 Bính Dần (Thứ Bảy 20-02-1926).
([2]) Tân Luật, Thế Luật, Điều Thứ Nhứt.
([3]) Đạo Đức Kinh, chương 51: Dưỡng Đức.
([4]) Hòa thượng Tinh Vân, Tất Cả Đều Là Lẽ Đương Nhiên - Lời Giải Đáp Cho Con Người. Hạnh Huệ dịch từ Tinh Vân Bách Ngữ. (http://www.duocsu.org/009phcoban/185.html)
([5]) Trung Hưng Bửu Tòa, 08-01 Nhâm Tuất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét