Tý thời, đêm 01 tháng 6 năm Quý Sửu - Đại Đạo 47 (30.6.1973)
THỔ ĐỊA CHÁNH THẦN chào Chư Thiên Mệnh.
Thần thừa lệnh báo đàn. Có Lão Tổ lai lâm truyền giáo. Tôn Thần xin kiếu, hầu lịnh...
THI
THÁI hư hiệp thể Đạo viên thành,
THƯỢNG phẩm phanh tu mạc vọng sanh.
LÃO chuyển thời lai nhân địa chủng,
QUÂN hành luân pháp cực tinh anh.
Tôn Sư chào chư môn đồ.
Giờ này Tôn Sư lâm đàn điểm đề: "TAM BỬU LUYỆN PHÁP" theo chương trình đạo học Thượng Thừa: Phục Huờn Tiên Thiên: Tinh, Khí, Thần.
THI
Phục hồi Tinh Khí luyện huờn hư,
Vô lậu sơ nguyên tạo hóa lư.
Hạ chủng lai thời do tịnh cực,
Phương tri đãi ngộ hội Chân Như.
(Cười...) Trong thân con người có ba món chí bửu sánh cùng Trời Đất là Tinh, Khí, Thần.
Trong trạng thái Tiên Thiên, ba món báu này đều thuần chân, là: chân Tinh, chân Khí, chơn Thần.
* Chân Tinh còn gọi là Chân dược, do cơ Chân động mà sinh. Chân động là Thận Mạng động mà Tâm không động. Lúc Chân Tinh sanh là lúc vi dương triền động.
* Chân Khí cũng là Chân dược, Cũng do Chân động mà sinh. Chân Khí sanh vào lúc vi dương sơ động.
* Chơn Thần là Thần Tiên Thiên, còn gọi là Thuần Dương Thần hay Càn Nguyên Thần.
Vạn vật nhờ Chơn Thần mà được thống hệ cùng Thiên Tính (Thiên địa dữ vạn vật đồng nhất thể), rồi nhờ có mây vận hành, có mưa móc chan rưới mà phẩm vật lớn nên hình.
Chơn Thần làm sáng tỏ cho cơ âm dương chung thủy vận hành và sáu ngôi được trưởng thành từng thời gian.
Đến thời Cực chứng là đạt quả thuần dương, Chơn Thần cưỡi sáu rồng mà ngao du khắp chín tầng Trời.
Nếu là thời Hậu Thiên, Càn Khôn thất chánh thì Chơn Thần có sứ mạng là Chánh tại Tánh Mạng con người, chỉnh định Càn Khôn và tái tạo dinh hoàn của Tiểu Thiên Địa.
Chơn Thần còn tạo nên cơ Thái hòa cho thân tâm để hoàn chỉnh một thế giới bên trong thành Lợi và Trinh.
Phục hồi Tiên Thiên Tinh Khí Thần phải am tường Thiên cơ Huợt Tý thời.
- Huợt Tý thời là cơ dương sanh, dương động, là cơ phục dương của Tạo Hóa, của con người.
- Huợt Tý thời của Tạo Hóa nằm trong tứ chánh, cực âm dương phục. Cuối giờ Hợi, đầu giờ Tý là thời dương sanh của Tạo Hóa. Tu luyện Đạo phải lưu ý để thu nhận Huyền Khí của Trời Đất mà bổ túc cho Huyền Khí của nội thân đã tổn thất.
- Huợt Tý thời cơ thân con người không thời hạn nhất định nên phải cực tịnh mà chờ, gọi là thời hầu thể thủ.
- Trường hợp đi, đứng, nằm, ngồi, tâm không động mà tự nhiên ngoài thận động là Huợt Tý thời, phải ra công luyện vận, hết động thời nghỉ.
- Huợt Tý thời còn có tên là Huyền Quang hiện.
Còn Tinh, Khí, Thần thất chân:
* Tinh thất chân sanh ra trược Tinh, ảo Tinh. Tinh này do dâm tâm khởi động mà có.
- Có một loại Dâm Tinh rất nguy hiểm có tên là Đại Ma Đầu nơi cung Khảm Hậu Thiên. Tinh này do dâm tâm và thực phẩm huyết nhục biến sanh.
- Loại Âm Tinh do người ăn ngũ cốc mà có.
- Loại Trược Tinh nhẹ nhàng hơn các loại trên, loại Tinh này do tâm khởi niệm mà có.
* Khí thất chân đặc tính cũng tương tự như Tinh thất chân. Chỉ có Khí hô hấp có lợi ích cho cơ tu luyện là lấy Khí hô hấp Hậu Thiên để biến thành Khí Tiên Thiên.
* Thần thất chân là Thức Thần, là Thần tư lự, niệm tưởng, là Thần đối tượng, Thần bản ngã... Thần thất chân trở nên hôn muội, tội lỗi, sanh tử triền miên chẳng dứt.
Công phu tu luyện chủ đích là phải phục nguơn ba báu:
* Phục nguơn Tinh: lúc động mới có Tinh. Lúc tịnh thì Tinh ở trong Khí, nên nói chỉ có Chân Khí mà thôi. Cho nên phục nguơn lại Tinh là phục nguơn lại Khí.
- Khí sung mãn, gặp cơ động Tinh mới sanh.
- Khí đã kiệt, dù có động Tinh cũng chẳng sanh.
Khí tuyệt thì người phải chết.
- Lúc động thì Khí bàng bạc khắp cả vũ trụ Càn Khôn.
- Lúc tịnh thì Khí quy tụ về Tử Vi Cung.
Thần cũng chẳng khác Khí. Thần Khí tuơng quan.
- Thần mà bỏ cung thất ra bên ngoài thì khí cũng tán lạc khắp cùng và đều bị thất chân.
- Lúc nào Thần về an trụ nơi chánh cung , thì Khí cũng quy tụ về, gọi là Chân Thần Khí.
Cho nên vào trường tu luyện, không nên chú tâm ra ngoại giới, mà lúc nào cũng trụ tâm nơi Khí huyệt, gọi là Thần quy vô cực.
Tam Bửu có nội, có ngoại.
Phục nguơn Tam Bửu, trước phải phục luyện Tam Bửu bên ngoài:
- Luyện hai con mắt vô lậu: không buông theo ngoại vật, ngoại cảnh thì Thần quy tàng. Nếu để mắt lậu thì Thần tán.
- Luyện tai vô lậu: không để ý nghe việc thị phi bên ngoài thì Tinh quy tàng. Nếu để tai lậu thì Tinh tán.
- Luyện cho miệng vô lậu: không nói nhiều, không bàn cải nhiều thì Khí quy tàng. Nếu để miệng lậu thì Khí tán.
Tam Bửu bên ngoài đều vô lậu là cơ bổ túc cho Tam Bửu bên trong ngày càng sung mãn.
Nếu để Tam Bửu bên ngoài đều lậu, thì Tam Bửu bên trong cũng phải chịu hữu lậu.
Luyện phục Tam Bửu bên trong, chủ đích là luyện phục Thần Khí.
Thần Khí phải đồng luyện thì công phu mới viên mãn.
THI
Người có báu linh gốc ở Trời,
Chơn dương Thần Khí sáng phơi phơi.
Hư vô chiếu diệu ngàn muôn kiếp,
Chẳng định tử sanh, chẳng đổi dời.
THI
Đổi dời cõi tục sắc trần pha,
Nhuộm thắm tình duyên tưởng mặn mà.
Luyến ái nghiệp oan chồng chất mãi,
Tinh thần mờ ảo chẳng đường ra.
HỰU
Ra ngoài tình tục thấy Linh Sơn,
Cầu pháp chân như để phục huờn.
Tìm lại báu nhà gìn luyện kỹ,
Thần ngưng, Khí kết hoá kim đơn.
Đàn dạy "Phục nguơn Tam Bửu" đến đây đã hết. Đàn sau dạy tiếp: "Tam Bửu hiệp luyện".
THI
Đạo truyền từ thuở mới khai nguyên,
Môn hạ cần nên lập chí hiền.
Khắc kỹ ứng hành công diệu dụng,
Siêu Phàm, nhập Thánh, tiếp cơ Thiên.
Tôn Sư ban ân chung.
Thăng...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét