ĐỨC THUẦN
Đấng Thượng Đế Chí Tôn giáng trần tại Việt Nam, khai sáng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (gọi tắt là đạo Cao Đài). Đây là nền đạo đại đồng; là tôn giáo kết tinh, tổng hợp, dung hòa Đông Tây kim cổ; là chánh pháp khai thị cho con người cái nhìn xuyên suốt, nhất quán từ vũ trụ đến nhân sinh và ban trao pháp môn tu luyện giúp con người huyền đồng cùng Tạo Hóa (Trời).
Trong buổi ban sơ mở Đạo, trước tiên Đức Thượng Đế với tá danh Cao Đài Tiên Ông hóa độ tiền khai Ngô Minh Chiêu, truyền dạy tâm pháp tu luyện, cho Ngô tiền khai thấy cảnh Bồng Lai và Thiên Nhãn trên đảo Phú Quốc.
Sau đó tại Sài Gòn, Đức Thượng Đế với tá danh A Ă Â hóa độ các vị tiền khai Cao Quỳnh Cư (và Hương Hiếu), Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang. Kế đến, tại Tây Ninh, Đức Cao Đài lần lượt truyền ban thánh ngôn lập giáo, dạy tạo tác quả Càn Khôn, dựng ngôi Tam Đài, ban trao Pháp Chánh Truyền, truyền lịnh lập thành Tân Luật… Đây là những yếu tố căn bản của nền tảng chánh pháp Cao Đài và hiện bày hình tướng của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Trong những yếu tố căn bản ấy, tá danh A Ă Â cần được tìm hiểu thấu đáo.
1. Đôi nét sử đạo buổi ban đầu
Đấng A Ă Â đến với nhóm xây bàn vào vào hạ tuần tháng 7 năm 1925 (Ất Sửu). Ba vị Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang xây bàn, có một vị giáng và cho bốn câu:
Ớt cay cay ớt gẫm mà cay
Muối mặn ba năm muối mặn dai
Tủng lúi đi chơi nên tấp lại
Ăn bòn chẳng chịu tấp theo ai.
Tiền khai Cư thấy bài thi lời lẽ lạ thường, liền hỏi vị vô hình tên gì. Vị ấy gõ bàn cơ xưng danh là A Ă Â. Tiền khai Cư hỏi tiếp bao nhiêu tuổi? Vị ấy gõ bàn liên tục trả lời. Các vị xây bàn đếm không xuể. Tiền khai Cư nói vị này lớn tuổi lắm.
Sau đêm ấy Đức A Ă Â thường giáng lâm giảng dạy nhóm xây bàn. Phần các vị, mỗi khi gặp điều chi quá khó khăn không giải thích nổi thì lại cầu Đức A Ă Â và đều được giảng giải rất minh bạch.
Một đêm khác, Đức A Ă Â bảo ba vị Cư, Tắc, Sang:
“Muốn cho Bần Đạo đến thường, xin chư vị nạp mấy lời yêu cầu của Bần Đạo như sau: Một là đừng kiếm biết Bần Đạo là ai. Hai đừng hỏi đến quốc sự. Ba là đừng hỏi đến Thiên cơ.”
Cả ba vị đều ưng chịu. Lại một đêm khác, Đức A Ă Â bảo ba vị:
“Nếu muốn ta tận tâm truyền dạy thì hết thảy phải kỉnh ta làm thầy cho tiện bề đối đãi.”
Ba vị mừng lắm, liền vâng chịu thọ giáo Đức A Ă Â.
Ba vị vọng Thiên cầu đạo vào đêm 01-11 Ất Sửu (Thứ Tư 16-12-1925).
Mãi đến đêm lễ Giáng Sinh (Thứ Năm 24-12-1925), tại nhà tiền khai Cao Quỳnh Cư ở số 134 đường Bourdais, Sài Gòn (nay là Calmette, quận 1), Đức Thất Nương Diêu Trì Cung giáng, truyền lịnh ba vị phải chỉnh đàn cho nghiêm hầu tiếp giá. Sau đó Đức Chí Tôn giáng lâm và dạy:
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ
viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát
giáo đạo Nam phương
Muôn kiếp có ta nắm chủ quyền
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên
Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.
“Đêm nay phải vui mừng vì là ngày Ta xuống trần dạy đạo bên Thái Tây.([1]) Ta rất vui lòng đặng thấy đệ tử kính mến ta như vậy. Nhà nầy sẽ đầy ơn Ta. Giờ ngày gần đến, đợi lịnh nơi Ta. Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa.”
Đức Chí Tôn lại dạy:
“Bấy lâu nay Thầy vẫn tá danh A Ă Â là cốt để dìu dắt các con vào đường đạo đức, hầu chẳng bao lâu đây, các con phải ra giúp Thầy khai Đạo. Các con thấy Thầy khiêm nhượng là dường nào chưa? Các con nên bắt chước trong mảy mún thì mới xứng đáng là người đạo đức.”
Ngày 16-11 Ất Sửu (Thứ Năm 31-12-1925), Đức Chí Tôn xưng danh A Ă Â và dạy:
“Ba con thương Thầy lắm há? Con thấy đặng sự hạ mình của A Ă Â như thế nào chưa? Con có thấy thấu đáo cái quyền năng của Thầy chưa? Người quyền thế nhứt như vậy có thể hạ mình bằng A Ă Â chăng? A Ă Â là Thầy. Thầy đến con thế ấy, con thương Thầy không?”
Qua trích lục một số tài liệu sử đạo như trên chúng ta có thể rút ra hai bài học:
- Một bài học hiển giáo, và
- Một bài học mật giáo.
2. Bài học hiển giáo
a. Bài học về thuần chơn vô ngã, thuần túy đạo đức
“Muốn cho Bần Đạo đến thường xin chư vị nạp mấy lời yêu cầu của Bần Đạo như sau: Một là đừng kiếm biết Bần Đạo là ai. Hai đừng hỏi đến quốc sự. Ba là đừng hỏi đến Thiên cơ.”
b. Bài học về đức khiêm nhượng (hạ mình)
- “Bấy lâu nay Thầy vẫn tá danh A Ă Â là cốt để dìu dắt các con vào đường đạo đức, hầu chẳng bao lâu đây, các con phải ra giúp Thầy khai Đạo. Các con thấy Thầy khiêm nhượng là dường nào chưa? Các con nên bắt chước trong mảy mún thì mới xứng đáng là người đạo đức.”
- “Con thấy đặng sự hạ mình của A Ă Â như thế nào chưa? Con có thấy thấu đáo cái quyền năng của Thầy chưa? Người quyền thế nhứt như vậy có thể hạ mình bằng A Ă Â chăng?”
2. Bài học mật giáo
Tại sao Đức Thượng Đế mượn ba nguyên âm tiếng Việt A Ă Â để xưng danh và chưa một lần Thầy giảng giải? Trái lại, về thánh tượng Thiên Nhãn, Thầy dạy:
“Chưa phải hồi các con biết đặng tại sao vẽ thánh tượng con mắt mà thờ Thầy, song Thầy nói sơ lược cho các con hiểu chút đỉnh.” ([2])
Về tá danh Cao Đài, trong một buổi lập đàn tại nhà tiền khai Ngô Văn Chiêu ở Tân An, Thầy dạy:
Cao Đài ứng hóa theo lòng chúng sanh
Đố ai biết được cái danh Cao Đài.
Nhưng về tá danh A Ă Â, có thể nói rằng từ trước đến nay chúng ta hầu như chưa được Thầy giải thích lần nào, dù chỉ là “nói sơ cho lược cho các con hiểu chút đỉnh”.
Ngày nay, chúng ta không còn xem A Ă Â đơn giản chỉ là là ba chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt để ghi lại ba nguyên âm đầu tiên. Bởi vì theo thánh giáo Cao Đài, các chữ cái và các âm còn hàm tàng nghĩa lý đạo học sâu kín trong đó.
Thật vậy, tại thánh thất Thái Hòa, ngày 13-9 Ất Mùi (Thứ Sáu 28-10-1955) Đức Quan Âm Bồ Tát giáng dạy:
“Chữ có phụ âm và nguyên âm. Trong không âm [phụ âm] và âm [nguyên âm] là hai thể. Hai thể ấy là âm và dương của Tạo Hóa.
Âm nương dương mà hiển, dương nương âm mà đạt. Âm dương điều hòa hỗn hợp thì hóa hóa sanh sanh, tạo nên một khí hạo nhiên nuôi nấng cho vạn vật chúng sinh, chở che cho càn khôn, nhựt nguyệt, tinh tú.
Vì vậy chữ không âm là: B, C, D, D, G, H, K, L, M, N, P, Q, R, S, T, V, X, là thể dương quang. Chữ có âm là: A, Ă, Â, E, Ê, I, O, Ô, Ơ, U, Ư, Y, là thể âm diệu. Âm dương luôn chuyển ngược xuôi mới có các chữ chồng lẫn lộn nhau, vần xuôi, vần ngược. Ngược xuôi phải hòa đồng mới thành tiếng nên lời. Phụ, nguyên ([3]) ghép lại mới ra hình ra chữ.
Chữ cũng có âm dương. Mà âm dương là gạch liền gạch đứt xếp chồng, hoặc trước hoặc sau, hoặc liền hoặc đứt, sắp nhau thành quẻ, thành tượng, thành hào, lập Bát Quái, dựng Năm Hành, định Can Chi, phân thời tiết. Càng chồng càng đổi, càng đổi càng thay thì càng thấy Bát Quái trở nên sáu mươi bốn quái, rồi động tịnh đảo điên biến thay hỗn hợp mà hóa hóa sanh sanh phồn tạp vô cùng, không biết mấy muôn mấy ngàn tượng quẻ mà kể. Cũng như không âm và nguyên âm, ghép lại thành tiếng, càng ghép càng thay đổi lộn lạo ngược xuôi. Trong chữ sinh ra biết bao nhiêu tiếng. Những tiếng đó do chữ và vần xuôi ngược ghép thành. Mà xuôi ngược là lẽ Đạo giáng thăng, không nguyên ([4]) là âm dương hợp nhất. Âm dương có hợp nhất thì pháp đạo được hòa minh, pháp đạo có giáng thăng thì chúng sinh mới hưởng công bằng hạnh phúc.
Giáng thăng là nẻo đọa đường siêu. Biết cách hòa đồng thì đó là pháp luân thường chuyển, nên các hiền thấy rõ: Muốn chữ không [âm] và nguyên [âm] ghép lại cũng chưa đủ, cần phải đem hai thể nhỏ là vần xuôi, vần ngược mới ra tiếng. Nhưng tiếng ấy còn ở trong trạng thái chật hẹp, lẻ tẻ, không nên câu thành bài, vì còn thiếu dấu.
Hai thể xuôi ngược đã được hợp thành mà thiếu dấu huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã thì không tạo nên hình bài văn câu chuyện. Vì các dấu kia ghép cho các chữ nên lời, các câu nên chuyện (...).” ([5])
Từ sự khai thị của Đức Quan Âm Bồ Tát, Nhị Trấn Oai Nghiêm trong Tam Kỳ Phổ Độ, sau đây chúng tôi xin trình bày sự tìm học của bản thân về tá danh A Ă Â.
a. Tá danh A Ă Â hàm ngụ lẽ sinh hóa, phóng phát
A Ă Â là ba chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái tiếng Việt. A là gốc, khi có hai dấu mũ trên đầu, cái ngửa È và cái úp Ç thì tạo ra hai nguyên âm Ă và Â phát sinh từ gốc là A.
A Ă Â kết hợp với năm dấu (huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng) cùng với các phụ âm thì tạo nên vô số từ.
Nếu xem A là Nhất (Một), thì vô số từ phát sinh là vạn. Vậy, tá danh A Ă Â của Đức Chí Tôn hàm ngụ ý nghĩa Nhất tán vạn, đó là con đường sinh thành hay phóng phát của Đấng Tạo Hóa (Thượng Đế).
b. Tá danh A Ă Â hàm ngụ Thái Cực âm dương
A là chữ cái đầu tiên. Đứng trước chữ A không có chữ gì, ví như Vô Cực ¡ (cũng gọi là Đạo); vậy A là Thái Cực ¤ hay Nhất (Một), biểu tượng cổ là [.
A phát sinh Ă và Â với hai dấu mũ trái chiều nhau: dấu ngửa È trông giống phần âm ngửa lên, màu đen ; dấu úp Ç trông giống phần dương úp xuống, màu trắng trong biểu tượng cổ [.
Vậy A Ă Â tượng trung cho Thái Cực sinh Lưỡng Nghi (âm dương) hay Một sinh Hai (Nhất sinh Nhị). Lưỡng Nghi và Thái Cực không tách rời nhau, nên Đạo gia còn gọi chung là Thái Cực âm dương, tức hợp lại thành Ba (Tam).
A Ă Â kết hợp với năm dấu (huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng) và các phụ âm tạo thành vô số từ (tức là vạn). Đây là nghĩa lý chúng ta thấy Đạo Đức Kinh (chương 42) diễn tả: “Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vật.” Đây là diễn trình Nhất tán vạn.
Tiếp theo là diễn trình vạn quy Nhất (vạn trở về Một). Trong Nhị Kỳ Phổ Độ, Đạo Đức Kinh (chương 16) diễn tả: “Phù vật vân vân, các [phục] quy kỳ căn.” (Vạn vật trùng trùng đều trở về gốc cội của chúng.)
Trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn dạy về hai diễn trình tán (phóng phát) và tụ (quy căn, quy nguyên) như sau:
Đạo phân Một, Một Hai Ba
Là ngôi Thái Cực Chúa Cha chưởng quyền
Âm dương hiệp với ngôi Thiên
Hóa sanh vạn vật mối giềng chẳng xao
Một Hai Ba ấy lẽ nào
Cho đi khắp chỗ cũng vào Một ngôi.([6])
Các nhà Đạo học minh họa hai diễn trình Nhất tán vạn, vạn quy Nhất bằng hình vẽ giản dị sau đây:
c. Tá danh A Ă Â hàm ngụ ý nghĩa tam vị nhất thể
Tam vị nhất thể (trinity) trong đạo Bà La Môn có từ Nhất Kỳ Phổ Độ là Thượng Đế Ba Ngôi (Trimurti) gồm Brahma (đấng sáng tạo), Vishnu (đấng bảo tồn), và Shiva (đấng hủy diệt). Vishnu có mười hóa thân trong đó Krishna là một hóa thân của ngài. Do đó, người Ấn còn thờ Vishnu qua hình tượng Krishna (xem minh họa trang sau).
Theo giáo lý Cao Đài, trong Tam Giáo Đạo thì Bà La Môn thuộc về Phật Đạo,([7]) do đó Di Lạc Chơn Kinh của đạo Cao Đài gọi Thượng Đế Ba Ngôi của Bà La Môn là ba vị Phật; kinh tụng này có câu: “Thượng Thiên Hỗn Nguơn hữu Brahma Phật, Shiva Phật, Krishna Phật…” ([8])
Thánh giáo của Đức Quảng Đức Chơn Tiên trong lần đầu tiên về đàn có nhắc tới tam vị nhất thể (một mà ba) như sau:
Thấy tỏ rõ mà nghe thấu suốt
Có gì đâu hạn cuộc được ta
Ngoài trời Thượng Đế bao la
Trong lòng vạn tượng cũng là Chí Tôn.
Dầu Sáng Tạo, Bảo Tồn, Hủy Diệt
Một mà Ba ai biết lẽ Trời
Cho hay biến hóa đổi dời
Là cơ tái tạo lập đời thượng nguơn.([9])
Nóc Bát Quái Đài của Đền Thánh Cao Đài Tây Ninh có đắp một tòa sen lớn, trên đó có tượng ba vị:
- Đức Brahma Phật đứng trên lưng con thiên nga, mặt nhìn về hướng Tây.
- Đức Shiva Phật đứng trên mình con rắn bảy đầu, mặt nhìn về hướng Bắc.
- Đức Krishna Phật đứng trên mình con giao long, mặt nhìn về hướng Nam.([10])
Vào Nhị Kỳ Phổ Độ, tam vị nhất thể trong giáo lý đạo Thiên Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi, gồm có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Chúng ta trở lại với tá danh A Ă Â của Đức Chí Tôn trong Tam Kỳ Phổ Độ. Tòa Thánh hay thánh thất với đủ ba đài (Bát Quái Đài, Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài) được xem là tượng trưng thánh thể của Thầy tại thế gian. Đức Tiếp Văn Pháp Quân dạy:
“Thánh đền là thánh thể của Thầy…” ([11])
Bát Quái Đài tương ứng với Thần, Cửu Trùng Đài tương ứng với Tinh, Hiệp Thiên Đài tương ứng với Khí. Ba đài hiệp một trong thánh thể ấy phải chăng cũng gợi cho chúng ta nghĩ tới tá danh A Ă Â như một hàm ngụ tam vị nhất thể?
Đức Chí Tôn dạy:
“… ba ngôi trong một thánh thể có nhiều ý nghĩa sâu kín hàm chứa cơ bí mật mà Thầy khi dựng nên càn khôn vạn hữu lấy ba ngôi đó mà tạo thành, rồi cũng cho các con ba ngôi đó hình hiện bằng Tam Thể Pháp Đạo đến cứu các con.” ([12])
*
Quả thật, thành tâm tìm học để có thể hiểu cho thật thấu đáo “nhiều ý nghĩa sâu kín hàm chứa cơ bí mật” trong tá danh A Ă Â của Thầy, chắc chắn còn đòi hỏi chúng ta rất nhiều công trình kết hợp công phu tu luyện. Những điều chúng tôi dè dặt, thận trọng trình bày trên đây (cũng như năm bài khác in trong tập sách nhỏ này) chỉ là một hạt cát li ti trên bờ sông Hằng lớn rộng.
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
“Hiểu một việc, làm một việc. Hiểu một đoạn đường nên dìu dẫn kẻ khác đi trên đoạn đường ấy. Hiểu một lời chơn lý, nên phổ truyền lời chơn lý ấy cho kẻ khác. Hiểu một quyển kinh, nên đem quyển kinh ấy phổ biến cho kẻ khác cùng hiểu.
Việc làm với tâm thành chí chánh chí chơn, vô tư kỷ tư lợi, đó là đã làm được việc đạo trong đời của mình rồi. Đừng bao giờ có mặc cảm rằng đợi học hỏi nghiên cứu cho cùng tận rồi mới đem phổ truyền cho kẻ khác.
Đạo pháp trường lưu, bao la lớn rộng, nào ai dám nói rằng mình đã hiểu rốt ráo, biết tận cùng, dầu đó là hàng Phật Tiên Thánh Thần, và các bậc ấy vẫn còn đang học đạo kia mà, nhưng vẫn hành đạo luôn luôn.” ([13])
Đó là lý do chúng tôi vẫn tin rằng quý đạo hữu cao minh sẽ niệm tình lượng thứ mà hoan hỷ chỉ giáo, bổ khuyết cho người viết tập sách nhỏ này để anh chị em áo trắng chúng ta cùng siết tay nhau hăng hái tiến bước trên ĐƯỜNG VỀ THẦY.
ĐỨC THUẦN
-------------------------------
([1]) Thái Tây: Cuối đời Minh (nửa sau thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17) nhiều học giả Trung Quốc rất ấn tượng trước môn toán học và thiên văn do các học giả kiêm giáo sĩ dòng Tên đem vào Trung Quốc. Trong khi người châu Âu gọi Trung Quốc và các nước lân cận là Viễn Đông, thì hồi mới tiếp xúc phương Tây người Trung Quốc gọi châu Âu là Thái Tây. Theo Đại Đạo Văn Uyển tập Lợi-Trinh (số 7-8) năm Quý Tỵ. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2013, tr. 295.
([2]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, đàn ngày 25-02-1926.
([3]) Phụ, nguyên: Phụ âm và nguyên âm. Phụ âm ghi bằng các chữ: B, C, D, Đ, G, H, K, L, M, N, P, Q, R, S, T, V, X. Nguyên âm ghi bằng các chữ: A, Ă, Â, E, Ê, I, O, Ô, Ơ, U, Ư, Y.
([4]) Không nguyên: Không âm (phụ âm) và nguyên âm.
([5]) Phạm Văn Liêm, Mấy Nhánh Rồi Sau Cũng Một Nhà. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2014, tr. 153-154.
([6]) Đại Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2016, tr. 40.
([7]) Thánh giáo Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt dạy tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-4 Bính Ngọ (Thứ Sáu 03-6-1966).
([8]) Các bản Di Lạc Chơn Kinh vẫn in là Çiva Phật, Christna Phật. Çiva (viết theo tiếng Pháp) tức là Shiva (viết theo tiếng Anh). Lẽ ra Christna nên in là Krishna. Theo Đại Đạo Văn Uyển tập Hanh (số 6) năm Quý Tỵ. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2013, tr. 191-195.
([9]) Minh Lý Thánh Hội, 07-6 Tân Dậu.
([10]) Theo Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng, Giới Thiệu Tòa Thánh Tây Ninh, mục 19 (Tam Thế Phật), trong phần Giải thích các chi tiết & điển tích. Bản thảo 1999.
([11]) Trung Hưng Bửu Tòa, 29-01 Bính Thân (Chủ Nhật 11-3-1956).
([12]) Trung Hưng Bửu Tòa, 16-5 Bính Thân (Chủ Nhật 24-6-1956).
([13]) Minh Lý Thánh Hội, 01-8 Kỷ Dậu (Thứ Sáu 12-9-1969).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét