Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

Chánh Tinh Tấn và cơ hội


            

            Trong mỗi giây phút của cuộc sống, tiềm năng của ta thật là mênh mông. Trong ta lúc nào cũng có một khả năng vô cùng của sự can đảm, tỉnh thức và tình thương. Dù vậy, đa số chúng ta lại bị giới hạn bởi điều kiện, chịu sống trong một tình trạng bất lực, tin rằng mình không có khả năng thực hiện những gì mình muốn. Ta đóng kín con tim mình lại. Chúng ta tự nhủ, "Tôi không làm việc ấy được. Tôi không đủ khả năng. Tôi không đủ mạnh. Tôi bất tài..." Dần dà theo thời gian, những ý nghĩ ấy sẽ kết đặc lại thành một hình ảnh về con người của ta. Và rồi ta sẽ bị giới hạn bởi quá khứ của mình, bởi những lần ta thất bại, bởi mặc cảm tự ti. Tội nghiệp thay, chúng ta vì không biết nhìn sâu nên đã tự xem thường cái năng lượng vô cùng đang tiềm tàng trong mỗi người chúng ta. Ta quên mất đi con người thật của mình.

Chúng ta cần phải hiểu đúng ý nghĩa của Chánh Tinh Tấn vì đây là một vấn đề rất trọng yếu. Chánh Tinh Tấn là một trong tám chi phần của Bát Chánh Đạo. Theo truyền thống thì Chánh Tinh Tấn có nghĩa là biết đem năng lượng của mình để ứng dụng cho sự tu tập, hướng về một sự tỉnh giác hoàn toàn. Tôi vẫn thường nghĩ, cái ý niệm về Chánh Tinh Tấn tự nó cũng đủ là một ví dụ tuyệt vời cho tuệ giác của giáo pháp đức Phật rồi. Chánh Tinh Tấn là một sự công nhận về tình trạng khổ đau đã và đang biểu lộ trong ý nghĩ của ta về chính mình, và nó hứa hẹn khi ta chọn con đường tỉnh thức, chúng ta sẽ chuyển hóa được cuộc sống của mình.

Khi nghe chữ tinh tấn, cố gắng, có lẽ chúng ta nghĩ, "mệt quá. Từng giây từng phút, vất vả nặng nề." Nhưng thật ra, Chánh Tinh Tấn là một ơn phước rất lớn cho ta, vì nó chỉ cho ta thấy cái khả năng phi thường để giải thoát và chuyển đổi mà mỗi người chúng ta đều có. Ngài Munindra ân cần bảo tôi, trong những ngày đầu tu tập, "Sự giác ngộ của đức Phật đã giải quyết xong vấn đề của ngài, bây giờ cô hãy lo giải quyết vấn đề của cô." Tôi cho đó là một lời khích lệ rất quý báu, vì nó có hàm ý là tôi có thể thật sự giải quyết được vấn đề của tôi. Đức Phật dạy rằng không một ai có thể giải thoát hoặc giác ngộ giùm ta được, mà thật ra ta cũng chẳng cần đến một ai, vì ta có thể tự mình làm được. Và sự tinh tấn của ta đã đem sự sống lại cho tiềm năng ấy.


Tinh tấn là một thái độ sẵn sàng, không bị ép buộc, biết bền lòng trước những khó khăn. Đó không phải là một sự cố gắng khắt khe và căng thẳng, mà là một nhắc nhở thiết tha và chân tình về khả năng giải thoát của mình. Chánh Tinh Tấn có nghĩa là ta sẵn sàng mở ra những gì còn đang bị đóng kín, dám đến gần những gì ta muốn trốn tránh, biết kiên nhẫn với chính mình, và buông bỏ hết những ý niệm sẵn có.


Khi vị thầy của tôi, bà Dipa Ma, mới bắt đầu tập thiền, bà cứ bị cơn buồn ngủ xâm chiếm liên tục. Có lần nhắc lại thời gian ấy, bà kể với chúng tôi, "Hồi mới tập thiền, tôi cứ khóc luôn vì muốn thực hành theo lời hướng dẫn cho thật hết lòng, nhưng không tài nào, vì cứ
bị những cơn buồn ngủ lấn át mãi. Ngay cả trong lúc đi, đứng tôi cũng chỉ muốn ngủ mà thôi. Trước đó, tôi đã khóc suốt năm năm trời, tôi không hề ngủ được vì buồn khổ, thương xót và trăm ngàn khổ đau khác. Nhưng vừa khi mới bắt đầu tập thiền thì tôi chỉ muốn nằm quay ra ngủ!"

Khi Dipa Ma đến trình bày với thầy mình về những khó khăn của bà, ông nói, "Đó là một dấu hiệu rất tốt, bởi vì năm năm qua khổ đau nhiều quá bà mất ngủ, nên bây giờ bà mới cảm thấy buồn ngủ. Hãy nhớ giữ chánh niệm. Cứ tiếp tục hành thiền theo như lời hướng dẫn." Dipa Ma tiếp tục ngồi thiền và tiếp tục ngủ. "Nhưng rồi một ngày," bà kể, "bất thình lình tự nhiên tôi đến một trạng thái mà sự buồn ngủ khi xưa không còn nữa, nó không hề đến với tôi mặc dầu có khi tôi ngồi liên tiếp vài giờ."

Chánh Tinh Tấn trong trường hợp của bà Dipa Ma chỉ đơn giản có nghĩa là không bao giờ bỏ cuộc. Tin vào khả năng tự giác, bà tiếp tục không ngừng, và hoa trái tu tập ấy thật là kỳ diệu. Bà kể lại, sau kinh nghiệm đó, bà đã khuyến khích mọi người khác, "Hãy đến thiền viện. Các người đã thấy tôi từng tuyệt vọng đến mức nào, chồng mất, con mất, cơ thể bệnh hoạn. Nhưng bây giờ nhìn xem, tôi tươi vui và hạnh phúc như thế nào! Không có gì là lạ thường hết. Chỉ đơn giản thực hành theo lời chỉ dạy của thầy tôi, tôi có được sự an lạc. Các người hãy đến đây, và rồi cũng sẽ tìm được sự an lạc như tôi."


Chúng ta cũng thế, cũng có thể tiếp xúc được với sự an lạc. Bản chất của Chánh Tinh Tấn chỉ đơn giản là thực tập, đó là một tuyên ngôn về cái khả năng thật sự của ta. Và khả năng ấy thì vô bờ bến. Khi chúng ta nhận thức được điều này, sự tinh tấn sẽ trở thành một cơ hội
- hơn là một gánh nặng - và một con đường đưa đến sự vẹn toàn. "Sự giác ngộ của đức Phật đã giải quyết xong vấn đề của Ngài, bây giờ bạn hãy lo giải quyết vấn đề của bạn đi!"

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides