Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

Giáo pháp công phu


Bác Nhã Tịnh Đường
20-02 Nhâm Tý (03-4-1972)

THI

Tuông mây lướt gió đến đàn trung,
Mở cửa huyền không 1 tiếp đạo đồng 2,
Phăng gốc lại nguồn cùng lẽ Đạo,
Để tâm thanh tịnh học huyền công 3

HÀ TIÊN CÔ

Bản Nương chào mừng chư Thiên ân, chư tịnh chúng 4 nữ nam đàn nội5.

Hôm nay, Bản Nương đến đây tiếp tục chỉ điểm thêm một vài phương tiện để chư tịnh chúng men theo trở lại cội nguồn. Đẳng đẳng thanh tịnh an tọa nghe dạy.

Bản Nương nhận thấy trên nguyện lực của mỗi người, ai cũng có ý thức để cầu thành đạo quả. Nhưng xét kỹ trên mỗi người, tuy căn duyên có đủ để làm thánh làm hiền, ngặt tập nhiễm 6 sâu dày, nghiệp oan bao phủ tâm linh, làm trở ngại cho bước tu không phải ít.

Nhưng muốn trở nên bậc chí nhơn 7 đạo đức, đâu phải một sớm một chiều, mà đòi hỏi ở hành giả nhiều tầng công phu mới mong đoạn sạch những màn lưới vô minh mà vào chánh định.

Bởi vậy Bản Nương phải dẫn dụ nhiều để cho mọi người có một ý thức sâu xa hầu đạt đến trình độ hồn nhiên, thanh tịnh.

Mỗi người ai cũng có sẵn hạt giống bát nhã 8 nơi mình, muốn cho khỏi ẩm, khỏi hư mà được nứt nở trỗi sanh mạnh mẽ, cần tạo nhiều nhân duyên, phá tiêu chướng ngại vô minh, đoạn dứt oan trái đã cột trói, vây hãm, đẩy sâu vào nơi ám địa 9.

Bản Nương hằng lưu tâm quan sát những ngày vào tu của mỗi tịnh viên, chưa thiết tha giác ngộ, lòng còn dung dưỡng tánh xấu tật hư để nó tung hoành làm đảo điên ý chí.

Chư tịnh viên nam nữ nghe lời Bản Nương: Từ nay trở đi phải lập chí dũng mãnh, quyết một lòng thỉ chung chết sống đạt cho được mục đích cuối cùng của người tu đạo.

Tất cả những gì ở trong người của các hiền mà tự mình hằng tin cậy là đúng đắn, khôn ngoan, cũng đều làm cho trở ngại. Dầu là việc hiến thân cho đạo, mò mẫm giáo lý kinh điển, phát tâm từ thiện cùng là việc kính sư, yêu bạn, cũng chưa phải là chơn tâm, là bát nhã, mà cái đó là vang bóng, là sự phát tiết của một vài cạnh khía nhỏ nhen.

Cái bát nhã chơn tâm không bóng không hình, không thể lấy thước không gian, lấy độ thời gian xét đoán bằng lý trí con người mà thấu hiểu. Muốn đạt lấy con tâm mầu nhiệm kia, phải buông xả hết mọi trần duyên, gạt bỏ những sự khôn ngoan vụn vặt, không tin lý trí, không ỷ lại ngũ quan 10, nới rộng lòng mình vươn lên cùng trời đất, hòa khắp núi sông thiên hạ để đạt đến bát nhã. Nếu còn tà vọng tạp niệm 11, ích kỷ so đo thì chẳng những không thấy chơn tâm, mà còn đẩy sâu vào chỗ mịt mờ mất dạng.

Người tu học phải là người hơn hết kẻ trên đời, vượt trên danh lợi, thị phi12, sống chết; giẫm cả ái ân, vinh nhục, được thua; ăn không cầu ngon, mặc không cầu đẹp, ở không cầu sang; làm không để vết tích; hằng lo ngăn chận mọi tập nhiễm bất chánh ở trong tiềm thức, không cho vọng loạn khởi lên; cố kềm con tâm, chuyên nhứt 13 ý chí hầu sóng lòng yên lặng cho bát nhã chơn tâm hiển hiện.

Khi tâm ấy phục sinh thì mới thiệt chơn chánh, vĩnh tồn 14. Không cần học mà biết, không cần tập mà nên, không cần đi mà tới, không cần ăn mà sống, không cần mặc mà lành, vào lửa không cháy, xuống nước không chìm, nanh vuốt thú dữ không hại được thân, chất độc [và] rắn dữ không làm hại, tiêu diêu 15 ngoài sáu cõi 16, xuất nhập tự do − ấy mới gọi chơn tâm, ấy mới là bát nhã.

Muốn có chơn tâm đó hiện, bát nhã xuất sanh, phải luyện được quên mình. Coi theo quẻ Phục17 đủ thấy phương châm vào đạo. Nên nói: "Tâm phàm cần phải chết thì tâm đạo mới sanh."18

Muốn đạt huyền công, giữ sao lòng hằng thanh tịnh. Chỉ niệm 19 thì không dục, nên sách Đại Học bảo ta tri chỉ 20, định đến tịnh, tịnh rồi mới an, an rồi mới lự21. Lự đây là suy nghĩ chân chính, mà có suy nghĩ chân chính là do tâm đã an định. Nếu tâm chưa an định thì cái niệm đâu phải là trí huệ, là bát nhã.

Nên bước công phu vào tu cốt là tập buông bỏ hết mọi trần duyên22, vào tịnh tiêu trừ niệm lự 23. Trần duyên còn ràng buộc, niệm lự cứ tuôn trào, thì làm sao tụ được khí, định được thần mà cố tinh dưỡng mạng 24?

Nên khuyên các hiền, nếu đã tu thì phải tiêu trừ vọng niệm 25, đoạn dứt trần duyên. Dầu một sớm một chiều chưa xong thì gia tăng tốc lực nhiều năm nhiều tháng. Mỗi lúc trần tâm26 giảm xuống thì trí huệ tăng lên. Phiền não không còn thì bồ đề 27 xuất hiện. Tiên với phàm chỉ cách nhau một niệm. Bởi vậy mới có câu: "Bể khổ vô nhai, hồi đầu thị ngạn." 28 Chỉ có hồi đầu là thành, giác ngộ là đến, xa mà không xa. Xa gần do mê hay giác mà thôi.

Đợt tịnh này, Bản Nương cũng đồng ý ai nấy cần học lại bước đầu Dự Bị 29, đắp nên nền móng cho kiên cố vững bền. Nếu nền tảng không vững chắc thì lâu đài có xây cất cũng bị đổ vỡ. Nên Bản Nương muốn cho mỗi người tu kỷ 30 lập công, cởi mở lòng mình, đừng để hẹp hòi bó buộc.

Phải giữ sao cho trọn ba điều là TÍN, NGUYỆN, HẠNH31.

Phải có lòng tin vững chắc. Tin sức mình có đủ, dầu khó khăn cũng vượt qua đến chỗ đến nơi. Tin chung quanh còn được bao nhiêu trợ duyên gia hộ 32, thần thánh dắt dìu. Tin có Trời là chủ nhơn ông cầm quyền tạo hóa. Tin có luật báo ứng, gieo nhân gặt quả. Nên cố làm, làm cầu thanh phước33 tiêu giải oan trái tiền khiên 34. Biết mình từ vô thỉ 35 đến nay tạo lấy tội lỗi hằng hà 36, chác thù kết oán cùng kẻ sống và người chết chưa sao giải được, nên thân này chồng chất vô minh, oan oan trái trái theo hoài.

Nếu muốn giải thoát suôn sẻ đâu phải dễ dàng. Giết một con thú, làm một việc bất lương cũng đủ ngăn ngại cho ta lúc lên đường, họ xúm nhau mà cản trở. Phương chi mỗi người, dầu ít dầu nhiều, cũng kết buộc oan gia với ngạ quỷ, với súc sanh, với tình ái ân trong gia đình, xã hội. Nên phải nhờ tha lực Phật Trời âm phò mặc hộ, luôn luôn lân mẫn dắt dìu, ám trợ đường tu. Nhờ thầy sáng bạn lành nương nhau mà giải thoát. Nhờ tâm thường thiết tha cổi bỏ oán thù, phát tâm sám hối gội sạch tiền khiên.

Lòng tin mãnh liệt mà phát ra nguyện lực rộng lớn như Quan Âm Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, Đức Phật Di Đà:

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,

Phật Đạo vô thượng thệ nguyện thành,

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,

Phiền não vô biên thệ nguyện đoạn.

Được vậy thì cảm động trời đất, cảm động chư thiên, bồ tát. Họ sẽ giúp ta mọi mặt để tác thành quyền pháp. Minh sư sẽ gặp, chỉ một lời là đắc đạo thành tiên.

Nếu niềm tin kiên cố, nguyện lực sâu dày, mà còn giới hạnh đủ đầy, tạo cho hành giả một quyền năng, đủ oai nghi hạnh đức, quỷ phục thần khâm 37.

Giới quy 38để làm ranh hạn chế tâm tà. Giới quy để tô tạo cho con người trở nên thánh khiết. Giới có giữ trọn thì định mới sanh. Nhờ giới kềm chế vọng tâm, tiêu trừ chướng nghiệp 39, tạo nên công đức thù thắng 40, đặng quả chơn định 41 mà trí huệ sinh ra. Trí huệ có rồi thì trời đất với ta là một.

Đây là phật. Đây là tự do, huyền năng ghê gớm, hàng phục 42 chúng ma 43, vạn hạnh đủ khiến cho chúng sanh tỉnh ngộ hồi đầu, an ủi nỗi khổ đau cho muôn loài vạn vật. Ấy là TÍN, NGUYỆN, HẠNH.

(…) Các hiền cần mẫn 44 nghe Bản Nương: Mỗi lúc vào thiền, mỗi khi vào tịnh, cố công ngự trị45 tâm tà, chuyên nhứt lòng mình một niệm. Đã được một niệm thì học đến pháp vô niệm cũng chẳng khó là bao.

Thôi, bây giờ giả như các hiền một ngày vạn niệm khởi sanh, chuyền leo đủ cách, thì cố ngự trị bớt lần, còn trăm, còn mười, bớt mãi cũng có ngày nhứt niệm. Cũng như công việc ngồi tu, bá vạn sự 46 khởi lên trong đầu óc, thì nhớ khi nào nó khởi, hoặc nhớ nhà, nhớ con, nhớ việc này việc khác, thì nên chặt đứt đoạn liền. Cũng như đắp đê ngăn nước, khi nó xoi mội 47 thì chận ngay, đừng cho rỉ ra thì đê không vỡ được. Vậy niệm không sanh, mà có sanh ta không lưu ý trợ trưởng 48, nghĩa là, nó nứt lên ta ngắt đọt, ta không cho nước bỏ phân. Được vậy lâu ngày chúng chết. Nó hiện mà không có người hoan nghinh thì nó cô độc lẻ loi, lần lần cũng tiêu sạch.

Nguy hiểm là niệm tà, tạp niệm, nhưng luôn luôn người hành giả thường cảnh giác đề phòng. Cổ thánh có câu: Bất phạ niệm khởi, chỉ phạ giác trì 49, khởi mà biết được ngăn liền tưởng không hại. (…)

Thôi, Bản Nương chào Định Pháp 50 và chào chư tịnh chúng. Gắng lên để đón ơn Thiên Tạo51.
ĐỨC HÀ TIÊN CÔ

--------------------------------
1. Huyền không 玄空: Cái rỗng rang huyền diệu. Cửa huyền không: Cửa đạo.
2. Đạo đồng 道童: Đứa trẻ học đạo. Hiểu thoát ý là người học đạo, người tu.
3. Huyền công 玄功: Công phu, thiền, tịnh luyện
4. Chư tịnh chúng 諸淨衆: Các tịnh sĩ, tịnh viên, người tu tịnh
5. Đàn nội 壇内: Ở trong đàn
6. Tập nhiễm 習染: Những thứ lâu ngày lậm vào, tạo thành thói xấu, khó mà trừ bỏ
7. Chí nhơn (nhân) 至人: Cùng nghĩa chơn nhơn, hiền nhơn, thánh nhơn, đại quân tử. (Đừng lầm với chí nhơn 至仁 là lòng thương người rất mực, lòng nhân ái bao la.)
8. Bát nhã 般若: Trí huệ minh triết.
9. Ám địa 暗地: Chỗ tăm tối
10. Ngũ quan 五官: Năm bộ phận cơ thể giúp con người nhận biết ngoại giới, ngoại vật là mắt, tai, mũi, lưỡi, và bốn chi là hai tay, hai chân (the five sense organs).
11. Tà vọng tạp niệm 邪望雜念: Những mong đợi sái quấy và những nhớ nghĩ lộn xộn (evil wishes and wandering thoughts).
12. Thị phi 是非: Đúng sai, phải trái (right and wrong).
13. Chuyên nhứt 專壹: Để tâm vào một việc duy nhất (focus on one thing).
14. Vĩnh tồn 永存: Còn mãi (long-lasting).
15. Tiêu diêu (dao) 逍遙: Tự do, tự tại, không bị bó buộc (to be free).
16. Sáu cõi: Cũng là sáu nẻo luân hồi:  cõi của chư thiên (các vị thần thiện), ‚ cõi người, ƒ cõi a tu la (các vị thần ác), „ cõi súc sinh, … cõi quỷ, † cõi địa ngục.
17. Quẻ Phục 復: Gồm hào 1 dưới cùng dương và năm hào âm ở trên. Ý nghĩa căn bản của hào 1 dương theo Hào Từ như sau: 初九: 不遠復, 无祇悔, 元吉.Sơ cửu: Bất viễn phục, vô kỳ hối, nguyên cát. Nghĩa là: Hào 1, dương. Tuy lầm lỗi nhưng thời gian chẳng xa, trở lại tốt lành ngay, thì không đến nỗi ăn năn lớn; rất tốt. (Đó là phương châm tu học của người đạo.)
18. Tức là Phàm tâm tử, đạo tâm sanh 凡心死道心生.
19. Chỉ niệm 止念: Ngừng tạp niệm, dứt nhớ nghĩ lộn xộn.
20. Tri chỉ 知止: Biết ngừng lại.
21. Lự 慮: Lo toan, suy tính (to think over, to consider). Có câu Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu 人無遠慮必有近憂 (Người không lo xa, ắt có chuyện âu lo ngay.)
22. Trần duyên 塵緣: Những ngoại cảnh, ngoại giới mà con người tiếp xúc làm ảnh hưởng đến tâm con người (emotional involvements).
23. Niệm lự 念慮: Lo âu, nghĩ ngợi (anxiety). Cũng hiểu là tạp niệm làm tâm người không thể an định.
24. Cố tinh dưỡng mạng 固精養命: Giữ cho tinh (sperm) đặc lại, không lọt (tẩu lậu) ra ngoài để nuôi mạng 養命. Cố: làm cho kiên cố, vững bền, không hao tán. Nghĩa rộng, tinh là tinh huyết của con người nói chung.
25. Vọng niệm 妄念: Những nhớ nghĩ sái quấy (wrong thoughts).
26. Trần tâm 塵心: Lòng trần, tâm hồn phàm tục.
27. Bồ đề 菩提: Chánh giác 正覺 (bodhi).
28. Bể khổ vô nhai 苦海無涯: Biển khổ mênh mông không có bờ (không giới hạn). Hồi đầu thị ngạn 回頭是岸: Quay đầu lại là bờ (giác ngộ).
29. Dự Bị: Tức là cấp Dự Bị sơ thiền.
30. Tu kỷ 修己: Sửa đổi và luôn cải thiện chính con người mình (to cultivate and constantly improve oneself).
31. Tín, nguyện, hạnh 信願行: Ba đức của hành giả là có lòng tin (tín), có chí nguyện, có đạo hạnh.
32. Gia hộ 加護: Giúp thêm, che chở thêm.
33. Thanh phước 清福: Cái phúc tạo ra không phải để mong hưởng lấy phần thưởng ở kiếp sau, mà là để giải trừ (tháo gỡ, trả sạch) những nợ nần, nghiệp quả của quá khứ và hiện tại.
34. Tiền khiên 前牽: Từ kiếp trước lôi kéo qua kiếp này.
35. Vô thỉ (thủy) 無始: Không có chỗ bắt đầu. Từ (đời) vô thỉ nghĩa là từ rất xa xưa trong tiền kiếp, không thể nói ra được.
36. Hằng hà: Nói tắt của Hằng hà sa số 恆河沙數 (nhiều như số cát ở sông Hằng bên Ấn Độ), nghĩa là vô số (innumerable).
37. Quỷ phục thần khâm 鬼服神欽: Quỷ thần khâm phục (kính trọng và theo giúp).
38. Giới quy 戒規: Giới luật và quy tắc răn cấm.
39. Chướng nghiệp 障業: Nghiệp quả xấu cản trở người tu.
40. Thù thắng 殊勝: Vượt trội hơn hết. Công đức thù thắng: Công đức lớn hơn hết thảy.
41. Quả chơn định: Kết quả được trạng thái định tĩnh vững chắc nhất.
42. Hàng phục 降伏: Thâu phục, bắt phải vâng theo, phục tùng.
43. Chúng ma 衆魔: Gọi chung ma quỷ, những tà quái cản trở, phá hoại người tu.
44. Cần mẫn 勤敏: Siêng năng (cần) và cố gắng (mẫn).
45. Ngự trị 禦治: Chống lại, ngăn lại (ngự) và sửa trị, trừng trị.
46. Bá vạn sự 百萬事: Vô số việc (innumerable things).
47. Xoi mội: Xoi thủng thành lổ để nước thấm qua và rỉ ra.
48. Trợ trưởng: Giúp sức cho lớn mạnh, phát triển.
49. Bất phạ niệm khởi, chỉ phạ giác trì 不怕念起只怕覺遲: Không sợ vọng niệm khởi lên, chỉ sợ giác ngộ trễ.
50. Định Pháp 定法: Tiền bối Nguyễn Minh Thiện (Minh Lý Thánh Hội), đạo quả Bác Nhã Thiền Sư Tam Tông Pháp Chủ 般若禅師三宗法主.
51. Thiên Tạo 天造: Tạo Hóa, Hóa Công, Trời (the Creator). 

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides