Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
Tôi càng ngày càng thấy Tiến Hoá là một qui luật của đất trời. Lòng tôi lúc nào cũng khắc khoải muốn viết lên điều đó. Tôi thấy những gì tôi viết trước đây về Văn Hoá, về Văn Minh về Biến Thiên đều có thể qui hướng về Tiến Hoá. Tuy nhiên, Biến Thiên có tốt có xấu, mà Tiến Hoá thì chỉ có tốt.
Tiến Hoá có thể hiểu được theo nhiều cách:
1. Là sự thay hình đổi dạng của vũ trụ theo như Darwin. Có nghĩa là loài này biến thành loài kia. Tôi đã bàn về học thuyết này trong quyển Lecomte du Noüy và Học Thuyết Viễn Đích. Nó đòi hỏi một thời gian vô tận, và sự cộng tác của nhiều người.
Chính vì cá nhân không kiểm chứng được. Nên tôi không bàn tới vấn đề nơi đây.
2. Là sự tiến hoá từ Thô đến Tinh, từ Trọc tới Thanh, từ Tối tới Sáng của con người.
Điều này ai cũng có thể kiểm chứng được, nên tôi chỉ bàn về vấn đề này mà thôi.
Có điều rất lạ là xưa nay ít ai đặt ra vấn đế này, y như cho rằng đó không phải là mục đích con người. Ngay cả đến các Đạo Giáo, cũng không thấy đặt vấn đề cho rõ ràng. Duy đọc Đại Học ta mới thấy rõ là Nho Gia đã đề cao Tiến Hoá, và đã cho thấy rằng mục tiêu Tiến Hoá là Tiến Tới Hoàn Thiện.
Đại Học viết:
Đại Học có mục phiêu rõ rệt,
Đuốc lương tâm cương quyết phát huy,
Dạy dân lối sống tân kỳ,
Chưa nơi hoàn thiện còn đi chưa ngừng. (Đại Học, chương I)
Bà La Môn cũng viết:
Xin đem tôi từ Vọng đến Chân,
Xin đem tôi từ Tối Tăm tới Ánh Sáng,
Xin đem tôi từ Tử Vong đến Bất Tử. (Brih. 1.3. 28).
Cao Đài dạy rõ về định luật Tiến Hóa khi nói:
Học là học để làm Trời
Có đâu mãi mãi làm người thế gian (TGST 70- 71, tr. 134)
Người với Trời thể chất song song,
Nếu mình bền chí gia công,
Tu thân, luyện mạng cũng mong thành Trời (TGST 66- 67, tr. 129)
Công Giáo cho rằng mục đích đời người là đền tội riêng mình và Tội Tổ Tông. Như vậy, đâu phải là tiến hóa. Nói vậy, lịch sử cá nhân và nhân quần trở nên hết sức là vô nghĩa.
Thực ra cuộc đời con người có Định Hướng, có Mục Phiêu rõ ràng.
Các nhà khoa học ngày nay khi nhìn vào bản chất đời sống con người, càng ngày càng thấy rằng muôn loài có một bản năng cố hữu là Tinh Tiến, là thực hiện một mục tiêu. Chúng ta thấy rằng: Vạn vật, cỏ cây cũng như động vật, tất cả đều biến hoá để trở nên lớn khôn, đều biến hoá đến kỳ cùng.
Làm sao muôn loài lớn lên được. Thưa là nhờ biến hoá. Không biến hoá, thì không có phát triển. Mà sống là biến hoá. Sống động là biến hoá từ trạng thái này sang trạng thái khác. Đó là chân lý. Xuân thì mầm non sinh ra trên cành, tiếp theo là lá, là hoa, là quả. Quả chín thì rụng, lá vàng thì rơi, rồi mùa đông xập tới. Còn trong đời sống con người, thì chúng ta đi từ chỗ này sang chỗ kia, đi từ nhà đến trường, đến sở, đọc sách này đến sách khác, nghĩ vấn đề này sang vấn đề nọ, lúc gặp người này khi gặp người kia, lúc làm chuyện này lúc xoay chuyện khác.
Những sự biến đổi ấy trong đời ta không phải là ngẫu nhiên, vô cớ. Chúng ta làm gì cũng cốt là cho mình sung sướng hơn, hiểu biết hơn, nhìn đời sâu rộng hơn, sống bình thản hơn. Phát triển, lớn mạnh, vươn lên cao đại là bản tính của cuộc sống.
Ngày nay các nhà tâm lý học cũng nhận ra rằng: Sống là để tiến hoá tới thành toàn.
Erich From viết: «Sự sống có tính chất hằng hữu là lớn mạnh, là vươn lên, là phát triển khả năng.» [1]
Abraham Maslow viết trong quyển Toward a Psychology of Being như sau: «Y như con người có một mục đích tối hậu, một viễn đích để vươn lên. Cái đó được các tác giả gọi bằng nhiều danh hiệu: Thực hiện Đại Ngã, Nhập Thể... Thực hiện mọi tiềm năng con người, Trở thành con người viên mãn. Ai cũng mang sẵn trong mình một thúc đẩy nội tại để tiến tới Nhất thể, tới toàn mãn. Ai cũng muốn nhìn xa trông rộng,không muốn mù quáng, muốn sáng tạo, muốn trở nên tốt và nhiều chuyện khác. Ai cũng muốn thực hiện Bản Thể mình, muốn cho mình trở nên hoàn hảo hơn, toàn mãn hơn, y thức như một hạt sồi, muốn thành cây sồi, một con hổ con muốn thành hổ thật sự.»[2]
Carl R. Rogers cũng cho rằng ai cũng muốn thực hiện những khả năng tiềm ẩn nơi mình, ai cũng muốn vươn vượt, phát huy mọi khả năng sẵn có nơi mình. [3]
Như vậy, chúng ta thấy rằng sức muốn vươn vượt lên ấy đã tiềm ẩn sẵn trong con người. Và mục tiêu « Vươn lên tới hoàn thiện « cũng đã bẩm sinh, đã là cố hữu nơi con người.
Xưa nay người ta thường tưởng sự cố gắng muốn vươn vượt ấy là một sự đòi hỏi ngoại tại mà tiên thánh áp đặt lên con người chúng ta. Nghĩa là sự Hoàn Thiện không sẵn có trong lòng chúng ta, mục tiêu tiến hoá đã không có sẵn trong chúng ta, chúng ta phải tìm nó bên ngoài.
Thực ra sự hoàn thiện, mục phiêu tiến hoá đã có sẵn trong ta nhưng còn ở trong thế tiềm ẩn. Thành ra ta tưởng như là không có. Chính vì tưởng lầm như vậy, nên ta mới không chịu cố gắng, không chịu vươn vượt. Có nhiều người khi gặp trở ngại, khó khăn, gặp điều thất ý, là nghĩ ngay đến quyên sinh, đến tự vẫn. Thật là uổng phí cuộc đời. Tôi càng ngày càng thấy rằng cuộc đời chúng ta hết sức là đẹp đẽ, môi trường ta đang sống hết sức là đẹp đẽ. Chỉ tiếc là ta không biết thụ hưởng, không nhìn thấy giá trị của thực tại.
Chúng ta sinh ra đời không phải là để khóc lóc cho số phận của chúng ta, mà chính là để nhận ra rằng trong ta đã có những khả năng vô biên vô tận. Chúng còn đang ngủ vùi trong nhiều người chúng ta, đang đợi chúng ta lay tỉnh chúng dậy. Khi tôi còn nhỏ không bao giờ tôi có thể tưởng tượng được rằng sau này tôi có thể là một triết gia, một đạo gia. Tuy rằng tôi có thể nói đã được sự hướng dẫn, sự khai ngộ của trời đất, nhưng dù sao tôi cũng luôn cố gắng theo tiếng gọi của nội tâm, luôn cố gắng suy tư để tìm ra những sơ hở trong tổ chức của đời sống, những căn do sinh ra sự ù lì, sự bế tắc của nguồn sinh hiện tại, để mà biết đường tiến hoá. Có điều rất lạ là gặp ai tôi cũng thấy họ phàn nàn, họ bất mãn vì cuộc sống. Gặp ai tôi cũng chỉ thấy họ lao đầu vào sinh kế, dốc tâm kiếm tiền, mua danh cầu lợi.
Ba giai đoạn tiến hoá: Vật Đạo, Nhân Đạo, Thiên Đạo
Năm 1982, khi tôi mới sang Mỹ, có một thanh niên chất vấn tôi như sau: «Thưa Thày, con sang Mỹ này hết sức là thành công, trên phương diện vật chất, nhưng hết sức chán đời, nhiều khi còn muốn tự tử, vì thấy cuộc sống rất là vô nghĩa. Vậy xin hỏi thày: Sống để làm gì?»
Tôi trả lời: «Tôi sẽ lấy chữ LÀM, để trả lời Anh.
1. Vì con người có Xác, nên trước hết phải LÀM ĂN.
2. Vì con người có Hồn, nên phải LÀM NGƯỜI.
3. Sau hết vì con người có Thần, nên phải LÀM THẦN THÁNH.»
Chàng thanh niên nọ liền đáp: «Cám ơn Thày, con hiểu rồi, và con không còn ý định tự tử nữa.»
Xưa nay, nhân loại thường dạy LÀM ĂN, LÀM NGƯỜI, chứ không mấy khi dạy LÀM THẦN THÁNH, LÀM TRỜI. Duy Cao Đài đã dám nói:
Học là học để làm Trời,
Có đâu mãi mãi làm người thế gian.
Khảo về Văn Hoá Âu Châu, tôi cũng đã thấy Âu Châu từ hơn 2000 năm nay, cũng đã có chủ trương tương tự.
Họ gọi học làm ăn là Agricultura.
Học làm người là Animi Cultura.
Học làm Thần Minh là Dei Cultura hay Dei Cultus.
Chỉ tiếc là theo đà thời gian, họ lại hiểu rằng Làm Thần Minh là Thờ Thần Minh, vì Cultus cũng có nghĩa là Thờ phụng. Thế là Sai một ly đi một dặm. Và từ đó quần chúng Âu Châu không còn chủ trương con người có thể thành thần minh mà con người chỉ mãi mãi là con người.
Theo ý riêng tôi, thì tư tưởng con người có thể trở thành thần minh là một tư tưởng tương đối mới. Những chữ như Phản Phác Qui Chân (đạo Lão), Thực Hiện Đại Ngã (Bà La Môn) v.v...trong thế kỷ vừa qua mới trở nên thông dụng.
Âu Châu cho rằng: Người là Người, Trời là Trời. Chứ không cho rằng Trời là Bản thể muôn loài, và vụ trụ là một.
Chỉ có Á Châu, chỉ có Bà La Môn, Phật, Lão, Khổng mới có chủ trương Trời, Người là Một, và Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể.
Đó chính là cái hố sâu ngăn cách Đông Tây. Nhưng cái hố này nay đã có những người muốn lấp lại. Tillich là nhà thần học Âu Châu đầu tiên chủ trương TRỜI LÀ BẢN THỂ MUÔN LOÀI (God, Tillich was saying, is not a projection out there’, an Other beyond the sky, of whose existence we must convince ourselves, but the Ground of our very being. John A. T. Robinson, Honest to God, The Wesrminster Press, Philadelphia, 1983, p. 22.)
Còn tôi có lẽ là người đầu tiên dịch câu Ego sum qui sum (I am that I am; Je suis celui qui suis) (Exodus, 3, 14) thành Ta là Bản Thể.
Nay ta thấy Á Châu chấp nhận cách ăn mặc của Âu Châu, chấp nhận các bộ môn Văn Học Âu Châu về con người, nhưng vẫn không tán đồng quan điểm triết học và Đạo Giáo nói trên của Âu Châu về Trời và Người.
Có lẽ trong tương lai sẽ có một cuộc cách mạng để giải quyết vấn đề này.
Ước mong sự khác biệt trên sẽ không đưa lại sự đổ máu giữa con người với con người.
Có nhiều người thường la hoảng lên là con người càng ngày càng sa đoạ, riêng tôi, tôi thấy con người không đến nỗi băng đoạ như vậy. Tôi đã gặp nhiều người thật sự đã bỏ công tìm hiểu, suy tư về con người.
Vấn đề tôi đặt ra cùng quí vị là xin quí vị cùng tôi chấp nhận học thuyết Tam Tài: Thiên, Địa, Nhân, và con người có thể trở thành thần minh.
Nhận diện thêm về Vật Đạo, Nhân Đạo, Thiên Đạo
1. VẬT ĐẠO
Vật đạo có mục đích chính yếu là Dưỡng nuôi thể xác con người cho được khoẻ mạnh hẳn hoi. Trời cho ta Ngũ Quan để làm chuyện này.
Mục đích vật đạo là lo cho con người ăn no, mặc ấm, ở cho thoải mái. Nó bao gồm các nghề nghiệp chân tay. Xưa kia, khi con người còn ăn lông, ở lỗ, thì ăn ở khổ cực. Nay trái lại, chúng ta phần đông đã ăn sung mặc sướng.
2. NHÂN ĐẠO
Nhân đạo có mục đích là dạy con người biết sống cho ra con người, đối đãi với nhau cho có tôn ti, trật tự, cho có phép tắc lễ độ hẳn hoi. Nhân loại không nên bóc lột lẫn nhau, không nên cá lớn nuốt cá bé. Mình muốn sống cũng phải để cho người sống với. Trời cho chúng ta sự Thông minh, trí tuệ (Intelligence) để làm chuyện này.
Nhân đạo có mục đích chế ngự Thất Tình, Lục Dục con người. Và đây là địa bàn hoạt động của Tam Cương, của Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín xưa nay.
Nó bao gồm các nghề nghiệp thiên hạ cần xử dụng con tim khối óc: Như y thuật, như chính trị gia, như các nhà lãnh đạo tinh thần, như văn nghệ sĩ v.v...
3. THIÊN ĐẠO
Thiên Đạo có mục đích dạy con người trở thành thần minh. Trời cho ta Linh Tri, Linh Giác (Intuition) để làm chuyện này.
Xưa nay ít người vươn lên tới Thiên Đạo, vì ít ai chịu dạy dỗ, ít ai chịu chỉ đường vẽ lối cho.
Nhân loại xưa nay chuyên dạy nhau van vái Thần Minh chứ không dạy làm Thần Minh, và chỉ lặn ngụp trong vòng danh lợi, chứ ít khi chịu tìm cho mình một mục phiêu cao đại hơn, xứng đáng hơn. Tệ nhất là ít ai biết mình có căn cốt thần minh, nên không để tâm suy tư về vấn đề này.
Những người sống trong nhân đạo là những người sống trong Thất Tình, Lục Dục, còn Thánh Nhân còn Thần Minh là những người đã diệt được Thất Tình Lục Dục, sống khinh khoát, ung dung, thanh thản, hòa mình với vũ trụ, phối kết với Trời.
Tóm lại Phàm nhân thì có Thất Tình, Lục Dục. Thần nhân thì không có. Thế tức là Phàm nhân sống trong Hữu, trong Hữu Vi, còn Thánh Nhân thì sống trong Vô, trong Vô Vi.
Đạo Khổng nói: Nhân dục tận, Thiên lý hiện. Sự Rũ bỏ nhân dục ấy, các đạo giáo xưa gọi là: Bỏ Mình (Mat. 16, 24, Luc 9, 22-27), là bỏ Con người cũ (Ephesiens 4, 22) (Công Giáo), là Diệt Ngã (Phật giáo), là Tâm tử Thần hoạt (Lão Giáo): Cái Hồn biến thiên mà không chết đi, thì cái Thần vĩnh cửu làm sao mà linh hoạt được? Có bỏ được cái Hồn biến thiên mới có thể Vô kỷ, Vô công, Vô danh được (Chí nhân vô kỷ, thận nhân vô công, thánh nhân vô danh. Trang Tử, Tiêu diêu du, 1, C)
Làm sao có thể trở thành thần minh?
Thực ra muốn trở thành thần minh là một chuyện hết sức khó khăn. Gauss đã cho thấy Thượng thánh và Đại Ngu đều khó như nhau. Chỉ sống bình thường là dễ.
Thượng thánh, Hạ Ngu là Kiền Khôn (6 Dương, 6 Âm), còn thường nhân ở giữa. (Chỉ có 3 Âm 3 Dương xen kẽ). (Xem đồ bản trên).
Có nhiều vị thánh nhân sinh ra đã có khuynh hướng làm thánh hiền, như Phật Như Lai, Như Lão tử, như Khổng tử v.v...
Tuy nhiên sau khi học hỏi về đời sống các vị, ta cũng tìm ra được ít nhiều phương châm, ít nhiều khẩu quyết.
Trước hết ta phải biết rằng ta là những thần minh trong tương lai, và ta đã sẵn có căn cốt thần minh trong con người.
Ta và Trời Phật là một. Bản thể con người chúng ta là một bản thể vô biên, vô tận, và ta có những khả năng vô biên vô tận. Phải biết nhẽ Thiên địa vạn vật đồng nhất thể.
Như vậy Trời Phật đã sẵn có trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta khỏi tìm tòi, tầm mịch đâu xa.
Những gì chất chưởng, biến thiên là những gì ta CÓ (to have), chứ không phải những gì ta LÀ (to be).
Chỉ có bản thể chúng ta và Bản thể muôn loài mới là vĩnh cửu.
Trở về với Vĩnh Cửu chính là Phản Bản Hoàn Nguyên, là Phản Phác Qui Chân, là Thực Hiện Đại Ngã, là sống phối kết với Trời, với muôn vật.
Đó chính là Phối Thiên của Đạo Đức Kinh (ĐĐK. Chương 68), của Trung Dung (T.D.. chương 26, và 31).
Đó chính là tìm lại được Bản Lai Diện Mục, là Nhập Niết Bàn của Phật Giáo.
Hai chiều hướng của một cuộc đời
Sinh ra đời, Chúng ta phải tiến hoá trên vòng Càn Khôn, Đại Chu Thiên đó. Như vậy nghĩa là chúng ta phải đi trọn Vòng Địa đạo, Nhân Đạo, Thiên Đạo của trời đất.
Dịch kinh viết: Nhất Âm, Nhất Dương chi vị Đạo, Kế chi giả thiện dã, Thành chi giả Tính dã (Hệ Từ Thượng, Chương V, Tiết 1):
Âm Dương đắp đổi Đạo Trời,
Theo thời tốt đẹp, suốt thời toàn chân.
Nghĩa là chúng ta phải đi trọn hết đường Trời mới thấy nó toàn mỹ, tốt đẹp.
Dịch Kinh còn viết:
Phù Đại nhân giả, dữ Thiên Địa hợp kỳ đức, dữ nhật nguyệt hợp kỳ minh, dữ tứ thời hợp kỳ tự, dữ quỉ thần hợp kỳ cát hung, Tiên thiên nhi Thiên phất vi, hậu thiên nhi phụng thiên thời, Thiên thả phất vi, nhi huống ư nhân hồ, huống ư quỉ thần hồ. (Kiền, Văn ngôn, hào Cửu Ngũ):
Đại Nhân đức hạnh bao la,
Như Trời, như đất cao xa muôn trùng,
Sáng như nhật nguyệt 2 vừng.
Sống đời tiết tấu hợp khung 4 mùa.
Những điều lành dữ, ghét ưa,
Quỉ thần đường lối đem so khác nào.
Trứơc Trời, Trời chẳng trách đâu,
Sau Trời cho hợp cơ màu thời gian.
Trời không trách cứ phàn nàn,
Thời người còn dám than van nỗi gì?
Trời người chẳng trách, chẳng chê,
Quỉ thần âu cũng chẳng hề oán than.
Dịch còn cho rằng đường lối biến hoá của con người ấy cũng chính là đường lối biến hoá cũa vũ trụ, và của Kinh Dịch.
Hệ Từ Thượng viết: «Quảng đại phối Thiên địa. Biến thông phối tứ thời. Âm dương chi nghĩa phối nhật nguyệt. Dị giản chi thiện phối chí đức.»
Dịch kinh rộng lớn muôn tầm,
Như Trời, như đất, chẳng phân, chẳng rời.
Biến thông hợp bốn mùa đời,
Âm Dương hoà điệu mặt trời, mặt trăng.
Khinh phiêu, giản dị, ung dung,
Hợp cùng Chí Đức, sánh cùng Chí Năng.
Dịch Kinh bàn về con người như vậy thật là tuyệt vời, không bút nào tả xiết. Chính vì vậy mà khoảng năm 1960, nhân dịp khánh thành Khổng Miếu Quảng Nam, hội Cổ học Quảng Nam nhờ tôi viết một bài về: Nhân sinh quan theo Dịch Lý. Tôi liền phối hợp sở học của tôi về Trung Dung và Dịch Lý để viết ra một bài nhan đề là Một nhân sinh quan theo Trung Dung và Dịch Lý.
Tuy là nói vậy, nhưng các đường hướng đưa ra, cái nhìn vào cuộc đời, hoàn toàn là do tôi sáng tạo; xưa nay chưa có ai đưa ra một quan niệm tương tự như vậy. Nói thế có nghĩa là Nhân sinh quan mà tôi đem ra bàn cùng quí vị bây giờ là của tôi. Những lời lẽ, những ý tưởng mà tôi đem trình bày cùng quí vị một cách mạch lạc, rõ ràng, thì trong dĩ vãng chẳng qua mới được ám chỉ, mới được gợi ý, chứ chưa hề được đề cập đến một cách sáng sủa, hẳn hoi.
Đến nay thấm thoắt đã 40 năm qua, khi cần phải viết lại: Một nhân sinh quan, tôi đọc lại lập trường, tư tưởng xưa kia của tôi, tôi vẫn thấy nó ý hợp tâm đầu với tôi
Tôi cũng xin nói trước rằng, nhân sinh quan mà tôi đưa ra chỉ là một trong những nhân sinh quan của thiên hạ. Nó hay, hay dở là tùy quan điểm của quí vị; nó có được quí vị tán đồng hay không, cũng tùy như là quí vị có tương ứng, tương cầu với tôi không. Dù quí vị đồng ý hay không đồng ý, chuyện đó không làm cho tôi phải băn khoăn.
Một hôm, tôi đợi đèn xanh ở góc đường Bolsa, Brookhurst, tôi nhìn các xe cộ chạy qua trước mặt và thấy không xe nào giống xe nào: xe to, xe nhỏ, xe trắng, xe đỏ, xe xanh, xe vàng, xe Mỹ, xe Nhật, xe Thụy điển, xe Đức. Tất cả đều là tùy ý thích mỗi người, tùy túi tiền mỗi người. Nếu bây giờ có lệnh bắt buộc chỉ được dùng xe một cơ, một màu, do một nhà sản xuất, thì chắc là quang cảnh bên ngoài sẽ trở nên hết sức buồn tẻ. Cho nên về tư tưởng cũng cần phải có hiện tượng trăm hoa đua nở. Đưa ra nhân sinh quan của tôi, tôi chỉ muốn coi nó như là một loại hoa, đóng góp phần nào vào vườn thượng uyển tư tưởng của nhân quần.
Nhân sinh quan này nảy sinh từ học thuyết then chốt của tôi là thuyết: Thiên địa vạn vật đồng nhất thể, với những tư tưởng then chốt là Nhất tán vạn, vạn qui Nhất. Nó cũng dựa vào những định luật vĩnh cửu của trời đất như TỤ, TÁN; VÃNG, LAI; THUẬN, NGHỊCH; BIẾN HÓA. Nó sẽ cho ta thấy con đường TIẾN, THOÁI mà tôi sẽ phác họa ra cho chúng ta theo tùy TUỔI TÁC, tương ứng với chu kỳ của mặt trăng, mặt trời, của các vì sao, và sự biến thiên của bốn mùa. Những điều mà tôi trình bày đã được rút ra từ Tâm Linh con người, đã được các thánh triết ngàn xưa thi hành, và tin rằng sẽ được các thánh triết ngàn sau đồng ý, vì đó là những định luật tự nhiên chi phối sự biến hóa của nhân quần. Đó chính là Thiên ý, và cũng đã được Trung Dung, và Kinh Dịch đề cập tới.
Trung Dung chương 29 viết:
...Đạo quân tử phát xuất tự thâm tâm,
Đem trưng bày phổ cập tới thứ dân.
Khảo chứng tieốn vứớng, không có chi lầm lỗi,
Sánh với luật đất trời, không phản bội.
So quỉ thần, đường lối đúng không sai,
Thánh nhân ngàn đời sau chẳng có chê bai...
So quỉ thần, đường lối đúng không sai,
Thế là đã biết lòng Trời đó,
Thánh nhân ngàn đời sau chẳng có chê bai,
Thế là đã biết lòng người tỏ rõ...
Dịch kinh viết:
Dịch kinh rộng lớn muôn tầm,
Như trời, như đất chẳng phân, chẳng rời.
Biến thông hợp bốn mùa đời,
âm Dương hòa điệu, mặt trời, mặt trăng.
Khinh phiêu, giản dị, ung dung,
Hợp cùng chí đức, (sánh cùng chí năng.)
(Hệ từ thượng, chương VI)
Nó cũng nảy sinh từ chủ trương biến dịch hai chiều của tôi: Một chiều tiến hóa theo các định luật vật chất, một ngày một tiến tới bất động, ù lì, tối tăm, lạnh lẽo. Một chiều tiến hóa theo các định luật tinh thần một ngày một tiến tới tinh vi, kỳ ảo, linh động sáng tươi, đẹp đẽ, trật tự, hòa hợp. Chiều hướng về vật chất được chi phối bởi định luật «Dương tiêu, âm trưởng»; còn chiều hướng về tinh thần, được chi phối bởi định luật «âm tiêu Dương trưởng». Tôi gọi chiều Âm là Chiều đi ra, là chiều Hướng Ngoại, Chiều Dương là Chiều đi vô, là chiều Hướng Nội. Chiều Âm dành cho quần chúng, chiều Dương dành cho thánh hiền.
Từ xưa đến nay có nhiều lối nhìn vào đời sống con người: Có người thì cho cuộc đời là bến mê, bể khổ, cho nên muốn xa lánh cuộc đời; lên rừng, lên núi, vào hang, vào động để mà tĩnh tọa, tu trì; hoặc ly gia, cát ái, vui tháng ngày cùng câu kinh kệ. Có người thì cho cuộc đời này là chốn khách đầy, coi mọi thử thách khổ đau gian trần, là những thánh giá cần phải vác hằng ngày; luôn coi mình đầy tội lệ, cần phải khóc lóc ăn năn; sống trong hiện tiền, mà chẳng quan thiết tới hiện tiền, mà chỉ mong chóng được về Thiên quốc. Có cái lạ là tuy biết rằng chết đi có thể tiêu diêu cực lạc; có thể lên thiên quốc, thiên đình, nhưng khi mắc bệnh, khi kề cận lưỡi hái tử thần, thì người ta lại thấy tiếc thương cái xác đất, vật hèn; cái đời phù sinh, tục lụy; lại thấy thương vợ, thương con, liền van vái tứ phương, chạy thày, chạy thuốc, cầu mong được triển hạn ngày giá hạc, vân trình!
Có những người lại chỉ chú trọng đến hiện tiền,, lại chỉ thích cải tiến nhân sinh, tổ chức xã hội, và sống hưởng thụ trong kiếp sống gian trần này.
Cũng có những người chủ trương mạnh được yếu thua, chuyên môn hiếp đáp người khác, dân khác. Có những người chủ trương phải kiếm thật nhiều tiền, sống hưởng thụ tối đa.
Người nào cũng cho chủ trương của mình là hay nhất, chủ trương của người là dở nhất. Tôi cho rằng tất cả những quan niệm trên đều tương đối, dở hay, trộn lộn.
Tôi chẳng chống đối chuyện sửa soạn lai sinh, tôi cũng tán thành chuyện lo cải tiến đời sống vật chất, xác thân, đời sống, gia đình xã hội. Có một điều là chúng ta phải biết phân công cho hay, dùng thời giờ cho đúng.
Tôi xác tín rằng con người sinh ra trước hết để làm Người sau đó để làm Trời.
Con người được kêu gọi lên bậc Thần Phật vào khoảng nửa đời người (36 tuổi), sau khi giác ngộ được rằng mình có căn Trời tính Phật. Dịch Kinh gọi thời ấy là quẻ Phục. Phục kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ. Khi ấy con người thấy được là mình có Thiên Địa chi Tâm, tìm ra được đạo Tâm vi tế trong lòng mình.
ĐƯỜNG ĐỜI LÝ TƯỞNG
Tôi sinh ra trong một gia đình rất nghèo, sống trong một nước mà thế giới xếp vào hạng nhược tiểu và chậm tiến; tôi đã được thấm nhuần, được dạy dỗ rằng thân phận tôi, cũng như thân phận con người là hèn hạ, là tội lệ, mà lạ lùng thay tất cả những điều giáo huấn đó đối với tôi lại y như là nước đổ đầu vịt, hay nước đổ lá khoai! Tôi càng ngày càng nhận thấy rằng con người là dòng dõi thần minh giáng hạ, khoác hình hài, thân xác, làm một cuộc viễn du xuống gian trần này, để thực hiện những công chuyện vô cùng khó khăn như thấy trong chuyện thần Hercules: đó là thi triển thần uy, thi triển quyền lực để cải thiện gian trần, để đấu tranh, để lướt thắng mọi nỗi khổ đau, đem an bình lại cho thế tục, đem hạnh phúc lại cho tâm hồn, và sau khi đã xông xáo trên muôn vạn nẻo đường trần, sau khi đã vào sinh ra tử, sau khi đã chiến thắng mọi trở ngại, mọi hiểm nguy, sẽ thâu hồi tinh anh, hội tụ thần lực, băng qua vòng khí quyển hình danh, sắc tướng, tương đối, tương đãi để về nhập thể lại với Vô Biên...
Con người không thể tự khinh, mà phải tự trọng; không thể trốn đời mà phải biết dùng đời, dùng ngoại cảnh như là một công cụ cho mình thi triển quyền uy, cho mình phát huy sáng tạo, cho mình thực hiện tinh hoa.
Tôi càng ngày càng thấy rằng nhân loại mang chứa trong mình Bản thể vô biên của đất trời, Hóa công của vũ trụ, cho nên lúc thì phải xông xáo vào đời, để tái tạo ngoại cảnh; lúc thì phải quay trở lại với Đạo, nhìn thấy Đạo trong tâm khảm mình, để mà sống thanh hư, định tĩnh.
Tôi mến Thiệu Khang Tiết không phải vì quyển Mai hoa dịch số của ông, mà chính vì ông từ ngót ngàn năm trước đây đã có những ý tưởng tương tự. ông đã gửi gấp chúng vào trong một bài thơ mà tôi không rõ nhan đề, như sau:
Nhĩ mục thông minh, nam tử thân,
Hồng quân phú dữ bất vi bần.
Tu quan nguyệt động phương tri vật, (Cần phải đi vào ngoại cảnh)
Vị nhiếp Thiên căn, khởi thức nhân. (Cần đi vào tâm tìm lại Thiên căn)
Kiền ngộ Tốn thời quan nguyệt quật, (Thiên Phong Cấu)
Địa phùng lôi xứ, kiến Thiên căn. (Địa Lôi Phục)
Thiên căn, nguyệt quật, thường lai vãng, (Nếu biết đi cả hai chiều Tâm, Cảnh)
Tam thập lục cung đô thị xuân. (64 quẻ Dịch thu lại còn 36, ám chỉ cuộc đời: ý nói suốt đời sẽ đẹp đẽ như mùa xuân.)
Chuyển dịch:
Tai mắt nam nhi đứng cõi đời,
Lòng mang Tạo Hóa há đâu chơi.
Quyết thăm động nguyệt cho hay vật,
Cố hiểu Thiên căn, để biết Trời.
Trời nổi gió giông, thông động nguyệt
Đất vang sấm chớp, lộ căn trời.
Căn trời, động nguyệt thường lai vãng,
Ba sáu cung xuân, trọn vẹn đời.
Bài thơ này đại khái chỉ đưa ra ba vấn đề:
1.- Con người có Thiên tính.
2.- Con người phải dùng nửa đời đầu của mình, để tìm hiểu ngoại cảnh, khai thác ngoại cảnh.
3.-Và dùng nửa đời sau của mình để tìm hiểu về gốc gác thần minh của mình. Được như vậy, cả đời mình sẽ luôn luôn sung sướng, hạnh phúc.
Tôi càng ngày càng nhìn nhân loại bằng con mắt tương lai. Tôi nghĩ rằng con người chắc chắn là sẽ tiến về địa vị thần linh sang cả, với sự sáng tạo của mình, nỗ lực triền miên của mình, với sự đồng lao cộng tác của mọi người. Sự cứu rỗi của nhân loại sẽ đến với nhân loại, khi mà nhân loại nhận ra được chân giá trị của con người, khi biết rằng con người có những khả năng vô biên vô tận, mà nếu biết khai thác, biết tận dụng, sẽ biến hồng trần thành thiên quốc.
Con người chỉ việc thay đổi tầm nhìn, thay đổi ý nghĩ, thay đổi tâm tư, thay đổi độ lượng, lập tức phiền não sẽ tiêu tan. Cái khổ đau hiện tại, cái ngu si hiện tại sẽ nhường bước cho sung sướng, cho thông sáng trong tương lai. Con người sau khi đã đi bộ mấy nghìn năm, nay đã đi mây, về gió; sau khi đã dùng mắt trần mấy nghìn năm, nay đã biết nhìn bằng kính cận, kính viễn, kính hiển vi, và thiên lý kính. Nhìn nhỏ đến thấu cả lòng sâu vi tử, vi trần. Nhìn xa đến những tinh cầu cách xa triệu triệu năm ánh sáng.
Rồi nhờ Pacific Bell, nhờ AT&T ta tha hồ đối thoại với những người cách xa muôn vạn dặm. Con người ngày nay đã biết dùng ánh sáng Laser để chữa bệnh, đã biết dùng siêu âm để phá nát đá sạn trong ống mật, trong thận, đã thay tim, thay gan, nối thần kinh; nối mạch máu, thì trong tương lai sẽ còn làm được những phép lạ to lớn hơn thế nhiều! Niềm tin tôi vào tiền trình vào tương lai nhân loại càng ngày càng trở nên mãnh liệt:
Thuyền nhân loại hướng về đâu tá?
Thuyền quang hoa băng ngả thần tiên.
Tiến về mai hậu siêu nhiên,
Tiến về đức hạnh, nguyên tuyền tinh hoa.
Ánh khoa học trời xa lóng lánh,
Thuyền quang hoa băng cảnh thần tiên,
Tiến vế đẹp đẽ tinh tuyền,
Tiến về Thượng giới về miền muôn sao.
(Phỏng dịch thơ Plein Ciel của Victor Hugo).
Tôi tin mãnh liệt rằng con người mai hậu sẽ trở thành thần linh, vì mang sẵn trong mình một nguồn sinh lực, một sức sáng tạo vô biên, vô tận.
Kìa sinh khí chứa chan, lai láng,
Rung lá cành, làm sáng lòng ta.
Tung hoành từ đá đến hoa,
Lại từ thảo mộc chuyển qua muông cầm.
Từ nham thạch chuyển dần tới bạn.
Có lẽ đâu tiêu tán nơi người?
Không, không, sinh khí chơi vơi,
Đường mây ai cản, đường trời ai ngăn.
Sức vô địch băng băng hướng thượng,
Tiến sâu vào vô lượng vô hình.
Làm cho tràn ngập thái thanh,
Một trời bát ngát treo tranh non bồng.
Sán lạn với muôn thần, vạn thánh,
Ánh hào quang tạo cảnh dao trì
Thần linh sánh với tiên tri,
Thiên thần rực rỡ, quang huy trong ngoài.
Sinh khí ấy láng lai vô tận,
Bắc thang sao, muôn dặm thiên thai.
Từ nơi ngạ quỉ tuyền đài,
Tung lên cho tới muôn loài thần tiên.
Thấp với cao tương liên kết giải,
Muôn thánh thần chắp nối duyên tơ,
Băng qua muôn triệu cõi bờ,
Nối liền sao sáng cùng là trời mây.
Cao với thấp đó đây ở hết,
Từ biên khu tới miết trung tâm
Băng chừng muôn dặm, muôn tầm,
Rồi ra biến dạng vào tâm khảm Trời.
(Phỏng dịch thơ Les contemplations của Victor Hugo).
Tôi phân cuộc đời thành hai giai đoạn, theo đúng điệu âm, Dương của đất trời.
Gẫm đạo lý có sau, có trước,
Lẽ âm dương có ngược, có xuôi,
Xuôi là gió cuốn bụi đời, (Thiên Phong Cấu)
Đẩy đưa vào chốn trần ai, cát lầm.
Có thử thách, mới phân vàng đá,
Có lầm than, mới rõ chuyện đời.
Ngược la sấm chớp tơi bời,(Địa Lôi Phục),
Tầng sâu bày giãi căn trời nội tâm,
Trông tỏ đích chí nhân, chí chính,
Biết mục phiêu, sẽ định, sẽ an,
Rồi ra suy xét nguồn cơn,
Con đường «phối mệnh» chu toàn tóc tơ.
Giai đoạn đầu là giai đoạn «Dương tiêu, âm trưởng». Con người trong giai đoạn này, sa đọa, lạc lõng dần vào cảnh phù du, hư ảo bên ngoài, đem tâm thần, bán rẻ lấy miếng cơm manh áo, đem thân làm tôi tớ cho hoàn cảnh, xã hội, dù nợ áo cơm lụy cả đến hình hài,mà vẫn lấy thế làm vui. Trong giai đoạn này, vật chất dần dần đóng vai trò tối thượng. Nhưng có giai đoạn này, thì giang sơn mới được tô điểm, hoàn cảnh vật chất của quần chúng mới được cải thiện. Tinh thần, trong giai đoạn này, dần thu gọn lại như một ánh sao trên bầu trời vân vũ.
Giai đoạn sau là «Âm tiêu, Dương trưởng». Tinh thần đã biết hướng thượng đã biết hồi hướng, tìm ra được nguồn mạch cao cả của mình, và sẽ dùng vật chất làm "thang mây" mà tiến dần về Trời. Trong giai đoạn này, tinh thần dần dần đóng vai trò tối thượng. Nó thích hợp với những con người đã đứng tuổi, đã già, những con người đã biết quẳng gánh lo, thoát vòng danh lợi để quay về tu luyện bản thân, nêu gương sáng cho đời, mong kết hợp với Trời, để được trường sinh bất tử. Ngược lại vật chất xuống giá dần để cuối cùng biến thành chiếc xe mây cho khách du rong ruổi trên đường "thiên lý", sáng trong như ngọc thạch.
Con đường lý tưởng này gồm cả hai bề vật chất, tinh thần, uyển chuyển diễn tiến theo đà thời gian, tuổi tác, như một bài thơ, một bản nhạc, mà tiết tấu hòa nhịp với trăng sao. Thế là «TRẺ ĐI RA, GIÀ ĐI VÔ»; «TRẺ ĐI RA ĐỜI, GIÀ ĐI VÀO ĐẠO»: Đời đây là ngoại cảnh; Đạo đây là Tâm Linh.
ĐƯỜNG ĐỜI LÝ TƯỞNG VỚI CHU KỲ NHẬT NGUYỆT TINH THẦN
Con người lý tưởng lúc sơ sinh cũng như vầng trăng vừa quá rằm đẹp đẽ. Nhưng dần dà lớn lên, lạc lõng vào cuộc đời tìm sinh kế, cũng như vầng trăng khuyết dần, mờ dần. Đến lúc công danh ở đời tưởng như là rực rỡ, lợi lộc ở đời tưởng như là dồi dào, thì lại là lúc mà tinh thần nghèo nàn nhất. Lúc mà tinh thần suy sụp, đen tối như vậy, thì mặt trăng trên trời cũng đang ở vào kỳ Nguyệt Tận, chẳng còn chút quang huy.
Nhưng trăng hết kỳ lu, lại tới thời kỳ sáng. Con người lý tưởng cũng vậy, không thể bị vật dục che mờ mãi. Nhờ suy tư về sự chất chưởng bên ngoài, con người có ngày sẽ tìm lại được nguồn sống bên trong, sẽ dần dần tài bồi cho tâm hồn mình ngày thêm hoàn bị, để lúc thoát «hồng trần, tục lụy», sẽ viên mãn, sẽ rực rỡ như TRĂNG HÔM RẰM.
Con đường lý tưởng nói trên cũng vạch lại sự thăng trầm của vừng dương. Trong một ngày, thì sau giờ Ngọ, là mặt trời ngả bóng và càng ngày càng mờ nhạt quang huy. Lúc gần xế bóng non đoài, thì tà huy cũng trở nên bảng lảng. Khi đã lặn xuống dưới chân trời, thì màn đêm la đà phủ trên muôn vật, và lúc nửa đêm là lúc tăm tối nhất. Nhưng rồi sau đó mặt trời lại mọc lên lại. Và lúc lên khỏi chân trời, thì bình minh lại hiện ra rực rỡ. Đến lúc chính Ngọ sẽ lại là «nhật lệ trung thiên», sáng quắc giữa vòm trời.
Nếu xét theo triền năm, thì sau ngày Hạ chí, mặt trời đi vào cung Cự Giải. Ánh sáng và sức nóng một ngày một giảm cho tới cực độ vào ngày Đông chí. Nhưng từ ngày Đông chí trở đi, thì mặt trời lại nóng lên, sáng lên dần mãi, đem ánh dương quang đượm nhuần cho hoa lá trổ sinh, tưng bừng rộn rã với ngày Xuân, và dần dần trở lại ngôi vị tối thượng vào ngày Hạ chí.
Cuộc đời lý tưởng của người quân tử, lúc sơ sinh, cũng đẹp như mặt trời khi quá Ngọ. Lúc lớn lên, bị vật dục che mờ, người quân tử cũng như mặt trời, trải qua những cảnh hoàng hôn và cảnh đêm dài tịch liêu, u tối. Nhưng rồi ra, con người lý tưởng ấy dần dà sẽ gỡ được mọi tần phiền, để cùng mặt trời trang trọng hiện lên trên nhãn giới tâm linh, vào lúc bình minh muôn thủa; cùng bình minh, hứa hẹn một trời trong sáng mới, và khi lìa thế sự, sẽ là «nhật lệ trung thiên», sáng quắc cả bầu trời thiên quốc.
Con người lý tưởng, ruổi rong trên muôn dặm trần hoàn y thức như nhật nguyệt và ngũ tinh (ngày nay là cửu tinh) ruổi rong trên con đường Hoàng Đạo. Lúc sơ sinh, con người lý tưởng đi và CỬA NGƯỜI - mà Chiêm tinh âu Châu gọi là Cung Cự Giải, mà Chiêm Tinh Học Á châu gọi là chòm sao TỈNH. Từ Cự Giải tuần tự xuống dần tới các cung Sư Tử, Nữ Thất, Thiên Xứng, Thiên Yết, Nhân Mã, tức là qua các chòm sao Tỉnh, Quỉ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn; Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ. Đó là con đường đi ra, con đường đi xuống. Khi đến cùng đường, sẽ tìm vào CỬA TRỜI, mà người Âu Châu gọi là cung Ma Yết (Capricorn).
Rồi từ đó tiến lần lên các cung Bảo Bình, Song Ngư, Bạch Dương, Kim Ngưu, Song Tử. Theo Chiêm tinh học Á Đông thì CỬA TRỜI là ở chòm sao Đẩu. Rồi từ đó đi theo các chặng đường trời: Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích; Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm.
Sau đó sẽ vào yên nghỉ tại THIÊN CUNG, tượng trưng bằng TÂM ĐIỂM của Vòng Hoàng Đạo. CỬA NGƯỜI trên vòng Dịch Tiên Thiên là quẻ CẤU; CỬA TRỜI trên vòng Dịch Tiên Thiên là quẻ PHỤC. THIÊN CUNG là THÁI CỰC, TRUNG CUNG. Như vậy, đường xuống TRẦN, đường lên TRỜI, đã được hoạch định, được xây cất sẵn sàng. CỬA NGƯỜI, CỬA TRỜI đã như thể có biển đề, cho ta khỏi lầm lẫn.
ĐƯỜNG ĐỜI LÝ TƯỞNG VỚI LẼ BIẾN THÔNG CỦA BỐN MÙA
Đem sánh với bốn mùa, ta thấy con đường lý tưởng mà ta vạch ra ở trên hợp nhẽ biến thông của bốn mùa.
Lúc sơ sinh là lúc nhựa sống tràn đầy như muôn hoa khoe sắc trên cành, sau ngày Hạ Chí (giữa tháng 5 ta; vào khoảng 21 tháng 6 Dương lịch). Lúc lớn lên,bước dần vào cuộc đời, thấy dần dần tâm sự càng ngày càng ngả sang Thu, và khi đến lúc hoa niên, khi đã tiêu pha hết vốn liếng tinh thần, khi đã:
Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ,
Đường thế đồ, gót rỗ kỳ khu.
Tâm hồn lắm lúc cảm thấy lạnh lùng, như băng giá, tiết đông thiên. Nhưng có sương tuyết lạnh lùng, thì mới có lại được ngày xuân ấm áp. Trong những giờ phút mà con người chán thế sự, nhân tình, thì lại là lúc con người thấy mở tung ra trong tâm khảm mình một nhãn giới vô biên.
Thế là khi mái tóc hình hài, vật chất đã hoa râm, thì tinh thần ngược lại bỗng đượm màu xuân sắc. Một nguồn hi vọng mới dâng lên giữa những cảnh ngộ éo le của cuộc đời. Mùa xuân đầy hi vọng trở về với một nguồn sống tinh thần mới...Và cũng như cây đâm chồi, nảy lộc, vươn mãi lên trên khung trời trong ngày xuân ấm áp, tâm hồn cũng vươn mãi lên tới tinh hoa cao đẹp. Cuối cùng lúc từ giã cuộc đời, tâm hồn vẫn chứa đầy nhựa sống như trời mùa hạ. Bao công lao sự nghiệp của cuộc đời bấy giờ nở tung ra như muôn hoa tươi thắm để chẳng bao giờ tàn phai...
CON ĐƯỜNG ĐỜI LÝ TƯỞNG VỚI NHÂN TÂM THẾ ĐẠO
Con đường lý tưởng đó cũng rất phù hợp với nhân tâm thế đạo.
Con người từ bao ngàn năm nay, vì không hiểu định luật thiên nhiên, nên đã không đi theo đúng nhịp điệu thời gian, tuổi tác; gò bó mình vào những khuôn khổ chật hẹp; máy móc hóa một cuộc đời đáng lý là thơ mộng; hay lại quá phóng túng mình đến tan tác cả cuộc đời.
Mặc dầu vậy, họ vẫn phác họa lại trong cuộc đời mình bóng dáng cuộc đời lý tưởng đó.
Bé thì ngây thơ, hồn nhiên, vô tội vạ; rồi dần dà trở nên PHÓNG NGOẠI, trở nên tò mò; rồi cũng tranh đấu, xông xáo, cũng dấn thân vào phong trần, vật chất như ai. Lúc mái tóc hoa râm, lắm khi cũng thấy giật mình muốn đoạn tuyệt với cuộc đời phóng đãng của mình, muốn hồi tâm tu tỉnh. Khi trở về già, thì không ai bảo ai, bất kỳ thuộc tôn giáo nào, con người cũng muốn quay về cùng Trời, Phật, Thần, Thánh; cũng kinh kệ, tụng niệm như ai.
Chỉ tiếc cái là thay vì HƯỚNG NỘI, để quay về với Trời, với Phật trong tâm, thì vẫn uổng công đi tìm Trời, tìm Phật ở nơi đền đài, miếu mạo bên ngoài; thay vì dùng kinh kệ, như là thần chú để chiêu vời Trời, Phật nhập thể với mình, thì lại vẫn thấy mình là mình; kinh là kinh; mà Trời Phật vẫn xa xôi riêng rẽ... Càng dấn thân (engagement) vào đời phong vũ bao nhiêu, lại càng mong muốn thoát thân (disengagement) ra ngoài vòng cương tỏa bấy nhiêu. Nếu như thấy được «Thiên địa chi tâm», tìm ra được Bản thể Trời trong đáy lòng mình là sẽ bước được vào con đường giải thoát.
Nói rộng ra, thì nhân loại cũng đang đi trên vòng càn khôn đó, nhưng chậm chạp.
Giai đoạn đầu là giai đoạn đạo hạnh phù phiếm, xốc nổi bên ngoài, để rồi dần dà lạc lõng vào giai đoạn dị đoan, mê tín. Càng phóng ngoại bao nhiêu, văn minh vật chất càng thịnh đạt bao nhiêu, nhân loại lại càng đi đến chỗ sa đọa tinh thần bấy nhiêu, càng "Nghịch Thiên, Bối Thiên" (quay lưng lại với Trời) bấy nhiêu. Nhưng chính là nhờ ở giai đoạn sùng thượng vật chất này mà nhân loại đã giải quyết được những vấn đề mưu sinh, thích ứng với hoàn cảnh, nhân loại đã xây dựng được hạ tầng cơ sở cho vững chắc. Cho nên nó cũng hết sức là ích lợi và cần yếu.
Nhưng khi đã trưởng thành, khi đã quá dè bỉu, ghen ghét nhau, quá bóc lột, áp bức nhau, nhân loại sẽ dần dần trở lại sùng thượng các giá trị tinh thần vĩnh cửu.
Hiểu cuộc đời theo định luật biến dịch nói trên sẽ mở ra một con đường tiến hóa bao la cho cá nhân, cũng như cho nhân quần xã hội.
Cá nhân sẽ tùy theo tuổi tác, tùy theo khuynh hướng của từng tuổi mà làm những công tác mình phải làm, để cây đàn bản thân lúc nào cũng hòa âm theo đúng tiết tấu gia đình, xã hội, quốc gia, quốc tế, nhân loại, và đất trời. Đó tức là ứng biến theo thời.
Nhân loại và cá nhân sẽ không ăn rễ sâu xa vào vật chất, mà chỉ coi vật chất là một chặng đường tiến hóa của mình, một lớp lang nhỏ bé trong tấn tuồng vĩ đại của nhân sinh, và trời đất.
Nếu chúng ta tin rằng Nhất đã sinh Vạn, thì ắt chấp nhận rằng Vạn sẽ qui Nhất. Thế tức là, từ Tâm Linh muôn thủa đã trung tỏa ra muôn vạn ngả đường. Dẫu ta có lao đao suốt đời cũng chẳng sao đi hết con đường muôn vạn ngả. Càng phiêu lưu, càng lạc lõng. Càng đi ra Vạn, càng phiêu lãng trên muôn vạn ngả đường, dù có thành công đến đâu, trong thâm tâm vẫn thấy thiếu thốn, vẫn thấy ám ảnh bởi cảnh phù du, tạm bợ; vẫn thấy mình như thân phận cánh bèo, bình bồng mặt nước, chân mây, mà chẳng biết sẽ trôi giạt về đâu, bởi vì Vạn chỉ là như một bóng hình hư ảo của Nhất. Trở về được với Nhất, mới là đi trọn vẹn được vòng Càn Khôn biến hóa của thiên nhiên.
Nói thế có nghĩa là, khi con người tiến đến thuần dương, sẽ cảm thấy mình vẫn còn ở trong hữu hạn, vẫn còn chịu định luật biến thiên, sinh hóa, cần phải đi vào Tâm điểm vũ trụ, tâm điểm tâm thần, để thóat vòng biến thiên, sinh hóa, để từ hữu hạn, nhập vào Vô cùng.
Ấn giáo, Phật giáo gọi đó là «Thoát Luân Hồi; Nhập Niết Bàn».
Khổng giáo gọi là TRUNG DUNG TRUNG ĐẠO.
Đó cũng là Trung Đạo theo Long Thọ.
Đó là «đắc kỳ hoàn trung dĩ ứng vô cùng»; hay «hưu hồ Thiên quân» của Trang Tử.
Đó là Tat Tvam Asi (Con là Cái Đó) của Bà La Môn.
Đó là Con Người Lý Tưởng; Con Người Muôn Thủa; đó mới là Chí Nhân hay Chân Nhân.
Lúc ấy chính là lúc con người nhập thể với Trời (Phối Thiên).
Lúc ấy, Hiện tượng đồng hóa với Bản Thể, nên xóa hẳn biên cương giữa Tương đối và Tuyệt Đối, giữa Có và Không. Đó chính là BẤT NHỊ PHÁP MÔN.
Theo nhân sinh quan trên, chúng ta sẽ học đi trên đất trước, rồi mới học bay trên trời; tìm miếng cơm, manh áo trước, rồi dần dà mới đi sâu vào nội giới tâm linh. Thế tức là biết thời cơ, biết nhẽ tiến thoái, biết uyển chuyển ứng phó với hoàn cảnh, biết biến thiên theo nhịp điệu thời gian tuổi tác, để lúc nào đời chúng ta cũng đẹp như một bài thơ, tiết tấu như một khúc nhạc, để lúc chung cuộc sẽ thực hiện được CHÂN, THIỆN, MỸ.
CHÚ THÍCH
-----------------------------------------
[1] «Life has an inherent tendency to grow, to expand, to express potentialities.»
Maharishi Mahesh Yogi and the science of Creative Intelligence, Transcendental Meditation, E. P. Dutton and Co, inc., New york, 1973, p. 16.
[2] Abraham Maslow, in his book Toward a Psychology of Being, wrote, it looks as though there was a single ultimate value for mankind, a far goal toward which all men strive. This is called variously by different authors, self-actualization, self-realization, integration, psychological health...but they all agree that this amounts to realizing the potentialities of the person, that is to say, becoming fully human, everything that the person can become. Man has within him, Maslow write, «a pressure...toward unity of personnality, toward spontaneous expressiveness, toward full individuality and identity, toward seeing the truth rather than being blind, toward being creative, toward being good and a lot else.» Maslow further states that man demonstrates this «pressure toward fuller and fuller Being, more and more perfect actualization of his humaness in exactly the same naturalistic, scientific sense that an acorn may be said to be «pressing toward « being an oak tree, or that a tiger can be observed to ‘push toward being tigerish.»
[3] The noted psychotherapist Carl R. Roger has also described what he sees as «man tendency to actualize himself, to become his potentialities. By that I mean, ‘’says Rogers, «the directional trend which is evident in all organic and human life – the urge to expand, extend, develop, mature – the tendency to express and activate all the capacity of the organism.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét