Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

PETRUS KÝ TRONG ĐẠO CAO ĐÀI



HUỆ KHẢI


            Tiểu thuyết Phong Thần Diễn Nghĩa (người Việt quen gọi là Truyện Phong Thần) viết vào thời nhà Minh, gồm một trăm hồi (tức chương). Tác giả là Hứa Trọng Lâm (mất năm 1566), nhưng có thể là Lục Tây Tinh (mất năm 1601). Truyện lấy bối cảnh nhà Thương (vua Trụ) suy vong, Khương Tử Nha được thầy là Nguyên Thủy Thiên Tôn phái đi giúp nhà Chu (cha con Cơ Xương và Cơ Phát) diệt nhà Thương. Bên Chu được các Thần Tiên phái Xiển Giáo giúp; bên Thương được các Thần Tiên phái Triệt Giáo yểm trợ. Hai bên đấu phép rất nhiều trận long trời lở đất…

Một chi tiết thú vị trong truyện là các vị Tiên Thánh của hai phái Xiển và Triệt Giáo mỗi khi ra trận, trước lúc động thủ thường hỏi danh tánh, lai lịch của đối phương. Để trả lời, các vị thường mở đầu bằng cách… ngâm một bài thơ.

Chẳng hạn, Hồi Bốn Mươi Chín, năm vị Tiên Cô bên Triệt Giáo cùng ra trận. Một vị tên là Vân Tiêu thấy bên Xiển Giáo cử ra một vị thấp lùn, liền quát lớn: “Tên lùn kia có tài cán gì? Hãy xưng tên mau!”

Vị kia đáp: “Ngươi chớ khinh ta lùn. Ta lùn mà phép thuật không lùn. Hãy nghe đây...” Rồi cất tiếng ngâm:

Thường nương mây bạc tụng Huỳnh Đình
Cửa động thường thường hứng gió thanh
Tiên cảnh thanh nhàn tìm thú vắng
Phồn hoa dù đẹp chẳng say tình
Càn khôn dồn cả vào tay áo
Nhựt nguyệt treo đầu một gậy linh
Uống thuốc kim đơn vài hột nhỏ
Cơ Trời hiểu thấu mọi uy linh.

(Mộng Bình Sơn dịch)

Vừa nghe xong bài thơ, một Tiên Cô khác tên là Huỳnh Tiêu bèn sấn tới, quát hỏi: “Ngươi là Lục Yểm, đúng không?” Đáp: “Phải, chính ta đây!”



Đạo Cao Đài ra đời ở Nam Kỳ (1926), sử dụng đồng tử (mediums), lập đàn cầu cơ (seances) để các Đấng thiêng liêng giáng trần dạy đạo. Vì dùng phương tiện thông công như vậy, Cao Đài Giáo được giới tôn giáo học phương Tây xếp vào loại Thông Linh Học (Spiritism). Tuy nhiên cách thông công của Cao Đài (theo đạo Lão Trung Quốc) không giống cách thông công phương Tây.


                                          


Các Đấng khi giáng cơ thường tự giới thiệu bằng một bài thơ xưng danh, khiến những ai từng đọc Truyện Phong Thần đều nhớ tới cách xưng danh của các vị Thần Tiên giữa chiến trường trận mạc như vừa dẫn trên.

Vào Chúa Nhật 30-4-1972 (17-3 Nhâm Tý), trong một đàn cầu Tiên thiết lập tại Văn Phòng Đại Đạo (trước kia ởTân Định, nay không còn sinh hoạt), Đức Trương Vĩnh Ký thọ lệnh Tam Giáo Tòa giáng cơ báo tin có các Đấng trong Tam Giáo (Nho, Lão, Phật) sắp lâm trần dạy đạo. Khi giáng đàn, Đức Trương Vĩnh Ký xưng danh như sau:

TRƯƠNG cờ Đại Đạo khắp Nam bang
VĨNH cửu trường sanh ngọn phướn vàng
KÝ bút lưu đề danh hậu tấn
LAI ĐÀN đàm luận đạo Kỳ Tam.(1)

Đây là lối thơ quán thủ (cũng gọi khoán thủ) thường dùng trong thánh giáo Cao Đài; lấy những chữ đặt ở đầu mỗi câu thơ ráp lại thì biết được Đấng thiêng liêng nào vừa đến. Qua bài thơ này, Ngài tự giới thiệu là TRƯƠNG VĨNH KÝ LAI ĐÀN. (Lai đàn: Tới nơi lập đàn cơ.)



Sau đây là hai trường hợp khác có Đức Trương Vĩnh Ký giáng cơ trong đạo Cao Đài.


                                                     
Bìa quyển Thánh Đức Chơn Kinh

Năm 1938, bộ phận thông công của Cao Đài Tiên Thiên lập hàng loạt các buổi cầu Tiên tại Ngũ Phụng Kỳ Sơn, kể từ đầu tháng 2 Mậu Dần (tháng 3-1938).

Ngũ Phụng Kỳ Sơn hiện nay ở xã Ninh Sơn, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, nằm trong đất nhà của một tín đồ Cao Đài Tây Ninh. Đây là cái động nhỏ (rộng khoảng hai mét, sâu khoảng ba mét) nằm trên đỉnh núi Heo, phía sau núi Bà, trông qua núi Phụng.

Các thánh giáo tiếp nhận năm 1938 tại Ngũ Phụng Kỳ Sơn sau cùng được kết tập thành Thánh Đức Chơn Kinh (còn gọi Thánh Đức Chơn Truyền), là quyển chót trong bộ kinh ba quyển.(2) Bản ấn tống (không bán) dày 188 trang, khổ 14,5x24,5cm, in tại ấn quán Công Lý (số 101 đường Gia Long, Sài Gòn, theo giấy phép số 546/BTT/BC3/XB ngày 22-02-1965). Bản in này có lưu trữ trong Thư Viện Quốc Gia Việt Nam, kho M, ký hiệu M12096 (xem).

Trong quyển kinh này có hai lần Đức Trương Vĩnh Ký giáng cơ.

Lần thứ nhất, Ngài xưng danh như sau (tr. 33):

TRƯƠNG cánh buồm loan độ khách trần ẨN vừng mây bạc cứu nguyên nhân SĨ tu Đại Đạo chơn hòa lý

CHÍ đức thành tâm khí hiệp thần THÁNH bút chơn truyền đời ngộ giáo

HẬU hòa chủng loại thọ Thiên ân

SƯ minh giáo lý Thiên thơ tác

GIÁNG lịnh mừng kinh vịnh mấy vần.(3)

Liền sau bài thơ trên, Ngài chào các môn sanh Cao Đài có mặt trong đàn cơ: “Mừng chư sĩ. Chư sĩ biết ta chăng? Ta là Trương Vĩnh Ký đây.”

Ngài gọi chung mọi người là chư sĩ. (Sĩ là học trò, là người tu, có phẩm hạnh… Chư là tiếng chỉ số nhiều; chư Thánh: các vị Thánh.)

Qua bài thơ quán thủ này Ngài xưng danh là “Trương Ẩn Sĩ Chí Thánh Hậu Sư giáng”.

Bốn chữ Chí Thánh Hậu Sư sẽ được giải thích ở phần sau. Trước tiên hãy tìm hiểu vì sao Ngài xưng là Trương Ần Sĩ (người họ Trương, có học và danh tiếng nhưng ở ẩn).

Khoảng đầu tháng 6-1886, Petrus Ký ra Huế làm việc theo lời mời của Paul Bert (1833-1886), bấy giờ là Tổng Trú Sứ Trung và Bắc Kỳ (Résident général de l’Annam et du Tonkin). Petrus Ký được vua Đồng Khánh (1864-1889) phong chức Tham Tá trong Cơ Mật Viện, sung chức Hàn Lâm Viện Thị Giảng Học Sĩ.

Không lâu sau khi Paul Bert bệnh chết tại Hà Nội (11-11-1886), Petrus Ký bị hất hủi, bạc đãi. Viện cớ đau phổi, ông xin từ chức, rời Huế về Sài Gòn dạy học tại trường Hậu Bổ, trường Thông Ngôn và viết sách...


(2)Bộ phận thông công Cao Đài Tiên Thiên tiếp nhận quyển thứ nhất, nhan đề Thánh Đức Chuyển Mê, tại Ngọc Vân Đàn (Phú Thọ, Chợ Lớn) từ đầu tháng 6 Ất Hợi (tháng 7-1935); rồi tiếp nhận thêm quyển thứ hai, nhan đề Thánh Đức Chơn Kinh, tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài (Vĩnh Hội, Sài Gòn) từ đêm trung thu Bính Tý (30-9-1935). Quyển thứ ba là Thánh Đức Chơn Truyền nhưng ngoài bìa lại in Thánh Đức Chơn Kinh, trùng với quyển thứ hai.


Sau chuyến công tác sang Bangkok (1887), Petrus Ký nghỉ hưu non, sống ẩn dật tại nhà riêng ở Chợ Quán (nay nằm tại góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng, quận 5).


           

Trở lại với bài thánh giáo của Đức Trương Vĩnh Ký dẫn trên, sau lời chào các môn sanh Cao Đài, Ngài dạy tiếp: “Chư sĩ khá thành tâm! Ta rất mừng cho vạn loại cùng chư sĩ ngày nay đặng phước Trời ban bộ kinh thánh.” Đó là Ngài nhắc tới quyển Thánh Đức Chơn Truyền đang được tiếp nhận qua cơ bút. Rồi Ngài ban cho bài bát cú, mở đề như sau:

Lánh trần tuổi đã sáu mươi ngoài
Cuộc thế nhộn nhàng nghĩ đắng cay.


Petrus Ký sinh tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) vào Thứ Tư 06-12-1837 (mùng 9-11 Đinh Dậu); qua đời tại Chợ Quán, Sài Gòn, Thứ Tư 01-9-1898 (mùng 5-8 Đinh Dậu). Tính luôn tuổi mụ thì ông thọ sáu mươi mốt tuổi. Do đó câu phá đề nói “Lánh trần tuổi đã sáu mươi ngoài”. Hai chữ lánh trần ở đây không có nghĩa là ở ẩn, xuất thế; nó có nghĩa tạ thế, từ trần, qua đời…


Câu thừa đề “Cuộc thế nhộn nhàng nghĩ đắng cay” nhắc lại hoàn cảnh của Petrus Ký những năm cuối đời bị bạc đãi, túng thiếu, đau yếu, và buồn phiền vì in sách mà bán ế ẩm nên mắc nợ nhiều, thêm nỗi oan bị miệng đời gièm xiểm, chỉ trích là bất trung, theo giúp quân ngoại xâm.


Nỗi “đắng cay” ấy bình sinh Petrus Ký quá thấm thía; trước khi rũ bụi trần trở về trời, ông để lại bài thơ trìu trĩu tâm sự:



Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời
Học thức gửi tên con mọt sách
Công danh rốt cuộc cái quan tài
Dạo hòn, lũ kiến men chân bước
Bò xối, con sùng chắt lưỡi hoài
Cuốn sổ bình sanh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.


Chưa hết, phía trên cửa vào nhà mồ của ông có khắc câu La Tinh: Miseremini mei, saltem vos amici mei. Câu này trích trong Cựu Ước (Gióp 19:21), nghĩa là: Xin thương tôi, xin thương xót tôi, hỡi các anh là bè bạn…


                    

Cũng trong thánh giáo dẫn trên, sau đó Đức Trương Vĩnh Ký tả thêm bài bát cú thứ nhì với hai cặp luận và kết như sau:

Âm dương tuy cách miền Đông thổ
Động Thánh đã lâu hội Ngọc triều
Hoàng Phụ chỉ phê cho Chí Thánh
Hậu Sư ban phước kẻ đời yêu.

Đất Phật được gọi là Tây phương hay Tây thiên (cảnh trời Tây). Do đó nói Đông thổ (hay Đông độ) là nhắc tới cõi người, đất phàm tục, cảnh trần gian. Petrus Ký tạ thế, lìa cõi tục, nên câu thơ nói “Âm dương tuy cách miền Đông thổ”.


Theo đạo Lão, nơi Tiên ở gọi là động. Trong bài thơ trên

lại nói “động Thánh” bởi vì Đức Trương Vĩnh Ký là một vị Thánh, thường vào Ngọc Hư Cung triều kiến Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế. Do đó Ngài nói “Động Thánh đã lâu hội Ngọc triều”.


“Hoàng Phụ” là Đức Ngọc Hoàng (Đại Từ Phụ, Cha Trời).


“Chỉ phê” là Đức Chí Tôn ra Ngọc chỉ (sắc chỉ của Trời, Ngọc Đế) phê cho Ngài được ban phẩm vị Chí Thánh Hậu Sư.


Do được Thiên Đình ban phong như thế nên khi giáng cơ, Đức Trương Vĩnh Ký xưng danh là Trương Ẩn Sĩ Chí Thánh Hậu Sư.

Không kể sự nghiệp làm Gia Định Báo, và tạp chí Thông Loại Khóa Trình (Miscellanées), số tác phẩm thuộc nhiều thể loại mà Petrus Ký để lại cho đời tính ra ngót một trăm hai mươi nhan đề. Tuy nhiên, không rõ vì lý do nào mà lúc gần từ giã đàn cơ, Đức Trương Vĩnh Ký chỉ nêu ra phân nửa con số ấy, qua hai câu lục bát dưới đây:


Sáu mươi bộ sách dư ngoài
Ta còn để lại tỉnh say cho người.


Trong Thánh Đức Chơn Kinh (quyển ba, tr. 110), Đức Trương Vĩnh Ký giáng cơ lần thứ hai cũng chỉ nhắc: “Những sách mà Lão đã san [định] dịch [thuật] nào văn chương Hán học, nào văn chương Âu Châu, độ ngoài sáu chục bộ…”


Đức Trương Vĩnh Ký giáng cơ lần thứ hai và xưng danh như sau (Thánh Đức Chơn Kinh (quyển ba, tr. 107-108):


TRƯƠNG máy huyền vi cứu thế tàn
ẨN theo chân đạo độ nhân gian
SĨ tu khuyên khá tầm ra lý
GIÁNG thế Kỳ Ba lịnh Ngọc Hoàng.

Sau khi nói “Chào chư sĩ”, Đức Trương Vĩnh Ký giảng một bài dài, nhan đề “ĐẠO ĐỨC VỚI VĂN CHƯƠNG”; qua đó Ngài nhắc nhiều tới thân thế.


A. Trích thánh giáo:


“Như hồi sanh tiền Lão đã vì theo thân phụ Lãnh Binh tại xứ Nam Vang, chẳng may côi cút còn chút mẹ già, rồi cũng quyết nối chí cha mà theo đường học tập. Từ năm tuổi đã nếm mùi Nho Giáo, đến chín tuổi theo Đức Cha Tám mà học đạo Thiên Chúa, học chữ Âu Châu. Đến hai mươi tuổi đầu đã quán thông hai mươi bảy thứ chữ và tiếng nói. Thế mà càng khảo cứu càng thấy đạo đức cao siêu, càng học đạo càng dốt đạo.” (tr. 109)

Đối chiếu tiểu sử Petrus Ký:

1. “Thân phụ Lãnh Binh tại xứ Nam Vang, chẳng may côi cút còn chút mẹ già” – Cha của Trương Chánh Ký (sau đổi thành Trương Vĩnh Ký) là Trương Chánh Thi, làm quan võ, chức Lãnh Binh. Năm 1844, quan Lãnh Binh nhận lịnh triều Nguyễn hộ tống sứ bộ sang kinh thành Nam Vang (Phnom Penh) rồi ngã bệnh qua đời lúc đang còn ở vương quốc Cao Miên, để lại vợ là Nguyễn Thị Châu và ba con nhỏ dại. Năm ấy Ký tám tuổi, còn một anh và cô em út.

2. “Từ năm tuổi đã nếm mùi Nho Giáo” – Năm 1841, Ký cùng anh (Trương Chánh Sử) bắt đầu học chữ Hán với thầy đồ Học là người cùng xóm.

3. “Đến chín tuổi theo Đức Cha Tám mà học đạo Thiên Chúa, học chữ Âu Châu” – Cố Tám là người được Trương Lãnh Binh che giấu trong lúc triều Nguyễn đang cấm đạo

Thiên Chúa rất gắt gao. Cố Tám khuyên bà Châu cho Ký học chữ quốc ngữ và theo đạo Thiên Chúa. Ký có tên Thánh là Petrus Jean-Baptiste vào năm 1845. Petrus (tiếng La Tinh) là tảng đá; ngày nay tên thánh Petrus Jean-Baptiste chuyển âm sang tiếng Việt là Phêrô Gioan Baotixita.

4. “Đến hai mươi tuổi đầu đã quán thông hai mươi bảy thứ chữ và tiếng nói” – Khi Cố Long từ Pháp sang, Cố Tám gởi Petrus Ký đến học tiếng La Tinh. Mười một tuổi, Petrus Ký theo Cố Hòa (Belleveaux, người Pháp) sang Nam Vang học tại trường đạo Pinhalu. Ở đấy có học sinh người Cao Miên, Lào, Miến Điện, Trung Quốc, v.v… nên Petrus Ký học luôn ngôn ngữ của bạn đồng môn. Mười bốn tuổi, Petrus Ký theo học trường đạo Dulalma trên đảo Penang của Indonesia (nay là Pinang thuộc Malaysia). Trong sáu năm trên đảo Petrus Ký học thêm tiếng Anh, Ấn, Hy Lạp, Mã Lai, Nhật, Tây Ban Nha, Thái, v.v...



B. Trích thánh giáo:


“Nếu đem lý luận văn chương thì trong thập bát chư hầu Á Âu Úc Mỹ, Lão đặng đứng vào một con số vẻ vang cùng thập bát văn hào, mà bao giờ Lão cũng thấy đạo đức là trụ cốt của khoa học. Đó là sự Lão khảo cứu nơi kinh sách Thánh Hiền và đã suy nghiệm mà ra chớ không phải mê tín theo đạo nào mà nói vậy. Bởi thế nên khi ra trường Penang (Nhà Chung đạo Thiên Chúa) rồi thì Lão vẫn muốn lấy đạo đức làm nền lo cho trí thức nhân sanh tấn bộ, chớ không muốn dấn thân vào chỗ quan trường chánh trị làm chi.” (tr. 109)


Đối chiếu tiểu sử Petrus Ký:

1. “Lão đặng đứng vào một con số vẻ vang cùng thập bát văn hào” – Trong Niên Lịch Văn Chương Tinh Việt Kỷ Hợi 1959 (Sài Gòn: Tinh Việt Văn Đoàn, 1959, trang 105),

Phạm Đình Tân có bài “Trương Vĩnh Ký – Người Là Ai?”, cung cấp “thế giới thập bát văn hào di ảnh (1873-1874)” và danh sách mười tám vị như sau:

[1] Allemand (docteur); [2] Banadona d’Ambrun, [3] Bonhomme (Honoré), [4] Cazol (Jules), [5] Chambron (Général de), [6] Chambord (Comte de), [7] Christophie (Albert), [8] Conte (Casimir), [9] Desmaze (Charles), [10] Duprat (Pascal), [11] Dupuy (Charles), [12] Garnier-Pages,

[13] Guizot, [14] Lafayette (Oscar de), [15] Lefèvre-Pontalis (Amédée), [16] Marcou; [17] PETRUS KÝ; [18] Soldonha (Maréchal).


2. “Khi ra trường Penang (Nhà Chung đạo Thiên Chúa)”

– Hai mươi mốt tuổi Petrus Ký về Cái Mơn. Năm này mẹ ông qua đời.

C. Trích thánh giáo:

“Ngặt nỗi cơ Trời đã định, buổi nước nhà biến động, trên vua lo, dưới dân sợ, Lão không lẽ ngồi yên. Còn nghĩ lại mình thì từ nhỏ đã tiêm nhiễm đạo học, chớ chẳng tập võ binh, phần thì Đại Pháp quốc phú binh cường, còn Nam Triều lại dân hèn nước kém, thế lấy chi mà thông giao? Bậc nghĩa sĩ Cần Vương ai chẳng liều mình mặc dầu [= bất kể] sanh tử. Vì vậy mà hoàn cảnh buộc Lão phải tùy theo cơ [tr. 110] tấn thối của đời, ra lo việc binh thơ chuyển hồi phong tục. Nhân lúc nầy là lúc xáo lộn can qua, mà Lão lại thông hiểu cách giao thiệp Á Âu đứng trung gian cho Pháp Nam giao hòa. Ngặt nỗi Đại Pháp quyết lòng thâu phục Việt Nam vì có nhiều nguyên cớ, mà người Nam thì sức yếu tài hèn, vì vậy Lão mới đứng lên phô bày lý tưởng, giảng giáo dân nhà đặng lánh sự can qua, khỏi hao binh tổn tướng.”

Đối chiếu tiểu sử Petrus Ký:

“Lão lại thông hiểu cách giao thiệp Á Âu đứng trung gian cho Pháp Nam giao hòa”

1. Việc cấm đạo Thiên Chúa ở quê nhà trở nên gắt gao, Petrus Ký rời Cái Mơn lên Sài Gòn xin nương náu với Giám Mục Dominique Lefèbre (1844-1864), và được giới thiệu làm thông ngôn cho đại úy Jean Bernard Jauréguiberry (1815-1887) ngày 20-12-1860.


2. Năm 1862, Petrus Ký ra Huế làm thông ngôn giúp Pháp trong hòa ước Nhâm Tuất.


3. Năm 1863, triều Nguyễn cử sứ bộ sang Pháp xin chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ; chánh sứ Phan Thanh Giản(1796-1867) xin cho Petrus Ký đi theo làm thông ngôn.


4. Năm 1869, sứ bộ Tây Ban Nha tới Huế bàn việc ký thương ước với triều Nguyễn. Họ xin Petrus Ký đi theo thông ngôn.


D. Trích thánh giáo:


“Có nhiều kẻ không hiểu rõ lòng thương dân thương nước của Lão mà lại cho Lão là bán nước. Than ôi! Ngày nay nhờ có Đại Đạo hoằng khai, Tam Kỳ cứu thế, chư chúng sanh mới biết chút đại đồng, thì ra cái màu da nước tóc không còn phải phân chia như trước đặng.


Cái mỹ ý nguyên lý đại đồng Lão đã rõ thông từ nhỏ, chẳng những là giao thiệp về đường đời mà ở nơi lý đạo cũng vậy. Tuy bình sanh Lão phải là môn đồ Gia Tô Giáo, mà đạo Phật, đạo Nho, đạo Lão, đạo Hồi Hồi, Lão không khi nào kích bác chê bai. Lão chỉ lo cho các tôn giáo chấn hưng đặng nhân dân nhuần gội. Những sách mà Lão đã san [định] dịch [thuật] nào văn chương Hán học, nào văn chương Âu Châu, độ ngoài sáu chục bộ, mà chỉ triết luận chỗ đạo đức đó thôi. Về chánh trị thì Lão ít quan thiết đến, ý muốn ẩn dật thanh tu, nhưng càng lánh lại càng bắt buộc Lão phải ép lòng lo việc dân việc nước. Lão chỉ xin lãnh phần giáo hóa mà thôi, Lão nghĩ rằng có tài phải lụy vì tài, nên tu.” (tr. 110)

Đối chiếu tiểu sử Petrus Ký:

“Về chánh trị thì Lão ít quan thiết đến (…). Lão chỉ xin lãnh phần giáo hóa mà thôi”


1. Ngày 08-5-1862 trường Thông Ngôn (Collège des Interprètes) thành lập tại Sài Gòn, Petrus Ký vào dạy học.

2. Năm 1866-1868, Petrus Ký dạy tiếng Pháp ở trường Thông Ngôn (Sài Gòn).

3. Năm 1872, Petrus Ký làm đốc học [hiệu trưởng] trường ngôn ngữ phương Đông.

4. Ngày 01-01-1874, Petrus Ký làm giáo sư dạy chữ Việt và chữ Pháp cho người Pháp và người Tây Ban Nha tại trường Hậu Bổ (Collège des Administrateurs stagiaires), sau này ông làm đốc học trường ấy.

5. Năm 1886, Petrus Ký từ quan, rời Huế về Sài Gòn dạy học tại trường Hậu Bổ và trường Thông Ngôn, đồng thời lo soạn sách.


E. Trích thánh giáo:


“Tuổi đã năm mươi xin về hưu mà chẳng đặng. Đến khi chết đặng Chí Tôn xét công mà ban cho là Hậu Sư Chí Thánh. Đời nghĩ ơn mà bia tặng miếu đường. Dầu cuộc đời có kính phục thì Lão chỉ cần khuyên làm đặng như Lão, chớ Lão không có muốn khói hương thờ kỉnh mà bại hoại luân thường, điêu tàn đạo đức. Một khoảng đường ở thế Lão đã đến ghi tên, không phải chỗ khoe danh mà chính là ở nơi làm gương cho hậu tấn. Vậy nên Lão thọ mạng Ngọc Hoàng giáng cơ nhắc sơ lại và khuyên đời nên biết đạo Cao Đài là một mối đạo đại đồng thế giới cứu vớt nhơn sanh kỳ hạ nguơn nầy.” (tr. 110)


Ghi chú:

Đức Khổng Tử được tôn thờ là vị Chí Thánh Tiên Sư.

Đức Trương Vĩnh Ký được Đức Cao Đài Ngọc Đế ban cho phẩm vị Chí Thánh Hậu Sư. Điều này minh chứng trí tuệ uyên bác, công đức tận tụy viết sách dạy người và mở mang dân trí của Petrus Ký khi còn mang phàm thân nhục thể tại thế gian.

Petrus Ký có hiệu là Sĩ Tải. Sĩ là học trò, là người tu, có phẩm hạnh. Tải là chuyên chở, ghi chép, giúp đỡ…

Trong đạo Cao Đài, Sĩ Tải (Archiviste) là một phẩm chức sắc thuộc Hiệp Thiên Đài, đứng trên phẩm Luật Sự (Agent judiciaire), dưới phẩm Truyền Trạng (Greffier).

*

Một đặc điểm độc đáo của đạo Cao Đài là nhờ phương tiện cơ bút, rất nhiều danh nhân nước Việt đã trở lại trần gian tiếp xúc với hậu thế. Các vị hoặc là quan võ, quan văn, nhân sĩ… lúc sống không phải là thầy tu, nhưng trọn đời hết lòng trung thành giúp dân giúp nước, lúc lìa trần trở về trời đều được phong phẩm vị Thần, Thánh, Tiên… tùy theo công nghiệp và đức độ đã gây dựng nơi trần gian. Sau đó, các vị lại được lịnh Thiên Đình trở lại trần gian dạy đạo cho dân Việt qua phương tiện cơ bút Cao Đài. Đây là khía cạnh Thần Đạo của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.


HUỆ KHẢI
29-6-2013






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides