Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

Trung Du ký Sự



“Bạch Ngọc Kinh” Hội Thánh Cao Đài Cầu Kho – Tam Quan.
 Ảnh tài liệu.


Đạt Truyền & Đạt Linh

Miền Trung vừa xa, vừa nhiều đồi núi đường sá cách trở, các thánh sở Cao Đài ở rải rác khắp nơi, rất khó tìm. Chúng tôi chọn lộ trình, chia ra theo năm tuyến: (1) Bình Định; (2) Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi; (3) Huế - Kontum - Gia Lai - Daklak; (4) Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận - Lâm Đồng; (5) Bình Thuận.

Bình Định – Cái nôi của Hội Thánh Cao Đài Trung Ương Trung Việt

Tỉnh Bình Định cách Sài Gòn khoảng 750 cây số, phía bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía nam giáp tỉnh Phú Yên, phía tây giáp tỉnh Gia Lai, phía đông giáp Thái Bình Dưong. Bình Định là một tỉnh duyên hải của miền Trung, có 100 cây số bờ biển với nhiều đảo lớn nhỏ ở ngoài khơi. Thành phố Quy Nhơn là tỉnh lỵ của Bình Định. Nhà ga Diêu Trì tại thôn Diêu Trì thuộc thị trấn Diêu Trì là nơi khách dùng xe lửa ra vào thành phố Quy Nhơn. Là quê hương của anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ – người đã đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược – Bình Định còn là cái nôi của điệu múa trống trận Quang Trung độc đáo và nền võ học Tây Sơn.

Bình Định là đất kiên cường, giàu tín ngưỡng, có nhiều thánh sở thuộc các hội thánh Cao Đài, và cũng là nơi khai sinh Hội Thánh Cao Đài Trung Ương Trung Việt Tam Quan. Danh xưng này đã dùng chính thức trong 40 năm, từ ngày 28-4-2000 đổi thành Cao Đài Cầu Kho Tam Quan. Hội Thánh đặt tại thôn An Thái, thị trấn Tam Quan. Đây là một thị trấn của huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, nằm về phía bắc, sát tỉnh Quảng Ngãi, cách Quy Nhơn 90 cây số.

Với 15.000 tín hữu kể cả đồng nhi, Hội Thánh có 32 thánh sở ở rải rác 8 tỉnh thành, trong đó có thánh thất Tân Định (phường Tân Định, Sài Gòn). Cụ thể gồm: 29 họ đạo, 23 thánh thất, 6 họ đạo chưa có điều kiện xây lại thánh sở, 2 thiên bàn, 1 tu viện.

Riêng tại Bình Định, Hội Thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan có 19 họ đạo, 13 thánh thất, 5 họ đạo chưa có điều kiện xây lại thánh sở, 1 thiên bàn, và 1 tu viện; Hội Thánh Tây Ninh có 10 thánh thất, một Thiên bàn; Hội Thánh Truyền Giáo có 8 thánh thất, 1 họ đạo chưa có điều kiện xây dựng thánh sở, và 1 thiên bàn; Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo có 1 thánh thất. Hội Thánh Chơn Lý có một tiểu tòa thánh.

Chúng tôi ra thăm Bình Định ba lần:

(1) ngày 30-7 năm 2000: nhân dịp lễ khánh thành thánh thất Nhơn Hương (Hội Thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan) ở Tam Quan, Hoài Nhơn.

(2) Đầu tháng 12-2003: trên đường về Nam sau chuyến du hành miền Bắc bằng xe Honda.

(3) ngày 14-9-2004 (01-8 Giáp Thân): nhân dịp lễ an vị Thánh Tượng Hội Thánh Cầu Kho Tam Quan.

Lịch sử thành lập Hội Thánh Cao Đài Trung Ương Trung Việt ghi nhiều dấu ấn sâu sắc với biết bao huyền nhiệm, công sức và hy sinh để gây dựng được như ngày nay.

Vào thời kỳ đầu mở đạo, năm 1927 đã có quý ông Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Phương, người miền Trung ngộ đạo tại thánh thất Cầu Kho ở Sài Gòn. Gặp mối đạo Cao Đài mới mở, do chính Thượng Đế làm giáo chủ, nhớ thương xứ sở miền Trung xa xôi nghèo nàn, tiền bối Nguyễn Hữu Phương đã không quản công trở về quê hương gieo mối đạo đến quý ông Lê Cẩn, Phạm Trinh, Phạm Vĩ, Phạm Đạt, Võ Tức Xương, Đào Hiền, Nguyễn Đoan ở nam Bình Định.

Cùng thời gian ấy, tiền bối Nguyễn Hữu Hào truyền đạo cho quý ông Phan Nghị, Phan Khánh, Trần Châu, Phan Bồi, Nguyễn Đình Đỉnh, Lê Hoài Mẫn, Nguyễn Phụng Hoàng, Trần Đăng Hinh ở bắc Bình Định. Mấy tháng sau, quý ông ở bắc Bình Định tiếp tục gieo mối Đạo đến quý ông Lâm Thành Nghiệp, Lâm Thành Công (ở Quảng Ngãi). Tại Phú Yên lại có quý ông Nguyễn Nhựt Tân, Lê Chơn Nho, Võ Thượng Kính, Võ Khắc Cang nhập môn.

Cả bốn nhóm này tập trung về Tam Quan, mượn chùa Phật của ông Phan Bồi để lập thánh thất, thường gọi là thánh thất Trung Ương. (Sau này ông Phan Bồi hiến cơ sở cho Đạo.)

Có điều đặc biệt là các vị hướng đạo thời ấy đã được Thiêng Liêng bố hóa nhiều ân điển, đi cúng giải bịnh ở đâu cũng linh nghiệm, nên số người nhập môn ngày càng tăng. Để bổn đạo mới nhập môn có thể thiết đàn thượng tượng, thánh thất Cầu Kho ở Sài Gòn gởi về thánh thất Trung Ương 500 Thiên Nhãn (1930), rồi sau đó thêm 20.000 Thiên Nhãn (cuối năm 1936).

Bấy giờ chánh quyền bảo hộ dùng mọi quyền lực và thẳng tay đàn áp bằng mọi cách: bắt bớ, giam cầm, đánh đập đạo hữu mang thương tích; triệt hạ Thánh Tượng, tịch thu kinh sách, phạt vi cảnh, phạt tù, v.v…

Với tấm lòng tin tuyệt đối nơi Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, các tín hữu đồng lòng làm đơn gởi Hội Nhân Quyền Pháp, vận động nghị trường Pháp, đăng báo Pháp xin can thiệp, v.v…

Năm 1938, có 12 vị đứng đầu sáu tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Kontum, Pleiku, Phú Yên, Khánh Hòa gồm quý anh lớn: Phan Nghị, Trần Chương, Trần Duy Dẫn, Trương Nhẫn, Trần Châu, Phạm Lục, Lê Cẩn, Phan Khánh, Phạm Đạt, Nguyễn Phụng Hoàng, Nguyễn Đình Đỉnh và Trần Đăng Hinh đứng đơn xin công khai thánh thất Trung Ương tại Tam Quan.

Ngày 15-02 Mậu Dần (1938), làm lễ hoát khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tại Bình Định, lấy tên là thánh thất Trung Ương do anh lớn Phan Nghị làm Chánh Hội Trưởng. Từ trong Nam, Liên Hòa Tổng Hội do các anh lớn Phan Trường Mạnh, Lê Văn Sanh đã ra dự. Thánh thất Trung Ương sau đó lần lượt công khai hóa 21 thánh thất (tổng cộng 58.000 tín đồ):

Bình Định (10 thánh thất): Thanh Liêm (sau đổi lại Thanh An), Phụng Sơn, Mỹ Nam, Rán Rường, Mỹ Thọ, Long Hòa, Tăng Long, Tuy Phước, Trung Hòa, Hoài Ân, An Lão;

Phú Yên (1 thánh thất): An Nghiệp;

Khánh Hòa (2 thánh thất): Tân Hưng, Liên Thành;

Quảng Ngãi (8 thánh thất): Mễ Sơn, Sông Vệ, Nghĩa Lập, Mỹ Long, Bình Sơn, Phước Thiện, Lý Sơn, Sa Huỳnh.

Đầu năm 1943, chánh quyền bắt giữ một số đông anh lớn trụ cột ở thánh thất Trung Ương và các tỉnh, giam tại nhà lao Quy Nhơn đến tháng 2-1945 mới thả về.

Từ năm 1945, chiến tranh nổ ra, lại thêm một lần thử thách lớn lao, một số lớn đạo hữu bị tù tội và hy sinh tính mạng. Từ khi có quốc thư số 30 QH ngày 07-11-1946 của Chủ Tịch Quốc Hội Tôn Đức Thắng công nhận đạo Cao Đài như các tôn giáo khác tình hình mới lắng dịu. Nhưng do chiến tranh cơ đạo lần lần gián đoạn, nhiều thánh thất bị phá hủy.

Từ năm 1954, sau khi đất nước bị chia đôi, thánh thất Trung Ương cũ bị hoại, các bậc hướng đạo và tất cả nhơn sanh cùng nhau phục khai thánh sở mới, mượn nhà riêng của anh lớn Nguyễn Nghề ở Tam Quan làm thánh thất Trung Ương, với thành phần lãnh đạo như sau:

Hiệp Thiên Đài: (1) Pháp đàn: Nguyễn Đình Đỉnh, Nguyễn Phụng Hoàng; (2) Độc giả: Lê Ngọc Cẩn; (3) Đồng tử: Huỳnh Văn Liêu; (4) Điển ký: Lê Giới, Lê Khoái, Huỳnh Văn Phùng.

Cửu Trùng Đài: Phối Sư Lê Hoài Cẩn, Lê Cẩn, Lê Giới, Nguyễn Thị Nhã.

Tại Sài Gòn: lãnh đạo có anh lớn Nguyễn Văn Phùng, Phan Trường Mạnh, Lê Đại Luân, Lương Văn Bồi.

Khi lập xong thánh thất Trung Ương, đắc lịnh Thiêng Liêng, lập đàn cơ lưu động đầu tiên vào Tân Định thăm hỏi các bậc đạo trưởng tiền bối, đồng thời nhận thánh lịnh Đức Chí Tôn ngày 01-4 Bính Thân (1956) lập Hội Thánh Trung Ương Trung Việt thay cho thánh thất Trung Ương.

Cuối năm 1954 xây dựng được thánh thất Mỹ Thọ, Thanh An rồi phục khai 27 thánh thất nữa, gồm có:

Bình Định (17 thánh thất): Phụng Sơn, Mỹ Quang, Nhơn Hương, Phụng Mỹ, Mỹ Nam, Cự Lễ, Thuận An, Phú Hữu, Tam Quan, Cát An, Trung Hòa, Xuân Thành, Quy Nhơn, Thanh Vân, Cự Sơn Nam, Định Thiện, Tu Viện Minh Chiêu;

Quảng Ngãi (2 thánh thất): Sa Huỳnh, Trung Hiệp;

Kontum (1 thánh thất): Kontum;

Gia Lai (1 thánh thất): Trung Hội;

Phú Yên (1 thánh thất): An Nghiệp;

Khánh Hòa (4 thánh thất): Liên Thành, Vân Thạch, Tân Hiệp, Ba Ngòi;

Lâm Đồng (1 thánh thất): Bồng Lai.

Ngày 15-4-1956 mua một mẫu đất của ông Hoàng Đôn để cất ngôi Hội Thánh Trung Ương Trung Việt theo thánh lệnh của Đức Chí Tôn (không gọi là Tòa Thánh). Ngày 21-9-1956, tỉnh trưởng Bình Định cấp giấy phép xây dựng ngôi Hội Thánh.

Năm 1959 ngôi Hội Thánh tạm hoàn thành do công sức của đồng đạo Nam Trung với nhiều ơn phước hộ trì của Thiêng Liêng.

Từ ngày 12 đến 18-3 Canh Tý (1960) mở đại hội An Thiên khánh thành Hội Thánh và được Ơn Trên ban phong Thiên tước cho chức sắc lưỡng đài Hội Thánh, gồm các anh lớn: Nguyễn Văn Phùng, Phan Trường Mạnh, Lê Đại Luân (làm Đầu Sư ba phái Cửu Trùng Đài); Nguyễn Phụng Hoàng (Bảo Thế); Lê Ngọc Cẩn (Bảo Đạo). Các chức sắc khác cũng được phân công cụ thể.

Xưa kia đất này cây không mọc nổi, người không ở được. Sau ngày An Thiên khánh thành Hội Thánh, nhờ điển lành thiêng liêng, nhiều người về đây cất nhà, làm ăn sung túc, cây cối trong vùng cũng tốt tươi.

Sau đại lễ 09-01 Giáp Thìn (1964), chiến tranh ác liệt, bom đạn dồn dập, sống chết kề bên, nhiều đạo hữu phải lánh nạn cho qua giai đoạn.

Ngày 01-4-1965 được giấy phép lập Văn Phòng Đại Diện Hội Thánh tại 36 Biên Cương (Quy Nhơn) và ngày 25-6-1965 khánh thành.

Trong thời gian này, thành phần lãnh đạo Hội Thánh gồm có:

Cửu Trùng Đài: Đầu Sư (Lương Văn Bồi); Chưởng Quản Cửu Trùng Đài (Chánh Phối Sư Thái Công Thanh); Trưởng Cơ Quan Hành Chánh Đạo (Giáo Sư Ngọc Khâm Thanh); Trưởng Cơ Quan Phước Thiện (Giáo Sư Thượng Chinh Thanh); Quyền Trưởng Cơ Quan Phổ Tế (Giáo Hữu Thượng Thành Thanh); Trưởng Cơ Quan Nữ Phái (Giáo Sư Hương Nhã).

Hiệp Thiên Đài: Bảo Thế (Huệ Diệu); Bảo Đạo (Huệ Minh); Bảo Pháp (Huệ Linh Tâm); Hiến Đạo (Huệ Năng); Hiến Thế (Huệ Thành); Hiến Pháp (Huệ Hạnh); Thiên Đạo Học Đường (Huệ Từ); Truyền trạng (Huệ Hiển); Sĩ Tải (Huệ Trí, Huệ Tịnh, Nguyễn Ngọc Tân).

Trong ba ngày từ 01 đến 03-5-1975, Hội Thánh họp kêu gọi chức sắc toàn đạo khắc phục hậu quả chiến tranh. Cho một số tu sĩ hoàn tục để giúp đỡ gia đình. Những tu sĩ có nguyện vọng cao thì về tu tại Hội Thánh hay thánh thất. Phân công một ban thường trực Lưỡng Đài giải quyết công việc đạo tại Hội Thánh: Trưởng Ban (Phối sư Thái Công Thanh); Phó ban 1 (Thiên Đạo Học Đường Huệ Từ); Phó ban 2 (Giáo Sư Thượng Du Thanh); Tổng Thư Ký (Huệ Trí).

Các chức sắc Lưỡng Đài phân công trực ở Văn Phòng Quy Nhơn, Cam Ranh, Thành phố HCM. Đến năm 1980 chỉ còn Phối Sư Công, Giáo Sư Du, Giáo Hữu Được, Giáo Hữu Sang, Lễ Sanh Nhâm, Lễ Sanh Nhãn, Lễ Sanh Ngôn phân công trực tứ thời.

Ngày 24-5-1985, Giáo Sư Du làm giấy giao Hội Thánh cho Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc huyện Hoài Nhơn. Các chức sắc và bổn đạo chỉ về cúng Ngọ mùng 1 và 15 mỗi tháng.

Trước tình thế như vậy, Giáo Sư Khâm và Hiến Đạo Huệ Năng thay mặt Lưỡng Đài Hội Thánh ký đơn gởi các cấp để xin Hội Thánh lại. Một thời gian sau Lưỡng Đài ủy quyền cho ba vị Huệ Trí, Ngọc Sang, Thượng Châu thay mặt ký đơn và nhận lãnh Hội Thánh.

Ngày 25-8-1994 Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc huyện Hoài Nhơn có cuộc họp tại Hội Thánh bàn việc giao trả Hội Thánh.

Ngày 15-9-1994 Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc huyện Hoài Nhơn chính thức giao Hội Thánh cho Giáo Sư Thượng Du Thanh và Trần Lý Hùng.

Sáng 16-9-1994 Giáo Sư Thượng Du Thanh lập văn bản giao Hội Thánh cho Ban Thường Trực gồm: Trưởng Ban (Sĩ Tải Nguyễn Đình Hiến); Phó Ban (Giáo Hữu Lừng Văn Sáng, hiền hữu Trần Lý Hùng); các thành viên (Trần Ngọc Châu, Lê Thoại, Nguyễn Thị Nhãn, Võ Duy Ga, Trần Khôi, La Văn Soi.)

Sau lễ Vía Đức Chí Tôn 09-01 Ất Hợi chỉ có Giáo Sư Du và hiền hữu Hùng được tạm trú.

Từ năm 1996, Giáo Sư Ngọc Khâm Thanh, Ngọc Định Thanh, Ngọc Sang, Thượng Châu Thanh, Hương Nhãn, Huệ Linh Tâm, Huệ Năng, Huệ Thành, Huệ Trí, Huệ Hiển cùng nhau vạch và thống nhất chương trình phục hưng Hội Thánh.

Ngày 02-4-1999 Ban Tôn Giáo tỉnh Bình Định mời chức sắc về tỉnh để trao đổi việc xin phục hồi Hội Thánh, và giải trình Ban Tôn Giáo Chánh Phủ, Ban Tôn giáo Tỉnh, Công An Tỉnh về lược sử Hội Thánh, chức sắc các giai đoạn, hệ thống tổ chức, sinh hoạt giáo lý.

Ngày 12-6-1999 Ban Tôn Giáo mời họp các chức sắc tại thị trấn Tam Quan nghe chính sách của Đảng về tôn giáo, và thống nhất bầu ra Ban Vận Động như sau:

1. Cố Vấn (Bảo Pháp Huỳnh Văn Liêu); 2. Trưởng Ban (Giáo Sư Phan Khâm); 3. Phó Ban (Hiến Đạo Lê Giới, Hiến Thế Lê Khoái, Tiếp Thế Nguyễn Đình Hiến); 4. Các thành viên (Giáo Hữu Lừng Văn Sang, Giáo Hữu Trần Ngọc Châu, Giáo Hữu Tô Hưng Thịnh, Giáo Sư Lê Thị Nghiêu, Lễ Sanh Lâm Thị Ngọc Trang, Lễ Sanh Võ Cự và Truyền Trạng Nguyễn Ngọc Tân).

Trong hệ thống đạo Đại Hội được 23 thánh thất (Tân Định, Liên Bồng, Ba Ngòi, Tân Hiệp, Liên Thành, Vân Thạch, v.v..); 5 Họ Đạo không có thánh sở (Phụng Sơn, Mỹ Nam, Cự Lễ, Thuận An, Phú Hữu), và thánh thất Gia Lai chỉ dự kiến đại biểu.

Ngày 20-2-2000 ông Nguyễn Chính là Phó Ban Tôn Giáo Chính Phủ đề nghị Hội Thánh đổi danh từ Trung Ương để thuận lợi cho việc thống nhứt chi phái, thay vào đó ghi “Chi Phái Cầu Kho”, nội dung nhân sự trung ương và các tỉnh đã thống nhất và ngày đại hội chính phủ cũng đã quyết định.

Ngày 02-3-2000, tại giảng đường Hội Thánh Trung Ương Trung Việt khai mạc đại hội trù bị gồm 29 thánh thất Hội Thánh, 2 thánh thất Nghĩa Trung Hưng và Sông Vệ, với 32 chức sắc Hội Thánh, 201 đại biểu các họ đạo. Báo cáo các văn kiện: Hiến chương, chương trình hành đạo, luật cầu thăng, cầu phong, và nhân sự Hội Đồng Chưởng Quản Lưỡng Đài.

Ngày 03-3-2000, Đại Hội chính thức khai mạc có đại biểu Ban Tôn Giáo Chính Phủ, UBND, UBMTTQ, và Ban Tôn Giáo tỉnh Bình Định và các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Kontum, Gia Lai, Phú Yên, Quảng Ngãi tham dự. Kết quả biểu quyết 100% tán thành các văn kiện và nhân sự Hội Đồng Chưởng Quản Hội Thánh.

Công văn số 199/2000 QĐTGCP ngày 28-4-2000, Ban Tôn Giáo Chánh Phủ công nhận tổ chức giáo hội, công nhận chính thức Hội Đồng Chưởng Quản Lưỡng Đài Hội Thánh gồm có: 1. Bảo Pháp Huỳnh văn Liêu; 2. Hiến Đạo Lê Giới; 3. Giáo Sư Phan Khâm; 4. Hiến Thế Lê Khoái; 5. Tiếp Pháp Phan Thành Đức; 6. Tiếp Thế Nguyễn Đình Hiến; 7. Giáo Sư Lê Thị Nghiêu; 8. Giáo Hữu Tô Hưng Định; 9. Giáo Hữu Lừng Văn Sang; 10. Giáo Hữu Trần Ngọc Châu; 11. Truyền Trạng Nguyễn Ngọc Tân; 12. Lễ Sanh Lâm Thị Ngọc Trang; 13. Lễ Sanh Võ Cư.

Thường Trực Hội Đồng Chưởng Quản Hội Thánh gồm có: 1. Chưởng Quản (Bảo Pháp Huỳnh Văn Liêu); 2. Phó Chưởng Quản (Hiến Đạo Lê Giới, Giáo Sư Phan Khâm); 3. Thư Ký (Tiếp Thế Nguyễn Đình Hiến).

Các thánh sở của bốn hội thánh tại Bình Định hiện nay

1. Hội Thánh Cao Đài Cầu Kho – Tam Quan (20 thánh sở):

Lá phướn tại Hội Thánh Cầu Kho
– Tam Quan. Ảnh tài liệu


(1) Thánh thất Xuân Thành, thôn Dương Xuân, xã Nhơn Hạnh, huyện An Nhơn, do Thượng Giáo Hữu Đỗ Chí Linh làm đầu họ đạo, khoảng 1.040 tín hữu.

(2) Thánh thất Thanh An, thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, do Thượng Lễ Sanh Nguyễn Tấn Bo làm đầu họ đạo, khoảng 800 tín hữu.

(3) Thánh thất Phụng Mỹ, thôn An Dưỡng, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, do Thượng Giáo Hữu Trần Ngọc Châu làm đầu họ đạo, khoảng 1.040 tín hữu.

(4) Thánh thất Tam Quan, thôn Tân Thành, xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, do Lễ Sanh Thượng Đảm Thanh làm đầu họ đạo, khoảng 160 tín hữu.

(5) Thánh thất Nhơn Hương, thôn Nhuận An, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, do Thượng Lễ sanh Nguyễn hữu Hương làm đầu họ đạo, khoảng 170 tín hữu.

(6) Thánh thất Mỹ Quang, thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, do Thái Lễ Sanh Nguyễn Thừa làm đầu họ đạo, khoảng 1.560 tín hữu.

(7) Thánh Thất Mỹ Thọ, thôn Định Công, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, do Lễ Sanh Thượng Bảy Thanh làm đầu họ đạo, khoảng 990 tín hữu.

(8) Thánh thất Cát An, thôn Lộc Khánh, xã Cát Hồng, huyện Phù Cát, do Ngọc Lễ Sanh Đỗ Thanh Tuyến làm đầu họ đạo, khoảng 1.480 tín hữu.

Văn Phòng Tỉnh Đạo Quy Nhơn.
Ảnh Đạt Truyền & Đạt Linh


(9) Văn Phòng Tỉnh Đạo Quy Nhơn (36 Biên Cương, phường Ngô Mây, Quy Nhơn), do Lễ Sanh Ngọc Minh Thanh làm đầu họ đạo, khoảng 690 tín hữu.

(10) Thánh thất Cự Sơn Nam, tổ 4, khu vực 2, phường Bùi Thị Xuân, Quy Nhơn do Thái Lễ Sanh Võ Khương làm đầu họ đạo, khoảng 250 tín hữu.

(11) Thánh thất Thanh Vân, phường Trần Quang Diệu, Quy Nhơn, do Thái Lễ Sanh Mai Liễu làm đầu họ đạo, khoảng 590 tín hữu.

Thiên Bàn Nhơn Lý.
Ảnh Đạt Truyền & Đạt Linh


(12) Thiên Bàn Nhơn Lý, thôn Xương Lý, xã Nhơn Lý, Quy Nhơn, do Ngọc Lễ Sanh Nguyễn Khánh làm đầu, khoảng 270 tín hữu.

(13) Tu Viện Minh Chiêu, thôn Canh Vinh, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, do Giáo Sư Phan Khâm làm đầu, 28 tín hữu.

Tu Viện Minh Chiêu.
Ảnh Đạt Truyền & Đạt Linh

(14) Thánh thất Định Thiện, thôn Định Thiện Tây, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước do Ngọc Giáo Hữu Phạm Thi làm đầu họ đạo, khoảng 610 tín hữu.

(15) Thánh thất Trung Hòa, thôn Tân Điền, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, do Thái Giáo Sư Nguyễn Đình Khương làm đầu họ đạo, khoảng 1.530 tín hữu.

(16) Thánh thất Phú Hữu (đã hoại), xã Ân Bửu, huyện Hoài Ân, do Lễ Sanh Thái Thanh Thanh làm đầu họ đạo, khoảng 100 tín hữu.

(17) Thánh thất Thuận An (đã hoại), xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, do Thượng Lễ Sanh Nguyễn Xuân Viên làm đầu họ đạo, khoảng 90 tín hữu.

(18) Thánh thất Phụng Sơn (đã hoại), xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, do Lễ Sanh Thượng Thôn Thanh làm đầu họ đạo, khoảng 140 tín hữu.

(19) Thánh thất Cự Lễ (đã hoại), xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, do Thượng Lễ Sanh Trương Như làm đầu họ đạo, khoảng 240 tín hữu.

(20) Thánh thất Mỹ Nam (đã hoại), xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, do Lễ Sanh Thượng Phiên Thanh làm đầu họ đạo, khoảng 190 tín hữu.

2. Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh (9 thánh sở):

(1) Thánh thất An Nhơn, thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn.

(2) Thánh thất Bắc Hoài Nhơn và Điện Thờ Phật Mẫu, thôn An Thái, xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn.

(3) Thánh thất An Dưỡng (tên cũ là Nam Hoài Nhơn), thôn An Dưỡng, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn.

(4) Thánh thất Phù Cát, 71 Quang Trung, Quốc lộ 1, thị trấn Ngô Mây, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát.

(5) Thánh thất Vĩnh Bình (tên cũ là Phù Mỹ), thôn Vĩnh Bình, xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ.

(6) Thánh thất Quy Nhơn (tên cũ là Văn Phòng Khâm Châu Đạo), số 1039A Trần Hưng Đạo, phường Đống Đa, Quy Nhơn.

(7) Thánh thất Long Vân, khối Long Vân, phường Trần quang Diệu, Quy Nhơn.

(8) Tiểu thánh thất Hương Đạo Phú Tài, khu vực 7, phường Bùi Thị Xuân, Quy Nhơn.

(9) Thánh thất Tuy Phước, thôn Vĩnh Hy, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước.

3. Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài (10 thánh sở):

(1) Thánh thất Châu Long Đài, thôn Tăng Long xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn.

(2) Thánh xá Ngọc An (thuộc Châu Long Đài), thôn Ngọc An, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn.

(3) Thánh tịnh Kim Quang Minh Đài, thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát. (4) Thánh tịnh Ngọc Linh Đài (nguyên của Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên, thuộc Hội Thánh Truyền Gíáo từ 1990), thôn Vĩnh Phú, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ. (5) Thánh thất Trung Hội, thôn Mỹ Hội, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ. (6) Văn Phòng Tỉnh Đạo Bình Định, số 55 Hàm Nghi, phường Ngô Mây, Tp. Qui Nhơn. (7) Thánh thất Trung Bình, thôn An Chánh, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn. (8) Thánh thất Trung Tâm, thôn Cảnh An 2, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước. (9) Thánh thất Trung Hảo (đã hoại), xã Ân Hảo, huyện Hoài Ân. (10) Thiên bàn Phước Thạnh, (thuộc thánh thất Trung Tâm), tổ 6, khu vực 2, phường Bùi Thị Xuân, Quốc lộ 1, Quy Nhơn.

3. Hội Thánh Minh Chơn Lý có tiểu Tòa Thánh An Thái, thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn thay mặt Tòa Thánh lãnh đạo 11 thánh thất miền Trung.

4. Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo có một thánh thất Tuần Lễ (tên cũ là Phước Hiệp), đội 5, thôn Tuần Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước.

Lễ an vị Hội Thánh Cầu Kho Tam Quan (không gọi là Tòa Thánh)

Trước khi tam đài Hội Thánh mới được làm lễ trí thạch tái thiết, chúng tôi thấy khắp trên tường còn nhiều vết tích bom đạn do chiến tranh, nhiều nơi xuống cấp nặng.

Chí thành tin tưởng nơi Đức Chí Tôn, trải qua gần 80 năm liên tục kiên trì bảo vệ Đạo Trời, người tín hữu Cao Đài Cầu Kho Tam Quan quyết tâm dũng mãnh xây dựng lại hình thể Hội Thánh kiên cố, đẹp đẽ, trang nghiêm tượng trưng Bạch Ngọc Kinh tại thế.

Được giấy phép xây dựng từ một năm trước, ngày 09-9 Quý Mùi (2003) làm lễ trí thạch. Ngày 02-02 Giáp Thân (2004) làm lễ khởi công đặt viên đá đầu tiên. Ngày 01-8 Giáp Thân (14-9-2004) làm lễ an thánh vị một cách trang trọng với gần 50 đoàn đại biểu, ngoài 32 đoàn của các họ đạo còn có đại diện các Hội Thánh Tiên Thiên, Bạch Y, Cao Thượng Bửu Tòa. Đặc biệt có đoàn Mạnh Thường Quân gồm bảy vị ủng hộ việc xây cất, mặc đồng phục với áo gilet trắng. Số người tham dự khoảng 700 vị.


Hội Thánh Cầu Kho – Tam Quan. Ảnh tài liệu

Hội Thánh Tam Đài dài 33,3m, ngang 15,3m, cao 19,63m, đúc bê tông cốt thép kiên cố từ móng lên đến mái che, chỉ còn một phần ngắn nóc Hiệp Thiên Đài là xong phần hình thức cơ bản. Công trình hoàn thành khoảng 50% với một tỷ đồng chi phí sau bảy tháng thi công.

Trong phần xây dựng Hội Thánh, phần khó khăn nhứt và linh thiêng nhứt là quả càn khôn thờ Thánh Tượng Thiên Nhãn. Người lãnh trách nhiệm thiết kế và chỉ đạo là đạo huynh Thiện Ngôn, lương y, Trưởng Pháp Đàn Liên Hoa Cửu Cung (Thiên Đạo Học Đường). Người thực hiện là đạo đệ Mai Xuân Tá, xuất thân từ trường Mỹ Thuật Thành phố HCM. Lễ trấn thần định vị quả càn khôn được tổ chức khi đặt sáu cột móng.

Quả càn khôn thờ Thầy đã hoàn chỉnh, đúc bằng bê tông cốt thép dày 7cm, đường kính 3,33m, nặng khoảng 8 tấn, có sáu cột móng cao gần 5m, phần trên chạm hình sáu rồng đỡ quả càn khôn. Trên quả càn khôn đắp nổi Thánh Tượng Thiên Nhãn, 3.072 ngôi sao. Mặt trăng và một số ngôi sao đươc lồng kính, và vẽ hình. Một bóng đèn được gắn ở tâm quả càn khôn phát ra ánh sáng làm hình ảnh trăng sao vô cùng linh động. Các màu sắc được sơn tỷ mỷ và hài hòa trên quả càn khôn làm nổi bật phần Bát Quái Đài. (Chi phí thực hiện Quả Càn Khôn khoảng 50 triệu đồng.)

Lễ trấn thần quả càn khôn vào giờ Tý ngày 01-8 Giáp Thân do bộ phận Hiệp Thiên Đài hành lễ, trước khi cúng đại lễ an thánh vị.

Giống như Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, đạo phục đại lễ tại Hội Thánh toàn màu trắng, mặc dù các phẩm chức sắc có phân theo ba phái Nho, Thích, Lão.

Đúng 9 giờ sáng, Bảo Pháp Huỳnh Văn Liêu (Chưởng Quản) tuyên bố khai mạc. Giáo Sư Phan Khâm (Phó Chưởng Quản) đọc diễn văn chào mừng quan khách. Tiếp Thế Nguyễn Đình Hiến đọc diễn văn báo cáo công việc xây dựng Hội Thánh. Có ba bài phát biểu của đại diện Hội Thánh Tiên Thiên, Hội Thánh Bạch Y và Liên Hoa Cửu Cung (Thiên Đạo Học Đường), và hai bài của chánh quyền địa phương. Hiến Thế Lê Khoái tiếp thu ý kiến và cảm tạ quan khách. Buổi lễ kết thúc với tiệc chay thân mật vào lúc 11.30 giờ cùng ngày.

25-10-2004
Đạt Truyền & Đạt Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides