Thánh thất Phúc Đức.
Ảnh Đạt Truyền & Đạt Linh
23 giờ ngày 27-8-2003, chuyến xe lửa S2 khởi hành tại ga Hòa Hưng, Sài Gòn. Sau gần hai đêm và một ngày (31 giờ), 5 giờ ngày 29-8-2003, chúng tôi đến ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Việc đầu tiên là đến kho nhà ga nhận lại chiếc Honda Future để có phương tiện chạy thăm các thánh sở Cao Đài và di tích lịch sử qua suốt 18 tỉnh thành từ Hà Nội lên Phú Thọ, xuống Quảng Ninh và về Bình Định.
1. Ngày đầu tiên.
Chúng tôi thăm Văn Miếu [1]. Lúc 9 giờ chúng tôi về đến thánh thất Thủ Đô Hà Nội nghe đạo tỷ Đầu Họ Đạo Hương Bình kể một mạch từ 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều về lịch sử thánh thất này cùng với các nhân vật chánh là Anh Lớn Cao Triều Phát, Anh Lớn Tô Văn Pho.
Lần lượt đạo tỷ kể đến các thánh thất Phúc Đức, Đặng Giang, Thiên Bàn Phú Duy, Tây Tựu ở Hà Tây, thánh thất Hải Phòng, các thánh thất Cẩm Phả, Ban Trị Sự thánh thất Hoành Bồ, thánh thất Quảng Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh, cơ sở Đạo ở Thanh Hóa, cơ sở Đạo ở Nghệ An, v.v…
Cơ sở Đạo ở Nghệ An.
Ảnh Đạt Truyền & Đạt Linh
Thánh thất Thủ Đô Hà Nội thuộc Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo, từ năm 1939 đến 1948 đã qua sáu lần dời chỗ: số 12 ngõ Mai Hương, phố Bạch Mai; số 61 phố Mã Mây; số 25 phố Hàn Thuyên; số 34 phố Dumoutier; số 96-98 phố Duvigneau; và sau cùng về số 48 phố Hòa Mã, là một biệt thự cũ và nhỏ, do Giáo Sư Phùng Văn Thới thuê của Hội Ái Hữu Bưu Điện Hà Nội năm 1945.
Thánh thất ở Hòa Mã trong suốt thời gian từ 1949 đến 1998 được Thượng Đầu Sư Tô Văn Pho làm sáng danh Cao Đài, trong trách nhiệm lãnh đạo thánh thất và đại diện Cao Đài ở miền Bắc. Thánh thất vừa được xây kiên cố năm 2000 đủ tam đài và thiên phong đường, do công sức to tát của Phối Sư Hương Bình. Thánh thất mới có tiện nghi khá hiện đại, phòng nghỉ riêng cho khách nam và nữ lưu trú.
Đặc biệt thánh thất có tinh thần hòa hợp không phân chia chi phái, đúng như tinh thần thống nhất chi phái do Anh Lớn Cao Triều Phát đề ra từ năm 1955. Mặc dù thánh thất Thủ Đô Hà Nội thuộc Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo, nhưng trên bảng tên thánh thất không ghi dòng chữ “dưới quyền ủng hộ của Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương” như luôn thấy trong miền Nam. Thánh thất có mối quan hệ rất tốt đẹp và rộng rãi với tất cả các hội thánh, các thánh sở đơn lập ở ba miền Nam, Trung, Bắc.
Trải qua gần 50 năm, những thánh sở của Hội Thánh Tây Ninh ở miền Bắc chỉ còn một khối tinh thần duy nhất là Cao Đài. Các ngày đại lễ vía Đức Chí Tôn, Đức Diêu Trì Kim Mẫu, tín đồ các thánh thất thuộc Tây Ninh như Phúc Đức, Đặng Giang, cũng như hai thánh sở của Hội Thánh Truyền Giáo ở Thanh Hóa và Nghệ An đều về thánh thất Thủ Đô dự lễ. Hằng tháng vào các ngày sóc vọng cũng có các đạo hữu nơi khác về cúng. Hiện tại thánh thất Thủ Đô có hơn 300 đạo hữu.
Thánh thất Thủ Đô Hà Nội.
Ảnh Đạt Truyền & Đạt Linh
Tại Hà Nội còn có Thiên Bàn Tây Tựu ở xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, được lập trong gian nhà do đạo hữu Chu Trần Nhân và Chu Trần Thân hiến. Số đạo hữu hiện còn khoảng 15 vị đều lớn tuổi. Tại Tây Tựu trước năm 1952 đã có thánh thất và đã bị hoại năm 1954.
Xế chiều chúng tôi thăm Đền Gióng ở thôn Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội [2].
2. Ngày thứ hai.
Chúng tôi đi về hướng nam Hà Nội, chạy từ Đống Đa qua Ngọc Hồi, Hà Hồi, đến chùa Đậu ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây để viếng nhục thân (tọa thiền) của hai thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Đây là loại tượng táng cách nay khoảng 365 năm (1639). Sau đó chúng tôi thẳng đến dòng suối Yên Vĩ viếng chùa Hương trong khu di tích danh thắng Hương Sơn, thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội 70km.
3. Ngày thứ ba.
Từ Hà Nội chúng tôi đi vể hướng tây, qua Hà Đông đến thánh thất Phúc Đức, thánh thất Đặng Giang và Thiên Bàn Phú Duy thuộc tỉnh Hà Tây. Chúng tôi ghé vào viếng chùa Thầy, thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây [3].
Thánh thất Phúc Đức cách Hà Nội khoảng 75km, hiện nay thuộc thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, do Giáo Hữu Đầu Tộc Đạo Tạ Văn Hậu sanh năm 1931 xây dựng lại từ năm 1998, có đủ tam đài, tam ban đồng nhi lễ nhạc, với sự giúp đỡ to lớn về vật chất và tinh thần của Họ Đạo thánh thất Thủ Đô Hà Nội. Số đạo hữu hiện có khoảng 400 người. Ông Hậu nhập môn Cao Đài năm 1953 tại thánh thất Thăng Long (nay không còn) rồi đi lính, sau một thời gian, ông bị phỏng xăng phải nằm viện dài ngày và giải ngũ năm 1955 ở Quảng Ngãi. Nhờ Giáo Sư Kỉnh giúp đỡ ông Hậu vào tu tại thánh thất Đức Phổ ở Quãng Ngải chín năm. Sau đó ông được lệnh chuyển về Tòa Thánh làm việc tại văn phòng Lại Viện. Năm 1965 ông được bổ làm Đầu Tộc Đạo tại Diên Khánh ba năm, rồi được bổ làm Đầu Tộc Đạo Cao Lãnh năm năm. Trong thời gian này ông có công cất thánh thất Cao Lãnh và được thăng Ngọc Giáo Hữu. Hết hạn, ông được cử giữ chức Khâm Châu Đạo Cà Mau hai năm. Sau ngày 30-4-1975, Giáo Hữu Hậu về Tòa Thánh Tây Ninh.
Vào tháng 5-1975, con ông Hậu là Tạ Đức Trân sanh năm 1953, đi nghĩa vụ tại Nha Trang. Từ đây ông Trân gọi điện thoại về Tòa Thánh Tây Ninh bắt được liên lạc với cha. Mãi đến năm 1982, ông Trân mới đưa Giáo Hữu Ngọc Hậu Thanh về quê hương ở Phúc Đức để xây dựng thánh thất Phúc Đức hiện nay. Trước năm 1952 tại Phúc Đức đã có thánh thất Cao Đài thuộc Tây Ninh nhưng đã hư hoại.
Thánh thất Đặng Giang.
Ảnh Đạt Truyền & Đạt Linh
Thánh thất Đặng Giang cách Hà Nội khoảng 55km, ở thôn Nam Hòa, xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây, do ông Nguyễn Đình Hoán 67 tuổi làm đầu họ đạo. Thánh thất nguyên là một cái nhà do cha ông Hoán là Nguyễn Đình Hỷ hiến làm thánh thất. Họ đạo có từ năm 1943, năm 1947 có 130 tín đồ; năm 1951 có gần 500 người; đến nay còn 175 người, kể cả Thiên Bàn Phú Duy. Thánh thất đang xin giấy phép xây dựng mới.
Thiên Bàn Phú Duy.
Ảnh Đạt Truyền & Đạt Linh
Thiên Bàn Phú Duy cách Hà Nội khoảng 60km, thuộc thôn Phú Duy, xã An Tiến, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, do ông Phạm Văn Tuyên làm thủ trang. Đây là một thôn rất lâu đời, nhà liền nhà với những bức tường dày cũ kỹ phân cách và bao bọc cả thôn. Số tín hữu Cao Đài ngày càng phát triển nên lập Thiên Bàn riêng để đỡ phần đi xa mỗi khi cúng sóc vọng ở Đặng Giang.
Tỉnh Hà Tây là một trong những tỉnh ở miền Bắc có nhiều danh lam thắng cảnh nhất, và cũng là tỉnh có nhiều tín hữu Cao Đài nhất.
4. Ngày thứ tư.
Chúng tôi đi về hướng bắc thăm đền thờ Hai Bà Trưng [4], và đền Hùng [5]. Bà Trưng giáng cơ trong đạo Cao Đài với quả vị Thánh Nương.
5. Ngày thứ năm.
Chúng tôi về thăm di tích tỉnh Bắc Ninh, đền Đô [6], khu lăng mộ nhà Lý [7], chùa Thiên Tâm nơi thiền sư Vạn Hạnh trụ trì [8].
Rời Bắc Ninh chúng tôi qua tỉnh Hải Dương vào buổi chiều, viếng khu di tích danh thắng Côn Sơn [9], và đền Kiếp Bạc [10] thờ Đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn [11]. Đức Trần Hưng Đạo thường về đàn dạy đạo tại Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài với cương vị là Tổng Lý, Thượng Chánh Phối Sư vô vi tại Trung Hưng Bửu Tòa.
Rời Hải Dương vào buổi chiều, chúng tôi qua Quảng Ninh thăm di tích An Sinh, thuộc xã An Sinh, huyện Đông Triều. tỉnh Quảng Ninh, thăm đền thờ và lăng mộ của các vua Trần (1225-1400) [12].
6. Ngày thứ sáu.
Sau khi nghỉ đêm tại Cẩm Phả, chúng tôi đi thăm động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hòn Gà Chọi… ở vịnh Hạ Long.
Tỉnh Quảng Ninh có ba thánh sở Cao Đài là thánh thất Cẩm Phả, thánh thất Hoành Bồ và Thiên Bàn Quảng Yên.
Thánh thất Cẩm Phả (phường Cẩm Tây, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) khi thành lập trực thuộc Hội Thánh Tây Ninh. Hiện nay Nhà Nước còn đang quản lý và chưa trả lại cho tín hữu Cao Đài tiếp tục hành đạo vì có khoảng 30 người muốn trở về Hội Thánh Tây Ninh, một số đông khoảng 150 người muốn theo thánh thất Thủ Đô Hà Nội.
Thiên Bàn Quảng Yên đặt tại nhà cô Thưởi ở thôn 1, xã Yên Giang, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, có 20 tín hữu. Cô Thưởi đã làm thủ tục hiến Hội Thánh Tây Ninh trọn ngôi nhà để làm thánh thất.
Thánh thất Hoành Bồ có Ban Trị Sự ở khu 2 trường lái xe Mỏ, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, có 60 tín hữu (trong số này có 55 người theo Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo).
7. Ngày thứ bảy.
Rời tỉnh Quảng Ninh chúng tôi qua thành phố Hải Phòng thăm thánh thất Hải Phòng, khu di tích lịch sử Đức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (năm 1926 Đức Trạng Trình, tức Thanh Sơn Đạo Sĩ, thường giáng cơ ở Hội Thánh Ngoại Giáo tại Kim Biên, tức Nam Vang) [13].
Thánh thất Hải Phòng.
Ảnh Đạt Truyền & Đạt Linh >
Thánh thất Hải Phòng thuộc Hội Thánh Tây Ninh, tại số 9/28 ngõ Chu Văn An, đường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, có 130 tín hữu. Từ sau năm 1954 đến nay vẫn giữ nguyên hiện trạng. Nhà Nước mượn phần trước thánh thất làm nơi xử án trong nhiều năm liền và mới hoàn trả cách nay khoảng ba bốn năm.
Đi về hướng nam, xuyên qua tỉnh Thái Bình đến tỉnh Nam Định, chúng tôi thăm khu di tích Phủ Giầy thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, nơi thờ Bà Chúa Liễu Hạnh (Đức Vân Hương Thánh Mẫu) [14].
8. Ngày thứ tám.
Tiếp tục đi về phương nam, tiếp giáp Nam Định là Ninh Bình, chúng tôi thăm cố đô Hoa Lư [15].
Liền tiếp theo Ninh Bình về hướng nam là tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi vào thăm cơ sở Đạo Thanh Hóa (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài) do ông Nguyễn Hữu Văn làm Đầu Họ (đã mất), ở làng Đại Bái, xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Hữu Văn trải ba năm liên tiếp, đi bộ rày đây mai đó, hướng về phương nam tìm thỉnh Thánh Tượng Thiên Nhãn như ông đã nhìn thấy trong mộng. Để kiếm sống dọc đường, ông gánh đồ nghề, làm thợ vá nồi xoong chảo lủng, bể.
Sau ba năm, một hôm gặp khách hàng đang lúc xem ông vá nồi xoong thì lại xin phép trở vào nhà cúng Thầy vì tới giờ ngọ. Theo chân khách, ông Văn nhìn thấy Thiên Nhãn giống như trong mộng. Biết bao cảm xúc dâng trào khi kỳ vọng ước mong bấy lâu đã hiện thực. Ông Văn được hướng dẫn làm lễ nhập môn tại thánh thất Trung Kiên (Hội Thánh Truyền Giáo), xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam vào năm 1994. Hiện Lễ Sanh Văn đã mất nhưng bà Nguyễn Hữu Văn vẫn một lòng tín ngưỡng và hiến ngôi nhà làm cơ sở đạo, có 100 tín hữu.
Đi về hướng nam, tiếp giáp Thanh Hóa là tỉnh Nghệ An. Chúng tôi vào thăm cơ sở Đạo Nghệ An (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài) do ông Nguyễn Quang Trung và vợ là bà Lê Thị Lâm ở xóm Ngũ Phúc, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, có 70 tín hữu.
Bà Lê Thị Lâm
Ảnh Đạt Truyền & Đạt Linh
Ông Trung là một thương binh, trước kia là biệt động thành, vợ ông là cán bộ trường Đào Tạo Cán Bộ Y Tế Vinh, quê ở Bình Định. Nguyên do từ lâu xa cách quê hương, và trong lòng thấy khao khát bởi thiếu vắng một đức tin nơi Thượng Đế, bà Lâm tìm về quê, đến Quy Nhơn, và đã xúc động khi nhìn thấy Thiên Nhãn thờ nơi nhà người thân. Năm 1990 bà Lâm quyết tâm xin nhập môn tại thánh thất Quy Nhơn ở Bình Định do Ngọc Giáo Hữu Huỳnh Quang Bình làm lễ. Bà Lâm cùng chồng mang mối đạo Cao Đài về Vinh, tỉnh Nghệ An.
Năm mươi năm qua, sau hai cuộc chiến, số người theo đạo Cao Đài ở miền Bắc đã giảm sút nhiều, số tín hữu trẻ rất hiếm, bổn đạo hiện nay phần đông đều cao tuổi, nhưng nhu cầu tâm linh thì bao giờ cũng có. Hình tướng bên ngoài của Tòa Thánh Tây Ninh vẫn được nhiều thánh sở Cao Đài nguyên trước của Tây Ninh duy trì. Các kinh sách, giáo lý Cao Đài rất hiếm ở miền Bắc và đây là một trong những nguyên nhân lớn làm cơ Đạo kém phát triển.
Sau nửa thế kỷ đạo Cao Đài chưa có cơ hội hoằng dương trên quê hương đất Bắc, những người tâm đạo rất khát khao có được đức tin nơi Thượng Đế tối cao. Môi trường đức tin ở miền Bắc thật sự rất trong sáng, nên rất dễ phát triển Đạo khi có cơ hội.
Chú thích
[1] Văn Miếu được vua Lý Thánh Tông cất vào mùa thu năm 1070, bốn mùa cúng tế và cho hoàng thái tử đến học. Năm 1076 vua Lý Nhân Tông lập Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu cho con em quý tộc và học sinh giỏi trong nước đến học. Trên bia tiến sĩ thứ nhứt, hàng thứ năm, chúng tôi thấy phương danh của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
[2] Đền thờ Thánh Gióng được vua Lý Thái Tổ lập từ khi dời đô ra Thăng Long (1010). Tượng Thánh Gióng khá lớn đặt ở giữa, hai bên là các quan hầu. Không có mộ Thánh Gióng vì theo truyền thuyết, sau khi thắng giặc Ân, Ngài cỡi ngựa sắt bay lên trời ở Sóc Sơn. Ngày nay còn địa danh Sóc Sơn tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
[3] Chùa Thầy được xây trên suờn núi Phật Tích, thờ Pháp Sư Từ Đạo Hạnh với ba kiếp sống. Trước mặt chùa là dãy núi Long Đầu, có hồ nước Long Trì, giữa hồ có nhà Thủy Đình, là cái nôi của nền văn hóa rối nước. Dưới núi Phật Tích có một động lớn chứa đến hơn 4.000 người gọi là động Thần Quang. Đi lần vào động, có rất nhiều hình ảnh các con vật, hình nguời làm gợi trí tưởng tượng đến cảnh thần tiên kỳ thú. Nhiều hang động nhỏ đẹp, đặc biệt có hang Cắc Cớ và hang Trời mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã tức cảnh thành thơ nổi tiếng. Phía tận cùng của động rất sâu và tối là một tấm bia ghi tên 3.000 nghĩa sĩ cạnh hồ chứa 3.000 hài cốt nghĩa sĩ của tướng Lữ Gia cách nay hơn 1.000 năm đã tử thủ khi bị quân Hán phương Bắc bao vây.
[4] Đền thờ Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, cách Hà Nội khoảng 30km. Tại đền thờ Hai Bà Trưng, hàng năm Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm Hai Bà và ngày Quốc Tế Phụ Nữ vào ngày 8-3. Hiện không biết mộ Hai Bà ở đâu. Theo sử, Hai Bà trầm mình ở sông Hát, mà sông Hát thuộc tỉnh Hà Tây đã bị bồi lấp không còn dấu tích.
[5] Đền Hùng: Theo huyền sử, sau khi Thánh Gióng thắng Giặc Ân bay lên trời, vua Hùng Vương thứ sáu vắt áo lên cành cây kim giao và hóa đá ở đó. Đền Hùng cách Hà Nội khoảng 94km về phía Tây Bắc, thuộc xã Phong Châu, thành phố Việt Trì. Đền Hùng nằm trên đồi cao có ba đền Hạ, Trung và Thượng. Cạnh đền Thượng là tháp vua Hùng thứ sáu.
[6] Đền Đô ở làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh, cách Hà Nội 30km về phía bắc, thờ Lý Bát Đế (tám vị vua đời Lý) gồm: Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn, 974-1028, làm vua 19 năm); Thái Tông (1000-1054, làm vua 26 năm); Thánh Tông (1023-1072, làm vua 18 năm); Nhân Tông (1066-1128, làm vua 56 năm); Thần Tông (1116-1138, làm vua 10 năm); Anh Tông (1136-1175, làm vua 37 năm); Cao Tông (1173-1210, làm vua 35 năm); Huệ Tông làm vua 14 năm.
Lý Công Uẩn sinh ngày 8-3, là vị vua đầu tiên triều Lý, thuở nhỏ được thiền sư Lý Khánh Vân, em ruột thiền sư Vạn Hạnh nuôi dạy, đến thiếu niên được thiền sư Vạn Hạnh đón lên chùa Thiên Tâm dạy dỗ lo toan nghiệp lớn. Lý Công Uẩn là người khẳng khái có sức khoẻ phi thường, lúc vừa 20 tuổi, ông vào kinh đô Hoa Lư làm quan võ cầm quân trong triều Tiền Lê. Khi Lê Long Đỉnh chết, triều thần họp lại suy tôn Lý Công Uẩn lên chính điện làm hoàng đế (1009). Vua thọ 55 tuổi, là người lập chiếu dời đô từ đất Hoa Lư về Thăng Long (thủ đô Hà Nội) cách nay 996 năm.
Lý Chiêu Hoàng (1217-1278, làm vua 2 năm) là vua thứ chín, cũng là vua cuối cùng đời Lý. Do sự bố trí của Trần Thủ Độ (1226), nữ vương tuyên bố nhường ngôi cho Trần Cảnh, làm mất ngôi nhà Lý nên không được thờ chung trong đền Đô mà thờ riêng tại đền Rồng.
Trong sổ vàng lưu niệm đền Đô có bút tích của hầu hết các vị nguyên thủ, lãnh đạo cao cấp trong nước, đặc biệt có ông Lý Xương Căn, cháu đời thứ 26 của Hoàng Thúc Lý Long Tường, hậu duệ đời thứ 31 của Lý Thái Tổ ở Hàn Quốc về thăm cố hương (làng Đình Bảng) ngày 18-5-1994. Lược dịch: “Với tấm lòng cảm động, xúc động không sao ngăn nổi, hôm nay về thăm, cháu chắt được cảm nhận vinh quang và vinh dự cũng thấy ấm lòng đối với cuộc hành hương lẻ loi này...”.
[7] Khu lăng mộ vua Lý ở Thọ Lăng Thiên Đức (làng Cổ Pháp, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn) hiện nay chỉ còn là các gò đất cây cối um tùm (rừng Báng), mỗi mộ riêng lẻ bề kính khoảng 40m. Riêng mộ của Lý Chiêu Hoàng và Nguyên Phi Ỷ Lan có xây bệ thờ nhỏ (thôn Bà La, xã Đình Bảng). Nguyên Phi Ỷ Lan (Lê Thị Yến) hai lần nhiếp chánh giúp vua Lý Thánh Tông và con cai trị xuất sắc, và nội trị vững vàng khi Thánh Tông thân chinh dẹp giặc.
[8] Chùa Thiên Tâm tức chùa Tiêu, cách Hà Nội khoảng 25km, ở thôn Tiêu Thượng, xã Tưong Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nơi thiền sư Lý Vạn Hạnh (939-1025) người làng Cổ Pháp trụ trì và nuôi dạy Lý Công Uẩn. Hiện tại chùa Tiêu còn tượng thờ Ngài bằng đồng, và tượng bằng thạch cao (8m) xây dựng năm 1993 trên đỉnh đồi. Bửu tháp Ngài đặt dưới chân đồi, sát chùa. (Chúng tôi còn nhớ mãi kỷ niệm được ăn cơm chùa và được biếu một đồng lộc chùa, thực tế là 10.000 đồng.)
[9] Chùa Côn Sơn ở xã Công Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội khoảng 75km ở ngay chân núi Côn Sơn. Nơi ghi dấu tích gần nền nhà Nguyễn Trãi đã mở lớp dạy học. Sau chùa là nhà tổ có tượng Trúc Lâm Tam Tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Sân chùa có hai hàng cây sứ đại thọ 600 tuổi, bốn nhà bia, đặc biệt là bia Thanh Hư động tạo từ thời Long Khánh (1373-1377) với thủ bút vua Trần Duệ Tông. Ngày nay Nhà Nước đã xây dựng một khu tượng đài kỷ niệm Nguyễn Trãi rất to, cạnh chùa Côn Sơn và là nơi tham quan du lịch. Ở làng Nhị Khê cũng có khu đài tưởng niệm Nguyễn Trãi. (Nguyễn Trãi người làng Nhị Khê, thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội 20km.)
[10] Đền Kiếp Bạc ở xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội 80km và cách Côn Sơn 5km.
[11] Trần Hưng Đạo là con thứ An Sinh Trần Liễu (1211-1251, anh ruột Trần Cảnh). Tại đất linh Vạn Kiếp này vào thế kỷ thứ 13 Đức Trần Hưng Đạo đã lập đại bản doanh làm nơi chỉ huy ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông (1258-1285 và 1288). Vạn Kiếp cũng là nơi ghi dấu sinh từ, nơi ở và làm việc sau cuộc kháng chiến (cách Kiếp Bạc 800m về phía đông). Trong đền thờ có bảy pho tượng bằng đồng thờ Đức Thánh Trần, phu nhân, hai con gái, con rể là Phạm Ngũ Lão, Nam Tào, Bắc Đẩu, và bốn bài vị thờ bốn người con trai.
[12] Mộ và đền thờ vua Trần Nhân Tông (1279-1293) ở núi Ngọc Vân có ba cấp, mộ vua Trần Anh Tông (1293-1313) chỉ còn vết tích nền lăng, lăng vua Trần Minh Tông (1314-1329) nằm ở chân núi trước lăng vua Trần Anh Tông.
[13] Khu di tích thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cách Hải Phòng 40km, tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Đức Trạng Trình đạo hiệu Bạch Vân Cư Sĩ, thánh hiệu Thanh Sơn Đạo Sĩ, sinh năm Tân Hợi (1491), mất ngày 28-11 Ất Dậu (1585). Ngài đậu trạng nguyên, ẩn cư tại am Bạch Vân, sáng lập văn đàn thi xã Bạch Vân, tinh thông lý số, biết rõ dĩ vãng cũng như tương lai, Ngài được Trung Quốc tặng danh hiệu là An Nam Lý Học Hữu Trình Tuyền. Hiện nay Nhà nước đã xây dựng tượng đài rất to lớn để tưởng niệm Ngài.
[14] Bà Chúa Liễu Hạnh là một trong tứ bất tử của Việt Nam (Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Chữ Đồng Tử, và Bà Chúa Liễu Hạnh). Phủ Vân Cát có bốn cung (bốn lớp thờ): trung tâm thờ Bà Chúa Liễu Hạnh; bên trái có ngôi đền nhỏ hơn thờ vua Lý Nam Đế. Lăng Bà Chúa Liễu Hạnh là ngôi mộ hình bát giác, có 60 búp sen trên các trụ bao quanh lăng.
[15] Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi lấy hiệu Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Kinh đô Hoa Lư tồn tại 41 năm (968-1009), trong đó triều Đinh được 12 năm, triều Tiền Lê (Lê Hoàn, hiệu Lê Đại Hành) 29 năm. Hiện nay chỉ còn dấu vết chân bức tường thành. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành cách nhau 300m nên dân thường gọi là đền Đinh-Lê, nằm trên địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Lăng vua Đinh Tiên Hoàng trên đỉnh núi cao, lăng vua Lê dưới chân núi.
20-8-2004
Đạt Truyền & Đạt Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét