Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Ba, 15 tháng 6, 2021

Truyền Tâm Pháp Yếu Giảng Giải


Thích Thanh Từ
Sự kiện đức Phật đưa cành hoa sen trên hội Linh Sơn cho tới nay, Tổ Tổ truyền trao cũng chỉ một việc này. Con đường hướng thượng không có lối khác, hành giả đi được liền tới, đi không được thì thôi.
Ở đây, ngôn ngữ không ngoài phương tiện, chẳng phải là chỗ của Tổ sư nhắm đến. Ngài Hoàng Bá là cháu đời thứ tư của Lục Tổ, đã dùng tâm ấn tâm. Tâm tâm ấn nhau, mãi mãi tiếp nối cho đến ngày nay. Tác phẩm Truyền Tâm Pháp Yếu chính là một chút dấu vết còn lại của gia phong ấy. Tướng quốc Bùi Hưu cẩn trọng tập thành và dâng lên các bậc lão túc trong tông môn kiểm chứng, ngõ hầu lưu truyền cho đời sau.
Hòa thượng Ân sư đã nhiều năm để tâm chỗ tột cội nguồn, riêng có lối về. Song e hàng Tăng Ni tứ chúng chưa biết tu quí ở vô tâm, nên Ngài giảng giải từng câu từng lời, cốt phá cái mê tình ấy. Chúng tôi đầy đủ phước duyên được ở trong hội chúng tu Thiền, do Hòa thượng trực tiếp chỉ giáo. Mỗi lần nghe Ngài giảng lại lời dạy của chư Phật chư Tổ, trong lòng cảm kích, phấn chấn, an vui. Nói gì đến khi tự mình có thể lấy của báu trong nhà ra tiêu dùng! Chỗ tột vi lạc như thế, vì sao không thể đem chia xẻ với huynh đệ đồng tu cho được.
Thế nên, chúng tôi mạo muội ghi lại lời giảng của Hòa thượng Ân sư, những mong các pháp lữ hữu duyên ghé mắt xem qua, biết đâu chừng có chỗ vào. Nếu quả như thế, xin nguyện đem công đức này hồi hướng về khắp pháp giới chúng sanh đều được lợi lạc.
Vì là biên soạn từ văn nói, tác phẩm không sao tránh khỏi những sơ suất tất yếu của nó, kính mong các bậc thức giả lượng thứ cho.
Thường Chiếu, ngày 20-12-2006
Cuối Đông năm Bính Tuất,
Tỳ kheo Thích Nhật Quang

Bài Tựa Truyền Tâm Pháp Yếu

Chánh Văn:
Có vị Đại Thiền sư pháp hiệu Hy Vận ở dưới ngọn Thứu Phong, núi Hoàng Bá huyện Cao An, Hồng Châu. Ngài là đích tôn của Tào Khê Lục Tổ, là pháp điệt (con cháu) của Bách Trượng, Tây Đường. Ngài riêng mang ấn tối thượng thừa, rời văn tự, chỉ truyền dạy một tâm, không có pháp gì khác, tâm thể cũng không, muôn duyên đều lặng, như mặt trời lên trên hư không sáng suốt chiếu soi không có một mảy bụi.
Giảng:
Bài tựa này do ông Bùi Hưu viết. Ông là vị cư sĩ đắc pháp nơi Thiền sư Hoàng Bá, nên rất mực qui ngưỡng Sư. Thiền sư Hy Vận ở núi Hoàng Bá, chúng ta gọi Ngài là Hoàng Bá tức gọi theo tên núi, vì quí kính Ngài nên gọi tránh như thế. Ngài là đích tôn của Tào Khê Lục Tổ tức cháu lớn của Lục Tổ. Dưới Lục Tổ có Nam Nhạc Hoài Nhượng, dưới Nam Nhạc Hoài Nhượng có Mã Tổ Đạo Nhất, dưới Mã Tổ Đạo Nhất có Bách Trượng Hoài Hải, Ngài là đệ tử của Tổ Bách Trượng. Như vậy Ngài là cháu đời thứ tư của Lục Tổ, nên gọi là đích tôn, là pháp điệt của Bách Trượng, Tây Đường, tức cháu của Thiền sư Tây Đường Trí Tạng.
Ngài riêng mang ấn tối thượng thừa, rời văn tự, chỉ truyền dạy một tâm, không có pháp gì khác. Chỗ này nói đến lý rời văn tự. Duyên do vì ông Bùi Hưu tới chùa Khai Nguyên, gặp Ngài đang ẩn nghỉ nơi đây. Tướng quốc Bùi Hưu bấy giờ là một vị đại quan đời Đường, nên Thầy Trụ trì đón tiếp rất đàng hoàng. Bùi Hưu tới nhà Tổ thấy hình các vị Cao Tăng vẽ trên vách, ông hỏi Thầy Trụ trì:
- Hình Cao Tăng ở đây, mà Cao Tăng ở đâu?
Thầy Trụ trì không có câu trả lời. Bùi Hưu hỏi tiếp:
- Trong đây có Thiền sư không?
- Mới có người tới, dáng vẻ giống như Thiền sư.
Bùi Hưu bảo:
- Xin Thầy mời vị đó ra cho.
Thầy Trụ trì mời ngài Hoàng Bá ra. Thấy Ngài, Bùi Hưu thưa:
- Khi nãy tôi có một câu hỏi Hòa thượng Trụ trì, nhưng Ngài tiếc lời không đáp, giờ xin hỏi Thiền sư: “Hình Cao Tăng ở đây mà Cao Tăng ở đâu?”
Ngài Hoàng Bá gọi:
- Bùi Hưu!
Bùi Hưu ứng thinh:
- Dạ.
Ngài Hoàng Bá hỏi:
- Ở đâu?
Ngay đây, Bùi Hưu biết chỗ ở của Cao Tăng.
Ở đây nói “rời văn tự”, vì câu đáp trên của ngài Hoàng Bá không có trong kinh văn nào cả. Chúng ta ngày nay phần nhiều giải thích, rồi dẫn kinh làm chứng. Còn Ngài kêu “Bùi Hưu”, cư sĩ ứng thinh “dạ”, Ngài hỏi “ở đâu” liền xong. Có kinh nào dạy câu đó không? Không. Cho nên nói “giáo ngoại biệt truyền” là nghĩa này vậy. Nói rời văn tự, chỉ truyền dạy một tâm, tức không có văn tự mà chỉ thẳng tâm, chớ không có gì khác. Giai thoại này cho chúng ta thấy rõ thêm tướng quốc Bùi Hưu và Tổ Hoàng Bá có liên hệ với nhau như thế.
Chánh Văn:
Người chứng đó, không mới cũ, không sâu cạn. Người nói đó, không lập nghĩa giải, không lập tông chủ, không mở cửa nẻo, thẳng đó là phải, động niệm liền trái, nhiên hậu mới là bổn Phật. Cho nên lời nói kia rất gọn, lý ấy chỉ thẳng, đạo cao vót, hạnh này riêng biệt.
Giảng:
Người chứng đó, không mới cũ, không sâu cạn. Sao không mới cũ, không sâu cạn? Bởi vì tâm thể không hai, nó vốn có sẵn, không phải cũ cũng không phải mới, không sâu cũng không cạn. Biết được tâm thể thì tâm thể là vậy thôi.
Người nói đó, không lập nghĩa giải, không lập tông chủ, không mở cửa nẻo, thẳng đó là phải, động niệm liền trái, nhiên hậu mới là bổn Phật. Như trường hợp ngài Hoàng Bá chỉ cho Bùi Hưu Cao Tăng ở đâu, là chỉ bằng tông chỉ nào? Ngài gọi một tiếng, Bùi Hưu liền dạ, Ngài hỏi ở đâu là rồi. Cho nên nói không lập tông chủ, không mở cửa nẻo, thẳng đó là phải, ngay nơi chỗ vừa thốt lên, dạ đó là phải. Động niệm liền trái, dấy niệm là trật rồi, nhiên hậu mới là bổn Phật, thấy được như vậy mới là ông Phật gốc của mình.
Cho nên lời nói kia rất gọn, lý ấy chỉ thẳng, đạo cao vót, hạnh này riêng biệt, vì vậy lời nói quá gọn, lý thì chỉ thẳng, đạo lại cao vót, hạnh chẳng riêng biệt.
Chánh Văn:
Học giả bốn phương trông núi này đua nhau đến, nhìn thấy tướng là ngộ, hải chúng tới lui thường hơn ngàn người.
Giảng:
Dưới hội ngài Hoàng Bá chúng hơn một ngàn. Đó là nói đạo đức và lối chỉ dạy của ngài Hoàng Bá cảm hóa được rất nhiều người.
Chánh Văn:
Hội Xương năm thứ 2 (842 TL), tôi trấn nhậm Chung Lăng (Hồng Châu) đích thân lên núi rước Ngài đến bổn châu, nghỉ ở chùa Long Hưng, sớm chiều hỏi đạo. Đại Trung năm thứ 2 (848 TL), tôi đổi đến Uyển Lăng (Tuyên Châu) cũng đi lễ thỉnh Ngài đến sở bộ an cư ở chùa Khai Nguyên. Tôi sớm chiều đến thọ pháp, trở về ghi lại mười phần được một hai, đeo làm tâm ấn không dám bày ra. Nay sợ e tinh nghĩa nhập thần đời sau không được nghe, bèn trao nó cho môn hạ tăng Đại Châu, Pháp Kiến trở về núi xưa chùa Quảng Đường, hỏi Trưởng lão pháp chúng những ngày trước gần gũi được nghe, đồng khác thế nào.
Giảng:
Tướng quốc Bùi Hưu thỉnh ngài Hoàng Bá đến Uyển Lăng, rồi về chùa Khai Nguyên v.v… tức những nơi Ngài trực tiếp giảng dạy cho ông. Ông nghe nhận và ghi chép, cho đó là tinh nghĩa nhập thần của ông, nhưng sợ cái nghe của mình không được trọn vẹn, không sáng sủa, nên đưa cho đệ tử của Tổ Hoàng Bá coi lại, tức các Trưởng lão trong Pháp chúng, so sánh với những lời của các vị này được nghe, có đồng với lời của ông đã nghe hay không. Các vị Trưởng lão thấy lời ông ghi chép rất hay, rất đúng nên đưa vào phần Ngữ lục, gọi là “Pháp yếu truyền tâm Thiền sư Đoạn Tế Hoàng Bá”. Như vậy quyển luận Truyền Tâm Pháp Yếu này ra đời là do ông Bùi Hưu ghi chép lời dạy của Tổ Hoàng Bá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides