HUỆ KHẢI
Không riêng đạo Cao Đài, các tôn giáo bạn xưa nay cũng dạy tín đồ rằng những người chí thành tu hành, hết lòng lập đức cho dày đều có thể trông cậy vào chánh pháp siêu đẳng nhiệm mầu để cứu độ cửu huyền thất tổ của mình được thoát khỏi địa ngục, linh hồn được giải thoát về cõi trời (cõi thiêng liêng hằng sống). Nói cách khác, tu cứu cửu huyền thất tổ là một chân lý trong nhiều tôn giáo.
Theo cư sĩ Chánh Nguyên, cửu huyền thất tổ 九玄七祖 là thuật ngữ đã có trong kinh đạo Lão Trung Quốc từ xưa. Cư sĩ cho hai dẫn chứng:
- Trong quyển Thái Thượng Tam Nguyên Tứ Phước Diên Sinh Bảo Mệnh Chân Kinh ([1]) có đoạn nói rằng ba vị Tam Nguyên Thiên Tôn ([2]) sẽ cứu giúp các cô hồn, quỷ đói cùng cửu huyền thất tổ được siêu thoát…
- Trong quyển Chính Nhất Kinh 正一經 của phái Chính Nhất (đạo Lão) có đoạn nói rằng con cháu có thể làm lễ cầu xin Đức Đông Cực Vô Tôn 東极無尊 cứu độ vong linh cửu huyền thất tổ được siêu thăng…
Tuy nhiên, cho tới nay, các tác giả người Hoa và Việt Nam vẫn chưa nhất trí, chưa đồng thuận với nhau về ý nghĩa bốn chữ cửu huyền thất tổ.([3]) Do đó, trong bài viết này chúng ta tạm hiểu khái quát rằng cửu huyền thất tổ bao gồm tổ tiên, tứ thân phụ mẫu,([4]) và con cháu thuộc hai bên nội ngoại của mỗi người.
Tại Việt Nam, chân lý tu cứu cửu huyền thất tổ rất phổ biến trong giới tu hành. Chân lý này đồng thời cũng xác định rằng tu hành là cách báo hiếu tốt nhất. Lược kể như sau:
1.1. Thời xưa, vào đời Hậu Lê, nước ta có thiền sư Hương Hải (1631-1718), thế danh Tổ Cầu, người làng Áng Độ, huyện Chân Phúc (sau là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Lúc đầu ông làm tri phủ Triệu Phong (nay là tỉnh Quảng Trị), rồi tu thiền ở cù lao Chàm (tỉnh Quảng Nam). Đạo hiệu của sư là Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự là Minh Châu Hương Hải.([5])
Trong bài Lý Sự Dung Thông, thiền sư Hương Hải viết:
Thích độ nhân miễn tam đồ khổ ([6])
Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương.
Thích tức là Thích Ca Mâu Ni (Sākyamuni). Đại ý hai câu thơ này nói rằng đạo Phật cứu con người (độ nhân) khỏi sa vào ba đường khổ và giải thoát cửu huyền thất tổ của họ được siêu thăng, khỏi bị trừng phạt ở cõi địa ngục.
1.2. Trong bộ Sấm Giảng Thi Văn của Phật Giáo Hòa Hảo, quyển thứ năm nhan đề Khuyến Thiện, gồm 756 câu, do Đức Huỳnh Giáo Chủ viết năm 1941 tại Chợ Quán (Sài Gòn). Đức Thầy dạy:
Tu cầu yên nước lợi nhà
Cửu huyền thất tổ Diêm La thoát hình.
Như thế, Phật Giáo Hòa Hảo cũng đồng quan điểm rằng người tu ngoài việc cầu nguyện cho đất nước an bình, thịnh trị còn có thể cứu giúp cửu huyền thất tổ của mình thoát khỏi những hình phạt trừng trị linh hồn tội lỗi nơi cõi địa ngục (Diêm La).
1.3. Trong nghi thức tụng niệm cúng cửu huyền thất tổ của Phật Giáo Khất Sĩ có bài Cúng Cửu Huyền Thất Tổ gồm 14 khổ thơ song thất lục bát (56 câu, 392 từ). Qua đó, chân lý tu cứu cửu huyền thất tổ được Phật Giáo Khất Sĩ nói rõ như sau:
Noi theo hạnh từ bi của Phật
Bỏ dứt đi những tật xấu xa
Trau giồi đức hạnh thuần hòa
Đạo thành cứu độ mẹ cha, cửu huyền
. . .
Ai muốn đáp công thầy dạy dỗ
Hay đền ơn thất tổ cửu huyền
Chúng sinh tất cả các miền
Thì nên phát đại lời nguyền độ tha
Trước xuất thế lìa xa cõi tục
Sau diệt tiêu lòng dục, tánh phàm
Chẳng còn ưa chuộng, muốn ham
Thân tâm thanh tịnh, già lam ([7]) dựa kề
Tu chứng đắc bồ đề Phật quả
Độ chúng sanh tất cả siêu thăng
Vượt lên cửu phẩm ([8]) thượng tằng
Là phương trả nghĩa đáp bằng công lao
Ai hiếu tử mau mau ghi nhớ
Muốn đáp đền mối nợ từ xưa
Cần nên tu niệm sớm trưa
Công dày quả mãn phước thừa báo ân.([9])
2. TU CỨU CỬU HUYỀN THẤT TỔ TRONG ĐẠO CAO ĐÀI
Thánh giáo Cao Đài dạy rất nhiều về chân lý tu cứu cửu huyền thất tổ.
Qua nhiều thánh giáo từ thời Khai Đạo (1926) cho tới những năm 1970, chúng ta thấy rất rõ rằng Ơn Trên trong nhiều thời điểm khác nhau, tại nhiều nơi khác nhau, đã giáng cơ rất nhiều lần, từ bi nhắc nhở, không tiếc lời văn tiếng thơ khuyến dạy môn sanh Cao Đài phải ráng tu hành, trước là tự cứu bản thân, sau là đem công đức tu hành của mình báo hiếu cửu huyền thất tổ, giúp cửu huyền thất tổ chẳng những được thoát khỏi luân trầm nơi địa ngục, mà còn được Thiên Đình ân phong phẩm vị Thần, Thánh, Tiên nơi cõi thiêng liêng hằng sống. Lược kể một số trường hợp trong thánh giáo như sau:
2.1. Mỗi người tu đều có thể cứu độ cửu huyền thất tổ
* Thứ Tư 06-01-1926 (22-11 Ất Sửu), tại Vĩnh Nguyên Tự (nay ở xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn giáng cơ dạy:
“Tu giả hà vi? Tu giả độ nhơn. Độ nhơn độ kỷ. Độ kỷ độ cửu huyền thất tổ, thị chi hiếu dã.” 修者何為? 修者度人.度人度己.度己度九玄七祖,是之孝也.
Dịch nghĩa: Người tu làm sao? Người tu độ kẻ khác. Độ kẻ khác là độ mình. Độ mình là độ cửu huyền thất tổ, ấy là hiếu vậy.
* Thứ Ba 22-4-1930 (24-3 Canh Ngọ), tại Cao Thiên Đàn (thánh thất Kiên Giang, Rạch Giá), Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế ban cho kinh Tu Chơn Thiệp Quyết, gồm 64 khổ thơ song thất lục bát. Đức Chí Tôn dạy (khổ 44):
Tu là cứu cửu huyền thất tổ
Tu là cầu phổ độ chúng sanh
Cầu cho cải dữ về lành
Cầu cho đất nước thái bình muôn năm.
* Thứ Hai 10-12-1934 (04-11 Giáp Tuất), Đức Ngọc Thiên Tiên Nương được Đức Cao Đài ban ơn cho giáng đàn. Ngài nguyên là một nữ môn sanh Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi tu hành đắc đạo. Hôm ấy, Đức Tiên Nương ban cho bài thơ khuyên mọi người ráng tu theo chánh pháp Cao Đài để tự cứu mình và đồng thời cứu luôn cửu huyền thất tổ của mình. Đức Tiên Nương dạy:
Nay gặp hội Cao Đài truyền giáo
Lòng tỉnh ngộ tầm sư học đạo
Thọ chơn truyền bổn thảo Tam Thanh ([10])
Nhờ công phu đạo pháp vận hành
Căn duyên mãn đắc thành quả vị.
Nương cơ ngọc để lời chú ký ([11])
Cho người đời rõ lý thiên nhiên ([12])
Hầu tầm tu siêu rỗi cửu huyền
Cùng thất tổ huờn nguyên nhứt mạch.([13])
* Năm 1936 (Bính Tý), thánh tịnh Ngọc Minh Đài (nay ở số 22 Nguyễn Khoái, phường 2, quận 4, TpHCM) được ban ơn lập đàn tiếp nhận quyển Thánh Đức Chơn Kinh. Trong kinh, nơi bài 8 (nhan đề Đời Đạo Tương Đối), Đức Thái Thượng Đạo Tổ dạy:
Đạo Thầy như bóng với hình
Đạo cao vi diệu thâm tình quy nguyên
Đạo Thầy cứu cửu huyền thất tổ…
* Thứ Năm 03-5-1956 (23-3 Bính Thân), tại Trung Hưng Bửu Tòa (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, Đà Nẵng), Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng cơ dạy:
Công khó nhọc được tiêu tai ách
Công vô tư được sạch tiền khiên ([14])
Công con cứu được cửu huyền
Con tu đắc đạo được quyền vô sanh.([15])
* Chủ Nhật 20-4-1958 (02-3 Mậu Tuất), tại tỉnh đạo Thừa Thiên (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài), Đức Phục Ma Đại Đế giáng cơ dạy:
“Ngày nay Chí Tôn giáng thế, chánh pháp phục hưng, khai tam thập lục thiên cho Phật Thánh Tiên Thần hạ giới, mở cơ tận độ dẫn lối quy nguyên, hầu dìu dắt nguyên nhân đồng đăng bỉ ngạn.([16])
(…) Nhờ hồng ân chí đại, sống dưới lằn quang điển mầu vi, chúng ta ráng tu. Lo tu để thân ta được cứu, hồn ta được siêu, cửu huyền được thăng, thất tổ chứng vị.”
* Thứ Năm 01-4-1965 (30-02 Ất Tỵ), tại Thiên Lý Đàn (Hòa Hưng, quận 10, Sài Gòn) Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy tiền bối Hoàng Ngọc Tạo như sau:
Hoàng Ngọc Tạo đường lành đã rõ
Dắt dìu nhau lớn nhỏ đồng thuyền
Đủ đầy công quả phước duyên
May ra cứu độ cửu huyền siêu sinh.
Tiền bối Hoàng Ngọc Tạo bấy giờ mới vào tu tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (nay là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, ở số 171B Cống Quỳnh, quận 1, TpHCM); Thiêng Liêng ban ơn cho tiền bối chức vụ Minh Tra. Về sau, tiền bối được Ơn Trên ban thánh danh Hồng Phước.
Trong bài thơ trên, Đức Đông Phương Lão Tổ khen tiền bối đã hiểu rõ đường lành nẻo thiện, tức là bản thân tiền bối đã tu hành. Đức Lão Tổ khuyến khích tiền bối nên hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng nhau tu học (đồng hội đồng thuyền) để chung sức cứu độ cửu huyền thất tổ được siêu thoát.
* Thứ Sáu 06-8-1965 (10 rạng 11-7 Ất Tỵ), tại Minh Đức Đàn, Đức Nhứt Trấn Oai Nghiêm Trường Canh Thái Bạch giáng cơ dạy:
“Nhứt nhơn hành đạo cửu huyền thăng.(17) Bởi thế, sự hành đạo của chư hiền nam nữ ảnh hưởng đến cửu huyền thất tổ. Nếu biết thi hành trọn vẹn thủy chung thì cửu huyền thất tổ sẽ được siêu thăng thoát hóa.” ([17])
* Thứ Ba 30-8-1966 (15-7 Bính Ngọ), tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt nhắc lại:
“Tu cứu cửu huyền thất tổ, hay nhứt nhơn hành đạo cửu huyền thăng.”
* Thứ Ba 23-5-1967 (15-4 Đinh Mùi),tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Đức Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu dạy nữ môn sanh Vũ Thị Oanh hãy ráng tu để cứu cửu huyền thất tổ. Đức Mẹ dạy như sau:
Vũ Thị Oanh bòn ([18]) thêm công quả
Để nhờ ơn đức cả hộ trì
Cho qua lúc túng hồi nguy
Cửu huyền nhờ đức tu trì cháu con.
* Thứ Bảy 16-11-1968 (26-9 Mậu Thân), tại Minh Lý Thánh Hội (nay ở số 82 Cao Thắng, phường 4, quận 3, TpHCM), Đức Đông Phương Chưởng Quản nhắc nhở: “Tu là để cứu cửu huyền thất tổ.”
* Chủ Nhật 03-8-1969 (21-6 Kỷ Dậu), tại Vĩnh Nguyên Tự, Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn giáng cơ dạy các cháu của Ngài như sau:
“Các cháu phải cố gắng tu bồi công quả hành đạo để có nhiều âm chất, trước là cứu độ gia quyến thoát khỏi nạn tai trong hồi loạn lạc, kế đó là cứu độ cửu huyền thất tổ và cũng là phương tiện giúp cho chơn linh mình được siêu thoát sau ngày rũ bỏ phần nhục thể.”
* Thứ Năm 30-10-1969 (20-9 Kỷ Dậu), tại Thiên Lý Đàn, Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh dạy:
Thế gian nay đổi mai dời
Thạnh suy bĩ thới ai người khéo khôn
Tu sao cứu rỗi linh hồn
Cửu huyền thất tổ, tử tôn nhiều đời.
* Thứ Sáu 06-4-1973 (04-3 Quý Sửu), tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, Đức Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ giáng cơ dạy:
“Chư hiền đệ muội, có câu ‘Tu là cứu cửu huyền thất tổ.’ (…) Một khi chư hiền nào đã nhập môn lập thệ, hoặc thọ pháp rồi, đều đã góp phần khởi thủy cho việc cứu cửu huyền thất tổ rồi đó.”
* Thứ Hai 13-8-1973 (15-7 Quý Sửu): tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, Đức Đông Phương Chưởng Quản giáng cơ dạy:
“Bần Đạo khuyên chư hiền đệ, hiền muội ráng chuyên cần tu học công quả, công phu để tạo đủ điều kiện giải thoát luân hồi và cứu cửu huyền thất tổ.”
* Thứ Ba 15-10-1974 (01-9 Giáp Dần), tại Vĩnh Nguyên Tự, Đức Ngọc Lịch Nguyệt giáng cơ dạy một người cháu là Bạch Lương Ngọc:
“Phần Bạch Lương Ngọc,([19]) từ đây đến cuối đông, sau khóa tịnh Đông Chí sẽ làm lễ nhập tự xuất gia. Cháu hãy sắp xếp lại gia đình giao cho con cả để tự cứu bổn thân và siêu độ cửu huyền thất tổ, tạo âm chất đạo đức tương lai cho hậu tấn.”
* Chủ Nhật 10-11-1974 (27-9 Giáp Dần), tại thánh tịnh Chiếu Minh Ẩn Giáo (Ô Môn, Cần Thơ), Đức Hồng Đức Chơn Tiên ([20]) giáng đàn dạy một người cháu:
“Sứ, cháu nghe Bác dạy.
Gần chùa ráng tập việc tu hành
Công quả đền ơn nghĩa dưỡng sanh
Cứu độ cửu huyền cùng thất tổ
Kiếp người khỏi uổng cái thân danh.
2.2. Con tu có thể cứu độ cha mẹ
* Tại Sài Gòn, các tiền khai Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Phạm Công Tắc mới bắt đầu được học đạo với Đức Chí Tôn. Bên cạnh ba vị có bà Cao Quỳnh Cư, nhũ danh Nguyễn Thị Hương (1887-1971), cũng gọi là Hiếu,([21]) thánh danh Hương Hiếu, về sau là Nữ Đầu Sư tại Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh.
Thứ Hai 04-01-1926 (20-11 Bính Dần), ngẫm thân mình được học đạo với Đức Chí Tôn mà mẹ không được diễm phúc này, tiền bối Hương Hiếu bạch với Thầy: “Má con mắc ở xa làm sao con đi độ được?” Nhân đó, Đức Chí Tôn dạy:
“Hiếu, con biết một lòng tu niệm. Đạo đức của con đủ cứu cửu huyền thất tổ rồi, huống là mẹ con. Để Thầy định đoạt, con đừng lo buồn.”
* Một người khét tiếng trong giới giang hồ là Nguyễn Phát Trước (quy thiên năm 1929), thường gọi Tư Mắt. Sau khi nhập môn tại đàn Cầu Kho, vị này được Thầy phong làm Lễ Sanh phái Thái, chữ Mắt được đổi ra chữ Nho là Mục 目, nên thánh danh của tiền bối là Thái Mục Thanh.
Thứ Ba 09-3-1926 (25-01 Bính Dần), Đức Chí Tôn giáng cơ dạy tiền bối như sau:
“Mắt, nghe dạy! (…) Ngươi muốn biết đặng cha ngươi thế nào, hỏi nơi ngươi.([22]) Hễ tu thì cứu đặng cửu huyền thất tổ. Ngươi là hiếu hạnh, chẳng lẽ để cha mẹ chịu đọa A Tỳ. Nghe mà ăn năn sám hối (…). Tâm thành của ngươi mới [cứu cha] đặng mà thôi. Ngươi muốn vậy, làm lành lánh dữ. Ngày nào đặng vậy, Ta sẽ cho cha ngươi về nói lại cho ngươi biết.”
Như thế, Đức Chí Tôn dạy rằng tùy theo tâm thành tu hành của tiền bối Tư Mắt, khi nào Đức Chí Tôn xét thấy xứng đáng công tu thì Thầy sẽ cho hồn thân phụ tiền bối về đàn cơ gặp con. Nói khác đi, sự siêu thoát của vong hồn người cha tùy vào người con ráng tu hành để báo hiếu.
* Thứ Bảy 01-01-1972 (15-11 Tân Hợi), tại Vĩnh Nguyên Tự, Đức Ngọc Lịch Nguyệt giáng cơ dạy:
“Đây, Ta dạy cháu Lê Hoàng Cầu và hiền muội Ngô Thị Các. Trong cảnh mẹ góa con côi, gần đường đạo đức, hiền muội hãy cố gắng ngày đêm tu niệm để cứu linh hồn trong buổi trời chiều xế bóng, dầu lao thân tiêu tứ ([23]) rồi cũng chẳng có chi. Cháu Cầu và các cháu biết thương mẹ, biết vì hiếu đạo, hãy cố gắng bước lên đường đạo để giúp cho mẹ các cháu thoát cảnh đọa lạc luân hồi, còn hơn là các cháu may áo gấm, dâng miếng ngon cho thể xác. Ta dặn như vậy, các cháu lưu ý.”
3. MỘT SỐ BẰNG CHỨNG VỀ VIỆC TU CỨU CỬU HUYỀN THẤT TỔ QUA THÁNH GIÁO MINH LÝ ĐẠO VÀ CAO ĐÀI
Tam Kỳ Phổ Độ là thời đại ân xá, nên Ơn Trên thường dùng cơ bút vén mở bức màn bí mật huyền vi, hé lộ những chuyện siêu phàm để giúp người đời có đức tin, ráng lo tu hành chơn chánh. Nói khác đi, những đàn cơ “ly kỳ” trong đạo Minh Lý và Cao Đài đều do lòng từ bi của Trời Phật, muốn giúp người đời vững đức tin vào chân lý tu cứu cửu huyền thất tổ.
3.1. Bằng chứng về việc con tu cứu độ cha mẹ
* Tiền bối Minh Thiện (tu ở Tam Tông Miếu, Minh Lý Thánh Hội) sinh ngày 23-7 Đinh Dậu (Thứ Sáu 20-8-1897) trong một gia đình đạo đức tại làng Lợi Bình Nhơn, tổng Hưng Long, tỉnh Tân An (nay thuộc thị xã Tân An, tỉnh Long An). Thân phụ tiền bối là Tôn Văn Thi, một nhà Nho tu theo đạo Minh Sư.([24]) Tiền bối họ tên là Tôn Văn Khuê, nhưng khi đi học, ra làng làm giấy khai sanh trễ, thì lấy họ tên là Nguyễn Văn Miết.
Thân mẫu tiền bối Minh Thiện là bà Lâm Thị Chợ. Bà là chị thứ bảy của tiền bối Lâm Xương Quang (thầy tu Minh Sư, tục gọi ông Lão Tám Lâm Đạo Nguơn), nổi tiếng trong giới tu Tiên ở Nam Kỳ qua các bản dịch Thất Chơn Nhơn Quả, Ngọc Lộ Kim Bàn, v.v...
Vào đời vua Khải Định, năm Quý Hợi (1923) môn sanh Minh Sư ấn tống quyển kinh chữ Hán nhan đề Văn Xương Đế Quân Cứu Kiếp Bảo Sanh Kinh 文昌帝君救刧保生經 (kinh giữ gìn mạng sống, giải cứu tai họa của Đức Văn Xương Đế Quân).([25]) Quyển kinh này do bà Chợ ấn tống để cầu giải bệnh. Trên bìa, ở bên trái nhan đề có in dòng chữ nhỏ: Tân An Lâm Thị Chợ trùng san (khan) kỳ bệnh dũ (Lâm Thị Chợ ở Tân An tái bản để cầu khỏi bệnh).
Thứ Sáu 29-5-1925 (08-4 Ất Sửu), Đức Thái Ất Thiên Tôn cho phép hồn thân mẫu tiền bối Minh Thiện về đàn, và bà Lâm Thị Chợ giáng cơ báo tin như sau:
Hình khổ ([26]) U Minh rất thảm thay
Siêu thăng về tỏ một lời nầy
Kinh Tiên linh hiển rèn lòng tụng
Thất tổ cửu huyền đặng xá ngay.
Đại ý bài thơ cho biết linh hồn bà Chợ phải chịu hình phạt nơi địa ngục (cõi U Minh) rất thảm thiết, khổ sở. Nay bà được siêu thăng nhờ con trai biết tu hành nên cứu được cửu huyền thất tổ (trong đó có thân mẫu).
Thứ Sáu 06-8-1926 (28-6 Bính Dần), Thần Lục Đinh vưng lịnh Đức Đạo Tổ giáng cơ báo tin vui cho tiền bối Minh Thiện như sau:
“Thiện, ta mừng giùm cho ngươi. Nay mẹ ngươi đặng phong Thánh đi phổ độ nhơn gian, là nhờ công ngươi siêng lo tu, giữ Đạo một lòng và có công tìm kiếm dịch kinh sách đặng phụ giúp mà khuyên người ta mau tỉnh ngộ… Mẹ ngươi sẽ đi khắp thế giới coi ai có lòng mộ đạo thì Người độ, ngày sau ngươi sẽ có tin mừng.” ([27])
Lời dạy trên đây cho thấy thân mẫu tiền bối Minh Thiện chẳng những được siêu thoát khỏi địa ngục thảm khổ, mà lại còn cao thăng lên quả Thánh, được đi hành đạo cứu đời trong cõi vô vi (siêu hình).
Bà Lâm Thị Chợ có được kết quả rất tốt lành như thế chính là nhờ con trai (tiền bối Minh Thiện) xả thân tu hành và làm pháp thí (dịch kinh, soạn sách dạy đạo, ấn tống kinh sách…), tạo công đức lớn.
* Thứ Tư 26-01-1966 (06-01 Bính Ngọ), tại thánh thất Tân Định (nay ở số 53/112 Trần Khánh Dư, phường Tân Định, quận 1, TpHCM), Đức Tiên Cô Nguyệt Điện giáng cơ ban cho bốn câu thánh thi như sau:
Nhờ ơn hiếu tử lắm gia công
Hành đạo bao năm chẳng ngại lòng
Mới biết cửu huyền cùng thất tổ
Nhờ tu cứu vớt đặng môn tông.([28])
Đức Tiên Cô nói rõ rằng nhờ con trai có hiếu, biết tu hành nên Ngài được cao thăng phẩm vị. Vị hiếu tử của Đức Tiên Cô chính là tiền bối Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn (thế danh Tạ Đăng Khoa).([29])
* Thứ Hai 26-12-1966 (15-11 Bính Ngọ), tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Đức Đông Phương Chưởng Quản giáng cơ dạy:
“Sau đây, Bần Đạo báo một tin lành cho các hiền đệ, hiền muội Tham Lý, Diệu Long, Đạt Minh, Chí Tín được tường:
Tam Giáo Tòa và Tam Trấn Oai Nghiêm Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã chứng minh lòng thành tu công bồi đức của các đệ muội và đã ân phê sắc tứ Tiếp Dẫn Tiểu Đồng dẫn chơn hồn Hồng Phước và Lê Văn Còn về tạm trú nơi Cung Thái Ất để chờ ngày phán xét và ban thưởng.
Các ái nữ của Hoàng Ngọc [Tạo] là Hoàng Thị hãy vững đức tin, tăng tiến việc tu công bồi đức để hộ điển cho chơn hồn Hồng Phước trong thời kỳ đợi chờ phán xét.”
Tiếp theo đó, cũng trong đàn cơ ấy, Đức Vân Hương Thánh Mẫu giáng và dạy thêm như sau:
“Đây Chị chỉ minh chứng sự thực là hai chơn hồn [Hồng Phước và Lê Văn Còn] vừa thoát hóa, xét lại đường tu chưa mấy, công quả chẳng là bao, nhưng lại được tránh nơi đọa lạc, lên cõi Thiên Đàng chờ ngày phán xét (...).
Nhưng trong sự thành đạo có từng giai đoạn, từng cấp bậc, hoặc thưởng nhiều hoặc thưởng ít, hoặc đắc vị hoặc tái kiếp nơi hồng trần, đều được dành trong ân huệ Kỳ Ba của Thượng Đế tất cả. Trong phần ấy cũng nhờ có sự công quả của quyến thuộc thân nhân, vì có câu ‘Tu cứu cửu huyền thất tổ’. (…)
Nên Chị khuyên các em hãy nghĩ: Ngoài cá nhân mình, còn bao nhiêu trách nhiệm khác cùng liên quan tới cá nhân nữa.”
Chúng ta biết tiền bối Tham Lý tức là Tham Lý Minh Đạo kiêm Tổng Thơ Ký Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, thánh danh Minh Lý (thế danh Đỗ Vạn Lý),([30]) là con rể tiền bối Hồng Phước Hoàng Ngọc Tạo (giữ chức Minh Tra tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý). Diệu Long là thánh danh vợ tiền bối Hoàng Ngọc Tạo. Sau khi quy thiên (1966), quả vị của tiền bối Hồng Phước là Đô Thống Quản Địa Thần.
Chúng ta cũng biết rằng tiền bối Lê Văn Còn là thân phụ hai vị tiền bối hành đạo tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý là Đạt Minh (Lê Văn Non, 1913-1985, quả vị Quang Minh Huệ Tiên), và Chí Tín (Lê Văn Bá, 1918-2008). Tiền bối Lê Văn Còn sinh tiền là Giáo Sư phái Thượng (Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo), làm Đầu Họ Đạo thánh thất Bình Hòa (tỉnh Gia Định, nay thuộc quận Bình Thạnh). Sau khi quy thiên, tiền bối Giáo Sư Thượng Còn Thanh đắc quả vị Minh Đức Đạo Nhơn.
* Chủ Nhật 20-8-1967 (15-7 Đinh Mùi), tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Đức Hồng Y Tiên Nữ vâng lịnh Đức Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn, dẫn hồn bà Nguyễn Thị Hồ (mẹ của tiền bối Ngọc Kiều, nhạc mẫu của tiền bối Thiện Bảo) về đàn cơ. Bà tự giới thiệu: “Tôi, nhũ danh nơi hồng trần là Nguyễn Thị Hồ, thân mẫu của phần nhục thể Ngọc Kiều.” Sau đó, bà tâm sự cùng con gái:
“Ngọc Kiều con!
(…) Nhờ công đức của con và các con tu niệm, nên kỳ ân xá trung nguơn năm rồi,([31]) mẹ được Diệu Hạnh Tiên Cô.([32]) đến dẫn hồn về cho tu học tại Phổ Đà Sơn. Tuy khỏi phải chuyển kiếp đầu thai sanh lại chốn hồng trần sắc giới, chớ mẹ cũng chưa được ban phong một chức vị nào nơi miền Tiên cảnh, là vì lúc sinh thời tại thế chưa biết tu hành chay lạt gì. Nếu không nhờ đại ân xá và chẳng được công đức của con, không biết giờ này mẹ phải ra sao.
Nhơn kỳ trung nguơn ân xá này, mẹ thỉnh nguyện được về thăm con cháu cùng gởi nhắn đôi lời:
Gởi con cháu ở hồng trần
Mau mau thức tỉnh lập thân tu hành.
. . .
Mong con cùng cháu nữ nam
Cả nhà lớn nhỏ chung tâm đường lành
Mẹ nay mà được siêu sanh
Nhờ con Kiều nữ tu hành quả công.
* Thứ Tư 17-6-1970 (14-5 Canh Tuất), tại Văn Phòng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý,([33]) nhân lễ kỷ niệm Đức An Hòa Thánh Nữ,([34]) Đức Diệu Hạnh Tiên Cô giáng cơ dạy:
“Giờ này Bần Nữ đến đây để chung vui ngày kỷ niệm Thánh Nữ An Hòa, cũng để giúp cho một chơn linh vừa đắc vị đến gặp lại cảnh cũ người xưa cho biết việc luân hồi chuyển kiếp hay tu để cứu cửu huyền thất tổ là một sự hiển nhiên, không phải việc mơ hồ.”
Chơn linh này là bà Nguyễn Thị Hồ, đắc quả Bảo Ân Thần Nữ. Trong đàn cơ ấy, Đức Thần Nữ dạy:
“Mẹ cám ơn nhục nữ Ngọc Kiều, Thanh Liên,([35]) và nhục tế Thiện Bảo. Nhờ các con mà mẹ được thoát chốn luân hồi.”
* Thứ Hai 30-9-1974 (15-8 Giáp Dần), trong đàn cơ tại Diêu Trì Bửu Điện (thánh thất Bình Hòa, nay ở số 174/30A Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh, TpHCM, thuộc Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo), Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy vợ chồng hai môn sanh Huệ Chơn (Nguyễn Thành Lũy, tức Nguyễn Huệ Chơn) và Thanh Vân (Nguyễn Thị Vân) như sau:
“Huệ Chơn, Thanh Vân! Từ thuở nhỏ, hai con đã có tâm mộ đạo tu hành và hành đạo giúp người không nệ khổ nhọc, không cầu vụ lợi. Cho đến ngày nay độ dẫn được con cháu, và nhờ Từ Quang Tiên Nữ nguyện cầu, nên Mẹ ban hồng ân cho Phạm Thị Nhị là thân mẫu con được siêu thoát hồng trần vào cõi thanh tịnh lập thêm công đức để giác linh minh thánh, chứng quả vô sanh. Các con thành tâm thọ sắc:
- Thừa Ngọc Hư Cung sắc ban ngọc chỉ ân tứ Phạm Thị Nhị sanh tiền thiện tâm thủ đạo, vô tác ác nghiệp, tự hậu tử tôn tu trì bồi công lập đức.
- Chiếu thử ân phong Bảo Hiền Thần Nữ, trấn tại thôn Nhơn Nghĩa tam niên, độ dân tế chúng hồi đầu hướng thiện.”
Đức Bảo Ân Thần Nữ sau bảy năm hành đạo, và Đức Bảo Hiền Thần Nữ sau bốn năm hành đạo, đều sẽ được cao thăng lên Thánh vị. Ngày Thứ Hai 26-9-1977 (14-8 Đinh Tỵ), tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, Đức Vân Hương Thánh Mẫu báo tin vui và dạy thêm rằng hai quả Thánh ấy có phần góp công đức của hai người con là tiền bối Ngọc Kiều và đạo trưởng Huệ Chơn. Đức Thánh Mẫu dạy:
“Nhân đây Chị báo tin mừng cho hiền muội Ngọc Kiều và hiền đệ Huệ Chơn là nhị vị Thần Nữ – Bảo Hiền Thần Nữ và Bảo Ân Thần Nữ – đã dày công quả nên được Đức Mẹ cho về Tiên cảnh tu luyện, chơn linh sẽ được siêu xuất phẩm vị Thánh. Đó là đặc ân vô cùng, nhờ hiền muội và hiền đệ đã hết lòng hành đạo, trọn lòng tin nơi Thượng Đế. Chị mừng cho đó.”
3.2. Bằng chứng về việc con rể tu cứu độ cha vợ
* Thứ Hai 02-7-1951 (28-5 Tân Mão), tại thánh tịnh Thanh Tịnh Đàn (nay ở ấp Ngãi Thuận, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), vào giờ Ngọ, Đức Đông Nhạc Đại Đế dẫn hồn tiền bối Lý Vạn Dũ (1877-1949) nhập cơ sau ba năm (ba mươi sáu tháng) tạ thế. Lý tiền bối tường thuật như sau:
Ba sáu tháng xa nhà cách trẻ
Hai tám này vui vẻ Ngọ nay
Bấy lâu dật dựa tuyền đài
Hồn linh cam chịu ai hoài ([36]) nắng sương.
Tiền bối cho biết vì sao hồn linh phải chịu khổ não nơi tuyền đài: Lúc còn tại thế, vì mải lo tạo dựng sự nghiệp vật chất hầu bảo dưỡng thê nhi nên vô tình gây tạo tội lỗi.
Phải đảo điên
Tại vì tiền
Mất tâm thiền
Mất tâm thiền tại thiên gia thất
Lo bảo toàn vất vả lao tâm
Khổ lòng đau nhức chích châm
Mấy mươi năm chịu lạc lầm không tu.
Lòng không tu
Bị lờ lu
Mất tánh nhu
Mất tánh nhu, cần cù lo liệu
Sợ thiếu dùng lịu địu trẻ thơ
Cho nên tội lỗi bất ngờ
Tiền duyên nghiệp chướng khổ cơ ngạ hàn.([37])
Nhưng nhờ con gái tiền bối là đạo tỷ Lý Thị Mỹ (1908-1971), thánh danh Thanh Lan (đắc quả Thanh Lan Tiên Nữ, về sau thăng lên Thanh Lan Tiên Nương), và cũng nhờ con rể là đạo trưởng Trương Truyền Chánh (1907-1988), thánh danh Kiến Minh,([38]) biết siêng năng tu hành, làm công quả và cầu nguyện nên tiền bối Lý Vạn Dũ được hưởng ân đại xá, thoát cảnh khổ sầu nơi địa ngục và được Đức Chí Tôn ban ơn cho chơn linh tiền bối trở về cõi trần hàn huyên cùng con cái qua ngọn linh cơ như sau:
Con tu cha đặng ngao du
Con thành cha đặng thoát cù lộn quanh ([39])
Nhờ con chí khí tu hành
Ra công phổ cứu cầu danh cha về.
(...) Nhờ lòng tu đức của các con nên cha mới đặng linh hồn thong thả hầu nương cửa thiền ôn dưỡng tâm linh chờ ngày lãnh bảng Tiên bang.([40]) Nhờ con cùng rể giúp cha, ấy gọi đền ơn dưỡng dục đó vậy. Nay cha mới biết là con tu cứu cửu huyền thất tổ đặng tiêu diêu. Ấy cũng nhờ Kỳ Ba đại xá.”
Tiền bối Lý Vạn Dũ về sau chẳng những lìa khỏi u đồ địa ngục mà còn thoát cảnh luân hồi sanh tử nơi thế gian và đắc quả vị Phước Đức Chơn Thánh. Ấy nhờ con gái và con rể của Lý tiền bối đều biết tu hành, lập công bồi đức.([41])
3.3. Bằng chứng về việc con dâu tu cứu độ mẹ chồng
* Thứ Ba 30-8-1966 (15-7 Bính Ngọ), tại thánh tịnh Tam Thanh Bửu Điện (nay ở ấp Dinh, xã Khánh Hậu, thị xã Tân An, tỉnh Long An), một nữ môn sanh Cao Đài là Trần Thị Tiến đắc quả vị Hồi Tâm Phục Thánh. Khi được Đức Chí Tôn cho phép trở về trần gian, Ngài thổ lộ trên ngọn linh cơ:
“Tôi giờ nầy đặng sắc ân ban lai đàn phục chỉ, đắc vị Hồi Tâm Phục Thánh về nguyên, nhờ lòng đạo đức con dâu tôi lập công.”
Sau đó, Đức Hồi Tâm Phục Thánh ban cho thánh thi:
Nay mẹ đặng chứng ngôi vị Thánh
Nhờ các con gánh vác quả công
Dâu hiền đáng phận quần hồng
Điểm tô công quả sắc phong lãnh rồi.
3.4. Bằng chứng về việc cha tu cứu độ con cái
* Anh Trương Thành Thiện sinh năm 1945 trong một gia đình có truyền thống tu hành theo tân pháp Cao Đài. Cha là Trương Truyền Chánh (thánh danh Kiến Minh, quả vị Đắc Tâm Chơn Thánh), mẹ là Lý Thị Mỹ (thánh danh Thanh Lan, quả vị Thanh Lan Tiên Nữ, về sau thăng lên Thanh Lan Tiên Nương).
Anh Thiện tạ thế năm 1972, mới hai mươi tám tuổi, trong lúc đang trên đường thi hành công vụ của người trai thời chinh chiến. Mặc dù lúc sống chưa lập được công trạng với Đạo nhưng nhờ ân phước của tổ tiên ([42]) và cha mẹ đã dày công đức tu hành nên anh Thiện không bị luân hồi chuyển kiếp mà được Đức Nguyệt Đức Kim Tiên ([43]) rước về cõi trời tu học ngay khi hồn anh vừa lìa khỏi xác.
Trong thời gian cầu siêu tám mươi mốt ngày (cửu cửu) theo bí tích Cao Đài, chơn linh anh Thiện còn được đưa về Huờn Cung Đàn tại Tam Giáo Điện Minh Tân (ở số 221 Bến Vân Đồn, quận 4, Sài Gòn) vào giờ Ngọ ngày Thứ Hai 10-7-1972 (30-5 Nhâm Tý) để tường thuật sự tình lúc hy sinh ngoài chiến trường và những việc xảy ra sau đó.
Anh Thiện được đặc ân hy hữu trở về hàn huyên cùng gia đình như thế là nhờ hưởng công quả của cha. Nguyên do, trong lúc tang gia bối rối, tiền bối Kiến Minh Trương Truyền Chánh nhận được thánh sắc Ngọc Hư Cung dạy đi hành đạo tại đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù cõi lòng đang tan nát vì con trai vừa mất, chưa an táng, tiền bối Kiến Minh vẫn tuân hành thánh lệnh, dốc tâm lo tròn việc đạo.
Khi về đàn cơ, chơn linh anh Thiện nhắc lại tâm trạng lúc ấy của cha hiền, và xác nhận anh được hưởng ơn huệ nơi cõi trời cũng nhờ vào công quả đó của cha:
Thọ lịnh sắc cõi lòng tan nát
Nhưng vững vàng phú thác ân Thiên
Nhờ đây ân huệ hưởng liền
Cúi đầu lạy tạ trần miền ân cha.([44])
4. HIỂU CHO ĐÚNG CHÂN LÝ TU CỨU CỬU HUYỀN THẤT TỔ
Qua thánh giáo Cao Đài và các trường hợp điển hình lược kể trên đây, chúng ta xác tín hai điều này:
- Con cái (kể cả con dâu, con rể) thật tâm tu hành thì cha mẹ, ông bà được hưởng nhờ công đức.
- Cha mẹ, ông bà thật tâm tu hành thì con cháu cũng được hưởng nhờ công đức.
Tuy đó là chân lý được dạy trong kinh sách nhiều tôn giáo, nhưng mỗi người không nên ỷ lại vào điều này.
Trong đàn cơ tại Văn Phòng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, ngày Thứ Bảy 28-6-1969 (14-5 Kỷ Dậu), để giúp người đời khỏi ngộ nhận (hiểu sai), Đức Diệu Hạnh Tiên Cô từ bi dạy:
“Trong giới tu hành có câu ‘Tu là cứu bản thân và cũng cứu cửu huyền thất tổ.’ Vấn đề này cần phân tách cho rõ ràng hơn để người đời không ngộ nhận.”
Thật vậy, ai ăn mới biết no. Điều tốt lành hơn cả là mỗi người phải tự mình tu hành để chính mình cứu độ bản thân và ảnh hưởng tới quyến thuộc, thân thích.
Nếu trong một gia tộc, có nhiều người cùng thật tâm tu hành, thì mỗi người giống như một “điện đài” phát sóng; cả gia đình hay gia tộc là tập hợp của nhiều điện đài cùng lúc phát sóng. Tất cả sẽ đan kết chặt chẽ với nhau dệt thành mạng lưới sóng điển lành mạnh mẽ che phủ rộng khắp, bảo hộ cho nhau rộng khắp. Như thế chẳng phải là lợi ích càng thêm to tát hay sao?
Để khỏi nghĩ lầm rằng bản thân mình không cần tu hành, vì có thể ỷ lại, hưởng nhờ vào công đức tu hành của người khác trong thân tộc, chúng ta nên ghi nhớ lời Đức An Hòa Thánh Nữ dạy con cháu vào ngày Thứ Tư 21-6-1967 (14-5 Đinh Mùi), tại Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý:
“Ch. Đ., Ch. Ph.! Hai con hãy xét mình mà cố gắng noi theo gương đạo đức của cha mẹ. Sự tu hành và công đức của cha mẹ tuy có ảnh hưởng tốt đẹp đến con cái trong gia đình, nhưng điều cần yếu là chính mỗi con phải tự tạo cho mình một nếp sống đạo đức để nhờ cái nhân lành đem đến quả tốt cho đời mình sau nầy.
(…)
K., Th., L.! Các con cũng vẫn được tình thương chan rưới của bà và cha mẹ trong tình đồng đều chia sẻ, nhưng sự rủi may và tội phước của cả một đời mình còn phải do chính mình gây tạo nữa kìa.”
Tóm lại, khi ý thức rằng bản thân mỗi người phải tự tu, tự học, tự hành thì chúng ta sẽ dứt bỏ được sự ỷ lại “ăn ké” vào công đức tu hành của người khác. Đừng nghĩ rằng mình cứ mặc tình bôn ba, bươn chải tranh cạnh ngoài đời để làm giàu, rồi đem tiền của ra làm “đại thí chủ” tài trợ, bảo bọc cho một ai đó tu hành, với thâm ý rằng mai sau người đó đắc đạo, mình sẽ hưởng nhờ phần nào. Nói khác đi, ta nên dứt bỏ ý đồ và hành vi “mướn” người khác tu giùm mình.
Hơn nữa, trước khi nghĩ tới lý tưởng độ tha (cứu rỗi người khác, cứu độ cửu huyền thất tổ), chúng ta hãy thành tâm xét kỹ xem chính mình đã thật sự tu hành đúng đắn hay chưa. Nếu mình chỉ tu giả dối, tu bề ngoài, tu áo mão, tu quyền lực, mượn danh đạo tạo danh đời, v.v… thì e rằng bản thân mình còn phải đọa trầm để trả nợ tội lỗi, làm sao còn dám mơ ước cứu độ ai khác?!
Chúng ta phải biết sợ hãi khi bước vào đường tu hành. Thật vậy, dù đang tu tại gia hay xuất gia, ta đều phải biết sợ mắc nợ người thân và bá tánh:
- Khi tu tại gia, trước tiên ta mắc nợ thân nhân trong gia đình đã hy sinh bảo dưỡng cho ta hết năm này sang năm khác, để ta rảnh rang, thanh thản tu hành.
- Khi làm chức việc, chức sắc, hiến thân vào Hội Thánh, Giáo Hội để tu, thì ta mắc nợ tập thể tín đồ đã góp công quả nuôi dưỡng cho ta ổn định cuộc sống để yên tâm tu hành.
Như thế ta mắc nợ bá tánh quá lớn. Nếu tu không xong, không trọn vẹn bổn phận và trách nhiệm một chức việc, chức sắc thì theo luật Tạo Hóa công bằng, đương nhiên ta sẽ phải trả nợ lại cho bá tánh, cả vốn lẫn lãi. Con đường đọa lạc luân trầm ắt hẳn khó tránh khỏi. Chính vì lẽ đó, lúc còn tại thế, Đức Phật Thích Ca dạy các môn đồ khi ôm bình bát xin cơm hàng ngày hãy nhớ rằng một hột cơm bá tánh cúng dường còn lớn nặng hơn núi Tu Di. Tâm niệm như thế để biết sợ mà ráng lo tu.
Đối với chức việc, chức sắc, Đức Thần Nữ Nguyễn Thị Ngại ([45]) dạy rằng đã nhận lãnh phận sự trong Đạo nhưng không tròn trách nhiệm thì chẳng những bản thân chức việc, chức sắc mà cả cửu huyền thất tổ của người ấy cũng phải liên lụy, chung chịu tội tình. Trong đàn cơ ngày Chủ Nhật 26-4-1964 (15-3 Giáp Thìn) tại thánh thất Trung Thành ở Đà Nẵng (thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài), Đức Thần Nữ dạy:
Kẻ gánh việc phải xong phận sự
Phải hết lòng chăn giữ đàn chiên
Hễ làm nắm lấy pháp quyền
Không tròn trách nhiệm tiền khiên tội tình.
Không chỉ những thân mình chịu khổ
Mà cửu huyền thất tổ chịu lây
Lỗi lầm khuyên chớ chuốc gây
Chuốc gây tội lỗi, Mẹ Thầy khó thương.
Việc liên đới chịu trách nhiệm giữa người tu và cửu huyền thất tổ như thánh huấn của Đức Thần Nữ cảnh giới là lẽ dễ hiểu. Ta tu tốt thì cửu huyền thất tổ được hưởng công đức; ngược lại, ta tu không xong thì cửu huyền thất tổ ắt phải chịu lây quả xấu. Đó là lẽ công bằng theo Thiên luật. Bởi vậy, tại Minh Đức Đàn ngày Thứ Sáu 06-8-1965 (10 rạng 11-7 Ất Tỵ), Đức Nhứt Trấn Oai Nghiêm Trường Canh Thái Bạch giáng cơ, từ bi nhắc nhở người tu:
“… sự hành đạo của chư hiền nam nữ ảnh hưởng đến cửu huyền thất tổ.”
Nói cách khác, đừng nghĩ sai rằng bản thân mình trót tu hành không xong thì chỉ riêng cá nhân mình lãnh hậu quả. Thật ra, mình tu không xong thì còn tác hại dây chuyền đến nhiều người khác, trong đó có cửu huyền thất tổ của mình nữa. Tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam ngày Thứ Năm 24-3-1972 (10-02 Nhâm Tý), Đức Minh Đức Đạo Nhơn giáng cơ dạy:
“Đừng ai tưởng rằng mình hành đạo là để tu thân mà thôi, nếu tu được thì tốt riêng cho mình, không tu được thì cũng chẳng làm hại chi ai. Nếu tưởng vậy là sai lầm.”
5. THAY LỜI KẾT
Tóm lại, trước khi nghĩ rằng mình tu để cứu cửu huyền thất tổ, mỗi người hãy biết từ bi với chính mình. Tức là hãy lo tu hành chân chánh để có thể tự cứu lấy bản thân trước đã.
Trên những chuyến bay, các ông bố, bà mẹ có con nhỏ đi kèm luôn luôn được nhắc nhở rằng nếu xảy ra sự cố, cha mẹ hãy tự đeo mặt nạ dưỡng khí (oxygen masks) cho cha mẹ trước tiên để tự cứu, rồi sau đó mới lo cứu con cái. Đây không phải là ích kỷ, vì mình có cứu được mình rồi mới mong cứu được người khác. Thế nên, tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam ngày Thứ Hai 26-9-1977 (14-8 Bính Thìn), Đức Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu giáng cơ khuyên dạy con cái:
“Thương thân con ráng lo tu.”
Bà Chiểu, 05-4-2012
HUỆ KHẢI
-----------------------------------
([1]) Thái Thượng Tam Nguyên Tứ Phước Diên Sinh Bảo Mệnh Chân Kinh太上三元賜福延生保命真經. Trong bài cư sĩ Chánh Nguyên viết là Đản Sinh. Chữ Đản 诞 (phồn thể: 誕) và chữ Diên 延nhìn hơi giống nhau. Diên sinh là kéo dài mạng sống.
([2]) Tam Nguyên Thiên Tôn 三元天尊 tức là Thiên Quan, Địa Quan, và Thủy Quan Đại Đế 天官, 地官, 水官大帝. Về ba vị này, xem thêm bài Ngày Thiên Quan Tứ Phước Trong Đạo Cao Đài, in trong: Huệ Khải, Một Góc Nhìn Văn Hóa Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011, tr. 127-129. (Quyển 47-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
([3]) Tham khảo bài viết của cư sĩ Chánh Nguyên: Những Ý Kiến Về Cửu Huyền Thất Tổ. (http://tuvienhuequang.com/diendan...)
([4]) Tứ thân phụ mẫu gồm bốn vị là cha mẹ đẻ và cha mẹ người phối ngẫu (chồng hay vợ).
([5]) Huệ Khải, Tam Giáo Việt Nam – Tiền Đề Tư Tưởng Mở Đạo Cao Đài. Song ngữ Việt-Anh. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 69-71. (Quyển 22-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
([6]) Tam đồ khổ三途苦: Cái khổ khi hồn người chết phải đi vào ba đường dữ để chịu hình phạt đền bù tội lỗi. Theo đạo Phật, tam đồ là: hỏa đồ火途 (bị lửa thiêu đốt); huyết đồ血途 (bị sát hại và đổ máu); đao đồ刀途 (bị dao kiếm đâm vào cơ thể).
([7]) Già lam 伽藍: Chùa Phật.
([8]) Phẩm vị thiêng liêng chia làm ba hạng là thượng, trung, và hạ phẩm. Trong mỗi phẩm lại chia làm ba hạng nữa, nên gọi chung là cửu phẩm 九品.
([9]) http://daophatkhatsi.net/hephaikhatsi/nghithuctungniem.
([10]) Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi.
([11]) Lời chú ký: Lời giải thích để người ghi nhớ.
([12]) Lý thiên nhiên: Lẽ tự nhiên trong trời đất.
([13]) Đại Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2016, tr. 266-267. (Quyển 36-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
([14]) Tiền khiên 前牽: Những nợ nần kiếp trước, sang kiếp này chúng lôi kéo người mắc nợ đòi phải trả. Khiên là lôi kéo.
([15]) Vô sanh 無生: Không còn sanh lại cõi đời, dứt khỏi luân hồi.
([16]) Đồng đăng bỉ ngạn 同登彼岸: Cùng nhau lên bờ bên kia (cùng nhau được giác ngộ, giải thoát).
([17]) Nhứt nhơn hành đạo cửu huyền thăng. 一人行道九玄升. (Một người hành đạo, cửu huyền thất tổ được siêu thăng.)
([18]) Bòn: Bòn mót, nhặt nhạnh từng chút, không bỏ sót.
([19]) Tiền bối Bạch Lương Ngọc trụ trì Vĩnh Nguyên Tự, đắc quả vị Vĩnh Lạc Chơn Tiên.
([20]) Khi tại thế, Ngài là tiền bối Võ Hồng Sa (1880-1946), tu theo Chiếu Minh, đắc quả Thái Thanh Đồng (1953), sau thăng quả vị Hồng Đức Chơn Tiên (1954). Thánh tịnh Chiếu Minh Ẩn Giáo lập tại nhà riêng của tiền bối Võ Hồng Sa.
([21]) Hương là tên bà nội đặt, Hiếu là tên bà ngoại gọi. (Hương Hiếu, Đạo Sử. Quyển I. Tòa Thánh Tây Ninh, không năm xuất bản, ronéo, tr. 90.)
([22]) “Ngươi muốn biết đặng cha ngươi thế nào, hỏi nơi ngươi” nghĩa là hãy xét xem bản thân tu hành giỏi hay dở mà suy ra cha mình có được Đức Chí Tôn cứu rỗi hay không.
([23]) Lao thân tiêu tứ 勞身消思: Hao mòn thân xác, tổn hại tinh thần.
([24]) Tiền bối Tôn Văn Thi về sau trở thành môn sanh đạo Minh Lý, nhập môn ngày 02-9-1926, pháp danh Hiệp Nhứt, quy vị ngày 03-9-1947, được ân phong quả vị Thiên Long Chơn Nhơn.
([25]) Văn Xương Đế Quân Cứu Kiếp Bảo Sanh Kinh .
([26]) Hình khổ: Khổ hình苦刑. Những hình phạt rất nặng nề.
([27]) Đại Cơ Huờn, Ngài Minh Thiện – Cuộc Đời Và Đạo Nghiệp. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2010, tr. 17-19. (Quyển 32-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
([28]) Môn tông: Tông môn 宗門. Dòng họ.
([29]) Tiền bối Huỳnh Chơn sinh ngày Thứ Bảy 06-02-1904 (21-12 Giáp Thìn) tại xã Long Thạnh, tỉnh Bạc Liêu; quy thiên ngày Thứ Tư 18-4-1973 (16-3 Quý Sửu) tại Sài Gòn.
([30]) Tiền bối Đỗ Vạn Lý sinh ngày Thứ Ba 03-5-1910 tại quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc; quy thiên ngày Thứ Sáu 11-4-2008 tại Chatsworth, Los Angeles, California, Hoa Kỳ. Tiền bối học trung học tại Pháp, rồi tốt nghiệp khoa luật ở Viện Đại Học Sorbonne (Paris), sau đó lấy bằng Master ngành khoa học chính trị (political science) tại Viện Đại Học Columbia University (thành phố New York, bang New York). Vào giữa thập niên 1950, tiền bối làm tổng lãnh sự tại Jakarta (Nam Dương, tức Indonesia) và New Delhi (Ấn Độ). Tháng 9-1963 tiền bối làm đại sứ tại Hoa Kỳ, nhưng bị triệu hồi sau cuộc đảo chánh ngày 01-11-1963. Sau khi thôi giữ chức Tham Lý Minh Đạo kiêm Tổng Thơ Ký tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (nay là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo), tiền bối làm đại sứ tại Nhật hai năm (cho tới tháng 4-1975). Tiền bối là trưởng nam của cụ Đỗ Thuần Hậu (1883-1967, quả vị Huyền Pháp Đạo Nhơn).
([31]) Ân xá trung nguơn: Rằm tháng Bảy xá tội vong nhân (hồn những người chết).
([32]) Đức Diệu Hạnh Tiên Cô là mẹ tiền bối Bạch Tuyết (Lê Ngọc Trang, 1918-1986). Là ái nữ tiền khai Lê Văn Lịch (1890-1947), tiền bối Bạch Tuyết tu tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, đắc quả Quán Pháp Chơn Tiên.
([33]) Nhà riêng tiền bối Thiện Bảo Ngô Chí Bình (1906-1987, quả vị Bảo Tịnh Chơn Thánh) và tiền bối Ngọc Kiều Lê Thanh Kiều (1922-1987, quả vị Hồng Quang Thánh Nương), đặt trên lầu 1 số nhà 165E Cống Quỳnh, quận 1, Sài Gòn. Đây là Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý, tiền thân của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (do Đức Chí Tôn thành lập năm 1965).
([34]) Thánh Nữ thế danh Nguyễn Thị Ký, là mẹ tiền bối Thiện Bảo. Sau này Ngài thăng lên An Hòa Thánh Nương.
([35]) Tiền bối Thanh Liên thế danh là Trần Thị Mỹ (1920-2010).
([36]) Ai hoài 哀 懷 : Buồn nhớ não nuột.
([37]) Cơ 飢 : Đói. Ngạ 餓 : Rất đói. Hàn 寒: Lạnh lẽo.
([38]) Tiền bối Kiến Minh là pháp đàn bộ phận thông công (Hiệp Thiên Đài) của Giáo Hội Cao Đài Thống Nhứt và về sau là Phó Tổng Lý Minh Đạo của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam. Ngài đắc quả vị Đắc Tâm Chơn Thánh.
([39]) Thoát cù lộn quanh: Thoát khỏi luân hồi chuyển kiếp.
([40]) Tiên bang 仙邦: Cõi Tiên.
([41]) Diệu Nguyên, Câu Chuyện Đức Tin. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 17-19. (Quyển 25-3 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
([42]) Bà nội anh Thiện là tiền bối Ngô Thị Có (1889-1959), đắc vị Hồng Cúc Tiên Nương.
([43]) Sinh thời là tiền bối Phan Khắc Sửu (1905-1970), thánh danh Huỳnh Đức, rất thân quen với gia đình đạo trưởng Kiến Minh.
([44]) Diệu Nguyên, Câu Chuyện Đức Tin. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 27-31.
([45]) Tiền bối Nguyễn Thị Ngại sinh năm 1906 tại xã An Khê (nay là phường An Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng). Song thân là ông Nguyễn Hữu Thêm và bà Huỳnh Thị Mùi. Sau khi nhập môn tại thánh thất Trung Thành năm Đinh Sửu (l937), tiền bối xin mẹ cho xuất gia, vào ở hẳn trong thánh thất để chuyên tâm tu học. Ngày Thứ Tư 27-11-1946, quân Pháp tái chiếm Đà Nẵng. Tất cả đạo hữu đều tản cư lên Sở Nông của Cơ Quan Truyền Giáo Cao Đài Trung Việt ở Tý Sé (huyện Quế Sơn). Riêng tiền bối Nguyễn Thị Ngại nhất quyết trụ lại để gìn giữ thánh thất. Thế rồi giữa một cuộc giao tranh khốc liệt, tiền bối đã bỏ mình khi thánh thất Trung Thành trúng đạn pháo sụp đổ tan nát.
Chủ Nhật 26-4-1964 (15-3 Giáp Thìn), Ơn Trên cho tiền bối về cơ với quả vị là Thần Nữ, thọ lệnh Diêu Trì Cung âm phò mặc trợ cho phái nữ thánh thất Trung Thành trên đường tu học. Xem thêm tiểu sử Đức Thần Nữ trong Đại Đạo Văn Uyển, tập Hanh, quý II năm 2012 (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét