Thánh Thất Trung Thành, Ngày 28-01-ĐĐ.31 (Bính Thân) (10-3-1956)
THI
VÔ vi Đạo Pháp độ lần ba,
DANH Đạo càng cao bởi thuận hòa;
TIÊN Phật muốn thành công quả lập,
TRƯỞNG Bồ đề sớm cứu Ta bà.
Bần Đạo chào chư Hiền đệ.
Giờ nầy Bần Đạo đến đây, để lời dạy khuyên cùng chư Chức sắc, Chức việc và toàn Đạo nơi Thánh Thất nầy.
Buổi đời Hạ nguơn, khắp trên hoàn cầu, nhơn loại phải chịu không biết bao đau khổ, trong một giờ, cái chết đem chia đều có hơn năm bảy ngàn người. Kẻ sống vất vả khốn cùng, quằn quại trong chuỗi ngày thảm thương tội lỗi. Một giờ qua đã thấy bao sự biến đổi phi thường, mới nói mới cười, rồi hóa người thiên cổ. Cái đời vì ganh ghét rẽ chia là đời vì miếng ăn, tấm mặc, chỗ ở, nơi làm mà tranh cạnh, đẩy xô tàn sát lẫn nhau, cõi đời trở nên lò gươm đao giết hại. Ôi! Phải chăng vì cộng nghiệp nhiều đời gây nên tai họa để trả trả, vay vay, kết cuộc trần ai là trường tai khốc! Các phái phe mỗi bữa càng nhiều lý tưởng bâng quơ, ba tấc lưỡi khôn ngoan của lòng tham dục, lôi cuốn bao nhiêu tầng lớp nhân dân để xúi giục nhau, giết nhau, không những khác giống riêng nòi mà cốt nhục cũng tương tàn. Ôi! Đau xót cho cảnh nồi da xáo thịt. Nhơn loại còn khôn ngoan lý trí thì còn giết hại lẫn nhau, còn danh lợi quyền mưu thì đẩy cả loài người vào nơi vực thẳm. Trước cảnh tang thương sự tồn vong chuyển đổi, chư Hiền cũng tận thấy tận nghe, mới mạnh như voi rồi mềm tợ sứa, thường kẻ giàu chất đống, nay hóa người ở mướn làm thuê, khách cao chạy xa bay mà giờ nầy chưn cùi tay cụt... Ở đời lắm chuyện éo le, vừa chửi mắng nhau thù địch khạc nhổ nhau đây, mà sao bây giờ lại tôn bưng ca ngợi.
Ôi! Đời đổi đổi thay thay ngày một ngày hai, chép những chuyện vô duyên, dù nước biển Đông làm mực cũng không đủ viết. Thế mà còn phải biểu diễn không biết bao trò cười thêm ứa lụy. Cái bề mặt của đời là thế, thì bề trái của đời nó phải tình tệ gấp mấy triệu lần. Nếu xét nhơn sự mỗi ngày thì cảnh thế không còn chi là nhơn luân thế đạo. Bây giờ các sắc dân không còn cái nghề bợm bãi nhỏ nhen, mà lấy tâm lý lừa nhau để mưu đại chiến, đập trái đất tan tành, phải chăng thiếu lòng thương yêu đạo đức. Sự sống của loài người thấy không giá trị, mạnh được yếu thua, sống tồi tàn, chết coi rẻ rúng. Nhơn loại làm mất cái bản tánh thiên nhiên, mất thiện khí ôn hòa. Hôm nay những kẻ ưu thời mẫn thế tìm đủ cách cứu chuộc lại những đạo đức ngày xưa, nhưng kết quả cũng còn đứng trong phạm vi phe phái. THẦY thấy chúng sanh chìm đắm vô lượng nơi biển khổ A tỳ mà phải dùng điển quang làm Pháp khí, phế Bạch Ngọc Kinh xuống phàm lần ba, quyết độ tận tàn linh, vận chuyển thần thông vẹt đen tối quét chông gai, mở một Kỷ nguyên đạo đức bằng pháp lạ ứng nhập vào người để thét gào cho hồn phách tỉnh mê mà hồi đầu qui tùng Chánh pháp.
Người đến với chúng sanh với một niềm thương yêu vô lượng tràn ngập, chúng sanh bơi lội trong bầu không khí thương yêu, hít lấy sự sống đời đời, tắm gội tình thương yêu và nhuộm thắm lòng thương yêu phủ bằng điển quang để cho nhơn loại không hề ghét ganh tàn phá. Sự thương yêu đã hiện thì ma ganh ghét phải xa, lẽ hằng sống đã đến rồi thì chúa lũ chết của quỉ ma không còn lai vãng. Nên điển quang của THẦY đã đến thì đen tối ngày một dang xa, điển quang là sức mạnh vô song, THẦY đến đây dùng nó làm đội quân tiền phong khai đường chánh, thắng giặc tà, điển quang lại là lằn điện tín để loan báo lẽ phải cho nhơn loại đón tiếp nước lành, dùng điển quang làm một sợi dây thân ái xâu kết bao nhiêu thiện dân vào một chuỗi bồ đề. Chuỗi ấy lăn quay trong bánh Pháp, truyền thần mỗi chủng tử anh minh hóa thành Cao Đài Thánh Tử, luôn luôn được tiếp ứng với cơ mầu nhiệm mà ngày tháng thanh bình, chung sống trong mỗi hạt đều nhuộm tươi Thánh đức, mà điển quang đã đến một nơi nào hay chuyển nhập cho một người nào thì người ấy, nơi ấy đã trở thành cao minh trí tuệ, đã cao minh là THƯỢNG ĐẾ ngự trị đó rồi, mà trí tuệ lại làm đường cứu rỗi, nên người đó có Thánh linh, nơi đó có Thiên mạng, để lo thi hành nhiệm vụ của THẦY để giữ Thánh địa, Thánh tâm, để chờ một ngày đem lại chung một chuồng chiên, không còn để lẻ tẻ trên núi trong rừng mà sói đám hùm bầy tính lăm le chụp bắt. Vì vậy mà giọng còi đã túc, gậy phép đã quơ, mỗi nhóm mỗi bầy, mau gom đem về một.
Nơi nầy đã được điển quang chuyển nhập thì tâm thể tắm gội nhẹ nhàng, điển quang là nước lành, phép lành, để gạn đục phân thanh, ai nhơ bẩn thì nhờ nó mà tẩy rửa cho bụi trần sạch sẽ.
Vậy các Thiên sắc, các Chức việc và Đạo hữu cũng hân hạnh lắm rồi, mà cái hân hạnh đây nó không phải như vật béo món ngon bằng mùi thơm sắc đẹp, mà nó là lẽ mầu nhiệm ẩn vi. Bởi nó chưa có trong lúc chưa cần, ví như sữa của người mẹ lúc chảy là khi có đứa bé con, chớ trong tuổi thơ ấu sức bé làm gì mà có, mà có để làm gì? Cười...
Vậy phép lạ ở trong khi có sự lạ. Bởi vậy THẦY ban ơn cho ta vật gì, ta nên quí trọng mà gìn giữ, đừng để cho vô ích tồi tàn, lúc ra biển cha mẹ nhắc bỏ phao theo, chẳng phải trù rủa chi con, mà sự thương yêu nó hình hiện, nên lúc các đệ tiến bước trên đường trong mùa xuân mát mẻ, trời quang, cảnh tịnh vui tươi, THẦY bảo sắm tơi thì chắc ngày mai có mưa to gió lớn, nên việc xây dựng Đền Thánh và thành lập Giáo hội là pháp môn để cứu thế, trị thế, mà Giáo hội có lập, Đền Thánh có xây, thì nước được cứu, nhà được yên, người được vui, bốn biển được chung ngày hạnh phúc. Nên chi các Hiền chưa rõ mà tưởng rằng THẦY phải nhờ các con cái của Người mới dựng nên cơ sở. Không đâu! Vì muốn cho chư Hiền lập công bồi đức mà cũng để cho thấy lẽ công bình, người Việt xưa nay với một tinh thần Đạo đức, giữ lối nhà Nho, ưng hưởng phần thưởng tinh thần, THẦY mới cho làm chủ mối Đạo, mà cho làm chủ thì phải xứng đáng người anh, anh phải chịu khó vì Đạo quên mình, xá phú xá tài để xây tâm đạo đức, nên một nước nhỏ dân yếu mà THẦY lại cho sứ mạng độ đời. Làm Đền, lập Thất, các đệ kiệm cần mà lo nhịn nhặt mà làm, làm được là phép lạ. Các nước hiện đương chế tàu đúc súng, tìm hơi ngạc, nuôi vi trùng mà các đệ lo Đạo làm Chùa cũng là sự lạ. Nói chi THẦY dùng huyền diệu nơi các nước giàu mạnh, thì làm gì mà không được, nhưng sao khế hợp cơ Trời, công bình bị lệch, một nước giàu mạnh, hưởng một nền văn minh vật chất, hạnh phúc hưởng rồi, mà THẦY lại đem cái hạnh phúc tinh thần cho nữa, thì ai là được, ai là không? Mà có cái Đạo ở nơi mạnh, nơi giàu, nó lấy mạnh mà đàn áp cho nhơn loại phải theo, lấy giàu mua chuộc lòng thèm muốn của người để tu thì làm sao gọi là chân lý? Mà chân lý đâu ở nơi mạnh bằng gươm giáp, đạo đức đâu ở nơi giàu bằng bất nhơn, mà sức mạnh đó để rồi kiêm tính thị trường, chủ quyền nhơn loại. Nếu đạo đức ở nơi ấy thì chẳng phải để cho nó lợi dụng lẽ phải mà tuyên truyền để làm môi giới qui phục thiên hạ vào cái rọ tham lam sao? Nên chi đạo đức không đi đôi với chính trị là thế. Nếu đi đôi thì sao thấy được chân lý là sức mạnh, đạo đức là lẽ phải. Vậy nơi nầy lập công thêm mà chờ hồng ân. (…)
Thôi, Bần Đạo chào và ban ơn điển cho nam nữ đạo hữu./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.
10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS) Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét