Cõi thế gian nầy có thể ví một cách thi vị như những cánh đồng, trong đó con người với nhiều quốc tịch khác nhau, thuộc đủ mọi giai tầng xã hội và mọi trình độ căn trí, có thể được xem như các loại cây lương thực (lúa gạo, lúa mì, lúa mạch, v.v.) và cây hoa màu (đậu nành, khoai tây, rau cải, v.v.) Cùng sinh sống với các loại cây hữu ích cho đời, trên những cánh đồng nầy còn có các loại cây vô ích như lau sậy, cỏ dại, v.v… Đức Giáo Tông Đại Đạo đã có lần minh họa “thế gian này như những cánh đồng ruộng mênh mông”. Ngài dạy:
“Khi tu công bồi đức thật nhiều, huệ khiếu được khai thông, các hiền đệ muội sẽ nhìn thấy thế gian này như những cánh đồng ruộng mênh mông, trong đó có mè, đậu, bắp, khoai, quả, hoa cùng cỏ dại, v.v… chỗ nào cũng có, loài nào cũng vươn mình lên đón lấy ánh thái dương cùng những giọt mưa sương, đua nhau cùng sống.”[1]
Sự liên tưởng nêu trên có vẻ như hạ thấp phẩm vị “vi nhân nan đắc” hay “thiên hạ tối linh” của con người nơi trần thế. Song, điều nầy cũng có thể lý giải được.Thật vậy, mỗi chơn linh con người nơi trần gian đều xuất phát từ những đóa hoa nơi vườn Ngạn Uyển (hay vườn Thượng Uyển) của Đức Diêu Trì Kim Mẫu nơi thượng giới[2]. Kinh đệ nhứt cửu (câu 1) ghi: “Vườn Ngạn Uyển sanh hoa đã héo”, ngụ ý rằng khi mỗi người lìa cõi thế gian thì đóa hoa trên vườn Ngạn Uyển cũng héo tàn.
Con người sanh ra nơi trần gian nầy – mà cũng là trường tiến hóa của vạn loại - không thể sinh tồn và phát triển trên cả hai mặt nhân sinh và tâm linh nếu như không có các bậc thánh nhân, các hàng giáo tổ, các nhà bác học giáng thế với sứ mạng khai sáng và giáo hóa nhân loại từ xưa đến nay. Điều nầy cũng giống như người nông phu có trách nhiệm chăm sóc và vun quén cánh đồng, người chăn chiên có nhiệm vụ nuôi dưỡng đàn chiên, v.v…
“Những bậc góp tay cùng Thượng Đế xây dựng xã hội nhân loại phải là bực chánh đẳng chánh giác.”[3]
Đây chính là trách nhiệm và sứ mạng của các nhà lãnh đạo quốc gia và lãnh đạo tôn giáo trên hoàn cầu.
“Người lãnh đạo một quốc gia là sứ mạng của nhơn sanh, phải nhắm và đạt đến mục đích an dân trị quốc. Nếu không, là không nắm được cái mấu của Thiên mạng để trở thành vị minh quân.
Người lãnh đạo tôn giáo là một sứ mạng của tâm linh, phải nhắm và đạt đến mục đích cứu cánh nhơn loại.Nếu không, là không nắm được cái mấu của Thánh ý để công thành quả tựu.
Nói tóm lại, đạo và đời phải tương hợp.Tâm linh và nhân sinh không thể tách rời nhau được.”[4]
Để dễ hình dung, hãy xem mỗi tôn giáo như một cánh đồng riêng biệt và có thể gọi cánh đồng đạo Cao Đài là cánh đồng Đại Đạo. Do thánh thất hoặc thánh tịnh của đạo Cao Đài là những đơn vị căn bản của thánh thể Đức Chí Tôn tại thế gian nên cũng có thể xem các nơi đó như vô số cánh đồng nhỏ cấu thành nên cánh đồng Đại Đạo bao la, mênh mông.
Tương tự, cũng có thể ví cõi thế gian như hằng hà sa số khu vườn nhỏ trong một khu vườn khổng lồ. Lẽ tất nhiên, đó cũng chính là khu vườn Đại Đạo khi đề cập đến nội bộ tôn giáo Cao Đài. Con người trên thế gian vì thế có thể được xem như những cỏ cây hoa lá điểm xuyết cho khu vườn nhân thế.
“Nên quan niệm rằng mọi hình thức chia ranh xẻ giới ở thế gian là do người thế gian đặt ra trong những bối cảnh nào đó mà thôi. Đối với Thượng Đế, tất cả là một khu vườn Đại Đạo.”[5]
Mặt khác, thế gian nầy cũng giống như một đàn chiên khổng lồ gồm vô số đàn chiên nhỏ luôn cần có người người chăn chiên chăm sóc dìu dẫn. Đức Cao Triều Tiền Bối đã có lần thổ lộ vai trò của Ngài khi còn sanh tiền như sau:
“Những con chiên sẽ bị lạc lõng hay bị móng vuốt của hổ lang nếu nó xa rời bầy hay người chăn chiên. Các em cũng thế.Nếu các em đã thật sự có đủ sức tác năng thì Thượng Đế sẽ không cho người trông coi các em nữa.Tiên Huynh cũng là một trong sứ mạng chăn chiên ngày trước.”[6]
Như vậy, suy cho cùng, cánh đồng Đại Đạo hay khu vườn Đại Đạo, hay đàn chiên Đại Đạo cũng chung một ý nghĩa vậy. Một điều tất yếu là cánh đồng Đại Đạo thì bao la rộng lớn, do đó, cần phải có thật nhiều nông phu hay người làm vườn chăm sóc.Trong công việc điều hành cánh đồng đòi hỏi rất nhiều cấp quản lý trung gian.Vấn đề đặt ra là cách thức phát triển cánh đồng Đại Đạo như thế nào để thâu hoạch được năng suất cao, mang lại hiệu quả nhiều nhất?Muốn vậy, người nông phu cần chú ý đến hai yếu tố là gieo giống và chăm sóc cây trồng.
°Gieo giống
Quá trình gieo giống gồm hai công đoạn là chọn giống và chọn địa điểm gieo giống. Chọn giống tốt nhằm bảo đảm khả năng phát triển của cây trồng để có thể đơm bông kết trái sau một chu kỳ canh tác; còn chọn địa điểm gieo trồng là để tìm ra môi trường tương thích cho hạt giống có thể phát triển trong suốt quá trình sanh trưởng. Trong lãnh vực tôn giáo, sứ mạng gieo giống chính là sứ mạng giáo dân vi thiện nhằm tạo lập xã hội thánh đức cho muôn dân.
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn trong một lần giáng điển cũng đã lặp lại câu chuyện gieo giống mà Đức Chúa Giê-su Ki-tô kể cho các hàng môn đồ về các tình huống có thể xảy ra trong quá trình gieo giống như sau: hạt giống có thể rơi ở mé đường hiu quạnh cô liêu, nơi bờ đá khô khan nóng bỏng, tại đám gai rậm rạp um tùm hoặc trên đất đai phì nhiêu màu mỡ. Ngài dạy:
“Khi Đức Chúa Giê-su cùng chư môn đồ giảng đạo trước quần chúng, Chúa dùng lời thí dụ chuyện gieo giống.Các hạt giống được đem gieo, những hạt bị rơi ở mé đường cũng không khỏi bị chim chóc nó nuốt đi.Những hạt rơi trên tảng đá, sống tạm vào chút ít cát bụi mà lên, cũng không khỏi bị úa tàn vì rễ không châm sâu được.Những hạt rơi vào lùm bụi gai góc cũng lên, nhưng bị nghẹt vì gai góc.Còn những hạt rơi vào đất tốt sẽ nẩy tược đâm chồi và kết quả.
Môn đồ hỏi Chúa: Thí dụ như thế có ý gì? Chúa bảo rằng: Hạt giống là Đạo, Thiên Chúa ban cho, còn những hạt rơi trên mé đường là những kẻ nghe đạo nhưng ma quỉ sợ họ tin rồi được cứu rỗi đi nên chực rước đạo ra khỏi lòng họ. Những hạt rơi trên đá là những kẻ nghe đạo bèn vui mừng nhận lấy, nhưng họ không có rễ, chỉ tin tạm mà thôi, khi gặp sự cám dỗ thì họ sẽ ngã.Những hạt rơi vào gai góc là những kẻ nghe đạo rồi bị sự lo lắng giàu có, vui thú của đời sống làm nghẹt đi mà không sanh được trái chín.Còn những hạt rơi vào đất tốt là những kẻ nghe đạo rồi lấy lòng thành thật lương thiện mà gìn giữ, nhẫn nại mà kết quả.
Chư hiền đệ hiền muội! Chính hôm nay Lão muốn nói lại lời Chúa Giê-su với chư hiền, vì chư hiền là môn đồ của Chí Tôn Thượng Đế. Chư hiền sẽ lãnh hội và đem nói với con cái Đức Chí Tôn về ý đạo ấy. Lão muốn hạt giống đạo được gieo vào đất tốt để đơm hoa kết quả. Lão muốn mỗi người đều tìm cầu cái đạo ở bên trong mà đừng tìm cầu ở bên ngoài.”[7]
Tuy nhiên, nếu người nông phu quá thận trọng không biết gieo giống tốt vào nơi đâu thì hạt giống ấy tuy sẵn có mà cũng như vô dụng.Mặt khác, nếu gieo giống vào nơi đã có người gieo giống rồi thì cũng lãng phí hạt giống tốt mà thôi.
°Chăm sóc
Hạt giống tốt được gieo trồng vào cánh đồng màu mỡ sẽ không tự nó sanh trưởng để đơm hoa kết trái được mà cần có người nông phu một nắng hai sương thường xuyên chăm sóc, nhổ cỏ tỉa cành, vun phân tưới nước. Khi nào người nông phu lo lắng và chăm sóc cánh đồng như chính bản thân mình thì kết quả thâu hoạch trên cánh đồng sẽ không phụ lòng người đã bỏ bao công sức trên cánh đồng đó vậy.
Nhân kỷ niệm ngày Khai Minh Đại Đạo năm Đinh Tỵ (1977), Đức Đông Lâm Tiên Trưởng đã xác nhận sứ mạng gieo giống của dân tộc Việt Nam trên viễn đồ xây dựng cõi thiên đàng tại thế gian. Ngài dạy:
“Trải 50 mùa Khai Minh Đại Đạo, Việt Nam trên mảnh đất quê hương nhỏ bé này đã được ân, dân tộc này được tiền phong lãnh sứ mạng gieo giống cho công cuộc tái tạo dinh hoàn, nên chi tay thợ cày lo sát cỏ xới đất lượm nhặt góc gai, lấp hố hầm cho vườn nên trật tự. Còn những người lãnh giống có bổn phận gieo trồng tưới nước vun phân. Mỗi người mỗi việc, tuy có khác nhau, kỳ thật đào thải hay bảo tồn đều trong sứ mạng xây dựng Nam bang trở thành thánh địa nói riêng, và cõi đời thánh đức cho thế giới nhân loại nói chung.”[8]
Cánh đồng Đại Đạo có thể xem như Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ bao gồm rất nhiều cấp độ như: thế giới, quốc gia và các đơn vị hành chánh trực thuộc. Nếu hình dung một cách đơn giản thì có thể phân chia việc quản lý làm hai cấp là trung ương và địa phương. Giáo Tông là phẩm vị đứng đầu Hội thánh Cửu Trùng Đài ở cấp trung ương với trách nhiệm thay mặt cho Đức Chí Tôn tại thế gian để chăm nom, dìu dẫn cho toàn cả môn đệ của Thầy.
“Trên hết có một phẩm Giáo Tông là Anh Cả có quyền thay mặt cho Thầy mà dìu dắt cả tín đồ trong đường đạo và đường đời.Đức Giáo Tông có quyền về phần xác, chớ không có quyền về phần hồn.Đức Giáo Tông có thể thông công cùng Tam Thập Lục Thiên và Thất Thập Nhị Địa mà cầu rỗi cho cả tín đồ.Chư tín đồ phải tuân mạng lịnh phẩm ấy.” (Tân luật, Phần Đạo pháp,Điều 1, Chương 1)
Còn việc gần gũi, hướng dẫn trong tình thân tộc đối với tín đồ ở cấp địa phương thì tùy thuộc vào qui mô phạm vi hành chánh nhỏ hoặc lớn tương ứng với phẩm vị Giáo Hữu hoặc Giáo Sư. Trách nhiệm của Giáo Hữu được qui định nơi Tân Luật như sau:
“Giáo Hữu là người phổ thông chơn đạo của Thầy, đặng quyền xin chế giảm luật lệ đạo, được phép hành lễ khi làm chủ mấy cái chùa (thánh thất, thánh tịnh) nơi mấy tỉnh nhỏ.” (Phần Đạo pháp, Điều 6, Chương 1)
Giáo Sư là phẩm vị chịu trách nhiệm nâng đỡ, chăm nom tín đồ cấp địa phương thuộc đơn vị hành chánh lớn. Tân Luật qui định:
“Giáo Sư là người để dạy dỗ chư tín đồ trong đường đạo và đường đời. Buộc Giáo Sư lo lắng cho chư tín đồ như anh ruột lo cho em. Giáo Sư cầm sổ bộ của cả tín đồ, phải chăm nom về sự tang hôn của mỗi người. Như tại châu thành lớn, Giáo Sư được quyền cai quản và cúng tế Thầy như thể Đầu Sư và Phối Sư. Giáo Sư đặng quyền dâng sớ cầu nài về luật lệ làm hại nhơn sanh hay là cầu chế giảm luật lệ ấy. Giáo Sư phải thân cận với tín đồ như anh em một nhà cần lo giúp đỡ.” (Phần Đạo pháp, Điều 5, Chương 1)
Như vậy, xuyên suốt từ phẩm vị Giáo Hữu, Giáo Sư ở cấp địa phương thánh thất, thánh tịnh cho đến phẩm vị Giáo Tông ở cấp trung ương hội thánh, đều cùng đảm đương một trách nhiệm chung nhất là dùng tình thương “thân cận”, “lo lắng”, “chăm nom”, “dìu dắt”, “giúp đỡ” và “dạy dỗ” nhơn sanh trong một đại gia đình hay một cánh đồng Đại Đạo vậy.
Mỗi đơn vị thánh thất thánh tịnh là một phần tử hữu cơ của cánh đồng Đại Đạo có sứ mạng hết sức thiêng liêng cao cả. Đây là một trường giáo đạo cho nhân sanh địa phương.Đó cũng không ngoài sứ mạng gieo giống vậy. Việc xây dựng mô hình thánh thất, thánh tịnh kiểu mẫu là một yêu cầu rất cấp thiết, bởi lẽ chính mẫu số chung nầy là tiền đề cho việc thống nhứt Đại Đạo được thành tựu trong tương lai. Việc tổ chức tu học hành đạo và thuyết đạo hai ngày sóc vọng hàng tháng liên tục không gián đoạn tại các thánh sở chính là gieo giống đạo đức nơi cánh đồng Đại Đạo.Tu học chính là nền tảng vững chắc cho việc hành đạo đạt kết quả. Tuy nhiên, hành đạo còn có thể vươn ra khỏi phạm vi thánh sở địa phương, bởi vì đó có thể xem như một dòng nước chảy luân lưu cùng khắp.
“Hành đạo đâu phải chỉ đóng khung trong thánh thất, thánh đường, chùa chiền, am tự. Hành đạo là xây dựng cả một thế hệ và những thế hệ tiếp nối mãi mãi.Hành đạo là gieo giống lành cho đất nước, cho dân tộc đó vậy.”[9]
Những loại cây lương thực hay cây hoa màu trên cánh đồng đều phải tự mình hấp thu những tinh ba tú khí, ánh nắng thái dương của trời đất để vươn lên tăng trưởng. Tương tự, mỗi người tín đồ Cao Đài cũng phải tự un đúc bản thân để xứng đáng là môn đệ của Đức Chí Tôn bằng cách giữ trai kỳ theo qui định, tuân hành giới qui và Tân Luật của Đại Đạo, đến thánh thất hai ngày sóc vọng hàng tháng để hành lễ và học tập. Đó là trách nhiệm tối thiểu của người giữ đạo. Ngoài ra, do trình độ căn trí không đồng đều nên các đạo hữu có trách nhiệm nâng đỡ lẫn nhau trong tình huynh đệ để cùng học, cùng tu, cùng tiến bộ. Đó chính là tinh thần “học thầy không tày học bạn” vậy.
Trong một cánh đồng, ngoài những cây đang vươn mình đâm chồi nẩy tược, còn có một số cây bị sâu rầy phá hoại làm cho lá bị héo hon, thân bị lụi tàn. Người nông phu cần phun thuốc trừ sâu để không cho tình trạng nhiễm bệnh lây lan khắp cả cánh đồng. Trường hợp cây bệnh không phục hồi được thì buộc lòng người ta phải nhổ bỏ nó đi, phải đành hi sinh những cây bị bệnh để bảo vệ cánh đồng khỏi dịch bệnh lan tràn. Đó cũng là biện pháp bất đắc dĩ. Đối với cánh đồng Đại Đạo, trong một tập thể thánh sở Cao Đài cũng không tránh khỏi vài trường hợp cá biệt do không vượt qua được những tập nhiễm xấu hoặc không chế ngự được thất tình lục dục xui khiến nên có những lâm vấp. Trong trường hợp nầy, người có trách nhiệm trong thánh thất sẽ khuyên nhủ trong tình huynh đệ và người tín hữu được dạy quì hương và tụng kinh Sám Hối. Tân Luật có qui định như sau:
“Trong bổn đạo ai có phạm luật pháp về mấy điều khoản nhẹ, thì về quyền người làm đầu trong Họ phân xử và đặng răn phạt quì hương tụng kinh Sám Hối.” (Phần Đạo pháp, Điều 26, Chương 7)
Luật đạo chỉ dùng tình thương mà cải tật cho nhau, nhưng đối với trường hợp người tín hữu không biết ăn năn sám hối và tập thể không còn có thể dùng một phương cách giáo hóa được nữa thì biện pháp sau cùng chẳng đặng đừng là đưa ra khỏi tập thể thánh sở để tránh làm những tấm gương xấu cũng như làm hoen ố thánh thể Đức Chí Tôn tại thế gian. Đức Giê-su Ki-tô đã minh họa một cách sinh động bằng hình ảnh của chuồng chiên như sau:
“Chư môn đồ ôi!Các chuồng chiên trên thế trần này được tạo lập rất nhiều nhưng không chuồng nào được trọn vẹn những chiên lành chiên mập. Dù sao cũng bị sa sút một vài phần gầy ốm, hoặc bị bịnh ghẻ lâu hoặc vì thiếu sự săn sóc chăm nom theo kỷ luật. Chư môn đồ nên lưu ý điều này.Các chuồng chiên đều có chiên đi lạc.Nhưng khi lạc rồi, biết trở về thì chủ chuồng và người chăn chiên hết sức vui mừng đón tiếp vậy. Nhưng phải tắm rửa chiên ấy cho sạch sẽ phòng ngừa sự nhiễm độc mà hại lây trong chuồng chiên. Còn một điều lo ngại: chiên bầy thấy chiên lạc về có con lại hoảng hốt vì tánh nhát nhúa mà chạy khang. Đó là một việc có lý vậy.”[10]
°Tâm điền
Ngoài cánh đồng bên ngoài, mỗi người đồng thời sở hữu cánh đồng bên trong nội tâm, được gọi là tâm điền.Sở dĩ gọi đó là tâm điền vì nó cũng giống như cánh đồng bên ngoài vậy. Do đó, tâm điền cũng cần được gieo giống đạo đức vào đó để lòng đạo luôn củng cố, tâm điền cũng cần được thường xuyên lượm lặt cỏ dại để tội lỗi tiêu trừ, tâm điền cũng cần được tưới nước vun phân để đạo tâm tăng trưởng. Do đó, Đức Quan Âm Bồ Tát hằng khuyên nhủ chư môn đồ:
“Nên cố gắng học đạo, bồi công lập đức tu hạnh cho giống lành tăng trưởng ở tâm điền mới khỏi loài cỏ hoang chiếm mọc.”[11]
Thật vậy, khi ánh sáng đạo đức soi rọi vào bên trong nội tâm đến đâu thì bóng tối của màn vô minh bị đẩy lùi đến đó. Tương tự, khi hạt giống đạo đức tăng trưởng bên trong tâm điền bao nhiêu thì những mầm mống tội lỗi bị triệt tiêu tương ứng. Việc quán chiếu nội tâm hay hồi quang phản chiếu để tâm được thanh tịnh ngõ hầu diệt trừ những chướng ma tham, sân, si, phiền não ẩn nấp nơi tâm điền của hành giả. Đây cũng chính là pháp môn nội tu nhằm thanh lọc thân tâm của hành giả.
“Phương pháp thành công của các bậc giáo tổ đạo gia khi xưa, trước tiên là phản tỉnh nội cầu, hồi quang phản chiếu. Có nhìn vào trong, xem xét bên trong mới giảm bớt được sự thâu nạp vô tiết độ, khoát vén tảo trừ lớp vô minh che lấp, bịnh hoạn, chấp trước, phân biệt, ích kỷ, độc tôn, phiền não, v.v… Tóm lại là những thứ vật tảo hại tâm linh mà nhận lầm là conlà quyến thuộc. Còn biết soi sáng vào mình mới thấy cơ năng hoạt động, sẽ hòa theo nhịp điệu Hóa Công mà phát huy cho công năng của nhân sinh, của vũ trụ.”[12]
° Lời kết
Tóm lại, cánh đồng Đại Đạo có luôn được phì nhiêu màu mỡ hay không là tùy thuộc phần lớn vào việc gieo giống và chăm sóc. Thánh thể Đức Chí Tôn tại thế gian có phát huy được sự mầu nhiệm trong công cuộc tận độ Kỳ Ba và xây dựng cõi đời thánh đức cũng tùy thuộc phần lớn vào việc mỗi người tín hữu Cao Đài có làm sáng danh Thầy danh Đạo hay không? Muốn vậy, việc gieo giống và chăm sóc tâm điền của người tín hữu Cao Đài thực sự là một việc làm cấp thiết và mang ý nghĩa thực tiễn.
Bao nhiêu công quả, bấy nhiêu phần,
Gắng chí mà gieo giống nghĩa nhân,
Cây tốt sum sê tua tủa trái,
Nhờ người tưới nước giỏi vun phân.[13]
Cánh đồng Đại Đạo bên ngoài càng màu mỡ, phì nhiêu bao nhiêu thì cánh đồng bên trong nội tâm hay tâm điền của mỗi người con tin Đức Cao Đài cũng phải rực rỡ, chói sáng bấy nhiêu.
Hạ Chí Đinh Hợi (2007)
-----------------------------
[1] Ngọc Minh Đài, 01-11 Bính Ngọ (12-12-1966)
[2] Đức Diêu Trì Kim Mẫu ban ơn cho đồng tử H.M. tại Cơ Quan khi đã hành xong phận sự: “Dụng hoa thảo trong vườn Thượng Uyển,/ Vật vô hình linh hiển biến thông;/ Tùy thời xuống cõi trần hồng,/ Giúp người sứ mạng vững lòng tế nhơn./ Vào cõi tục nhiều cơn gian khổ/ Vẫn chưa tròn nguyện nọ còn ghi;/ Thương con bản chất ấu nhi,/ Thời gian giúp Đạo thực thi can trường.” CQPTGL, 01-6 Đinh Tỵ (16-7-1977).
[3] Đức Giáo Tông Đại Đạo, Chí Thiện Đàn, 26-8 Nhâm Tý (03-10-1972)
[4] Đức Giáo Tông Đại Đạo, Ngọc Minh Đài, 15-4 Kỷ Dậu (30-5-1969)
[5] Đức Bát Nhã Thiền Sư, Minh Lý Thánh Hội, 07-01 Quý Sửu (09-02-1973)
[6] CQPTGL, 15-10 Kỷ Mùi (04-12-1979)
[7] Vĩnh Nguyên Tự, 12-02 Quý Sửu (25-12-1973)
[8] CQPTGL, 15-10 Đinh Tỵ (25-11-1977)
[9] Đức Minh Đức Đạo Nhơn, CQPTGL, 10-02 Nhâm Tý (24-3-1972)
[10] Tòa Thánh Tiên Thiên, 09-11 Quý Mão (24-12-1963)
[11] Minh Lý Thánh Hội, 01-8 Canh Tuất (01-9-1970)
[12] Đức Đông Lâm Tiên Trưởng, CQPTGL, 15-10 Đinh Tỵ (25-11-1977)
[13] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, CQPTGL, 03-12 Đinh Mùi (02-01-1968)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét