ngày rằm tháng 3 năm Đinh Hợi (01-5-2007)
Tam công là phương pháp tu hành của người môn đệ Cao Đài trong Tam kỳ Phổ độ bao gồm công quả, công trình và công phu. Một cách khái quát, công quả là giúp đời tế chúng, công trình là rèn luyện thân tâm, còn công phu là tham thiền nhập định hầu đạt đến giải thoát tại trần gian và siêu xuất thế gian.
Tam công cũng tương tự như pháp Ba-la-mật của đạo Phật, trong đó, công quả tương ứng với bố thí Ba-la-mật; công trình tương ứng với trì giới, nhẫn nhục và tinh tấn Ba-la-mật; còn công phu tương ứng với thiền định và trí huệ Ba-la-mật. Đức Quan Âm Bồ Tát xác tín:
“Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, chư hiền đệ muội không có cái pháp Ba-la-mật, nhưng thay vào đó cái pháp Tam công cũng là đầy đủ lắm rồi. Thực hành được Tam công là chứng được đạo quả mà Phật thường cho là Bồ Tát hạnh. Chư hiền lãnh sứ mạng một tín đồ, một người hướng đạo đều phải cố công tu học để hoàn tất Tam công.”[1]
1. Ý NGHĨA CÔNG PHU
Công phu là tập trung tư tưởng vào một việc mà mình đang thực hiện trong thời điểm hiện tại. Những nhà khoa học tập trung tư tưởng vào một đề tài nghiên cứu và đến một lúc nào đó sẽ tìm ra được đáp số, còn gọi là sáng kiến hay phát minh. Tương tự, khi chúng ta tập trung tinh thần đọc sách, tức là trong lúc đọc sách, tâm tư không suy nghĩ bất cứ một việc gì khác ngoài việc đọc sách. Lúc bấy giờ, việc đọc sách cũng được gọi là công phu, nhưng đó là công phu vô ý thức.
Trong lãnh vực đạo giáo, công phu có ý thức khi thực hiện theo phương pháp tôn giáo, hay còn được gọi là pháp môn. Đức Quan Âm Bồ Tát minh họa sự khác biệt giữa công phu vô ý thức và công phu có ý thức như sau:
“Một hiền muội mắt hơi làn, xỏ kim không kiếng, nhắm vào một chỗ để luồn sợi chỉ cho qua, có khi mất cả mười phút. Trong mười phút đó chắc chắn rằng tâm thanh tịnh không tưởng việc nào khác hơn là luồn chỉ qua kim. Như vậy không gọi là công phu được sao? Nhưng đó là thiền định vô ý thức. Thay vì chăm chú vào mối chỉ lỗ kim, hãy chăm chú vào ngọn nhang, ánh đèn Thái Cực, hoặc nhìn chăm chú vào Thiên Nhãn, đừng tưởng việc chi khác hơn, đó cũng là khởi đầu cho động tác công phu thiền định rồi vậy.”[2]
1.1. Ý nghĩa công phu
Con người do mang xác thân hữu hình nên không sao tránh khỏi bị thất tình lục dục chi phối, khuấy động, sai khiến, làm cho con người phải chịu đọa đày, luân hồi nghiệp quả. Lục căn là sáu cơ quan của con người gồm: nhãn (mắt), nhĩ (tai), tỷ (mũi), thiệt (lưỡi), thân (xác thân) và ý (tư tưởng). Sáu cơ quan này khi giao tiếp với lục trần sẽ khiến cho tâm con người xao động sinh ra lục dục. Kinh Đại Thừa Chơn Giáo dạy những tác hại của lục dục như sau:
“Thất tình lục dục là mối loạn hằng ngày ở trong tâm trí, không phương trừ khử. Một đám giặc liệt cường tài trí đánh phá ruồng trong núi cao non thẳm còn dễ trừ diệt đặng, chớ mối loạn nơi tâm khó mà diệt đặng cho yên, nhứt là ma lục dục: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, nó phá hại hằng ngày.
Nhãn thì ưa màu sắc tốt đẹp.
Nhĩ thì thích nghe những giọng nói tao nhã thanh bai.
Tỷ thì ưa mùi thơm, hơi ngọt.
Thiệt thích nếm vật lạ món ngon.
Thân thì mến vợ đẹp, hầu xinh, cả dục tình cùng dâm niệm.
Ý lại tư tưởng vất vơ quấy quá. Mà nhứt là ý, là mối đại hại cho con người.”[3]
Còn thất tình là bảy trạng thái tâm lý mang tính đối đãi của con người gồm: hỷ (mừng), nộ (giận), ái (thương), ố (ghét), ai (buồn), lạc (vui) và cụ (sợ). Kinh Đại Thừa Chơn Giáo cũng dạy về những mối hại của thất tình như sau:
“Đây Thầy nói về thất tình là hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ. Con người bị thất tình lục dục mà hao tổn tinh thần, tiêu mòn khí phách. Nó luôn đẩy xô nhân loại vào ao lửa núi gươm, hang sâu vực thẳm.
Hỷ, nộ, ái, ố, toàn là sự thường tình hèn thấp của con người; lúc mừng, khi giận, hồi thương, không chừng không mực.
Hỷ là mừng, nộ là giận. Hễ gặp sự vui thích, thỏa vừa lòng dục thì mến mà mừng. Còn gặp điều nghịch lý, bất mãn tâm tà, lại thảm, lại sầu mà giận. (…)
Ái là yêu, ố là ghét. Hễ thuận tình trìu mến, khoái sự ái ân thì mê, thì thích mà yêu. Còn nghịch chỗ mong ham, trái lòng thèm muốn lại gổ lại ganh mà ghét. Bị vậy tinh huyết thần lực mới chóng giảm suy.
Còn những ai, lạc, cụ là buồn, vui, sợ thì cùng là những món rất hại trong đám thất tình.” [4]
Thất tình lục dục chính là một phần của con người, nên không thể diệt trừ nó; bởi lẽ, diệt thất tình lục dục là diệt chính mình. Vì thế, con người cần điều phục và làm chủ thất tình lục dục để biến thất tình thành thất bửu, lục dục ra lục thông. Thất tình lục dục không phải từ bên ngoài thân, mà nó tác động bên trong nội tâm của mỗi người. Do đó, muốn chuyển hóa thất tình lục dục thì phải quay vào quán chiếu nội tâm, hồi quang phản chiếu để thu hồi các giác quan vào bên trong nội thân. Đó chính là công phu vậy.
° Phản tỉnh nội cầu hay Hồi quang phản chiếu
Phản tỉnh nội cầu hay hồi quang phản chiếu là nhìn vào bên trong, soi sáng vào chỗ thâm sâu của nội thể nhằm đạt đến tâm thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh thì thất tình lục dục không thể dấy động được. Đức Bảo Pháp Chơn Quân dạy:
“Muốn thanh tịnh phải phản tỉnh nội cầu để loại trừ hết những chướng ma sân si phiền não thì hồi quang phản chiếu mới suốt thấu được chỗ huyền nhiệm của Như Lai.”[5]
Phản tỉnh nội cầu mang đến cho hành giả diệu dụng rất thâm sâu, được Đức Đông Lâm Tiên Trưởng tóm tắt như sau:
“Phương pháp thành công của các bậc Giáo tổ Đạo gia khi xưa, trước tiên là phản tỉnh nội cầu, hồi quang phản chiếu. Có nhìn vào trong, xem xét bên trong mới giảm bớt được sự thâu nạp vô tiết độ, khoát vén tảo trừ lớp vô minh che lấp, bịnh hoạn, chấp trước, phân biệt, ích kỷ, độc tôn, phiền não, v.v…”[6]
° Luyện tâm
Đối tượng của công phu thuộc về phạm trù của tâm. Vì thế, công phu chính là luyện tâm.
Tâm có định rồi thân mới an,
Tâm còn điên đảo ắt nguy nàn,
Công phu là để tâm an định,
Nên đạo nên người chốn thế gian.[7]
Muốn luyện tâm thì cần ứng dụng công phu thiền định làm phương tiện. Thật vậy:
Thiền là tâm vô niệm.
Định là dừng lại tất cả.[8]
° Thức ăn cho linh hồn
Con người có thể xác và linh hồn; Thể xác cần có những chất để nuôi dưỡng hàng ngày như cơm ăn, áo mặc, không khí để thở, v.v. Tương tự, linh hồn cũng cần phải có những chất để nuôi dưỡng hàng ngày. Công phu chính là thức ăn cho linh hồn vậy. Kinh Đại Thừa Chơn Giáo dạy:
“Mỗi ngày các con công phu bốn buổi là nuôi linh hồn. Các con chẳng nên bỏ một thời nào đặng linh hồn nhờ khí ấy mà sáng suốt, khôn ngoan, cứng cát vậy. Thì giờ công phu của các con là thì giờ linh hồn ăn uống.”[9]
Đức Đông Phương Chưởng Quản cũng dạy lý đạo tương tự như sau:
“Đáng lý ra muốn đạt Đạo cao thâm vi diệu, hay đắc nhứt cũng thế, phải xem sự công phu tịnh dưỡng như là món ăn, thức uống, hơi thở dinh dưỡng liên tục cho phần nhục thể hằng ngày mới phải.”[10]
° Phương tiện tu giải thoát
Cứu cánh rốt ráo của công phu chính là nhắm đến đích điểm giải thoát ngay tại trần gian và giải thoát khỏi trầm luân nơi cõi dục giới. Kinh Đại Thừa Chơn Giáo dạy:
“Trời ban cho mỗi người một điểm linh quang (nguơn thần). Điểm linh quang ấy phải đầu thai xuống thế giới hữu hình vật chất này, mượn xác phàm tu luyện mới thành Tiên đắc Phật. Nhờ có cái xác phàm này mới thành Đạo mà tạo Phật tác Tiên, tiêu diêu cảnh lạc. Tại sao vậy? Tại tuy có nguơn thần mà không có nguơn tinh, nguơn khí thì làm sao tạo thành Nhị xác thân? Nguơn thần là dương, nguơn khí là âm. Đạo phải có âm dương mới sản xuất anh nhi tạo thành xá lợi.”[11]
1.2. Công phu và thiền định, trí huệ Ba-la-mật
Công phu trong đạo Cao Đài tương ứng với thiền định và trí huệ Ba-la-mật trong đạo Phật.
Bố thí, trì giới, nhẫn nhục và tinh tấn Ba-la-mật thuộc phạm trù tu phước. Thiền định và trí huệ Ba-la-mật thuộc phạm trù tu huệ.
Thiền (hay là thiền na) có nghĩa là dùng tâm tĩnh lặng, trống không để suy tư một chủ đề đạo pháp. Định (hay là tam muội) có nghĩa là tập trung tư tưởng vào một vấn đề duy nhứt. Ba-la-mật là bến bờ giải thoát. Thiền định Ba-la-mật là dùng tâm an nhiên soi sáng vào nội tâm để nghĩ ngợi, xét suy cho cùng tột cái lẽ huyền vi của đạo pháp.
Trí là thể tánh sáng suốt trong sạch. Huệ là diệu dụng xét soi tự tại. Trí huệ Ba-la-mật là thể tánh sáng suốt, soi sáng bản thể sự vật không một chút sai lầm.
Trí huệ do thiền định mà phát sanh. Bởi lẽ, huệ do định mà thành tựu. Vì thế, thiền định là nhân và trí huệ chính là quả của đạo giải thoát.
1.3. Công phu trong mối tương quan Tam công
Như đã trình bày, Tam công là phương pháp tu hành của đạo Cao Đài trong Tam Kỳ Phổ Độ, gồm: Công quả, công trình và công phu. Công quả là giai đoạn tu phước, công phu là giai đoạn tu huệ. Công trình là gạch nối liền giữa công quả và công phu. Thực hành đồng thời công quả và công phu, tức là phước huệ song tu.
Công quả nhằm tô bồi nền tảng âm chất. Công trình nhằm hoàn thiện hóa bản thân, còn công phu nhắm đến mục tiêu giải thoát.
Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy: “Công quả là một việc xây nền đắp móng. Tu luyện là tạo một sự nghiệp vĩnh cửu trường tồn.”[12]
Tam công có mối quan hệ hỗ tương lẫn nhau và tạo thành một thế chân vạc bền vững. Công phu và công quả tương quan mật thiết với nhau. Công quả là nền tảng để việc thực hành thiền định kết quả, tức là công quả tác động hỗ trợ cho công phu; ngược lại, công phu với tác dụng “tưới gốc sẽ sum cành” giúp cho con người phát triển “bồ đề tâm” để hăng say thực hành công quả. Ngoài ra, việc hồi hướng điển lành sau khi tọa thiền tạo ra công đức. Do đó, công phu có tác dụng hỗ trợ và bồi đắp cho công quả thêm sâu dày.
Tương tự, công phu và công trình có sự tương quan với nhau. Công trình với việc tinh nghiêm giới luật và khắc phục tính giải đãi biếng lười là yếu tố quan trọng giúp công phu thành tựu; ngược lại, cũng với tác dụng “tưới gốc sẽ sum cành”, công phu giúp con người mỗi ngày được hoàn thiện hóa để làm gương tốt cho người khác noi theo, tức là công phu hỗ trợ cho công trình.
2. TÁC DỤNG CỦA CÔNG PHU
Công phu gồm nhiều pháp môn như cúng tứ thời, trì niệm danh hiệu Đức Chí Tôn, thực hành đạo pháp, v.v. Trong đó, đạo pháp chính là phương tiện cốt lõi và quan trọng nhất của công phu; bởi lẽ, đây là pháp môn nhằm cứu cánh con người giải thoát tại trần gian và vượt ngoài vòng kềm tỏa của luân hồi sanh tử. Do đó, tác dụng của công phu cũng chính là tác dụng của đạo pháp. Đức Đông Phương Chuởng Quản minh giải về tác dụng của đạo pháp như sau:
“Chư hiền đệ muội! Bần Đạo nhắc lại về tác dụng của đạo pháp:
1. Trước nhất là điều hòa thần khí, an định thân tâm. Thần khí thân tâm có được điều hòa ổn định thì con người luôn luôn tươi nhuận khỏe mạnh không phải bận tâm những thời kỳ thuốc men khan hiếm.
2. Thứ hai là cho tâm linh được mẫn tuệ minh linh sáng suốt, tự chọn đường đi lối về, nẻo tắt đường quanh của đời cũng như đạo và am hiểu được sự rủi may tốt xấu xảy đến cho mình.
3. Ba là hội tụ điển lành từ nội tâm phát ra lời nói êm ấm dịu dàng dễ thương dễ cảm dễ chinh phục tha nhân vào đường chánh giáo.
Đó là ba điểm chánh yếu thực tiễn của đạo pháp ngay khi còn tại thế. Còn việc thành Tiên tác Phật đó là thứ yếu mà thôi. Hễ công viên quả mãn đương nhiên kết thành quả vị, nhưng đó là giai đoạn ở cõi siêu linh.”[13]
Công phu có tác dụng nhằm an định thân tâm để tâm hồn luôn được an vui, thung dung, tự tại. Do đó, công phu chính là phương pháp dưỡng sinh hiệu nghiệm.
Xã hội càng văn minh vật chất bao nhiêu thì con người càng bị căng thẳng thần kinh bấy nhiêu. Thật vậy, tại các nước phương Tây, con người thường xuyên mắc phải chứng bệnh gọi là “stress” vì lúc nào cũng bị những nỗi lo lắng chi phối như: lo sợ bị thất nghiệp, lo sợ không có tiền trả các khoản nợ, lo sợ về tình trạng sức khoẻ và biết bao nỗi lo sợ khác nữa. Các nỗi lo sợ này càng ngày càng chồng chất làm cho con người cảm thấy bất an, bồn chồn, nóng nảy, v.v. Do đó, công phu giúp cho con người an định được nội tâm, sống hạnh phúc.
Công phu còn giúp tâm linh mẫn tuệ để sáng suốt giải quyết mọi vấn đề. Công phu không những cứu cánh cho giới tu hành, mà còn giúp ích rất nhiều cho mọi thành phần và mọi giới trong xã hội. Công phu sẽ giúp cho tinh thần sáng suốt, trí tuệ minh mẫn. Công phu chính là ứng dụng cẩm nang của Thánh nhân: “Dĩ bất biến ứng vạn biến” và cũng chính là điều mà Đức Tôn Sư căn dặn: “Phải kiên nhẫn giữ cái bất biến hằng tại mà ứng với thiên vạn biến trong cõi vô thường.”[14] Chính tâm thanh tịnh, vô niệm là chìa khóa vạn năng giúp con người có thể đạt đến hiệu quả cao nhất trong việc xử thế hàng ngày cũng như công phu tu luyện.
Ngoài ra, công phu còn giúp con người chuyển hóa nội tâm. Tu luyện đạo pháp giúp cho thần khí được điều hòa, thân tâm được an định. Khi tâm an định thì không có điều gì làm cho tâm phải xao động. Thất tình lục dục và tham sân si không thể tác động khi tâm con người đạt đến chỗ thanh tịnh, vô dục, vô niệm. Đức Bảo Pháp Chơn Quân xác nhận:
Tham sân si ấy thật ma vương,
Sáu dục bảy tình tương trợ đương,
Ba báu của người toan cướp đoạt,
Huyềncông luyện kỷ khó xâm lường.[15]
Kết quả chuyển hóa nội tâm của bản thân sẽ tạo ra những nét từ hòa, dễ mến, dễ thương, thể hiện qua tư tưởng, lời nói và hành động, ngõ hầu đem điển lành chan hòa đến mọi người, mọi vật.
Ngoài ra, công phu còn có các tác dụng khác như:
° Điều trị thân bệnh & tâm bệnh
Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy về nguyên nhân của thân bệnh con người như sau:
“Theo y lý thì âm dương trong người và âm dương ngoài Trời đất hai bên tương trợ lẫn nhau. Mỗi khi trong người chánh khí suy yếu thì tà khí ngoài trời xâm nhập mà gây nên bệnh hoạn. Chủ khí mạnh thì khách khí không làm hại được, hoặc chủ khách giao hỗ tương thân thì tinh thần khoẻ mạnh.”[16]
Còn tâm bệnh cũng do mất quân bình nội tâm bởi tham, sân, si và thất tình lục dục dấy động làm cho phàm tâm nắm phần ưu thế kiểm soát.
Công phu có tác dụng chữa trị cả thân bệnh và tâm bệnh. Như đã trình bày, công phu chính là luyện tâm cho an định. Khi tâm được thanh tịnh sẽ tạo ra một công năng điều hòa các bộ máy trong cơ thể. Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
Tu là phép chữa bệnh trần,
Thiền là đoạn diệt tham sân dục tình.[17]
Thật vậy, “Tâm thanh tịnh là lương dược trị bệnh.”[18], mà tâm thanh tịnh do công phu mà sở đắc.
° Phương tiện thông công với các Đấng thiêng liêng
Con người là Tiểu linh quang do Đức Thượng Đế chiết ra từ khối Đại Linh quang. Do đó, con người và các Đấng thiêng liêng có cùng chung một bản thể, nên có thể giao cảm thông công với nhau theo Luật cảm ứng. Nguyên tắc là như thế. Tuy nhiên, do bức màn vô minh được cấu tạo bởi thất tình lục dục, tham sân si che phủ chơn tâm nên con người không thể nào thông công cùng các Đấng. Chỉ khi nào con người vẹt tan được bức màn vô minh bằng công phu thiền định, sự mầu nhiệm sẽ hiện bày. Đức Đông Phương Chưởng Quản xác nhận:
“Hình ảnh các Đấng Thiêng Liêng vẫn có, âm thanh các Đấng Thiêng Liêng vẫn có. Khi người tu muốn nhận được những âm thanh hình ảnh đó, không phải dùng những dụng cụ thông thường như máy thu thanh, máy thu hình mà tiếp nhận được. Muốn tiếp nhận được cần các điều kiện khác (…). Khi tâm linh được mẫn tuệ huệ khai thì người và Trời hòa đồng như một, vẫn nghe được tiếng nói không lời, vẫn thấy được hình ảnh không sắc tướng.”[19]
3. TÂN PHÁP CAO ĐÀI
Như đã trình bày ở phần trên, công phu thuộc về phạm trù luyện tâm, tức là nhắm vào nội thể con người. Như vậy, công phu bao gồm nhiều phương pháp hay còn gọi là pháp môn. Chúng sanh căn trí vô lượng nên pháp môn cũng vô lượng tương ứng với mỗi trình độ căn trí khác nhau. Để dễ dàng hình dung và phân biệt, chúng ta có thể gọi chung các pháp môn trong Nhứt kỳ và Nhị kỳ Phổ độ là Cựu pháp và các pháp môn trong Tam kỳ Phổ độ là Tân pháp. Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
“Chư hiền đệ hiền muội! Thời gian có trước có sau, pháp môn theo thời gian có tân có cựu. Đại Đạo không thời gian, không sau không trước, cũng không cựu không tân. Đại Đạo vẫn là bản thể bất biến. Thế nên pháp môn vô lượng nhưng người hành giả phải đạt đến chỗ bất nhị pháp môn mới thật sự chứng quả.”[20]
Tuy nhiên, để dễ hình dung trong việc phổ truyền đạo pháp, pháp môn trong Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ được gọi là Tân pháp Cao Đài.
Tân pháp Cao Đài gồm nhiều pháp môn, có thể kể như: cúng Tứ thời, pháp môn tu luyện của đạo hữu Chiếu Minh[21], pháp môn luyện châu của Hội thánh Truyền Giáo Cao Đài, pháp môn của Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên, pháp môn của Hội thánh Ban Chỉnh Đạo, pháp môn của Minh Lý Thánh Hội, pháp môn của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, v.v.
Cũng xin lưu ý là pháp môn cúng Tứ thời rất quan trọng và hữu hiệu. Đức Chí Tôn dạy:
“Cúng Tứ thời có ích cho các con lắm, chớ không phải ích chi cho Thầy. Nếu cúng được thường thì lòng dạ nở nang, tứ chi luân chuyển, có nhiều khi tật bệnh tiêu diệt.”[22]
Tuy nhiên, nếu cúng tứ thời mà không tập trung tư tưởng vào ý nghĩa từng câu kinh thì cũng không gặt hái được diệu dụng của pháp môn này.
3.1. Đặc điểm của Tân pháp Cao Đài
° Pháp môn Đại ân xá
Tân pháp Cao Đài là pháp môn Đại ân xá. Điều này được Đức Đông Phương Chưởng Quản xác tín:
“Tân pháp Cao Đài là pháp môn Đại ân xá, là nấc thang cuối cùng kỳ Mạt pháp để cứu độ nhân sanh. Người biết giác ngộ nhập cảnh vô vi sẽ được siêu thoát, kẻ biết hồi đầu hướng thiện chưởng duyên lành vào đời Thánh đức khỏi đọa tam đồ hay tán khôi trần sau Hội Long Hoa.”[23]
Sở dĩ Tân pháp Cao Đài là pháp môn đại ân xá là vì xưa nay hành giả phát tâm tu luyện huyền môn giải thoát đều phải lập nguyện trường trai tuyệt dục và phải lập đại hồng thệ rất nghiêm nhặt. Tuy nhiên, do Luật đại ân xá kỳ Ba nên điều kiện thọ pháp đối với người tín hữu Cao Đài chỉ cần trai kỳ thập nhật (ăn chay 10 ngày/ tháng) và giữ gìn giới cấm như đã được qui định nơi Tân Luật.[24]
Đức Phục Đức Tôn Thánh đã minh họa về điều kiện thọ pháp và hành pháp giữa hành giả xưa và nay như sau:
Người xưa tầm đạo luyện tu,
Non cao rừng thẳm mịt mù xa xôi,
Muốn cầu giải thoát luân hồi,
Biết bao khổ hạnh vị ngôi mới thành.
Thời kỳ ân xá sẵn dành,
Cao Đài Tân Pháp chúng sanh thoát nàn.[25]
° Mở rộng pháp môn
Việc truyền pháp trong Nhứt kỳ và Nhị kỳ Phổ độ mang tính tuyển lựa rất khắt khe. Người tầm sư học Đạo phải vượt qua nhiều thử thách cam go mới được minh sư truyền tâm ấn. Trong Tam kỳ Phổ độ, Đức Thượng Đế mở cơ tận độ chúng sanh nên pháp môn được ban truyền rộng rãi với điều kiện dễ dàng, không còn khó khăn như thời xưa. Do đó, pháp môn mang tính mở rộng. Đức Chí Tôn dạy trong kinh Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (quyển 1) như sau:
“Muốn trọn hai chữ phổ độ, phải làm thế nào?” -Thầy hỏi. “Phải bày bửu pháp chớ không đặng giấu nữa.”
Đức Đông Phương Chưởng Quản cũng không dạy khác hơn:
“Như thời kỳ này, Đức Thượng Đế đại ân xá, mở rộngpháp môn để ban hành cho vạn linh sanh chúng dễ dàng vượt qua khỏi nhịp cầu ô trược, thoát cõi trần cấu vô minh, lên một từng xán lạn thanh cao.”[26]
° Sư vô vi
Khác với Nhứt kỳ và Nhị kỳ, trong Tam kỳ Phổ độ, Đức Thượng Đế trực tiếp nắm giữ chánh pháp, do đó, người môn đệ Cao Đài không học Đạo với minh sư hữu hình như ở hai kỳ phổ độ trước mà được thọ truyền đạo pháp từ Sư vô vi, thể hiện ở hai điểm rất trọng hệ là việc truyền pháp (truyền tâm ấn) và điểm đạo. Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy:
“Người xưa học đạo cần có minh sư chỉ dẫn thì vạn pháp mới hiện bày. Đến ngày nay, Sư vô vi, Đạo vô vi, vạn pháp qui tông. Phải cần tâm nhứt như thanh tịnh sẽ khai ngộ được chơn cơ.”[27]
Đức Đông Phương Chưởng Quản đã tóm lược lịch sử truyền pháp trong Tam kỳ Phổ độ như sau:
“Buổi đầu sơ khai Đại Đạo, Đức Thượng Đế Chí Tôn muốn cho nhân sanh ý thức được vạn giáo nhứt lý nên vẫn cậy tay phàm truyền giáo cho những người môn đệ đầu tiên, như Thầy đã đổ Thần vì các môn đệ. Đúng 36 năm, các pháp đã hiện bày trên thế gian, những người Tiền Khai đã mệnh danh là thí điểm của đạo pháp được triệu hồi và Bần Đạo tiếp tục vâng sắc chỉ Ngọc Hư Cung với sự chứng minh của Tam Giáo Đạo Tổ. Lần điểm đạo đầu tiên trên bước sơ cơ cho Định Pháp Minh Thiện[28]. Từ đó với sứ mạng ban truyềnTân Pháp Cao Đài để cho nhân sanh giác ngộ, Bần Đạo phải đảm nhiệm Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài Vô Vi để truyền pháp cho người có sứ mạng thiêng liêng và người ấy sẽ trực tiếp hướng dẫn hàng thiện căn qua bến giác khi được điểm đạo.”[29]
Qua đoạn Thánh giáo trên, Đức Đông Phương Chưởng Quản đã xác nhận rằng trong Tam Kỳ Phổ Độ, Ngài đã được Đức Thượng Đế phó giao trọng trách trực tiếp ban truyền Tân Pháp Cao Đài cho những người có sứ mạng thiêng liêng và những người ấy sẽ tiếp nối hướng dẫn hàng thiện căn trên đường đạo pháp.Vì thế, đối với người môn đệ Cao Đài, Ngài là vị Tôn Sư vô vi trực tiếp truyền pháp và điểm đạo. Các bậc Thiên ân sứ mạng đã được Ngài dùng huyền năng thiêng liêng soi sáng và hộ trì cho từng người một trên con đường tu luyện. Xin được nêu lên một ví dụ để minh họa và đây cũng là một trường hợp rất hi hữu.
“Vừa rồi Đức Đông Phương Chưởng Quản phải đến Đâu Suất Cung hữu sự, có nhờ phần việc dạy pháp nầy cho Lão. (…) Vậy chư đệ muội đã thọ pháp hãy đồng ngồi lại, tất cả công phu một giây cho Lão xem. (…) Phải từ từ, chẳng nên phóng tâm. Sắc diện phải tươi lên như sắp được một việc vui mừng. Thôi được rồi. Mặc dầu chư hiền đệ chưa niệm hết bài chú, nhưng cái thể đã biểu lộ trong sự công phu của chư hiền ở thời gian qua.”[30]
Đấng Tôn Sư đã từng thố lộ tâm tư tha thiết của Ngài đối với các môn đệ Cao Đài như sau:
“Công phu sở dĩ không đạt được kết quả là do tâm không tịnh, ý còn động nên lục dục thất tình còn rấp ranh quấy nhiễu. Chư hiền đệ cố gắng. Bần Đạo luôn luôn hộ trì[31] và lo cho chư hiền đệ cũng như Bần Đạo lo cho chính Bần Đạo vậy.”[32]
° Phù hợp căn trí chúng sanh
Do trình độ chúng sanh phát triển vượt bực về phần hậu thiên trong thời Hạ nguơn Mạt kiếp nên cựu pháp không còn thích hợp nữa[33]. Tân pháp Cao Đài mang tính khế cơ nên phù hợp với căn trí của chúng sanh trong thời khoa học phát triển tân tiến này. Đức Đông Phương Chưởng Quản xác nhận:
“Như thời hiện tại vật chất thạnh cường, tinh thần băng hoại, hậu thiên hữu dư, tiên thiên bất túc, không thể dùng trọn vẹn cựu pháp kỳ bí để chế hãm được phàm tâm, nên phải đem phương pháp tùy căn trí mà truyền. Đạo đã xa lạc hậu thiên phải có phương pháp chế hậu thiên để huờn phản tiên thiên, nhưng phương pháp đối trị vô vi của các bậc Giáo chủ là căn trí cao dày, hàng phàm phu bị giam hãm trong thời suy vong đọa lạc này, không thể theo đó mà tu luyện nổi, nên phải cần các phương tiện thiết yếu hơn.”[34]
° Chí giản chí dị
Tân pháp Cao Đài rất giản dị vì tựu trung chỉ có thần khí hay âm dương mà thôi. Đức Tôn Sư dạy:
“Bần Đạo thường bảo với chư hiền đệ là Đại Đạo chí giản chí dị, chỉ có âm dương thần khí là bí cơ giải thoát. Chư đệ nghe Bần Đạo dạy:
Đại Đạo vốn không lời diễn tả,
Phải do tâm hành giả tham cầu,
Hỏi rằng biệt quyết là đâu?
Khí thần, tánh mạng đạo mầu âm dương.[35]
Hay Đức Diêu Trì Kim Mẫu cũng xác tín:
Đại Thừa pháp con ôi giản dị,
Do âm dươngthần khí vận hành,
Trong cơ động tịnh khinh thanh,
Lắng lòng tư dục đạo lành hoằng dương.[36]
3.2. Điều kiện thọ pháp
Đức Đông Phương Chưởng Quản ban ơn ba điều kiện để được thọ truyền đạo pháp giải thoát khỏi luân hồi sanh tử. Ngài dạy:
“Những người muốn vào trường đạo pháp, điều trước tiên là đến trước Cao Đài gõ cửa Cao Đài. Cửa Cao Đài sẽ mở khi người có duyên được đến. Thứ đến phải học luật lệ Cao Đài và nhận chân tôn chỉ để noi theo, mục đích để đạt đến. Điều sau nữa là giữ giới luật qui điều của Đại Đạo. Đó là ba điều kiện tối thiểu của người muốn bước vào chơn đạo và sẽ được Đức Cao Đài điểm đạo.”[37]
Như vậy, ngoài điều kiện thập trai, ba điều kiện này gồm:
a. Nhập môn vào đạo Cao Đài.
b. Học tập luật lệ gồm Tân Luật, Pháp Chánh Truyền và noi theo tôn chỉ là “Tam giáo qui nguyên, Ngũ chi phục nhứt.”
c. Giữ giới luật gồm ngũ giới cấm (dành cho bậc tín đồ) và Tứ đại điều qui (dành cho bậc thượng thừa).
4. THỰC HÀNH CÔNG PHU
4.1. Công phu và tuổi tác
Tuổi trẻ và tuổi già đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Tuổi trẻ thì sức khoẻ sung mãn, đầy đủ tinh khí thần nên công phu dễ dàng đạt kết quả; trong khi tuổi già thì vương mang nhiều bệnh tật, tam bửu hao mòn khá nhiều nên hành pháp rất khó khăn. Thế nhưng, tuổi trẻ thì bận bã lo toan việc đời nên lơ là công phu, trong khi tuổi già thì rảnh rang chuyện trần thế nên chú tâm hành pháp. Mặc dù vậy, tuổi tác càng trẻ càng có nhiều điều kiện thành công trên bước đường công phu. Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy:
“Muốn song tu tánh mạng không đợi thời gian tuổi tác, càng sớm bước càng hay, càng sớm bước càng đủ điều kiện để giải quyết bổn phận của chính mình trên con đường giải thoát.”[38]
Tuy nhiên, tuổi trẻ lại dễ bị sa ngã bởi những quyến rũ của cuộc đời.
“Nhân đây Bổn Huynh cũng để lời khuyên những ai đã vào học chánh pháp Đại Đạo, nhứt là hàng tuổi trẻ, sinh lực đủ đầy, khí lực sung mãn, nên dễ tu chứng mà cũng dễ sa ngã, vì phần chánh thống còn đầy đủ thìphần nội tà cũng còn hưngvượng. Nếu không cẩn thận giữ gìn, chỉ một sơ hở, một sát na thôi, là tà vọng dễ dàng áp chế tâm linh, xu hướng vào mọi đường dục vọng, rồi tự sa đọa lạc loài, bỏ bê tu học.”[39]
4.2. Công phu và sức khoẻ
Sức khoẻ có tầm mức rất quan trọng trong việc thực hành công phu. Do đó, bệnh tật và sức khoẻ suy yếu cũng là một trở ngại rất lớn đối với hành giả. Muốn vậy, con người cần chú ý đến việc giữ gìn sức khoẻ trong việc ăn uống và luyện tập cơ thể. Kinh Đại Thừa Chơn Giáo dạy:
“Các con phải biết rằng: Hễ muốn cho chơn thần đặng tinh khiết thì phải giữ gìn thân thể cho tráng cường. Muốn dưỡng phần hồn tất phải nuôi phần xác. Bởi vậy, các con chớ trọng “vô” mà bỏ “hữu”, hay trọng “hữu” mà bỏ “vô”. Hữu vô phải nương níu với nhau cho mật thiết mới được. Phép tu phải đừng ép xác hủy mình, vì hễ xác phàm mà khương kiện thì linh hồn mới đặng thông huyền.”[40]
4.3. Công phu trong mọi hoàn cảnh
Thực hành công phu không chỉ áp dụng trong tứ thời như đã qui định đối với hành giả: giờ Tý (từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng), giờ Ngọ (từ 11 giờ đến 1 giờ trưa), giờ Mẹo (từ 5 giờ đến 7 giờ sáng) và giờ Dậu (từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối). Tuy nhiên, hành giả có thể thực hành công phu mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, chẳng hạn như trong thời gian chờ đợi, lúc cảm thấy mệt mỏi, v.v. Thật vậy, bất luận là đi, đứng hay nằm, ngồi, chúng ta đều có thể thực hành công phu được. Đức Bảo Pháp Chơn Quân ban cho khẩu khuyết như sau:
Muốn thành đạo quả khó chi đâu,
Có có, không không chớ vọng cầu,
Đi đứngkhí thần bền khắn khít,
Nằm ngồi tâm tức gắng thâm sâu.
Thong dong chớ để lòng sanh niệm,
Tự tại đừng cho ý phát thâu,
Lòng trống bụng đầy vào nội thất,
Đợi chờ chư đệ đã từ lâu.[41]
Nếu thực hành được bốn phép (đi, đứng, nằm, ngồi) như trên thì: “có giờ phút nào mà không tu, tháng ngày nào mà không hành.”[42] đâu!
4.4. Khuyết điểm của hành giả
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy:
“Nếu công phu còn hời hợt non kém, thân thể còn bị bốn mùa tám tiết đổi thay, đời sống vật chất lại chi phối rất nhiều làm tinh thần mờ mịt, nên vào thiền tâm chưa dứt niệm, thân thể nặng nề, tê nhức, ngứa ngáy đủ điều, định chưa được nên bị hôn trầm, ngủ gà ngủ gật, ngồi lưng chưa thẳng nên tấn hỏa không thông, đầu cuối quá tầm, thân cong nên thối phù chưa suốt. Đó là bịnh chung của hành giả.”[43]
Như vậy, hành giả cần lưu ý khắc phục ba khuyết điểm thường gặp như sau:
a. Thân thể tê nhức, ngứa ngáy.
b. Hôn trầm, ngủ gục.
c. Lưng cong không thẳng.
4.5. Chuyên cần tu luyện
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy:
“Phương pháp tu Tam công trong Đại Đạo có, chư hiền tìm đâu xa xôi cho rắc rối cõi lòng. Công phu, công quả, công trình; công nào cũng đứng đầu bằng chữ công. Phải tự lực cánh sinh, tự tu tự tiến, thiên nan vạn nan, mới đắc thành quả vị…”[44]
Như vậy, công phu đòi hỏi người hành giả chuyên cần tu luyện, tức là thực hành đúng mức, không gián đoạn. Do đó, nếu công phu mà chỉ để học trên lý thuyết thì cũng chỉ là phần “ngoại công phu”[45] mà thôi.
“Dầu pháp linh mà không hành công đúng mức thì làm sao thấy được chỗ linh diệu của pháp. Đạo vô vi mầu nhiệm mà chỉ học trên lý thuyết thì làm sao thấy được chỗ huyền nhiệm vô vi.”[46]
Thực hành công phu cũng giống như nấu cơm đòi hỏi phải công phu tứ thời hay nhóm lửa bốn lần mỗi ngày một cách đều đặn. Nếu không chuyên cần, tức là nhóm lửa không đủ bốn lần trong ngày thì sẽ kéo dài thời gian cơm chín, việc hành pháp không đạt kết quả.
Vì thế, Đức Tôn Sư căn dặn:
“Bần Đạo cũng nhắc điểm này: Đạo pháp chỉ là phương tiện. Điều chánh yếu phải chuyên cần tu luyện, đó mới là cứu cánh.”[47]
Song, công phu không chỉ đòi hỏi hành giả phải “chuyên cần tu luyện”, Ơn Trên còn nêu lên một yêu cầu cao hơn nữa. Đó chính là mỗi hành giả cần ý thức việc tu luyện từng ngày, từng giây phút.
“Đến đây, Bản Huynh cũng lưu ý chư hiền đệ muội, điều cốt lõi của đạo pháp thuần chơn huyền vi chứng đắc không phải chỉ ở các khóa tu ôn dưỡng, các đợt tịnh bốn mùa hay liên hoàn mùng 8, khóa tịnh kỳ 9 ngày mà chư đệ muội phải ý thức tu luyện từng ngày, từng sát na.”[48]
4.6. Tu chứng
Tu chứng chính là kết quả rốt ráo đích điểm của việc thực hành công phu. Đức Đông Phương Chưởng Quản đã lý giải hai cấp độ tu chứng như sau:
“Tu là phải chứng. Có như vậy chư hiền đệ mới hoàn thành sứ mạng trọng đại đã ban trao. Tu chứng có hai phần:
1. Phần do nội giới tu chứng, phần này sẽ đạt đến chỗ lục thông.
2. Phần đức độ uy nghi, tác phong thuần phác, đó là tiêu biểu của Chơn Nhơn.
Tuy hai mà một, ảnh hưởng thành tựu không riêng.”[49]
Đức Tôn Sư cũng diễn tả một cách khác:
“Chư đệ muội sẽ thấy được qua diện mạo đoan trang vui vẻ, sắc khí chơn thuần, mắt trong sáng, tướng ung dung, lời nói hòa nhã dễ cảm, lòng người mến phục, sẵn sàng tế chúng độ nhơn, không nệ hà gian lao khổ nhọc. Đó là tất cả những gì thấy được ở ngườiđạt được đạo quả.”[50]
Thiết tưởng, cũng cần xác định là tâm thanh tịnh chưa phải là chỗ chứng đắc công phu. Tuy nhiên, tất cả các pháp môn muốn thực hành có kết quả rốt ráo đều cần một điều kiện không thể thiếu là tâm thanh tịnh.
Tuy nhiên, trên con đường đạo pháp, hành giả không biết được mình đã đi bao xa, cũng như khi nào thì đến đích hay tu chứng, đạt Đạo. Nhưng nếu hành giả nghĩ ngợi hay nôn nóng đến việc tu chứng trong quá trình hành pháp, e rằng do tâm khởi vọng tưởng sẽ kết quả bằng vọng tưởng. Việc tu luyện đòi hỏi hành giả cần phải kiên trì thực hành pháp môn suốt cả cuộc đời nhưng tu chứng thì chỉ trong giây phút mà thôi.
“Trên bước đường tu luyện hành pháp, những sự việc luyện thần, điều tức, luyện tâm hư vô, luyện thần nhãn, luyện thông nhĩ, v.v. Các pháp ấy là các pháp để rèn luyện cho con người trở nên một con người có chí tu luyện, tìm thấy bổn linh chơn tánh của mình. Khi đã qua những giai đoạn khó khăn ấy, đến chỗ đạt Đạo chỉ một phút thôi.”[51]
Lại nữa, công phu dù ở cấp bực pháp môn nào cũng có thể tu chứng trong phạm vi pháp môn đó. Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn khẳng định:
“Chỉ cần chư đệ muội công phu tu tập cho thật dũng mãnh sáng suốt, dầu đạo pháp ở cấp bực nào cũng có thể tu chứng được.”[52]
TẠM KẾT
Thực hành Tam công bao gồm: công quả, công trình và công phu, người tín hữu Cao Đài thực hiện được cả hai mục tiêu của Đại Đạo là thế đạo đại đồng và thiên đạo giải thoát. Trong đó, công phu mang ý nghĩa rất quan trọng, vì công phu đem lại ích lợi thực tiễn cho con người ngay tại trần gian để có thể sống vui, sống khoẻ, sống hữu ích. Muốn thực hành công phu cho có kết quả, hành giả phải chuyên cần tu luyện và nhứt là ý thức việc tu luyện từng ngày, từng giây phút để có được sự an lạc, ung dung, tự tại trong mọi hoàn cảnh. Được vậy, thế gian này chính là cõi thiên đường rồi vậy. Chính vì thế, tu chứng là một việc rất có ý nghĩa trong công cuộc cứu độ kỳ Ba, như lời nhắn nhủ của Đức Mẹ:
Đạo mầu huyền nhiệm lắm con ôi!
Chứng quả rồi con sẽ độ đời,
Luyện kỷ công phu đừng gián đoạn,
Mới mong vững bước cuộc đầy vơi.[53]
Ngoài ra, việc tu chứng còn giúp hành giả có thêm điều kiện để thực hành công quả giúp đời tế chúng hay “Cứu thế độ nhơn sẽ mặc tình.”[54]
--------------------------
[1] Đức Quan Âm Bồ Tát, TTTĐ, 02-9 Tân Hợi (20-10-1971)
[2] Đức Quan Âm Bồ Tát, VNT, 03-01 Giáp Dần (25-01-1974)
[3] Kinh ĐTCG, bài 2-Thất tình Lục dục, xb 1956, tr. 22.
[4] Kinh ĐTCG, bài 2-Thất tình Lục dục, xb 1956, tr. 24.
[5] Đức Bảo Pháp Chơn Quân, CQPTGL, 11-11 Đinh Tỵ (21-12-1977)
[6] Đức Đông Lâm Tiên Trưởng, CQPTGL, 15-10 Đinh Tỵ (25-11-1977)
[7] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 04-6 Tân Dậu (05-7-1981)
[8] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, CQPTGL, 10-11 Kỷ Mùi (28-12-1979)
[9] Kinh ĐTCG, bài 5-Dưỡng sanh tánh mạng, xb 1956, tr. 35.
[10] Đức Đông Phương Chưởng Quản, MLTH, 09-01 Nhâm Tý (24-02-1972)
[11] Kinh ĐTCG, bài 1-Cơ ngẫu luận, xb 1926, tr. 20.
[12] Đức Đông Phương Chưởng Quản, TLĐ, 20-10 Kỷ Dậu (29-11-1969)
[13] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 10-5 Bính Thìn (07-6-1976)
[14] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 26-5 Kỷ Mùi (20-6-1979)
[15] Đức Bảo Pháp Chơn Quân, CQPTGL, 12-11 Tân Dậu (07-12-1981)
[16] Đức Đông Phương Chưởng Quản, MLTH, 10-11 Bính Thìn (30-12-1976)
[17] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 15-6 Canh Thân (26-7-1980)
[18] Đức Đông Phương Chưởng Quản, MĐTV, 13-9 Tân Dậu (10-10-1981)
[19] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 15-02 Quý Sửu (18-3-1973)
[20] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 15-9 Giáp Dần (29-10-1974)
[21] “Buổi đầu, Tiên Huynh được Thượng Đế chọn là môn đệ đầu tiên. Đức Từ Phụ tùy theo căn cơ và sự sống, tuổi tác của Tiên Huynh mà cho người dẫn dắt một phương pháp công phu tu luyện. Mặc dầu đã có từ ngàn xưa, nhưng nay vẫn tạm đặt là Cao Đài Tân Pháp để làm đường giải thoát cho Tiên Huynh, một đồ đệ đầu tiên của Thượng Đế trong Tam Kỳ Phổ Độ.” Đức Ngô Đại Tiên, Minh Đức Tu Viện, 27-01 Canh Thân (13-3-1980)
[22] Thánh ngôn 10-11 Bính Dần (14-12-1926)
[23] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 15-9 Giáp Dần (29-10-1974)
[24]“Ngày xưa tầm Đạo thiên lao vạn khổ, nay gặp thời kỳ Đại ânxá, Tiên Huynh không khỏi ngạc nhiên khi được lịnh Đức Chí Tôn phải “truyền đạo cho những tín đồ thập trai”. Sau khi đã rõ lý do, Tiên Huynh vâng trọn Thiên ý. Song Cựu pháp Tân pháp có khác nhau ở điểm: tùy căn trí, tùy nhân duyên, tùy trình độ để ứng dụng đạo pháp mà truyền đạo.” Đức Ngọc Lịch Nguyệt, VNT, 01-7 Đinh Tỵ (15-8-1977)
[25] Đức Phục Đức Tôn Thánh, VNT, 12-5 Đinh Tỵ (27-6-1977)
[26] Đức Thanh Hư Đạo Đức Chơn Quân, NMĐ, 15-6 Mậu Thân (10-7-1968)
[27] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 18-01 Nhâm Tuất (11-02-1982)
[28] Ngài là Định Pháp Tổng Lý, Siêu Tịnh Sư của Minh Lý Thánh Hội (Tam Tông Miếu), đắc quả vị Bát Nhã Thiền Sư.
[29] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 15-9 Giáp Dần (29-10-1974)
[30] Đức Thanh Hư Đạo Đức Chơn Quân, NMĐ, 15-6 Mậu Thân (10-7-1968)
[31]“Bần Đạo thường hay xem xét từ mỗi đệ muội trong thời công phu để tùy theo căn trí mà dẫn độ.” Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQ, 10-6 Tân Hợi (31-7-1971)
[32] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 19-8 Tân Hợi (07-10-1971)
[33]“Mỗi thời kỳ mở đạo, mỗi pháp môn khác nhau, vì phải tùy theo trình độ tiến hóa và hoàn cảnh xã hội của từng giống dân mà đem giáo lý thích hợp để dìu dẫn họ. Đến nay là thời kỳ thứ Ba mà Thượng Đế đem đạo dìu đời trong thời đại nguyên tử này. Do đó các pháp môn đều phải tân tiến để dìu dẫn nhơn sanh kịp theo trào lưu tiến hóa của nhơn loài.(…) Nếu không quan hệ thì không gọi là Nhứt kỳ, Nhị kỳ, Tam kỳ mà chi?” Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 21-6 Kỷ Dậu (03-7-1969)
[34] Đức Đông Phương Chưởng Quản, BNTĐ, 09-5 Giáp Dần (28-6-1974)
[35] Đức Đông Phương Chưởng Quản, TTBH, 29-02 Nhâm Tuất (24-3-1984)
[36] Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGL, 14-8 Tân Dậu (11-9-1981)
[37] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 15-9 Giáp Dần (29-10-1974)
[38] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 10-6 Bính Thìn (06-7-1976)
[39] Đức Bảo Pháp Chơn Quân, CQPTGL, 12-11 Tân Dậu (07-12-1981)
[40] Kinh ĐTCG, bài 5-Dưỡng sanh tánh mạng, xb 1956, tr. 34.
[41] Đức Bảo Pháp Chơn Quân, MĐTV, 27-01 Tân Dậu (03-3-1981).
[42] “Tu hành là hai việc của một con người biết sống đạo. Dù ở giai tầng nào, ở căn trí nào, biết giác ngộ và giác ngộ không ngừng thì có giờ phút nào mà không tu, tháng ngày nào mà không hành.”Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQ, 15-4N Nhâm Tuất (06-6-1982)
[43] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, CQ, 10-11 Kỷ Mùi (28-12-1979)
[44] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 15-3 Bính Thìn (14-4-1976)
[45] “Đừng tưởng học nhiều trên lý thuyết mà đạt Đạo. Đó chỉ là phương tiện ngoại công phu. Chỗ đạt Đạo là phải: Thần an, tâm định, trí huệ. Tự tánh sáng tỏ mới thấy chỗ công hiệu của nội tại huyền linh.”Đức Bát Nhã Thiền Sư, BNTĐ, 15-5 Ất Mão (24-6-1975)
[46] Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 15-02 Đinh Tỵ (03-4-1977)
[47] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 15-3 Mậu Thìn (30-4-1988)
[48] Đức Bảo Pháp Chơn Quân, CQPTGL, 02-9 Kỷ Tỵ (04-7-1989)
[49] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 09-10 Tân Dậu (05-11-1981)
[50] Đức Đông Phương Chưởng Quản, MĐTV, 24-01 Đinh Tỵ (13-3-1977)
[51] Đức Đông Phương Chưởng Quản, TLĐ, 04-11 Tân Hợi (21-12-1971)
[52] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, CQ, 29-8 Quý Hợi (05-10-1983)
[53] Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGL, 15-4 Kỷ Mùi (10-5-1979)
[54] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 18-01 Nhâm Tuất (11-02-1982)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét