Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Năm, 8 tháng 7, 2021

CHÁNH PHÁP TRUNG HƯNG VÀ SỨ MẠNG TRUNG HƯNG

 

Giáo Sư THƯỢNG LIÊM THANH
Phó Chưởng Quản Cơ Quan Phổ Tế
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài


I. CHÁNH PHÁP TRUNG HƯNG

Chánh pháp trung hưng là nền tân pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do Đức Thượng Đế Thái Cực Thánh Hoàng giáng truyền tại nước Nam. Chánh pháp nầy được minh thị là:

Trung vạn pháp, hưng vạn giáo, thân vạn loại, hòa vạn chủng, siêu vạn linh.

1. Chánh pháp hiểu cách thông thường là đạo pháp chơn chánh, không tà vạy; là pháp tu ngay thẳng, đúng theo đạo lý, đưa con người đến chỗ giác ngộ, thành đạo.

Hiểu cặn kẽ theo giáo lý Cao Đài thì chánh pháp là pháp đạo xuất phát (hay được ban truyền) từ nguồn gốc chính thống. Nguồn gốc chính thống là Đức Thái Cực Thánh Hoàng Thượng Đế Chí Tôn.

Tam Giáo (Nho, Đạo, Thích,) đều có chánh pháp và các chánh pháp nầy cũng do nguồn gốc chính thống là Đức Thái Cực Thánh Hoàng Thượng Đế Chí Tôn.

Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế minh thị:

Nhiên Đăng Cổ Phật thị Ngã.
Thích Ca Mâu Ni thị Ngã.
Thái Thượng Nguơn Thỉ thị Ngã.
Kim viết Cao Đài.


Tạo hóa là lập thành, dựng nên, sinh ra, rồi biến đổi, cải tạo, giáo hóa. Chủ nhân ông của việc tạo hóa nầy là Đức Thái Cực Thánh Hoàng – cũng gọi là Đấng tạo hóa, Đấng toàn tri toàn năng, Đấng tự hữu hằng hữu, Đấng ngôi một (ngôi Đạo, ngôi Phật), Đại Ngã, Brahma. Đấng nầy chính là nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ sanh linh.

Sau khi vũ trụ sanh linh hình thành, Đức Thái Cực Thánh Hoàng Thượng Đế Chí Tôn mở ra đường giáo hóa là Đại Đạo kinh qua ba thời kỳ. Ở hai thời kỳ giáo hóa đầu, Đức Thái Cực mượn xác phàm làm giáo chủ. Đến thời kỳ thứ ba, Đức Chí Tôn không mượn phàm thể mà dùng điển quang mở nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tức đạo Cao Đài. Thầy dạy:

“Như kẻ bên Phật Giáo hay tặng Nhiên Ðăng là Chưởng Giáo. Nhiên Ðăng vốn sanh ra đời Hiên Viên Huỳnh Ðế.

Người gọi Quan Âm là Nữ Phật Tông, mà Quan Âm vốn là Từ Hàng Ðạo Nhân biến thân. Từ Hàng lại sanh ra lúc Phong Thần đời nhà Thương.

Người gọi Thích Ca Mâu Ni là Phật Tổ. Thích Ca vốn sanh ra đời nhà Châu.

Người gọi Lão Tử là Tiên Tổ Giáo thì Lão Tử cũng sanh ra đời nhà Châu.

Người gọi Giê-su là Thánh Đạo Chưởng Giáo thì Giê-su lại sanh nhằm đời nhà Hớn.

Thầy hỏi: Vậy chớ ai sanh ra các Ðấng ấy?

Khí Hư Vô sanh có một Thầy. Còn mấy Ðấng Thầy kể đó ai sanh? Ấy là Ðạo.

Các con nên biết: Nếu không có Thầy thì không có chi trong càn khôn thế giới nầy; mà nếu không có Hư Vô Chi Khí thì không có Thầy.”

Thầy minh giải:

“Khai thiên địa vốn Thầy. Sanh Tiên Phật cũng Thầy. Thầy đã nói một Chơn Thần mà biến càn khôn thế giới và cả nhơn loại.

Thầy là chư Phật; chư Phật là Thầy. Các con là chư Phật; chư Phật là các con. Có Thầy mới có các con. Có các con rồi mới có chư Thần Thánh, Tiên Phật.

Thầy khai Bát Quái mà tác thành càn khôn thế giới, nên mới gọi là Pháp. Pháp có mới sanh ra càn khôn vạn vật rồi mới có người, nên gọi là Tăng.

Thầy là Phật, chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các đạo [tôn giáo] mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy.”

Chánh pháp từ một gốc phát sinh ra ba nhánh (Một cội sanh ba nhánh in nhau), gọi là nhứt khí diệu hóa Tam Thanh. Nhứt khí đó là khí Thái Cực. Tam Thanh đó là: Thái Thanh (xuất thế: Phật Giáo); Thượng Thanh (vừa nhập thế vừa xuất thế: Tiên Giáo); Ngọc Thanh (nhập thế: Thánh Giáo). Cho dù có Tam Giáo, Tứ Giáo, hay vạn giáo cũng xếp vào trong Tam Thanh nầy.

Đức Cao Đài Tiên Ông dạy:

Tam Giáo xưa nay một phép truyền
Độ người thành đạo đắc Thần Tiên
Ngày nay Thầy đến hưng chơn giá
Thống nhứt Tam Thanh chuyển diệu huyền.

Đức Khổng Phu Tử dạy:


Xưa kia Tam Giáo, Tam Tòa
Ngày nay chung lại một nhà phổ thông
Thuyết minh chánh lý đại đồng
Làm cho con Lạc cháu Hồng mở mang.

2. Trung hưng là chấn hưng, phục hưng, gầy dựng lại một công trình, sự nghiệp đến giữa chừng bị suy bại. Trung hưng trong chánh pháp trung hưng như đã nêu là trung vạn pháp, hưng vạn giáo.

Vạn pháp hay vạn giáo đều từ một gốc Đại Đạo phát sinh ra, gọi là nhất bản tán vạn thù. Tại gốc thì y nhiên nhưng khi phân tán thì sai biệt. Đó là vì tùy thời kỳ, tùy địa phương, tùy trình độ, tùy phong hóa… mà tùy duyên trao pháp, tùy thời hóa độ. Thầy dạy:

– “Vốn từ trước, Thầy lập ra Ngũ Chi Đại Đạo là Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo. Tùy theo phong hóa của nhơn loại mà gầy chánh giáo, là vì khi trước càn vô đắc khán, khôn vô đắc duyệt, thì nhơn loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi. Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng, càn khôn dĩ tận thức thì lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau, nên Thầy mới nhứt định quy nguyên phục nhứt.”

– “Thầy đã nói Ngũ Chi Ðại Ðạo bị quy phàm là vì khi trước Thầy giao chánh giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa thánh giáo mà lập ra phàm giáo, nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy đặng dạy dỗ các con mà thôi, chớ không chịu giao chánh giáo cho tay phàm nữa.”

– “Tam Giáo trước là Nho, Thích, Đạo vì hoằng khai cũng đã lâu đời nên bị biến cải mà thành thử phải thất chơn truyền, làm cho sai lạc mất hết cả Thiên cơ mầu nhiệm; bởi đó, nhơn sanh tu tuy nhiều mà thành thì chẳng có.

Lại cũng bị thất truyền mà Tam Giáo lần lần phải chịu lu lờ mờ mịt. Nẻo chơn không ai đến, đường chánh chẳng người đi, nên cỏ mọc bìm leo, gai rào cây lấp. Vì lẽ đó nhơn loại phải chịu mãi trong vòng dây luân hồi tứ khổ, đày đọa mãi ở chốn trần ai. Nhơn sanh cũng vì vậy mà lần lần tiêu đạo đức, phế tinh thần mới chuộng sự hữu hình, nên bày những âm thinh sắc tướng. Không ai còn để chí lưu tâm đến chỗ thâm huyền cao viễn, chỉ ưa sự dễ dàng, tạn thấy tạn nghe, rồi cứ dẫy lòng nhơn dục tham mê, mới gây tội ác nặng nề, phải mang lấy sừng lông mà bị thối hóa lại súc sanh và luân hồi lục đạo.

(…)

“Ngày nay, Thầy đến đây đem ba nền tôn giáo hiệp nhứt lại, tạo thành một tòa lớn lao để đời đời kiếp kiếp cho nhơn sanh nương vào đó mà lánh cơn nạn khổ thảm sầu. Ba nhà tôn giáo ấy tuy đổ sập mặc dầu, nhưng Thầy cũng vì lòng từ bi, chọn lựa cái nào còn dùng đặng thì Thầy lấy, cái nào hư nát thì bỏ ra; như cột, kèo, xuyên, trính, ngói, gạch, cái nào còn nguyên thì dùng, cái nào bể nát hay hư hao, bị mối ăn sâu đục thì bỏ ra. Cây nào cong vạy thì uốn nó lại, trừ ra uốn không nổi mới bỏ. Thầy lấy các vật ấy ráp lại thành một tòa Đại Đạo cho nhơn sanh sùng bái, tu hành là tòa nhà ngày nay Thầy lập thành đó.”

Tòa Đại Đạo Thầy lập thành nầy gồm có Cao Đài Đại Đạo và Cao Đài Tôn Giáo. Thầy giảng giải:

“Cao Đài Đại Đạo thuộc về phần tiên thiên vô vi, tâm pháp bí truyền, chỉ cách tu tánh luyện mạng mà phản bổn huờn nguyên, siêu phàm nhập thánh cho rõ chơn lý căn cơ của trời đất để chọn lựa riêng những người có tánh cách nguyên nhân chán đời tầm đạo, gác vòng danh lợi, phế dẹp tình đời, không lưu luyến hồng trần, cầu bất sanh bất tử. Đó thuộc về khoa nội giáo tâm truyền khẩu thọ, luyện đạo tu đơn.

Còn Cao Đài Tôn Giáo là tôn giáo để phổ thông đạo đức, độ người mới bước đầu tiên vào tầm chơn lý, nên chi còn dùng hình thức bề ngoài mà giục lòng sanh chúng, noi theo đường đời, dùng thinh âm sắc tướng, có áo rộng mão cao, tước phẩm chức sắc Thiên phong làm cho vẻ vang trật tự. Thầy hay vừa lòng chúng sanh, muốn món chi Thầy cho món nấy. Đứa thì ham ăn ngọt, đứa lại thích món chua; nào ngọt, chua, cay, chát, con nào dùng món nào, Thầy cũng sắm sẵn cho các con.

Đạo là vô vi, vô hình, còn tôn giáo là cái cửa. Mỗi người muốn thành Phật Tiên phải chun qua cái cửa ấy rồi vô trong là Đạo.”

Đại Đạo là nguồn chánh pháp hóa độ sanh linh trên đường tiến hóa rồi phản hồi về gốc. Trên dặm dài diệu vợi của nhân gian, chánh pháp đã tách dặm chia đường, nhiều phương nhiều lối. Qua hai thời kỳ phổ độ, chánh pháp bị biến tướng, mất sự trọn lành trọn sáng. Nay đến Kỳ Ba, chính Đấng sanh hóa càn khôn là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng lâm khơi nguồn chánh pháp cho bừng lên, sống động trở lại trong buổi đời cùng để tận độ quần sinh.

Lời dạy của Đức Đông Phương Lão Tổ soi sáng cho chúng ta về chánh pháp trung hưng:

“Người [Thượng Đế] đã đến cùng chúng sanh bằng sự yêu thương, quyết đem con cái của Người trở lại con đường bình yên trong sự sống đời đời, chung một khối bình đẳng bác ái, không để một ai tách ngoài thánh thể trọn lành mà chịu khốn khổ dưới quyền hành của quỷ vương giày đạp. Nên Người quyết quy Tam Giáo, hiệp Ngũ Chi dựng nên một nền chánh pháp, đem tất cả các mối đạo xưa về một để duy nhất tín ngưỡng, chung một con đường hồi hướng, giúp đỡ lẫn nhau cởi mở trái oan khổ nạn bởi vô minh tội lỗi ở lòng chúng sanh gây kết thành cộng nghiệp, mà nhẹ bước đường lành, thung dung tháng ngày không dính một gợn não phiền, không để một chướng ngại lo âu mà chúng sanh phải thối lòng bồ đề, thối duyên bồ tát. Cõi thế gian không còn các mối cạnh tranh, giành xé, sát hại lẫn nhau, đều được một tổ chức hoàn bị để tương trợ liên quan mà trưởng thành một cuộc sống thanh bình, đạo đức, rất nên tốt đẹp.

Muốn tới một cuộc đời trang nghiêm thanh tịnh như vậy, Người bèn quy lương sanh, vầy một thánh thể, mà hình hiện một pháp môn rộng lớn để chứng tỏ Tạo Hóa vạn vật đồng thể đồng tánh, chân lý trong trời đất không phân biệt đây đó gần xa. Ai cũng là một tế bào trong cơ nhục của thánh hình Đại Đạo, đồng đẳng trên dưới trong ngoài. Kẻ thiện tri thức, đám quần dân kết nên một guồng máy, điều hòa trợ trưởng cho nhau. Dù ở chỗ trong chỗ ngoài cũng có một trọng trách làm chủ tướng cơ vệ trấn an cho khu thể.

Mục đích cứu chuộc Lần Ba là thế. Phải làm cho bốn biển chung nhà, năm châu chung chợ, vạn vật chung sống trong bầu Tạo Hóa tự do, giải thoát tất thảy nghiệp trái oan khiên cho người đời, về phần xác lẫn phần hồn rất nên thanh khiết, trọn vẹn.

Muốn đi đến ngày cứu cánh viên mãn cho chúng sanh, công cuộc thiết lập Đại Đạo không phải một sớm một chiều mà phải xây đắp nhiều công phu bởi nhiều bàn tay chúng sanh giác ngộ theo một quyền pháp tận độ của buổi Tam Kỳ. Quyền pháp ấy là hồng ân của cơ cứu chuộc. Người đã đem từ trời mà đến làm con thuyền bát nhã đưa chúng sanh nơi bến tục tận đến bờ giác để thoát cơ tự diệt, hưởng cảnh thung dung. Chúng sanh phải lấy công cán tâm linh của mình làm giá chuộc. Giá chuộc ấy bằng sự ăn năn và lòng hồi hướng thì mới được nối liền mối thông công để cho điển lực nơi Trời chuyển nhập vào lòng, vẹt u ám, giúp tri năng, thêm sức mạnh cho chúng sanh chiến thắng quỷ vương, ca khúc thái bình quang vinh hạnh phúc.

Nên loài người muốn được dưới sự che chở của bàn tay quyền năng là phải lập giao ước cùng Trời, làm cho Trời người trở nên đồng nhất. Đã đồng nhất thì việc của Trời làm hôm nay là việc của người. Người phải thấy cái trọng trách sứ mạng ở nơi mình. Mình với Trời cùng một chương trình cải tạo thế gian. Nhận thức được điều ấy, thấy rõ một tương lai sứ mạng mà gắng lòng lo tu, để lòng thờ kỉnh. Đã được danh dự đứng trong hàng ngũ về phía của Thầy, cùng trong một bữa tiệc, được dự vào những ghế mà Đức Cha Trời dành cho, thì không phải ơn phước sao được trở nên danh dự đó?

Ơn phước trong buổi Tam Kỳ, Thầy lại dung hòa cả kim cổ lẫn Đông Tây, quy hiệp các tôn giáo, học phái để chiết trung làm một khối. Khối ấy gọi là hoàn linh đơn cứu chuộc vạn linh, nên phải bỏ nhiều công phu nấu luyện mới thành. Trước hết phải theo một phương thang mà bào chế. Phương thang ấy từ trời đất mới có đã cứu được không biết bao nhiêu chúng sanh trong các thời đại. Tam Giáo Thánh Nhơn đã trao cho thế gian, mà thế gian được hòa bình, chúng sanh chứng thành không biết bao nhiêu trên cảnh Niết Bàn. Về cá nhân thì Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt, ba báu đồng cân. Về đạo pháp [thì] Lý, Khí, Hình một thể độc nhất, tạo hóa muôn loài. Nên xây dựng thánh hình là phải đủ tam thể làm nhứt nguyên, đạo đời hiệp một, mà con đường xuất thế huờn nguyên phải dựa vào cơ nhập thế bồi công. Mà nhập thế xây thế đạo, xuất thế dựng thiên đạo cũng không ngoài ba báu là tôn giáo, khoa học, chính trị làm một để nuôi phần xác, dưỡng phần hồn, mở căn trí, giúp cơ năng, làm chương trình cho tinh thần vật chất hay duy vật duy linh, không ngoài định luật duy nhất.”

II. SỨ MẠNG TRUNG HƯNG

Trong buổi hạ nguơn mạt kiếp, thế gian chìm ngập vào muôn trùng khổ nạn. Đức Chí Tôn không nỡ để sanh linh ngụp lặn trong đau thương đã hội quần Tiên phóng điển quang, quy Tam Giáo và hiệp Ngũ Chi, khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, chuyển cơ mạt tận quay về nguơn thánh đức.

Tôn chỉ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là quy hiệp, thế mà vừa đến với chúng sinh thì đạo Cao Đài lại phân hóa. Bởi vì lòng người diễn biến nên nền chánh giáo tại Nam Kỳ bị chia manh xẻ mún. Đức Thượng Đế Chí Tôn chuyển vận cơ đạo về Trung Kỳ, ban lệnh thượng cờ quy nhất, dần dần thực thi sứ mạng trung hưng. Đức Chí Tôn dạy:
“Than ôi! Chính mình Thầy đến khua chuông cảnh tỉnh, đánh trống giác mê, gay thuyền bát nhã, phất cờ quy nguyên, lấy câu nhẫn nại và tình thương mà làm hướng đạo để quy tụ các con đem về một mối.

“Cái mối mà Thầy dắt cho các con đây chính là mối chung thiên hạ, không phân Nam Bắc, chẳng luận Đông Tây, bắt tay nhau đi đến thế giới hòa bình, nhơn nhi vô nhơn, ngã nhi vô ngã.”

Từ năm Canh Thân (1920), Đức Thượng Đế Chí Tôn lâm trần lập đạo. Đức Thượng Đế Chí Tôn đã thâu nhận môn đồ đầu tiên là ngài Ngô Văn Chiêu để ban trao phần tâm pháp vô vi bí truyền. Sau đó Đức Chí Tôn thâu nhận các ngài Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, v.v… để ban truyền phần tướng pháp hữu vi công truyền.

Trong khoảng ba tháng đầu năm Bính Dần (1926), Đức Chí Tôn thiết lập một số chức sắc đầu tiên cho đạo Cao Đài: Giáo Tông (ngài Ngô Văn Chiêu); Thượng Đầu Sư (ngài Lê Văn Trung); Ngọc Đầu Sư Ngọc (ngài Lê Văn Lịch), v.v…

Khi hàng giáo phẩm dần dần hình thành cho cơ phổ độ, chuẩn bị tiến đến lễ Khai Minh Đại Đạo thì ngài Ngô Văn Chiêu tách ra vào ngày 13-3 Bính Dần (24-4-1926) để chuyên chú xây dựng con đường tâm truyền (cơ tuyển độ), và đến năm Bính Tý (1936) thì hình thành nền tâm pháp vôvi với bửu kinh Đại Thừa Chơn Giáo. Trong lúc đó, cơ phổ độ xiển dương chánh giáo theo con đường công truyền với Pháp


Chánh Truyền, Tân Luật, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Kinh Thiên Đạo Và Thế Đạo, v.v…


Đức Thái Cực Thánh Hoàng Thượng Đế Chí Tôn đã lâm trần lập đạo, giáo đạo gồm hai khoa: ngoại giáo công truyền (hữu vi Tam Giáo), và nội giáo tâm truyền (vô vi Tam Thanh). Thầy dạy:

– “Thầy nhứt định chính mình Thầy đến độ rỗi các con, chẳng chịu giao chánh giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà buộc phải lập chánh thể, có lớn nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng Ðảo.”

– “Tam Giáo xưa kia lập đạo, lúc ban sơ truyền bá cơ diệu lý quang minh, bắt từ chỗ vô vi khẩu thọ tương truyền, lần lần xuống thì trở ra hữu hình mà Đạo mầu thất chánh, tâm pháp lạc sai, ấy là cơ đạo đến thời kỳ cuối cùng của Tam Giáo thất chơn truyền diệu pháp.

Còn Đạo Thầy lại trái hẳn với Tam Giáo là bắt đầu truyền đạo thì dụng hữu hình, lấy sắc tướng, âm thinh mà độ đời một cách lẹ làng, mau chóng. Vả lại, Đạo Thầy bắt đầu do chỗ hữu hình mà truyền bá, rồi lần lần mới dẹp hết chỗ hữu hình mà đi đến chỗ vô vi, là cơ siêu phàm nhập thánh. Vậy thà trước dụng cơ hữu hình để phổ hóa cho cơ đạo dễ lưu thông; rồi cứ đó mà dắt dẫn cho nó tấn hóa mãi trên đường cao thượng, riết đến chỗ không hư tức là vô vi thì đạo pháp mới phát minh, cơ diệu lý huệ tâm ứng lộ; thế là Đạo Thầy không hư hoại đặng. Mà không hư hoại đặng là nhờ ở chỗ hữu hình đi lên riết đến tận vô vi. Còn Tam Giáo xưa lại từ vô vi mà lần lần sa sụt xuống hữu hình mới thành đạo bế, rồi sai lầm ra ngoại giáo bàng môn.

Mà Thầy lập giáo kỳ nầy lại trái hẳn với nền cổ đạo. Thầy chỉ dùng cái huyền cơ bí pháp mà truyền đạo khắp dân gian. Thầy đem chơn pháp diệu huyền trao cho người luyện thành chánh giác thì phản bổn huờn nguyên. Thầy dùng huyền diệu cơ bút để hoằng khai cơ quan vô vi Đại Đạo. Thầy nhứt định không giao thánh giáo cho tay phàm nữa. Vì trước kia Tam Giáo thất chơn truyền là cũng bởi thánh giáo ở trong tay phàm, nên các con canh cải làm sái lạc pháp linh.”

Đức Trần Hưng Đạo dạy:

Trời mở Đạo Kỳ Ba cứu thế
Bảng Thiên thơ ghi để tận tường
Hệ đồ lắm mục nhiều chương
Phân thành đủ loại đủ phương lạ lùng.
Nhứt vạn giáo mà trung vạn pháp
Hòa vạn dân, tổng hợp vạn thù
Quy nguyên Gia, Lão, Thích, Nho
Cậy tay nhân thế vận trù thi công.

Chánh pháp trung hưng của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ gồm hai khoa: Một là TƯỚNG PHÁP HỮU VI thuộc phần lập chính thể (hành chánh trị đạo) có giáo thể, giáo chế, giáo quyền, giáo luật, giáo phẩm. Đó là nền ngoại giáo công truyền, tức Cao Đài Tôn Giáo. Hai là TÂM PHÁP VÔ VI gồm các đàn tu tịnh thuộc nội giáo tâm truyền, tức Cao Đài Đại Đạo.

Từ những năm 1930, nền đạo công truyền bắt đầu phân ly trầm trọng. Để hàn gắn một thánh thể bị chia năm xẻ bảy, Ơn Trên bắt đầu vận chuyển công cuộc trung hưng. Năm Giáp Tuất (1934) Thầy mở đường quy nhứt bằng cách đưa đạo ra Trung. Thầy ban Ngọc Chỉ:

NGỌC Chỉ ban ra dạ nghẹn ngùng
HOÀN(G) cầu thế giới vẫn trời chung
THƯỢNG cờ quy nhứt minh chơn đạo
ĐẾ mạng chừ ai gánh vác cùng.

Thầy mượn các thanh đồng ở làng Bất Nhị (Quảng Nam) lập thành nhóm Tứ Linh Đồng Tử tại thánh tịnh Đại Thanh (Gò Vấp, Gia Định) để đưa đạo về Trung. Thầy dạy:


Trung từ đây đắp xây chánh đạo
Nam xướng lên kế hảo đoàn viên
Kẻ thống nhất, người quy nguyên
Cơ quan sắp sửa tuyên truyền vạn linh.

Chánh đạo ở đây là hai khoa (tướng pháp hữu vi và tâm pháp vô vi) đã hình thành tại miền Nam; ngày nay về miền Trung phải hiệp nhất hai khoa (tướng tâm hiệp một, ngoại giáo và nội giáo đồng tu, hành đạo và tịnh luyện đi đôi).

Công cuộc “đắp xây chánh đạo” nầy được gọi là SỨ MẠNG TRUNG HƯNG CHÁNH PHÁP. Đức Phạm Hộ Pháp dạy:

“Bốn chữ ‘trung hưng chánh pháp’ thời Cao Đài truyền về Trung Kỳ năm 1934, trong những năm tháng mà một số người rút ra khỏi Tòa Thánh Tây Ninh lập riêng từng chi phái. Đến năm 1956 tại Đà Nẵng có Trung Hưng Bửu Tòa. Chữ ‘trung hưng’ nào cũng có nghĩa nói về một thời đại đã bị suy yếu, nửa chừng hưng phục lại, nếu không nói là hưng phục lại công nghiệp của người xưa theo cách trung ứng vạn duyên, không thiên không chấp tả hữu. Noi theo chí hướng, đường lối tu hành ở Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài là trung hòa với bổn đạo Cao Đài khắp nơi theo lập trường hưng phục lại chơn truyền chánh pháp, vô vi và hữu vi tuy hai mà một, không nói một nói hai.”

Sứ mạng trung hưng ở Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài mở ra một công vụ sứ đồ hiệp thông cả Thiên-nhơn, có hàng Thiên Đồ Trung Bảo, gồm hai giai đoạn chỉnh cơ và khai cơ.

Chỉnh cơ lập pháp

Chỉnh cơ là chỉnh đốn hàng ngũ từ hạ tầng cơ sở (ban trị sự) lên họ đạo, rồi đến Hội Thánh theo cơ chế ba Phái (Thái, Thượng, Ngọc) và bốn Cơ Quan (Hành Chánh thuộc phái Thượng, Phổ Tế thuộc phái Ngọc, Phước Thiện thuộc phái Thái, và Minh Tra thuộc ty Hiệp Thiên Đài).

Theo thánh giáo của Đức Quan Thánh, bốn Cơ Quan nầy thiết lập theo cách phối hợp ngang dọc và chéo các quẻ của Tiên Thiên Bát Quái có đính trên Thiên phục Giáo Tông. Bốn Cơ Quan nầy được Ơn Trên ban cho Tứ Bửu Pháp (bốn bí tích trị đạo) như sau:

Cơ Quan Hành Chánh (quẻ Địa Thiên Thái): Khai Đạo Thông, bí tích Tứ Bửu Pháp là Tẩy Tịnh, Khai Đàn, Trấn Thần, An Vị.

Cơ Quan Phổ Tế (quẻ Lôi Phong Hằng): Khai Nguyên Giáo Pháp, bí tích Tứ Bửu Pháp là Trị Bệnh.

Cơ Quan Phước Thiện (quẻ Trạch Sơn Hàm): Khai Sinh Cơ Thông, bí tích Tứ Bửu Pháp là Chẩn Tế.

Cơ Quan Minh Tra (quẻ Thủy Hỏa Ký Tế): Khai Pháp Thông, bí tích Tứ Bửu Pháp là Giải Oan.

Phối hợp bốn Cơ Quan nầy thành một cơ chế hành chánh trị đạo gọi là Tòa Nội Chánh.

Về sự vận hành quyền pháp của bốn Cơ Quan, Đức

Nguyễn Chơn Khai dạy:

“Hội Thánh gồm có bốn Cơ Quan, khi hợp khi tan. Tan hợp để ứng theo cơ biến hóa. Tòa Đạo là một, một mà ba. Ba Cơ Quan là ba, ba mà một. Một để duy nhất chơn truyền, để hòa đồng Thiên-nhơn, đời-đạo. Ba để biến hóa vận chuyển huyền linh. Vì vậy mà Tòa Đạo gồm có ba Chi, chia mỗi Chi phụ trách mỗi phần hành và tùy Chi mình mà hành chánh bảo pháp. Còn ba Cơ Quan, mỗi Cơ Quan mỗi việc: Đời đạo tương thân; chuyển đạo độ đời; khai thế cứu thế. Cũng như bàn cân thiên bình làm cho sáng tỏ ngôi linh Thiên mạng. Ba vị Chánh Phối Sư chia ra để làm, hợp lại để thấy. Làm phải thấy, thấy mới làm. Vì vậy mà nói Cơ Quan, nói Hội Thánh, chớ Hội Thánh và Cơ Quan khác mà không khác.”

Ba Cơ Quan này là: Hành Chánh lo an bài trật tự; Phổ Tế lo khai thế độ thế, truyền đạo giữ đạo; Phước Thiện lo khai thế tạo thế, bảo sanh dưỡng thiện. Cơ Quan thứ tư là Minh Tra thì “một mà ba”, vì Cơ Quan nầy có chức năng pháp chánh tức minh tra bảo pháp, nên phải liên hệ với ba chi Pháp, Thế, Đạo của Hiệp Thiên Đài để phối đồng về luật pháp đạo và đời trong việc bảo an quyền pháp.

Khai cơ giáo pháp và khai cơ thành đạo

Cơ chế Giáo Hội chỉnh đốn xong chuyển sang giai đoạn khai cơ. Thầy dạy:

“Hôm nay Thầy quyết định ra lệnh cho Lý Giáo Tông ban nghị định quyền pháp năm năm. Các con từ Hội Thánh đến thánh thất đồng đẳng thi hành thì chánh pháp ngày mai được mở rộng độ người cứu nước.”

(...)

“Vậy phải làm được mới hoàn thành sứ vụ khai cơ giáo pháp, có một Hội Thánh duy nhất mà thôi.”

Cũng đàn cơ nầy, Đức Lý Giáo Tông dạy:

“Giờ nầy Lão vâng lệnh Chí Tôn đến để ban hành Nghị Định. Chư Hội Thánh Lưỡng Đài cùng Lão góp một chương trình hành đạo năm năm đặng xây dựng thánh thể của Thầy được uy nghi thị hiện.”

Khi tái cầu, Đức Giáo Tông dạy tiếp:

“Giờ này Bần Đạo tiếp bài nói về việc ban hành Nghị Định là muốn cho Hội Thánh có một quyền pháp tinh minh. Toàn chư đạo hữu xa gần phải giữ đúng, làm đúng theo Tân Luật thì Giáo Hội ngày mai mới được mạnh mẽ, mà người trong cửa đạo sống được thanh bình, quy về thượng phẩm. Vì từ xưa đến nay nền đạo cứ mãi thăng trầm, tan hợp bởi không y hành Tân Luật mà cứ đua theo bắt chước cái mới của đời nên thánh thể bị chắp vá đủ cái thô kệch vụng về, chỗ Á chỗ Âu, trước kim sau cổ, tân cựu thô kệch, tâm vật ê chề, chính trị tôn giáo lố lăng, màu sắc không khoa học.

Các đạo hữu tưởng vậy là đúng với tôn chỉ tân pháp cộng đồng bình đẳng, không ngờ đó là kết hợp lại những cặn bã xấu xa. Cái tôn chỉ dung hòa hợp nhất của Đạo Thầy là quy tụ các tinh ba hy hữu của bao nhiêu thời đại cổ kim, chọn lọc cái tốt đẹp tiềm tàng trong các tôn giáo, học phái để xây thành một lâu đài phước huệ. Lâu đài ấy là kết tinh của sự tiến bộ tinh minh mà nhân loại đương khát vọng. Cái quý giá nầy được gom góp ở trong nhơn gian, tiềm ẩn trong vạn vật: tôn giáo, khoa học, chính trị, triết học, tâm lý học... Vạn vật và các cõi trời tụ họp trong không khí quy trung. Vì lẽ đó mà một tôn giáo như các tôn giáo khác ngó chừng giống nhau mà sai thù thiên vạn. Chúng ta lầm hiểu chữ cộng đồng mà thực hành lại đem cái cặn bã khô khan kia đắp tô cho Giáo Hội của mình ngày thêm nặng nhọc.

Bây giờ đây cơ giáo pháp đã khai, Bần Đạo có bổn phận thay mặt cho Thầy mà dìu dắt chư đạo hữu trong đường đạo và đường đời, làm cho Giáo Hội mạnh lành phước đức, giáo quyền hình hiện Thần Thánh tôn nghiêm. Nay sống ở thế gian hưởng phước thanh bình, ngày mai về cõi trời hưởng ơn chín phẩm.

Vì vậy mà ban hành Nghị Định buộc chư Thiên phong chức sắc hành công truyền đạo phải đúng theo Tân Luật. Hội Thánh trị đạo, giáo hóa, lập họ phân quyền đều theo Tân Luật thì sống bình yên, vui hưởng ân lành, quy liễu được nhập vào Bát Quái hóa thân chín phẩm liên đài, đời đời thanh phước.

Vì vậy, người tu giữ luật là chẳng những lợi bổ cho mình về đời sống thế gian và đời sống cõi trời, mà còn giúp cho Giáo Hội, giáo quyền thêm mạnh mẽ sâu rộng, có uy thế trong nhân gian, lại còn làm cho nhân gian cảm mộ đức hạnh nhà tu, dù chưa vào đạo cũng học đòi sửa tâm tu hạnh. Ôi, thi hành Tân Luật có lợi ích biết bao! Chẳng những thấy bằng con mắt, nghe bằng lỗ tai là đẹp là xinh mà khế ứng với Thiên điều, y khuôn chánh pháp thì con người giữ luật là con người tự do. Người tự do là người Tiên Phật ở cõi lành, sớm Bắc hải chiều Nam non, vào cung Tiên chơi động Thánh, mười phương thế giới ai cũng đón mời, thân không bị nô lệ cho sáu dục bảy tình, ý thức là bạn siêng năng, để mắt tai tiếp thu phước huệ.

Người giữ luật đối với thế gian dù có sống trong chế độ dã man cũng không hại lụy đến mình mà mình đến đâu đi đâu không ai cản trở.

Thế, Hội Thánh không thi hành, còn đợi ngày nào nữa?”

Từ Khai Cơ Thành Đạo, Ơn Trên ban cho bửu pháp luyện châu gồm bốn tầng bậc công phu: Hồi Hướng Linh Châu, Tướng Châu, Tâm Châu và Tam Bảo Hoàn Châu.

Ba tầng công phu Linh Châu, Tướng Châu, Tâm Châu còn ở lãnh vực hữu vi Tam Giáo do các Đấng Nam Cực Tiên Ông, Quan Thánh Đế Quân, Quan Âm Bồ Tát, Đông Phương Lão Tổ, Hải Triều Thánh Nhân dẫn giải ban truyền.

Qua tầng bậc thứ tư thì Đức Ngô Cao Tiên lâm đàn truyền pháp Tam Bảo Hoàn Châu thuộc về Vô Vi Tam Thanh. Tam Bảo Hoàn Châu là luyện Tinh Khí Thần hiệp nhứt. Vào bậc tu nầy phải đến với “đàn”. Đàn là nơi Thầy ban pháp truyền pháp, môn sinh đến đó thọ pháp hành pháp. Đàn là nơi “chính mình Thầy đến độ rỗi các con.”


Vào giai đoạn khai cơ thành đạo, Thầy cho lập đàn tại Trung Tông Thánh Tịnh, danh hiệu là Huyền Quan, Thầy dạy:

“Hôm nay Thầy thấy các con nơi này chí tu đã vững, lòng đạo đủ đương lấy gánh nặng quyền pháp tự độ độ tha, thành kỷ thành nhân, hầu đem nhau lại hiệp một cùng Thầy. Thầy ban cho nơi này một hiệu đàn gọi là Huyền Quan. Các con hướng vào đó mà tu, noi theo đó mà hành. Trời đất không ngoài cái đó. Thành Tiên Phật bởi đó. Sự sống ở đó. Lẽ thật trong đó. Tình thương phát xuất do đó. Kiền khôn thế giới đứng vững nhờ đó. Các con đắc đạo là đắc cái đó.

(...)

“Hôm nay Thầy ban cho con một hiệu đàn, là ban cho một bửu pháp, một quyền năng, một sự sống.”

Thầy lập Trung Tông Đạo, trao Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài sứ mệnh trung hưng, chỉnh cơ chỉnh pháp, và cuối cùng ban cho đàn Huyền Quan. Đây là cứu cánh tận độ Kỳ Ba mà Đức Ngôi Hai Ngô Minh Đại Tiên được Thầy trao quyền chủ tọa.

Năm Nhâm Thìn (1952) mở đầu giai đoạn chỉnh cơ lập pháp để tiến vào sứ mạng trung hưng. Đức Bảo Pháp Thanh Long là tướng soái của Thầy trong công cuộc thượng cờ quy nhất, minh chơn đạo. Lúc sanh tiền, giai đoạn công vụ sứ đồ của Ngài chưa rõ nét về sứ mạng trung hưng. Sau khi quy thiên, đắc quả vị Bảo Pháp Chơn Quân, Ngài về cơ minh xác:

Giờ ta phải truy nguyên nguồn cội
Năm Canh Thân [1920] mở hội Tam Kỳ
Cao Đài tâm pháp vô vi
Đức Ngô gặp Đạo tu trì đầu tiên.
Sang Bính Dần [1926] công truyền mở rộng
Danh Cao Đài chấn động gần xa
Pháp quyền sứ mạng ban ra
Hình thành thánh thể Thánh Tòa Tây Ninh.
Tu tâm pháp nâng mình nên Thánh
Cảm hóa người vạn hạnh nơi thân
Công truyền cứu thế độ nhân
Hiện bày sắc tướng uy thần quyền năng.
Thể với dụng đành rằng có một
Trước sau như tràng hạt pháp luân
Thầy dùng thiên ức hóa thân
Xét bệnh cho thuốc, Thiên ân phải rành.
Đạo gốc ở thực hành đúng đắn
Bằng danh ngôn cũng chẳng ích gì
Xưa sao nay vẫn giữ y
Chờ Thầy quy nhất vội gì bớt thêm.
Pháp trung hưng đã đem về một
Dính chùm nhau như hột ác xoa
Dầu mà muốn gỡ không ra
Khác nào sữa nước tan hòa lẫn nhau.


Bổn đạo miền Trung hay truyền tụng hai câu này:

Trung Tông có pháp nhiệm mầu
Có Thầy chỉ lối, có đầu có đuôi.

Có đầu là ngoại giáo công truyền, là Khai Đạo. Có đuôi là nội giáo tâm truyền, là Thành Đạo.
Tại nhà tiền khai Lê Văn Trung, Đức Chí Tôn dạy:
“Chiêu buổi trước hứa lời truyền đạo cứu vớt chúng sanh, nay phải y lời mà làm chủ, dìu dắt cả môn đệ Ta vào đường đạo đức, đến buổi chúng nó lập thành, chẳng nên tháo trút. Phải thay mặt Ta mà dạy dỗ chúng nó.”

Lời Thầy dạy cho thấy Đức Ngô là bậc tiền khai đứng đầu mối Đạo, tuy không đồng hành với cơ phổ độ nhưng vẫn làm chủ mối Đạo; Ngài là Ngôi Hai, thay mặt Thầy dìu dắt cả môn đệ Thầy cho đến buổi chúng nó lập thành.

Buổi lập thành là buổi đạt đến cứu cánh dung nhiếp hai khoa giáo của chánh pháp trung hưng với sứ mạng trung hưng.



Giáo Sư THƯỢNG LIÊM THANH
Thánh đường Quảng Nam
29-3 Tân Sửu (Thứ Bảy 10-4-2021)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides