Thiện Hạnh
Trong quá trình tu học người tín đồ trải qua nhiều cấp lớp từ thấp
lên cao: tiểu thừa, trung thừa và đại thừa. Ở bậc tiểu thừa, người tu học cần
dựa vào những điều qui căn bản ban đầu để làm kim chỉ nam nhằm tu tập cho thuần
thục để chuẩn bị tiến lên bước kế tiếp cao hơn. Tùy theo trình độ căn trí, hoàn
cảnh bản thân và mức độ hành trì, thời gian tu học của mỗi người ở bậc tiểu
thừa hay trung thừa có độ dài khác nhau: có thể vài tháng, vài năm, vài mươi
năm, suốt cuộc đời, thậm chí có trường hợp phải dừng bước thoái chuyển.
Trường học đạo cũng giống như trường học đời, càng lên lớp càng có nhiều thử thách cam go, bài vở càng khó khăn. Vì thế, khi bước lên nấc thang Đại thừa để hành Thiên đạo, hành giả đã bước lên cấp lớp khác hẳn ở bậc Tiểu thừa và Trung thừa. Hành giả tu học bậc Đại thừa cần giải thoát mọi ràng buộc nơi cõi thế gian. Bởi vì, thực hành Thiên đạo tức là noi theo sự vận hành của thiên lý nhằm quay bánh xe đại thừa khắp mọi nơi để cứu độ chúng sanh, đoạn dứt luân hồi sanh tử. Cho nên, hành giả cần triệt thoái mọi tư dục, chấp trước, chấp ngã, chấp pháp, chấp có, chấp không, v.v. Có như vậy, hành giả mới thực hành được đạo giải thoát trên bước thiên đạo đại thừa.
Người
tu học Đại thừa phải hành Thiên đạo. Thiên đạo tức là đường lối giải thoát của
người tu. Giải thoát mà Lão muốn nói đây là giải thoát mọi ràng buộc, phá hết
mọi sự chấp ngã, chấp nhơn, chấp đạo, chấp pháp, tất cả đều “không” mới là giải
thoát.[1]
1. Bước đầu từ “chấp”
Theo Tân luật (điều 12), người tân tín đồ Cao Đài ở bậc hạ thừa
cần tuân thủ các điều kiện căn bản: giữ trai kỳ sáu ngày hoặc mười ngày, giữ
ngũ giới cấm, tuân theo Thế luật của Đại Đạo. Ngoài ra, người tín hữu có trách
nhiệm đến thánh thất hai ngày sóc vọng hàng tháng để cúng thời và nghe dạy
(điều 19). Tuy những ràng buộc nầy có thể làm mất sự tự do cá nhân vì người tân
tín đồ phải khép mình tuân thủ những qui điều và luật lệ, nhưng điều nầy rất
cần thiết cho việc un đúc họ trở nên người môn đệ Cao Đài thuần thành.
Cho nên, có thể nói, người tín đồ trong giai đoạn tiểu thừa và
trung thừa cần phải chấp vào những luật lệ qui điều như: ăn chay, giữ giới,
cúng kính, tu học, hành đạo, v.v. Song, bất luận người tu học có thâm niên bao
nhiêu năm đi nữa, nếu còn thiếu sót một khía cạnh nào đó trong những điều căn
bản nầy cần trì hành cho đến khi nào hoàn hảo. Thật vậy, những gì con người còn
thiếu sót thì cần phải chấp phương tiện để tu học và hành đạo; đến khi ta đã
thuần thục rồi thì không cần chấp, hoặc bám víu vào phương tiện đó nữa.Bởi lẽ,
nếu ta tiếp tục lệ thuộc vào phương tiện nầy sẽ không cần thiết và hữu ích
nữa.Xin nói thêm, phá chấp chỉ có ý nghĩa là khi bản thân đã thực hành thuần
thục, áp dụng nhuần nhuyễn phương tiện mà ta đã tạm mượn hoặc đã chấp vào trước
đây.Sự thật hiển nhiên là sau khi hành giả phá chấp phương tiện cũ, hành giả
vẫn hành trì một cách thuần thục, hoàn hảo.Phá chấp có nghĩa là hành giả không
cần phải từng giờ từng phút bám víu, lệ thuộc vào phương tiện nữa mà nhứt cử
nhứt động đều không vượt ra ngoài khuôn khổ, qui tắc.Thật vậy, lúc bấy giờ
những giới luật qui điều nầy đã trở thành thói quen, mà hành giả không thể nào
hành xử khác hơn được.Cho nên, có thể nói lúc bấy giờ, hành giả vừa phá chấp và
vẫn đang chấp một cách vô ý thức.Phá chấp vì hành giả không còn lệ thuộc, bám
víu vào phương tiện; và chấp một cách vô ý thức vì hành giả vẫn không ra ngoài
khuôn viên mẫu mực. Xin nêu lên một thí dụ đơn giản là khi học sinh bắt đầu tập
viết cần phải sử dụng hàng đôi để chữ viết được ngay hàng thẳng lối. Đến khi
nào học sinh tập viết nhuần nhuyễn rồi thì không cần sử dụng hàng đôi mà chữ
viết vẫn thẳng hàng như viết trong hàng đôi vậy.Lúc đó học sinh dù muốn hay
không muốn cũng phải “phá chấp” cái phương tiện “hàng đôi”.
2. Rồi đến “phá chấp”
Hành giả tu học cấp đại thừa thiên đạo cần giải thoát tất cả những
ràng buộc của hình danh sắc tướng, ngôn ngữ văn tự, thị phi đối đãi, v.v.
Người
hiểu Đạo giải thoát ngay từ bước đầu là phá
chấp tất cả sắc tướng, hình danh, thị phi, ngôn ngữ, văn tự. Nếu còn chấp
là còn lấy dây tự trói buộc mình trong phạm vi hạn hẹp.[2]
Nội dung của “chấp” rất đa dạng bao gồm: chấp trước, chấp kinh,
chấp pháp, chấp nhơn, chấp ngã, v.v.
Cái lỗi lầm to tát nhất của người
tu hành Thiên ân hướng đạo là chấp trước, chấp hình, chấp danh, chấp kinh, chấp
pháp, chấp nhơn, chấp ngã, nên gây nhiều trở ngại trên bước đường quay về bổn
giác.[3]
Khi lục căn tiếp xúc với lục trần mà lưu lại hình ảnh tức là tâm
dính vào cảnh, con người bị vướng mắc vào cảnh trần; ngược lại khi tâm tiếp xúc
với ngoại cảnh mà tâm vẫn thanh tịnh, tức là tâm như mặt gương không hề lưu lại
bất cứ hình ảnh nào, con người không bị vướng mắc vào cảnh trần. Mà hễ bị vướng
mắc, tất nhiên sẽ phát sinh lòng ham muốn, dục vọng kết thành. Mà dục vọng kết
thành tất nhiên con người còn phải luân chuyển trong vòng sanh tử luân hồi,
không giải thoát được.
Hễ
còn chấp là còn gieo nhân. Hễ gieo nhân dục vọng ắt còn vướng trong bánh xe
luân. Hễ chưa thoát ra khỏi bánh xe luân, ắt không siêu sinh liễu tử và lục đạo
luân hồi.[4]
Xin được giới hạn vài phương diện của phá chấp như: chấp trước,
chấp ngã và chấp pháp.
Chấp
trước có nghĩa là tâm dính mắc vào một cái gì đó mà không tháo gỡ ra
được.Thí dụ như có một người khen ta lịch sự và thông minh, chắc là mình sẽ
thích lắm và luôn nghĩ về lời khen đó.Lúc đó, ta chấp trước vào lời khen. Hoặc
là khi ta thích ăn món gì đó và nhờ người thân đi mua dùm. Do món ăn ta thích
đã hết, nên người thân đành mua món khác thay thế. Ta không có phản ứng gì
nhưng không ăn món ăn đó hoặc chỉ dùng một chút cho lấy có. Trong trường hợp
nầy ta chấp trước vào món ăn. Trong kinh Kim Cang có dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” điều nầy có nghĩa là nếu tâm không
có chỗ trụ, không có chỗ bám víu vào, đó chính là nơi hành giả đạt đến. Khi đó,
hành giả đạt đến chỗ tâm vô phân biệt, tâm tự tại, tâm phá chấp.Ngược lại, khi
ta chú ý vào một điều nào đó, rồi nghĩ đến điều tốt hay không tốt, thì đều là
chấp trước. Cho dù chúng ta chấp điều tốt hay chấp điều xấu cũng không ngoài
chấp trước cả.
Lại nữa, kinh Kim Cang có câu:
Nhất
thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn, bào ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.
Câu kinh nầy có ý nghĩa là các pháp hữu vi trên thế gian giống như
giấc mộng, đều không thật tướng; các pháp nầy cũng giống như bong bóng, đều
không thật có. Giấc mộng hay bong bóng chỉ tồn tại trong một thời gian rất
ngắn. Suy cho cùng, vạn pháp đều tùy duyên mà phát khởi, sinh diệt vô cùng. Cho
nên, hành giả giác ngộ được các hiện tượng do pháp biến sanh đều là vô thường
cả, cần phải buông xả, đâu cần chấp vào cái nầy, chấp vào điều kia. Nếu trong
tâm không còn chấp trước, hành giả sẽ an nhiên, tự tại.
Người
tu hành đừng nên chấp trước bởi chỗ vạn pháp do duyên khởi, nhưng suy kỹ lại
thật vốn là không có gì cả, bởi các pháp đều hiện biến hữu ở không gian lẫn
thời gian, duyên khởi tự thức giác mới lộ bày theo các pháp. Nếu đã đốn ngộ
thượng thừa, tất nhiên phải quán định để tìm đến chỗ hư vô tịch diệt. Đó là
Đạo, là chứng quả Như Lai, là kim thân Phật thể.[5]
Chấp
ngã là bám chặt vào cái ta.Trong Tứ Diệu đế, Phật dạy rằng chấp ngã
là nguyên nhân của khổ đau. Trong Tam kỳ Phổ độ, ơn Trên đã phân tích đầu mối
của luân hồi sanh tử do chấp ngã. Bởi lẽ, do chấp ngã mà dục vọng hay lòng ham
muốn phát sinh, mà lòng ham muốn nếu không toại nguyện sẽ thất vọng buồn chán;
và điều nầy nếu không giải quyết được trong kiếp nầy thì con người sẽ phải mang
qua kiếp lai sinh. Cho nên, vòng luân hồi sanh tử cứ trói chặt con người, không
sao đoạn dứt được.Vậy nên, con người muốn giải thoát khỏi luân hồi cần đoạn trừ
chấp ngã.
Chính
vì cái chấp ngã đã cầm chơn con người trong bước tiến, còn lẩn quẩn loanh quanh
trong bánh xe luân hồi. Hễ còn chấp ngã ắt còn sự ham muốn.Ham muốn không được
thì thất vọng.Thất vọng thì buồn đau thống khổ, thể xác tiều tụy hao mòn trong
luật lão bịnh tử. Nhưng khi thác rồi đâu phải là dứt, vì cái sự buồn đau thống
khổ chưa dứt khoát kia mà. Hễ chưa dứt khoát ắt còn trở lại để trang
trải thanh toán.Hễ còn trở lại là còn vướng trong nghiệp luân hồi chuyển
kiếp.
Vậy
nói ngược trở lại: Muốn giải thoát khỏi cảnh luân hồi là phải đào sâu chặt đứt
mọi rễ lớn rễ nhỏ của sự buồn đau thống khổ. Muốn không buồn đau thống khổ thì
hãy tránh sự thất vọng.Muốn tránh sự thất vọng thì đừng dục vọng.Dục vọng là
ham muốn.Muốn trừ khử sự ham muốn thì điều trước tiên là đừng chấp ngã.[6]
Lại nữa, do chấp ngã nên con người chủ quan luôn cho mình là đúng,
dễ dẫn đến tư tưởng ngã mạn. Đây chính là rào cản ngăn sự học hỏi để có thể
tiến hóa.Còn chấp ngã tức là còn tham sân si, vòng luân hồi còn buộc chặt.
Tham
si vì chấp ngã, bởi chấp ngã nên chủ
quan. Tất cả mọi ý nghĩ, mọi suy tư gì của mình đều cho rằng đúng, rằng chân lý
đạo đức; không phân biệt được những ý nghĩ suy tư đó xuất phát từ cái chơn ngã
hay từ cái giả ngã, xuất phát từ khối tâm linh hay từ các thể phụ thuộc. Đó là
điều quan hệ nhứt cho giới tu hành.[7]
Chấp
nhơn là lệ thuộc vào người khác. Người tân tín đồ thường có khuynh
hướng bắt chước đường lối tu hành của những đạo hữu đi trước mình, cũng có đôi
lúc “thần tượng hóa” nhân vật mà mình
đặt hết niềm tin và sự trọng kính. Cho nên, những gì mà vị đạo hữu nầy nói,
mình đều tin tưởng và thực hành mà đôi khi thiếu xét đoán.điều nầy cũng giống
như các “fan” ngưỡng mộ ca sĩ, nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc vậy. Phàm là con
người làm sao tránh khỏi những lúc lâm vấp, lúc bấy giờ vị tân tín đồ rất dễ có
tư tưởng chán nản, thất vọng, hoài nghi và có khi lại bán đồ nhi phế do “thần
tượng” bị sụp đổ.
Trong việc giao tiếp hàng ngày giữa các đạo hữu với nhau, cũng
không tránh khỏi thị phi, góp ý, phê bình lẫn nhau. Trong đó, chắc hẳn đôi khi
cũng có những lời phê phán nặng nề, giống như trăm ngàn cây kim đâm vào da
thịt, có thể làm cho đạo hữu mặc cảm, buồn chán, bỏ tu. Con người cũng lại có
khuynh hướng chỉ biết phê bình những điều thiếu sót, mà không thích khen tặng
những ưu điểm của đồng đạo. Hoặc là chấp vào một vài chi tiết thiếu chính xác
trong một bài thuyết minh giáo lý, một quyển sách biên soạn, để bài bác cả một
công trình của đạo hữu, rất dễ gây tổn thương đến tình huynh đệ.
Thế gian nầy là cõi nhị nguyên đối đãi, đúng sai rất khó biện
phân.Có những điều đúng vào thời điểm nầy lại không thích hợp với thời điểm
khác.Cho nên, tinh thần phá chấp sẽ giúp cho chúng ta cởi bỏ những phiền não,
mở rộng lòng bao dung, thắt chặt tình huynh đệ để cùng tu, cùng tiến.
Chấp pháp có
nghĩa là bám chặt vào giới luật, gắn chặt vào giáo lý.Như đã trình bày, giáo
luật và giáo lý là phương tiện tối cần thiết cho người tân tín đồ bất kỳ tôn
giáo nào.Điều nầy cũng giống như là “hàng đôi” mà bất kỳ một học sinh lớp một
nào cũng phải tập viết.Đến khi học sinh đã tập viết thuần thục rồi, tự khắc
không còn sử dụng hàng đôi nữa.Tương tự, người tân tín đồ khi đã học tập và
thực hành giới luật đến khi thấm nhập vào trong tâm, sẽ cảm thấy rất thoải mái,
tuy giữ giới mà dường như không cần giữ giới luật nữa.Như vậy, ở giai đoạn tiểu
thừa và trung thừa, người học đạo cần phải chấp pháp, bám chặt vào giới
luật.Chính hành giả chứ không ai khác là người quyết định khi nào cần chấp pháp
và lúc nào phải rời bỏ phương tiện.Suy cho cùng, pháp cũng chỉ là phương tiện;
hành giả cần lìa phương tiện khi đạt đến mục đích.Đó chính là giải thoát
vậy.Song, phá chấp ở cấp bậc đại thừa không có nghĩa là hành giả phải buông xả
hay không cần nghiêm hành giới luật qui điều; mà thật ra, giới luật qui điều đã
thể hiện đầy đủ và trọn vẹn trong mọi sinh hoạt hằng ngày của hành giả rồi.Cho
nên, có thể nói là tuy phá chấp mà thật sự hành giả không giờ phút nào xa lìa
giới luật qui điều.Suy cho cùng, tuy hành giả phá chấp mà dường như hành giả
vẫn đang chấp vào qui giới tu trì.
Bần
Đạo khuyên chư đệ cũng như các hành giả nên nhớ điều này: “Pháp thị bổn vô pháp”. Nếu chấp pháp
thì không hành đúng chánh pháp, bằng nếu không chấp pháp thì cũng hành sai chánh pháp.Vì thế các pháp không ở luyện thần điều tức mà
thành Đạo được, mà thần không luyện, tức không điều thì Đạo cũng không thành.
Vì thế các bậc thành Đạo xưa kia nói đến chỗ đắc nhứt. Như hiện nay, chư đệ đi
chung một con đường mà không hay mình cùng một con đường, thế thì vẫn còn chấp
pháp và không chấp pháp, vẫn còn vọng tưởng; còn vọng tưởng thì không đạt được
chánh pháp.
Hỡi
chư hiền đệ! Dầu rằng con đường phục nguyên tuy diệu viễn, người hành giả phải
trải qua nhiều giai đoạn trong các sắc của trần gian, nếu vượt qua các sắc
trần, không vướng duyên nghiệp, chứng quả vô lậu, thì hành giả sẽ tới chỗ Một
mà hành giả muốn tới.
Pháp
là chiếc bè, hành giả muốn sang bỉ ngạn phải nhờ bè. Bè là tên của một vật, có
vật phải có người điều khiển. Hành giả là người nương bè chớ không là người
điều khiển. Qua sông phải bỏ bè.[8]
Chấp phápcòn có nghĩalà bám chặt vào các hình thức nghi lễ tôn
giáo hay giáo điều văn tự. Hành giả chấp pháp là người cứ mãi bám chặt vào ngón
tay chỉ trăng mà không nhìn thấy được ánh sáng của trăng nên không đạt được chỗ
“Trực chỉ chơn tâm, kiến tánh thành Phật”. Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy về
điểm này như sau:
Những
hiền nào dày công tu tập, thánh trí minh linh sẽ được trực giác Thiên tánh của
mình để cảm nhận và chứng nghiệm. Nhưng hiềm vì chúng sanh
căn trí không đều, chi nên các Đấng Thiêng Liêng đã phải tạm dùng đủ mọi ngôn
từ, hình thức, phương tiện để dắt dìu, dạy dỗ từng căn trí một từ kẻ giác đến
người mê. Biết được cái nguyên lý đó thì người hiểu Đạo giải thoát ngay từ bước
đầu là phá chấp tất cả sắc tướng, hình danh, thị phi, ngôn ngữ văn tự. Nếu còn
chấp là còn lấy dây tự trói buộc mình trong phạm vi hạn hẹp. Do đó mà Đạo Kinh
thường dùng những ngôn từ úp úp, mở mở, như có, như không, như chẳng phải có mà
cũng chẳng phải không, chẳng phải không có, mà cũng chẳng phải không
không,v.v... Bởi vì đó là một phương tiện trong những phương tiện để làm ngón
tay chỉ trăng, khiến kẻ tìm trăng phải hướng nhãn quan mình
vào phía đó và vượt xa hơn nữa mới thấy trăng.
Sở
dĩ dùng những ngôn từ không rõ rệt như vậy bởi vì không có ngôn từ nào chính
xác để định nghĩa Đạo.Những ngôn từ mà thế nhân thường dùng là để diễn tả những
gì thuộc cõi nhị nguyên đối đãi mà thôi.Biết như vậy để cõi lòng mình được mở
rộng thênh thang, không có gì đóng khung ngăn cách, đó là mình đã giải thoát
từng phần một trên cuộc hành trình tìm bến khởi nguyên rồi vậy.[9]
Trong lĩnh vực tôn giáo, người tín đồ thường có khuynh hướng cho
rằng tôn giáo hoặc pháp môn của tôn giáo mình mới là chánh tín, là phương tiện
hữu hiệu và rốt ráo nhất để giúp cho bản thân tu hành đắc quả, trở về nước trời
hay cõi cực lạc niết bàn. Thậm chí, có người còn quan niệm rằng ngoài tôn giáo
của mình ra, tất cả các tôn giáo khác đều là bàng môn tả đạo. Thật ra, tất cả các
tôn giáo chánh tín hiện hữu trên thế gian đều là những phương tiện để đưa con
người từ bến mê sang bờ giác. Sở dĩ có nhiều hình thức tôn giáo nơi thế gian
cũng nhằm đáp ứng trình độ căn trí và nhân duyên khác nhau của con người mà
thôi.
Song, cũng có trường hợp ngược lại là có người chấp vào pháp môn
tu trì của thánh sở hoặc tôn giáo mình không cao siêu bằng pháp môn của nơi
khác, có khuynh hướng đứng núi nầy trông núi nọ.Kết quả là suốt cuộc đời người
đó cũng chẳng đi đến đâu, lẩn quẩn loanh quanh trong việc thí nghiệm pháp môn,
làm tiêu hao rất nhiều thời gian, công sức, và có khi gây nguy hiểm đến sức
khỏe.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay còn gọi là đạo Cao Đài được chính Đức
Thượng Đế vì lòng đại từ đại bi khai minh tại thánh địa Việt Nam vào cuối thời
Hạ nguơn mạt kiếp nhằm cứu độ chúng sinh và lập đời Thượng nguơn Thánh đức. Tuy
đạo Cao Đài được Ơn Trên khải thị rằng sẽ tồn tại đến thất ức niên (700.000
năm), tinh thần phá chấp vẫn thể hiện rất rõ khi Ơn Trên đã xác tín rằng: “Cao Đài không phải là Cao Đài mới thiệt là
Cao Đài.”
Tuy
nói về chơn đạo thì Cao Đài không phải là Cao Đài mới thiệt là Cao Đài, nhưng
với quốc dân đồng bào chủng tộc Việt Nam trong một cục bộ giai đoạn, nó phải
tạm mang cái danh để được chánh danh. Danh có chánh, ngôn mới thuận.[10]
Chấp
có cho rằng vũ trụ nầy là có thật, còn ngược lại chấp không quan niệm ngược lại với chấp
có.Phật phản bác cả chấp có và chấp không.
Chấp
không, chấp có thiên tà,
Lìa không, bỏ có cũng là
bàng môn.[11]
Tạm
kết
Con người tu học và hành đạo tại thế gian trải qua giai đoạn từ
thấp lên cao: tiểu thừa, trung thừa rồi đến thượng thừa giải thoát. Ở giai đoạn
sơ cơ, người tín đồ cần phải dựa vào giới luật, qui điều, giáo lý để làm phương
tiện tu học và hành đạo.Trong giai đoạn nầy người tín đồ cần phải chấp đạo,
chấp pháp để nương tựa vào tôn giáo, pháp môn tu hành. Khi đã thuần thục ở bậc
tiểu thừa và trung thừa, hành giả bước lên cấp bậc đại thừa thực hành Thiên
đạo, cần phải phá chấp để giải thoát mọi ràng buộc nơi thế gian ngõ hầu vượt ra
ngoài vòng câu thúc của luân hồi sanh tử. Thật vậy, hành giả chỉ nương tựa, bám
víu hay “chấp” vào những gì mà hành giả còn thiếu sót để làm phương tiện tu
trì, đến khi hành giả đã hoàn hảo và đạt đến mục tiêu thì cần rời bỏ phương tiện
để bước lên bờ giác ngạn. Đó chính là phá chấp vậy.Song, phá chấp ở cấp bậc đại
thừa không có nghĩa là hành giả phải buông xả hay không cần nghiêm hành giới
luật qui điều; mà thật ra, giới luật qui điều đã thể hiện đầy đủ và trọn vẹn
trong mọi sinh hoạt hằng ngày của hành giả rồi.Cho nên, có thể nói là tuy phá
chấp mà thật sự hành giả không giờ phút nào xa lìa giới luật qui điều.Suy cho
cùng, tuy hành giả phá chấp mà dường như hành giả vẫn đang chấp vào qui giới tu
trì.
Bình
đẳng quan của nhà Phật cũng thế, không chấp ngã mà phải chấp ngã, chấp ngã lại
không chấp ngã.Đó tức là chấp cái ta thiếu mà không chấp cái ta dư.Bởi thiếu
bởi dư nên ta phải bị trong vòng lẩn quẩnchấp nê, nên cần
quân bình tiện túc.[12]
Tất cả các sự kiện hay hiện tượng xảy ra trên thế gian nầy đều là
pháp hữu vi, do nhân duyên cấu thành và đều mang tính huyễn ảo, giả tạm và vô
thường. Tuy nhiên, người hành giả có thể tạm mượn lấy những pháp hữu vi nầy
trong một thời gian hữu hạn để rèn luyện, chuyển hóa từ một con người phàm trần
trở nên một kim thân bất tử. Nếu còn chấp trước, tức là tâm còn dính mắc, vướng
víu vào vạn pháp sai biệt thì làm sao hành giả có thể an nhiên tự tại được. Nếu
còn chấp ngã, tức là tâm còn bám chặt vào tự ngã chủ quan thì làm sao hành giả
có thể đoạn trừ dục vọng để an vui thanh thản được. Nếu còn chấp nhơn, tức là
tâm còn lệ thuộc vào tha nhân thì làm sao hành giả có thể tự chủ tự tín trên
con đường hồi nguyên phản bổn được. Nếu còn chấp pháp, tức là tâm còn lẩn quẩn
trong các hình thức lễ nghi tôn giáo, giáo điều, văn tự thì làm sao hành giả có
thể trực giác minh linh để đạt Đạo. Nếu còn chấp có chấp không, tức là tâm vẫn
loay hoay trong chỗ hiện hữu và ngược lại thì làm sao hành giả có thể suốt
thông con đường trung đạo được.
Cho nên, hành giả bước lên nấc thang đại thừa thực hành Thiên đạo
cần phải phá chấp để tâm vô ngại, giải thoát tại trần gian và siêu xuất thế
gian.
Thiện Hạnh
27-7-2011
[1]Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn,
VNT, 10-6 Bính Thìn (06-7-1976).
[2]Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn,
VNT, 16-01 Bính Thìn (15-2-1976).
[3]Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGL, 01-12 Bính Thìn (19-01-1977).
[4]Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, BNTĐ, 27-2
Quí Sửu (31-3-1973).
[5]Đức Bác
Nhã Thiền Sư, BNTĐ, 27-2 Quí Sửu (31-3-1973).
[6]Đức An Hòa Thánh Nữ, CQPTGL, 10-3
Kỷ Dậu (26-4-1969).
[7]Đức Ni Sư Diệu Lộc, Vạn Quốc Tự,
01-5 Kỷ Dậu (15-6-1969).
[8]Đức Đông Phương Chưởng Quản,
BNTĐ, 03-3 Nhâm Tý (16-4-1972).
[9]VNT, 16-01 Bính Thìn (15-2-1976).
[10]Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 16-01 Bính Thìn (15-2-1976).
[11]Đức Bác Nhã Thiền Sư, MLTH, thánh
giáo bài chữ Tâm.
[12]Đức Ngọc Lịch Nguyệt Đại Tiên,
VNT, 01-9 Giáp Dần (15-10-1974).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét