Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

ĐEM SỰ BIẾN DỊCH VÔ THƯỜNG ĐỂ ĐƯA BƯỚC NHÂN SANH VÀO CON ĐƯỜNG CHÂN LÝ


Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 30-10-ĐĐ.33 Mậu Tuất (10-12-1958)

THI

LÝ sinh tâm tánh thích thanh nhàn,
THÁI vận đương chờ bước Đạo sang;
BẠCH ngọc đổ rền kêu khách tục,
Giáng thăng máy tạo mấy ai tàng.

Bần Đạo chào chư Hiền đệ.Bần Đạo miễn lễ, chư Thiên Ân an tọa, chư Hiền đệ tọa thiền nghe dạy:

Giờ nầy Bần Đạo thể lòng thành kỉnh của chư Hiền tỏ qua đôi việc.

Hôm nay là lúc chư Hiền đã mãn khóa Giáo sĩ, được Hội Thánh chỉ bày, dù chưa am tường sự lý nhưng cũng phần nào thấy qua cơ chỉ Giáo quyền, giờ này cùng Bần Đạo để bàn định một chương trình ôn tập tô bồi Thánh đức.

Chư Hiền đệ ôi! Sứ mạng của nguơn mạt tận đã về ai, chư đệ cũng thấu hiểu. Cuộc tái tạo Tân thế giới ở sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, bao nhiêu đời trước các Thánh đã cho hay, ngày này là ngày Đức CHÍ TÔN mở cơ Tận độ.

Sứ mạng đã đến cho người Việt, nước Việt, chính như chư Hiền đây cũng còn phân vân nghi hoặc. Sự tin và không tin của chư Hiền có nhiều lý do trong quá trình hành Đạo, khiến cho lòng chưa trọn, ý chưa thành, đường tu dùn thẳng.

Sứ mạng Trung Hưng đã nêu lên 4 chữ THUẦN CHƠN VÔ NGÃ. Lấy 4 chữ ấy áp dụng trong cơ Tạo hóa, đem sự biến dịch vô thường để đưa bước nhơn sanh vào con đường Chơn lý. Nói đến Dịch và người học Dịch chưa một Hiền đệ nào đem cái lý dẫn ở sách truyện mà áp dụng cho được phần tổ chức vào Quyền Pháp tu kỷ độ nhơn.

Vì lẽ đó mà chưa thấy đến phần dinh, hư, tiêu, trưởng của cơ Lập Pháp.

Dịch có 03 ngôi: Thái cực và 2 nghi.Đạo có 03 Đài: 1 Vô vi, 2 hữu hình.

Ta đem mà so sánh Thái cực là ngôi Tạo Hóa, nguồn cội của Dịch lý thì Bát Quát Đài là ngôi Vô vi lập pháp, chủ tể là THẦY hai nghi là Nhị hữu hình Đài, Âm nghi là Cửu Trùng, Dương nghi là Hiệp Thiên. Hai nghi ấy là Âm Dương. Âm Dương là then chốt cơ mầu nhiệm. Then chốt do cơ mầu nhiệm mà có ra tượng. 4 tượng là Thái Âm, Thiếu Dương, Thái Dương, Thiếu Âm. Làm 4 Cơ quan. Hành Chánh, Phước Thiện, Phổ Tế, Minh Tra.

Nói Thái Dương, Thiếu Dương. Thái là gì, Thiếu là gì?Thái là nhiều quá. Thiếu là ít quá. Ít nhiều đối đãi nhau mà bồ bặc cho nhau là cơ mầu nhiệm.

Tượng Thái cực
Dương Nghi Âm Nghi
Thái Dương Thiếu Âm
Thái Âm Thiếu Dương

Hay là CÀN LY KHÔN KHẢM

Ta thấy Dương lên cực độ hay Âm lên cực độ gọi là Thái. Thái đến cực thì biến thể này sang thể khác. Thiếu chưa đầy nên tấn mãi cho vơi.Vì thế mà có 3 Phái 4 Cơ quan. Ba Phái áp dụng Dịch Lý mà trị Đạo giáo hóa. Ta áp dụng Dịch số mà truyền công phu, 4 Nghi tác thành 8 Quẻ. Ta đã có mấy Quẻ, Quẻ nào nằm đâu? Hiện nay làm gì?

Vì vậy Bần Đạo muốn chư Hiền tìm ra và áp dụng Dịch lý theo 3 Phái 4 Cơ quan. Mỗi Phái lấy Lạc Thơ, Cửu Trù mà xây dựng Quyền Pháp.

Nếu chư Hiền chưa làm được điều ấy thì Giáo lý Trung Hưng bước một Khai Minh Nho Tông trị thế sao đủ. Còn bước hai là Khai Minh Pháp Đạo. Về Vô cực bản giác huyền lý của Đạo Tông để tìm Thiên văn số hệ làm phương môn khoa học huyền bí để siêu phàm nhập Thánh, rồi còn phải đến bước ba là đi vào Phật Tông để xiển dương Quyền Pháp Càn Khôn. Cả một chương trình lớn lao mà chư Hiền còn non kém, làm sao đương vi sứ mạng đó? Muốn đương vi sứ mạng đó phải trước hết là tu. Tu lòng cho thanh khiết, thanh tịnh. Lòng thanh khiết là làm sao? Có phải trong trắng chăng? Muốn trong trắng thì phải thanh tịnh. Thanh tịnh cái gì? Trước hết là sáu căn, sáu trần làm cho gián cách, rồi lòng và sáu căn cũng làm cho gián cách. Lòng không dính cùng căn, căn không dính cùng trần, trần căn thanh tịnh thì lòng thanh khiết. Lòng được như như thì bản giác đủ đầy. Bản giác sáng trong thì biết rõ cơ Trời việc Thế mà tiến thối theo lẽ Dịch. Tu thân chữa trị các lối khoe khoang, ăn ngon mặc đẹp, đi đứng nằm ngồi đừng để kiêu khí làm mất vẻ uy nghi, mất người đạo hạnh.

Bây giờ ta phải đi lại con người hồi xưa là con người anh nhi, con người trong lòng mẹ (Vị Hài) mới mất được cái kiêu căn phách lối. Nếu không làm được đứa con nhỏ thì chưa độ được người, chưa cứu được mình. Vì lớn lên gọi mình mạnh, rồi gọi mình khôn, biết chữ, có bằng cấp, được chức phận rồi lớn nhà, nhiều của, đông con, rậm cháu, có thế, đủ quyền thì bản ngã mỗi ngày mỗi to, cứ lên, lên cho vút Trời, kiêu khí càng tăng, đức lành càng cạn. Ông thầy bao giờ cũng kiểu cách với đám học trò. Tại sao kiểu cách? Tại biết hơn. Biết hơn là sống tách rời với dân gian Tạo Hóa. Mà biết hơn cái gì? Không gì biết hơn cả, dù có học đến đâu, làm ông chúa sự biết cũng không biết tí nào thêm cho bản giác. Vì bản giác đã sẵn có hằng còn, thì mọi người cũng có, cũng còn, nhưng còn và có kia là không mà có, mà còn mà có.

Vì vậy người quân tử họ chỉ chuộng lấy cái sau của thiên hạ vì lúc nào họ cũng đứng sau mà nhìn tới. Sau một người là trước một người, sau mười người, trăm ngàn người thì được trước mười người trăm ngàn người. Vì sao? Vì được đứng sau, đứng sau đến khi quay lại thì được trước.

Thời kỳ này là thời kỳ Đức CHÍ TÔN đến đây kêu tất cả chúng sanh quay lại. Vì sao mà Ngài kêu chúng sanh quay lại? Chúng sanh chạy theo bả đời danh lợi tài sắc, chen chúc trong cõi ảo huyền, tranh cạnh nhau vì ý tình dục vọng mà đi xa con đường đạo đức. Vì đi xa mà phải kêu lại. Đứa đi đã quá xa thì quay lại phải ở sau cùng, đứa mới đi thì quay lại trước hết dẫn đầu cho bao nhiêu kẻ cao quyền cao vị, thì không phải sau mà trước hay sao?

Vì lẽ trên Bần Đạo muốn các Giáo Sĩ tu theo lối công phu luyện lòng thanh khiết, chỉ tập như đứa bé con còn trong nôi mà thôi. Tu làm đứa bé con đó đi. Cười! Vì đứa bé chưa biết ham muốn nên bản tánh nó được gần Trời, mà nó là đứa đi sau hết đó các đệ.Vậy khóa nầy các đệ về lo tu đã, rồi sẽ lo hành. Hành là việc của tu. Có tu được thì mới xứng đáng người cầm giềng Đạo cả. THẦY có trao ủy Quyền Pháp cũng trao cho kẻ có đức có tài. Tài đây không phải là lý trí mưu xảo, mà là lương năng bản giác. Lấy cái lương năng bản giác làm sức mạnh để đỡ chơn đưa bước cho người đời.

Vậy chư Giáo sĩ cố gắng luyện mình vài ba năm để trở thành tay Khâm sai đắc lực của THẦY, gieo ánh sáng, bủa tình thương cho thế gian. Ánh sáng không phải lời lão khẩu khôn lanh hay bài vở đã mang về thụ huấn đôi năm trong khóa. Nếu lời nói hay ho đến đâu mà là lời nói trong miệng kẻ ác đức thì là gươm bén vung ra để giết người, làm sao có thể gọi là ánh sáng. Ánh sáng là bản giác thanh tịnh, nó không sáng mà sáng, không thể tưởng. Ví như bầu điện khí, không thấy hơi thấy tiếng, nhưng mỗi khi ai rờ đến là tê nhức cả người, mở ra muôn bóng đèn đều sáng rỡ. Bản giác quí thay! Người Giáo sĩ tỏ sáng bản giác rồi bây giờ mới đặt mối thông công; nghĩa là chuyền dây điện thông mối cùng Trời thì bầu điện của mình chứa đầy lòng có đốt đêm đốt ngày cũng còn nguyên vẹn. Tu đi! Bủa tình thương là sao? Vì bản giác đã thấy được thì vạn vật Tạo hóa nhứt thể. Đã biết được nhứt thể thì đem lòng thương yêu, đem tình triều mến, đem ý lo toan. Có phải cốt nhục linh sơn mới coi nhau là quan hệ. Vì vậy đức lương tri đã mở thì tình ấy dồi dào, việc làm không đợi nhắc.

Bần Đạo thăng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides