Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

Khái lược về Công Quả



Bài nói chuyện tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo
ngày mùng 1 tháng 3 năm Đinh Hợi (17-4-2007)


Tam công là phương pháp tu hành của người môn đệ Cao Đài trong Tam kỳ Phổ độ bao gồm công quả, công trình và công phu. Một cách khái quát, công quả là hành thiện giúp đời nhằm tô bồi âm chất, công trình là luyện kỷ để hoàn thiện bản thân, còn công phu là tham thiền tịnh định hầu đạt đến giải thoát tại trần gian và siêu xuất thế gian.

1. Ý NGHĨA CÔNG QUẢ

Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Thầy dạy:

“Người dưới thế này, muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của cải. Ấy là về phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho đắc Đạo phải có công quả.”[1]

Hay: “Nếu tròn công quả sẽ đắc, bằng không thì phải trở lại kiếp xưa.”[2]

Đức Lão Tổ cũng đã xác tín:

Hằng cầu nguyện Ơn Trên tế độ,

Cho minh tâm giải khổ kiếp nầy,

Bao nhiêu nghiệp chướng đừng gây,

Tròn công quả đủ là ngày siêu thăng.[3]

Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:

Hữu duyên ngộ Tam Kỳ Phổ Độ,

Muôn đời còn tử phủ nêu danh,

Ba ngàn công quả được viên thành,

Đơn thơ chiếu hiển danh Thiên tước.[4]

Kinh Cảm Ứng có dạy rằng: Muốn thành bậc Thiên Tiên thì phải làm một ngàn ba trăm điều thiện, muốn thành bậc Địa Tiên phải làm ba trăm điều thiện (Dục cầu Thiên Tiên giả đương lập nhất thiên tam bách thiện, dục cầu Địa Tiên giả đương lập tam bách thiện.)

Tiêu chuẩn thế nào mới được công nhận là ba ngàn công quả như lời Đức Quan Âm Bồ Tát dạy, hay một ngàn ba trăm điều thiện thành bậc Thiên Tiên, ba trăm điều thiện thành bậc Địa Tiên? Chắc hẳn sẽ có người nêu lên thắc mắc là vì sao bản thân đã thực hiện được nhiều điều thiện, nhưng lại chưa đạt được ấn chứng thiêng liêng? Theo thiển nghĩ, tiêu chuẩn về công quả mang tính ước lệ để khuyến thiện và tất cả những điều thiện mà con người thực hiện dưới nhiều hình thức sẽ được qui đổi thành đơn vị công quả thống nhất để so sánh[5]. Chắc hẳn luật Thiên điều chí công vô tư phân định những điều thiện, ác vô cùng chính xác không mảy may sơ sót.

Xin được ghi lại đoạn thánh giáo của Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn:

“Này hai cháu B.L.N và L.T.S! Lão miễn lễ, hai cháu ngồi để nghe kỹ hầu đem về thuật lại cùng huynh đệ đồng đạo địa phương.

Này hai cháu! (…) Sở dĩ cho đến giờ này còn lận đận quây quần lẩn quẩn trong cõi vô thường ô trược này vì bởi công đức tu thân lập quả các cháu còn ít, mà sự tạo duyên nghiệp ở thế thì nhiều. Bởi bài toán trừ cái đáp sốcòn chênh lệch nên các cháu chưa được về ngôi xưa vị cũ.”[6]

Như vậy là đã rõ, hai điều tội phước bù trừ lẫn nhau, mà thật ra sự phán xét định công định tội lại không thuộc thẩm quyền của người thế gian. Tuy nhiên, chúng ta biết chắc một điều rằng công quả chính là một trong những yếu tố quyết định sự trở về phục hồi ngôi xưa vị cũ. Qua các trích dẫn nêu trên như: “Muốn cho đắc Đạo phải có công quả.”, “Tròn công quả đủ là ngày siêu thăng.”, “Ba ngàn công quả được viên thành.”, chúng ta thấy rõ tầm mức quan trọng của công quả đối với kết quả của cuộc đời tu hành như thế nào. Bởi lẽ, thành quả nầy sẽ qui định phẩm vị thiêng liêng của mỗi người.

Có thể đơn cử một trường hợp điển hình vào thời kỳ Khai đạo năm Bính Dần (1926), khi vị Chưởng Pháp T. liễu đạo, Thầy căn dặn quí vị Tiền Khai:

“Tr., L.! Hai con phải dụng đại lễ mà an táng T. nghe.

Thầy ngặt một lẽ, chẳng thế nào đem T. vào Tam thập lục thiên, phải để nó nơi Đông Đại Bộ Châu mà chờ Tòa Tam Giáo phát lạc. Thầy có để lời cho Thái Bạch Kim Tinh cầu rỗi, nhưng Người giận T. không công quả, dâng Bộ Công Thiên thơ ra trống trải lắm, tại nơi Tòa mới cãi chối nỗi gì. Người nhứt định không dự đến. Các con nghe à!

Vậy trong hịch văn sớ tấu, các con phải thượng nơi Tòa Tam Giáo mà cầu rỗi cho nó thiệt hết lòng, rồi Thầy sẽ rỗi cho nó. Các con hiểu.” [7]

Vì sao công quả lại có vai trò quan trọng quyết định đến như vậy? Vì đó chính là tình thương và trách nhiệm của con người đối với chúng sanh, đồng loại, với xã hội, quốc gia, được thể hiện từ tư tưởng, lời nói đến hành động.

1.1. Ý nghĩa công quả

Đức Lão Tổ dạy cácnội dung của công quả như sau:

“Chư hiền đệ hiền muội nên lưu ý ba điều này:

Điều thứ nhứt: Chia cơm sẻ áo, an ủi vỗ về người bất hạnh, đó là một nghĩa cử đạo đức, một hạnh tốt trong vạn hạnh.

Điều hai: Đem lại đạo đức, tùy trường hợp, khuyến thiện, cảnh tỉnh, giác ngộ người đời cải tà qui chánh. Đó là một nghĩa cử, một hạnh, quí hơn nghĩa cử và hạnh ở điều thứ nhứt.

Điều ba: Tạo điều kiện và truyền bá pháp môn giúp người tu siêu phàm nhập thánh, thoát kiếp luân hồi. Đó là một nghĩa cử lại càng quí nhứt. Nhưng đừng vì chỗ khinh chỗ trọng mà làm điều ba, bỏ điều một, điều hai, ấy là thiếu sót vậy.” [8]

Như vậy thì ý nghĩa công quả ra sao? Công quả chính là sự thể hiện lòng bác ái từ bi đối với mọi người, mọi vật qua tư tưởng, lời nói và hành động dưới nhiều hình thức nhằm mục đích xoa dịu, giúp đỡ, ban vui cứu khổ những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn; hướng dẫn người khác cải ác tùng lương. Việc cầu nguyện cho tha nhân hay hồi hướng pháp thí, công phu tọa thiền cũng là công quả rất thâm sâu.

Cũng cần thấy rằng, không phải là có thật nhiều tiền mới làm công quả được (như bố thí, xây chùa, in kinh, cứu trợ, v.v.). Những việc làm nho nhỏ, tùy khả năng sở hữu của mình, thực hiện với tấm lòng vị tha là công quả đích thực vậy. Ví dụ: Cho một viên thuốc, một cái áo dư dùng, bớt một phần ăn, dành mười phút cạo gió, v.v. tất cả đều là những hình thức công quả rất thiết thực. Chúng ta không so sánh công quả nào nhiều, công quả nào ít. Quan trọng là ở tấm lòng, chính vì thế, tục ngữ có câu: “Cách cho quí hơn của cho.”

1.2. Công quả và Bố thí Ba-la-mật

Công quả trong đạo Cao Đài tương ứng với Bố thí Ba-la-mật trong đạo Phật.

Bố thí Ba-la-mật (Bố: cùng khắp; thí: cho, trao tặng; Ba-la-mật: Paramita, có nghĩa là đến bờ bên kia) là pháp môn tu hành nhằm thực hiện lòng từ bi ban trao cùng khắp cho tất cả mọi người, mọi vật, mọi nơi để độ mình, độ người ra khỏi nẻo luân hồi, sang qua bờ giác ngộ.

Bố thí Ba-la-mật gồm có: Tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí gồm nội tài và ngoại tài. Nội tài là vật quí báu nhất của mình (thân mạng, đời sống), ngoại tài là vật ở ngoài thân (tiền bạc, thức ăn, vật dụng, v.v.). Người ta thường có khuynh hướng giúp đỡ phương tiện để tạo ra của cải (giúp cần câu để câu cá). Pháp thí là đem lời hay, lẽ phải, giáo lý để hướng dẫn người khác (khẩu giáo) hoặc lấy thân mình làm khuôn mẫu cho mọi người noi theo (thân giáo hay chánh kỷ hóa nhân). Vô úy thí là các sự thể hiện (lời nói, cử chỉ, hành động, v.v.) nhằm giúp cho người và vật không còn lo sợ nữa. Người tu hành tu tập hàng ngày đức tính không lo sợ. Tiền của không tham nên không sợ mất, danh lợi không màng nên không sợ thiếu, sanh mạng giả tạm nên không sợ chết. Lòng không xao động trước mọi sự kiện đổi thay, nét mặt luôn bình thản, an nhiên, tự tại.

1.3. Công quả và Công đức

Việc thực hành công quả nếu phát xuất từ mục đích danh lợi, tư tâm, tư dục thì công quả chỉ có giá trị hữu vi (còn gọi là phước đức). Nếu thực hành công quả với tâm vô niệm tức là không có chủ thể, không có đối tượng thọ nhận và không có nội dung công quả thì tác dụng của công quả rất to lớn, có thể ví như được nhân với hệ số cao và được gọi là công đức. Như vậy, công quả cũng chính là công đức nếu chủ thể thực hiện một cách vô kỷ, vô cầu, vô danh hay nói một cách đơn giản là “quên mình” hay “vị tha” như Đức Ngọc Lịch Nguyệt giảng giải:

“Cái vốn của công đức là tâm từ huệ, bác ái, vị tha, giúp người quên mình trong lúc người hoạn nạn khổ đau. Những việc làm do tâm từ huệ, bác ái, vị tha, dầu lớn dầu nhỏ cũng đều là công đức.”[9]

Khi thực hành công quả mà một niệm không sanh, thì công quả đó cũng được gọi là công đức. Điều nầy để phân biệt với công quả thực hành với tư tâm, tư dục gọi là công quả hữu vi. Đức Trần Hưng Đạo phân tích như sau:

“Phật có dạy: Dầu lấy thất bảo chất đầy trong tam thiên đại thiên thế giới mà cúng dường, bố thí, cũng không bằng tụng niệm một câu tứ cú kệ ở Kinh Kim Cang. Tứ cú kệ như thế nào mà công đức vô lượng vô biên? Phải chăng đó là lòng vô niệm, vô ngã, vô nhơn, vô chúng sanh, vô thọ giả. Dầu thất bảo có nhiều vô lượng vô biên, cũng chẳng qua là phước đức hồng trần hữu lậu vào sanh ra tử triền miên. Giá trị tu chánh pháp đại thừa, một niệm không sanh vọng chấp hữu vi sắc tướng, thì công đức ví tợ hư không (vô lượng). Bởi vậy mà Đức Đạt Ma mới nói: Việc cất chùa tạo tăng tác tự của Lương Võ Đế[10], dầu nhiều đến bao nhiêu đi nữa, cũng không đáng gọi là công đức. Công đức mới có phục hồi phóng tâm, cầu tâm thanh tịnh; còn ngoài ra dầu có làm gì, nghĩ gì cũng là công quả hữu vi.”[11]

Lại nữa, Đức Minh Đức Đạo Nhơn phân tích rất chi tiết ý nghĩa của công đức theo giáo lý Phật tông. Lý giải nầy có thể tóm tắt rốt ráo trong chỗ chánh niệm và bình đẳng.

“Theo Phật gia có nói: Mỗi người đều có Phật tánh, Phật tánh hằng tại trong Phật thân là pháp thân, hóa thân và báo thân. Công đứcvô lượng sẽ là mầm để khởi ánh huệ đăng cho ba thể Phật ấy, nên nói rằng “Tự tánh bất ly thị công, ứng dụng vô nhiễm thị đức. Tự tu tánh thị công, tự tu thân thị đức. Niệm niệm vô gián thị công, tâm hành bình đẳng thị đức”. Tạm nói nghĩa như vầy: Không lìa tự tánh là công, lúc ứng dụng mà không nhiễm ngoại vật là đức, mình biết tu lấy tánh mình để cho suất tánh đó là công. Mình biết tu thân mình trọn lành đó là đức, niệm niệm không bị xen lẫn thiên lệch loạn động mà không dứt chánh niệm là công, lòng hằng phẳng lặng xem tất cả đều bình đẳng là đức.”[12]

Công quả và công đức cũng có chỗ khác biệt như vừa nêu. Đức An Hòa Thánh Nương trong một lần giáng điển đã dạy nội gia tôn tử, thiết tưởng đây cũng là bài học chung cho mọi người:

“So ra thì đời hành đạo của hai con (T.B. và N.K.) chỉ do tâm thành mà được thu ngắn công trình, được kết quả. (…) Con cócông quả nhưng thiếu công đức với nhơn sanh quần chúng nên công trình còn kém, chỉ nhờ có công phu; với trách nhiệm to tát lại đòi hỏi công phu tu chứng mới đương kham nổi đó.”[13]

Khi thực hành công quả với tâm chánh niệm và bình đẳng một cách rốt ráo và thâm sâu, công quả đó sẽ tạo ra một tác dụng rất to lớn có thể tác động vào ba thể Phật là pháp thân, hóa thân và báo thân. Lúc bấy giờ công quả được gọi là công đức vô lượng.

1.4. Công quả trong mối tương quan Tam công

Như đã trình bày ở phần đầu, Tam công là pháp môn tu hành của đạo Cao Đài trong Tam Kỳ Phổ Độ, gồm có: Công quả, công trình và công phu. Công quả là giai đoạn tu phước, công phu là giai đoạn tu huệ. Công trình là đòn gánh nối liền công quả và công phu. Thực hành đồng thời công quả và công phu, tức là phước huệ song tu.

Công quả nhằm tô bồi nền tảng âm chất. Công trình nhằm hoàn thiện hóa bản thân, còn công phu nhắm đến mục tiêu giải thoát.

Đức Lão Tổ dạy: “Công quả là một việc xây nền đắp móng. Tu luyện là tạo một sự nghiệp vĩnh cửu trường tồn.”[14]

Tam công có mối quan hệ hỗ tương lẫn nhau và tạo thành một thế chân vạc bền vững. Công quả và công trình có sự tương quan với nhau. Thực hành công quả sẽ có tác dụng giúp con người dẹp bớt lòng tham lam ích kỷ, tức là trong công quả có công trình; mặt khác, việc hoàn thiện hóa bản thân sẽ có tác động đến mọi người chung quanh, tức là: “Trải một thân mà độ được ba thân, trải một lòng mà muôn lòng được vui, đó là vừa tự độ, vừa độ tha.”[15] hay “chánh kỷ hóa nhân” cũng thế. Như vậy, trong công trình có hàm chứa công quả. Tương tự, công quả và công phu tương quan mật thiết với nhau. Công quả là nền tảng để việc thực hành thiền định được kết quả, tức là công quả tác động hỗ trợ cho công phu; ngược lại, việc hồi hướng điển lành sau khi tọa thiền tạo ra công đức, tức là công phu bồi đắp cho công quả thêm sâu dầy.

Do công quả là nền tảng của công phu nên thực hành công quả chính là sự vun quén cho nền tảng thêm vững chắc để thực hành công phu có kết quả. Công phu có nhiều mức độ từ thấp đến cao, vì thế đòi hỏi nền tảng là công quả cũng phải được bồi đắp tương ứng. Vì thế, nền tảng âm chất có vai trò rất quan trọng trong việc thực hành công phu đạt kết quả. Đức Ngọc Lịch Nguyệt xác tín như sau:

“Đạo như cái thuyền, đức như nước. Nước có thì thuyền mới trẩy sang. Nên việc thứ đến là hành giả phải bồi công lập đức để tạo được móng nền khả dĩ xây cất được ngôi nhà Đạo pháp vững vàng.”[16]

1.5. Trường thi công quả

Con người đến thế gian nhằm thực hiện sứ mạng tiến hóa tâm linh mà trong các tiêu chuẩn để định vị mức độ thăng tiến của tiểu linh quang chính là công quả. Chính vì thế, cõi thế gian còn được gọi là trường thi công quả. Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:

Trường thi công quả chọn nhơn hiền,

Cho kẻ tu hành hữu huệ duyên,

Chẳng luận nữ nam Âu Mỹ Á,

Ai nhiều huệ phúc sẽ thành Tiên.[17]

Thực hành công quả là sự thể hiện tình thương và trách nhiệm đối với chúng sanh. Chính cõi thế gian nầy là nơi mà con người thi thố công quả của mình bằng cách cứu độ chúng sanh. Đức Chí Tôn dạy trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:

“Thầy hằng nói cùng các con rằng: một trường thi công quả, các con muốn đến đặng nơi Cực lạc thì phải đi tại cửa nầy mà thôi. Thầy đã đến chung cùng các con, các con duy có tu mà đắc đạo, phải đoái lại bá thiên vạn ức nhân sanh còn đang trầm luân nơi khổ hải, chưa thoát khỏi luân hồi, để lòng từ bi mà độ rỗi.”[18]

2. TÁC DỤNG CỦA CÔNG QUẢ

Công quả có ba tác dụng chánh: trả nợ tiền khiên (nợ kiếp trước), trả nợ hiện kiếp (quả báo nhãn tiền hay nhồi quả đối với người tu giải thoát do không có kiếp sau) và đầu tư cho kiếp lai sinh (thành quả sẽ nhận ở kiếp sau. Đối với người tu giải thoát thì công quả sẽ giúp hành giả được cao thăng quả vị).

Đức Vạn Hạnh Thiền Sư chi tiết hóa như sau:

“Những của cải tiền tài vật chất đem sử dụng vào lãnh vực xã hội từ thiện đạo đức tất có ích lắm chư đạo hữu. Đó là của cải đem gởi nhà băng trên Thượng giới, trộm không cắp, cướp không giựt được, hỏa hoạn bom rơi không thiêu hủy được. Đã vậy mà một vốn đến trăm ngàn lần lãi suất. Nhưng nó (của cải vật chất) có ích ở các lãnh vực sau đây:

1- Là có cơ hội may duyên để trả bớt lần những món nợ tiền khiên mình đã thiếu (tiền nghiệp).

2- Là dùng vật chất để tạo điều âm chất, đừng để cho kiếp lai sanh (luân hồi tái thế).

3- Là nếu của ấy giúp cho người tu hành trong cơn khốn khổ về vật chất, cái âm đức ấy đã khiến kẻ thụ hưởng cảm động hằng hộ niệm cho sở thí chủ được tăng trưởng phước đức trừ bớt nghiệp xấu tiền khiên.

4- Nếu của cải giúp cho người chưa biết tu hành, nhưng biết chừng đâu đó là cơ duyên được trả nợ tiền kiếp như ở phần số một.

5- Là nếu của cải ấy sử dụng đúng với tinh thần tương thân tương ái tương trợ vì phát tâm hành thiện, thì sẽ là tài sản sự nghiệp để dành cho kiếp lai sanh, nếu còn đầu thai tái thế sẽ được hưởng cảnh phú quí vinh hoa hoặc nhiều hoặc ít do hiện kiếp để dành trong hành thiện.

Chư đạo hữu để ý phần số năm sẽ thấy rằng: nhìn hiện kiếp của một người nào đó, sẽ hiểu được quá khứ kiếp hoặc vị lai kiếp của họ.” [19]

Công quả mà con người thực hiện được cũng ví như tài sản gửi lên ngân hàng nơi thượng giới, vừa rất an toàn không sợ các rủi ro, vừa có lãi suất cao. Đức Quan Âm Bồ Tát xác tín:

Vô vi là chốn vững an bền,

Ai có những gì cứ gửi lên,

Chẳng sợ phong ba cùng bão lụt,

Không lo trộm cướp chực kề bên.[20]

Như trên đã trình bày, công quả có tác dụng tiêu trừ tiền nghiệp. Do đó, nếu chúng ta vừa tích cực làm công quả, nhưng đồng thời vẫn “tích cực” tạo nghiệp, thì hậu quả tất yếu là công quả sau khi trừ bớt phần nghiệp chướng, có thể không còn lại bao nhiêu, thậm chí có thể gặt hái kết quả âm, tức là phần nghiệp quả chiếm ưu thế hơn phần công quả. Hiện tượng nầy gọi là “phá sản” như hình ảnh Đức Mẹ minh họa:

Vì thế nên gây lắm nghiệp trần,

Mấy đời mấy kiếp dấn vào thân,

Trả vay vay trả hoài chưa rảnh,

Sanh tử tử sanh với nợ nần. (…)

Tumột rồi con tạo nghiệp hai,

Thế nên phá sản chốn thiên đài,

Khi lâm trần thế toàn căn thiện,

Vì vậy chuyển luân mãi thế hoài.[21]

Vì vậy, công quả chỉ thật sự có ý nghĩa khi con người kiểm soát được, ý thức được việc tạo nghiệp quả để sau khi làm bài toán cộng trừ còn có được vốn liếng khả dĩ gửi lên ngân hàng thượng giới.

3. CÔNG QUẢ TRONG TAM KỲ PHỔ ĐỘ

Công quả trong Tam Kỳ Phổ Độ được qui định bởi luật Đại ân xá kỳ Ba. Nhằm tạo mọi điều kiện dễ dàng cho con cái của Đức Chí Tôn hoàn tất con đường tiến hóa của mình để có thể tu nhứt kiếp ngộ nhứt thời, công quả bất luận nhỏ hay lớn đều được nhân với hệ số Ba. Đức Đông Phương Lão Tổ xác nhận:

“Thời đại ân xá, ai tu cũng có thể được đắc quả. Một việc làm thiện dầu nhỏ nhen đến thế mấy đi nữa cũng vẫn là việc thiện và được ghi ở hệ số ba. Trái lại, việc ác dầu cho nhỏ đến thế mấy đi nữa cũng vẫn là việc ác.” [22]

Có thể nói việc công quả được nhân hệ số ba là một đặc điểm rất quan trọng và rất có ý nghĩa của Luật đại ân xá trong Tam kỳ Phổ độ. Do công quả là phương tiện để con người trở về ngôi vị thiêng liêng; nên khi công quả được nhân hệ số ba sẽ đồng nghĩa với việc con đường trở về với Đức Chí Tôn được giảm đi đến 2/3 đoạn đường và nay chỉ còn có 1/3 chặng đường mà thôi. Cái đặc ân vô cùng lớn lao nầy chỉ diễn ra trong Tam kỳ Phổ độ mà thôi, vào giai đoạn cuối cùng của Hạ nguơn Mạt kiếp.

Tuy nhiên, Đức Chí Tôn cũng sẵn dành một hệ số điểm đặc biệt cho những bậc thiên ân hy sinh phụng sự nhân sanh như Đức Giáo Tông Đại Đạo đã xác tín với trường hợp của Cơ Quan như sau:

“Bần Đạo cũng có đôi lời nhắc nhở chư đệ muội. Cơ Quan là bộ máy sau cùng của Đại Đạo, Đại Đạo xây dựng đời thượng nguơn thánh đức, phụng sự nhân loại. Thế nên, sứ mạng của Cơ Quan trọng đại và gian khổ.

Trọng đại, nên mỗi một chức vụ trong Cơ Quan dù lớn hay nhỏ đều phải luôn luôn hướng thượng mới xứng với sứ mạng của nó.

Gian khổ, để làm bài thi trong trường tiến hóa. Bài thi này có hệ số điểm rất cao dành cho hàng thức giả nào tự nhận chiếc áo Thiên ân để tu nhứt kiếp ngộ nhứt thời.”[23]

4. THỰC HÀNH CÔNG QUẢ

4.1. Bòn mót công quả

Thầy dạy phải bòn mót công quả như kiến tha lâu đầy ổ vậy:

“Các con đã từng nghe Thầy dạy rằng: Công quả dầu nhỏ nhoi đến độ nào cũng là công quả, không mất đâu! Các con cố gắng mót bòn dành dụm trong khoảng đời tu học như con kiến tha mồi lâu ngày ắt đầy ổ đó các con! Đừng chểnh mảng, đừng lười biếng, đừng chấp nhứt giận hờn với bạn đạo rồi bê trễ đường tu tiến của mình.” [24]

Tương tự, việc thực hành công quả cũng có thể ví như trồng cây, tuy không thấy rõ sự phát triển của nó, nhưng mỗi ngày cây đều có tăng trưởng. Đức Lão Tổ dạy:

“Vẫn còn nhớ Thánh xưa có ghi rằng: "Hành thiện chi nhân như xuân viên chi thảo, bất kiến kỳ trưởng, nhật hữu sở tăng".”[25]

Chúng ta cần vượt qua rào cản ngăn trở việc bòn mót công quả của chính mình. Khi bắt đầu phát tâm thực hiện một công quả nào đó, tất yếu sẽ xuất hiện một “lực cản” với rất nhiều lý do để “thuyết phục” mình không nên thực hiện công quả đó như là: Gia đình đang thiếu thốn chớ có dư dả gì đâu, hay là việc đó có nhiều người đóng góp rồi nên đâu cần đến mình phải góp thêm nữa, v.v. Còn khi thực hiện xong công quả nào đó rồi thì xuất hiện tâm lý nuối tiếc về sự “hào phóng” công quả và biện minh rằng việc nhỏ như vậy đâu có đáng để mình công quả với mức độ nhiều đến thế! Thấu hiểu được tâm lý con người, nên Kinh Cảm Ứng răn dè: “Cho người vật chi đừng nghĩ lại mà tiếc” (Điều 2)

Do công quả trong Tam kỳ Phổ độ có đặc điểm rất quan trọng là được nhân với hệ số 3, nên việc bòn mót công quả là một việc rất có ý nghĩa. Vì thế, khi đã phát tâm làm công quả thì cần nên thực hiện ngay, bởi lẽ nếu trì hoãn sẽ rất khó thực hiện, ắt phải bỏ lỡ cơ hội. Do đó, Đức Giáo Tông Đại Đạo khuyến nhủ:

“Công quả cùng danh nghĩa đạo các hiền đệ muội không phải mỗi lúc đều có thể làm được, mà chỉ trong cơ hội thuận tiện nhứt trong kỳ Nguơn Hạ. Nếu trễ qua, không bao giờ cơ hội ấy trở lại hoặc được trở lại cũng phải mất mấy chục vạn năm Trời” [26]

4.2. Chuẩn mực công quả

Muốn thực hành công quả, thiết nghĩ người tín hữu Cao Đài cũng cần dựa vào một bộ chuẩn mực cụ thể để thực thi. Các sách dạy về khuyến thiện xưa nay có rất nhiều, trong đó có ba tác phẩm rất phổ biến là: Cảm Ứng Thiên (thường được gọi là Kinh Cảm Ứng), Âm Chất Văn và Công Quá Cách.

Các đạo hữu Chiếu Minh hằng ngày trì tụng Kinh Cảm Ứng vào thời cúng giờ Mẹo buổi sáng. Thiết tưởng đây cũng là một phương cách rất bổ ích và hiệu nghiệm giúp cho các đạo hữu nhận thức rõ và ghi nhớ điều nào là điều thiện để ứng dụng thực hành và điều nào là điều ác để thận trọng ngăn ngừa trong trọn một ngày. Kinh Cảm Ứng có 10 điều. Điều 2 về Tra xét có ghi:

Đường phải đi thì đi, đường quấy thì tránh.

Đừng khi nhà tối không ai mà làm việc trái lẽ.

Chứa đức và làm công quả cho nhiều, phải giữ lòng lành mà thương thú vật.

Ngay thảo hiếu thuận, sửa mình cho chánh mới đặng dạy người.

Thương kẻ mồ côi, thảm cho người góa bụa, kính trọng kẻ tuổi tác, thương kẻ nhỏ dại.

Loài vật cỏ cây chớ khá phá hại.

Hãy khuyên lơn kẻ dữ trở lại hiền, mừng cho kẻ làm lành.

Giúp cơn gấp rút, cứu người lúc nguy hiểm.

Thấy người đặng như mình đặng.

Thấy người mất như mình mất.

Đừng khai xấu của người để khoe mình hay.

Giấu sự quấy của người, khen điều phải của người, chia vật thì sẻ phần nhiều cho người.

Chịu nhục chẳng oán.

Đặng quan trên thương yêu phải giựt mình.

Làm ơn đừng trông người trả.

Cho người vật chi rồi đừng nghĩ lại mà tiếc.

Ngoài ra, tín đồ Cao Đài thường tụng Kinh Sám Hối tại các thánh sở vào hai ngày sóc vọng hàng tháng. Kinh Sám Hối gồm có 444 câu nêu lên những điều thiện và điều ác cùng với phần thưởng và hình phạt tương ứng. Xin được đơn cử một vài đoạn minh họa như sau:

Hãy có dạ kỉnh già thương khó,

Chớ đem lòng lấp ngõ tài hiền,

Xót thương đến kẻ tật nguyền,

Đỡ nâng yếu thế, binh quyền mồ côi.

(câu 45-49)

Trên thương dưới xét xem kẻ nhỏ,

Lúc lâm nàn chớ bỏ tránh xa,

Cũng là một gốc sanh ra,

Gồm bao nâng đỡ ruột rà thương nhau.

(câu 69-72)

Thương đồng loại cũng hơn thí bạc,

Thấy trên đường miểng bát miểng chai,

Hoặc là đinh nhọn chông gai,

Mau tay lượm lấy đoái hoài kẻ sau.

(câu 125-128)

Ngoài phần khuyến thiện như đã trình bày, Kinh Cảm Ứng và Kinh Sám Hối đều nêu lên những điều ác và hình phạt với tác dụng răn dè con người không dám thực hiện những điều tội lỗi, ác nhơn thất đức. Suy cho cùng, việc ngăn ngừa điều ác cũng chính là tán dương và khuyến khích con người thực hành điều thiện vậy.

Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn căn dặn chúng ta cần chú ý đến việc thực hành công quả từ những việc nhỏ nhứt như chia cơm sẻ áo cho những người đói rách. Tuy việc làm nhỏ nhoi như thế nhưng với tấm lòng vong kỷ vị tha, cũng là hạnh Bồ Tát vậy. Ngài dạy:

“Giúp đỡ người thua kém nghèo hèn, dìu dắt người sa cơ thất thế, tuy là việc nhỏ không sánh được với người xưa đã bỏ ngai vàng, lìa cung ngọc, nhưng đó cũng là công đức ích lợi vị tha. Lúc no bụng nhớ kẻ đói ở quanh mình, khi lành lặn ấm áp nên nhìn người đói rách lang thang, chia cơm sẻ áo, không tích trữ, đó là hạnh Bồ Tát tại thế. Tuy việc nhỏ mà nên Đạo, đừng chê nhỏ mà không làm.”[27]

Con người có thói quen phòng xa, khi làm ra của cải vật chất cũng muốn trích lại một phần dành dụm để dành lúc hữu sự. Việc làm nầy không gọi là tích trữ, tuy nhiên nếu của cải để dành vượt quá mức cần thiết thì đó chính là tích trữ. Điểm khác biệt giữa người đời và người đạo là ở chỗ đó; người đời có khuynh hướng tích trữ vật chất không giới hạn, còn người đạo thì được dạy rằng không được tích trữ và phải chia sẻ của cải cho người bất hạnh.

4.3. Công đức vô lượng

Công đức cũng là công quả dưới hình thức đặc biệt, bởi lẽ công quả khi thực hành với tinh thần vô kỷ, vô công, vô danh hoặc với tinh thần vong kỷ vị tha thì tác dụng của nó rất to lớn.

Có thể đơn cử một việc làm xem như rất thường tình như việc hộ tịnh trong các khóa tu, nhưng tác dụng của nó lại vô biên và được gọi là công đức vô lượng; bởi lẽ, hộ tịnh chính là tạo duyên hay gieo duyên cho sứ mạng đại thừa. Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy:

“Chư hiền phận sự trong Ban Cai Quản hãy chấp hành đạo sự và giúp cho tịnh đường được yên ổn. Đó là công quả vô lượng. Rồi đây sẽ đến lượt chư hiền sẽ tùy duyên mà dẫn độ.

Chư muội Nữ Chung Hòa sở tạicần nên hộ tịnh cho chư tịnh viên. Đó là công đức vô lượng. Đừng để chư tịnh viên phải bận tâm mọi việc.”[28]

Cầu nguyện cũng đạt được công đức vô lượng nếu hội đủ hai điều kiện căn bản là sự cầu nguyện không phục vụ cho ước vọng riêng tư của bản thân mà phải hướng đến tha nhân và sự cầu nguyện đó thực hành trong chánh niệm và bình đẳng. Đức Minh Đức Đạo Nhơn minh giải:

“Vấn đề cầu nguyện được kết thúc vào bốn chữ “công đức vô lượng” đối với các bậc Thánh Vương vì thiên hạ, đối với người chân tu vì nhơn sanh vong kỷ vị tha. Vì sao cầu nguyện lại được công đức vô lượng? Đã bàn qua hai chữ cầu nguyện tất phải nói đến công đức để mỗi người đều ý thức đến sự quan trọng của lời cầu nguyện.” [29]

Theo thiển nghĩ, các hình thức sinh hoạt tập thể tại thánh sở như lao tác, học tập, cúng kính, thiền định, v.v. nếu hội đủ điều kiện là thanh tịnh và chánh niệm, tất yếu sẽ tạo ra một năng lực thiêng liêng rất to lớn. Cũng có thể gọi đó là công đức vô lượng. Năng lực thiêng liêng nầy sẽ lan toả ảnh hưởng đến môi trường chung quanh và cộng hưởng trở lại từng thành viên của tập thể. Có thể nêu lên một ví dụ để minh họa về công năng của khóa tịnh tập thể đã được Đức Bảo Hòa Thánh Nữ xác tín:

“Tệ Tỷ rất vui lòng được tiếp đón chư nữ thiên ân về đây (Vĩnh Nguyên Tự) tịnh dưỡng đem phước lành đến cho địa phương. Đó là công đức vô lượng.”

Thật vậy, việc hồi hướng kết quả tọa thiền có tác dụng rất lớn, đã thể hiện trong bài Kệ hồi hướng như sau:

Công đức tọa thiền lớn biết bao,

Phước lành hồi hướng đến nơi nao,

Chúng sanh trầm nịch nguyền ra khỏi,

Nhập được huyền môn ngộ Đạo cao.

Đức Đông Phương Lão Tổ đã từng dạy rằng:

“Muốn chống thiên tai sát kiếp, chỉ cần phát tâm công phu thiền định, tọa công ngồi tại đạo tràng mà phóngtinh thần gieo rải thiện duyên kết hợp với huyền linh ân điển xua đẩy sát khí. Tư tưởng càng mãnh liệt, hung sát tự khắc thối lui. Thiền định càng thâm, càng giải phóng cứu người càng dễ. (…)

Trong lúc tai biến, động loạn xáo trộn trên hoàn cầu là một cơ hội cho đạo hữu phát tâm gieo tư tưởng sự sống tình thương đến những nơi có tai biến, kết quả rất lớn mà tiến đạo rất mau, tu một lúc cũng bằng tu trọn đời. Dầu tu trọn đời mà không gặp cơ duyên cũng không bằng tu một ngày có cơ hội.”

Với tầm mức quan trọng như vậy, Đức Giáo Tông Đại Đạo tuyên xưng người tịnh sĩ như là những thiên thần đang dệt tấm lưới thiêng liêng cứu độ chúng sanh. Ngài dạy:

“Chư đệ muội có biết mình là những thiên thần đang dệt tấm lưới thiêng đó chăng? Đây là cơ hội mà Đức Lão Tổ đã dành cho chư đệ muội để làm đầu mối tự độ, độ tha.”[30]

Tuy nhiên, có một vài lãnh vực công quả như xây cất thiền đường đòi hỏi phải là vị chơn tu chủ trì mới có thể thành tựu được. Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy:

“Nay chư đệ có hảo ý muốn khang trang lại tịnh đường để làm phương tiện cho đàn sau bước tới, đó là công đức vô biên. Các cháu của Lão cũng nhân đó mà bồi công lập đức. Vì tâm đức còn kém, nên có sức cũng khó làm, phải nhờ chư vị chơn tu mới tạo lập nên được. Trông thì rất dễ nhưng lại rất khó.”[31]

TẠM KẾT

Phương pháp tu hành Tam công trong Tam kỳ Phổ độ gồm công quả, công trình và công phu đòi hỏi người tín hữu Cao Đài phải gia công thực hành cho rốt ráo nhằm hoàn thành hai mục đích của đạo Cao Đài là thế đạo đại đồng và thiên đạo giải thoát. Trong đó, công quả là một phần rất căn bản và then chốt, bởi lẽ, công quả thể hiện tình thương và trách nhiệm của con người đối với chúng sanh và cũng là nền tảng của công trình và công phu.

Xin được đúc kết bài Khái lược về công quả trong bốn chữ: “Bòn mót công quả”. Bởi vì, Đức Mẹ đã từng nhắc nhở con cái của Ngài rằng: “Công quả là đường đến Ngọc Kinh”[32]


Xuân phân Đinh Hợi (2007)


-------------------------------
[1]Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, tr. 17.


[2] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, tr. 91.


[3] Ngọc Minh Đài, 15-6 Mậu Thân (10-7-1968)


[4] Cao Minh Đàn, 28-10 Canh Tuất (26-11-1970). Bài thơ này có ghi trong quyển Ngọc Lịch Minh Kinh (kinh xưa của Trung Quốc) như sau: “Có duyên gặp Tam Kỳ Phổ Độ.”


[5] Công Quá Cách (Thiện thư đời Hán) đã nêu bảng tự kiểm hàng ngày gồm: Công cách ghi 36 điều thiện chia làm 4 loại: Cứu tế, Giáo điển, Phần tu và Dụng sự. Quá luật ghi 39 điều ác cũng chia làm 4 loại: Bất nhân, Bất thiện, Bất nghĩa và Bất quỷ. Cứu tế gồm 12 điều nói về cứu giúp người. Thí dụ: Dùng thuốc và châm cứu trị bệnh (10 công), giúp người đói khát thức ăn hoặc thức uống (1 công), v.v…Giáo điển gồm 7 điều nói về truyền bá kinh sách. Phần tu gồm 5 điều nói về trùng tu nơi thờ tự và lễ bái cúng dường. Thí dụ: Thắp nhang cầu an cho bá tánh (mỗi lần 2 công), v.v…Dụng sự gồm 12 điều nói về cácviệc thiện. Thí dụ: Giảng thuyết (mỗi 10 người được 1 công), tiến cử hiền tài (tiến cử 1 người được 10 công), tán dương việc thiện của người (mỗi việc 1 công) v.v…


[6] Thiên Lý Đàn, 12-02 Kỷ Dậu (29-3-1969)


[7] Ngày 07-11 Bính Dần (11-12-1926). TGST 1925-1934, tr.76.


[8]Bát Nhã Tịnh Đường, 27-11 Tân Hợi (13-01-1972)


[9] Đức Ngọc Lịch Nguyệt, VNT, 10-5 Đinh Tỵ (25-6-1977)


[10]Vua Lương Võ Đế hỏi Đức Bồ Đề Đạt Ma: “Trẫm từ lên ngôi đến nay thường cất chùa, chép kinh, độ tăng ni không biết bao nhiêu, vậy có công đức gì chăng?” Ngài đáp: “Đều không có công đức”. Vua hỏi lại: “Tại sao không có công đức?” Ngài đáp: “Bởi vì những việc ấy là nhân hữu lậu, chỉ có quả báo nhỏ ở cõi người cõi trời, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật”. Vua hỏi tiếp: “Thế nào là công đức chơn thật?” Ngài đáp: “Trí thanh tịnh tròn mầu, thể tự không lặng, công đức như thế không do thế gian mà cầu”.


[11] Đức Hưng Đạo Đại Vương, BNTĐ, 28-11 Tân Hợi (14-01-1972)


[12] Đức Minh Đức Đạo Nhơn, CQPTGL, 15-11 Giáp Dần (28-12-1974)


[13] Đức An Hòa Thánh Nương, CQPTGL, 24-02 Tân Dậu (29-3-1981)


[14]Thiên Lý Đàn, 20-10 Kỷ Dậu (29-11-1969)


[15] Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 01-01 Đinh Tỵ (17-02-1977)


[16] Đức Ngọc Lịch Nguyệt, VNT, 10-5 Đinh Tỵ (25-6-1977)


[17]Giáo hội Tiên Thiên Minh Đức, 20-9 Đinh Mùi (23-10-1967)


[18] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, tr. 26.


[19] Minh Lý Thánh Hội, 01-11 Tân Hợi (18-12-1971)


[20]Huờn Cung Đàn, Tý thời, 01-6 Ất Tỵ (27-6-1965)


[21] TT Bình Hòa, 15-8 Nhâm Tý (22-9-1972)


[22] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 30-12 Tân Hợi (14-02-1972)


[23] Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 25-3 Đinh Mão (22-4-1987)


[24]Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-02 Nhâm Tý (29-3-1972)


[25] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 15-02 Ất Mão (27-3-1975)


[26] Đức Giáo Tông Đại Đạo, TLĐ, 15-7 Ất Tỵ (11-8-1965)


[27] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 29-4 Nhâm Tuất (22-5-1982)


[28]Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 02-12 Quý Sửu (25-12-1973)


[29] Đức Minh Đức Đạo Nhơn, CQPTGL, 15-11 Giáp Dần (28-12-1974)


[30]Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 01-12 Bính Dần (31-12-1986)


[31] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 18-01 Nhâm Tuất (11-02-1982)


[32] Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGL, 26-12 Nhâm Tý (29-01-1973)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides