Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

Khái lược về công trình


1. KHÁI QUÁT VỀ CÔNG TRÌNH

Tam công trong đạo Cao Đài gồm công quả, công trình và công phu, là hệ thống pháp môn (phương pháp tu hành) trong đạo Cao Đài. Công quả là những điều tốt đẹp mà bản thân tác động đến chúng sanh qua tư tưởng, lời nói và hành động (giúp đời). Công trình là quá trình hoàn thiện hóa bản thân để trở nên một người tác phong đạo hạnh, hiền nhân quân tử (tu thân). Công phu là quá trình tham thiền nhập định diễn ra bên trong nội thân con người (tu tâm). Công quả, công trình và công phu là thế chân vạc vững chắc giúp người tín hữu Cao Đài quân bình từ nội tâm đến ngoại thể để có thể hoàn thành sứ mạng tiến hóa tại trần gian và siêu xuất thế gian. Công trình và công quả là nền tảng để thực hành công phu. Đức Lê Đại Tiên dạy:

Công trình, công quả làm nền,

Công phu tu luyện cho nên Thánh Hiền.[1]

Tam công cũng có thể đối chiếu với Lục độ Ba-la-mật của đạo Phật. Công quả tương ứng với bố thí Ba-la-mật; công trình tương ứng với trì giới, nhẫn nhục và tinh tấn Ba-la-mật; còn công phu thì tương ứng với thiền định và trí huệ Ba-la-mật.

Công trình thuộc phạm trù tu thân nhằm hoàn thiện hóa bản thân để trở nên một con người chính danh quân tử. Công trình là phương tiện giúp người tín hữu Cao Đài gột rửa và hoàn thiện bản thân từ bên trong như thất tình lục lục cho đến bên ngoài thể hiện được tác phong đạo hạnh thuần hậu dễ thương, lợi người ích vật. Đó chính là chánh kỷ hóa nhân, vì là tấm gương sáng mà mọi người có thể nhìn vào kết quả đó để noi theo. Công trình còn giúp người hành giả ngày càng tinh tấn trên con đường giải thoát. Công trình đặt nền tảng trên việc thực hành nghiêm minh giới luật nên sẽ tạo được một năng lực rất lớn thánh hóa bản thân và tác động đến tha nhân theo luật cảm ứng.

2.THỰC HÀNH CÔNG TRÌNH

2.1.Tu tập tác phong đạo hạnh(bên ngoài)

° Khái quát về tác phong đạo hạnh

Tác phong đạo hạnh là những sự thể hiện của con người trong giao tiếp với thế giới bên ngoài qua tư tưởng, lời nói và hành động, không chỉ với đồng loại, mà còn có thể hiểu rộng ra đối với vạn loại chúng sanh.

Tác phong đạo hạnh của người tu là sự tổng hòa của ba nhân tố là tư tường, lời nói và hành động trong chuẩn mực đạo lý, nó cần hội đủ yếu tố hòa ái, khiêm tốn nhưng phải đoan trang, nghiêm chỉnh. Điều này thể hiện qua việc đi, đứng, nằm, ngồi hay hành, trụ, tọa, ngoạ. Đó chính là phép “tứ đại oai nghi” theo giáo lý nhà Phật. Đức Lão Tổ căn dặn:

“Đã chấp nhận quày chơn lại, thời dầu là nấc thang đầu tiên, hành giả cũng phải thận trọng từ sự sống, ăn, mặc, ở. Đủ thiếu, giàu nghèo đều phải giữ tiết độ tri túc, an phận tùy duyên, để nội tâm được bình thản. Từ tư tưởng, hành động, ngôn ngữ, đều phải khiêm tốn từ hòa, mà không mất vẻ đoan trang nghiêm chỉnh. Nói tóm lại, đó là tác phong đạo hạnh của hành giả trong đời sống nội tâm và ngoại cảnh để tu tập tam công.”[2]

Đức Quan Âm Bồ Tát đã chi tiết hóa các tiêu chuẩn của tác phong đạo hạnh mà người hành giả cần nhập tâm, lấy đó làm kim chỉ nam để hành trì trong đối nhân xử thế hàng ngày hàng bữa. Hành động, lời nói và tác phong cho đúng chuẩn mực đạo lý. Ngài dạy:

“Những hành độngđúng đạo lý hằng đem mình để giúp ích cho mọi người thể hiện đức từ bi bác ái. Ngôn ngữđúng đạo lý hay dùng lời lành lẽ phải hiền hòa êm dịu để an ủi những người khổ nạn đau thương, hay đem sự học hiểu chánh chơn nhủ khuyên em chị. Không vì thương mà tha thiết ngọt ngào, không vì ghét mà thị phi biếm nhẽ. Lời thốt ra nên người, nên bạn, nên nước, nên nhà. Lời thốt ra kẻ yêu người chuộng để thực hiện đức độ của người tu, tác phongcho đúng đạo lý, không vì chốn huyền môn mà bái quị, không vì lợi lộc mà cầu xin, không vì uy quyền mà khép nép; người tu hành vẫn ung dung thư thả, vui không hiện trên sắc diện, giận không thay đổi nét nhìn, những cảnh sắc hay hiện tượng bên ngoài không làm cho tác phong bị chế ngự.”[3]

Tác phong đạo hạnh của người học đạo phải có sự khác biệt so với người chưa học đạo. Bởi lẽ, tác phong đạo hạnh là một yếu tố không thể thiếu được trong việc hoàn thiện hóa bản thân trên con đường tu thân học đạo. Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:

“Đã là người học đạo thì phải tiếp nhân xử thế khác hơn người thế tục, nhất là tác phong đạo hạnh, đó là điểm quan trọng, nếu thiếu nó thì không nên đạo.”[4]

° Tác phong đạo hạnh là đệ nhứt pháp môn

Đức Bảo Hòa Thánh Nữ dạy rất chi tiết việc rèn tác phong đạo hạnh của người tu từ lời nói, tư tưởng đến hành động trong đạo lý chánh chơn và đây cũng chính là đệ nhứt pháp môn.

“Tu học trước nhất là phải giồi trau đức hạnh, rèn luyện thân tâm, lễ nghi đúng phép, cung kính nghiêm trang, nói năng giữ gìn ý tứ, việc trái đạo chớ nên làm, lời vô ích đừng nói, tập ngồi, tập đứng, tập đi, có tôn ti trật tự, nói năng lễ độ, kính mến thương yêu, đừng buông thả như thuở ngoài đời ham bay ham nhảy, ham nói ham ăn. Dầu nơi chật hẹp mà lễ nghi giữ đủ, trật tự nghiêm minh, đứng ngồi đúng chỗ, nói năng đúng phép, đó là Đạo. Trái lại, lễ nghi không học, trật tự không hành, nhỏ lớn không tôn, dầu chùa rộng nhà cao, nhìn vào cũng như cánh rừng hoang, cây cối um tùm, nhỏ lớn không phân, chông gai bù bịch, đó là vô Đạo.

Trật tự hữu hình là giá trị của người tu, tác phong đạo hạnh là lớp đầu của người tu sĩ, và cũng là kết quả của cấp lãnh đạo. Có tác phong đạo hạnh thì được kẻ kính người mến, kẻ yêu người nể, và người ngoài hâm mộ mà noi theo, có lợi cho mình mà độ được người, đó là đệ nhứt pháp môn.”[5]

° Bắt đầu tu sửa từ những tánh xấu

Việc tu tập tác phong đạo hạnh là một quá trình rèn luyện và chuyển hoá từ bản chất phàm phu của con người trở nên tánh chất thánh thiện. Quá trình này không thể diễn ra một sớm một chiều mà mang tính tiệm tiến, cũng giống như ta lột từng bẹ chuối từ ngoài vào đến bên trong lõi của cây chuối vậy. Khi những tánh xấu xuất hiện thì cần phải nhận biết nó để hoá giải tiêu trừ, nếu không quyết liệt đoạn trừ, lâu dần những tánh xấu này sẽ lẫn lộn trong những tánh tốt và rất khó phát hiện để dẹp bỏ. Đức Bảo Pháp Chơn Quân dạy:

“Các tánh xấu đó còn ẩn núp trong tâm của người tu thì dầu có khoác bên ngoài mấy lớp áo đạo nhưng hành động cử chỉ vẫn lộ ra bên ngoài không thể nào che giấu được. Như thế, vị tu sĩ đó vừa lừa dối mình mà dối cả Thần Thánh, dối cả người đời, thì tội phải chịu nặng gấpba lần người chưa học đạo. Thế cho nên chư đệ muội phải nên cố gắng tu tập tác phong đạo hạnh và tâm đức ngay lúc mới bắt đầu. Yếu tố thành công là siêng năng công quả học tập, đừng để điều gì làm tổn hao âm đức mà phải bồi bổ thường ngày. Hễ các tánh xấu vừa vọng động dấy lên phải mau mau chế ngự, đừng để nó tự do dẫn dắt, lần lần chư đệ muội sẽ thấy các tánh tốt lộ ra, ăn nói lễ độ, ngồi đứng khiêm nhường, nét mặt hiền hòa, biết xót thương người lầm lỗi, nhẫn nhục để độ kẻ gian, sống một đời sống cộng đồng giản dị, đó là Thánh Hiền tại thế mà quả vị Phật Tiên không xa vậy.”[6]

° Hậu quả củalời nói thiếu cẩn ngôn

Rèn tác phong đạo hạnh không thể thiếu sự cẩn ngôn và cẩn hạnh. Lời nói phải chơn chánh hữu ích, dễ mến dễ thương sẽ tạo ra mối tương cảm tương giao trong giao tiếp. Ngược lại, lời nói thiếu ngay thật, thiếu tình thương, lời nói phê phán hay thất đức khiến cho người khác buồn lòng, đau khổ hoặc tổn thương thì vô tình ta lại tạo nên khẩu nghiệp.

Do mỗi người, không nhiều thì ít đều có những vướng mắc trong nội tâm, kết tụ trong một thời gian dài. Những buồn bực, đau khổ, ray rứt chất chứa trong lòng, nếu không có phương pháp hóa giải những vướng mắc này thì chúng sẽ tác động trở lại làm cho chúng ta rất dễ có những cử chỉ, lời nói thiếu khả ái, từ hòa trong khi giao tiếp với người chung quanh. Hậu quả là không ai dám lai vãng tiếp xúc với mình vì e ngại “trái bom nổ chậm” đó có thể bộc phát bất cứ lúc nào. Như vậy, bản thân mình cũng bị đau khổ giày vò và làm cho người khác đau khổ. Đức Hiển Thế Đạo Nhơn dạy:

“Những lời chát chua thiếu ngay thật, tuyệt đối nên chừa. Phẩm hạnh tác phong đạo đức luôn luôn trau giồi để trở nên người chí thiện chí mỹ. Người đạo hữu biết ăn chay tụng kinh, niệm danh hiệu Chí Tôn, Phật, Tiên, Thánh, Thần, là để đoạn trừ nghiệp khẩu, thanh lọc nghiệp ý. Cố tránh những lời thất đức độc ác làm khổ tâm đồng đạo. Đó là những điều sơ đẳng của người mới vào trong cửa Đạo. Có như vậy mới khá hơn người ở ngoài cửa đạo. Nếu không được vậy, sẽ làm hoen ố chẳng những cho cá nhơn mình, cho bổn đạo địa phương mình, cho tập thể tín hữu Cao Đài, mà cho cả đến danh nghĩa của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.”[7]

° Tác phong đạo hạnh trong nghịch cảnh

Việc tu tập tác phong đạo hạnh trong những hoàn cảnh bị động, trong nghịch cảnh là rất khó; bởi lẽ, lúc bấy giờ, việc kềm chế bản thân đòi hỏi phải có công phu tu tập sâu dày, được kết tập trong một thời gian dài. Thí dụ khi ta giao tiếp với người có những lời nói và hành động thiếu thân thiện, thậm chí phỉ báng chúng ta. Trường hợp này rất dễ xảy ra xung đột, cãi vả, thậm chí xảy ra những hành động đáng tiếc, làm mất đi tác phong đạo hạnh của người tu. Đức Liên Hoa Thánh Mẫu dạy:

“Dầu gặp cảnh ngộ nào trái tai gai mắt nghịch ý, đừng vội vàng bực bội để tánh nóng nổi lên rồi phát ngôn thiếu cẩn thận, hành động thiếu cẩn thận, để hóa ra thua kẻ tầm thường ngoài thế gian chưa biết đạo đức là gì. Tác phong đạo hạnh của người tu không cho phép hành động hoặc phát ngôn thất đức, bất nhơn, hoặc trái lẽ phải. Dầu cảnh ngộ nào cũng có phương cách xử sự theo hạnh của người tu.”[8]

° Tác dụng của tác phong đạo hạnh

Tác phong đạo hạnh của người tu có nhiều tác dụng như xây dựng được tình hòa ái thương yêu, xoa dịu những khổ đau của người khác, và hơn thế nữa nó còn là một phương tiện truyền đạo rất hữu hiệu qua “người thật việc thật” là chánh kỷ hóa nhân.

“Nội tâm bình thản thì ngoại thể ung dung, có tác phong đạo hạnh để cảm hóa người đời. Hãy khắc kỷ phục lễ để nâng cao phẩm giá của người tu. Trải một thân mà độ được ba thân, trải một lòng mà muôn lòng được vui, đó là vừa tự độ, vừa độ tha.”[9]

°Tưới gốc sẽ sum cành

Tuy đạo hạnh tác phong là sự thể hiện ra bên ngoài, nhưng lại phát xuất ở nội tâm của hành giả. Nội tâm mang yếu tố quyết định, cho nên pháp môn đối trị nội tâm cũng chính là pháp môn đối trị ngoại thể. Đây chính là kết quả của việc “tưới gốc sẽ sum cành”. Do đó, việc “phản tỉnh nội cầu” hay là quay vào quán xét và an định nội tâm dần dần sẽ tạo kết quả biểu lộ ra bên ngoài đạo hạnh tác phong của người chơn tu.

“Đạo hạnhlà tác phong đức hạnh của người giữ đạo. Khi đã hiểu lý đạo rồi, hành cho sáng cái đức của đạo rồitự nhiên tác phong đạo hạnh từ bên trong bộc lộ thể hiện ra bên ngoài. Đó là câu “hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh”. Người ta chỉ nhìn qua khuôn mặt, tướng đi đứng ngồi, đã hiểu ngaytác phong đạo hạnh của người ấy có được đến mức độ nào rồi.”[10]

° Thước đo tác phong đạo hạnh

Đạo hạnh tác phong là biểu hiện ra bên ngoài của người tu nên dễ dàng nhận thấy bởi mọi người chung quanh. Đây cũng chính là thước đo mức độ hành trì trong đời sống tu học hành đạo. Giá trị của người tu cũng được thể hiện qua tác phong đạo hạnh. Từ ánh mắt đến lời nói đều thể hiện vẻ đoan trang, thuần hậu, dễ mến, dễ thương. Do đó, trắc nghiệm tác phong đạo hạnh bằng cách xem bản thân có được mọi người chung quanh kính nể, quý mến hay không. Nếu mức độ còn thấp tức là ta còn phải trau giồi thêm về tác phong đạo hạnh. Thiết tưởng, cũng cần lưu ý là mức độ thăng tiến tác phong đạo hạnh thông thường tỷ lệ thuận với thời gian tu học hành đạo của mỗi người tín hữu vì đó chính là sự thăng tiến theo thời gian tu học.

Đức Liên Hoa Thánh Mẫu dạy: “Thánh xưa thường răn mình mỗi khi gặp sự bạc đãi phũ phàng, luôn luôn phản tỉnh để sửa chữa cho đến khi nào được người mến yêu kính trọng. Sự muốn được người mến yêu kính trọng không phải vì thích ưa hoặc háo danh háo vị, mà đó chỉ là muốn thấy được cây thước đo đạc mức tiến phẩm hạnh tác phong đạo đức của mình xem đến đâu, chớ không phải để được người khen.”[11]

Chính vì thế người tu học cần rèn luyện tác phong đạo hạnh hàng ngày một cách kiên trì, nhẫn nại. Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn căn dặn:

“Đạo gốc là ở lòng chí thành, chí kỉnh, chí chánh, chí chơn. Từ chỗ thành kỉnh chánh chơn thâm nhập lâu ngày vào lòng, người tu hành sẽ trở nên kiến tánh. Muốn được như thế thì phải cần tu tập hằng ngày về đạo tâm, về đức hạnh không giây phút nào quên.”[12]

°Gương sáng về đạo hạnh tác phong

Xin được nêu lên một trường hợp là cố đạo trưởng Chơn Thiện Minh. Khi còn sanh tiền, đạo trưởng đã được Đức Ngọc Lịch Nguyệt để lời ban khen về đức tính khiêm hạ trong việc tham cầu đạo pháp. Ngài dạy:

“Nguyễn Văn Minh, hiền đệ sẵn có căn cơ đạo đức mà vẫn hạ mình học hỏi tham cầu tánh mạng song tu, Bần Đạo ngợi khen lắm đó. Đường có đi có đến, việc có làm có thành công, hiền đệ cố gắng rồi sẽ được thấy sau.”[13]

Đến khi đạo trưởng viên tịch, Đức Bảo Pháp Chơn Quân cũng đã khen tặng về đạo hạnh như sau:

“Chư huynh tỷ đệ muội vừa xúc động trước sự chia tay với Chơn Thiện Minh, người Vụ Trưởng chơn tu đức hạnh, thì Bổn Huynh cũng buồn trong cái vui. Buồn vì chỗ khuy khuyết vì chưa có người đủ đức hạnh đảm trách, vui vì được tiếp người bạn mới để hầu sớt việc chia công.”[14]

2.2.Chế ngự thất tình lục dục(bên trong)

Con người được cấu tạo giống như một tiểu vũ trụ thu hẹp. Trời đất là đại vũ trụ có những gì thì con người đều thọ bẩm giống như thế. Thật vậy, Đức Quan Âm Bồ Tát xác tín rằng:

“Trời là Đại Thiên Địa, con người cũng như tất cả chúng sanh là Tiểu Thiên Địa. Trời đã có những gì, trong vạn vật vẫn có những vật ấy. Chỉ khác nhaulà ở chỗ lớn bé trên hình thức hoặc sự biến dịch không ngừng, khi bày lúc ẩn vậy thôi. Thế nên, Thượng Đế hằng nói: Thầy là các con, các con là Thầy. Tất cả chúng sanh sẽ thành Phật, đồng trở về hiệp nhứt cùng khối Đại Linh Quang, chẳng qua là sự tiến hóa mau chậm mà thôi.”[15]

Cơ cấu tiểu vũ trụ của con người gồm có 3 thể:

° Đệ nhất xác thân là xác thân hữu hình do vật chất tứ đại giả hiệp tạo thành, được gọi là sanh hồn.

° Đệ nhị xác thân là vía (bản năng), tâm, chơn thần, lục dục thất tình[16], là giác hồn (tạo ra khả năng nhận thức). Đệ nhị xác thân đóng vai trò một thể trung gian giữa đệ nhất và đệ tam xác thân.

° Đệ tam xác thân là tiểu linh quang, nguơn thần, tánh, là linh hồn. Nhiệm vụ của đệ tam xác thân là chế ngự và điều khiển đệ nhất và đệ nhị xác thân.

Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy rằng trong nhục thể của con người có những thể phụ: thất tình, lục dục, lục căn, lục thức, tam thi và cửu cổ. Nếu chủ nhơn ông biết điều khiển, hướng dẫn chúng theo quy luật của Tạo Hóa thì chúng sẽ giúp cho con người đắc Đạo, còn ngược lại chúng sẽ lôi kéo con người vào vòng luân hồi đọa lạc.[17]

Suy cho cùng thì thất tình lục dục là một phần “sở hữu” của con người, vì thế chúng ta không thể “triệt tiêu” nó được; bởi lẽ diệt thất tình lục dục chính là tiêu diệt chính chúng ta. Cho nên, chủ nhơn ông phải biết thu phục nó, điều khiển nó để hóa giải những mặt tiêu cực trở thành những yếu tố tích cực, tức là chuyển thất tình thành thất bửu, chuyển lục dục thành lục thông.

°Thất tình là bảy trạng thái tâm lý của con nguời: Hỷ (mừng), nộ (giận), ai (buồn), lạc (vui), ái (yêu), ố (ghét), cụ (sợ).

Do bản chất của thất tình không tự nó xấu hoặc tốt. Nếu chủ nhơn ông điều khiển được nó thì nó sẽ trở nên hữu dụng và ngược lại. Đức Quan Âm Bồ Tát khẳng định:

“Các Đấng Thần, Tiên, Thánh, Phật cũng vẫn có hỉ, nộ, ái, ố. Nhưng hỉ, nộ, ái, ố của các Đấng ấy trong vòng đạo lý chớ không phải như phàm nhân. Rất đỗi như người thế gian thuộc vào hàng quân tử cũng giận, nhưng cái giận khác hơn kẻ tiểu nhân, vì: lễ nghĩa chi nộ thị chi quân tử, huyết khí chi nộ thị chi tiểu nhân.”[18]

Trong bảy trạng thái tâm lý nêu trên, yếu tố “sân” hay “nộ” (giận) có tác động hủy hoại mãnh liệt nhất khiến con người có thể gây ra những hậu quả rất đáng tiếc chỉ trong giây phút ngắn ngủi nếu bản thân không kiểm soát được nó, còn trên lãnh vực tu thiền thì hậu quả của “sân” cũng không kém phần nguy hại vì nó có thể thiêu đốt cả rừng công đức mà tự bản thân đã dày công gây tạo, thậm chí công trình tu luyện có thể bị cuốn trôi theo dòng nước.

°Lục dục là sáu sự ham muốn bắt nguồn từ sáu cơ quan nhận thức của con người: Nhãn (mắt), nhĩ (tai), tỷ (mũi), thiệt (miệng lưỡi), thân và ý. Trong kinh Đại Thừa Chơn Giáo, Đức Chí Tôn gọi lục dục là “sáu con quỉ; tức là sáu đứa du côn”[19]

Trong đó, ý hay tư tưởng có tầm quan trọng rất đặc biệt, bởi vì nó có thể mang lại ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến môi trường chung quanh và tích tụ nơi không trung để tạo ra sự cộng hưởng. Mặt khác, từ tư tưởng mới phát xuất ra lời nói và hành động. Theo Luật cảm ứng, các luồng tư tưởng thiện từ, đạo đức sẽ tiếp nhận được luồng hồng quang thiên điển của các Đấng thượng đẳng Thiêng liêng luôn soi sáng và hộ trì. Và ngược lại, các luồng tư tưởng xấu xa, vạy tà sẽ gặp gỡ các luồng tư tưởng từ các bậc hạ đẳng thiêng liêng luôn lôi kéo và xúi giục. Trong bài kinh “Giới Ý Kinh” có câu:

Ý là ác nghiệt mọi điều,

Trong đời vạn sự, ý nhiều tội hơn.

Ý hay ganh ghét giận hờn,

Răn lòng sửa ý, lý chơn mới tường.

Những điều sâu hiểm ghét thương,

Đều do ý ác tạo đường nghiệt căn.[20]

Tương tự như thất tình, lục dục cũng có thể được kiểm soát và điểu khiển để trở nên hữu ích cho bản thân. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư giải thích:

“Còn qua lãnh vực lục dục, lục căn cũng thế, hãy điều khiển sai khiến chúng phải tuân theo, làm theo chủ nhơn ông. Cũng thời chúng nó, nếu chủ nhơn ông biết tận dụng, chúng sẽ trở nên hàng trung thần thân tín. Nếu ngược trở lại, không biết tận dụng điều khiển chúng thì chúng sẽ trở nên đám nghịch thần, phá hoại ngăn cản mọi bước tiến trên đường thánh thiện.

Lục dục, lục căn [nếu] biết luyện thì chúng sẽ trở nên lục thông, đưa chủ nhơn ông đến hàng Tiên Phật. Ngược lại, chúng sẽ làm lục tặc rồi dẫn dắt kéo trì chủ nhơn ông trở xuống lục đạo luân hồi, hoặc sa tăng ngạ quỉ.”[21]

Đức Lão Tổ dạy rằng việc điều phục lục dục chính là làm sao cho các giác quan này trong trạng thái “không phân biệt”, tức là đạt được trạng thái “trung hòa”, tức là đã đạt được sự an định nội tâm, đã hòa cùng thiên lý.

“Tai nghe tiếng trần mà chẳng phân biệt, mắt nhìn thấy sắc trần mà chẳng phân biệt, mũi ngửi mùi trần mà chẳng phân biệt, lưỡi nếm vị trần mà chẳng phân biệt, thân chạm vật trần mà chẳng phân biệt. Chính vì phân biệt mà có ưa ghét, thân thù, khao khát ước vọng để kết thành nghiệp quả luân hồi.

Vui, giận, buồn, thương cảm, khi chưa phát gọi là Trung. Khi phát ra đúng tiết điệu hòa hài cảm ứng với nội tâm, ngoại cảnh, gọi là Hòa. Trung Hòa là yếu tố đạt đến chỗ trong định, ngoài an, để sống một cuộc sống siêu thoát; mà sống cuộc sống siêu thoát thì Tiên Phật cũng thế thôi.”[22]

Sáu sự ham muốn này do lục căn tiếp xúc với ngoại cảnh. Vì thế muốn kiềm chế sự ham muốn theo đạo lý thì phải theo dõi và kiểm soát nó từng giây từng phút, không được lơ là, chểnh mảng.

Chế ngự hay điều phục thất tình lục dục là một trong những phương pháp tu thân then chốt để tu chứng, đạt thành đạo quả. Đức Ngọc Lịch Nguyệt dạy:

Muốn cho chứng quả Cao Đài,

Đây Tiên huynh chỉ một vài phương tu.

Luyện ba báu, công phu trước nhứt,

Diệt tâm phàm đức hạnh giồi trau,

Đừng cho thần tán, khí hao,

Thất tình lục dục đón rào cho an.

Hay giận dỗi, thương can tổn mộc,

Quá mừng vui, hỏa đốt tâm suy,

Buồn thương rất hại thổ tỳ,

Lo nhiều hao tổn ích gì hành kim.

Hay sợ sệt thân hình tiều tụy,

Ngũ tạng suy thần khí khó tu,

Người tu nên nhớ dặn lòng,

Như như mặc mặc luyện công mới thành.[23]

2.3. Nghiêm minh giới luật

Giới luật là những điều răn dạy của tôn giáo để các tín đồ căn cứ vào đó thực hiện những điều thiện và đồng thời ngăn ngừa những điều ác thể hiện qua tư tưởng, lời nói và hành động. Có như thế những quả lành mới được tăng trưởng và những nghiệp quả xấu mới được đẩy lùi. Vì thế, giới luật có thể được xem như khuôn vàng thước ngọc, như bộ chuẩn mực nhằm hoàn thiện hóa người tu.

“Chư hiền đệ muội ngày nay được hưởng thời đại ân xá và đang trỗi bước đại thừa thực hành Thiên đạo, dầu ở cấp nào cũng phải tự mình khắc kỷ tu công, nghiêm minh giới luật. Trễ một giờ là mất một năm tiến hóa. Nếu làm một nhơn sanh nơi cõi thế mà không tiến hóa được thì thật uổng phí một kiếp nhơn sanh.”[24]

Trong đạo Phật, trì giới Ba-la-mật có nghĩa là phương tu đến bờ giác ngộ bằng cách thực hành tinh nghiêm giới luật. Có hai loại giới luật dành cho bậc tiểu thừa và đại thừa. Giới luật tiểu thừa dành cho các Phật tử tại gia (ngũ giới) và tu sĩ xuất gia gồm: Sa-di và Sa-di-ni (10 giới), Thức-xoa-ma-na-ni (6 điều giới và 296 hạnh giới), Tỳ-kheo (250 giới) và Tỳ-kheo-ni (348 giới). Giới luật đại thừa cũng dành cho các Phật tử tại gia và tu sĩ xuất gia gồm: Nhiếp luật nghi giới (10 giới trọng và 48 giới khinh) là quyết tâm không làm một việc ác nào; Nhiếp thiện pháp giới là quyết tâm làm tất cả việc lành và Nhiêu ích hữu tình giới là quyết tâm tu hạnh từ bi hỉ xả và hóa độ chúng sanh (Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, Phật Học Tùng Thư-1962).

Giới luật đạo Cao Đài cũng chia làm hai phẩm hạ thừa và thượng thừa. Tín đồ ở phẩm hạ thừa cần phải giữ trai kỳ 6 hoặc 10 ngày trong tháng, giữ ngũ giới cấm, tuân theo Thế luật gồm 24 điều; tín đồ phẩm thượng thừa cần phải tuân thủ trường trai giới sát và Tứ đại điều qui (Tân Luật, chương II: Về người giữ đạo, điều 12). Đức Chí Tôn dạy:

“Các con ơi! Nếu nói rằng Thầy đã nhiều cực nhọc từ ngày Khai đạo đến chừ, Đạo đặng phổ thông mau chóng dường này, thì đáng lẽ Thầy mừng cho các con lắm mới phải, sao Thầy lại buồn?

Các con ơi! Các con đã chịu lắm khổ não nơi biển trần này từ 10.000 năm rồi, đã ở dưới quyền tà quái áp chế, vì vậy mà Thầy phải phế Bạch Ngọc Kinh Huỳnh Kim Khuyết giáng trần độ rỗi các con. Chớ chi Thầy đến mà làm giảm bớt sự khổ não các con chẳng đặng nữa thì thôi, lẽ nào Thầy lại lập Tân Luật ràng buộc các con thêm nữa. Vì cớ mà Thầy buồn. Thầy tỏ thật, cái luật lệ Thầy khiến các con hiệp chung trí mà lập thành đây, nó có ảnh hưởng về đạo đức Thiên phong Phật sắc của các con, nên Thầy buộc mình cam chịu vậy. Chẳng luật lệ thì là trái phép, mà trái phép thì làm thế nào vào Bạch Ngọc Kinh cho đặng.”[25]

°Ngũ giới cấm

Tân Luật (chương 4, điều 21) qui định: “Hễ nhập môn rồi phải trau giồi tánh hạnh, cần giữ ngũ giới cấm.”

1. Nhứt bất sát sanh: Chẳng nên sát sanh hại vật.

2.Nhì bất du đạo: Cấm trộm cướp, lấy ngang, lường gạt của người, hoặc mượn vay không trả, hoặc chứa đồ gian, hoặc lượm lấy của rơi, hoặc sanh lòng tham của quấy, để ý hại cho người mà lợi cho mình, cờ bạc gian lận.

3. Tam bất tà dâm: Cấm lấy vợ người, thả theo đàng điếm, xúi giục người làm loạn luân thường, hoặc thấy sắc dậy lòng tà, hoặc lấy lời gieo tình huê nguyệt (vợ chồng không gọi là tà dâm).

4. Tứ bất tửu nhục: Cấm say mê rượu thịt, ăn uống quá độ, rối loạn tâm thần làm cho náo động xóm làng, hoặc miệng ước rượu ngon, bụng mơ đồ mỹ vị.

5. Ngũ bất vọng ngữ: Cấm xảo trá, láo xược, gạt gẫm người, khoe mình, bày lỗi người, chuyện quấy nói phải, chuyện phải thêu dệt ra quấy, nhạo báng, chê bai, nói hành kẻ khác; xúi giục người hờn giận, kiện thưa xa cách, ăn nói lỗ mảng, thô tục, chửi rủa người, hủy báng tôn giáo, nói ra không giữ lời hứa.

°Tứ đại điều qui

Tân Luật (chương 5, điều 22) qui định: “Buộc phải trau giồi đức hạnh giữ theo tứ đại điều qui.”

Điều 1:Phải tuân theo lời dạy của bề trên, chẳng hổ chịu cho bực thấp hơn điều độ. Lấy lễ hòa người. Lỡ lầm lỗi phải ăn năn chịu thiệt.

Điều 2: Chớ khoe tài, đừng cao ngạo; quên mình mà làm nên cho người. Giúp người nên đạo. Đừng nhớ cừu riêng. Chớ che lấp người hiền.

Điều 3: Bạc tiền xuất nhập phân minh, đừng mượn vay không trả. Đối với trên đừng lờn dễ, trên dạy dưới lấy lễ, dưới gián trên đừng thất khiêm cung.

Điều 4: Trước mặt sau lưng cũng đồng một bực, đừng kỉnh trước rồi lại khi sau. Đừng thấy đồng đạo tranh đua ngồi mà xem không lời hòa giải. Đừng lấy chung làm riêng, đừng vụ riêng mà bỏ việc chung. Pháp luật phải tuân, đừng lấy ý riêng mà trái trên, dễ dưới. Đừng cậy quyền mà yểm tài người.

Về tầm quan trọng của Tứ đại điều qui, Ơn Trên có dạy Ngài Minh Thiện tại Minh Lý Thánh Hội như sau: “Ngươi phải rán mà lập Điều qui. Không có Điều qui thì chẳng nên việc. Muốn thành Thần Tiên phải do Điều qui mới được.”[26]

Vào năm Ất Sửu (1925), Ơn Trên đã ban ơn Tứ đại điều qui bằng văn vần cho nhơn sanh dễ tụng niệm.

°Kinh Sám hối

Ngoài ngũ giới cấm và Tứ đại điều qui, người tín hữu Cao Đài trì tụng kinh Sám hối vào hai ngày sóc vọng tại thánh sở. Kinh Sám hối gồm có 444 câu thơ song thất lục bát do các Đấng Thiêng Liêng giáng cơ tả kinh tại Minh Lý Thánh Hội năm Ất Sửu (1925). Tác dụng của kinh Sám hối là giúp người tín hữu Cao Đài ăn năn các lỗi lầm đã thực hiện và quyết tâm tự nguyện không tái phạm.

Nội dung kinh Sám hối gồm những điều họa phước báo ứng mang tính tiêu biểu và cụ thể để người tín hữu noi theo đó thực hành điều lành nhằm gặt hái kết quả tốt đẹp và biết sợ những hình phạt khi dấn thân vào điều ác.

Điều họa phước không hay tìm tới,

Tại mình vời nên mới theo mình,

Cũng như bóng nọ tùy hình,

Dữ lành hai lẽ công bình thưởng răn.

(câu 13-16)

Ơn Trên cũng minh giải trường hợp người vô đạo được hưởng giàu sang, người làm phước gặp nạn tai:

Người làm phước có khi mắc nạn,

Kẻ lăng loàn đặng mạng giàu sang,

Ấy là nợ trước còn mang,

Duyên kia chưa dứt còn đang thưởng đền.

(câu 21-24)

Kinh Sám hối khuyên người tín hữu phải trọn lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ để xứng phận làm người.

Làm con phải trau giồi hiếu đạo,

Trước là lo trả thảo mẹ cha,

Lòng thành thương tưởng ông bà,

Nước nguồn cây cội mới là tu mi.

(câu 49-52)

Kinh cũng nêu hình phạt dành cho những người phạm tội bất hiếu với các đấng tổ phụ:

Con bất hiếu, xay, cưa, đốt, giã,

Mổ bụng ra phanh rã tim gan,

Chuyển thân trở lại trần gian,

Sanh làm trâu chó đội mang lông sừng.

(câu 329-332)

Theo luật tích thiểu thành đa, kinh Sám hối khuyên chúng ta không nên bỏ qua những việc lành cho dù là nhỏ nhặt và cũng không phạm vào những việc ác cho dù là cỏn con.

Năng làm phải nhựt nhu ngoạt nhiễm,

Lâu ngày dồn tính đếm có dư,

Phước nhiều, tội quá tiêu trừ,

Phép Trời thưởng phạt, không tư chẳng vì.

Thấy lỗi mọn chớ nghi chẳng hại,

Thường dạn làm, tội lại hằng hà,

Vì chưng tụ thiểu thành đa,

Họa tai báo ứng chẳng qua mảy hào.

(câu 137-144)

Tuy nhiên, trong trường hợp biết ăn năn sám hối tội lỗi, kinh Sám hối cũng ghi nhận như sau:

Người ở thế mấy ai khỏi lỗi,

Biết lạc lầm sám hối tội căn,

Tu tâm sửa tánh ăn năn,

Ba giềng nắm chặt, năm hằng chớ lơi.

(câu 425-428)

Tác dụng của việc tụng kinh Sám hối nhằm răn dè bản thân hàng ngày xa lánh những điều tội lỗi và vun bồi trưởng dưỡng những điều lành.

°Kinh Cảm ứng

Các đạo hữu đạo Cao Đài tu theo Chiếu Minh vô vi trì tụng kinh Cảm ứng vào thời cúng giờ Mẹo hàng ngày. Kinh Cảm ứng cũng nêu lên những điều họa phước tiêu biểu để mỗi người đạo hữu căn cứ vào đó làm phương tiện răn mình. Kinh Cảm ứng có tác dụng như một chuẩn mực để người đạo hữu soi xét bản thân trước những điều thiện và ác trong đời sống hàng ngày nhằm hoàn thiện hóa bản thân trên con đường tu luyện. Vì thế, kinh Cảm ứng là một bộ giới luật về nhơn đạo quan trọng đối với các đạo hữu Chiếu Minh. Đức Chí Tôn dạy:

“Các con nên biết kinh Cảm ứng tức là một bộ giới luật nhơn đạo và cũng là phần căn bản của mối đạo Thầy. Nên Thầy hằng nhắc nhở các con phải năng nghiêm hành cho đặng tròn nhơn đạo. Nhơn đạo tròn thì Thiên đạo mới thành vì cả hai phải đi song song suốt đời tu hành của các con. Vì lẽđó mà Thầy dạy các con phải đọc hàng ngày và hành.”

Đức Chí Tôn cũng đã minh giải tác dụng của kinh Cảm ứng như sau:

“Nghiêm hành kinh Cảm ứng tức là nghiêm trị sửa mình cho ra chơn hạnh, đức tháo người tu, không khác nào các con khoác lên mình một chiếc cẩm bào lộng lẫy, oai nghi khiến người đời phải nể trọng, không còn chê các con là lèn xèn nữa thì các con mới có thể lấy gương mình mà cảm người, tức là chánh kỷ hóa nhân, tự giác giác tha vậy.”

2.4. Luyện kỷ

Luyện kỷ là công trình hoàn thiện hóa bản thân đặc biệt ứng dụng trong lãnh vực tu luyện đạo pháp. Luyện kỷ chia ra nhiều cấp độ từ căn bản đến thâm sâu. Trước tiên, hành giả cần trau luyện thân tâm cho được thuần thành đạo đức theo như lời căn dặn của Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn:

“Luyện kỷ là luyện thân tâm thuần thành đạo đức, cương nhu trí dõng, không còn những biếng lười, những thói hư trần tục.”[27]

Mức độ cao của luyện kỷ là tu luyện sao cho đoạn dứt vọng niệm. Bởi lẽ, kỷ là niệm trong tâm. Niệm chính là nguyên nhân sâu xa gây ra nghiệp quả, phiền não, vô minh. Đức Lão Tổ dạy:

“Kỷ là chi? Kỷ là niệm trong tâm (tâm trung chi niệm). Niệm còn vọng là còn vô minh, còn phiền não, nghiệp quả còn kéo trì.”[28]

Luyện kỷ là yêu cầu bắt buộc hành giả phải rèn luyện trong suốt quá trình tu luyện. Vì thế, muốn tu luyện đạo quả Trúc cơ cần phải luyện kỷ cho thành công. Đức Bảo Pháp Chơn Quân dạy:

Tu đơn nào có khó chi đâu!

Luyện kỷ thành công thấy nhiệm mầu,

Học đạo hằng ngày tâm chẳng trễ,

Đoạn lìa tánh tục, lộ minh châu.[29]

Đức Bát Nhã Thiền Sư tóm tắt các nội dung ban đầu mà hành giả phải thực hiện trong công trình luyện kỷ:

Bước đầu luyện kỷ lắm công trình,

Mài dũa, trui rèn, gạn lọc tinh,

Tật xấu, thói hư đều tẩy sạch,

Kiêu căng tự ái cũng tan tành.

Bảy tình, tám thức[30] đồng siêu hóa,

Ba độc, bốn tường được vãng sanh,

Sàng sảy, giã xay, vê trấu bụi,

Khuôn thiêng tạo đúc đã nên hình.

KẾT LUẬN

Công trình là một pháp môn tu hành trong tam công của đạo Cao Đài. Công trình là hoàn thiện hóa bản thân về cả hai mặt thân và tâm để trở thành một công dân gương mẫu đối với đời và một tín hữu Cao Đài thuần thành đạo đức.

Việc thực hành công trình đòi hỏi phải chú ý đến cả hai mặt: ngoại thân, thể hiện qua tác phong đạo hạnh khiêm tốn từ hòa, đoan trang nghiêm chỉnh và nội thể, thể hiện qua việc kềm chế thất tình lục dục để tư tưởng, lời nói và việc làm đều nằm trong khuôn khổ đạo lý. Muốn thực hiện công trình, người tu cần khép mình nghiêm minh giới luật; bởi lẽ giới luật chính là khuôn vàng thước ngọc, là chuẩn mực đạo lý để con cái của Đức Chí Tôn soi mình hàng ngày trong việc rèn luyện bản thân và khỏi phải sa ngã trong vòng lục đạo luân hồi.

Vì vậy, phương châm của mỗi người tín hữu Cao Đài trong việc rèn luyện công trình là:

“Nghiêm minh giới luật từng ngày, từng sát na.”


Đông Chí 2006



-------------------
[1]Đức Lê Đại Tiên, VNT, 01-6 Giáp Dần (1974)


[2]Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 15-6 Canh Thân (1980)


[3] Đức Quan Âm Bồ Tát, Chơn Lý Đàn, 01-4N Giáp Dần (22-5-1974)


[4]Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 01-12 Bính Dần (31-12-1986)


[5] Đức Bảo Hòa Thánh Nữ, VNT, 17-6 Đinh Tỵ (31-7-1977)


[6] Đức Bảo Pháp Chơn Quân, CQPTGL, 22-6 Đinh Tỵ (05-8-1977)


[7] Đức Hiển Thế Đạo Nhơn, NMĐ, 10-5 Canh Tuất (13-6-1970)


[8]Đức Liên Hoa Thánh Mẫu, NTTT, 08-8 Kỷ Dậu (19-9-1969)


[9] Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 01-01 Đinh Tỵ (17-02-1977)


[10] Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, MLTH, 04-9 Quý Sửu (29-9-1973)


[11] Đức Liên Hoa Thánh Mẫu, NTTT, 08-8 Kỷ Dậu (19-9-1969)


[12] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 10-01 Đinh Tỵ (27-02-1977)


[13] Đức Ngọc Lịch Nguyệt, VNT, 10-5 Đinh Tỵ (25-6-1977)


[14]Đức Bảo Pháp Chơn Quân, CQPTGL, 25-8 Canh Thân (30-10-1980)


[15]Đức Quan Âm Bồ Tát, MLTH, 02-4 Kỷ Dậu (17-5-1969)


[16]Đức Cao Thượng Phẩm, TT Tây Ninh, 07-8 Canh Dần (18-9-1950): “Đệ nhị xác thân, mà chúng ta thường gọi là cái vía, tức là bản năng của chúng ta đó. Bản năng ấy là Chơn Thần, mà chủ của nó tất nhiên là Phật Mẫu. Chơn thần là một thể vô hình, bất tiêu, bất diệt, luôn luôn tiến hóa hay ngưng trệ, do mỗi lần tái kiếp được dày công hay đắc tội. Nói rõ hơn nữa, thì nó là lục dục thất tình đó.”


[17]Trích đại ý thánh giáo của Đức GTĐĐ, Tây Thành TT, 14-3 Canh Tuất (18-4-1970)


[18]Đức Quan Âm Bồ Tát, MLTH, 02-11 Mậu Thân (20-12-1968)


[19]Đại Thừa Chơn Giáo, xb. 1956, tr. 23.


[20]Thánh Đức Chơn Kinh, quyển 3, 1965, tr.124-141 (kinh Đạo Nhựt Thường Hành)


[21]Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, MLTH, 08-9 Kỷ Dậu (18-10-1969)


[22]Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 05-5 Đinh Tỵ (20-6-1977)


[23]Đức Ngọc Lịch Nguyệt, CQPTGL, 24-02 Quý Sửu (28-3-1973)


[24] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 01-01 Quý Hợi (13-01-1983)


[25] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thánh giáo 21-11 Bính Dần (1926)


[26] MLTH, 20-10 Ất Sửu (1925)


[27]Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 10-02 Đinh Tỵ (1977)


[28] Đức Lão Tổ, VNT, 08-11 Mậu Ngọ (1978)


[29] Đức Bảo Pháp Chơn Quân, 1981


[30] Tám thức: lục thức (nhãn, nhĩ,tỉ, thiệt, thân, ý), Mạt na thức và A lại da thức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides