TRÚC-LÂM THIỀN-ĐIỆN (Vĩnh Long)
Ngọ thời 13 tháng 4 Đinh Mùi (21-5-1967)
Kệ viết:
HỘ điển đồng loan tiếp Phật Vương,
PHÁP môn sẽ được giải tinh tường,
GIÀ hay trẻ nếu không tu tỉnh,
LAM hắc bạch huỳnh cũng chuyển luân.
HỘ-PHÁP GIÀ-LAM, Ta chào chư Thiên sắc, chào chư hiền đồ thiện nam tín nữ.
Vâng lịnh báo đàn, chư Thiên sắc cùng toàn thể thành tâm nghinh tiếp DI-LẠC THIÊN-TÔN. Chào chung, Ta xin xuất ngoại hộ đàn, lui bước…
(Tiếp điển:)
Kệ viết:
Soi sáng hồng trần ngọn đuốc thiêng,
Cho đời thấy rõ mối QUI NGUYÊN,
Tu thân tự giác trừ tam độc,
Chánh niệm độ tha khởi vạn duyên.
Vượt khỏi sông mê về cảnh Phật,
Thoát ngoài bể tục đến nhà Tiên,
Năm chi mười phái rồi sau cũng.
Tóm lại càn khôn một chủ quyền.
CHỦ NHƠN HOÀNG CỰC DI-LẠC THIÊN-TÔN, Bần Tăng chào mừng chư Thiên sắc, chư hiền đồ thiện tín đẳng đẳng.
Bần Tăng đến trần gian giờ này để chứng lòng thành niệm của thiện tín môn đồ sở tại Trúc-Lâm Thiền-Điện cùng toàn tỉnh Vĩnh Long.
Nhơn dịp này, ngày lễ Phật-Đản của Giáo-Chủ Tây- Phương, Bần Tăng giải thích vấn đề “NHÂN NGÔ của người tu trong chơn lý Đại-Đạo. Miễn lễ đàn trung đồng an tọa đẳng đẳng.
Này chư hiền đồ! Bần Tăng giáng đàn giờ này không phải riêng vì lời khẩn nguyện, mà chính là vì nhiệm vụ đối với kỳ ba trong Nguơn Hội và cũng vì chữ TÂM của các hàng tu hành tìm chân lý đạo.
Hỡi chư hướng đạo! Chư hiền đồ! Người sanh tại thế gian kết hợp bởi tinh huyết tạo thành, cùng tổng hợp với các chất động tịnh, nóng mát, cứng mềm và chìm nổi, để bao bọc giác linh tâm thức, tiểu châu thiên vận chuyển trong đại châu thiên. Nhưng đến khi những chất ấy đã hoại theo luật thâu tàng, thì cái danh mà người đời đặt cho hình thức bản thể để mà gọi, sẽ tiêu tan theo không gian và chỉ còn dư âm lại của thời gian.
Thế nên, người đời trong cõi vô thường này, có giác linh tâm thức, đã xử dụng và lưu lại cái danh như thế nào?
Nếu không làm được bậc quân tử hiền nhân Thánh Triết, thì ngược lại sẽ làm chúng sanh hay tội đồ trong nhơn loại.
Trường kệ:
Nương cõi tạm mọi điều phải tạm,
Ở hồng trần chịu bám bụi trần,
Công bình Tạo Hóa cầm cân,
Ngửa tay thọ lãnh mỗi phần thưởng răn.
Bến hoạn đồ lăng xăng chen lấn,
Cõi vô thường lẩn bẩn lại qua,
Hỡi ôi! sanh, tử, bịnh, già,
Trăm năm cửa tục vào ra bao lần!!!
Trước vật dục tâm thần sở tế,
Trong vọng hành trí tuệ vô minh,
Có mình ai biết đặng mình,
Nghiệp duyên vạn hữu bẩm sinh chốn nào?
Mồi danh lợi sôi trào mặt bể,
Miếng đỉnh chung treo để đường trần,
Quen mồi cá nọ lụy thân,
Nặng lòng phàm tục ngập ngừng lối đi.
Cuộc tiến hóa tân kỳ vũ trụ,
Cơ vận hành cố thủ càn khôn,
Có đào thải, có bảo tồn,
Lọc lừa kẻ dại người khôn hội nầy.
Ôi! vật chất lấp đầy cảnh tục.
Khiến tâm thần câu thúc vô minh,
Gây nên những cảnh bất bình,
Cho toàn nhân loại điêu linh khổ nàn.
Sóng văn minh bủa tràn thế hệ,
Gió phong trào biến thể quốc phong,
Muốn cho tâm vật tương đồng,
Hoằng dương ĐẠI-ĐẠO nhằm trong hạ kỳ.
Hỡi chư hiền đồ! Đạo là con đường mà nhân loại hằng đi. Đạo là nguồn sống mà nhân loại hằng sống. Nếu người đời hiểu biết như vậy, không còn chấp nê “NHƠN, NGÔ.
Người đời sẽ tự mình gìn giữ lương tri lương năng trong cái bản thể của con người. Tâm sẽ không phiền lụy, thân sẽ chẳng buộc trái oan, đạo lý cá nhơn sẽ xây dựng trong ba mối năm giềng, mỹ tục phong thuần, âu ca lạc nghiệp, nhà không đóng cửa, ngoài đường chẳng lượm của rơi. Người đời khi hưởng được cái hạnh phúc thực tại, sẽ biết chân hạnh phúc. Người đời khi đã sống trong cái lý tương đồng của nhân loại, sẽ biết được cái lý tương quan của vũ trụ càn khôn. Niết-Bàn Cực-Lạc đó, Thần Thánh Tiên Phật đó, nào có xa đâu. Nhưng than ôi!
Tiếp trường kệ:
Nhìn thế sự loạn ly chinh chiến,
Trông nhân loài diễn biến tương tàn,
Thành sầu bể hận dọc ngang,
Do mầm thị dục ngập tràn “Ngã, Nhân”.
Ôi! mộng huyển vô thường bào ảnh,
Danh, lợi, quyền, ấm, lạnh, nhục, vinh,
Đặng người e lại mất mình,
Do nhân ích kỷ mà sinh hận thù.
Ta biết chuộng võng dù xa mã,
Người cũng ham lộc cả quyền cao,
Ta toan tách ngõ ngăn rào,
Thì người lại sắp hố hào chia ly.
Ta muốn đặng vinh thê ấm tử,
Người cũng mong ngàn tứ muôn chung,
Ta toan kỳ thị oai hùng,
Người cùng kiêu dũng mà cùng tranh phuông.
Ta kế hoạch thay tuồng đổi lớp,
Người mưu mô đoạt cướp giựt giành,
Ta toan đắp lũy xây thành,
Thì người lại sắp tung hoành giang sơn.
Ta quyết chí đồ Vương định Bá,
Người rắp tâm thiên hạ tóm thâu,
Gieo nên gió thảm mưa sầu,
Vô thường đến cửa còn đâu “Ta, Người”!
Nhân chấp ngã để đời truyền kiếp,
Quả chiến tranh cộng nghiệp nhơn sanh,
Giang san cẩm tú Trời dành,
Sao không cùng hưởng mà đành xé xâu!
Hỡi chư hiền đồ! Thế sự ngày nay đang đắm chìm trong nhân ngã tế chấp, hệ lụy cái thế giới vô thường, thì Đạo là phương cứu rỗi, là chiếc thuyền từ để giúp các hàng lãnh giáo có phương tiện đem diệu dược mà cứu khổ chúng sanh. Diệu dược ấy là chơn lý ĐẠI-ĐẠO.
Còn về khuynh hướng của người tu, thì chỉ chú trọng vào sự giải thoát mọi cảnh khổ cho chính bản thân mình để hầu tìm phương cách, làm một công cuộc giải thoát cho khắp mọi người. Ôi! Lành thay! Lành thay!
Bần Tăng vâng Ngọc sắc THƯỢNG-ĐẾ đến thế gian này thiết Tam Long Hoa Hội trong Tam-Kỳ Phổ-Độ, là một cuộc phản cổ, vạn thù qui nhứt bổn, thì các Đấng Thần Thánh Tiên Phật đều phải xương minh chánh pháp để tái lập cõi dinh hoàn này trở lại đời Thượng-Nguơn Thánh- Đức, nhà nhà đều hưởng thú thanh bình, âu ca lạc nghiệp trong cảnh Thiên-Đường tại thế. Do đó mới có ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ mà THƯỢNG-ĐẾ tá danh Cao-Đài Tiên-Ông Đại-Bồ-Tát Ma-Ha-Tát cũng một ý nghĩa đó.
Tiếp trường kệ:
Chơn lý Đạo nhiệm mầu vô thượng,
Vạn pháp môn qui hướng độ đời,
Tam Nguơn chuyển thế luật Trời,
Mười hai vận hội tùy thời hoằng dương.
ĐẠI-ĐẠO vốn con đường duy nhứt,
Tu chứng nhờ tâm thức chơn như,
Ngã, Nhân sắc tướng diệt trừ,
Duy tâm tam giới từ từ viên thông.
Bao nhiêu cũng đủ lắm rồi, ban ân hiền đồ trọn lòng hành đạo. Xin giã từ, thăng…
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.
10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS) Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét