Thánh Thất Trung An, ngày 14-7-ĐĐ.22 Đinh Hợi(29-8-1947)
THI
LONG xa diêu động trước Liên đài,
NỮ phụng mạng truyền dưới bệ giai;
ĐỒNG cúc vâng y lời giáo huấn,
TỬ thừa thượng lệnh giáng trần ai.
x
Trần ai xin có tỏ đôi hàng,
Rằng có Như Lai giáng thế gian;
Khuyên thảy nữ nam giai đại tịnh,
Mừng cầu Bồ Tát giáng trung đàn.
Thăng.
TIẾP ĐIỂN
THI
TỪ mấy mươi năm Đạo hoát khai,
HÀNG bao nhiêu độ giáng trần ai;
PHỔ truyền Chơn giáo dìu sanh chúng,
ĐỘ rỗi Thiện căn khỏi nghiệt đài.
QUAN quả buồn trông đoàn Nữ phái,
ÂM thầm đoái tưởng nẻo tương lai;
BỒ đoàn cho biết hồi tê tái!
TÁT họa vì đâu kẻ phản hồi.
Bần Nữ chào chư Thiên phong HIỆP THIÊN ĐÀI và toàn thể các em nam nữ.
THI
Hồi tưởng bấy lâu mấy độ rồi,
Phận đành cam chịu nỡ buông trôi.;
Bao nhiêu kêu gọi đoàn nhi nữ,
Mấy lúc thở than bạn thế thời.
Thức tỉnh còn chưa nên thức tỉnh,
Trau dồi khôn dễ nỡ trau dồi;
Có không chi cũng hồi vâng dạ,
Đến lúc ra đàng, thế vậy thôi!
Đắc lịnh Hoàng ân, Bần Đạo đến cùng các em hôm nay cũng là một cái vinh dự cho các em đó, từ mấy năm qua Đạo, Đời còn hơi yên ổn, Chánh pháp còn có bề dễ dàng phổ hóa, Bần Đạo đã nhiều phen cùng chư Nữ phái kêu gọi thức tỉnh cõi đời ma mị, mà cùng trở về với ngôi xưa vị cũ.
Nhưng than ôi! Bần Đạo lại phải đau lòng, rồi muốn bỏ trối mặc thế tình điên đảo, mặc Nữ phái rã rời. Cơ Đạo từ bấy lâu nay phải cam bề xao xuyến, thì các em Nữ phái lại cũng phân chia, đoàn thể vẫn chưa có mòi tình tương thân, giây tương ái, rốt cuộc ai về nhà nấy cui cút góc bếp xó buồng mãi đến ngày nay bao nhiêu lao khổ, bấy nhiêu nhọc nhằn, các em vẫn không nghe lời dạy. Nhưng Bần Đạo cũng không trách cứ các em được, vì phần nhà còn đương tơ rối, phần đạo còn lắm éo le, các em dầu sao cũng khó. Nên đoàn thể đặt tương lai. Bấy lâu Nữ phái các em vẫn không ra khỏi tam tùng, mà tùng trong xó bếp, góc nhà, tùng ra trước ngõ, tùng trước chặng rau, tùng sau luống sắn, có chi là rời rảnh để bàn đạo đức tu trì.
Bần Đạo lại nhìn vào đó càng thương hại cho tấm thân nhi nữ, quá phải nhọc nhằn, cuộc đời nhi nữ quá đau thương! Than ôi! Dưới khuôn khổ chật hẹp của bổn phận nữ nhi, tứ đức, tam tùng cũng chẳng ra ngoài phép tắc thời xưa.
Cái thân thể liễu yếu, cái hình vóc đào thơ đã chẳng ra dung nhan người trước, nào hay mấy độ thu sang, mấy năm hè tới, cái khuôn khổ ngày xưa, cái dung nhan lại bắt đầu thay đổi đến cuối cùng từ chỗ tam tùng người đời đã đem ra ngoài xã hội, nào là tùng pháp luật, tùng công quyền, tùng chính phủ, tự do bình đẳng lại là một phương cách hảo hạng để cho phụ nữ thức thời. Từ chỗ tứ đức người đời đã thi hành trò diễn tán, nào công việc của đời, nào dung hình bình đẳng, nào ngôn ngữ tự do, nào hạnh kiểm liến xáo, nào cái mục đích giải phóng bình quyền, từ nay đã nên câu chuyện văn minh nữ giới.
Nghĩ lại, Bần Đạo lại càng tủi thầm cho danh dự mình. Từ Hàng Phổ Độ lo liệu một phương sách cứu cánh nữ lưu, đã chưa nên trò trống, thì cái văn minh nhân loại đã cướp mất rồi. Hiện còn tại đây, trong số các em cũng có khác hơn đôi chút. Bần Đạo cũng có lúc ngợi khen, nhưng rồi có khi rất nên buồn bã, các em nữ phái đã đành phải lo công việc nội tướng, còn các em thanh tân cũng đã nhờ ơn cha mẹ bảo toàn, thì từ nay phải gắng theo đòi học tập. Các em lo học những gì? Có phải là văn tự cho thông, viết lách cho giỏi để rồi hành việc cho đoàn mình chăng? Hay các em học sao cho ra quắc thước để mà tranh đấu vu vơ nữ hào để mà chăng? Quyền lợi liến xáo để mà biện bác cho ra nữ giới bình quyền thì chỉ là vào nẻo trụy lạc xuống đến vực sâu các em ạ! Các em làm sao cho đáng giá một nữ lưu cố cựu thì đó là một tinh hoa của nhơn loại. Các em văn minh sao cho kịp tài Trưng Trắc, Trưng Nhị, kịp sức Triệu Âu, Gandhi, kịp tiết liệt như Đề Hoành, Tô Huệ, kịp nghĩa khí như Từ Thị, Phan Thị Thuấn đời xưa và đời nay tại Trung Hoa cũng như Nam Việt, một gương sáng đời đời để phụ nữ soi chung, cái văn minh tinh thần ấy, nó lại trái ngược với phong trào ngày nay.
Các em làm sao cho khác hẳn thì đó là trang nữ lưu quí hóa, đâu ở vào khuôn khổ quần vận yếm mang. Các bậc nữ lưu xưa đâu có gì phải đổi. Miễn sao các em lo liệu một phương lược hẳn hòi và mới mẻ. Bần Đạo vẫn chẳng can gì cái mới mẻ của các em là xử xong phận gái đối với gia đình cũng như quốc gia, xã hội. Cái lý thuyết bình đẳng tự do mấy em cũng có thể áp dụng lắm, nhưng bình đẳng trong trật tự, tự do trong tứ đức, thì đó mới là con đường tinh ba, họp với thời đại mới cho các em đây.
THI
Trần ai cuộc sống mảnh hồng nhan,
Nhi nữ sanh ra luống ngỡ ngàng;
Quần vận dẫu nên thân cá chậu,
Áo mang dù phải kiếp chim lồng.
Chung phần nam tử phần tai mắt,
Đồng phận nhân loài phận nước non;
Thời mới đã nên nhân thế mới,
Chạnh lòng nhi nữ phải thon von.
Các em ôi! Cái danh từ Thanh Xuân Tân Sinh Họat Đoàn, đã bao hàm ý tứ văn minh đó. Thanh tân phải chăng là một tuổi xuân mới mẻ cho các em đó, cũng là nơi các em tranh đua tài đức đó ạ! Cũng tai, mắt, mặt, mày như nam giới, cũng đầu đội Trời, chân đạp Đất, cũng giang san thổ võ như người, các em chẳng phải nhi nữ đê tiện như ai. Các em cũng có đủ sở năng tiến thủ có đủ nghị lực phô bày sao cho nữ giới cũng được một giá trị như nam giới, một cốt cách như con người, thì Bần Đạo lại không gì sung sướng hơn tân sinh hoạt mới họp với trào lưu hiện tại cũng là một việc nên làm, nhưng các em sinh hoạt bằng cách gì? Há phải có mưu mẹo cho giỏi, trí khôn cho lắm, để rồi sinh hoạt với thời đại văn minh nầy chăng? Các em phải nhớ rằng sinh hoạt nghĩa là làm cho đủ mọi công việc cho kiếp sống được có giá trị, và các em tìm cách tháo vác và công việc, đoan trang và dung mạo, bặt thiệp về ngôn ngữ, nết na về đức hạnh, đó mới là sinh hoạt vậy.
Các em sinh hoạt về tinh thần, các em sinh hoạt về vật chất, làm sao cho tinh thần đồng một lần phát triển với vật chất. Đó mới là chính thức sinh hoạt đó ạ!
BÀI
Canh chầy lời dạy nỉ non,
Các em mỏi mệt, Ta còn nói thêm.
Các em có tơ rèm thổn thức,
Dẫu ra sao cũng nực cười xòa;
Đời người có rõ phong ba,
Cơn giông mây phủ ngoài xa trùng trùng.
Khúc nhặc khoan Ta cùng thổ lộ,
Chuyện thấp cao là chỗ tu trì;
Đã cam thân phận nữ nhi,
Bèo trôi bọt nước, phải thì thế chăng?
Thân cá chậu, dẫu rằng lao lý,
Phận chim lồng, bại chí đau thương;
Dẫu sao mặt khách thị trường,
Ta cùng nhau bước, buồm trương mái chèo.
Nợ quy củ không theo thời đại,
Nợ tam tùng không phải văn minh;
Đời nay há mị chơn tình,
Cũng ăn, cũng uống, cũng tinh lo đời .
Kìa xã hội chơi vơi điêu đứng,
Kìa quốc gia không vững chủ quyền;
Đua đòi theo pháp công nhiên,
Cũng ra vác súng, cũng khiêng nước nhà.
Nhân tâm đã sai ngoa quá lối,
Việc nhà chưa, lại vội lo xa;
Nước non yên, cũng do nhà,
Tề gia, trị quốc, cũng là tu thân.
Đó mới gọi tân dân, minh đức,
Đó mới là đúng bực nữ nhi;
Công nhà chưa chịu đáp nghì,
Thì đâu có hãn lòng vì nước non!
Thôi câu chuyện đời còn nhiều nữa,
Nói mà chi để phải đau lòng;
Dặn dò câu chuyện bên trong,
Cho em Nữ phái mới mong yên vì.
Nơi Bồ đoàn có khi buồn bực,
Muốn ra tay chịu lực phá mê;
Nhưng rồi cũng chịu não nề,
Vì THẦY đã chẳng lo bề phạt răn.
Đành chịu lúc nói năng chi nữa,
Cũng là chưa nhuốm mựa lòng đau;
Nước non dù phải dãi dầu,
Còn chờ độ ngắn coi màu ra sao?
Tạm một bước, thuyền xao, gió dập,
Lại tung hoành, cao, thấp nhủ khuyên;
Giờ nầy tạm đã gọi yên,
Có nên công chuyện cũng truyền về sau.
Bần Đạo ban ơn. Bần Đạo thăng.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.
10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS) Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét