Thiện Hạnh
“Người tu học vào hàng Thiên đạo đại thừa là đã lập tâm giải thoát, màchỉ những con người biết giải thoát mới thấu hiểu Thiên đạo để chấp nhận sứ mạng đại thừa.”[1]
1. TÂM GIẢI THOÁT
Thế gian là trường tiến hóa. Con người hoàn thành sứ mạng cao đẹp tại chốn nầy chính là thực hiện cơ tiến hóa cho bản thân mà cũng là góp tay cùng Tạo Hóa thực thi cơ tiến hóa chung cho vạn loại. Nói một cách khác, đó chính là sứ mạng tự độ và độ đa. Tự độ là tự mình giác ngộ cho bản thân, còn độ tha là giác ngộ cho người khác. Chúng ta không chỉ tu cho bản thân mình mà còn phải có trách nhiệm với tha nhân. Song, muốn làm được vậy, trước tiên là tự thân hành giả phải có một nền tảng tu tập nhứt định. Bởi lẽ, hành giả có giải thoát được chính mình thì mới có thể vận hành con thuyền cứu độ khắp mọi nơi.
Giải thoát là không để tâm bị chi phối, ảnh hưởng hay vướng mắc vào bất cứ hoàn cảnh nào bên ngoài, cho dù đó là nghịch cảnh hay thuận duyên. Theo lẽ thường tình, hành giả có thể vượt qua những chướng ngại của nghịch cảnh ngang trái nhưng lại dễ dàng vướng mắc trong những tình huống thuận cảnh. Khi con người đối diện với đối tượng hay hoàn cảnh nào tất nhiên phát sinh tình cảm thương ghét; nhưng đối với hành giả có tâm giải thoát thì ngược lại, tâm không bị ngoại cảnh tác động chi phối mà vẫn giữ được trạng thái thanh thản an nhiên, tự do tự tại, thanh tịnh lặng lẽ.
“Giải thoát mà Lão muốn nói đây là giải thoát mọi ràng buộc, phá hết mọi sự chấp ngã, chấp nhơn, chấp đạo, chấp pháp, tất cả đều "không" mới là giải thoát. Đứng trước một xã hội tao loạn, người giải thoát phải tự giải thoát cái tao loạn ở tâm mình để biến hoàn cảnh hiện tại tao loạn trở nên an nhiên, đó là giải thoát. Đứng trước vật chất vinh hoa phú quí, danh lợi đầy dẫy sáng chói, người tu học Thiên đạo Đại Thừa phải nhắm vào sự sáng chói của tâm, sự tịch mịch của tâm, như núi Thái sơn sừng sững trước gió loạn sấm chớp vẫn không lay chuyển, đó là giải thoát. Ở vào cảnh vinh sang phú túc nệm gấm chăn êm mà tâm vẫn an nhiên thanh tịnh như ngồi trên nệm cỏ bồ, như uống nước suối trong veo, như ăn những quả đào ngon ngọt, không thấy tâm động vì có đó mà tha thiết, vì mất đó mà phải rối loạn, đó là một giải thoát nữa. Đứng trước nghịch cảnh trái ngang, nhưng tâm vẫn thấy như ngồi trên bàn thạch hoặc ở chỗ thanh thoát bao la, để biến hoàn cảnh ấy như gió thoảng, như mây bay, tụ tan không ngừng nghỉ, đó cũng là một phương giải thoát. Ở vào hoàn cảnh bị động vì các lý do sống còn nhưng tâm vẫn an nhiên thanh tịnh để sáng suốt giải quyết mọi vấn đề như cá trong nước, như rồng trong mây, có thể hòa hợp tâm linh trong vũ trụ, cho tâm khỏi dao động mới hòa mình với nếp sống hiện tại, từ việc to tát đến việc nhỏ nhen, vẫn là một con số không trong cái có, đó cũng là phương giải thoát.”[2]
° Tâm giải thoát là Thiên Địa chi tâm
Tâm của con người hòa hợp cùng lý vận hành của Trời Đất. Thiên lý vận hành theo nguyên tắc chí công vô tư, kiện hành bất tức. Ánh thái dương cùng ơn võ lộ vẫn chiếu soi và chan rưới khắp mọi nơi chớ đâu có phân biệt nơi nào nhân sanh kính thờ hoặc nơi kia không kính thờ Thượng Đế. Tâm giải thoát giúp cho con người noi theo sự vận hành của Trời Đất mà ứng xử một cách công bình và không phân biệt.
“Người tu hành tâm pháp đạt kết quả là ở chỗ này:"Tâm là tâm, cảnh là cảnh mới thiệt là Thiên Địa chi tâm." Nếu tâm bị cảnh chi phối như dòng thác lũ cuốn lôi bao nhiêu cặn bã cuộc đời trôi theo cuồn cuộn thì dầu tuổi đạo là bao, tuổi đời là mấy chăng nữa, có chi gọi là chơn thường chi tánh của người hành giả đang tìm đường để tự giải thoát và giải thoát cho cuộc đời!”[3]
° Tâm giải thoát là tâm phá chấp
Tâm phá chấp là tâm không bị chấp dính vào ngã nhĩ thân sơ, âm thanh sắc tướng, ngôn ngữ văn tự, thị phi đối đãi; v.v. Bởi lẽ, chấp chính là tự mình dùng dây trói buộc lấy mình, loay hoay không thoát ra được. Tuy nhiên, khi con người còn khiếm khuyết thì phải mượn lấy phương tiện để sử dụng, để rèn luyện; nhưng khi đã đạt đến cứu cánh thì ta phải từ bỏ phương tiện, chớ chẳng lẽ lại ôm chầm lấy phương tiện mãi mãi! Như vậy, phá chấp chính là chấp lấy những điều ta thiếu sót, chứ không chấp những gì ta dư thừa.
Tâm tu phải vượt hẳn trường đời,
Chấp ngã mà chi, để nghỉ ngơi,
Tâm định thiên lương liền ứng hiện,
Sẽ thông dưới đất đến cơ Trời.[4]
° Tâm giải thoát là tâm thanh tịnh
Tâm thanh tịnh là tâm không bị thất tình lục dục ngự trị sai khiến, tâm không bị hoàn cảnh bên ngoài chi phối rối loạn. Hành giả đạt được tâm thanh tịnh là khi thu hồi giác quan vào bên trong nội thể hoặc khi giao tiếp với ngoại vật mà không phân biệt đối đãi, tâm ở trạng thái phẳng lặng an tịnh. Ngược lại, khi lục căn giao tiếp với lục trần mà chấp dính vào đó, thì tâm sẽ bị khuấy động không còn tịnh khiết, phiền não sẽ phát sinh, nghiệp chướng sẽ kết thành.
Tâm thiên chấp nên tình biến kế,
Tai quá tinh nên dễ não phiền,
Tâm kia mà giữ thật kiên,
Tai kia thanh lãng, ưu phiền sạch không.[5]
° Tâm giải thoát là tâm vô niệm
Tâm vô niệm cũng là tâm thanh tịnh hay hư tâm. Hành giả đạt được tâm giải thoát trong một giây, một phút, một giờ tất sẽ chứng nghiệm được sự mầu nhiệm trong từng ấy thời gian. Bỡi lẽ, trong khoảnh khắc ngắn ngủi con người đã an trú nơi cõi tịnh độ, cõi niết bàn ngay tại trần gian nầy. Do đó, vấn đề cốt lõi quan trọng ở đây là làm sao duy trì được trạng thái tâm giải thoát được lâu bền thường trụ. Đó là một sự tu tập rất khó khăn. Muốn vậy, hành giả thực hành đồng thời phương pháp tu tam công[6]. Có thể nói một cách vắn tắt, công quả nhằm bồi đắp và trưởng dưỡng bồ đề tâm, công trình để tu sửa thân tâm cho thuần thành thánh thiện, công phu đạt đến cứu cánh giải thoát tại trần gian và siêu xuất thế gian. Công quả và công trình tuy không tác động trực tiếp vào quá trình tu tập, nhưng là nền tảng bổ trợ rất quan trọng, không thể thiếu cho công phu- phương tiện rốt ráo nhất để an định thân tâm, đạt đến tâm giải thoát.
Tâm có định rồi thân mới an,
Tâm còn điên đảo ắt nguy nàn,
Công phu là để tâm an định,
Nên đạo nên người chốn thế gian.[7]
Công phu cũng là phương tiện chế ngự và hóa giải sự sai khiến loạn động của tham sân si và thất tình lục dục. Bỡi lẽ, công phu giúp hành giả đạt đến chỗ tâm an thần định. Khi nội tâm được an định thì hành giả sẽ vững vàng bất thoái chuyển trước ngoại cảnh biến thiên hay thiên ma vạn khảo.
Tham sân si ấy thật ma vương,
Sáu dục bảy tình tương trợ đương,
Ba báu của người toan cướp đoạt,
Huyền công luyện kỷ, khó xâm lường.[8]
Một ngày có hai mươi bốn giờ, một tháng có ba mươi ngày, một năm có mười hai tháng, một đời người lại không quá trăm năm. Vấn đề đặt ra là phương pháp duy trì được tâm giải thoát được vững bền để cuộc đời tu của mình đạt kết quả. Thật là éo le, trong tâm của mỗi người luôn có sự giằng co giữa hai yếu tố đối lập lẫn nhau, tạm gọi là thiện và ác, hay giải thoát và đọa lạc. Vì thế, việc tu tập của hành giả nhằm duy trì trạng thái chánh niệm, giải thoát, đòi hỏi phải thực hiện liên tục hàng ngày hàng bữa, không để một khoảng trống nào cho tà thần có thể xen vào khuấy phá. Thật vậy, nếu tâm con người luôn có Thượng Đế, Ơn Trên hoặc đạo đức ngự trị thì tà ma không tìm được chỗ trống nào để chen vào. Việc tu tập của hành giả cần nhựt nhựt thường hành, thời thời tập luyện, pháp luân thường chuyển.
Sanh cõi tục ưu phiền lắm nỗi,
Ở trần gian tội lỗi bao vây,
Thế nên một mảnh tâm này,
Phải nên thận trọng ngày ngày chùi lau.
Ngọc có được dồi trau mới quí,
Tâm luyện rèn mới thấy huệ khai,
Năm năm tháng tháng ngày ngày,
Giờ giờ phút phút tâm này đừng lơi.
Tâm tưởng Phật, Phật Trời hằng ngự,
Tâm tưởng ma, ma cứ vãng lai,
Thế nên tâm phải dồi mài,
Như vàng như ngọc sánh tày lưu ly.[9]
Giải thoát có nhiều cấp độ từ thấp đến cao tùy theo mức độ tu tập của mỗi hành giả. Đây là một quá trình tiệm tiến theo thời gian từ phẩm hạ thừa, trung thừa rồi đến đại thừa. Đạo luôn vận hành trong nội thân mỗi người không bao giờ gián đoạn ngưng nghỉ. Tuy nhiên, do bức màn vô minh che phủ, do thất tình lục dục khuấy động, do tạp niệm chi phối nên Đạo bị che mờ, chơn tâm bị vọng tâm chế ngự lấn át. Chính vì thế chủ nhơn ông không thể nắm quyền chủ sử thì làm sao hành giả giữ được tâm thanh tịnh, đạt được giải thoát. Chỉ khi nào con người vẹt tan được bức màn vô minh, hàng phục được thất tình lục dục, kiểm soát được tạp niệm theo một tỷ lệ nào đó, tất nhiên sẽ làm tỏ rạng được Đạo trong nội thân, bừng sáng được chơn tâm theo tỷ lệ thuận tương ứng. Hay nói một cách khác, khi tâm thanh tịnh được một phần thì hành giả sẽ giải thoát được một phần. Mức độ giải thoát có thể tăng lên hoặc giảm xuống tùy theo trình độ tu tập của hành giả trong từng giờ, từng ngày, từng giai đoạn của đời tu.
Tu hành từ thấp vượt lên cao,
Trải mấy công phu mấy khổ lao,
Tuyết phủ đầu non, non đổi sắc,
Gió lay mặt nước, nước phai màu.[10]
Tuy giải thoát có nhiều mức độ từ sơ cơ tiệm tiến đến đốn ngộ thâm sâu nhưng để tu tập hành trì cho đạt được kết quả, cần có sự quyết tâm của hành giả.
“Đốn hoặc tiệm, tùy nơi giác ngộ của người hành giả có quyết tâm giải thoát hay không. Khi đã quyết tâm giải thoát, dầu ở trong hoàn cảnh nào, ở thời kỳ nào, cũng có thể giải thoát được. Quyết tâm giải thoát là không để ngoại cảnh chi phối được tâm, không để tâm bị ràng buộc vào tứ tướng lục trần, bởi tứ tướng còn nhân ngã, chúng sanh, thọ giả, lục trần là bụi cát bám lấy lục căn dấy động không giờ tịnh khiết.”[11]
2. THIÊN ĐẠO
Thiên đạo là sự vận hành vô cùng mầu nhiệm của Tạo Hóa hay guồng máy Thiên cơ không giây phút nào ngưng nghỉ. Để hình dung được phần nào mức độ vĩ đại của sự vận hành nầy, chúng ta có thể nêu lên một phần rất nhỏ trong muôn một, đó là sự quản lý tế vi về mặt vô hình một cách siêu mầu đối với hàng tỷ công dân trên hành tinh nầy trong suốt một chu kỳ cuộc đời là sanh-lão-bệnh-tử, mà đặc tính của mỗi con người lại là một “chủ thể tự do”, có quyền quyết định con đường tiến hóa cho chính mình, chứ không đơn thuần việc quản lý những con người thụ động sống theo một khuôn mẫu cố định. Toàn bộ cuộc đời đầy sáng tạo của từng cá thể được ghi nhận đầy đủ, không một mảy may sơ sót từ khi con người đặt bước chân đến thế gian cho đến lúc rời khỏi chốn nầy. Mà không chỉ quản lý về mặt vô hình từng cá thể trong một kiếp mà là vô lượng kiếp, mà cũng không chỉ ở quả địa cầu 68 nầy, mà là toàn thể vũ trụ gồm: tam thiên thế giới, thất thập nhị địa, tứ đại bộ châu, v.v.
Trong kinh tụng đệ ngũ cửu khi người môn đệ Cao Đài qui vị có xác nhận rằng mỗi người đến tuần cửu thứ năm (45 ngày sau khi thoát xác) sẽ được đưa đến Đài Chiếu giám để xem lại tội phước kiếp vừa qua.
Đài Chiếu giám cảnh minh nhẹ bước,
Xem rõ ràng tội phước căn sinh.
Lần vào cung Ngọc diệt hình,
Khai kinh vô tự đặng nhìn quả duyên. [12]
Tạo Hóa đã đưa con người đến thế gian mà còn tạo mọi điều kiện cho con người có thể sinh tồn và tiến hóa tại nơi nầy.
“Cơ dịch biến vô cùng của Tạo Hóa không phút giây ngừng nghỉ. Hết đông qua, xuân lại, rồi hạ đến thu sang. Mỗi thời tiết đều có Đạo sinh sôi, đức hàm dưỡng của đất trời cùng vạn vật.”[13]
Kinh Đại thừa Chơn giáo đã xác nhận sự mầu nhiệm diệu kỳ và tế vi ẩn áo của cơ Tạo Hóa hay guồng máy Thiên cơ.
“Các con nào lấy mắt phàm thấy đặng cái cơ mầu nhiệm ẩn tàng nhưng lý tuyệt diệu tinh xảo cực kỳ. Dẫu cho Phật, Thánh, Tiên có dễ gì tri cơ Tạo hóa. Biết bao nhiêu tấm màn bí mật nó phủ kín, bao che sự mầu nhiệm của Đấng vô hình thiên nhiên sắp sẵn. Quyền lực của Tạo Đoan định lệ, nào ai đặt tay vào sửa đổi pháp mầu vi.
Cái máy kín nhiệm Thiên cơ nó cứ vận hành bao quát, xây chuyển bốn phương, cái lại, cái qua, hết cái này sang cái nọ, cứ nối tiếp nhau mà lưu chuyển khắp nơi, trong nháy mắt đã lập thành cơ Đạo.”[14]
Tuy nhiên, Ơn Trên dạy chúng ta cần thấu hiểu Thiên đạo qua lời dạy của Đức Đông Phương Chưởng Quản như đã nêu: “chỉ những con người biết giải thoát mới thấu hiểu Thiên đạo để chấp nhận sứ mạng đại thừa” vàsống theo Thiên đạo như lời khuyến nhủ của Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn: “Lão chỉ dạy chư hiền đệ hiền muội hãy sống theo Thiên đạo mới hành được chánh pháp đại thừa.”[15]
Như vậy, Thiên đạo mà các Đấng Thiêng Liêng vừa đề cập đến không hàm ý đề cập đến cơ vận hành mầu nhiệm mà là đặc tính của Thiên đạo.
“Kìa xem trời đất bao la che chở, không vì kẻ ác, không vì người thiện, không vì sự kính yêu của vạn loài, cũng không vì sự ghét bỏ của sự vật nào. Vẫn xuân hạ thu đông, vẫn mưa hòa gió thuận cho cây cỏ xanh tươi, non sông đẹp đẽ, nhơn loại an vui hạnh phúc. Thiên đạo là như vậy.”[16]
Đặc tính của Thiên đạo là dưỡng dục chúng sanh một cách vô tư không phân biệt. Tình yêu thương và sự che chở của Tạo Hóa chan hòa đồng đều cho vạn loại chúng sanh, không nơi nào hơn cũng không nơi nào kém, không người nào nhiều cũng không người nào ít. Bỡi lẽ, tất cả chúng sanh đều là con cái của Đức Thượng Đế. Cho nên, không một lý do gì mà một Đấng Đại Từ Phụ lại thiên vị đối với các con cái của Ngài.
Đặc tính của Thiên đạo cũng được xem như Thiên địa chi tâm. Khi tâm của con người đạt được trạng thái giải thoát tức là đạt được cái Tâm của Trời đất. Mà giải thoát tức là không bị ngoại cảnh bên ngoài chi phối. Tâm và cảnh không bị dính mắc vào nhau. Vì thế, con người noi theo Thiên đạo để thực hiện sứ mạng đại thừa cũng giống như con người tu luyện sao cho đạt được Thiên địa chi tâm vậy.
“Thế sự có đổi thay, lòng người có dao động, cảnh vật có rộn ràng, nhưng đất trời vẫn muôn thuở. Người tu hành tâm pháp đạt kết quả là ở chỗ này "Tâm là tâm, cảnh là cảnh mới thiệt là Thiên Địa chi tâm." Nếu tâm bị cảnh chi phối như dòng thác lũ cuốn lôi bao nhiêu cặn bã cuộc đời trôi theo cuồn cuộn thì dầu tuổi đạo là bao, tuổi đời là mấy chăng nữa, có chi gọi là chơn thường chi tánh của người hành giả đang tìm đường để tự giải thoát và giải thoát cho cuộc đời!”[17]
Mặt khác, con người và Thượng Đế có cùng bản thể. Đó chính là sự tương quan vô cùng mật thiết và mầu nhiệm giữa Tiểu linh quang và Đại linh quang. Do đó, con người và Thượng Đế có mối liên hệ hữu cơ với nhau, có thể giao cảm cùng nhau. Tuy nhiên, do con người còn vọng động. chưa thanh tịnh do bức màn vô minh phủ mờ, do thất tình lục dục chủ sử nên không nghe được tiếng nói vô thinh của Đức Thượng Đế, không nhìn thấy hào quang của Đấng Từ Bi, không tìm thấy chính mình đang hiện hữu từng giây phút trong tình thương của Đấng Cha Trời. Có thể diễn tả một cách khác, Thượng Đế được ví như trạm phát tín hiệu (vệ tinh, đài truyền hình, truyền thanh), còn chúng sanh ví như hàng triệu thiết bị thu tín hiệu (TV, radio, điện thoại di động). Trạm phát tín hiệu thì không bao giờ ngừng việc phát sóng, nhưng những thiết bị thu tín hiệu thì không phải bao giờ cũng nhận được tín hiệu bởi vì còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố như: tình trạng thiết bị tốt hay xấu, thiết bị có đang hoạt động hay không, thiết bị có điều chỉnh đúng tần số của trạm phát tín hiệu hay không, v.v. Mà tần số của Đức Thượng Đế là thanh tịnh, vô dục, vô niệm. Cho nên, khi con người đạt đến hay tiệm cận được thanh tịnh, vô dục, vô niệm thì con người có thể giao cảm được cùng Thượng Đế. Nói một cách khác, khi phàm tâm diệt thì đạo tâm sanh. Phàm tâm diệt một phần thì đạo tâm phát sanh thêm được một phần và ngược lại. Phần đạo tâm càng được tăng trưởng và giữ cho bền chặt không bị hao mòn thì con người có thể thực hành được Thiên đạo theo tỷ lệ thuận của phần tăng trưởng đạo tâm.
Muốn vào Thiên Đạo khó chi đâu,
Nhẹ kiếp phàm phu khỏi đáo đầu,
Vật chất, tinh thần, chung bản thể,
Thiên Tiên, tục tử, khác cơ mầu.
Nguơn thần thường trụ muôn đường dứt,
Chơn tánh vững cầm sáu nẻo thâu,
Giác ngộ một câu thành chánh quả,
Ra vào bạn lữ chốn Cung Đâu.[18]
3. SỨ MẠNG ĐẠI THỪA
Đại thừa dịch âm Hán Việt là Ma-ha-diễn-na hay Ma-ha-diễn tức là “cỗ xe lớn”, còn Tiểu thừa là “cỗ xe nhỏ”. Tiểu thừa chủ trương tự độ nhằm giải thoát bản thân, còn đại thừa lại chủ trương vừa tự độ vừa độ tha nhằm giải thoát tất cả chúng sanh, tức là thực hành đại bi của các bậc Bồ Tát. Khi đề cập đến Đại thừa Phật giáo, chúng ta thường liên tưởng đến Tứ hoằng thệ nguyện được Đức Lục Tổ Huệ Năng giảng ngay sau khi Ngài giảng về Vô tướng sám hối trong Phẩm thứ sáu của Pháp Bửu Đàn Kinh. Vô tướng sám hối là sám hối từ niệm trong tâm cả trong quá khứ, hiện tại và vị lai sao cho không bị nhiễm ô bởi tham, sân, si. Sám là ăn năn hối cải những nghiệp ác trước đây, còn hối là quyết tâm chừa những nghiệp ác trong tương lai tức là quyết tâm không tái phạm. Tóm tắt của Tứ hoằng thệ nguyện như sau:
Chúng sanh vô biên, thệ nguyện độ,
Phiền não vô lượng, thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng, thệ nguyện thành.[19]
Bài nguyện nầy đã được Đức Ngô Minh Chiêu khi còn tại thế dịch:
Một là sanh chúng hằng hà,
Dốc lòng cứu vớt lòng ta thề nguyền.
Hai là phiền não nối chuyền,
Thề nguyền đoạn tuyệt như thuyền ra khơi.
Ba là chí học chiều mơi,
Phép mầu sâu nhiệm thảnh thơi có ngày.
Bốn là Phật đạo công dày,
Nguyện thành chánh quả, kíp tày chí tu.
Đại thừa theo giáo lý Cao Đài cũng giống như giáo lý Phật giáo là giải thoát bản thân trước tiên rồi tiếp theo là thực hành Bồ Tát đạo giải thoát tất cả chúng sanh. Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy rằng người hành giả muốn thực hiện sứ mạng đại thừa thì phải thực hành Thiên đạo, mà chỉ những người biết giải thoát mới “thấu hiểu Thiên đạo” và “sống theo Thiên đạo”.
“Thế thì người tu hành học đạo mong được giải thoát là phải mang vào sứ mạng đại thừa. Chư hiền đệ có hiểu đại thừa là thế nào chăng? Sao gọi là sứ mạng đại thừa? Thử giải đáp cho Lão nghe.
(…) Giải thoát cho mình trước là đúng, nhưng phải giải thoát làm sao? Giải thoát những gì?
(…) Cười! Cười! Hiện tình thế sự ngày nay đã làm cho chư hiền đệ muội nói riêng, mọi người nói chung đều bỡ ngỡ và mù mịt ở tương lai, hay thấy đời sống trở ngại, đó là những thường tình thế sự. Người tu học đại thừa không phải như vậy. Người tu học đại thừa phải hành Thiên Đạo.Thiên Đạo tức là đường lối giải thoát của người tu.”[20]
3.1. Vong kỷ vị tha
Sứ mạng đại thừa hướng đến đối tượng là tất cả chúng sanh. Vậy nên, hành giả triệt thoát cái gì tư kỷ, tức là của ta thì mới có thể hướng đến đại chúng. Thật ra, điều nầy rất khó thực hiện bởi vì phàm là con người, ai cũng đều bị phàm ngã chi phối, nào là thân này của ta, vợ con của ta, tài sản của ta, bạn bè của ta, v.v. cái “của ta” nầy càng ngày càng vun bồi cho thật nhiều để thỏa mãn lòng ham muốn và cũng để hãnh diện với mọi người chunh quanh. Trong quá trình thâu góp cái “của ta”, ai cũng nhận ra một điều là khối tài sản chỉ có thể sử dụng ở thế giới nầy mà thôi, không thể mang nó theo sang thế giới khác. Mặt khác, tài sản lại quá thừa thãi đối với nhu cầu của bản thân và gia đình mà lại vô cùng cần thiết nếu được chia sẻ cho dù chỉ là một phần nhỏ nhoi trong số đó cho những người bất hạnh chung quanh. Lại nữa, việc “xả thân cầu đạo” ắt nhiều người sẽ không quản ngại, nhưng để làm được việc “xả phú cầu bần” thì không phải ai cũng làm được. Bởi vì đây là một việc làm đòi hỏi phải có ý chí và quyết tâm dứt bỏ những gì đã ăn sâu trong tâm tưởng từ bao nhiêu kiếp. Đây là trạng thái thường tình mà việc dứt bỏ nó hay có thể nói là “thủ xả” sẽ gây ra nhiều đau khổ cho bản thân giống như trường hợp bị mất mát tài sản “của ta”.[21]
Chúng ta không thể nào vừa vị kỷ lại vừa vị tha trong cùng một thời điểm được. Bởi lẽ, đây là hai tâm trạng đối lập nhau, một mất một còn. Việc đời việc đạo cũng vậy, hễ nặng về thế sự tất nhẹ phần đạo đức, càng sung mãn về vật chất tất càng đói kém về tâm linh. Tương tự, khi phàm tâm sanh thì đạo tâm diệt và khi phàm tâm diệt thì đạo tâm mới có cơ hội sanh sôi phát triển. Cho nên, khi chúng ta dành thời gian để phục vụ cho phàm ngã, thụ hưởng vật chất vinh hoa phú quí thì đâu còn thời gian phục vụ cho người khác, thậm chí còn có khi không có thời giờ để nghĩ đến người khác nữa. Vậy nên, muốn phụng sự nhân sanh cần quên bản thân mình, không còn cái gì là “của ta” nữa, mà tất cả vì bá tánh chúng sanh. Đó chính là vong kỷ vị tha.
“Thiên đạo Đại thừa phải vong kỷ vị tha. Kỷ mà các con còn vong thì có còn chi mà bám víu. Còn kỷ là các con còn chấp. Còn chấp là còn tranh thị phi thanh trược. Nếu như vậy thì sứ mạng khó hoàn thành đó các con. Muốn độ đời là phải hòa vào muôn ngàn sai biệt để giác ngộ người đời, giúp người tìm đến tâm linh đã tự có sẵn trong mỗi các con đó. Có như vậy thì sứ mạng các con mới hoàn thành.”[22]
Vong kỷ không có nghĩa là bỏ mặc, không quan tâm đến thân xác nầy, để cho nó tàn tạ tiều tụy, mà chúng ta thường biện minh là khổ hạnh. Con đường trung đạo dạy chúng ta rằng con người cần dành thời gian để giữ gìn sức khỏe, bởi vì con đường phục vụ nhơn sanh còn rất dài phía trước. Bởi lẽ, nếu chúng ta phí phạm sức khỏe, ắt chẳng bao lâu thân hình sẽ bị suy kiệt, không thể làm được việc gì, mà lại gây thêm sự bận tâm lo lắng cho người khác. Chúng ta không cần ăn ngon mà chỉ cần sao cho đơn giản, dinh dưỡng, thanh bạch; mặc không cần đẹp mà cốt sao cần kiệm, gọn gàng, tươm tất.
Vị tha cũng không phải chỉ trên lời nói mà luôn phát xuất từ nội tâm. Vị tha cần phải vong kỷ thì sự hiến dâng cho chúng sanh mới trọn vẹn, cao quí. Mà hiến dâng phụng sự cho chúng sanh, cũng chính là đã hiến dâng cho Thượng Đế một cách trân trọng nhất.
“Thượng Đế vốn Hư Vô, muốn hiến dâng để phục vụ đó là ý hướng cao quý nhất, nhưng hành giả phải tu từ vạn thù đến vô sai biệt, từ hữu thể đến Hư Vô. Chỉ có Hư Vô mới hòa hiệp được cùng Hư Vô, cùng Thượng Đế.”[23]
Chúng ta có thể mượn lời nhắn nhủ rất cô đọng nhưng đầy đủ ý nghĩa của Đức Giáo Tông Đại Đạo để đúc kết phần vong kỷ vị tha:
“Lòng từ trải khắp, quên cả tự thân, lo cho tha nhân. Đó là thị hiện được tâm đức theo hạnh Bồ Tát Chơn Nhơn.”[24]
3.2. Cứu độ chúng sanh
Các bậc Giáo Tổ Thánh Nhân đã thừa Thánh ý của Đức Thượng Đế đến thế gian trong Nhứt kỳ và Nhị kỳ Phổ độ để cứu độ chúng sanh. Nay đến Tam kỳ Phổ độ, chính Đức Thượng Đế vì lòng đại từ đại bi bi đã từ cõi vô sinh bất diệt đến thế gian mở cơ tận độ cứu vớt toàn nhân loại nơi quả địa cầu nầy. thì chúng ta cũng cần thể hiện trách nhiệm với đồng loại, tiếp tay cùng với Đức Thượng Đế để xây dựng cõi đời Thượng nguơn Thánh đức và giải thoát cho chúng sanh khỏi vòng luân hồi sanh tử.
Sứ mạng trị thế nhắm đến cứu cánh về phần nhân sinh, còn sứ mạng đại thừa nói riêng, sứ mạng của tôn giáo nói chung lại nhắm đến cứu cánh về tâm linh. Tâm linh và nhân sinh cũng như đời và đạo, không thể tách rời nhau được, cho nên sứ mạng trị thế và sứ mạng trị tâm có mối quan hệ hỗ tương với nhau vì có cùng một đối tượng phụng sự là con người.
Đối tượng của sứ mạng đại thừa là tất cả chúng sanh và phương châm là tùy duyên hóa độ, bởi lẽ, đã là giải thoát thì hành giả đâu còn bị ràng buộc bởi những hệ lụy của trần gian, có thể linh hoạt tùy thời, tùy cảnh, tùy duyên mà đem lại sự ích lợi cho chúng sanh trên con đường giải thoát.
“Những người có sứ mạng Đại Thừa phải tùy duyên hóa độ không câu chấp vào hoàn cảnh xã hội chi cả mà tất cả là nhiệm vụ của người biết hành Thiên Đạo Đại Thừa để tạo cảnh hạnh phúc cho thế nhân.”[25]
Muốn tùy duyên hóa độ thì phải hòa vào cuộc đời, vào muôn vàn sai khác nơi cõi hồng trần này một cách ung dung tự do tự tại.
Thu nhiếp càn khôn một túi đầy,
Thanh nhàntự tại khắp đông tây,
Vui cùng Thiên Đạo hòa sanh chúng,
Tiên Phật là đây, Đạo cũng đây.[26]
Phương tiện cứu độ vẫn không ngoài thân, khẩu và ý. Thân giáo tuy không thể hiện ra bên ngoài bằng lời nói hoặc hành động, mà chỉ có việc tự mình nghiêm minh giới luật, tô bồi tâm hạnh để trở nên một chân hành giả thuần thành đạo đức. Cho nên, tuy mình tu luyện bản thân nhưng đã ảnh hưởng đến mọi người chung quanh do thần lực cảm hóa hiện ra bên ngoài qua diện mạo, ánh mắt, tướng đi, v.v. Đây cũng còn gọi là chánh kỷ hóa nhân.
Tu một thân mà muôn kẻ hưởng nhờ cùng,
Rèn một chí mà trăm dân noi dấu Thánh.
Đạo vô thượng phải ráng tu tâm luyện tánh,
Đức vô cùng muôn hạnh gắng giồi trau.
Muốn độ đời đừng phân biệt thấp cao,
Muốn giúp người chớ chấp ngã nhân, ngu trí.[27]
Sứ mạng đại thừa trước tiên là giải thoát cho chính mình và tiếp theo là giải thoát cho mọi người. Quá trình tu học có thể kéo dài suốt cuộc đời nhưng sự chứng ngộ hay giải thoát rốt ráo chỉ diễn ra trong giây phút mà thôi. Cho nên, người tu không thể đợi đến khi nào thực sự chứng ngộ mới thực hành sứ mạng đại thừa. Hành giả có thể thực hiện sứ mạng đại thừa khi đã đạt được mức độ giải thoát nào đó hay có thể nói cho dễ hình dung là khi người tu đạt được một trình độ tu học khả dĩ. Trình độ tu học không tỷ lệ thuận với thâm niên tu hành, mà nó tùy thuộc vào trình độ căn trí, hoàn cảnh, mức độ tu tập của mỗi người.
“Chư hiền đệ hiền muội là hàng Thiên ân chấp trì quyền pháp, là những người tín đồ trung kiên đang gồng gánh sứ mạng đại thừa, hằng được sự chỉ giáo của Thiêng Liêng, há lại không nhìn vào đó, làm theo đó, giải thoát cho mình và giải thoát cho người sao?”[28]
Trong bất cứ tôn giáo nào, sứ mạng hoằng pháp hết sức quan trọng nhằm xương minh đạo pháp để con thuyền cứu độ được miên trường theo dòng thời gian vô tận. Hội thánh Cao Đài qui định trách nhiệm hoằng pháp được giao phó cho các Giáo hữu. Tân Luật (Điều 6): “Giáo hữu là người để phổ thông chơn đạo của Thầy.” Cơ Quan PTGL/ĐĐ là bộ máy sau cùng của Đại Đạo có sứ mạng đặc thù, không áp dụng cơ cấu chức sắc như đối với các Hội thánh ĐĐTKPĐ. Vì thế, trách nhiệm hoằng giáo do các Giáo sĩ hiến dâng đảm trách. Tuy nhiên, ngoài trách nhiệm chánh được qui định như trên, mọi người tín đồ Cao Đài đều chia sẻ trách nhiệm hoằng giáo tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của mình. Thật vậy, trong mỗi thời cúng người tín hữu Cao Đài đọc Ngũ nguyện, trong đó câu nguyện thứ nhì là: “Nam mô nhì nguyện phổ độ chúng sanh”. Mỗi người tín đồ Cao Đài đều phải có trách nhiệm góp tay cùng Đức Thượng Đế hoằng dương chánh pháp, phổ độ nhân sanh. Như vậy thì, mỗi người tín đồ Cao Đài là một thiên ân.
Tuy nhiên, sứ mạng cứu độ của người tín đồ Cao Đài và sứ mạng đại thừa có sự khác biệt nào hay không? Điểm khác biệt căn bản là sứ mạng cứu độ nhằm phát triển số lượng tín đồ, nhắm đến phần nhân sanh để thực hiện mục tiêu thế đạo đại đồng; còn sứ mạng đại thừa lại nhắm đến phần tâm linh để thực hiện thiên đạo giải thoát bằng phương tiện công phu luyện kỷ.
“Muốn xây dựng một nền tảng đạo đức cho muôn vạn ngôi nhà, không thể ngồi mà tưởng tượng được. Phải có công phu luyện kỷ. Luyện kỷ chính là phương pháp tận độ quần linh trên sứ mạng Đại thừa Thiên đạo.” [29]
Song, nhiệm vụ truyền trao chánh pháp Đại Đạo cứu rỗi tâm linh không phải bất kỳ người tín đồ Cao Đài nào cũng có thể thực hiện được, mà phải do Đức Tôn Sư ban đặc ân cho những vị có sứ mạng thiêng liêng đảm trách.
“Với sứ mạng ban truyền Tân Pháp Cao Đài để cho nhân sanh giác ngộ, Bần Đạo [Đức Đông Phương Chưởng Quản] phải Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài Vô Vi để truyền pháp cho người có sứ mạng thiêng liêng và người ấy sẽ trực tiếp hướng dẫn người thiện căn qua bến giác khi được điểm đạo.”[30]
Người tín đồ Cao Đài đã thọ nhận pháp môn tu luyện đều có thể thực hiện sứ mạng đại thừa trong việc hồi hướng trước khi kết thúc mỗi thời công phu tọa thiền. Tuy đây chỉ đơn thuần việc dùng điển lực bằng tư tưởng để hồi hướng cho bá tánh chúng sanh nhưng đã tạo được công đức vô lượng. Điều nầy được xác tín trong bài Kệ hồi hướng.
Công đức tọa thiền lớn biết bao,
Phước lành hồi hướng đến nơi nao,
Chúng sanh trầm nịch nguyền ra khỏi,
Nhập được huyền môn ngộ Đạo cao.
Nếu việc hồi hướng công phu của một tập thể sống đạo sẽ còn huyền nhiệm hơn gấp bội phần vì sẽ tạo ra một năng lực cứu độ vô cùng to lớn. Lúc ấy công năng đại định của các tịnh sĩ sẽ dệt thành một tấm lưới thiên vô hình có tác dụng vẹt tan màn hắc khí, có thể chuyển họa thành phước cứu độ chúng sanh.
“Chư đệ muội có biết mình là những thiên thần đang dệt tấm lưới thiêng đó chăng? Đây là cơ hội mà Đức Lão Tổ đã dành cho chư đệ muội để làm đầu mối tự độ, độ tha.”[31]
Mặt khác, cầu nguyện cũng đạt được công đức vô lượng nếu hội đủ hai điều kiện căn bản là sự cầu nguyện không phục vụ cho ước vọng riêng tư của bản thân mà phải hướng đến tha nhân, sự cầu nguyện đó thực hành trong chánh niệm và bình đẳng. Như vậy, bất luận người tín đồ Cao Đài nào, dầu đã thọ pháp môn hay chưa thọ pháp môn cũng đều có thể thực hiện được.
“Vấn đề cầu nguyện được kết thúc vào bốn chữ “công đức vô lượng”, đối với các bậc Thánh Vương vì thiên hạ, đối với người chân tu vì nhơn sanh vong kỷ vị tha. Vì sao cầu nguyện lại được công đức vô lượng? Đã bàn qua hai chữ cầu nguyện tất phải nói đến công đức để mỗi người đều ý thức đến sự quan trọng của lời cầu nguyện.” [32]
Như vậy, mỗi người tín đồ Cao Đài là một thiên ân đều có thể thực hiện việc cứu độ chúng sanh tùy theo cơ duyên và hoàn cảnh của mỗi người. Sứ mạng đại thừa nhắm đến sự cứu rỗi tâm linh với nhiều hình thức đa dạng từ tư tưởng, lời nói đến hành động. Về tư tưởng, hồi hướng công đức tọa thiền hay việc cầu nguyện đều mang lại công năng rất to lớn và mầu nhiệm cho chúng sanh. Về lời nói, pháp thí giúp củng cố và nung nấu đức tin, chia sẻ và soi sáng mọi người trên con đường giải thoát. Về việc làm, những nghĩa cử đầy tình thương có tác dụng trợ duyên, vun xới tình đạo mạch để mọi người cùng học, cùng tu, cùng tiến bộ.
Trong trường hợp vì lý do nào đó mà người tín đồ Cao Đài chưa đủ duyên hạnh thực hiện được sứ mạng đại thừa, thì thiết tưởng cũng cần gieo hạt giống đại thừa bằng cách tạo mọi điều kiện cho các tịnh viên tu luyện như hộ tịnh, pháp thí, hỗ trợ tài lực cho những tịnh viên có đời sống khó khăn, công quả xây dựng thiền đường, v.v. Tóm lại, đây là những trợ duyên góp phần trực tiếp hay gián tiếp cho mục tiêu thiên đạo giải thoát, để chúng sanh thoát vòng luân hồi sanh tử. Kết quả gieo duyên đại thừa nếu chưa thành tựu trong kiếp nầy thì nó cũng sẽ kết quả trong kiếp lai sinh.
“Nhơn năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhơn, nghĩa là người làm cho sáng tỏ đạo pháp, chớ đạo pháp không thể làm cho người sáng tỏ được. Bởi vậy, người giác ngộ phải gia công tu học để chứng đến chỗ chí diệu chí chơn, mà mở mang truyền bá Đạo Trời, cứu người thoát vòng sanh tử. Người phải cố công chiều sớm trau dồi tâm tánh, để hợp cùng lẽ Đạo, không phải chỉ ăn chay, đi chùa, lễ bái, tụng kinh, làm đôi việc nghĩa mà gọi rằng đủ, mà phải gieo duyên tạo quả đại thừa, hầu mới đạt đến chỗ bất sanh bất diệt (…) Dầu ngày này chưa tu, kiếp này chưa đạt, nhưng hạt giống ấy đã gieo, tất có ngày đơm bông trổ trái.”[33]
KẾT LUẬN
Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy rằng:
“Người tu học vào hàng Thiên đạo đại thừa là đã lập tâm giải thoát, mà chỉ những con người biết giải thoát mới thấu hiểu Thiên đạo để chấp nhận sứ mạng đại thừa.”[34]
Sứ mạng đại thừa là sự cứu độ trên phương diện tâm linh nhằm thực hiện mục tiêu giải thoát cho chúng sanh. Người hành giả cần ứng dụng Thiên đạo hay lòng Tạo Hóa để thực thi sứ mạng. Thiên đạo là sự vận hành của Trời đất nhằm dưỡng dục chúng sanh trong tình thương yêu bảo tồn, không vì sự kính yêu Thượng Đế mà ban phúc, cũng không vì sự bất kính mà giáng họa. Trời che đất chở, mưa thuận gió hòa, xuân hạ thu đông, bốn mùa tám tiết lợi lạc cho muôn loài vạn vật.
Tuy nhiên, hành giả muốn noi theo Thiên đạo để thực hành sứ mạng đại thừa thì trước tiên cần có một trình độ giải thoát nhất định. Giải thoát tức là không để ngoại cảnh chi phối được tâm. Tâm và cảnh độc lập không dính mắc vào nhau. Đó chính là Thiên địa chi tâm. Giải thoát là không còn bị ràng buộc bởi hình danh sắc tướng, bị chi phối bởi nhân ngã thân sơ. Đó chính là tâm phá chấp. Giải thoát là không bị thất tình lục dục chi phối, không bị hoàn cảnh bên ngoài làm cho xao xuyến. Đó chính là tâm thanh tịnh. Giải thoát là không bị tạp niệm làm cho vọng động, không bị vọng ý làm cho điên đảo. Đó chính là tâm vô niệm. Giải thoát có nhiều mức độ từ thấp đến cao, lẽ tất nhiên sẽ tác động đến việc kết quả thực hiện sứ mạng đại thừa.
Chỉ khi nào hành giả tu tập giải thoát mới thấu hiểu được Thiên đạo. Bởi lẽ, hành giả đã điều chỉnh tần số của mình phù hợp với tần số của Thượng Đế, thì mới cộng thông cùng Ngài, đã tìm được chính mình trong Thượng Đế, thì mới thực hiện được những công cuộc háo sanh và bảo tồn của Thượng Đế để thực hiện sứ mạng đại thừa.
Chúng ta thành tâm suy nghiệm lời Đại nguyện của Thầy để soi sáng vào sứ mạng hiện hữu của chính mình.
“Sao mà đời không chịu gia tâm suy nghĩ, để đăng tầm thiên cơ, cầu diệu lý mà luyện kỷ, hầu quày trở lại chỗ nguyên thỉ cựu ngôi. Để làm chi cứ mang lấy nạn khổ mãi luân hồi. Thầy dòm thấy luống chua xót đứng ngồi không yên dạ. Nên hội Tam Giáo Công Đồng lập tờ đoan thệ, đem Đạo mầu phổ hóa độ tất cả đám quần sanh. Nếu các con chẳng chịu tu hành, không bỏ dữ làm lành, Đạo không thành, Thầy nguyện không trở về ngôi vị cũ.”[35]
Sứ mạng đại thừa là vong kỷ vị tha để cứu độ chúng sanh trên phương diện thiên đạo giải thoát. Sứ mạng đại thừa được thể hiện sinh động với phương châm tùy duyên hóa độ để đạt đến cứu cánh tâm linh. Hồi hướng công phu, cầu nguyện vô ngã, công quả pháp thí, v.v. là một vài minh họa thực tiễn trong sứ mạng đại thừa.
Tuy nhiên, nếu người môn đệ Cao Đài chưa đủ duyên hạnh để thực hiện sứ mạng đại thừa thì việc gieo duyên đại thừa để cây đại thừa được đâm tược nầy mầm và quả đại thừa được đơm bông kết trái, là một việc làm rất hữu ích và cần thiết.
25-4-09
-------------------[1]Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 15-6 Bính Thìn (11-7-1976).
[2]Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 10-6 Bính Thìn (06-7-1976).
[3] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 15-3 Bính Thìn (14-4-1976).
[4] Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 12-4 Canh Tuất (16-5-1970).
[5] Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGL, 13-8 Mậu Ngọ (14-9-1978).
[6] “Phương pháp tu tam công trong Đại Đạo có, chư hiền tìm đâu xa xôi cho rắc rối cõi lòng. Công phu, công quả, công trình; công nào cũng đứng đầu bằng chữ công. Phải tự lực cánh sinh, tự tu tự tiến.” (Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 15-3 Bính Thìn, 14-4-1976).
[7] Đức Đông Phương Lão Tổ, CQPTGL, 04-6 Tân Dậu (05-7-1981).
[8] Đức Bảo Pháp Chơn Quân, CQPTGL, 12-11 Tân Dậu (07-12-1981).
[9] Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, MLTH, 11-5N Tân Hợi (03-7-1971).
[10] Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 15-01 Kỷ Mùi (11-02-1979).
[11] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 10-6 Bính Thìn (6-7-1976).
[12] Kinh Đệ ngũ cửu.
[13] Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 25-02 Kỷ Mùi (22-3-1979).
[14] Kinh Đại Thừa Chơn Giáo, Chương “Nhơn vật tấn hóa.”
[15] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 10-6 Bính Thìn (06-7-1976).
[16] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 10-6 Bính Thìn (06-7-1976).
[17] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 15-3 Bính Thìn (14-4-1976).
[18] Đức Đông Phương Chưởng Quản, NMĐ, 15-11 Đinh Mùi (16-12-1967).
[19] Nguyên văn: “Nầy thiện tri thức, đã sám hối xong, vì Thiện tri thức phát Tứ hoằng thệ nguyện, mỗi người phải dụng tâm chánh lắng nghe:
Tự tâm chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.
Tự tâm phiền não vô biên thệ nguyện đoạn.
Tự tánh pháp môn vô tận thệ nguyện học.
Tự tánh vô thượng Phật đạo thệ nguyện thành.
Này Thiện trị thức, cả thảy đâu chẳng nói: Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, nói thế ấy, vả lại không phải là Huệ Năng độ.
Này Thiện tri thức, chúng sanh trong tâm, chỗ gọi tâm tà mê, tâm cuồng vọng, tâm bất thiện, tâm tật đố, tâm ác độc, những tâm như thế trọn là chúng sanh, mỗi mỗi nên Tự tánh tự độ, ấy gọi là chân độ.
Sao gọi là Tự tánh tự độ? Tức tự trong tâm những chúng sanh tà kiến, phiền não, ngu si, đem chánh kiến mà độ. Đã có chánh kiến bèn sử dụng trí Bát nhã đánh phá những chúng sanh ngu si mê vọng, mỗi mỗi tự độ, tà đến thì chánh độ, mê đến thì ngộ độ, ngu đến thì trí độ, ác đến thì thiện độ, độ như thế gọi là chân độ.
Lại phiền não vô biên thệ nguyện đoạn, đem Tự tánh Bát nhã trí trừ tâm tư tưởng hư vọng ấy.
Lại pháp môn vô tận thệ nguyện học, phải tự thấy tánh của mình, thường hành chánh pháp, ấy gọi là chân học.
Lại vô thượng Phật đạo thệ nguyện thành, đã thường hay hạ tâm hành nơi chân chánh, lìa mê, lìa giác, thường sanh Bát nhã trừ chân trừ vọng, tức thấy được Phật tánh, ngay nơi lời nói, liền thành Phật đạo, thường nhớ tu hành, ấy là pháp nguyện lực.”
[20] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 10-6 Bính Thìn (06-7-1976).
[21]Đức Bảo Pháp Chơn Quân, MĐTV, 03-6 Nhâm Tuất (23-7-1982): “Khổ nơi đây không phải khổ do tu luyện, mà khổ vì phải dứt bỏ mọi dây oan trái tục phàm mà chính mình đã mua bán đổi chác ràng buộc. Nay lại phải dứt đi cũng không khó. Nếu vô tình ràng buộc thì vô tình dứt đi. Trái lại, nếu đã ràng buộc do tâm mê vọng theo nhân duyên mà kết thành bức màn vô minh từ lịch kiếp, nay dầu muốn phá vô minh mà thiếu tâm chí giác ngộ kiên trì thì khách trần ai vẫn còn bám víu lưu luyến để ẩn náo che đậy trong tiềm thức, lo lắng yêu thươngthường tình, phiền não thamsântục tánh thì vô minh càng đả phá càng trở nên dày đặc. Bởi mình chẳng thật với mình. Đó là cái rất khổ bởi thủ xả của chính mình làm cho mình tiêu hao thần khí, mệt mỏi thân tâm rồi ngán tu ngán luyện.”
[22] Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGL, 14-8 Đinh Tỵ (26-9-1977).
[23] Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 29-02 Mậu Ngọ (06-3-1978).
[24] Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 15-4n Nhâm Tuất (06-6-1982).
[25] Đức Di Lạc Thiên Tôn, CQPTGL, 15-10 Đinh Tỵ (25-11-1977).
[26] Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 10-6 Bính Thìn (06-7-1976).
[27] Đức Đông Phương Chưởng Quản, MĐTV, 04-01 Bính Thìn (03-02-1976).
[28] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 15-6 Bính Thìn (11-7-1976).
[29] Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 15-7 Đinh Tỵ (29-8-1977).
[30] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 15-9 Giáp Dần (29-10-1974).
[31] Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 01-12 Bính Dần (31-12-1986).
[32] Đức Minh Đức Đạo Nhơn, CQPTGL, 15-11 Giáp Dần (28-12-1974).
[33] Đức Hưng Đạo Đại Vương, BNTĐ, 28-11 Tân Hợi (14-01-1972).
[34] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQPTGL, 15-6 Bính Thìn (11-7-1976).
[35] Kinh Đại Thừa Chơn Giáo, bài Chỉ ý thuyết minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét