Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021
SỨ MẠNG TRUNG HƯNG KHÔNG DỄ MỘT SỚM MỘT CHIỀU MÀ XONG
Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 15-11-ĐĐ.33 Mậu Tuất (25-12-1958)
THI
THÁI bình nhơn loại ước chờ mong,
BẠCH tận Càn Khôn mới đại đồng;
KIM thạch dặn ai đừng đổi dạ,
TINH cầu Tạo Hóa bố thần thông.
Bần Đạo chào chư Hiền đệ, Hiền muội, Bần Đạo mời ngồi.
Sự nghiệp cứu thế lớn lao, Tiên Phật đã nhiều công phu xây đắp, thì sứ mạng Trung Hưng không dễ một sớm một chiều mà xong.
Các Hiền đệ phải kiên tâm lập chí cho nhiều, đem thân thử thách với đời để rèn luyện tâm thân bền vững khỏe mạnh, mới đủ phương tiện thay Trời chuyển Pháp khai Đạo.
Chư Hiền đệ đã thông cảm ít nhiều lòng ưu tư tha thiết của Bần Đạo, thì dốc hết can trường một phen còn mất, để làm tròn trách nhiệm trong Hội Trung Hưng, mới khỏi uổng công trình toàn Đạo nhiều năm xây đắp.
Nói tới hai chữ Trung Hưng, các Hiền đệ đã quan niệm danh nghĩa nó to lớn vô cùng. Nếu không phải chịu mệnh nơi Trời thì tài này đức kia làm sao mong mỏi! Việc cả vạn thế, rộng khắp năm châu, cao thâm mầu nhiệm, đem so với mấy đệ, làm gì nên sự. Trung Hưng không phải việc cải lương giai đoạn hay một đôi lần lầm lỡ trong nội bộ, mà trùng tu chỉnh đốn tất cả, làm cho đâu đó được hưng khởi tinh thần, sự lý phân minh, mọi điều mới mẻ trong ngoài đầy dẫy một tình thương nồng hậu, một hoài bảo lâu dài, một sinh hoạt rộng lớn sáng tỏ lâng lâng vẻ Đạo thái bình.
Nói tóm lại, làm cho Quyền Pháp trong nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được một sự chỉnh đốn mới mẻ vững chắc, làm cho các Giáo lý xưa nay tỏ rõ, có một con đường về với CHÍ TÔN, làm cho nền chính trị thế gian biết bảo vệ nhơn sanh, hưởng cảnh hòa bình đạo đức, xã hội bây giờ không còn giai cấp rẽ riêng, không còn Nhà Nước chuyên quyền nhơn dân thua thiệt.
Chủ Nghĩa Xã Hội làm cho bốn biển một nhà, con người là quý trọng. Nhơn loại hiện thời chịu dưới bao nhiêu chế độ hà khắc, chuyên quyền áp chế, lùa người đến bể máu núi xương, nên họ khao khát được một cái gì cao quý, cứu vớt lấy loài người, làm cho hòa bình ấm no bình đẳng.Vì lẽ đó, mà chế độ Quốc gia mỗi ngày mỗi yếu, chế độ Xã Hội mỗi ngày mỗi lên. Vì người đang thua thiệt khốn khổ, dù chủ nghĩa ấy có làm được hay không là việc khác, mà gải nhằm chỗ ngứa của người đời, nên người ta lôi đẩy nhau đi tìm đất sống. Muốn sống cần phải đấu tranh, đấu tranh để bình quân địa quyền, tiết chế tư bản, đòi lấy tự do hạnh phúc bằng quyền lợi ở giá trị lao động.Vì thế mà học thuyết Platon (Bá Lạp Đồ) được ứng dụng, đến Mã Khắc Tư và Tôn Trung Sơn mới làm sáng tỏ đường lối Xã hội. Khắp trên thế giới đều ca tụng Chủ Nghĩa Xã Hội. Chủ Nghĩa Xã Hội sẽ đến một thành công là vì nhơn loại nhìn nhận chỉ có đấu tranh là được quyền lợi. Có đấu tranh là có ấm no hạnh phúc, có đấu tranh mới chiếm được quyền chuyên chính vào tay, đấu tranh là được, vì sức mạnh lao động hiện ngự khắp nơi, làm thì có, không làm thì không. Tư bản địa chủ đói no vinh nhục là do tay lao động quyết định. Vì lòng tin ấy, mà khắp nơi đều dàng quân dân thợ thuyền thành một trận tuyến ác liệt. Đế quốc Tư bản cũng đổ tiền bỏ của ra, lấy cơ khí để chống cự, lấy dân tộc để bảo vệ. Hai bên rồi đây sẽ ùa nhau mà chết. Chết một cách ghê sợ, diễn đủ thảm họa cho đời. Kẻ Tư bản đế quốc cũng không dễ còn, mà đám lao nhân cũng e khó nhọc. Vì hạnh phúc áo cơm đâu thấy lại máu xương thảm họa chúng căm hờn!
Đó là chủ nghĩa bạo động, còn chủ nghĩa bất bạo động như Gandhi đã vì dân tộc Ấn Độ bởi chủ nghĩa thanh khiết thánh thiện. Người được thành sự là gồm có đường lối chánh trị đạo đức. Nhưng dù bạo động, bất bạo động cũng chưa dễ gì cứu được trình trạng đau khổ cho nhơn loại trong buổi đời cùng.Vì chủ nghĩa nào cũng nói được ngoài môi, trong lòng đầy kiêu căn tham dục, mấy người vì nước vì dân! Mấy kẻ quên mình lo Đạo! Đời vì vật chất ám ảnh làm cho lòng người đen tối. Ai lúc cùng cũng đạo đức nhân nghĩa, đến khi đạt, trái ngược lòng dân.Nền Chánh trị như Nghiêu Thuấn xưa kia, vua như Thuấn áo sồng nhà tranh, nền đất. Tướng như Vũ tay lấm chân bùn... vua tôi nào nghĩ đến nơi ăn chỗ ở của mình, mà lo cho trăm họ, quên cả mệt nhọc, vua đến chơi với dân, thông cảm nỗi tình, dân đến chơi với vua, noi đường hạnh đức. Vì dân qua cửa không ghé lại nhà, vì nước tình riêng không bận bịu. Thế mà nền Chính trị còn có người ganh ghét, còn có kẻ dèm pha, còn có tay lợi dụng! Sự nghiệp cũng không bao lâu thì nền an bang quốc độ phải bị đổi thay! Lựa là đời nầy, giơ đuốc rọi mười phương tìm không ra vua Nghiêu, tướng Vũ lẽ đó là bởi chính trị tách rời Tôn giáo đạo đức.
Nói đến Tôn giáo đạo đức tách rời chính trị cũng khó phần bành trướng mạnh mẽ, vì không được mạnh mẽ nên Tôn giáo mới tìm đủ tài lực, cậy đủ quyền thế để tranh đua khai đàn thuyết giáo. Giáo nào cũng muốn mạnh muốn hơn, mới có chê người, khen mình, gây nên công kích mâu thuẫn, hoặc chạy theo thời thế, hay nương lấy thời thế cướp nước cướp dân, làm cho danh nghĩa Tôn giáo bị lu mờ, nhơn dân nhắm vào khuyết điểm mỉa mai nhạo báng. Tôn giáo đổ nát chơn truyền bởi tay người đời óc non trí cạn.
Đời thế đó, Đạo thế kia, bây giờ giữa các Hiền đệ phải làm thế nào? Chạy theo chính trị chăng? Chạy theo Tôn giáo kia chăng?
Tôn giáo và chính trị không đương nỗi việc đời ngày nay, không phương cứu được nhơn dân khỏi cơn ác họa. Nên THẦY mới khai Tam Kỳ Phổ Độ, Trung Hưng nền Chính trị Nghiêu Thuấn, nền Tôn giáo Phật Lão Nho tông, để đời hưởng lấy một cảnh thái hòa ngày Xuân tháng Đạo.Tam Kỳ Phổ Độ hôm nay bị xé năm chia bảy cũng là một điều đáng tiếc! Nhưng còn một điều đáng lo hơn là bảy nhóm năm chi theo đây cậy đó, pha lẫn chung rượu Bồ Đào với chung rượu men ngô, đem đường Thần thông cứu thế nhuộm lấy màu đời đen đỏ, làm cho Pháp Đạo không linh.
Hôm nay Thế Đạo bị nghiêng chinh, Quyền Đạo yếu mềm bởi nội tình Chức sắc Nhơn sanh chưa giác ngộ.Có hưng, có đổ, có hỏng suy mới có xây dựng. CHÍ TÔN ban sứ mệnh ở đây, Pháp Đạo trao vào tay những trang Thiên Ân thật dạ. Bây giờ các Hiền đệ nếu đã nhận rõ con đường và sứ mệnh Trung Hưng một là tin ở quyền năng vận thời, hai là so sánh chọn một đường sống cho nhơn loại, ba là phải quên thân vì Đạo. Nếu được ba điểm đó thì cùng Lão làm lấy nhiệm vụ Trung Hưng.Nhiệm vụ Trung Hưng còn phải trải qua một thời kỳ dài mới thành công trọn vẹn. Đời các đệ chưa rồi thì lo rèn luyện nung nấu lòng con dạ cháu kế tiếp để hoàn thành nhiệm vụ. Đừng dục vọng, đừng nóng nôn, phải chậm rải tuần tự với thời gian chờ thời đợi vận.Thời đã có, mà vận Đạo được hanh thông thì chừng đó ta sẽ tiến mạnh khắp nơi khắp chốn.Bây giờ thời chưa gặp, vận chưa hanh, lo đóng cửa tu thân, đào tạo nhóm con em đủ đức, nên tài, dìu dẫn sắp xếp trong gia đình trên hòa dưới thuận. Gia đình hay nội bộ trong nền Đạo làm sao có một chủ trương lành mạnh, các nhân viên bộ máy chạy đều, nam nữ đồng sức, dưới trên đồng tình, lo cho nhau đủ ăn, khẳm tiêu, đời sống tạm thời khỏe vui, nhà nào nhà nấy thương yêu tin cậy giúp nhau theo tổ chức dựng xây.Xây đắp nền Nhơn đạo cho mạnh cho lành. Về việc cưới gả phải được đề cao, xây dựng hạnh phúc vợ chồng ngày mai cho Đạo hữu thành những gia đình tân dân, minh đức. Đừng lầm nghĩ Nhơn Đạo là thường là kém. Phải lo Nhơn Đạo cho vững chắc, đời sống con em có nuôi có dạy khôn lớn thì gái trai nên đôi lứa, đau được cấp dưỡng, chết được chôn cất rõ ràng, đừng nghĩ nhẹ điều nầy mà đi vào nơi mông lung hư vọng.
Về Thiên Đạo đoàn giải thoát, Chức sắc Phước Thiện và chư Thiên Ân Quyền Pháp, không thể làm như ý chư đệ mà thành được. Mỗi một việc làm chia nhiều giai đoạn, từ đầu đến cuối, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Đừng nói cao mà làm thấp, đừng nói ra được mà làm không được. Phải đặt con đường mười năm, hai mươi năm, mỗi năm một bước, mỗi bước phải làm gì? Như nói TU:
1- Ăn chay cúng nước.
2- Hành công lập quả.
3- Tập những khổ hạnh.
4- Đào luyện tư tưởng, chế ngự ăn, mặc, đi, sống với tinh thần vô ngã.
5- Tham thiền luyện tánh, dìu dắt lần hồi, đừng ép ai không đủ sức và chưa giác ngộ.
Về giải thoát trong thời gian vào ở nhà tu ba năm, không theo ý mình mà theo Quyền Pháp. Ngoài ba năm đã được điểm Đạo thì quyền đi đây đó tự do, nếu xét người đã nên tự chủ. Trước ba năm, có ba năm công cán, ba năm đức hạnh, ba năm vào nhà kín luyện thần nhập diệu, không nên đưa cao mà té sâu làm hỏng danh Quyền Pháp.
Về Chức sắc Phước Thiện thì cũng chia ra 12 năm mà vạch chương trình tu công lập hạnh.Chư Thiên Ân cũng vạch một chương trình năm năm để tiến tới sứ mạng đừng buộc lắm. Về Giáo hữu trở lên là Thiên Đạo, đi mấy năm vậy mới chí Thiên Đạo?
Sang Xuân lo chỉnh đốn mọi mặt lại tất cả, nhứt là Nhơn Đạo (Phước Thiện). Các cơ quan Chức sắc trong Hội Thánh mở một vài kỳ tu học xiển luận các điều chuyên trách.
Hành chánh: Khai Cửu Trù mà an bài trật tự trên dưới.
Phổ tế: Khai Cửu Trù mà giữ Đạo truyền Đạo, giáo hóa.
Phước Thiện: Khai Cửu Trù mà tạo thế khai thế tân dân.
Minh Tra: Khai Cửu Trù mà Bảo pháp.
Mỗi cơ quan đặt ra một câu.Ví dụ: Ngũ hành thì áp dụng phần an bài thế nào? Áp dụng phần truyền giữ Đạo thế nào? Phần bảo pháp và tạo thế làm sao?Học một câu cho rành. Người Thiên Ân và kẻ Tín đồ Đạo hữu cũng học câu đó mà áp dụng khác nhau. Ví như: Câu đó về Thiên Đạo thế này, về nhơn đạo thế kia, vạch một chương trình chung rồi mỗi người chuyên môn mỗi việc, không đi ngoài câu ngũ hành đó. Các đệ nhớ học, sau chỗ nào chưa thông Lão sẽ khải thị cho! (…)
Bần Đạo xin chào chư Thiên Ân và chư Đạo hữu./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.
10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS) Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét