Giáo Sư THƯỢNG VĂN THANH
Chưởng Quản Cơ Quan Phổ Tế
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài
Tâm Đức Đạo Hạnh là đòi hỏi chung, là chất liệu cần phải có nơi mọi người có đạo, từ người tu sơ cơ cho đến những bậc đã trải qua nhiều năm trong cửa đạo.
Trong Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài chúng ta, việc lập công hành đạo phân chia cho bốn Cơ Quan (Hành Chánh, Phước Thiện, Phổ Tế, Minh Tra) nên Tâm Đức Đạo Hạnh cũng có tính cách riêng do phần hành chuyên trách mỗi Cơ Quan.
Bài này nói về Tâm Đức Đạo Hạnh người Phổ Tế và tập trung vào Trưởng Ban Phổ Tế là đối tượng chính của Khóa Bồi Dưỡng chúng ta đang tham gia.
Đức Thái Bạch Kim Tinh dạy rằng Phổ Tế lo phần “giữ đạo, truyền đạo, giáo hóa”. Với chức năng này, người Phổ Tế thường tiếp cận nhân sinh thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau. Do đó, phần tướng trạng (tức hình thức bên ngoài, ngoại tướng) không thể xao nhãng, cẩu thả. Đi hành đạo mà y phục lèng xèng, nói đạo ai nghe. Chúng ta nên ghi nhớ và thực hành lời dạy ấy của Đức Ngô Tôn Sư với sự quan tâm đến các chi tiết:
- Đạo phục chỉnh tề từ khăn áo đến giày dép. Nên tránh những dấu hiệu của sự cẩu thả, không sạch sẽ.
- Việc đứng ngồi, đi lại, ăn uống cùng các động tác cử chỉ cần có ý tứ kiểm soát.
- Người Phổ Tế thường dùng lời nói trong các lễ hội cộng đồng hoặc trò chuyện riêng tư; nên liệu lời mà nói, khéo léo chọn từ, lựa giọng sao cho phù hợp với khung cảnh và người cùng trò chuyện.
- Mỗi khi trình bày giáo lý nên chuẩn bị cẩn thận. Hiểu biết và thông cảm thính chúng, nói sao cho phù hợp người nghe, giúp họ hiểu đạo, tu hành. Tránh các kiểu khoe khoang, tự đề cao, mượn diễn đàn để chê bai trách móc. Nên chân thực và khiêm tốn.
Trên đây là những gợi ý, về phần tu hạnh, tức là phần ngoại tướng. Nền tảng cho phần ngoại tướng ấy là Tâm, Đức và Đạo như nhan đề bài học nêu rõ. Phần này cần được học hiểu, tu tập, hàm dưỡng miên mật, sâu dày, vừa giúp ta tiến bộ trên đường tu học của mình vừa đem lại thành công cho đạo sự Phổ Tế.
Kinh sám, giới luật, thánh giáo là nguồn dinh dưỡng tinh thần rất cần thiết và quý báu. Rất tiếc là nhiều người chỉ đọc qua, có thể thuộc lòng nhưng thiếu nghiền ngẫm, không tu hành đạt mức kết tinh, thẩm thấu vào tâm tư huyết quản. Dẫn chứng đơn giản là việc đọc kinh nhật tụng.
Chẳng hạn, sáng sớm đọc Kinh Mai:
Đêm qua việc dữ lành đã mãn.
Nỗi ngày nay chưa hãn sao đây?
Buổi tối đọc Kinh Hôm:
Điều họa phước ngày qua đặng biết
Nỗi chưa tường những việc đêm nay.
Bốn câu kinh dẫn trên hầu như tín hữu Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài đều tụng đọc hằng ngày, thuộc lòng và hiểu nghĩa, nhưng có ai nghĩ sâu hơn về “dữ lành”, về “họa phước” đối với người tu? Có chăng thì cho rằng đó là những may rủi thông thường như trúng số, tai nạn, buôn bán lời hay lỗ . . . Người tu nên nghĩ sâu hơn.
Mắng người bằng những lời xúc phạm, nếu nghĩ lại tất thấy đó là họa vì mình đã phạm giới vọng ngữ, nổi sân hận nên hạnh tu bị tổn thương, tổn giảm tâm đức. Người bị mắng nếu không sân hận đáp trả vẫn an nhiên tươi tỉnh thì đó là phước vì chủ được tâm, giữ lòng thanh tịnh qua được một cơn thử thách, đạo lực mạnh thêm.
Hàm súc như lời dạy sau đây của Đức Hưng Đạo Đại Vương, nếu ta chịu khó chiêm nghiệm và thực hành được thì tu hành sẽ lợi lạc và tiến bộ xiết bao:
Giới định huệ nằm lòng tha thiết
Tham sân si tận diệt căn đề
Thức căn cột chặt, thâu về
Không còn rối loạn, hôn mê, biếng lười.
Dẫn chứng một ít như vậy để thưa rằng trong kinh sám, thánh giáo khuyên bảo rất nhiều mà người tu ít tiến vì thiếu nhập tâm nghiền ngẫm và trì hành.
Cuộc đời các Thánh Nhân, Hiền Triết hoặc gần với chúng ta là các bậc hướng đạo tiền bối cũng thường dạy bày và nêu gương như quý ngài Huỳnh Chơn Nhơn, Nguyễn Như Sơ...
Ngài Huệ Lương Trần Văn Quế xuất hiện ở giảng đường là nhà mô phạm, đến với đạo hữu thì khoan hòa, khiêm nhu.
Lễ bái, cúng kiếng, kinh sám, thánh giáo cùng những gương sáng tu hành chúng ta đều nhận từ bên ngoài. Hấp thụ được nhiều hay ít là nhờ công phu nghiền ngẫm, thẩm thấu các chất liệu tinh thần đạo đức ấy.
Mấu chốt có tính quyết định ở đây là thường sám hối, thường quán chiếu nội tâm, phản tỉnh nội cầu. Thiết yếu là sám hối bằng nội tâm chứ không chỉ bằng hình thức số lượng nghi lễ.
Sám hối, hiểu đúng đắn và thực hành sâu sắc là phải biết tự nhìn lại mình, thẩm sát trên ba mặt thân, khẩu, ý để thấy lỗi mà sửa đổi. Nếu không thì chỉ sơ sài ngoài mặt nổi và tiếp tục chứng nào tật nấy, nghiệp xấu chẳng hề chuyển đổi.
Cần tránh thói quen phóng ngoại, chỉ thấy người sai sót mà quên nhìn lại mình. Cho nên, giảng giải ý nghĩa tranh chăn trâu thứ nhất trong bộ Thập Mục Ngưu Đồ, Đức Quảng Tế Chơn Nhơn dạy:
Thấy biết mình thời không ai thấy
Thấy biết người ai nấy cũng lanh
Chê đời đủ thứ lưu manh
Quên mình ti tiện, hôi tanh nặc nồng.
Lời dạy ấy gợi nhớ lời Đức Chúa Giê-su dạy (Lu-ca 6:41):
Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?
Nhìn lại vào trong mới thấy Tâm, thấy Đức và thấy Đạo của mình thế nào. Biết xem xét, nhìn và nghe để tự đánh giá ngôn ngữ, cử chỉ cùng ý nghĩ của ta có nên hạnh người tu hay không.
Vạn pháp diễn bày thường có dạng vĩ mô hoặc vi mô. Đừng nên chú ý vĩ mô mà quên vi mô là những điều chi tiết, nhỏ nhiệm.
Đức Bảo Pháp Chơn Quân Thanh Long dạy:
Ai nấy cũng hết lòng vì đạo
Phải tiểu tâm chu đáo mọi bề.
Trừ những bậc thượng căn thiên phú hoặc những bậc trung căn được thọ hưởng ba nền giáo dục tốt đẹp từ gia đình, học đường, và tôn giáo, số còn lại nên khôn ngoan tự tu, tự học, tự lo hàm dưỡng Tâm Đức Đạo Hạnh thì mới nên người đạo hữu tốt ngõ hầu có thể chu toàn nhiệm vụ được nhân sanh gửi gắm và họ đạo giao phó.
Một cách đơn giản dễ nhớ mà nếu không ý tứ thì khó làm. Ấy là đừng làm những điều xấu ác, dầu điều xấu ác ấy nhỏ bé đến đâu cũng không nên làm.
Sẵn sàng làm những điều thiện lành, không xem đó là việc nhỏ bé, tầm thường rồi làm lơ, bỏ qua. Những giọt nước nhỏ tạo nên mạch nước và các mạch nước tạo nên sông suối.
Đừng xem thường lỗi nhỏ vì lỗ nhỏ có thể làm đắm thuyền. Người xưa khuyên:
Nhất tinh chi hỏa năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn.
(Một đốm lửa [giận] nhỏ có thể đốt muôn khoảnh núi [rừng] công đức.)
Sách Minh Tâm Bửu Giám có câu:
Vật dĩ ác tiểu nhi vi chi. Vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi.
(Chớ cho việc ác nhỏ mà làm. Chớ cho việc lành ít mà không làm.)
Không làm các việc xấu ác cũng là tốt đẹp, đáng khen nhưng vẫn còn ở mức tiêu cực. Đồng thời thực hiện cả hai vừa bỏ điều bất thiện vừa làm điều thiện thì trau dồi Tâm Đức Đạo Hạnh mới vẹn toàn.
Trong Tâm Đức Đạo Hạnh, thì Hạnh thể hiện ra bên ngoài và Hạnh phải phát sinh từ Tâm, Đức, và Đạo. Hạnh không xuất phát từ Tâm, Đức và Đạo chỉ là hình thức, sáo rỗng càng tệ hơn là rơi vào tuyên truyền, quảng cáo.
Đức Tiếp Văn Pháp Quân ví bốn Cơ Quan của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài là tứ chi của Hội Thánh. Trong đó, Phước Thiện và Phổ Tế là hai tay. Phổ Tế là việc “giữ đạo, truyền đạo, giáo hóa” nên Phổ Tế dính dáng đến ngôn giáo. Thế mà ngôn giáo không thể tách rời thân giáo. Muốn thân giáo thì phải có Tâm Đức Đạo Hạnh, tức là phải có nội thánh mới làm được ngoại vương.
Phổ Tế đảm đương phần quảng truyền (phổ) giáo lý công truyền để cứu độ (tế) nhân sanh, phải lấy thân giáo làm trọng; phải chăm siêng tu tịnh (luyện châu) để thánh hóa bản thân. Do đó, người làm đạo sự Phổ Tế luôn ghi nhớ và thực hành lời dạy của Đức Bảo Pháp Chơn Quân Thanh Long:
Tu tâm pháp nâng mình nên Thánh
Cảm hóa người vạn hạnh nơi thân
Công truyền cứu thế độ nhân
Hiện bày sắc tướng uy thần quyền năng.
“Giữ đạo, truyền đạo, giáo hóa” là trách nhiệm mà Phổ Tế được Hội Thánh phân công. Đây là trách nhiệm nặng nề nên người làm đạo sự Phổ Tế cần phải dành nhiều công phu, chăm lo đầu tư chu đáo. Người Phổ Tế không những chăm lo bồi dưỡng phần kỹ năng chuyên môn mà còn đồng thời chăm lo rèn luyện, hàm dưỡng Tâm Đức Đạo Hạnh.
Kinh Thuyết Pháp nhắc nhở:
Trường Phổ Tế khó khăn lắm nỗi
Cậy thánh tâm sửa đổi tánh phàm
Dìu đời với sức không kham . . .
Người Phổ Tế ví như người gieo giống trên cánh đồng bao la bởi vì nhơn sanh căn trí vô lượng; sức phàm hữu hạn khó bề đối trị. Do đó, ngoài thời gian siêng năng tìm học, suy niệm, trau giồi vốn liếng tri thức thế học và đạo học, v.v…người Phổ Tế còn phải thường năng tọa thiền, tịnh luyện và chí thành cầu nguyện ngõ hầu có đủ Thánh ân soi dẫn, hộ trì cho từng bước đi, từng vung tay vãi hạt giống lành trên cánh đồng phổ thông chánh pháp Kỳ Ba, góp phần thực thi sứ mạng trung hưng của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài.
Giáo Sư THƯỢNG VĂN THANH
Thánh đường Quảng Nam
29-3 Tân Sửu (Thứ Bảy 10-4-2021)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét