HUỆ KHẢI
1. Duyên lành
Vào trung tuần tháng 7 Canh Dần (tháng 8-2010), tôi về Tam Kỳ lần đầu tiên nhân dịp kỷ niệm bảy mươi lăm năm đưa Đạo Thầy về Quảng Nam và bốn mươi năm lạc thành thánh đường Quảng Tín.
Sáng Thứ Ba 05-7-2016, tháp tùng quý Anh Lớn Chưởng Quản Cơ Quan Phổ Tế, tôi trở lại thánh đường Quảng Nam lần thứ hai để chia sẻ một câu chuyện về đạo sự Phổ Tế. Bấy giờ thánh hiệu ở mặt tiền vẫn còn giữ y như hồi kiến tạo vào tháng 8-1970 là thánh đường Quảng Tín.
(1) Thứ Ba 31-7-1962, sắc lệnh 162-NV của Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa chia tỉnh Quảng Nam thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín, lấy sông Rù Rì làm ranh giới hai tỉnh. Cho tới đầu năm 1975, Quảng Tín là một tỉnh đạo của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Năm 1976, tỉnh Quảng Tín hợp nhất với Quảng Nam và Đà Nẵng để thành tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Thứ Tư 06-11-1996, tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng để tái lập tỉnh Quảng Nam và lập thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương (Hà Nội). Từ năm 1976 trở đi tên thánh đường đúc ở mặt tiền vẫn giữ nguyên là Quảng Tín; khi trùng tu vào cuối tháng 11-2020 mới sửa là thánh đường Quảng Nam.
Thấm thoát mà gần tròn năm năm. Trong ngần ấy thời gian, tôi đã lỡ hai dịp quan trọng. Một là lễ khánh thành nhà tu Trí Huệ (Chủ Nhật 24-02-2019). Hai là lễ hoàn nguyện trùng tu thánh đường Quảng Nam (Chủ Nhật 22-11-2020).
Nhờ vào tấm lòng ưu ái của hai Anh Lớn Chưởng Quản Cơ Quan Phổ Tế, và của quý chức sắc Ban Đại Diện Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài tại tỉnh Quảng Nam, hôm nay tôi lại có duyên lành trở về nhà thánh lần thứ ba, để được góp chút công quả nhỏ nhít vào
Khóa Bồi Dưỡng Ban Phổ Tế hai mươi mốt họ đạo tại tỉnh Quảng Nam. Huệ Khải xin cảm tạ hai Anh Lớn Chưởng Quản Cơ Quan Phổ Tế, quý chức sắc Ban Đại Diện Hội Thánh tại tỉnh Quảng Nam, và tất cả quý anh chị em áo trắng đang có mặt nơi đây vào lúc này.
Con cầu xin Thầy Mẹ và Liệt Thánh Tông Đồ ban bố điển lành, giúp con được sáng suốt trong câu chuyện phổ tế chiều nay, để con nghĩ đúng và nói đúng chánh pháp Kỳ Ba trong thiện ý đóng góp một hạt cát thô mộc vào bay hồ của Cơ Quan Phổ Tế ngõ hầu chung tâm, chung sức xây đắp con đường sứ mạng trung hưng.
2. Nghĩ vụng
2.1. Ban Tổ Chức Khóa Bồi Dưỡng Ban Phổ Tế trao cho tôi đề tài: Trách Nhiệm Phổ Tế Trong Cơ Đạo Hôm Nay. Suy nghĩ về đề tài này, tôi liên tưởng tới những con người làm đạo sự (hay công tác) Phổ Tế. Do đó, tôi xin phép được nói cụ thể là trách nhiệm của cán bộ Phổ Tế. Tại sao lại dùng hai chữ cán bộ? Bởi lẽ hai chữ cán bộ 幹部 với đúng nghĩa của nó sẽ gieo một ý thức cho người làm công tác Phổ Tế.
Theo kết quả tôi tìm thấy, từ năm 1963 tới năm 1973 có ít nhất mười hai thánh giáo dùng hai chữ cán bộ.
- Thứ Sáu 27-9-1963 (10-8 Quý Mão), tại Thiên Lý Đàn (quận 3, Sài Gòn), Đức Giáo Tông Thái Bạch dạy Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài: “[Tu xá] là nơi rèn luyện các giáo sĩ hướng đạo và các cán bộ xã hội.”
- Thứ Tư 03-02-1965 (02-01 Ất Tỵ), tại Chơn Lý Đàn (Vạn Quốc Tự, quận 10, Sài Gòn), Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy hãy đào tạo “những cán bộ đạo đức”.
- Thứ Hai 24-01-1966 (04-01 Bính Ngọ), tại thánh thất Bàu Sen (quận 5, Sài Gòn), Đức Bạch Liên Tiên Trưởng (Phan Thanh) nhắc lại hoài bão sanh tiền là “rèn luyện những cán bộ nòng cốt để đem giáo lý Đạo Thầy ban rải ba miền trong nước”.
- Thứ Sáu 03-6-1966 (15-4 Bính Ngọ), tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài (quận 4, Sài Gòn), Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam phải chăm lo về phương diện kinh tế, tài chánh để “cán bộ” an tâm hành đạo.
- Chủ Nhật 20-8-1967 (15-7 Đinh Mùi), tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh dạy Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam phải huấn luyện thanh thiếu niên thành “những cán bộ nòng cốt” làm công tác ngoại giao sau này.
- Chủ Nhật 17-9-1967 (14-8 Đinh Mùi), tại Hoa Linh Nguyệt Điện (quận Thủ Đức, Sài Gòn), Đức Quan Âm Bồ Tát dạy hãy đào tạo cô nhi “trở thành những cán bộ có đủ hoàn cảnh thoát ly gia đình, hành đạo giúp đời, xã hội nhơn sanh”.
- Chủ Nhật 15-6-1969 (01-5 Kỷ Dậu), tại Chơn Lý Đàn (Vạn Quốc Tự), Đức Ni Sư Diệu Lộc dạy hãy đào tạo cô nhi “để sau này chúng trở nên là cán bộ, giáo sĩ, tu sĩ để truyền giáo phổ độ chúng sanh trên đường hướng thiện”.
- Thứ Sáu 20-02-1970 (15-01 Canh Tuất), tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh dạy Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam: “Điều cần yếu là vấn đề cán bộ nòng cốt truyền giáo ở tương lai mà thành phần nhắm vào sự đào tạo mầm non thanh thiếu niên.”
- Thứ Hai 20-11-1972 (15-10 Nhâm Tý), tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (quận 1, Sài Gòn), Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh dạy: “(P)hần trọng trách là đào tạo những cán bộ, tu sinh, tu sĩ về phương diện truyền giáo trong tương lai.”
- Thứ Bảy 09-12-1972 (04-11 Nhâm Tý), tại Minh Lý Thánh Hội (quận 3, Sài Gòn), Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy về nguyên tắc “đào tạo giáo phẩm, cán bộ các cấp”.
-Thứ Ba 26-12-1972 (21-11 Nhâm Tý), tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, Đức Minh Đức Đạo Nhơn dạy về “đào tạo tu sinh, tu sĩ, giáo sĩ, tạm gọi là cán bộ truyền giáo để truyền bá giáo lý thuần nhứt của đạo Cao Đài hầu giáo dân vi thiện”.
- Chủ Nhật 04-3-1973 (30-01 Quý Sửu), tại Thiện Đức Đàn, Đức Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn dạy về “đào luyện cán bộ truyền giáo ngày mai”.
2.2. Sau khi trích dẫn mười hai thánh giáo ban truyền ở nhiều nơi khác nhau trong các năm từ 1963 tới 1973, giờ đây câu hỏi của chúng ta là: Vì sao các Đấng từ Thiên Đình lâm phàm dạy đạo lại dùng hai chữ cán bộ? Phải chăng các Đấng gieo ý thức hành đạo cho chúng ta? Mà muốn có ý thức đúng để hành đạo thì chúng ta cần hiểu rõ cán bộ là gì?
- Từ điển zdic.net của Tàu (https://www.zdic.net/hans) giảng 干部 [幹部 cán bộ] là: 团体的中坚分子 (đoàn thể đích trung kiên phần tử). Có lẽ căn cứ vào đây mà Từ Điển Hán Việt Trích Dẫn trực truyến của Đặng Thế Kiệt (bên Pháp) giảng cán bộ là: “Phần tử trung kiên của (. . .) một đoàn thể.”
- Từ điển Hán-Anh của Tàu (https://www.mdbg.net) giảng 干部 [幹部 cán bộ] là: cadre / official / officer /manager. Tương tự như thế, zdic.net dịch干部 [cán bộ] là: functionary; cadre. Ta hiểu: functionary, official, officer là viên chức của cơ quan nhà nước. Còn manager là nhà quản lý.
- Từ điển Oxford của Anh giảng cadre [cán bộ] gồm hai nghĩa như sau:
1/ A small group of people specially trained for a particular purpose or profession. (Một nhóm nhỏ những người được huấn luyện đặc biệt để phục vụ một mục đích hay nghề nghiệp đặc thù.)
2/ A member of an activist group. (Một thành viên của một nhóm gồm các phần tử tích cực.)
Vậy, suy ra, khi Ơn Trên gọi người hành đạo, làm việc cho Hội Thánh, cho một cơ quan (tổ chức) trong đạo Cao Đài là cán bộ thì hàm ngụ trong hai chữ cán bộ là những tính chất này:
- Người cán bộ hành đạo chẳng khác một viên chức trong cơ quan nhà nước; do đó, không thể vui thì làm mà buồn thì bê trễ.
- Người cán bộ của đạo là chuyên viên, có kỹ năng chuyên môn, biết quản lý công việc, có lòng trung kiên phụng sự đạo.
- Người cán bộ hành đạo cần thường xuyên tự trau dồi để nâng cao kỹ năng mà phụng đạo hiệu quả hơn.
Hiểu như thế tức là có ý thức đúng. Và có lẽ đó là lý do Ơn Trên gọi người hành đạo là cán bộ, cán bộ nòng cốt. Từ suy nghĩ này, tôi xin phép được trình bày đề tài là: Trách Nhiệm Cán Bộ Phổ Tế Trong Cơ Đạo Hôm Nay.
3. Trách nhiệm cán bộ Phổ Tế là trách nhiệm về cái gì?
Cán bộ Phổ Tế có hai trách nhiệm: 1/ Trách nhiệm về đạo đức bản thân; 2/ Trách nhiệm về năng lực phổ tế (kỹ năng chuyên môn).
3.1. Trách nhiệm về đạo đức bản thân
Đạo đức (virtue) nói gọn là đức. Chữ đức 德 gồm có:
- Bộ xích 彳là bước chân trái. Bước chân phải là xúc 亍. Xích và xúc hợp lại thành chữ hành 行, là việc làm, cử chỉ, cành vi. Chữ 行 cũng đọc là hạnh, tức nết hạnh. Còn ẩn trong tâm là đức 德, thi hành ra là hạnh.
- Chữ thập 十; chữ mục 目; chữ nhất 一; chữ tâm 心.
Thầy Tăng Tử nói: “Thập mục sở thị 十目所視 . . .” (Mười con mắt nhìn vào. . .) Ở đây mười diễn tả số nhiều; tức là bá tánh (nhơn sanh) lúc nào cũng chằm chằm để ý, xét nét xem việc làm, cử chỉ, hành vi, lòng dạ, và nết hạnh của người cán bộ Phổ Tế có là một hay không. Cán bộ Phổ Tế chủ yếu đem thánh ý truyền đạt trong tín hữu họ đạo. Thế thì lòng dạ và lời nói của cán bộ có phù hợp với việc làm và cử chỉ của cán bộ hay không. Nói khác đi, cán bộ Phổ Tế có đức (đạo đức) thì lời nói và việc làm, cử chỉ trước sau như một; do đó, Thần Minh chứng giám, hộ trì cán bộ và nhơn sanh mến mộ, tín phục cán bộ. Cho nên, cán bộ Phổ Tế luôn sợ hãi mỗi khi nhớ tới lời răn dạy của Đức Ngô Tôn Sư ban truyền tại tu xá Phước Huệ Đàn vào Thứ Sáu 22-5-1959:
“Giáo lý nhích môi là tuôn ra những câu triết lý mà lòng mình đen tối. Giống bồ đề không sanh nở, nào thấy gì tình thương, thấy gì lẽ thật và sự sống đời đời, thì dù có truyền đạo bốn phương cũng chỉ là đi cầu lấy cái danh, rước lấy cái tội.”
Chính vì cán bộ Phổ Tế phải có trách nhiệm về đạo đức bản thân nên chiều hôm nay, trong Khóa Bồi Dưỡng này, Giáo Sư Thượng Văn Thanh, Chưởng Quản Cơ Quan Phổ Tế, sẽ trình bày bài học số 3 với nhan đề: Tâm Đức Đạo Hạnh Người Phổ Tế.
3.2. Trách nhiệm về năng lực phổ tế
Sáng mai, Chủ Nhật 11-4-2021, Giáo Sư Thượng Liêm Thanh, Phó Chưởng Quản Cơ Quan Phổ Tế, sẽ trình bày bài giảng với nhan đề: Những Kỹ Năng Cần Thiết Của Người Phổ Tế. Như vậy, Giáo Sư Thượng Liêm Thanh sẽ giúp chúng ta hiểu biết trách nhiệm về năng lực phổ tế của cán bộ Phổ Tế.
Ở đây chúng ta đều thấy rằng năng lực mỗi cán bộ Phổ Tế so với yêu cầu của sứ mạng Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài thì biết sao là đủ, biết mấy là vừa. Chỉ mong, ngoài các khóa huấn luyện, bồi dưỡng rất bổ ích (như lần này) do Cơ Quan Phổ Tế thực hiện, thì bản thân mỗi cán bộ Phổ Tế luôn luôn tự đào tạo cho chính mình theo ba phương châm:
- Chung nhật kiền kiền 終日乾乾 (hào cửu tam quẻ Càn), tức là suốt ngày năng nỗ và thận trọng, dặt dè.
- Tiến đức tu nghiệp 進德修業 (hào cửu tam quẻ Càn), tức là thăng tiến về đạo đức, trau dồi cho vững chuyên môn.
- Tự cường bất tức 自強不息 (đại tượng truyện quẻ Càn), tức là nỗ lực không ngừng.
4. Ba nội dung cần xuyên suốt trong công tác Phổ Tế
Nói xuyên suốt có nghĩa là gồm cả lúc này và lâu dài về sau. Tính xuyên suốt này cần lưu ý vì công tác Phổ Tế gắn liền với sự nghiệp xây dựng một Giáo Hội, cho nên không thể gián đoạn và tuyệt nhiên chẳng thể nhất thời.
Tại Thiên Lý Đàn (Thứ Sáu 27-9-1963), Đức Chí Tôn dạy các bậc hướng đạo của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài: “Việc xây dựng một Giáo Hội, công nghiệp trăm năm, ngàn năm chớ nào phải một ngày một buổi.” Lời dạy này cho thấy lý do vì sao cần xuyên suốt. Ngoài ra, vì con người thường mau quên và mau lờn, cho nên cần luôn luôn được nhắc nhở, thúc giục.
Khi cán bộ Phổ Tế truyền giảng giáo lý trong họ đạo, trong tín hữu và nhơn sanh, có ba nội dung cần xuyên suốt: 1/ Giáo dân vi thiện ; 2/ Sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ; 3/Sứ mạng trung hưng.
4.1. Giáo dân vi thiện
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài gọi gia đình tín hữu là thiện gia, gọi thành viên trong thiện gia là thiện dân. Thánh giáo dạy rằng cần lưu tâm chăm sóc thiện dân.
Tại Trung Hưng Bửu Tòa (Thứ Ba 24-02-1959), Đức Đông Phương Lão Tổ dạy:
Thương đời sớm tối ân cần
Hòa mình trong đám thiện dân dắt dìu.
Tại Trung Hưng Bửu Tòa (Chủ Nhật 24-9-1961), Đức Vô Cực Từ Tôn dạy:
Lễ Sanh tập ra đi hành đạo
Trị Sự lo hoài bão thiện dân.
Muốn có thiện dân và thiện gia thì cần giáo dục tín đồ sống thiện, hành thiện, yêu quý cái thiện. Vậy, giáo dân vi thiện là dạy người dân trong họ đạo làm thiện làm lành. Tại Trung Hưng Bửu Tòa (Thứ Năm 25-12-1958), Đức Thái Bạch Kim Tinh dạy rằng Phổ Tế lo phần “giữ đạo, truyền đạo, giáo hóa”. Như thế, giáo dân vi thiện chính là giáo hóa. Chúng ta cần lưu ý thứ tự mà Đức Giáo Tông dạy Phổ Tế. Nói xuôi thì: Giữ đạo mới có cái mà truyền đạo, và truyền đạo là để giáo hóa. Nói đảo lại thì: Muốn giáo hóa phải truyền đạo, và muốn truyền đạo thì phải giữ đạo mới có cái để truyền trao.
Trong các bài giảng hướng về mục đích giáo dân vi thiện, cán bộ Phổ Tế có sẵn nguồn thánh giáo rất phong phú là bộ Thánh Truyền Trung Hưng. Khéo léo chọn lựa để trích dẫn các lời dạy phù hợp mục đích giáo dân vi thiện thì bài giảng của cán bộ Phổ Tế đạt được hai tác dụng: 1/ Tăng sức thuyết phục cho bài giảng; 2/ Giúp tín hữu ôn học thánh giáo ứng dụng vào đời sống hằng ngày.
Thử nêu một ví dụ: Khi giảng về biệt nghiệp (nghiệp riêng từng người) và cộng nghiệp (nghiệp chung của nhiều người trong một tập thể), cán bộ Phổ Tế có thể làm sáng tỏ sự liên đới về nghiệp quả trong cùng một gia đình. Một anh cưới vợ, một cô lấy chồng tức là tự lãnh thêm cho bản thân phần cộng nghiệp của gia đình bên vợ hay bên chồng. Do đó, nếu gia đình bên vợ hay bên chồng là gia đình đạo đức thì vẫn tốt hơn hẳn một gia đình tuy giàu to, thế lực nhưng lại kém đạo đức. Nói cách khác, bậc làm cha làm mẹ khi dựng vợ gả chồng cho con, thay vì quan tâm khía cạnh môn đăng hộ đối thì nên biết chú ý tới khía cạnh đạo đức của thông gia, sao cho con cái mình nhập vào gia đình đó khỏi phải lãnh thêm phần cộng nghiệp không tốt.
Để minh họa cho đạo lý này, cán bộ Phổ Tế có thể trích dẫn lời dạy của Đức Nguyễn Vĩnh Từ tại Trung Hưng Bửu Tòa (Thứ Sáu 22-4-1960). Ngài dạy như sau:
“Đạo hữu có quan niệm lành mạnh và giác ngộ thấu đáo thì họ mới xả thân, xả phú cầu lấy đạo đức. Có biết đạo đức là quý báu thì họ mới giâm nó vào lòng con cháu họ, vì họ sợ con cháu thiếu hạnh phúc sau nầy.
“Nhưng trái lại, bấy lâu họ cũng thương con nịnh cháu họ. Mặc dù là tu nhưng cũng cúm núm cho con miếng thịt miếng huyết, con tôm con cá để cho con ngon miệng béo thân, và để mặc con đùa con nghịch vừa với ý con. Họ lại chọn rể giàu rể giỏi, quyền quý hơn mình mà gởi con vào trong ngục trăm năm, không nghĩ con mình vào đó mất tu bỏ Đạo, nhốt chôn linh hồn muôn kiếp mịt mờ. Ý đó là ý môn đăng hộ đối, so sánh bên ngoài, nào nghĩ thằng rể mình có đạo, thằng chồng con mình có tu là vị hộ pháp linh hồn, con mình nhờ đó mà còn Đạo còn tu, mà chỉ nghĩ người ấy có của có quyền, có danh có phận.
“Ôi! Danh phận rồi cũng hư, của quyền rồi cũng mất, chỉ có đạo đức là còn, mà mấy ai chọn rể lựa dâu, gây mầm đạo hạnh tương lai, xây đắp thịnh vượng.
“Họ không ngó xa là vì họ chưa có một ý thức tội phước hơn kém hai mặt. Còn con gái, con trai họ cũng chưa ý thức lâu dài. Nó chỉ ngó nhau trên bằng cấp, trên áo quần, gương mặt bảnh bao, mà nó không thấy đó là mối hại cho đời, là con sâu lung lạc lòng mình. Nó đâu có đi sâu vào tâm địa con người, mà chỉ thấy giá trị mặt đời là thế, chỉ có thế.”
Để có thể chọn và trích những đoạn thánh giáo khế hợp bài giảng như dẫn trên, đòi hỏi cán bộ Phổ Tế thường xuyên nghiền ngẫm Thánh Truyền Trung Hưng, ghi chép cẩn thận những đoạn thánh giáo mà mình xét thấy đáp ứng cho ba nội dung cần xuyên suốt của công tác Phổ Tế (giáo dân vi thiện, sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, sứ mạng trung hưng).
Nhân đây cũng nên lưu ý rằng Thánh Truyền Trung Hưng rất phong phú. Môn sanh Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài nếu thiếu siêng chăm nghiền ngẫm Thánh Truyền Trung Hưng thì chẳng khác nào trong nhà có ngọc quý mà lại tất tả chạy đôn chạy đáo ra đường tìm kiếm sỏi đá.
Siêng chăm nghiền ngẫm Thánh Truyền Trung Hưng không chỉ giúp ích cho năng lực phổ tế mà còn giúp chúng ta thụ đắc phần kết quả về tâm linh. Tại Trung Hưng Bửu Tòa (Chủ Nhật 31-01-1960), Đức Cái Thiên Cổ Phật dạy:
“Lão ước gì mỗi một người đạo tâm nên luôn luôn tụng đọc thánh huấn cho được thấm nhuần thì thấy con đường tận độ của Thầy. Dầu không tham thiền nhập định cũng được chứng ngộ đạo quả.”
4.2. Sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
Sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là gì? Tại Trung Hưng Bửu Tòa (Thứ Hai 23-02-1959), Đức Đông Phương Lão Tổ dạy:
“Phải làm cho bốn biển chung nhà, năm châu chung chợ, vạn vật chung sống trong bầu Tạo Hóa tự do, giải thoát tất thảy nghiệp trái oan khiên cho người đời về phần xác lẫn phần hồn rất nên thanh khiết, trọn vẹn.”
Nếu có tầm nhìn hẹp, chúng ta dễ có xu hướng trình bày đạo Cao Đài như mọi tôn giáo xưa cũ. Để có tầm nhìn rộng lớn, chúng ta cần học hỏi sâu rộng để gọi là tạm đủ sức trình bày đạo Cao Đài ở mức độ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Tại Trung Hưng Bửu Tòa (Chủ Nhật 02-3-1969), Đức Thái Bạch Kim Tinh dạy:
– “Đạo xuất hiện lần này không phải để giải quyết nhu cầu lẻ tẻ, chấp nhận một đường lối nào, mà là làm cho nhân loại quý sự sống, thực hiện tình thương, thấy cho được lẽ thật mà quy hoàn trở lại chỗ cơ bản con người.”
– “Sứ mạng lần này là để thiết lập một nguơn thanh bình. Cảnh đời như ban mai không chút não phiền, không còn thắc mắc. Muốn đi đến đó thì ngay bây giờ phải đặt nền móng chặt chịa cho công cuộc tương lai.”
Thật sự, để bản thân cán bộ Phổ Tế lãnh hội trọn vẹn sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vốn đã khó, thế mà trình bày sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ cho mọi người thấu tỏ lại càng khó hơn nhiều lần. Tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý (Chủ Nhật 31-3-1985), Đức Cao Triều Phát dạy:
“Tính chất giản lược của giáo lý Đại Đạo có ưu điểm là dễ hiểu, dễ phổ biến; tuy nhiên, cũng chưa làm sáng tỏ minh bạch cao độ. Nhìn về nội bộ Cao Đài, đã bao người am tường yếu lý của Đạo rành mạch thâm sâu, nên có một số chư đạo hữu, đạo tâm còn ưu tư ngờ vực về tiền đồ cơ Đạo, mặc dù hết sức tin Thầy mến Đạo.”
Sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ sẽ khó hoàn thành nếu tôn giáo Cao Đài vẫn cứ là một thánh hình bị “quỷ vương phanh phui, chia cắt” (lời Đức Thái Bạch Kim Tinh, dạy tại Trung Hưng Bửu Tòa, Thứ Ba 10-02-1959).
Do đó, để hoàn thành sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ phải có sứ mạng trung hưng nhằm cứu lấy tôn giáo Cao Đài, hàn gắn thánh thể bị quỷ vương chia cắt, phanh phui. Khi nhận thức như vậy, càng thấy vinh quang rất mực mà cũng là gánh nặng Thái Sơn của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, của Trung Hưng Bửu Tòa.
4.3. Sứ mạng trung hưng
Sáng nay Giáo Sư Thượng Liêm Thanh, Phó Chưởng Quản Cơ Quan Phổ Tế, đã trình bày bài giảng đầu tiên với nhan đề: Chánh Pháp Trung Hưng Và Sứ Mạng Trung Hưng. Ngoài ra, trong chín tập sách của Giáo Sư Thượng Liêm Thanh đã xuất bản trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, có quyển Sứ Nghiệp Trung Hưng (Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2018). Qua phần trình bày sáng nay và tập sách dày hơn 500 trang của Giáo Sư Thượng Liêm Thanh, chúng ta có thể lãnh hội được nhiều thông tin cần thiết về sứ mạng trung hưng, và thấy rõ sứ mạng này rất cao cả.
Chính vì sứ mạng trung hưng rất cao cả, nên đòi hỏi con người thi hành sứ mạng trung hưng cũng phải cao cả. Tại Trung Hưng Bửu Tòa (Thứ Ba 16-02-1960), Đức Thành Hoàng Bổn Cảnh dạy:
“Sự nghiệp trung hưng đâu phải một việc tầm thường kẻ phàm nhân đảm đương được, mà là một sứ mạng lớn lao chỉ người thánh tâm, quân tử mới đủ tư cách đảm đương.”
Con người cao cả đâu dễ có nhiều, do đó cần không ngừng gieo ý thức, nuôi dưỡng, phát triển hoài bão về sứ mạng trung hưng để con người chưa cao cả rán vượt lên chính mình ngõ hầu thi hành sứ mạng trung hưng. Tại Trung Hưng Bửu Tòa (Thứ Ba 10-02-1959), Đức Quan Thánh Đế Quân dạy:
“Gần trước xa sau, nhứt là làm cho nội bộ cảm thông, có một đức tin theo một đường lối, để cho toàn diện được nhận thấy sứ mạng trung hưng mà nguyện hy sinh xây dựng Đạo.”
Một nội dung lớn của sứ mạng trung hưng là gieo ý thức thống nhứt. Tại Trung Hưng Bửu Tòa (Thứ Ba 10-02-1959), Đức Quan Thánh Đế Quân dạy:
“Hiện tình nội bộ nền đạo gặp phải không biết bao khó khăn. Chánh pháp đã lem ố. Một thánh thể chia xẻ nhiều mảnh nhỏ to. Con cái của Thầy bơ vơ, thiếu người hướng đạo. Nếu nơi nầy [Trung Hưng Bửu Tòa] không sớm mạnh dạn đứng ra cứu chuộc lại tên tuổi Đạo Trời, không đem quyền pháp được ban mà hàn gắn cho thánh hình lành mạnh, không quyết lòng vì sứ mạng thì muôn vạn sanh linh sẽ sa bước vào hố thẳm hang sâu.”
Chính vì vậy, Cơ Quan Phổ Tế không chỉ đảm đương công tác Phổ Tế trong nội bộ Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, mà còn gánh vác trọng trách ngoại giao với các Hội Thánh trong Nam. Tại Trung Hưng Bửu Tòa (Thứ Ba 10-02-1959), Đức Quan Thánh Đế Quân dạy:
“Về việc Phổ Tế năm nay [1959], muốn cho nền Đạo được mạnh mẽ tỏ sáng thì phải theo một nguyên tắc chung là bắc cầu sang qua các chi phái để ngọn đuốc trung hưng được soi rọi khắp nơi.”
Mặc dù đó là lời dạy cho năm 1959, nhưng chúng ta nên hiểu rằng bao lâu “ngọn đuốc trung hưng” còn chưa “soi rọi khắp nơi” thì việc “bắc cầu sang qua các chi phái” của Cơ Quan Phổ Tế vẫn còn phải thực thi lâu dài, xuyên suốt.
5. Thay lời kết luận
Hai ngày hội ngộ của Khóa Bồi Dưỡng Ban Phổ Tế hai mươi mốt họ đạo tại tỉnh Quảng Nam diễn ra nhằm cuối tiết Trọng Xuân, hiểu cho vui là lúc xuân đang chín. Hơn nữa, mùa xuân theo cách nghĩ lâu đời của mọi người là khởi đầu cho những công việc to tát, ý nghĩa.
Năm nay là Tân Sửu. Tân là can thứ tám, ứng với quẻ Khôn (đất, địa). Sửu là chi thứ hai, ứng với quẻ Đoài (đầm, trạch). Vậy Tân Sửu ứng với quẻ Địa Trạch Lâm.
Quẻ Lâm gồm hai hào dương ở dưới, bốn hào âm ở trên, diễn tả xu thế đang lên của khí dương, ưu thế đang tăng của công tác Phổ Tế. Vậy, quẻ Lâm báo trước một thời kỳ công tác Phổ Tế gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp mà Khóa Bồi Dưỡng Ban Phổ Tế này là một minh chứng.
Quẻ Lâm gồm ngoại quái ở trên là Khôn (đất), nội quái bên dưới là Đoài (hồ nước). Bờ hồ (đất, Khôn) tiếp liền với nước hồ (Đoài), tức là cả hai quan hệ mật thiết với nhau. Vậy, quẻ Lâm diễn tả tương quan mật thiết của cán bộ Phổ Tế với tín hữu họ đạo, luôn luôn nhiệt thành tiếp xúc và gần gũi tín hữu họ đạo để chu toàn trách nhiệm của mình.
Trách nhiệm của cán bộ Phổ Tế không nhẹ nhàng chút nào. Để công tác Phổ Tế đạt được kết quả mong muốn, đòi hỏi cán bộ Phổ Tế thường xuyên trau dồi bản thân để vượt lên chính mình. Ba phương châm chung nhật kiền kiền, tiến đức tu nghiệp, tự cường bất tức nếu nói thì ai cũng dễ nói nđược, nhưng có làm mới biết là còn cả một quãng cách xa vời từ lời nói tới việc làm, từ thuyết tới hành.
Cán bộ Phổ Tế vì vậy luôn luôn sốt sắng cầu nguyện để ngoài tự lực bản thân, chúng ta còn có thêm tha lực của Ơn Trên hộ trì, soi dẫn. Chúng ta học đạo, hành đạo, phụng đạo luôn luôn tâm niệm, gắng ghi lời dạy của Đức Chí Tôn tại Thiên Lý Đàn (quận 3, Sài Gòn), Thứ Sáu 27-9-1963:
Gắng lên, Thầy sẽ dắt con lên
Sử Đạo ngàn thu rạng tuổi tên.
Xin tâm tình như vậy để chúng ta cùng nhau tin yêu, hòa ái, hợp tác ngõ hầu góp phần đảm đương công tác Phổ Tế, phụng sự Hội Thánh.
HUỆ KHẢI
Thánh đường Quảng Nam
29-3 Tân Sửu (Thứ Bảy 10-4-2021)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét