Vào đêm 23 rạng ngày 24 tháng 7 năm Giáp Tuất (1934) tại Thánh Tịnh Đại Thanh Gò Vấp, Gia Định, Đàn cơ đầu tiên Thầy ban chỉ "Truyền Đạo Trung Kỳ".
"NGỌC chỉ ban ra dạ nghẹn ngùng,
HOÀNG cầu thế giới vẫn trời chung;
THƯỢNG cờ qui nhứt Minh Chơn Đạo,
ĐẾ mạng chừ ai gánh vác cùng?"
..."Ngày nay một phận sự quan hệ là truyền Đạo Trung Kỳ. Ban, Thầy sai con và Tứ Linh Đồng Tử khá kíp về Trung đặng hoát khai Chơn Đạo..."
Kể từ đó đoàn người sứ mạng lãnh lệnh đưa Đạo về Quảng Nam với tinh thần:
"Nghìn dặm xa xôi cánh nhạn trương,
Cùng nhau xốc gánh Đạo lên đường..."
Để rồi chấp nhận:
"Thuyền lướt sóng lúc dồi lúc dập,
Sóng bổ thuyền lượn thấp lượn cao"...
Tứ Linh Đồng Tử là bộ phận thông công do Thầy chọn làm phương tiện chuyển mối Đạo từ Thầy qua Thiên điển để cơ trình từng bước hiện bày, nhân duyên từng nơi kết tụ. Cùng lúc đó, các mối Đạo Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi tùy thuận cơ duyên, nhập dòng thành cơ Đạo miền Trung Nam, Ngãi, Bình, Phú.
Nền Tân pháp từ đó đã thâm nhập vào mọi tầng lớp mà không do bởi một Chức sắc của Chi Phái hay Hội Thánh nào ở miền Nam ra truyền. Do đó bổn đạo miền Trung không thống thuộc một Chi Phái nào mà gồm đủ cả Tiên Thiên, Cầu Kho, Tây Ninh, Minh Chơn Đạo, Liên Hòa Tổng Hội.v.v...
Các tỉnh miền Trung vốn là mảnh đất nghèo nàn, kham khổ nhưng có nhiều linh khí văn vật, lắm nhân sĩ ưu thời mẫn thế, nhiều bậc uyên thâm, đạo đức chân tu, sở đắc Đạo học Tam giáo đồng nguyên, với bản chất hiền hòa luôn thị hiện tâm Bồ Tát. Đó là nhân tố để Thầy và các Đấng Thiêng Liêng chuyển Đạo Trung Kỳ lập cơ qui nhứt ban truyền sứ mạng Trung Hưng. Thầy, Mẹ, các Đấng Thiêng Liêng, chư Thần, Thánh Việt Nam đã hội hiệp điển quang, chung dòng Pháp nhũ, khơi mạch dưỡng sinh, ươm mầm Thánh thiện, đưa ơn Tận độ đến mọi nhà.
Gặp lúc non sông khốn đốn, đất nước điêu linh, từ cảnh bị trị chuyển sang chiến tranh khốc liệt. Người dân không những chịu tình trạng phân ly tao loạn, cửa nát nhà tan, sớm còn tối mất mà thêm thảm cảnh rẽ chia nghi kỵ. Bên này hành, bên kia phạt để rồi có kẻ tù đày, có người thọ tử. Đối với một nền Đạo mới, phương tiện truyền giáo lại là thông công Cơ bút nên đã phải nếm trải nhiều thử thách gian lao, anh tù em tội, chùa bế thất niêm. Các Hướng đạo miền Trung đã dâng trọn thân tâm, chư Đạo đồ cũng đã hy sinh tất cả cho sự nghiệp truyền Giáo độ Đời.
Qua bao thử thách vàng đá phân vân, kể từ năm Nhâm Thìn (1952), do Đồng Tử Liên Hoa chấp cơ. Trong những đêm vắng lặng, từ nơi này, nơi kia, từ miền xuôi lên mạn ngược khắp cùng Nam, Ngãi, Bình, Phú nguồn Thiên điển đã kết nên lời vàng, tiếng ngọc, tạo chất sống tâm linh cho mọi mảnh hồn chí thành chí kỉnh. Ơn trên đã mở ra vận hội mới, muôn vàn lời Thánh ý Tiên đã chan rưới cho chúng sanh. Từ giai đoạn Chỉnh Cơ Lập Pháp sang Khai Cơ Giáo Pháp tất cả đều được lý giải thành các Chương Đạo Pháp.
- Phong thưởng cho người có công
- Hình thành bốn Cơ quan trị Đạo
- Ban 4 Pháp Bí tích
- Ban 4 tầng bậc công phu
- Xây dựng Bửu Tòa, Linh Tháp
- Hình thành Hội Thánh miền Trung với các tiêu ngữ:
* Thuần chân vô ngã
* Thiên nhân hiệp nhất
* Vạn giáo nhất lý
* Tâm vật bình hành
- Chỉnh tu hình thức Thiên ân
- Ban Thiên phục và gởi gắm nhân sanh cho Đầu Họ Đạo. (…)
Suốt mấy mươi năm dòng Thánh Truyền đã chuyển tải bao huyền ngôn diệu nghĩa vào cõi thế.
Rất tiếc vì ngoại cảnh miền Trung lúc bấy giờ quá đỗi khắc khe nên những "bản điển" [1] phần nhiều thất lạc. Tuy nhiên nội dung Thánh ý đã nằm lòng trong chư tín hữu.
Khi nguồn Ân Phước trao truyền tạm đủ mọi phương môn, Thầy dạy Hội Thánh phải soạn thành "Bửu Chương Pháp Đạo" để làm cơ chỉ cho "CHÁNH PHÁP TRUNG HƯNG". Hội Thánh đã tuân mạng, nhưng mãi thời gian thực hiện vì nhiều điều kiện nhân tâm chi phối, hoàn cảnh éo le nên những chương Đạo Pháp quí báu vẫn chưa thành hình, đã thế lại có thể bị biến tiêu luôn theo cơn xoáy trốt. Nhưng quả là việc của Thầy nào ai thấu được. Khi thời cơ biến chuyển vận hội xoay chiều, trong tinh thần đổi mới tư duy, nguồn văn hóa tâm linh đã có cơ tưới tẩm lại. Thánh ngôn, Thánh giáo Cao Đài được con cái Thầy lục lọi, sưu tầm sao chép. Lời Thánh Truyền Trung Hưng cũng đã vọng vang trong các buổi học Đạo đó đây. Hội Thánh nhận thấy rằng di sản mấy mươi năm của cơ Đạo miền Trung chưa gom được sẽ là điều tổn thất lớn cho hậu nhân, nên đã tìm phương kết tập.
Theo lời dạy của Thầy việc thực hiện Bửu Chương Pháp Đạo nên theo hình thức "Thủ Lăng Nghiêm" hoặc như là Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. Trong phạm vi có thể thực hiện được, Hội Thánh đã chọn cách "hiệp tuyển" tuần tự theo thời gian có đặt đề mục để khai thác, trích lục học hỏi.
Về phần nội dung, mặc dù đã cố gắng đối chiếu kỹ lưỡng nhưng sẽ không làm sao khỏi sai sót. Những đoạn chấm chấm... có thể là phần Thánh huấn nội vụ hoặc vì truy tìm chưa đầy đủ. Hội Thánh rất mong sự tiếp trợ bổ sung của chư thiện hữu để công trình kết tập Thánh Truyền Trung Hưng được bồi đắp thêm luôn.
Ngoài ra Hội Thánh nhận thấy trước đây có một số vị nóng lòng, đã thực hiện sưu tập. Điều nầy rất quí, tuy nhiên nay đối với Thánh Truyền Trung Hưng thì không cần thiết sưu tập riêng nữa, để tránh trình trạng tam sao thất bổn sai lạc Thánh ý.
Trong hoàn cảnh hiện tại, Hội Thánh chưa đủ điều kiện in ấn phát hành rộng rãi được, mà chỉ thực hiện thành từng tập lưu trữ tại Hội Thánh và Họ Đạo để quí Chức sắc có thể dùng tham khảo trích lục, giảng luận hướng dẫn tu học. Đây là một tiềm năng văn hóa dân tộc và Đạo học vô cùng quí báu mong rằng nó sẽ có cơ hội khai thác đúng mức làm món ăn tinh thần đích thực cho tâm linh, cho mọi người được sống trong Thánh Giáo, Thánh Ngôn.
HỘI THÁNH TRUYỀN GIÁO CAO ĐÀI
[1]/ Bản điển: Bản gốc do Điển ký ghi trong Đàn cơ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét