21.- VẬT
Muôn vật có đây vốn tự không,
Tìm không tịnh định ở nơi lòng,
Vô tâm đối cảnh không vương –vấn
Mới tỏ nhiệm mầu tánh sạch trong,
Trong không mà có lý siêu mầu,
Muôn vật có đây vốn tự đâu?
Biết rõ nguồn cơn “Không” với “Có”
Trở về “Cội Phúc” kíp đi mau.
Mau mau dứt bỏ cái tâm trần,
Muôn khổ buộc ràng bởi cái thân,
Trong vật suy ra nguồn lý Đạo;
Tỉnh tu một kiếp khá ân-cần
Muôn vật « có » đây là ở trong cái « không » mà sanh ra. Thói tình của người phàm hay trước ý về bên có mà thôi. Tìm biết được chỗ thường không đó, chắc phải khó rồi, mà thường không cái có kia lại càng khó hơn nữa.
Con người muốn đứng trên cái địa vị thường không này thì phải lấy tánh làm chủ. Lấy tánh làm chủ thì chưa từng có vật. Mình quên mình thì tự nhiên vật kia mất dạng. Vật tuy đầy ở trước mặt, mà thường coi như không vậy (1).
Bàn cư sĩ nói rằng :
Đản tự vô tâm ư vạn vật,
Hà phương vạn vật thường vi nhiễu.
Nghĩa là :
Chỉ giữ vô tâm cùng mọi vật,
Ngại gì vạn vật phũ vây mình
Người thì có người yêu quái, vật thì có vật yêu quái, nó hay mê hoặc người. Mà thật nó mê hoặc người được sao ? Ấy là tự mình mê nó chứ !
Sách Bá tự bi nói rằng :
Chân thường tu ứng vật.
Ứng vật bất khả mê.
Nghĩa là :
Theo đạo chân thường (2),
thì phải tiếp ứng với muôn vật,
nhưng tiếp ứng với muôn vật thì chẳng khá mê.
Nếu chẳng tiếp ứng thì ra không tịch hư vô.
Vậy có vật lại thì tiếp ứng, vật đi thì chớ lưu cầm.
Có câu quyết rằng : « Trước ý đầu đầu thố, vô vi hựu lạc không. » Nghĩa là : Để ý thì mỗi đoạn công phu đều sai lầm tuốt hết, còn không làm gì lại ra đoạn diệt hư vô.
Thấy vật tốt mà sanh lòng mến, thì cái tâm mình đã bị nó dẫn đi, tức là mê rồi. Xét thấu một vật thì không bị một vật đó mê hoặc. Xét thấu muôn vật thì không bị muôn vật đó mê hoặc.
Kinh Kim Cang nói rằng :
Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyển, bào, ảnh.
Như lộ, diệc như điển,
Ưng tác như thị quán.
Nghĩa là:
Hết thảy pháp nào thuộc hữu vi,
Chiêm bao, bọt bóng, dối ra chi!
Như tuồng điển chớp, sương đầu cỏ,
Phải xét cho rành như thế đi.
Các sự vật trong thiên hạ, tự có cái đạo lý ninh tịnh (3) trong đó, không nên để một mảy tư ý xen vào. Cho nên nói: thiên hạ có tưởng gì ? lo gì? Bởi cớ mà quân tử ráp việc thì làm rồi việc chớ không sanh sự, tùy vật mà cấp cho vật (4) chớ không để ý đến vật.
Trình Y Xuyên nói rằng: “Con người đối với vật ở ngoài, món nào để cấp dưỡng cho thân mình thì muốn cho tốt cả, chỉ có cái thân và cái tâm mình lại không muốn cho tốt. Họ đặng mọi vật ở ngoài tốt cả, mà có dè đâu thân và tâm của mình đã trước không tốt kia mà !
Nay người có nhà cửa, quần áo, món ăn uống, khí dụng, hay hỗ thẹn không bằng của người ta. Còn đến việc học vấn chẳng bằng người, lương tâm chẳng bằng người, lại không biết hỗ thẹn, là tại sao? Thật không nghĩ suy gì hết !
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Mình quên mình thì vật tự nhiên mất dạng. Nói vậy thì đủ thấy vì có mình ở trong, nên mới có vật ở ngoài. Mình ở trong quên mình thì vật ở ngoài tự nhiên mất dạng.
Kẻ thế bỏ chân tìm giả, mà còn cho rằng : Ta là người trí.”
(1 ) Kinh Phật nói: “Hữu tức phi hữu” nghĩa là: tuy thấy có mà kỳ thật là không phải có. Ngoài cái tâm ra không có pháp nào cả, không có vật nào cả. Các pháp, các vật cũng như bóng trong gương, không có thật thể.
(2 ) Đã biết gốc của Đạo là ở cảnh vô sự, thì cái chân mới có thể thường (còn hoài) được. Cái chân được thường, hết thảy cái giả ở ngoài không phạm đến nó được. Nhưng cái Đạo chân thường chẳng phải trốn đời lìa tục, cũng chẳng phải chỉ ngồi tịnh dứt niệm. Phải bước lên chỗ thật địa, đem hết sức thân thể ra mà thi hành. Cái chi do nơi trong lò to nấu luyện ra mới là chân, mới là thường. Nếu biết chân mà chẳng biết hành chân, tuy giữ đặng vô sự, mà cũng như món vật bằng cây chạm, bằng đất đắp. Ngoài tuy vô sự, nhưng trong khó tránh khỏi hữu sự. Cho nên nói rằng : “Thiền cơ bổn tịnh, tịnh sanh yêu”. Đây là đóng cửa bắt ăn cướp, cái giả không trừ được mà cái chân lại bị hại, thì làm sao cho chân thường được? bởi vậy nên nói : “Chân thường tu ứng vật, ứng vật yếu bất mê”. Nói chân thường tu ứng vật là lấy chân mà ứng với giả . Nói ứng vật yếu bất mê là mượn cái giả mà tu cái chân.
Số là cái chân ở trong cái giả, cái giả không ngoài cái chân. Không giả thì chẳng nên chân, không chân thì chẳng hóa giả. Chỉ tại thường ứng, thường tịnh, trong cái sát cơ mà trộm máy sanh cơ, trong chỗ sóng gió to mà vững lái yên chèo đó thôi. Nếu thật chẳng mê, tức là chân thường. Nếu biết chân thường, tuy cả ngày ứng vật, mà như không ứng vật, ở trong cảnh vô sự mà chẳng bị muôn vật dời đổi. như vậy thì ứng vật có ngại gì không?
Ứng vật chẳng mê thì cái chân của Đạo tâm thường còn, ắt cái giả của nhân tâm chẳng sanh, cái giả của nhân tâm chẳng sanh ắt tánh khí chất chẳng phát. Tánh khí chất chẳng phát thì tánh trời phú sáng suốt rực rở như cái tháp bằng thủy tinh, không nhiểm, không dơ, không lay, không động, mà tự nhiên trụ vững vàng.
Tóm lại tánh mà trụ được toàn là nhờ cái công phu ứng vật mà chẳng mê. Mê ắt nhân tâm dụng sự, chân tánh muội thì giả tánh phát. Chảng mê ắt Đạo tâm dụng sự, giả tánh mất thì chân tánh bày. Muốn hành cái Đạo trụ tánh, chẳng mê là tròn phận sự.
Trong bài Huỳnh hạc phú của đức Lữ Tổ có câu rằng: “Y thế pháp nhi tu xuất thế chi pháp.” Nghĩa là: Do nơi pháp ở trong đới, mà tu cái pháp ra ngoài đời. Lời này rất có thâm ý!
(3) Sách Châu Tử ngữ lục nói rằng: “Hĩ, nộ, ái, ố vị phát, thử tâm đình đình, đáng đáng, hiệp tại trung gian.” Nghĩa là : Mừng, giận, thương, ghét chưa phát thì cái tâm này ninh tịnh, hiệp ở ngôi trung.
(4) Tùy vật mà cấp cho vật, nghĩa là : như con vật nào, ăn món chi, thì cấp cho nó món đó. Ý nói tùy người, tùy cảnh.
22.- NGÃ (ta)
Vô ngã là phương thoát y phàm,
Bốn điều hữu ngã tự nơi tâm,
Tâm không chấp-trước ly trần cấu;
Đạo ở đâu xa phải nhọc tầm.
Tầm Đạo nơi ta, Tánh của ta.
Coi chừng bản ngã xúi làm ma,
Ma tình, ma dục, ma phiền-não
Che mất tâm linh, phá Đạo nhà.
Nhà ta, ta biết tự tâm ta,
Thanh tịnh vô-vi tánh sáng lòa,
Không chấp giả trần, không động loạn;
Mới tường tận lý Phật cùng Ma.
Sách Luận Ngữ có ghi rằng Đức Khổng Tử tuyệt 4 điều (1), mà để hai chữ vô ngã (không có ta) nơi đàng sau rốt, là vì: ý, tất, cố đều là do hữu ngã (có ta) mà ra. Duy cái ta này mà không, thì ý, tất, cố cũng đều theo đó mà không luôn. Ta là cội rễ của các việc tư (việc riêng của từng người). Không có ta thì cội rễ đoạn, các việc tư hết sanh nữa. Nay người ta có lòng làm những việc gì, có việc nào mà trong đó không có vì ta hay không? Việc chẳng lợi cho mình, thì làm sơ lược lấy có, bởi vì đời thấy nó cho là ở ngoài vòng nên bỏ ra. Việc có lợi cho mình thì tính từ thăng, từ đấu, từ chút mảy mọn, dẫu lụy mình, bỏ mạng cũng ráng đuổi theo. Cái ta nó làm hại lớn biết mấy! Duy không có cái ta thì việc tư tà hóa ra việc công chánh. Mình còn quên hình hài của mình nữa thì đâu có vật nào làm lụy cho được.
Hãy kiếm hết trong hình hài ta, có cái nào là ta đâu? Nếu không thấy cái ta thì đã trọn giải thoát.
Vĩnh gia tập nói rằng: Vô minh chẳng đoạn dứt, cố chấp quấy vì ta, theo ngã kiến mà cứ việc tham sân, sa tà kiến lại tranh quyền sở hữu. mới sanh ra các sự nhiễm trước. Biết thân là huyễn, không có tự tánh, sắc tức là không, thì ai là ta? Hết thảy các pháp chỉ mượn giả danh, không có một cái chi chân thật, Tứ đại, ngũ uẩn từng món không phải, mà hiệp lại cũng không phải ta. Tìm kiếm trong ngoài rốt cuộc chẳng có ta.
Hãy xem rõ chữ ngã, là hai chữ qua (2) hiệp lại thành. Một bên chữ qua xuôi, một bên chữ qua ngược. Các mối họa lang độc, sát sanh đều do hữu ngã (có ta) mà dấy nên. Cho nên người ta có lòng cùng đạo thì trước phải vô ngã.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “cái mà người thế gọi là ngã, chẳng phải là chân ngã. Ấy là thức thần quấy hại mà thôi.
Người xưa nói rằng:
Vô lượng kiếp lai sanh tử bổn,
Si nhân hoán tác bổn lai nhơn,
Nghĩa là
Vô ngần kiếp số gây sanh tử
Mà kẻ ngu si tưởng bổn lai (tánh ban đầu).
Lại nói rằng:
Khứ hậu lai tiên tác chủ nhân. Nghĩa là : lại trước đi sau làm chủ nhân (3). Nếu chẳng lấy bình bát vàng mà chụp nó lại, lấy kim cô bổng mà đánh nó chết, thì thỉnh kinh,
trừ ma đều là việc của Lục nhĩ di hầu cả » (4)
(1) Sách Luận Ngữ nói rằng: “Tử tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã.” Nghĩa là: Đức Khổng Tử tuyệt không có 4 điều này: không lấy ý riêng, không kỳ tất (không chắc đặng vậy), không câu nệ, không có ta (thiên về mình).
(2) Chữ qua đây là món binh khí thời xưa, tựa như cây kích vậy.
(3) Luận về tám thức là: nhãn thức, nhĩ tức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức, a lại da thức, có sách nói rằng: Anh em có 8 gồm có : 1 người ngu, 1 người rất lanh lợi, 5 người buôn bán trước cửa, 1 người làm chủ nhân.
Người lanh lợi là ý thức, làm chủ ngũ tặc, là giống luân hồi. Vì nó mà những kẻ phàm phu trong tam giới không có một ai khỏi trầm nịch. Cho nên kinh Viên Giác nói rằng: Trước đoạn cái căn bản luân hồi từ đời vô thỉ, là đoạn cái thức này.
Người ngu là Mạt na thức hay truyền tống thức.
Người chủ nhà là A lại da thức hay là hàm tàng thức. Thức này cũng gọi lầ tổng báo chủ. Lúc đầu thai thì nó lại trước, lúc bỏ xác thì nó đi sau.
Như đầu thai làm người, thức a lại da bắt đầu chấp thọ tinh huyết làm thân, khiến cho tinh huyết lần lần chuyển biến hiện ra thân người, rồi lần lần các thức khác mới hiện ra. Cho nên nói thức này lại trước.
Đến khi chết, vì nghiệp lực đã dứt, các thức trước đều diệt, rồi thức a lại da mới rời bỏ cái căn thân, không chấp thọ nữa. Từ đó cái căn thân mới lần lần tan rã, cho nên nói thức này đi sau.
(4) Lục nhĩ di hầu là yêu hầu giả hình Tôn Ngộ Không. Tôn Ngộ Không thật và Tôn Ngộ Không giả, hai người đánh với nhau, dẫn tới núi Lạc già, mà Quan Âm bồ tát không nhìn ra thật giả. Hai người bèn kéo nhau lên thiên cung, xuống địa phũ, dẫn về thầy Tam Tạng, mà không ai biết đâu là thiệt, đâu là giả.
Khi ấy, hai Tôn Ngộ Không vừa đánh vừa bay đến núi Linh Sơn (là núi Linh Tựu mà tục thường gọi là Linh Thứu) để cầu Phật Thích Ca Như Lai xét ra người nào là tà, người nào là chánh. Phật nói rằng: trong thế giới có 5 loại tiên và 5 loại trùng. Nhưng con yêu này không thuộc vào các loại ấy. Thiệt là tứ hầu hỗn thế.
Bốn con khỉ này là:
Linh minh thach hầu, hiểu biết cơ trời,
Xích khao mã hầu, thông hiểu cao xa,
Thông tuy viên hầu, tài năng mạnh bạo.
Lục nhĩ di hầu, biến hóa vô cùng.
Lục nhĩ di hầu nghe nói hoảng sợ, biến ra con ong mật bay lên. Phật lấy bình bát vàng quăng theo. Con ong vô trong bình bát. Các đệ tử lại đỡ bình bát, thấy con yêu hầu hiện nguyên hình con khỉ 6 tai rõ ràng. Tôn hành giả nỗi giận nói rằng: “Xưa mi phò ta, nay lại làm phản”,
vừa nói vừa đập một cây kim cô bổng chết tươi.
Tôn Ngộ Không đây chỉ chân tâm. Tôn Ngộ Không giả là chỉ giả tâm, tức là 6 thức. Phật không cho 6 thức dấy lên nên đem bình bát là vật “viên không” mà chụp nó lại, rớt xuống hiện nguyên hình, dùng chân tâm đánh chết giả tâm cho tuyệt nòi giống.
Ai biết được chân tâm thì thành Phật. Nhưng than ôi! kẻ nhìn lầm cái giả tâm rất nhiều mà không biết nó là gốc của sanh tử luân hồi. Trên kia nói “lại trước, đi sau làm chủ nhân ” là chỉ cái giả tâm.
23.- GIẢ
Học Đạo am tường lữ giả chơn,
Trong thân có lý đạo linh đơn,
Tâm chơn mượn giả, minh chơn-lý;
Kiến tánh minh tâm dứt tủi hờn
Tủi hờn vì chẳng biết phân minh,
Nẻo giả đường chơn cũng tự mình,
Cái giả phô bày, chơn ẩn giấu;
Tìm cho thấu đạo tận nguồn sinh.
Sinh ra trần thế phải nương đời,
ý thức đường tu học đến nơi,
Trong giả có chơn minh lý-Đạo
Thuyền chèo Bác-Nhã vượt dòng khơi.
Kẻ học Đạo trước phải nhìn cho ra chân giả rồi mới có thể vào cửa Đạo (khởi học).
Thường xem kẻ hát làm tuồng, gặp những lúc thạnh suy, đặng mất, tan hiệp, sầu vui, bộ tịch ở ngoại y nhiên theo cảnh, mà trong tâm vẫn bình tịnh như thường. Làm sao mà họ chẳng động tâm như thế đó ? Vì họ biết hình tượng là giả trang, tình cảnh là giả tác, biến đổi xây vần, chớ không bớt hay thêm già cho thân mình cả. Kẻ học xét đó thì có thể tỏ hiểu lý đạo.
Lại khi xem múa rối, thấy con rối tay múa, chân đạp như hình người. Kẻ vô tri xem hình hoạt động, mà không tưởng là có người ở đầu mối dây điều khiển cho hình cử động. Thình lình người điều khiển bỏ dây, thì hình dây tuy còn mà chẳng cử động được nữa.
Vậy hình hài con người có phải là hình nộm đó chăng ? Khí huyết có phải là sợi dây đó chăng ? Chân thánh có phải là người hát đó chăng ?
Lại thấy có người bày trò xảo thuật, đổi vật, tráo hình để lòe mắt khán giả. Người xem thấy rồi, mắt chóa, tâm mê, khen là kỳ diệu.
Ở thế gian, hết thảy các phép hữu vi, người lấy đó gạt ta, ta lấy đó gạt người, đảo đảo, điên điên, cùng với các trò chơi kia có khác gì nhau chăng ? Thấy nó mà mắt chẳng chóa, tâm chẳng mê tức là gần đạo rồi.
Lại thấy kẻ chớp bóng đốt, đèn dánh trống, thiên hạ tựu lại xem hát. Tâm và mắt họ đều theo bóng, bị nó chuyển dời, bỏ không cái xác của mình lại đó, mà chẳng biết xem nó. Đến khi dầu khô, đèn tắt , các thứ huyển cảnh đều hoàn lại không. Kẻ trí nhờ thấy đó mà hiểu được cái Đạo: đương lúc không mà sanh có, nhưng có đó cũng không phải có, đến khi có hoàn lại không, nhưng không đó cũng chẳng phải không.
Tại cớ sao vậy ? Các duyên hội hiệp thì có, mà cái có này không có tự tánh, cho nên nói chẳng phải có để phá cái thường kiến (1). Tánh trống rỗng là không, không thể chỉ rõ chân thể, cho nên nói chẳng phải không, để phá cái đoạn kiến (2). Việc nhỏ như ngày đêm, sống chết, việc lớn như ngươn, hội, vận, thế đều có thể lấy loại mà suy ra thì rõ.
Kẻ học đạo phải biết có một cái tánh là chân, muôn duyên đều giả, hết thảy các vật dưỡng sanh hàng ngày đều là trần cấu (bụi đất) ở trong cái giả. Sao lại cùng bọn phàm phu tranh nhiều ít, sánh tốt xấu trong chỗ trần cấu vậy kìa !
Bạch Tẫn lão nhân nói: « Kẻ hát bội biết hát là sự giả, người học Đạo nhìn thế là điều chân. Lẽ nào người học đạo lại kém thua kẻ hát bội kia sao ? Không tỏ hiểu đó thôi.
(1) Thường kiến là chấp cái sở kiến thân và tâm còn mãi, thuộc về hữu kiến (thấy có).
(2) Đoạn kiến là chấp cái sở kiến thân và tâm mất luôn, thuộc về vô kiến (thấy không)
Pháp Hoa kinh, phẩm Phương Tiện, nói rằng: nhập tà kiến, trù lâm, nhược hữu, nhược vô đẳng. Nghĩa là: vào rừng rậm tà kiến rồi, thì thấy hoặc có, hoặc không … Cho nên thấy có và thấy không đều là tà kiến cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét