Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

DƯỠNG CHƠN TẬP


 

28.- THIỆN (lành)

Hoàng Thiên bất phụ thiện tâm nhơn,
Tự xét tánh mình phân thiệt hơn,
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo;
Xét mình lý Đạo, Phật tâm huờn.

Huờn hư chơn tánh, tánh an vui
Mới biết nguồn cơn Đạo có mùi
Mùi Đạo vốn là vi diệu Pháp;
Khai thông Huyền Khiếu Đạo xong rồi.

Xong rồi một kiếp khỏe muôn năm,
Vốn của người tu, một chữ “Tâm”
Chí thiện, chí chơn, và chí mỹ;
Mới hay mùi Đạo vốn thâm-trầm.

Thiện là gì ? Là khí dương bởi Thái cực động mà sanh ra. Người đặng lấy nó mà làm tánh, cho nên tánh người đều lành cả. Những nhà tu dưỡng phải dưỡng cho được cái khí dương. Khí dương ở trời sanh ra sau tháng 10 lúc thuần khôn (ròng âm, tột tịnh). Ấy là chơn tức (1) ở nơi qui trung (2).
Thích giáo khuyên răn dạy người, nói thiên đàng, địa ngục, thiện ác báo ứng, hào mảy chẳng sai, mà phải chờ đến ngày khác hay là kiếp sau. Còn đức phu tử của ta chỉ nói rằng : « Thượng đạt, hạ đạt, thản đảng đảng, trường thích thích » Nghĩa là : Thượng là trên, trên là gốc, chỉ đức nghĩa. Hạ là dưới, dưới là ngọn, chỉ tài lợi. Người quân tử đạt đến đức nghĩa, kẻ tiểu nhân đạt đến tài lợi. Người quân tử khoan khoái trong lòng luôn luôn, còn kẻ tiểu nhân buồn rầu không ngớt.
Thượng đạt, nghĩa là : càng tấn lên bậc cao minh, không phải là thiên đường sao ?
Hạ đạt , nghĩa là : trầm nịch nơi chỗ thấp dơ, chẳng phải là địa ngục chớ gì ?
Thảng đảng đảng, nghĩa là : nhập mỗi cảnh không đâu chẳng phải chỗ vui vẻ, thì phước đức đó ai bằng ?
Trường thích thích, nghĩa là : đến chỗ nào cũng đều là chốn sa hầm mắc bẩy, thì nghiệp nào lớn hơn nữa.
Vậy thì đương lúc làm lành, làm dữ, tức là có hưởng chịu liền cái phước, cái tội, lẹ như bóng vang, chẳng phải chờ ngày nào khác hay kiếp sau nữa.
Có kẻ hỏi : Nhà thiền nói chuyện thiên đường, địa ngục, có hay chẳng có ?
Đáp : Vui sợ ở trong tâm mới thành cảnh lành dữ ra ngoài. Chỉ cần dẹp xong cái tâm thì tự nhiên không.
Có kẻ hỏi : Làm thế nào dẹp tâm cho xong ?
Đáp : Đừng có nghĩ suy đến lành dữ.
Hỏi : Làm việc lành với học điều tốt có khác gì nhau không ?
Đáp : Không có gì hhác nhau.
Hỏi : Nghĩa ấy ra sao ?
Tai chẳng nghe tiếng dâm là tai tốt, mắt chẳng xem sắc tà là mắt tốt, miệng chẳng nói lời quấy là miệng tốt, tâm chẳng khởi tưởng quấy là tâm tốt, tay chẳng lấy vật phi lễ là tay tốt, chân chẳng đạp đất phi lễ là chân tốt, noi cái đạo của vua Nghiêu, vua Thuấn để trị dân là vua tốt, học Đạo của ông Y, ông Lữ mà thờ vua là tôi tốt, học bà Mạnh Mẫu chọn xóm ở mà dạy con là mẹ tốt, học Tăng Sâm dưỡng chí mà phục sự mẹ cha là con tốt.
Lại hỏi : Nay có người nói đắp lộ, sửa chùa là tu cho kiếp sau, quả có chỗ tốt không ?
Đáp : Ta nghe Thánh nhân nói rằng từ thiên tử cho tới thứ dân, ai ai đều phải lấy thân làm gốc.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: « Khí dương do thái cực động mà sanh ra làm tánh. Có thể nói : thiên mạng chi vị tánh (nghĩa là : cái trời phú cho ta gọi là tánh) là lời giải đệ nhất (3). Muốn dưỡng khí dương này, lại chỉ rõ nó là chân tức nơi qui trung. Có thể nói : dọn ra mâm đầy dẫy, ít kẻ biết được mùi.

Người tu ở trong thân mình có mấy kẻ, chớ còn tu ở ngoài thân mình đành cho là nhiều rồi. 

 (1) Chơn tức nghĩa là hơi thở chơn thật, là dương khí, tiên  thiên khí,

không phải hơi thở ra vô bằng miệng mũi.

 (2) Chữ qui là cơ xoa (compas) để vẽ hình tròn. Mà tròn tức là trung (chẳng thiên lệch), trung tức là tròn vậy. Chữ trung này là chữ trung trong câu « Doãn chấp khuyết trung » của nhà Nho. Lấy nghĩa theo thân thể người thì qui trung là khí huyệt.

 (3) Lời giải đệ nhất này cũng như kinh Phật nói cái nghĩa đệ nhất vậy. Vì rất cao, không chi hơn được nên gọi là đệ nhất. đạt thấu cái sở dĩ (duyên cớ làm ra vậy) nên gọi là nghĩa.

29.- MỘNG (chiêm bao)
Đời là mộng ảo có chi ham,

Chú trọng bản thân, lại bỏ tâm,
Cây thịt quả sai nhiều lối tục;
Quanh năm mộng mị bởi sân tham.

Tham đời nên chịu sống vô minh,
Một kiếp trăm năm chửa biết mình,
Nguồn gốc từ đâu sinh cõi thế?
Trở về cát bụi khổ hồn linh.

Hồn linh còn mộng chịu vô-minh,
Chuyển kiếp nhiều phen vẫn tử sinh,
Hành Đạo thoát ra cơn mộng ảo;
May ra giải-thoát, đáo Thiên-Đình.

Làm sao mà có chiêm bao. Các thứ chiêm bao đều do trầm mê chẳng tỉnh, rồi một cái thức thần mới biến hóa các thứ huyển cảnh. Chỉ có một cái tâm mê mộng mà sanh ra tam giái, tứ tướng. Ở trong giấc chiêm bao thấy có biến đổi lại hoài, không sanh ra có. Đương lúc mình thấy chiêm bao, thân mình có khổ hay có sướng, mà vừa tỉnh giấc lại thì mọi vật đều thành ra không cả. Chẳng phải nhờ tỉnh giấc mới không có, trước kia vốn đã là không có rồi.

Chứng đạo ca có câu :
Mộng lý minh minh hữu lục thú
Giác hậu không không vô đại thiên.
Nghĩa là :
Trong mộng rõ ràng bày 6 nẽo (6 nẽo luân hồi).
Tỉnh rồi vắng lặng chẳng ba ngàn (ba ngàn thế giới)

Núi sông, thế giới đều là cảnh ở trong giấc chiêm bao. Vương hầu, văn võ đều là người ở trong giấc chiêm bao. Thánh nhân trong tam giới đều là người tỉnh giấc trước. Còn kinh của tam giáo đều là sách bàn chuyện chiêm bao. Nếu biết việc thế đều không, thì chết sống là một giấc chiêm bao, không có gì ngăn trở, mới gọi là tỉnh biết.
Xưa có Bạch Vân tiên  sanh ngủ rồi thức dậy. Kim Lệ hỏi về cuộc đời. Tiên sanh Đáp rằng : sau khi phân lưỡng nghi, ai là người, ai là ta ? Ở trong khoảng ngàn năm, ai là thành, ai là bại ? (1) Người giảng thuyết thì chê Hạng Võ, khen Lưu Bang (đời Tiền Hán). Nhà biên ký thì thương Linh Quân (2),

ngùi Nguyên Lượng (3). kẻ luận đàm thì khoe Thái Khưu (4), thương Phạm Bàng (5). Coi lại đều là bùn lầy trong cát bụi cả. Chi bằng một chén rượu trược, một cuộc cờ tàn, một giấc ngũ ngáy pho, kiền khôn trong tay mặc tình thâu phóng.
Lệ hỏi rằng : Tiên sanh lấy giấc ngủ mà thâu cái hỗn độn của trời đất, lấy lúc tỉnh thức mà phá cái vãng lai của xưa nay. Hay thay! Nói vậy cái ngủ cũng có Đạo sao ?
Đáp : Có chớ ! Người phàm ngủ thì trước ngủ con mắt, sau ngủ cái tâm. Còn ta ngủ thì trước ngủ cái tâm, sau ngủ con mắt. Ta tỉnh thì trước tỉnh con mắt, sau tỉnh cái tâm. Con mắt tỉnh nhờ đó mà thấy tâm. Cái tâm tỉnh chẳng thấy đời, chẳng thấy đời lại chẳng thấy tâm. Từ có vũ trụ đến nay, kẻ trị đời lầy huyền khuê (6) mà thưởng, lấy bạch thắng (7) mà khoe ; kẻ tu hành cởi huỳnh hạc (8) mà bay, cởi thanh ngưu (9) mà vượt, kẻ dạy đời đem xích tử (10) mà suy, đem lục đồ (11) mà vẽ. Ta đều vô tâm không tưởng đến đó, ngũ cũng vô tâm, thức cũng vô tâm.
Lệ hỏi rằng : Tôi muốn học cách vô tâm, phải làm sao mới đúng ?
Đáp : Đối cảnh thì chớ nhìn tâm, đối tâm chớ nhìn cảnh. Như vậy đó là xong rồi,

đâu biết cái chi khác nữa ?
Khi tỉnh không biết gì, tâm càng thêm rối. Đáng cười thay người ở

trần thế chẳng biết chiêm bao là chiêm bao !

Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: « Tâm tỉnh không thấy đời, thì đủ thấy người chấp trước theo cảnh đều là người ở trong giấc chiêm bao cả

 (1)Ý nói tuy thấy có người, có ta, có thành, có bại, mà rốt cuộc thì cái gì cũng hoàn không.

 (2) Linh Quân là vua Linh Đế đời Đông Hán (hậu Hán), không trị được trong cung , nên sanh giặc loạn hoài hoài.

 (3) Nguyên Lượng là người “Lở bề giúp nước, lại lui về cày ”.

 (4) Thái Khưu là tên xứ, Đời Đông Hán, ông Trần Thiệt tự Trọng Cung làm đầu trong xứ ấy, xử đoán rất công bình. Nay người ta lấy tên xứ ấy mà làm tên ông.

 (5) Phạm Bàng tự là Mạnh Bác, cũng là người Đông Hán có chí an bang tế thế,

sau bị phe hoạn quan giết chết.

 (6) Huyền Khuê là thẻ ngọc sắc đen. Đen là màu trời.

Vua Võ có công lớn được vua Nghiêu thưởng huyền khuê.

 (7) Thắng là món trang điểm trên đầu của phụ nữ. Bạch thắng là món nữ trang màu trắng.

 (8) Huỳnh hạc là con hạc vàng. Đức Lữ Động Tân cởi huỳnh hạc mà bay đi,

ở tại lầu cũng gọi là lầu huỳnh hạc.

 (9) Thanh ngưu là con trâu xanh. Đức Lão Tử cởi thanh ngưu mà vượt qua sông Lưu Sa, đi về hướng tây.

 (10) Xích tử là trẻ con mới sinh, da còn non đỏ.

 (11) Lục đồ là Hà đồ, có chữ màu lục.

30.- QUỈ
Người tu bị quỉ dẫn mê tâm,
Tham lợi, mê danh khiến lạc lầm,
Nếu biết qui tâm và định tánh,
Diệt tà phục chánh sửa âm-thầm.

Âm-thầm tìm mối Đạo vô-vi,
Tri giả bất ngôn, ngôn bất trí,
Tâm tánh động hoài ma quỉ bắt;
Đạo Đời bại hoại có ra chi

Chi hơn học Đạo thoát tình đời,
Phân biệt quỉ thần tánh chẳng lơi,
Đem tánh về tâm minh chánh Đạo.;
Theo tình bỏ tánh đọa thân rồi.

Con người bị quỉ dẫn mê hết phân nữa, còn lại phân nữa bị người khác vu hoặc, quỉ với người tranh nhau mê hoặc cơ hồ đã khắp cùng thiên hạ.
Bậc cao minh (người tri thức), lấy lời phải cứu họ mà họ không nghe theo, còn người trên trước (người cầm quyền) lấy pháp luật mà cấm họ, nhưng cũng không dứt nỗi. Tà thuyết càng ngày càng hừng, càng ngày càng thạnh, không biết rồi sẽ đến đâu là cùng.
Quỉ là người chết rồi, người là quỉ chưa chết. Người đời nay đều là người thuở xưa kia vậy. Khắp trong khoảng trời đất chẳng có chỗ nào là không có quỉ thần. Chẳng những ở trong giữa khoảng trời đất có quĩ thần , mà ở trong thân mình con người cũng có quỉ thần nữa. Làm sao mà biết ?
Bổn tánh con người bởi khí dương sanh, còn hình thể do khí âm thành. Hễ dương thì làm thần, còn âm thì làm quỉ. Dẫn tình đem về tánh là Đạo của thần giữ, thuận tình cho táng tánh là việc của quỉ làm. Tục ngữ nói rằng : Người còn một phần dương chẳng thành quỉ, còn một phần âm chẳng thành tiên.

Lời này phải lắm !
Giả chăng con ngừi là âm dương giao kết, là quỉ thần hội hiệp mà thành. Bổng nhớ đến lành là thaafn mở trí cho, thoạt toan làm dữ là quỉ khiến xui vậy. Người quân tử dè dặt chỗ một mình mình (biết và nghe) (1), chánh là xét coi cái cơ lành dữ, biện rõ cái đạo quỉ thần đó.
  lão nhân nói rằng : « Dẫn tình đem về tánh, không cầu thần lại là thần. Thuận tình cho táng tánh, chẳng dè quỉ mà ra quỉ. Xin chư quân chọn lấy 1 trong 2 điều đó. »

 (1) Sách Trung Dung nói rằng: Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi. Cố quân tử thiện kỳ độc dã. Nghĩa là không có gì hiện ra hơn chỗ u ám, không có gì bày rõ hơn việc tế vi. Cho nên người quân tử dè dặt hơn chỗ một mình mình (biết và nghe)

31.- THẦN
Thần là giàn máy ở trong mình,
Ấy thiệt sinh cơ của tánh linh
Biết phép nhưng thần trừ vọng niệm;
Khí thần diệu hiệp đắc trường sinh.

Sinh thời thần khí bị tiêu hao,
Biết Đạo ở đâu, vào ngỏ nào?
Vào Đạo phải nhờ “Thần” mở nẻo;
Công phu thứ lớp có đuôi đầu.

Đầu bài tu luyện phép vô-vi,
Thần thiệt “Nguyên-Thần” Tánh tự tri,
Dứt niệm quy tâm, Thần ở lại;
Tâm hay vọng động, thần ra đi.

Chân tánh của người tức là nguyên thần của người. Vì nó linh minh khôn lường, diệu ứng vô hạn, cho nên gọi là thần. Còn chữ nguyên ở trước là để phân biệt với cái thần tư lự vọng niệm thuộc về hậu thiên. Thần lại nhập vào thân thì người sống, thần đi lìa khỏi thân thì người chết.
Sao mà biết thần lại ?   Niệm dứt thì có thần lại.
Sao mà biết thần đi ?   Niệm động thì là thần đi.
Hình là nhà của khí, khí ở thì hình chẳng suy. Khí là mẹ của thần, khí còn thì thần chẳng tán.
Người làm lành thì thần tụ mà linh, người làm dữ thì thần tán mà tối. Kẻ có  bệnh thì thần lìa hình mà chẳng bị đau khổ. Kẻ mắc nàn thì thần đi trước mà chẳng bị họa ương. Một hơi thở của người mà không có thần, thì hơi thở đó chẳng đến.
Con người có 3 cái hang, (chữ Hán là cốc), trống không như động trong kẹt đá. Thần ở trong đó nên gọi là cốc thần.
Ở trên thì kêu là thiên cốc, là Nê hoàn cung, làm thiên căn là bổn cung của thần (như phòng buồn). Cho nên thần ở thiên cốc thì tinh hóa khí, khí thượng thăng, chín năm thiên cung đầy đũ, thì thiên môn bởi đó mà khai thông.
Ở giữa thì kêu là ứng cốc là Giáng cung, làm minh đường thuộc về bố chánh (như chỗ làm việc nước). Cho nên thần ở ứng cốc thì lỗ tai mới nghe, con mắt mới thấy, ngũ quan dều lo chức vụ, thì toàn thân thể do đây mà tùng lệnh.
Ở dưới thì kêu là linh cốc, là đơn điền, làm nhà kín để ẩn thân tu hành (như am thất). Cho nên thần ở linh cốc thì mắt thấy trở lại, tai nghe lộn về, thần khí gìn giữ lấy nhau, thì dinh phách (hồn phách) nhờ vậy mà bảo nhất (dính một chẳng rời).
Bạch Tẫn lão nhân nói rằng : « Hai chữ nguyên thần giải rất rõ ràng. Bằng không vậy, chắc có người nhìn lầm thần tư lự, thuộc về hậu thiên mà cho là thần. Câu : niệm dứt thì thần lại, niệm động thì thần đi, lại là lời khẩu quyết hạ thủ rất hay. Còn câu : Người có  bệnh thì thần lìa hình mà chẳng bị đau khổ. kẻ mắc nàn thì thần đi trước mà chẳng bị họa ương, chảng phải là bậc thoát thai thần hóa, quyết chẳng thốt ra chỗ huyền diệu của thần hóa đó được.

Kẻ thế thường hay luận thần, mà là thấy chiêm bao biết mấy

Sách Trung Dung nói rằng: Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi. Cố quân tử thiện kỳ độc dã. Nghĩa là không có gì hiện ra hơn chỗ u ám, không có gì bày rõ hơn việc tế vi. Cho nên người quân tử dè dặt hơn chỗ một mình mình (biết và nghe)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides