Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

DƯỠNG CHƠN TẬP

 

32.- KHÍ
Khí có ra vào, khí hậu thiên,
Trước lên sau xuống nối liền liền,
Chơn-Nhơn mới đặng dòng thai-tức,
Cổi sạch lốt phàm hóa kiếp Tiên.

Tiên phàm, hơi thở khác nhau xa,
Người biết thở vào, kẻ thở ra,
Hơi thở ra ngoài là lốc khí
Chơn-Nhơn chi tức diệu thay là.

Là người tu học pháp vô-vi,
Niệm Phật tụng kinh chẳng biết gì?
Máy nhiệm trong mình chơn nhứt tức;
Khí thần diệu hiệp xuất Mâu-Ni.

Khí của phàm nhân trước lên sau xuống, còn khí của chân nhân trước xuống sau lên. Khí có ra có vào gọi là phàm tức (hơi thở phàm), chẳng ra chẳng vào gọi là chân tức (hơi thở thánh).
Hễ phàm tức đã đình thì chân tức tự nó phát động.
Hơi thở sở dĩ đình lại đây chẳng phải do cượng bế mà chẳng cho ra. Ấy là Tâm trống cho  tột bậc, lặng cho hết sức, mà hễ tâm định nhiều chừng nào thì khí nó yếu lần theo chừng nấy. Theo phép này, bất kỳ đi đứng nằm ngồi, đều dẫn tâm đem về chỗ lặng lẽ, chẳng tưởng việc sẽ tới, không nhớ việc qua rồi.  Lâu lâu, thần cùng khí hội, tình cảnh đều quên, thần ngưng khí kiết, chỉ có một hơi thở triền chuyển trong bụng chẳng ra chẳng vào gọi là Thai tức (1) . Hơi thở này đã sanh, thì cố giữ cho trống lặng, luyện tinh hóa khí, thông thấu tam quan, rưới thấm ba cung. Đó gọi là chân thác thược, chân lư đảnh, chân hỏa hầu (2).

Thiên Túy Hư nói rằng:
Tích ngộ chân sư truyền khẩu quyết,
Chỉ yếu ngưng thần nhập khí huyệt.
Nghĩa là:
Xưa gặp chân truyền khẩu quyết,
Chỉ phải định thần vào khí huyệt.

Ấy là lúc ban sơ chúng ta mới vừa thọ khí tượng thai, phần thọ tinh huyết của cha mẹ mà thành ngôi Thái cực mà chúng ta ai ai cũng đều có hết.
Chân nhân thần nương theo hơi thở thâm nhập vào trong khí huyệt của ta mãi mãi như còn (3) chẳng chút gián đoạn. Cho nên chuyên khí chí nhu (làm cho khí yếu lần lần) cho đúng phép (đắc huyền diệu), thì thấy quẻ Phục của mình (coi bài chữ Mạch có giải quẻ Phục).
Thái Thượng Lão Quân nói rằng : “Thiên địa chi gian, kỳ du thác thược hồ ?”
Như vậy cái khoảng giữa trời đất có phải như ống bể lò rèn chăng? Con người nhờ được khí của trời đất mà sống. Hô hấp cái máy động của ống bễ. Chân tức là cái khí hô hấp. Nhưng cái chân tức này là gốc thọ khí, là nguồn sinh khí. Hô hấp lên xuống, xô đẩy chuyền nhau, ứng với âm dương, đồng như khắc lậu  (đồng hồ nước). Cho nên nói rằng :
Châu thiên tức số, vi vi số (4)
Ngọc lậu hàn thinh, trích trích phù
Nghĩa là : Cái số hơi thở Chu thiên là số tinh vi (ý nói chẳng khá trước tướng). Nó tương phù với từng tiếng nhỏ giọt của đồng hồ nước (5) (tỉ dụ hơi thở ra vào).
Có kẻ hỏi : Có cái thuyết nào lấy chân tức làm hỏa không?
Đáp : Chẳng phải lấy chân tức làm hỏa. Hỏa (Lửa) là thần của người, tức (hơi thở) là cái ống bễ của hỏa. Hơi thở của hỏa yếu dài mà chẳng dứt (miên miên bất tuyệt), tức là “chân nhân chi tức dĩ chủng” đó.

Cho nên nói :
Mạn thủ dược lư, khan hỏa hậu,
Đãn an thần tức, nhậm thiên nhiên (6).
Nghĩa là :
Chớ giữ thuốc lò, chăm hỏa hậu,
Chỉ yên thần khí, thuận thiên nhiên.

Phàm trong cả thân người, chỉ có một khí châu lưu, khí thông thì vui khoái, khí nghẹt thì khổ đau. Cho nên tay múa chân đạp (luyện tập thể thao) là để dưỡng khí huyết của mình. Phép này chẳng luận giờ khắc nào, tùy tiện mà thi hành. Cần phải chuyên tâm bế tức (tập cho hơi thở nhẹ nhàng, cho đến hết ra vào chứ đừng cưỡng bế), ắt thần sung khí mãn, thì khí dễ lưu thông. Nhưng phải trợn mắt cắn răng (như giận) cho được nghiêm mật võ nghị, thì tà niệm tự nhiên không có. Làm như vậy được ít lần sau đó ngồi tịnh sẽ dễ trừ vọng niệm và tiêu tan bệnh tật.
Đoạn công phu này có nhiều chỗ hữu ích lắm, chớ khá xem thường rồi bỏ qua rất uổng.
Bạch Tẫn lão nhân nói rằng : “Tiên gia giữ kín chẳng truyền, thực ra chỉ có công phu luyện mạng mà thôi”.
Mạng là gì?
Là Khí đó.
Bài này đã chỉ rõ : chẳng ra chẳng vào gọi là chân tức. Lại nói: phàm tức đã đình lại thì chân tức tự nó phát động. Phàm tức là lúc con người mới sinh ra, oa oa một tiếng, khí thông miệng mũi gọi là khí hậu thiên. Khí hậu thiên đã thông thì phải có sữa, có cơm nuôi. Hễ bế nó lại một chút thì chết. Còn khí tiên thiên thì chẳng như vậy. Mặc tình ở trong bụng mẹ mười tháng, bị bào y vấn bao, rốt cuộc cũng không chết.
Tại sao vậy? Tức là chỗ bài này gọi là triền chuyển trong bụng, chẳng ra chẳng vào đó. Người tu luyện dẫn tình đem về tánh, lâu ngày công phu già dặn, phản bổn hoàn nguyên (về cội gốc, ban sơ), cũng như con trẻ ở trong bụng mẹ chẳng khác.

Người thế gian chết đó, chẳng qua là ở trong miệng mũi hết khí mà thôi. Nay đang lúc còn sống mà miệng mũi đã hết khí thì còn sợ chết nỗi gì ? Đời mà không tin đạo tiên, là bởi chưa rõ lý này, chưa thấy người này mà thôi

 (1) Thai tức là hơi thở khi còn trong bào thai.

 (2) Thác thược là ống bễ thợ rèn, lư đảnh là lò chảo, Hỏa hầu là giờ khắc dùng lửa (dùng lửa phải biết cách thức, cho có chừng mực)

 (3) Miên miên nhược tồn nghĩa là : mãi mãi như còn. Ý nói không dứt, còn mà chẳng thấy nghe được, phảng phất mà thôi.

 (4) Vi vi số giả, tinh diệu bất trước vu tướng, phi cượng chế giả (xem quyển Thiên Tiên Chánh lý)

 (5) Ngọc lậu giả, xuất nhập chi tức dã. Trích trích phù giả, châu thiên chi số vô sai (Thiên tiên chánh lý)

 (6) Hai câu này tuy nói về hữu vi (tiểu châu thiên) , nhưng cũng phải hiệp thiên nhiên tự tại làm quí. Bằng chẳng vậy thì không phải là chân hỏa, chân hậu của Tiên gia.

33-TINH
Luyện tinh hóa khí, hóa thần linh,
Thuốc báu Trời cho để giữ mình;
Biết hiệp biết huờn thành xá-lợi;
Linh-quang xuất hiệp nhập Thiên-Đình.

Thiên-Đình chờ đón kẻ tu chơn,
Hay dở cùng chăng biết hiệp huờn,
Ngũ-Khí, Tam-Hoa triều thượng đảnh,
Khai thông Huyền-Khiếu đắt Chơn-Nhơn.
Nhơn sanh cam chịu tử và sanh,
Nếu chẳng biết tu, chẳng học hành,
Tánh Mạng hậu-thiên cam đọa lạc;
Thọ truyền chánh-pháp kíp tu nhanh.

Chân nhân luyện tinh hóa khí. Phàm nhân hóa khí làm tinh. Người xưa ví tinh như diên (chì) là bởi nó có tính trầm trọng hay lọt mất, ví nó như cọp là bởi nó rất hung hãn khó phục hàng.
Người học Đạo cố thủ mà chẳng để cho nó mất, gọi là trúc cơ (đắp nền).
Thần, khí, tinh thường muốn tán. Người ta chỉ lưu trụ nó lại được,

đừng cho tán mất thì mới có thể trường sanh.
Ngụy Bá Dương nói rằng : Phàm nói sưu diên thiêm hống (1), thật là hoàn tinh bổ não.
Có kẻ nói : Có nhiều người học Đạo, hay bị chứng mộng di, luyện thụy (2) chắc khó rồi, uống thuốc lại không hiệu quả, thì phải làm thế nào cho hết bệnh ấy?
Đáp : Dắt bạch ngưu (trâu trắng) lộn về, thì chẳng còn di tẩu nữa.
Lại hỏi : Có người nói : Huyền tẫn lập thì chân tinh bền. Làm sao mà lập được Huyền tẫn?
Đáp : Cốc thần chẳng chết là lập rồi đó.
Hỏi : Cốc thần làm sao chẳng chết?
Đáp : Không lòng dục, cho thiệt tịnh, thì nó chẳng chết.
Thường vào miếu Huyền đế thấy con rắn và con rùa quấn nhau. Vả chăng Huyền đế là thiên thần ở ngôi Bắc thần. Thiên thần có ngôi, còn nhân thần há lại không có chỗ ở sao ?
Trời chỉ về chỗ Tử vi, ở tại đó mà chẳng động thì cái tột cùng của trời (ngôi Đại trung) đã lập, tạo hóa do đó mà sản sanh.
Người chỉ về chổ Huỳnh đình, đứng tại đó mà không dời, thì cái ngôi tột cùng của người đã lập, tánh mạng do đó mà an vững.
Cho nên kẻ biết tu dưỡng thì đem thần hỏa và tinh thủy ngưng tại một chỗ, như con rắn với con rùa quấn nhau vậy, hiệp thành một khối, chẳng để lìa ra, lâu rồi hết sức tịnh mới sinh động, chân hỏa đốt chưng, kim tinh phát hiện soi quan thấu đảnh thấm dưới rưới trên. Đây là đạo thâm căn cố đế, cửu thị trường sinh.
Bạch Tẫn lão nhân nói rằng : “Không lòng dục, hết sức tịnh, thì cốc thần chẳng chết, ắt huyền tẫn lập. Huyền tẫn lập, ắt chân tinh bền. Chân tinh bền thì không còn lo di thất nữa. Đủ thấy cái bệnh mộng di là do nơi sắc tâm chưa thối mà dấy lên. Người khám phá được sắc ma, một lòng thanh tịnh, cọp chẳng khó hàng phục, chì chẳng dễ vọng tẩu.
Nếu có người công phu chưa tới bậc đó, bỗng có cái bệnh di thất, thì hãy dùng phép dắt bạch ngưu lộn về. Theo phép này thì lấy bất câu bố hay là vải gì cũng được mà may một cái bao nhỏ, bao ngoại thận lại, rồi đem nó cột ở phía sau dây lưng, thì chứng bệnh này sẽ khỏi“.

Đạo gia cũng gọi là : Trương Quả Lão  đảo kỵ lư. Nghĩa là ông Trương Quả Lão cởi lừa ngược

 (1) Sưu diên thiêm hống là rút hắc diên(chì đen) mà trợ thủy ngân. Thủy ngân gặp lửa thì bay, nay nhờ có hắc diên, nên  thủy ngân bị chế bèn kết thành khối mà chẳng bay được nữa. Đây là lý lấy Dương chế Âm.
Lòng người dễ động, ra vào không chừng, thấy cảnh thì sinh tình, cũng như thủy ngân gặp lửa thì bay vậy.
Còn lòng đạo thường trụ, tùy thời giác  sát, thì lòng người không rảnh mà sanh cũng như thủy ngân nhờ có hắc diên mà được ngưng kết vậy

 (2) Luyện thụy nghĩa là : luyện thần trong khi ngủ cho được thanh tịnh, cho khỏi mộng tưởng điên đảo,

33-GIÁO
Cái Đạo vô-vi chẳng thốt lời,
Thánh-Nhơn khai giáo độ người đời,
Thân têm vẹn giữ hành chơn đạo,
Nhơn đạo thuần chơn hiệp Đạo Trời.

Đaọ Trời chẳng đợi kiếm đâu xa,
Trở lại thân tâm học đạo  nhà
Chẳng đợi lên non cầu diệu pháp
Tâm thành ý thật tự lòng ta.

Ta quyết tìm ra mối Đạo mầu,
Vô-vi thanh-tịnh học cao sâu
Bất ngôn chi giáo, nguồn minh-triết
Đạo tại thân trung khỏi lạy cầu.

Đạo là thánh nhân chẳng thốt ra lời, còn thánh nhân là Đạo thốt ra lời. Tuy nói có thốt ra lời, chẳng qua là lấy Đạo của người mà trở lại trị cái thân của người, chứ chẳng phải miễn cưỡng theo việc khó biết, khó làm đâu. Đời xưa dạy người lấy cái Đạo của thánh nhân mà dạy.
Kinh Dịch nói rằng : “Mông dĩ dưỡng chánh, thánh công dã ». Nghĩa là : dạy kẻ mông muội thì phải nuôi tâm trí cho minh chính, ấy là cái công trình của bậc Thánh nhân đó. Lúc dạy kẻ mông muội, phải dạy cho biết hướng về sự học thánh, thì kẻ học có lẽ nào lại không cố gắng học thánh sao?
Từ khi đạo của Khổng Tử lu mờ. Thì đạo Lão, đạo Phật hưng thịnh. Từ khi đạo Lão ít truyền thì luồng gió tà thuyết nổi lên. Lão tử nói rằng : « Tu kỷ chi thân kỳ đức nãi nhân. Xả thân nhi ngôn, tu giả dã giả ». Nghĩa là : Trau lấy thân mình, thì đức mình mới được chân thật, bỏ thân ra mà nói tu là giả dối vậy.
Đời nay có kẻ cầu đạo Tiên Phật mà thường lánh người, trốn thế để cầu. Kẻ ấy cho là : Có nhà cửa, có vợ con, có việc đời, ba mối ấy đều có thể làm lụy người, cho nên không thành Tiên thành Phật được. Thế nào cũng phải lánh người trốn thế, mới mong làm Phật Tiên. Sao chẳng biết cái đạo của Tiên, Phật chẳng rời thân tâm vậy? Quả thật chánh tâm tu thân, có nhà cửa cứ việc ở, có vợ con cứ việc giúp đở cùng nhau, có việc đời thì mượn nó để dồi mài tâm tính, cho nên tại nhà cũng có thể thành Thánh, thành Tiên, thành Phật, cần gì phải bỏ chỗ tiện cho mình mà làm cái việc bất tiện kia vậy?
Bạch Tẫn lão nhân nói rằng : “Nói xuất gia có thể thành Tiên, Phật, người ta có thể còn tin. Nói tại gia thành Tiên, Phật không ai tin cả, tại cớ sao vậy?

Vì chưa thật rõ biết cái Đạo, chưa thật khảo cứu cái lý mà thôi. Họ không tưởng đến rằng : Nếu Tiên, Phật cần phải xuất gia mới thành, vậy có thể nói Thánh nhân cũng cần xuất gia mới thành sao? Người thế trước tưởng chi lắm vậy

35-HỌC
Học Đạo bềng siêng, chí cánh thành,
Căn sâu cầu học, chẳng cầu danh
Cũng không cầu lợi mà năng học,
Chơn-lý thông rồi bất luận tranh.

Tranh đua giáo-lý chạy theo đời,
Hay dở cũng chẳng trọn Tánh Trời,
Lẳng lặng học hành và tiến-hóa
Ngàn năm một thuở thoát luân vơi.

Vơi-vơi trời nước chạnh lòng riêng
Đối cảnh qui tâm, tánh định thiền,
Muôn sự giả trần không chấp trước
Tìm về cội phúc cõi vô biên.

Học là con đường đi tới Đạo. Thánh kinh hiền truyện có phải là người dẫn đường cho ta không ?
Đời sau tà thuyết dấy lên cùng khắp, lời dạy với việc làm có hợp với kinh truyện của thánh hiền chăng? Nếu không tức là ma thuyết. Kẻ học Đạo chỉ phải thu thân tâm về mà kềm giữ cho vững vàng, bỏ thân tâm mà dụng công ở chỗ khác, tức là không phải chính đạo.
Học Đạo chẳng phải nói qua cho xong, cũng chẳng phải hiểu biết là rồi, tất phải thành thật ngó vào trong Tâm của chính mình, quét dọn hết thảy những điều vật dục cho sạch sẽ thì tự nhiên hiệp với Đạo.
Chí của người học Đạo gặp cảnh nghèo càng phải thêm cứng cáp. Gặp cảnh già càng phải thêm mạnh mẽ. Nếu bị khách khí (1) sai sử, ngoại vật (2) thâu đoạt, thì lỗi ấy chẳng đổ cho khí hay là cho vật được. Bệnh này do nơi chí chưa lập mà ra thì chỉ nên trách nơi chính mình mà thôi. Hãy xét tới nghĩ lui, sẽ thấy được chỗ đau nhức, rồi mạnh bạo đoạn dứt ngay. Ví như nạo xương, đổi tủy, súc ruột, rửa dạ dày, dùng cách đặc biệt để đổi cho một người, làm bất kể sống chết như thế một phen, thì có việc nào mà không thành.
Cái tâm của bậc Thánh nhân chẳng khác với tâm ta, mà tại sao chỉ có cái tâm của Thánh nhân lại thường được thanh tịnh vậy? Thật không có gì lạ hết, mà chỉ do thấy được lý chân, dưỡng được ý định. Duy có thấy lý chân thì hết thảy huyễn cảnh mới không thể mê hoặc ta được. Duy có dưỡng ý định thì cả thảy ảo vật mới không thể diêu động ta được.
Tai nghe mắt thấy ví như ăn uống, ngày ngày phải dùng mà ngày ngày phải tiêu hóa để tống ra ngoài. Nếu tống không hết còn đình trệ ở trong bụng, sau lâu ngày sẽ thành bệnh.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: « Kẻ thế gian học đạo đông đảo, đại để nếu chẳng là vì danh thì cũng là vì lợi. Ngoài hai chữ danh lợi ra siêng học, mà dụng công như vây, thì có mấy người đâu?

Cho nên Lữ tổ nói rằng:
Thiên nhai văn  thuyết nhân tầm ngã
Tẩu biến thiên nhai bất kiến nhân
Nghĩa là :
Ven trời nghe nói kẻ tìm ta
Chạy khắp ven trời chẳng thấy ai
Lời này quả thật không sai. »


(1) Khách khí nghĩa là: hành động theo khí huyết, trái đạo lý.

 (2) Ngoại vật nghĩa là: vật ở ngoài thân ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides