40.-KỈNH (dè dặt)
Bổn tánh Linh Quang vốn tự tồn,
Lâu ngày che lấp mất tinh khôn,
Làm sao hé mở trong giây lát,
Mới ngộ đường vào chánh pháp môn.
Môn pháp người tu tự kỉnh tâm,
Diệt trừ phiền não, giữ âm thầm,
Chuẩn thằng, quy củ trong muôn việc;
Tự giác tự tồn chỗ thậm thâm.
Thậm thâm do bởi tự lòng thôi,
Chủ kỉnh luôn luôn chẳng đổi dời,
Thần định, tâm chuyên, năng tiến hoá,
Bảo ngươn thủ nhứt, Đạo xong rồi.
Cái bổn tánh linh quang của người không có sanh hay diệt, mà cũng không có tăng hay giảm. Tuy nó bị che tối lâu ngày, mà hễ vừa phát chiếu ra, thì có thể tiêu diệt muôn ngàn điều ác, mà sanh ra muôn ngàn điều thiện. Chỉ bảo thủ linh quang cho được thường tại (còn chiếu hoài), thì ta với Thánh nhơn có khác gì?
Có kẻ hỏi: Làm sao mà bảo thủ linh quang cho được thường tại, phải là kỉnh không?
Duy có kỉnh mới là bảo thủ linh quang thường tại. Giới thận (răn dè), khủng cụ (e sợ)(1) là kỉnh, căng căng nghiệp nghiệp (nớp nớp trong lòng)(2) cũng là kỉnh. Kỉnh thì không sanh lòng tưởng quấy, không tin việc ám mờ. Có phải là chỗ cốt yếu để tồn tâm, cái phép tắc dùng tu kỹ đó chăng? Từ xưa, Thánh nhơn lấy đó mà truyền tâm cho nhau.
Nay con người sửa áo khăn, định tư lự, tự nhiên sanh lòng kỉnh. Kỉnh là chỉ phải chủ nhứt. Chủ nhứt thì tự nhiên tà, giả không xen. Tâm là chủ cái thân, kỉnh là chủ cái tâm.
Người bước vô chùa miễu bèn sanh lòng kỉnh là vì thấy ở trên cốt thần. Còn ở tại thân mình, cũng có một vị thần rất chơn, rất thiệt ở bên trong, mà chẳng tưởng đến, dễ duôi chẳng biết kỉnh là cớ sao?
(1) Sách Trung Dung nói: “Đạo dã giả bất khả tu du ly dã, khả ly phi Đạo dã. Thị cố quân tử giới thân hồ kỳ sở bất đổ, khủng cụ hồ kỳ sở bất vãn”. Nghĩa là: Đạo chẳng khi bỏ lìa ra giây lát, nếu lìa ra thì chẳng phải Đạo. Cho nên người quân tử e dè chỗ mình không thấy, e sợ chỗ mình không nghe (tuy không thấy, không nghe, chớ cũng chẳng dám khinh dễ).
(2) Kinh Thi nói: “Căng căng nghiệp nghiệp, như đình như lôi”, Nghĩa là nớp nớp lo sợ cũng như nghe sấm nghe sét.
Trình Minh Đạo nói rằng: Lúc viết chữ, tôi rất kỉnh; chẳng phải muốn gò chữ cho tốt,
chỉ học cái kỉnh mà thôi.
Trình Y Xuyên nói rằng: Châu Tiên Sanh dạy: nhứt nghĩa là không lòng dục. Kẻ tầm thường làm sao mà giữ được không lòng dục? Chỉ có một chữ kỉnh đó, bất kỳ đi đâu cũng đeo nó theo, nắm nó chặt. Cứ như vậy mà làm, lúc nào cũng tỉnh mỉnh đừng để muội mê thì một hai ngày sẽ thấy hiệu quả.
Qui củ(1) là vuông tròn tột bực, chuẩn thằng(2) là bằng thẳng tột bực. Người nào bên phải có qui củ, bên trái có chuẩn thằng, thì người đó là người tột bực (hoàn toàn).
Qui củ chuẩn thằng là gì? Là lễ đó. Lễ lấy sự kỉnh làm gốc. Trong nước không có lễ, đạo tặc dấy lên thì nước mất. Trong thân không có lễ, tình dục mạnh hơn thì thân mất.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Châu Tử giải chữ kỉnh là chủ nhứt, nghĩa là chủ ý tưởng vào một việc mà thôi, chớ không tưởng sang qua nhiều việc khác. Ai chủ nhứt được thì tâm chuyên thần định, tư tưởng quàng xiêng chẳng thể dấy lên được.
Phép nầy, Đạo gia gọi là bảo ngươn thủ nhứt, Thiền Gia kêu là bất nhị pháp môn.”
(1) Qui là cơ xoa (compas) để vẽ vòng tròn. Củ là thước nách để lấy góc vuông.
(2) Chuẩn là ống nước (niveau d’eau) để cân cho bằng. Thằng là dây mực để vạch đường thẳng.
41.-KHẮC TRỊ (Trừ lỗi)
Khắc trị phàm tâm phải quyết tâm,
Tỉnh soi đi đứng, lúc ngồi nằm,
Tánh phàm quen tật hay dời đổi,
Mỗi nhựt thường hành phép định nam.
Nam Mô chí quyết chẳng lơ là,
Mỗi động thông thường chớ bỏ qua,
Khắc trị lâu ngày quen chủ kỉnh,
Mới hay khẩu khuyết Phật Di Đà.
Di Đà tận độ khắp quần linh,
Hay dở, nên hư, cũng tự mình,
Mình quyết sửa mình nên Phật Tánh,
Mới hay diệu dụng pháp vô sanh.
Thánh Nhơn có nói rằng: “Vi học nhựt ích, vi Đạo nhựt tốn”(1). Nghĩa là: Sự học càng ngày càng thêm, việc Đạo càng ngày càng bớt. Bớt đây là bớt chỗ thái quá để đạt tới ngôi trung, là bớt ngọn để trở về gốc, là bớt nhơn dục để trở về thiên lý.
Phàm trăm điều tà dục, trước cần phải khắc kỷ(2). Khắc kỷ cũng như đối với kẻ thù nghịch, trước phải biết chỗ trú của chúng nó, rồi sau mới đem binh công phạt, phá hang, đốt ổ của chúng nó, làm cho tuyệt giống, tuyệt nòi, mới là đặng thái bình.
Tự trị phải cho nghiêm, như kẻ nông phu giẫy cỏ trước phải đào lấy hết rễ, thì sau mới khỏi lo nó mọc lại.
(1) Coi cuốn Đạo Đức kinh chương thứ 48.
(2) Khắc kỷ là khắc trị tư ….
Tỉnh sát cũng là trói kẻ giặc, một khắc cũng không để cho nó thong thả. Khắc trị cũng như giết kẻ giặc, thì phải một đao chặt lìa hai đoạn (chặt một đao cho ngon, ý nói đừng dung vị). Những kẻ muốn trừ nhơn dục thì phải làm như thế đó, rồi sau mới được thành công.
Khắc trị là trừ bỏ cái điều mình vốn không có. Phải biết rằng trước kia tự nhiên không có, chớ chẳng phải khắc trị rồi sau mới không.
Tồn dưỡng là giữ, nuôi cái điều mình vốn có. Phải biết rằng trước kia sẵn có, chớ chẳng phải vì tồn dưỡng rồi sau mới có.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Kẻ mới tấn Đạo phải khắc trị như vậy, rán làm như vậy mới phải là người chơn học Đạo; sau nầy mới có thể hi vọng thành công. Bằng không vậy, cứ mơ mơ màng màng, mai thấy sốt sắng, chiều lại sụt sè, tuy đến tuổi già, cũng còn mắc trong vòng cát bụi (không thoát được chỗ dơ bẩn).
42.-CHỈ
Động tịnh coi chừng tánh quỉ ma,
Chấp nhơn, chấp ngã vẫn còn tà,
Đem tâm để lại sau lưng vậy,
Thì chẳng có người chẳng có ta.
Ta biết quên ta chẳng chấp người,
Tâm ta hằng ngự ở cung trời,
Ở yên một chỗ không dời đổi,
Đoạn dứt trần duyên mới thảnh thơi.
Thảnh thơi tâm nội bởi quên tình,
Mình biết qui tâm, biết giữ mình,
Không để lục trần theo quyến rũ,
Vô nhơn vô ngã đáo thiên đình.
Kinh dịch nói rằng: “Cấn kỳ bối bất hoạch kỳ thân, hành kỳ đình bất kiến kỳ nhơn. “Nghĩa là: để ở (vì đây lấy nghĩa chữ cấn như chữ chỉ) phía sau lưng mình, thì chẳng đặng (chẳng có) ta; đi nơi trước sân mình, thì chẳng thấy người (ý nói động tịnh đều chẳng sanh lòng nhơn ngã).
Nhơn tâm không đặng tịnh là bởi thị dục khuấy rối. Trong thân người, chỗ nào cũng động cả, duy có phía sau lưng thì không động mà thôi. Trong cả thân mình đều có dục cả,
duy phía sau lưng không có dục mà thôi.
Cho nên Văn Vương dạy người phải chỉ tâm (đem tâm để ở) nơi phía sau lưng.
Bất hoạch kỳ thân, nghĩa là vong ngã (quên ta). Vong ngã thì cội rễ sanh lòng dục phải tuyệt.
Đây là tịnh mà chỉ.
Bất kiến kỳ nhơn, nghĩa là vong nhơn (quên người). Vong nhơn thì các việc khêu lòng dục đều tan. Đây là động mà chỉ.
Ta thử nghĩ: Dân đến ở bang kỳ (kinh đô), chim đến ở khưu ngung (gốc núi). Phàm mỗi vật đều lựa chỗ phải mà ở, hà huống là tâm của con người!
Trình Tử nói rằng: Tâm của người phải có chỗ ở, không chỗ ở nó nghe theo vật ngoài, thì đến đâu lại không sanh quấy.
Chữ chỉ có hai nghĩa: Một là ở yên một chỗ mà chẳng đổi dời, Hai là đoạn dứt mọi việc mà chẳng làm lại nữa. Hai nghĩa nầy giúp lẫn nhau, mà làm phương châm vào Đạo.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Bất hoạch kỳ thân là vô ngã, bất kiến kỳ nhơn là vô nhơn, theo đây thì đủ thấy Văn Vương xưa kia đã dạy vô ngã, vô nhơn rồi, nào phải đợi có Phật nhập Trung Quốc rồi mới có luận qua vô ngã, vô nhơn đâu!
43.-QUÁN
Quán xét lương tâm học Đạo mầu,
Coi chừng tâm tánh chạy đi đâu,
Đem tâm trở lại nơi vô ngại,
Vốn thật không cầm cũng chẳng thâu.
Thâu tâm, tâm động, biết làm sao?
Kiến tánh, tánh rong, tính lẽ nào?
Hãy mượn “Kim Cô” mà khắc trị,
Quên thân cho dứt sạch tâm sầu.
Sầu thương thân phận bởi u mê,
Xuống thế lâu năm lạc lối về,
Nếu biết Chơn Như hằng tự tại,
Quán thông tâm pháp khoẻ trăm bề.
Con người từ khi thức dậy, lo lắng cả ngày, thiệt không thể biết được cái tâm đi hướng nào đâu. Hay là có kẻ biết cầm nó lại mà hay dùng cách cượng chế, cượng chế thì trở lại có hại cho tâm mình.
Âm Phù kinh nói rằng: “Hoả sanh tai mộc, hoạ phát tất khắc”, nghĩa là: Cây sanh ra lửa, mà lửa dấy lên thì hoạ đến cây, cây phải bị thiêu, là nói về cái tâm đó. (Cũng như nói: Tâm sanh ra tà, mà tà dấy lên thì hoạ đến tâm, rồi tánh phải loạn). Cái tâm rất hoạt bát mà thần diệu, phải bình cái tánh của nó, thuận theo cái cơ của nó để dưỡng nó, chẳng cho một mảy phóng dật, một mảy miễn cượng, một mảy gián đoạn, thì mới có thể gọi là phép dưỡng tâm.
Đức Khổng Tử nói rằng: Chỉ vu chí thiện(1). Đức Lão Tử nói rằng: Tợ hoặc tồn(2). Thích nói rằng:
quán tự tại(3). Số là cái thần của con người ở trong tâm, mà cơ của tâm ở ngoài mắt. Hễ mắt dùng vào trong thì tâm cũng theo nó vào trong, cho nên nói quán tự tại.
Quán tức là phản quán (xem ngược lại). Mắt ở tại đó thì tâm cũng tự nhiên ở tại đó. Nếu con người xem ngược vào đó, lâu rồi chẳng những tâm ở tại đó, mà rốt cuộc cũng sẽ định nữa. Thần khí hễ được định, thì hoảng hốt (dáng mập mờ) như mới tỉnh giấc, kỳ thiệt như trời đất giao thới, khó mà tả chỗ huyền diệu cho cùng tận.
Liễu Tâm kinh nói rằng: Ta tu không biết mấy ngàn kiếp đến giờ, do quán tâm mà đắc đạo.
Khi mặt trời chen lặn thì, ở trong nhà, cái tối nầy ở đâu lại cũng không biết. Đến lúc đốt đèn lên thì cái tối kia đi chỗ nào cũng không rõ. Không lý ánh đèn đuổi bóng tối, bóng tối có tình gì mà sợ đèn. Phải hiểu rằng: Hễ đầu nầy có thì đầu kia mất không phải hao một tí sức lực gì cả.
(1) Chỉ vu chí thiện (hay là chỉ ư chí thiện), nghĩa là: Chăm chỉ về tột lành,
lấy đó làm gốc rễ cho mỗi việc làm.
(2) Kinh Đạo Đức, chương thứ tư nói: Trạm hề, tợ hoặc tồn (hay là tợ nhược tồn), nghĩa là; Cái đạo thanh tịnh vô vi không thấy hình dạng mà dường như là có, chớ không phải thiệt không.
(3) Quán tự tại nghĩa là xem ngược vào chỗ tự tại, tức là chỗ vô thỉ, vô chung, bất sanh, bất diệt. Theo Nho và Đạo, chỗ tự tại nầy không phát ra là Vô cực, mà phát ra là Thái cực.
Quán tự tại có nhiều nghĩa khác nữa, nhưng không phải cái nghĩa dùng trong bài nầy, xin miễn bàn.
Có thể lấy ánh đèn mà tỉ dụ sự giác chiếu, lấy bóng tối mà tỉ dụ tánh vô minh. Phải xét tưởng rằng các pháp quá khứ mập mờ như trong giấc mộng, các pháp hiện tại mau lẹ như thấy điễn chớp, các pháp vị lai đen tối như thoa sơn đen. Lại xét tưởng qua hết thảy các pháp hữu vi trong thế gian vụt chút biến hoại, muôn kiếp đến giờ ta vì nó mà chịu không biết bao nhiều khổ não, thì khá sớm lánh cho xa. Đi đứng nằm ngồi đều phải làm luôn hai phép là vừa chỉ, và quán. Chỉ là tịch tịnh (lẳng lặng), quán là tinh tinh (tỉnh giác), nghĩa là lẳng lặng mà chẳng mê muội.
Có kẻ hỏi: Sao gọi là minh tâm (sáng cái tâm)?
Hư tâm (trống cái tâm) tức là minh tâm. Bốn tướng tuyệt như không, muôn pháp đều chẳng động.
Sao gọi là kiến tánh (thấy cái tánh)?
Suất tánh (noi theo cái tánh) tức là kiến tánh, chẳng biết chẳng hay là pháp của Thuận Đế(1).
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: Mạnh Tử nói: đạo học vấn không có cái gì khác hơn là cầu kỳ phóng tâm (tìm cái tâm phóng ra ngoài mà đem ngược trở về).
Kinh dịch nói rằng: Thành tánh tồn tồn, đạo nghĩa chi môn. Nghĩa là: giữ tánh thành khư khư,
đó là cửa đạo nghĩa.
Vậy thì đủ biết cái tâm của con người dễ phóng mà khó thâu. Cốt yếu của học vấn ở tại đó, mà công phu hạ thủ cũng ở tại đó. Nếu bằng mỗi khắc mỗi hồi quang, mỗi giờ mỗi phản chiếu, công phu ít thì sẽ thấy tánh sáng tâm, còn công phu nhiều ắt sẽ thành tiên làm tổ. Câu quán tâm mà đắc đạo, trong Liễu Tâm kinh, có phải là lời dối gạt ai đâu!”
(1) Mỗi việc cử noi theo tánh Trời phú mà hành động một cách tự nhiên, không chút miễn cưỡng.
Chẳng biết chẳng hay nghĩa là có biết có hay mà chẳng tự dụng chỗ biết chỗ hay của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét