36-TRI
Biết cho thật biết dễ gì đâu,
Phải mở lương-tri học Đạo mầu,
Cái biết từ khi Trời phú tánh,
Mới là thật biết lý thâm sâu.
Sâu cạn cũng do một tấm lòng,
Có bao nhiêu có cũng huờn không,
Biết bao nhiêu biết như không biết;
Nguồn gốc lương-tri vốn sạch trong.
Trong tâm có cái vốn Chân-Như
Chẳng biết có không hay thiếu dư
Cứ học, cứ hành, cho thật biết;
Biết như không biết thật huờn hư.
Học có gì cần hơn là trí tri, nghĩa là mở rộng đường tri thức (sự hay biết). Trí tri tại cách vật, nghĩa là mở rộng đường tri thức cốt để xét tột lý của sự vật.
Vậy đã học rồi thì phải suy, suy rồi thì phải học, cho đến khi trí được mở mang thông suốt mọi lẽ, thì là biết tới nơi đó! Hễ biết tới nơi rồi thì dần dần theo thứ tự sẽ được ý thành. tâm chính...
Kiến thức của kẻ học là hữu hạn, còn nghĩa lý trong thiên hạ thì vô cùng. Cho nên có điều mình biết rồi, mà thế nào cũng có điều mình chưa biết tới. Kịp đến khi biết các điều mình chưa biết đó, lại có điều mình chưa biết khác nữa. Bởi thế người trí hay tỉ dụ sự học như cắt như cứa, như dồi như mài.
Con người ta chẳng phải là không biết gì, nhưng khó biết cho thật đúng (chân tri). Người nào nhìn thấy châu ngọc cũng đều muốn thò tay lấy cho được nó để ôm ấp vào lòng, là tại sao vậy? Là bởi biết thật nó là vật báu. Kẻ học Đạo mà biết thật như vậy đó, thì có lo gì không đủ sức để tu hành.
Người nào thấy gươm thạch tín cũng đều chẳng dám lấy lưỡi mà chạm nó, đem thân mà chống lại nó, tại sao vậy? Là bởi biết nó thật hay hại người. Người muốn bỏ điều ác, nếu biết thật đúng như thế thì có lo gì điều ác chẳng hết sạch không.
Cái tâm của người vốn sáng suốt, vì bị vật dục che khuất nên mới đen tối mờ mịt. Nếu biết do bởi vật dục , thì sốt sắng lấy hết sức chủ định lại chỗ sáng suốt đó.
Ngày nay cần tinh tấn trừ bỏ cái tâm khi sinh khi diệt, người biết điều đó chăng? Biết mà thường soi thường tưởng vào đó, thì có ngày hết sinh hết diệt. Đến chừng hết sinh hết diệt, tâm mới định, thì tánh ta đã tận.
Ngày nay cái khí của người hơi ra hơi vào, người biết điều đó chăng? Biết mà thường nương theo nó (tâm tức tương y) thì sẽ có ngày chẳng ra chẳng vào nữa. Đến chừng khí chẳng ra chẳng vào, là nó đủ rồi, thì mạng ta đã lập.
Bạch Tẫn lão nhân nói rằng : “Ngày nay luận về biết và làm, có nhiều kẻ nói biết thì dễ, chứ làm được thì khó. Sao chẳng xét chỗ biết của mình là nhánh lá, là vỏ da của đạo học thánh hiền mà thôi. Chớ còn cái chân tinh tủy, cái chân mạng mạch, có phải dễ dầu mà biết nó đâu! Nếu người thật biết (chân tri) thì sao cũng muốn làm thật, còn kẻ nào chẳng muốn làm thật thì cũng chỉ là hạng giả biết (giả tri) đó thôi.”
37.- HÀNH (làm)
Công phu tu học phải tri hành,
Biết đúng lý chơn bất luận tranh
Lẳng lặng thực hành, năng chủ kỉnh,
Cho tròn Thiên Lý chỗ vô danh.
Danh vị người tu tự tỏ tường,
Năng hành năng đạt, chẳng phô trương,
Cái ngu cái trí hằng đi cặp,
Bản ngã không còn, Đạo hiển dương.
Dương danh hậu thế bởi tri hành,
Thường biết thường làm Đạo chính danh,
Đối cảnh quên tình qui Phật Tánh,
Chơn Nhơn liễu đạt chỗ vô sanh.
Biết và làm là hai đoạn công phu vẫn cứ hiệp nhứt chẳng rời nhau. Thường giữ được cái biết ở với ta thì tự nhiên làm được. Nếu một khắc mà không làm, tức là một khắc hôn mê. Người quân tử lấy thân mà vừa theo Đạo. Hễ thân ở chỗ nào thì Đạo ở chỗ đó. Cho nên đi thì có công phu đi, đứng thì có công phu đứng, ngồi thì có công phu ngồi, ngủ thì có công phu ngủ. Lúc nào không niệm lự, là lúc công phu cả.
Phàm có làm không tấn được, ấy là cái biết chưa thiệt đúng. Nếu biết cái lý cho thiệt đúng rồi thì tự nhiên vui thích mà làm theo lý. Cho nên nói: “Học bất yễm, tri dã”, nghĩa là: Học chẳng nhàm là biết vậy.
Nếu thấy lý chưa thiệt đúng mà miễn cưỡng làm bướng, thì ý khí có bao nhiêu đâu! Đến chừng ý hết khí lơi rồi, tự nhiên không làm tới nữa được.
Lúc chiều tối là lúc người quân tử yên nghỉ, thì phải liệu thâu xếp thần thất, bảo nhứt chớ rời, cho nên không có thế tình ràng buộc, mà cũng không có đạo lý diệu huyền, bỗng như người chết, thì mới gọi là đại hưu hiết (yên nghỉ hoàn toàn). Chừng nào ngủ mà không mộng tưởng điên đảo, thì mới thấy cái công hiệu của phép chủ kỉnh
Tới sáng mai, đây là lúc người quân tử mỗi ngày làm thêm mới mẽ. Phải liệu dậy sớm, trong ngày lo làm những việc chưa thành. Có người lập chí làm một lần mà nên, ta làm lấy một trăm lần, có người làm mười lần mà nên, ta làm lấy một ngàn lần. Nhiều ngày thành tháng, nhiều tháng ra năm, chẳng luận năm ba năm gì, nếu học như thế mà không tới bực thánh, thì chẳng bao giờ có vậy.
Sau sẽ có bài giảng cái nghĩa chữ kỉnh
Nháy mắt cũng tồn, hơi thở cũng dưỡng, công phu không gián đoạn trong giây phút nào.(1) Ngày nầy cũng tấn, tháng kia cũng thêm, học hỏi có tập hi mới tột sáng suốt.(2)
Có kẻ hỏi: Thiên lý làm sao cho tròn?
Đáp: Phải cần giờ giờ tồn dưỡng.
Lại hỏi: Nhơn dục làm sao cho sạch?
Đáp: Chỉ có bữa bữa giảm tiêu.
Con người ai cũng có lương tri lương năng, song lương tri lương năng quí là nhờ ở khoách sung. Khoách sung cốt ở nơi cần học ham hỏi đó thôi.
Cái nhơn tánh của con người đã linh thiêng mà lại thần diệu. Niệm vừa động thì nó bay đi, mà chẳng thấy hình. Nếu muốn lưu nó lại thì phải xét đến cội gốc của nó. Cái cơ (máy động) của nó thường ở tại con mắt, mà cái nhà của có lại ở nơi tâm. Tâm thường thanh tịnh thì thần khí qui về cội gốc, lâu lâu rồi sanh ra món chí bửu, lần lần sung dinh, châu lưu trên dưới, thì cả thân thể đều hiện sắc xuân. Trau mình thuần thục, đối cảnh quên tình, hái lấy linh dược, dùng dương mà chế âm, dưỡng thành thánh thai, hiệu là chơn nhơn.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Thường thường giữ được cái biết ở với ta thì biết tức là làm đó. Một lời nầy chẳng phải người thấu đáo chỗ bí yếu thì chẳng nói ra được. Còn luận về yên nghĩ, mỗi ngày mới mẽ, một nháy mắt cũng tồn, một hơi thở cũng dưỡng, ngày nầy cũng tấn, tháng kia cũng thêm, thiên lý phải giờ giờ tồn dưỡng, nhơn dục phải bữa bữa giảm tiêu, thì lại là lời giải trong 12 giờ chẳng lúc nào là quên đi được.”
(1) Tồn là gìn giữ, đương nuôi nấng. Phải gìn giữ cái tâm, thì mới nuôi nấng cái tánh được. Sau sẽ có bài giảng rõ phép tồn dưỡng.
(2) Tập là tâm thuần không gián đoạn, hi là tâm tỏ chẳng bị che
38.-NGÔN (Lời nói)
Lời nói Thánh Hiền dạy thế nhơn,
Suy cũng nghĩ cạn, tỏ thiên chơn,
Nghe lời phản quán năng tu sửa,
Đắc lý cùng chăng bởi phản hườn.
Phản hườn chơn tánh phát chơn ngôn,
Lời nói tỏ tường biết dại khôn,
Không phải đồng thinh không đáng nói,
Thà cam im lặng giữ sinh tồn.
Tồn tâm dưỡng tánh học vô vi,
Tri giả bất ngôn, ngôn bất tri,
Tai điếc mắt ngơ là thượng sách,
Tự mình tu học, tự mình thi.
Lời của thánh hiền nói ra đều là sự thiệt. Y theo đó mà làm, có thể trau thân, có thể trị người. Phàm đọc sách cần phải đọc cho thiệt hiểu, rồi nhìn cho ra cái nghĩa hiểu đó ở trong thân mình,
mới là có chỗ đắc lực.
(1) 12 giờ là giờ tý, giờ sửu, vân vân. Nói theo bây giờ là 24 giờ, nghĩa là một ngày trọn.
Theo sách Đại Học, công phu hạ thủ(2) toàn ở tại “cách vật trí tri”. Đọc một tạng kinh phật, không bằng xem kỷ một quyển Tâm kinh; xem kỷ một quyền Tâm kinh, không bằng hiểu thấu suốt ba chữ “quán tự tại”(3). Cuốn Đạo Đức kinh có năm ngàn chữ, mà cốt yếu chỉ có trong bốn chữ “hư tâm thật phúc”(4).
Cái bịnh của kẻ phàm phu là hay bàn nói chuyện thị phi của người, cái bịnh của người học Đạo là hay chấp lấy lẽ phải của mình. Ta thường tự răn mình mà rằng; mấy năm về trước, học hỏi biết được nhiều, hay được nhiều; còn việc làm gần đây, hoặc vịnh thi, hoặc đặt bài, kiểm điểm lại coi, đều có tâm bịnh. Nay cần phải gấp trừ, lẳng lặng mà sưu tầm…
Thiên hạ trị loạn, giả điếc không nghe. Nhơn gian thị phi, làm lơ chẳng luận. Hình ngáo ngáo ngơ ngơ, chí trơ trơ vọi vọi. Xét muôn loài chẳng có, coi ba cõi đều không. trần duyên đoạn hết, thần khí về nguồn, thì Đại Đạo đã xong, còn phải tìm ai nữa? Mỗi lời thiệt hành, mỗi câu chiếu đối, vì ngày giờ có hạn, chớ theo lối cũ hoài.
Ai giữ lời nói và việc làm được phù hợp với nhau, Thánh nhơn khen người ấy là người quân tử. Ta nói được mà làm không tới chỗ nói đó, Thánh nhơn chê ta là gỗ mục (hủ mộc), là đất phấn (phấn thổ).
Có kẻ hỏi: Ông là người nhà Nho, sao lại mỗi việc chi cũng đều dẫn lời của Phật?
(1) Đắc lực nghĩa là lấy sức mà làm một việc gì, được kết quả mỹ mãn, không đến phải luống công.
(2) Hạ thủ nghĩa là khởi công, mới phát làm một việc chi.
(3) Coi lời giải trong bài 43 chữ “Quán”
(4) Coi lời giải trong bài 54 chữ “Thái Cực”.
Đáp: Người nhà nho đời này thấy danh lợi thì động lòng, chỉ vụ học hư văn (học nhớ chữ chớ không lo thiệt hành), để cầu đặng ngôi lộc. Cũng có người chán thế bỏ trần, ra khỏi được cảnh nầy, nhưng lại chẳng tưởng đến minh đức, tân dân(1) là vật gì, tri chỉ, năng đắc(2), là sự gì? Họ thường hay trái với Đạo Nho mà mong cầu Tiên, cầu Phật, chẳng biết chỗ nhà Nho gọi Thánh tức là Đạo với Thích gọi Tiên, Phật đó.
Nếu ta cho lời Phật, Lão là kỳ quái mà không nói đến, thì họ cũng sẽ cho ta chưa biết cái bí diệu của họ, Ta với họ tranh phe lập đảng, mỗi bên dựng cờ đánh trống, lố nhố lăng nhăng, biết chừng nào rồi.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Mỗi khi người đời xem sách, ta thấy họ đọc như ruổi ngựa chợ đông. Cái phần thô kệch họ còn chưa thấy rõ ràng thì sao dám bàn bạc tới chỗ nhỏ nhẹm? Sao dám mong hiểu thấu chỗ diệu huyền cho nổi?
Người xưa nói: Thơ độc thiên biến, kỳ ý phương kiến. Nghĩa là: Sách đọc qua một ngàn lần, mới là hiểu rõ ý sách. Ôi! Nếu cứ vội gấp như vậy mãi, dầu có đọc hết năm xe, cũng là không ích!”
(1) Sách Đại Học nói rằng: “Đại Học chỉ Đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện”, nghĩa là: Cái Đạo đại học là phải làm cho sáng cái minh đức (cái tánh Trời phú, khác với tánh khí chất), làm cho mới dân, là phải hướng về cõi chí thiện.
(2) Cũng sách ấy nói rằng: “Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tịnh, tịnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc.”, nghĩa là: biết hướng biết chỗ phải đi tới (mục đích) thì mới quyết định, quyết định thì mới lặng lẽ (không tưởng qua nhiều việc khác), lặng lẽ thì mới yên ổn, yên ổn thì mới dễ bề suy nghĩ (xử việc tinh tường), suy nghĩ rồi mới có thể đặng (là đặng đạt tới cõi chí thiện).
39.-TỈNH SÁT (xem xét)
Hằng ngày xem xét cái lương tâm,
Kiểm điểm lương tri học hỏi thầm,
Khắc trị lỗi lầm năng chủ kỉnh,
Đi vào thanh tịnh vạch cao thâm.
Thâm thẩm Trời cao có khiếu linh,
Người tu tự ngộ ở trong mình,
Biết gìn linh khiếu tu tinh tấn,
Trở lại đường xưa Đạo chiếu minh.
Minh tâm kiến tánh xét âm thầm,
Chăm chỉ nhìn tường, Phật tức tâm,
Khắc kỷ tánh phàm cần quả quyết,
Công phu tồn dưỡng chỗ thâm trầm.
Tỉnh sát là xem xét cái tâm của mình coi trong một ngày là 12 giờ, nó ở trong mấy giờ, nó ra ngoài mấy giờ. Người làm như vậy tự nhiên có chỗ đắc lực.
Xưa có ông Trần Liệt tự xét cái tâm của mình, rồi dùng đậu đen, đậu trắng để ghi cho nhớ: hễ khởi một ý lành thì lấy một hột đậu trắng bỏ vô trong mâm, hễ khởi một ý dữ thì bỏ vô trong mâm một hột đậu đen.
Mới ban đầu thì đen nhiều, kế thì trắng đen bằng nhau, lâu thì đậu trắng nhiều hơn đậu đen. Lâu nữa thì còn ròng là đậu trắng, không có một hột đậu đen. Lại lâu thêm nữa cho tới đậu trắng cũng không. Cái phép nầy tuy vụng về mà cũng có thể dùng được.
Tỉnh sát tức là xem xét, khắc trị tức là trừ lỗi, tồn dưỡng tức là chủ kỉnh (dè dặt).
Đại Đạo tuy không tu không chứng, mà trần tình phải càng giảm càng tiêu. Con người chỉ có một cái tâm, giữ nó ở trong là cái tâm gì? Vụt chút nó chạy ra ngoài, lại là cái tâm gì? Xét được nó cho rành rẽ, rồi sau mới có thể tu tới nữa.
Tỉnh sát phải chăm chỉ, khắc trị phải quả quyết, tồn dưỡng phải thơ thới.
Đó là ba thứ công phu thường bữa phải dùng đến luôn, cho tới chừng nào hết công phu gì phải dùng nữa mới là thành công.
Có người nói chẳng cần nhọc công cũng vượt ngay qua bỉ ngạn. Đó là trong hàng thượng trí, mới có thể được như vậy, chớ đâu dám nói người nào cũng đều làm được như thế cả.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Ba thứ công phu đó là cái bí quyết phải giữ hằng ngày trong cửa thánh. Người có chí làm thánh, làm hiền, chớ nên xem thường mà bỏ qua.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét