44.-TỒN DƯỠNG
Tồn tâm dưỡng tánh kiến Như Lai,
Hàm dưỡng bổn nguyên ấy biệt tài,
Phản quán trở về tâm tự tại,
Lo chi không đáo nhập Diêu Đài.
Diêu Đài nhàn lạc cõi thiên thiên,
Kiến tánh minh tâm ấy định thiền,
Đi đứng nằm ngồi hằng định huệ,
Mới tường giống quí cõi tiên thiên.
Thiên nhơn nhập nhứt cõi trần gian,
Thần khí qui căn học đạo nhàn,
Chẳng phải tánh trần, tâm thoát tục,
Mới hay giống Phật hiệu Kim Cang.
Tồn dưỡng hai chữ vốn chẳng lìa nhau. Nếu chẳng tồn (cầm lại) được, thì dưỡng (nuôi nấng) cái gì? Tồn cái tâm của mình, tức dưỡng cái tánh của mình. Chưa phát ra thì phải tồn dưỡng, đã phát ra rồi thì phải tỉnh sát, thấy ý riêng (chẳng phải công lý) thì phải khắc trị, khắc trị xong lại phải tồn dưỡng. Ba phép nầy làm công dụng lẫn cho nhau một khắc cũng chẳng nên cho gián đoạn.
Tồn tâm chẳng phải lấy sức mà trì kéo nó lại. Chỉ phải gìn lòng trong sạch, ít tham dục mà thôi. Phải biết rằng hễ mình sáng suốt (giác) thì cái tâm nầy nó lại, mình chẳng sáng suốt thì nó đi.
Vậy phải làm sao rồi tâm mới thường sáng suốt, thường chẳng đi ra ngoài? Chỉ nhờ tập cho nó quen tánh mà thôi. Thường thấy người ta nuôi loài chim rừng, tuy nó chẳng phải là loài thú nhà, mà vì nuôi lâu nó quen, thả ra nó cũng không chịu đi. Huống chi cái tâm là món vật ở trong thân ta, dưỡng cho nó quen rồi, thì có lẽ nào nó còn muốn đi đâu nữa.
Châu Tử nói rằng: Cái công hàm dưỡng bổn nguyên (1) rất dễ gián đoạn. Nhưng mà vừa biết gián đoạn tức là trong đó có chấp nối rồi. Chỉ cần thường tự đánh thức, góp nhóp từ phân từ tấc, thì chỗ dứt lâu lâu tự nhiên liền lại, làm một phiến mà thôi.
Hễ tinh khí thần được dưỡng theo phép mà tăng tiến thì sống, còn thất chỗ dưỡng mà tiêu hao thì chết. Thử xem trong một ngày, nhờ dưỡng theo phép mà tăng tiến là bao nhiêu, vì thất chỗ dưỡng mà tiêu hao là bao nhiêu, thì sống chết có thể tự mình biết được, không cần phải dùng phương pháp gì ở ngoài mà xét đoán.
Cái công phu của người học đạo thì phải một ngày một thêm cẩn mật, một giờ một thêm cẩn mật, lâu được thuộc quen, thì chừng đó mới là cùng Đạo hiệp làm một vậy.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Con người hay phản quán thì thần khí trọn về phía trong, Thần khí đã về phía trong thì có lẽ nào không được khước bịnh diên niên (hết bịnh thêm tuổi hay sao?).
(1) Hàm dưỡng bổn nguyên, nghĩa là: hàm sức tồn dưõng cái thiên tánh của mình.
Trong cuốn Ngữ Lục của Ông Khưu Tổ, Ngài chằng chằng lấy đó mà dẫn người ta vào Đạo, Nhưng có người chẳng tuân, không chịu tin theo, là tại sao? Ấy là vì công phu tồn dưỡng khó mà quen được. Hễ quen thì nhồi thành một phiến, theo Nho thì gọi là: tức tâm tức lý, theo Thích thì gọi là: tức tâm tức Phật, theo Tiên thì gọi là: dữ Đạo hiệp chơn (cùng Đạo hiệp một lý chơn).
Người thế đi nửa đường rồi bỏ ngang, đều là bởi tâm sanh, hễ tâm sanh thì công phu gián đoạn. Trong cuốn Tây du ký, tới hồi thứ 97, 98, tác giả mới dám nói vượn thuộc ngựa quen. Ôi! Cái tánh quen thuộc nầy có phải dễ mà nói ra đâu.
45.-GIỚI(Răn cấm)
Nhỏ lớn đa mang thói dục tình,
Lâu đời tập nhiễm tánh vô mình,
Ngó, nghe, làm, nói, năng trì giới,
Quán xét tâm tình, sự bất sinh.
Sinh sự rồi ra vẫn sự sinh,
Nếu không trì giới giải tâm mình,
Thì ra học Đạo như chơi giỡn,
Tánh tịch rồi ra vẫn bất minh.
Minh định lập trường tự tiến tu,
Phải nhờ phép báu dẫn công phu,
Tánh năng tự giác, năng trì giới,
Tự thắng nổi mình mới trượng phu.
(1) Trong bộ Tây Du, có nêu hai câu nầy lên đầu chương thứ 91: Viên thục mã thuần phương thoát xác, công thành hạnh mãn kiến chơn như. Nghĩa là: Vượn thuộc ngựa quen mới thoát xác, công đầy hạnh đủ thấy chơn nhơn. Vượn thuộc ngựa quen dây chẳng phải nói tâm ý, mà thiệt chỉ chỗ viên dung của Đạo thể, sự tất hoá (trọn cái về lành) của công lực.
Con người từ lúc sanh ra cho đến nay, làm mỗi việc đều theo tình dục. Sự tập nhiễm đã in sâu rồi, một mai muốn cầu đặng thanh tịnh, chẳng phải là chuyện dễ. Cho nên trước phải trì giới (giữ y các điều răng cấm). Trì giới là phải tịnh ba nghiệp. Ba nghiệp là gì? Là thân, khẩu, ý (mình, miệng, lòng).
1. Chẳng hại giết, chẳng trộm cướp, chẳng dâm bôn, là tịnh tu thân nghiệp.
2. Không nói láo xược, không nói đùa bỡn, không đâm thọc hai đầu, không chưởi rủa, là tịnh tu khẩu nghiệp.
3. Trừ tham, trừ sâu, trừ tà niệm, la tịnh tu ý nghiệp. Ngó, nghe, nói, làm, theo tứ vật của Nhan Tử (1) là phép trì giới cao thượng. Khắc, phạt, oán, dục, như bất hành của Nguyên Hiến (2) là phép trì giới thô sơ.
(1) Nhan Tử tức là thầy Nhan Uyên. Sách Luận Ngữ, chương thứ 12, nói rằng: thầy Nhan Uyên hỏi làm nhân là làm thế nào? Đức Khổng Tử đáp rằng: Bỏ tư dục của mình, đem lễ là lẽ tự nhiên trở lại, ấy là làm nhân... Thầy Nhan Uyên lại hỏi điều mục (cái nghĩa rõ ràng). Đức Khổng Tử nói: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động. Nghĩa là: điều chẳng phải lễ mắt đừng ngó tới, điều chẳng phải lễ lỗ tai đừng nghe tới, điều chẳng phải lễ miệng đừng nói tới, điều chẳng phải lễ tay chơn đừng làm tới.
(2) Nguyên Hiến tên chữ là Tử Tư, nên cũng có chỗ xưng là Nguyên Tư, cũng là học trò của đức Khổng Tử như thầy Nhan Uyên vậy.
Sách Luận Ngữ, chương thứ 14, nói rằng: “Khắc phạt, oán, dục bất hành diên, khả dĩ vi nhân hỉ?” nghĩa là: Ngăn cấm chẳng cho phát ra ngoài những tư tình ở trong tâm (bất hành) như khắc là háo chăng, phạt là khoe mình, oán là hờn giận, dục là tham lam, có thể đạt tới bực nhân chăng? Đức Khổng Tử đáp rằng: Khó mà ngăn cấm, Theo ta, thì chưa phải là nhân, Tại sao chưa phải là nhân? Vì nhân là ròng thiên lý, không có bốn bịnh nói trên. Ngăn cấm chỉ là cượng chế, rối rồi gốc bịnh cũng còn, cho nên chưa đạt tới bực nhân được.
Đức Khổng tử nói rằng: “Người quân tử có ba điều răn, là bởi người quân tử thường gìn cái tâm giới thận (răn dè), một đời chẳng để khí huyết nó sử mình. Lại nói rằng: “Người quân tử có chín điều nghĩ, là bởi người quân tử tâm thường tinh tinh (kỉnh giác), chẳng cần phải giữ răn cấm mà tự nhiên chẳng có gì là không ý răn cấm.
Lăng Nghiêm kinh nói rằng: “Nhiếp tâm vi giới, nhân giới sanh định, nhân định sanh huệ”, nghĩa là: Kềm tâm mình là giới, nhờ giới mà sanh định, nhờ định mà sanh huệ.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Tịnh tu ba nghiệp là điều răn của Thiên môn, tứ vật cửu tư (bốn cái đừng, chín điều nghĩ) là điều răn của Nho môn. Kẻ mới vào học, chẳng khá không mỗi khắc tuân hành, người tới nhà rồi (trọn thành công) chẳng khá không mỗi điều quét sạch.
46.-ĐỊNH(Yên nơi)
Động tịnh, trong ngoài vẫn lặng trang,
Tánh hằng ngự trị cõi Nhơn Hoàng,
Vô sinh, vô nhiễm, tâm hằng tại,
Không luỵ, không phiền cõi định an.
An tâm, tâm định, tánh về nguồn,
Mặc cảnh trần gian lắm khổ buồn,
Tuỳ thuận chúng duyên vô quái ngại,
Từ bi hỉ xả khổ trần tuông.
Tuông ra muôn loại khổ ưu phiền,
Định huệ là phương đắc hạnh Tiên,
Vốn biết tâm sanh là khổ luỵ,
Thì nên tồn dưỡng tánh hồn nhiên.
(1) Ba điều răn là: Hồi nhỏ răn sắc dục, lớn lên răn tranh đấu, lúc già răn lòng tham.
(2) Chín điều nghĩ có giải trong bài chữ Tư (xin xem lại chữ Tư)
Sách Định Tánh nói rằng: Định lấy nghĩa động cũng định, mà tịnh cũng định, hay là nói định ở trong mới phải, ở ngoài chẳng phải, không bằng trong ngoài đều quên. Quên cả hai thì trong tâm mới thiệt lóng trong vô sự. Vô sự mới định, thì khi ứng tiếp có chi mà làm luỵ cái tâm được.
Tâm vốn muốn định, nhưng nếu chẳng định được, thiệt do niệm làm lụy. Nếu bằng dứt niệm gìn tâm, không có gì làm loạn cái tâm nầy nữa, thì tâm tự nó định.
Vân Môn nói rằng: Sơ thiền niệm trú, nhị thiền tức trú, tam thiền mạch trú, tứ thiền diệt tận nhập bồ đại định. Nghĩa là: bực thiền định thứ nhứt là hết niệm, bực thứ nhì là hết thở, bực thứ ba là hết mạch, bực thứ tư là diệt hết, nhập vào cảnh đại định.
Phải biết rằng phép định có ba loại:
1. Thiên sanh định, là nói bổn tánh tịch nhiên (vắng lặng), vốn tự mình chẳng động.
2. Tu thành định, là nói hàm dưỡng đến thuần tuý, tự tánh lắng trong.
3. Vũ thái định, là nói: hư tâm thuận lý (trống lòng theo lý), làm theo lối vô sự.
Trang Tử nói rằng: Vũ thái định phát sanh thiên quang.
Người xưa đắc đạo là nhờ dùng sự điềm đạm mà dưỡng trí.
Trí sanh mà không biết dùng vào đâu, gần ngủ chớ chưa ngủ, thế sự không biết đến, thân tâm êm chẳng động, ấy là tới lúc phát tam muội (samadhi). Luận về nguyên nhân thì gọi là chỉ quán,
luận về kết quả thì kêu là định huệ.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “ Quên cả hai tức là cách toạ vong (ngồi mà quên) của Nhan tử. Tới mức quên cả hai thì có lo gì không định.
47.-HUỆ (trí sang)
Lòng người như nước dễ săm soi,
Nếu khuấy đục lên, ắt khổ rồi,
Biến lặng minh châu hằng xuất hiện,
Im lìm lặng lẽ trán rình coi.
Coi tánh Bổn Lai ẩn chỗ nào?
Nhơn không huệ trí, rõ âm hao,
Pháp không huệ chiếu, muôn duyên dứt,
Không huệ không tình, Đạo tự cao.
Cao nhơn còn dắm chỗ thương tình,
Vì bởi còn mê hữu lậu danh,
Hư vọng dứt đi, năng giải thoát,
Vô sinh vô tử, có gì tranh.
Vũ thái định nghĩa là: Khí vũ (rộng rãi), nhàn thái (thảnh thơi), thì được tịnh định
Ngạn ngữ nói rằng: Lòng người như nước, để nó lóng trong thì mới có thể soi mặt mày. Nếu khuấy đục lên, thì ngôi trời đất xáo lộn, Phải biết rằng huệ có ba đường:
1. Nhơn không huệ, là nói rõ thấu phép vô sanh, nên vô ngã, vô nhơn.
2. Pháp không huệ, là nói biết năm ấm và các pháp làm duyên (sanh ra muôn vật) là giả chớ chẳng phải thiệt.
3. Không không huệ, là nói hiểu cảnh và trí đều không và cái không nầy cũng là không nữa.
Kẻ mới tập tu định thình lình phát thần thông, hoặc biết việc quá khứ đời trước, hoặc biết việc vị lai ngày sau, hoặc đặng trí tha tâm, nói năng thông suốt. Đó không chi khác chỗ mà nhà Nho ta nói: “Chí thành chi đạo, khả dĩ tiền tri”(1), nghĩa là: người đặng đạo chí thành, có thể tự mình biết trước sự sẽ đến là như vậy đó.
Kẻ học Đạo tới bực đó hay say đắm về đường danh lợi, về sự cung kính của thế gian. Làm như vậy là thuộc về hữu lậu (2), thần khí vì đó mà chẳng bền vững, nên hay thành thi giải (3). Phải mau bỏ cái phép hữu lậu ấy đi, vì nó là phép hư vọng.
Đạo Đức kinh nói rằng: Tục nhơn chiêu chiêu ngã độc hôn hôn. Tục nhơn sát sát, ngã độc muộn muộn (4). Nghĩa là: Kẻ tục sáng rỡ, chỉ ta mập mờ. Kẻ tục biện xét, chỉ ta thờ ơ.
(1) Coi sách trung Dung, chương thứ 24.
(2) Hữu lậu nghĩa là: Còn gây nghiệp phải đầu thai (hữu) lưu trú trong vòng tam giải (lậu).
(3) Thi giải những người tu tiên chưa trọn thành công mà xác hoại phải bỏ xác (chết). Hạng nầy có thể đoạt xá, nghĩa là giựt xác của con nít mới đẻ hày là xác của người lớn vừa chết, như ông Lý Thiết Quài mượn xác của người ăn mày què chín mà tu thêm cho đễn liễu đạo vậy.
(4) Coi đạo Đức kinh, chương thứ 20.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Nước trong có thể soi thấy mặt mày, tâm trong có thể rõ biết sanh tử. Trong cho đến mức vô ngã vô nhơn, ấy mới là chỗ sanh tử bất tương quan (chỗ sanh tử không còn dính dấp với ta nữa) là cơ quỉ thần không xét thấu. Cho nên gọi là Cực Lạc thế giới
48.-THÀNH (chơn thiệt)
Trọn bộ Trung Dung giải chữ “Thành”
Thật lòng, thật dạ, thật vô danh,
Bất tranh, bất chấp, là vô ngã,
Vô kỷ. vô cầu, sự bất sanh.
Sanh cõi trần gian khổ với thân,
Trong thân hằng có Bổn Ngươn Thần,
Thần minh hằng độ thân vô nhiễm,
Chí thiện chí chơn chẳng mất phần.
Phần đạo phần đời đáng trượng phu,
Thành tâm sửa lỗi mới rằng tu,
Mỗi giờ mỗi khắc không quên tánh,
Trọn giác trọn lành chí liệt nhu.
Một bộ Trung Dung chỉ nói về chữ thành. Chọn điều lành mà gắng giữ là việc làm để đạt tới lòng thành (1). Tham tán vị dục (2). Nghĩa là xen vào hàng Trời Đất mà trợ Trời Đất yên ngôi, muôn vật thoả sống, là công trình của bực chí thành.
(1) Sách Trung Dung chương thứ 20, nói rằng “Thành giả, bất miễn nhi trúng, bất tư nhi đắc, thung dung trúng đạo, thánh nhơn dã thành chi giả, trạch thiện nhi cố chấp chi giả dã. Nghĩa là: Người đặng trọn chơn thiệt chẳng phải ra sức gắng công mà làm đúng theo Đạo, cũng chẳng cần phải lo nghĩ mà làm theo đó được ngay, thảnh thơi mà nhằm Đạo là bực thánh nhơn. Kẻ muốn đặng chỗ chơn thiệt (mà mình chẳng có hay là đã mất rồi) thì chọn điều lành mà gắng giữ (đây là chỉ kẻ học giả).
(2) Sách Trung Dung có nói trong chương 22 rằng: Khả dĩ tán thiên địa chi hoá dục, tất khả dĩ dữ thiên địa tham hỉ, nghĩa là: có thể giúp việc biế hoá sanh dục của Trời Đất thì mới có thể xem vào hàng Trời Đất (đồng ngôi tam tài).
Trong chương thứ nhứt, lại nói: Trí trung hoà, thiên địa vị diên, vạn vật dục diên, nghĩa là: Suy tột trung hoà thì Trời Đất yên ngôi, muôn vật thoả sống.
Đây là bực thánh nhơn.
(3) Thiên đạo và nhơn đạo khác nhau là ở chỗ cố gắng cùng không cố gắng giải trên.
(4) Thận độc là dè dặt một mình mình biết và nghe (coi bài chữ Quỉ có giải nghĩa rõ).
(5) Trí là suy trí, khoách sung, Khúc là một mối, một đoạn. Tri khúc là khoách sung mối lành. Sách Trung Dung chương 23, nói rằng: Kỳ thử trí khúc, khúc năng hữu thành... Nghĩa là: Kế đó là khoách sung mối lành, mối lành mới đặng chơn thiệt được. Ý nói: Trên là bực thánh, kế đó là nói tử bực đại thiện sắp xuống tuy có lòng thành mà chưa được trọn, Vậy phải làm cho cái lành đó mới tỏ ra có một mối, một đoạn, được khoách sung đến hoàn toàn.
Chí thành (đặng trọn chơn thiệt) gọi là thánh, tức là thiên đạo(3). Tồn thành (gắng giữ chơn thiệt) gọi là hiền, tức là nhơn đạo(3).
Làm theo trời mới được nên người. Trọng đạo người mới có thể hiệp cùng Trời. Cho nên nói: đến khi thành công rồi, chí có một mà thôi.
Đạo của Trời Đất chỉ nhờ có lòng thành mà sanh dục được muôn vật, đạo của đế vương chỉ nhờ có lòng thành mà cảm hoá được muôn dân, đạo của thánh hiền chỉ nhờ có lòng thành mà trợ giúp được muôn vật.
Dè dặt một mình (thận độc)(4) khoách sung mối lành (trí khúc)(5), là cái công phu rất trọng yếu để cầu thành mỗi ngày. Chí thành có thể cảm động Trời Đất, quỉ thần. Trong khắp khoảng trời đất không đâu là chẳng có quỉ thần. Người tuy chẳng thấy quỉ thần, chớ sao lại chẳng thấy trời đất. Quỉ thần là cái linh diệu của trời đất, còn trời đất là cái dấu tích của quỉ thần. Người quân tử sợ mạng Trời đất là cốt ý sợ quỉ thần đó.
Người thế dám làm điều chẳng nên làm, chỉ sợ người biết mà chẳng sợ Trời biết. Kẻ sợ người biết là dối giả, ấy là kẻ tiểu nhơn. Người sợ Trời biết là chơn thiệt, ấy là người quân tử.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Nhà nho trừ hêt dối trá, thì gọi là chí thành, Chí thành đó là thánh nhơn, Phái Đạo luyện hết âm tà, thì gọi là thuần dương. Thuần dương đó là chơn chơn. Sao chẳng biết thành tức là chơn, chơn tức là thành vậy?
Người xưa nói rằng: Thiên hạ vô nhị Đạo, chí nhơn vô lưỡng tâm, nghĩa là: Dưới trời không hai Đạo, người thánh chẳng hai lòng. Lời nầy thật là đúng lắm
49.-HIẾU (Thảo)
Hoàng thiên bất phụ hiếu tâm nhơn,
Nhơn đạo làm nên bậc chí chơn,
Chơn tánh hiển dương trang chí thánh,
Thánh Tiên lẫn thế có gì hơn.
Hơn người nhờ bởi trọn lòng tin,
Có Phật, có Trời, có tánh linh,
Có hạng làm người trọn hiếu đạo,
Bởi năng hành Đạo đắc trường sanh.
Sanh ký tử qui, ấy lẽ thường,
Làm sao âm tuyệt mới thuần dương,
Khá mau học phép “Hồi Nguyên Bổn”,
Gởi tặng cho đời một chữ “Thương”.
Hiếu là cội gốc trăm hạnh, là nguồn đầu muôn lành. Lập thân hành đạo (1) là cái hiếu trọn đời. Hầu hạ dưỡng nuôi là cái hiếu muôn thuở.
Lời xưa nói rằng: Cha mẹ sanh ra toàn vẹn, thì tới chết con cũng phải giữ vẹn toàn. Mỗi lần dở chơn, mỗi lần mở miệng, mỗi lần động niệm. chẳng dám quên cha mẹ. Đừng làm lỗi gì phải nhục thân mình, táng lương tâm xấu cha mẹ mới được gọi là hiếu.
Ta lại thường nói: Trời Đất sanh ra toàn vẹn, thì tới chết người cũng giữ vẹn toàn. Mỗi lần dở chơn, mỗi lần mở miệng, mỗi lần động niệm, chẳng dám trái Trời Đất, Đừng làm lỗi gì phải nhục thân mình, táng lương tâm, nghịch chơn lý, mới được gọi là nhân.
Cha mẹ là Trời Đất trong một nhà. Con hiếu thờ cha mẹ như thờ Trời Đất. Cha mẹ thương thì vui mừng mà chẳng quên, cha mẹ ghét thì đầu nhọc cũng chẳng oán.
Trời đất là cha mẹ của muôn vật. Ở địa vị giàu sang phát đạt mà chẳng vượt vòng phép tắc (ỷ thế hiếp cô, vân vân...). Đương mạng vận nghèo hèn hoạn nạn mà không sai mất trung chánh (xảo trá, hà lạm, vân vân...).
(1) Cuốn Hiếu Kinh, chương thứ nhứt, nói rằng: “Thân thể phát phu, thọ chi phụ mẫu, bất cảm huỷ thương, hiếu chi thi dã. Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển kỳ phụ mẫu, hiếu chi chung dã. Nghĩa là: mình vóc tóc da, chịu lấy của cha mẹ, chẳng dám làm hư hoại, là đầu việc thảo vậy. Làm nên thân phận làm điều đạo nghĩa để tiếng tới đời sau, rỡ ràng cho cha mẹ, là cuối việc thảo vậy.
Có kẻ hỏi: Cha mẹ đã mất, làm sao mà giữ hiếu?
Đáp: Cái thân của con là cái thể của cha mẹ để lại, rán giữ đừng để cho nó hoại, ấy là thờ cha mẹ đó.
Cái tánh của người ta là cái điểm sáng suốt của Trời Đất ban cho, khéo nuôi đừng để cho nó tán,
ấy là thờ Trời Đất đó.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: “Người được thành Thánh thì kẻ khác kêu cha mẹ mình bằng Thánh phụ, Thánh mẫu. Người được thành tiên, thì kẻ khác kêu cha mẹ mình bằng Tiên phụ, Tiên mẫu. Người được thành Phật, thì kẻ khác kêu cha mẹ mình bằng Phật công, Phật mẫu. Còn người cả đời dung lục (phàm ngu thô tục) ta chẳng biết kẻ khác kêu cha mẹ nó bằng cái gì há
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét