Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

Nam Du ký sự

Cao Đài Hội Thánh (Phú Quốc),
Một di tích của tiền bối Ngô Minh Chiêu.
Ảnh Phan Văn Hoàng
Đạt Truyền & Đạt Linh

Ở miền Nam, đạo Cao Đài hình thành bảy khu vực gồm vùng Sài Gòn – Chợ Lớn và sáu vùng chung quanh có hình rẻ quạt che bọc khắp miền Nam. Đó là những nơi có nhiều thánh sở Cao Đài, tập trung nhiều đàn tiếp điển Đức Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng giáng cơ dạy đạo. Do đó, những nơi này đã tập trung nhiều điển lành, tạo thành một tấm lưới vô hình xua tan tà khí để bảo hộ cho dân cư trong vùng. Bảy khu vực này là:

1. Sài Gòn - Chợ Lớn: Đêm 19-12-1925, Đức Cao Đài thâu nhận ba vị đệ tử đầu tiên cho cơ phổ độ là các tiền bối Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang. Ba vị sau này đã liên tiếp lập các thánh sở Cao Đài và mở rất nhiều đàn ở các vùng lân cận.

2. Tây Ninh: Ngày 19-11-1926 (15-10 Bính Dần), Hội Thánh Cao Đài chính thức ra mắt nhân sinh trong lễ Khai Minh Đại Đạo được tổ chức trọng thể tại chùa Gò Kén (chùa Thiền Lâm, làng Long Thành).

3. Định Tường (nay là Tiền Giang): Hội Thánh Minh Chơn Lý hình thành (1930).

4. Bến Tre: Tòa Thánh Châu Minh của Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên hình thành (1931). Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo thành lập (1934).

5. Cần Thơ: Tiền bối Ngô Minh Chiêu về ẩn tu. Sau này nhiều thánh sở Cao Đài Chiếu Minh Vô Vi Tam Thanh hình thành. Hội Thánh Cao Đài Chiếu Minh với Tòa Thánh Long Châu được thành lập (1956).

6. Cà Mau: Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo hình thành với Tòa Thánh Ngọc Minh ở Giồng Bốm (1932); sau này Hội Thánh thiên di về Tòa Thánh Ngọc Sắc ở Thới Bình (1954).

7. Hà Tiên – Kiên Giang: Đức Cao Đài Thượng Đế độ vị đệ tử đầu tiên là tiền bối Ngô Minh Chiêu tu luyện ba năm tại đảo Phú Quốc. Ngày 08-3-1936 (15-02 Bính Tý) Tòa Thánh Ngọc Kinh của Hội Thánh Cao Đài Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý được thành lập.

Kiên Giang: Nơi tu học của tiền bối Ngô Minh Chiêu, vị đệ tử Cao Đài đầu tiên; nơi hình thành Hội Thánh Cao Đài Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý.

Chúng tôi đi Kiên Giang ba lần. Lần đầu chúng tôi đến Hà Tiên rồi đi tàu ra đảo Phú Quốc (tháng 5-2001). Lên tàu rồi thấy súng đại liên gắn trên mui, hỏi ra mới biết là tàu của bộ đội biên phòng. Khoảng 9 giờ sáng, trời trong, nắng ấm, tàu nhẹ nhàng lướt trên mặt biển bao la. Được khoảng 20 cây số, trước mắt chúng tôi hiện ra rõ nét núi Tà Lơn chớn chở huyền bí ở phía Campuchia và hình dáng 99 ngọn núi thoai thoải trải dài ở đảo Phú Quốc. Vừa đang tưởng đến cảnh bồng lai Đức Ngô nhìn thấy trong khi đang ngồi trên núi Dinh Cậu, chúng tôi chợt thấy cả một bầu trời tươi đẹp trong hơn 10 phút, do các cụm mây bay tiếp nối nhau trong ánh mặt trời chiếu sáng. Tiếc rằng máy ảnh kém và thiếu kỹ thuật nên không lưu được tấm hình nào rõ nét để kỷ niệm.

Khoảng 11 giờ 30, tàu cập bờ phía bắc đảo Phú Quốc, gần mũi Trâu Nằm. Khi xuống ghe, leo lên cầu khỉ vào bãi mới biết nơi đây không có bến tàu. Gần cuối cầu khỉ, bất chợt cây gãy, hiền hữu Nguyễn Văn Tài té lọt xuống sình trong khi trình giấy chứng minh nhân dân cho đồn biên phòng. Cách đồn không xa có một số thanh niên chăm chú chơi đá gà. Một số phụ nữ tụ tập từng nhóm đánh bài. Nơi đây là đầu đường mòn độc đạo, bốn bề toàn rừng cây, không bóng nhà dân. Không an tâm, chúng tôi vội thuê xe ôm vể thị trấn Dương Đông cách xa khoảng 25 cây số.

Trên đường đi tìm nơi Đức Ngô Minh Chiêu lập đàn cơ học đạo, chúng tôi ghé thăm thánh thất Linh Tiêu Cực và được một đạo huynh cho biết ngày trước Đức Ngô đã lập đàn cơ tại đây. Nhưng dường như nhiều sử liệu chép về Đức Ngô không nói về việc này.

Sau đó chúng tôi đến thánh thất Dương Đông thuộc Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh. Cuối cùng chúng tôi lên thăm Cao Đài Hội Thánh (dân địa phương thường gọi là chùa Cao). Trước kia đây là nền chùa Quan Âm bị hư phế. Để kỷ niệm nơi Đức Ngô được Đức Cao Đài nhận làm vị đệ tử đầu tiên, một số đệ tử Cao Đài Chiếu Minh (thuộc đàn Long Hoa) gồm các ông Nguyễn Văn Truyện, Bùi Thiện Hùng, Trần Minh Trí… hiệp nhau xây cất lên Cao Đài Hội Thánh (1961).

Rời Dương Đông lúc xế chiều, chúng tôi ngồi xe ôm đi dọc theo bãi biển xuống An Thới ở cực nam đảo nghỉ đêm, hôm sau qua bến Đầu Sấu trở vê đất liền. Khi tàu chạy qua bến Hàm Ninh rước khách, chúng tôi mới biết đây là loại tàu chuyên đưa rước ngư dân đánh bắt cá biển vào đất liền. Tàu đang chạy trên biển thì xảy ra một trận ẩu đả có cả dao bén nhọn giữa mấy người đã uống rượu. Máy tàu bị phá hỏng, không chạy được. Khách trên tàu hoảng sợ nép vào một góc chứng kiến họ đánh đuổi nhau, thậm chí có nạn nhân còn bị ném xuống biển!

Lần thứ hai chúng tôi đi Kiên Giang (tháng 2-2003), ghé thăm Tòa Thánh Ngọc Kinh, các thánh thất tại Rạch Giá và tại các huyện quanh vùng.

Đến Kiên Giang lần thứ ba (tháng 4-2003) bằng con đường đi từ Cà Mau qua, chúng tôi đi thăm các thánh thất thuộc các huyện giáp ranh Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang.

Ghé thăm một thánh thất ở huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) hỏi thăm đường về Cần Thơ, chúng tôi được quý đạo huynh sở tại khuyên nên đi qua Rạch Giá rồi về Cần Thơ vì từ đấy đi thẳng sẽ rất vất vả bởi lẽ đường có nhiều lỗ chân trâu. Chúng tôi nghi ngờ lời chỉ dẫn, vì trên bản đồ có vẽ đường đi, nếu phải gặp đường xấu cũng ráng đi một vài khoảng. Thật ra người dân ở đây có thói quen đi Cần Thơ bằng ghe nên không biết có con đường đã được làm từ lâu và rất tốt.

Tỉnh Kiên Giang cách Sài Gòn khoảng 300 cây số, nguyên là hai tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên sáp nhập. Kiên Giang phía bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài 54 cây số; nam giáp hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu; đông giáp ba tỉnh An Giang, Cần Thơ và Hậu Giang; tây giáp vịnh Thái Lan với 105 hòn đảo lớn nhỏ gần xa ngoài vịnh. Kiên Giang có những đồng lúa phì nhiêu, rừng và biển giàu sản vật, hải đảo đẹp, núi đá vôi với nhiều hang động huyền ảo, và có hồ nước rộng 600 mẫu phẳng lặng, thơ mộng, quanh năm mát mẻ. Hà Tiên của Kiên Giang là nơi có cảnh đẹp nổi tiếng đứng hàng thứ nhì sau vịnh Hạ Long.

Kiên Giang có mười một huyện, trong đó hai huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải đều có thánh sở Cao Đài. Kiên Giang là nơi Đức Cao Đài thâu nhận tiền bối Ngô Minh Chiêu làm vị đệ tử đầu tiên. Kiên Giang cũng là nơi ra đời Hội Thánh Cao Đài Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý với mười ba thánh sở trực thuộc. Ngoài ra Kiên Giang còn có nhiều thánh sở Cao Đài của các hội thánh khác như Minh Chơn Đạo (mười một thành sở), Tây Ninh (mười sáu thánh sở), Tiên Thiên (hai thánh sở, nhưng một bị hoại), Ban Chỉnh Đạo (hai thánh sở). Hội Thánh Chơn Lý (xưa là Minh Chơn Lý) cũng có một thánh sở.
Người học trò đầu tiên của Đức Cao Đài Thượng Đế

Ngày 01-3-1920, Ngài Ngô Văn Chiêu chuyển công vụ về làm việc tại Hà Tiên, thường tham gia cầu cơ thỉnh Tiên cùng ông Lâm Tấn Đức, Nguyễn Thành Diêu, đốc phủ Cao Văn Sự, ông phán Ngàn ở Thạch Động và lăng Mạc Cửu. Đến 26-10-1920, ra làm chủ quận hải đảo Phú Quốc, Ngài Ngô lại lập đàn cầu cơ thỉnh Tiên ở chùa Quan Âm sau đó ở Sùng Hưng Tự cùng với quý ông: hương hào Trương Văn Khâu, thầy giáo Nguyễn Văn Mẫn, hội đồng Đinh Văn Phanh, bà phủ Phẩm, bà Đinh Thị Lang, đồng tử Lê Văn Ngưng, cùng nhiều vị khác. Kể từ mồng một Tết Tân Dậu (08-02-1921) Ngài Ngô Văn Chiêu vâng lệnh dạy của Đức Cao Đài Tiên Ông trường trai ba năm và trở thành người học trò đầu tiên thọ giáo Đức Cao Đài Thượng Đế và được lập những đàn cơ riêng biệt do đồng tử Lê Văn Ngưng phò ngọc cơ, chỉ một mình Ngài hầu để học đạo lý và đạo pháp.





Huyện Chiêu 1920 (Phú Quốc),
Một bút tích của tiền bối Ngô Minh Chiêu.
Ảnh Phan Văn Hoàng >


Sau ngày khai tịch Đạo 23-8 Bính Dần (1926), Đức Chí Tôn truyền lệnh cho các tiền bối lập thành ba đoàn chia nhau phổ truyền mối đạo Kỳ Ba.

Đoàn thứ nhứt gồm các tiền bối Thượng Trung Nhựt, Nguyễn Ngọc Thơ, Trần Đạo Quang, Lê Văn Giảng, Lê Văn Yên, Nguyễn Văn Biên, Đào Văn Chỉ, Lưu Quang Viễn, Hà Văn Điền, và bà Lâm Hương Thanh... Phò loan có hai tiền bối Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc.

Đoàn này đi về chín tỉnh miền tây: Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá.

Khi đoàn đến tỉnh Rạch Giá, đàn cơ được lập tại nhà ông Trần Đài. Đức Cao Đài thâu bốn môn đồ đầu tiên ở Rạch Giá gồm ba nghiệp chủ (các ông Trần Đài, Lục Phương Giảng, Trương Minh Tòng), và một nhà buôn (ông Tô Bửu Tài). Lần lượt bốn ông này tiếp tục đi truyền bá mối đạo Thầy.

Ngày 15-10 Bính Dần (19-11-1926), đại lễ Khai Minh Đại Đạo tổ chức vô cùng trọng thể tại chùa Gò Kén (Tây Ninh), bốn ông này cùng các ông Phan Văn Nhơn (thơ ký Sở Trường Tiền Rạch Giá), Nguyễn Văn Nguyện (đội lục lộ), Ngô Sử Ký (nhà nông), Giang Minh Tâm (phú nông), Lâm Đức Tâm (nhà buôn), Lý Văn Mỹ (xã trưởng Mông Thọ), Phan Văn Nhị, Huỳnh Văn Lộc, Huỳnh Văn Thọ, Huỳnh Văn Cẩm hướng dẫn rất nhiều tín đồ từ Rạch Giá về Tây Ninh bằng nhiều phương tiện, đặc biệt là dùng ghe.

Trở về địa phương, năm 1928 các ông xây dựng thánh thất đầu tiên là Hưng Chánh Đàn ở xã Vĩnh Hòa Đông (nay là Vĩnh Hòa Hiệp) với sự hướng dẫn của các ông Ngô Sử Ký, Ngô Văn Chơn, Cao Văn Lai. Vì đường giao thông không thuận tiện, để giúp tín hữu đỡ tốn công đi xa nên năm 1929 các ông xây thêm thánh thất Kiên Giang tại thị xã Rạch Giá.

Theo một thánh giáo tiếp nhận tại Cao Minh Tân Đàn, thánh thất Mông Thọ được xây dựng lần đầu năm 1930, tại xã Mông Thọ, do các ông Tô Bửu Tài, Trương Minh Tòng, Lý Văn Mỹ, Nguyễn Văn Ghi, Phan Văn Nhị, Đinh Văn Phương, Đinh Văn Cẩn, Lý Văn Tập, Đặng Trung Hiếu, Lê Văn Bông.

Năm 1935 một bộ phận Hiệp Thiên Đài được thành lập gồm Chưởng Quản Trương Minh Tòng; Chơn Sư Nguyễn Thành Hội; chơn đồng là Chơn Như Nguyễn Văn Xứng, điển ký Hứa Văn Nhiều; đồng tử Khuê Tinh Tử. Các ông được lệnh lần lượt tới các thánh sở Cao Đài trong miền Tam Giang, qua Cao Minh Tân Đàn, Nguyệt Thanh Âm (núi Cấm), Nguyệt Minh Đài, Ngọc Huỳnh Đài, Minh Nghĩa Đàn, Cao Thiên Đàn, Ngũ Hành Tòa, đàn tư gia ở Cao Lãnh, đàn nhà ông phủ Thạnh (Hà Tiên) để tiếp kinh Ngọc Đế Chơn Truyền Tân Ước Tri Nguyên.

Ngày 01-7 Ất Hợi (16-8-1935), mười hai vị có công xây dựng thánh thất Mông Thọ họp lại và quyết định hiến thánh thất Mông Thọ làm Tòa Thánh Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý. Trụ sở Thánh Tòa Ngọc Kinh hiện nay tại xã Mông Thọ B, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Đàn cơ ngày 25-7 Ất Hợi (10-9-1935) tại Nguyệt Thanh Âm, Đức Cao Đài dạy chọn ngày 15-02 Bính Tý (1936) tổ chức đại lễ kỷ niệm Chơn Tu khai minh Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý.

Đến tháng hai ngày rằm Thầy định,
Lập Liên Đoàn thức tỉnh nhân sanh.
Đó là kỷ niệm từ lành,
Độ đời ra khỏi rừng xanh mịt mù.
Ấy là kỷ niệm chơn tu,
Chơn tu phải ráng công phu mới thành.

Tham dự đại lễ kỷ niệm Chơn Tu có 6.000 tín hữu và Hội Thánh Tiên Thiên (các tiền bối Nguyễn Tấn Hoài, Phan Văn Tòng, Lê Thành Thân, Nguyễn Bửu Tài); Ban Chỉnh Đạo (Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, Giáo Sư Dựa); Minh Chơn Đạo (Chưởng Pháp Trần Đạo Quang, Bảo Đạo Cao Triều Phát, Đầu Sư Phan Văn Thiệu); Liên Hòa Tổng Hội (các tiền bối Nguyễn Phan Long, Phan Trường Mạnh); Cao Đài Hội Giáo (Thiên Huyền Tâm).

Ngày 23-11 Bính Tý, tại Đàn Nguyệt Thanh Âm, Đức Lý Thiết Quải [1] giáng dạy xây cất Thánh Tòa Ngọc Kinh như sau: nền dài 36m, ngang 18m; Hiệp Thiên Đài có ba tầng; Bát Quái Đài cao 18m; Cửu Trùng Đài (Châu Thiên Đài) ở giữa có Lục Giác Đài là nơi thờ Thầy. Thánh Tòa khởi công năm 1957. Ngày 15-02-1962 làm đại lễ an vị Thiên Nhãn. Ơn Trên ban cho ba đôi liễn:

- của Thích Giáo:

Châu hiển dương quang chánh pháp công bình duy độc nhứt;

Hiển linh chiếu diệu chơn truyền bác ái thể đơn thuần.

- của Đạo Giáo:

Cửu phẩm Phật Tiên giải cứu khổ trần thành chánh quả;

Trùng thiên Thần Thánh thắng diệt tai ương nhập niết bàn.

- của Nho Giáo:

Hiệp chưởng càn khôn chuyển hóa quần sinh thống nhứt thái bình khai Đại Đạo;

Thiên môn thế giới chấn hưng nhơn loại đồng tâm tự chủ dựng Cao Đài.
Hội Thánh Bạch Y tổ chức theo kinh Ngọc Đế Chơn Truyền

1. Hiệp Thịên Đài: Chưởng Quản, Chơn Sư, Tứ Bửu, Lục Đàn.

2. Cửu Trùng Đài nam phái: Giáo Tông, Chưởng Pháp, Đầu Sư, Phối Sư, Giáo Sư, Giáo Hữu, Chơn Đạo, chức việc, tín đồ.

Cửu Trùng Đài có bốn bàn: Bàn Cai Quản, Bàn Trị Sự, Bàn Lục Viện, Bàn Công Đồng. (Chỉ đạo Lục Viện có Nội Viện Chưởng Quản)

Cửu Trùng Đài nữ phái cũng như nam phái, nhưng về phẩm cấp chỉ đến phẩm Đầu Sư.

3. Nghi thức thờ cúng:

Nơi Thiên Bàn, phía trên thờ Thiên Nhãn, Nhựt, Nhãn, Tâm.[2]

Dưới Thiên Bàn có sáu cấp và mười hai ngọn đèn. Ở hai bên lư hương, lư trầm chưng bình bông.

Cúng nhựt thời: Ngọ, Mẹo, Dậu.

Đọc kinh: giọng Minh Dương.

Đạo phục: đại phục bạch y choàng, bạch y viện, đầu đội mão tùy theo phẩm cấp.

Lạy: chỉ lạy phần thiêng liêng (Thầy, Mẹ…). Con cháu kỉnh lạy cửu huyền là đủ.

Sau ngày 09-3-1945, những chức sắc trong các ban cai quản và ban trị sự cũ không còn tiếp tục hành sự, toàn Hội Thánh cử người thay thế:

Ban Lãnh Đạo: Giáo Sư Tô Bửu Tài; Giáo Hữu Lý Văn Mỹ.

Ban Cai Quản: Chánh Hội Trưởng (Đinh Văn Phương); Phó Hội Trưởng (Phạm Văn Giáp); Chánh Từ Hàn (Nguyễn Đức Thắng); Thủ Bổn (Lễ Sanh Nguyễn Văn Ghi); Nghị Viên (Giáo Hữu Huỳnh Văn Lộc, Giáo Hữu Phan Thành Truyện); Thủ Tự (Lễ Sanh Lý Văn Tập).

Ban Trị Sự: Chánh Trị Sự (Lê Văn Thân); Phó Trị Sự (Đinh Công Cẩn, Bùi Văn Yên); Giáo Nhi (Bùi Văn Năm).

Ghi chú:

1. Hai bên Thiên Bàn, không có bàn thờ Đức Nhị Trấn và Đức Tam Trấn nhưng có hai bàn thờ trái tim.

2. Đối diện Thiên Bàn là bàn thờ Hộ Pháp như sau:

Từ đầu tháng 11-1946, ở các cấp bộ Mặt Trận Việt Minh đều có đại biểu Cao Đài Bạch Y. Từ tháng 4-1947 tái lập một Ban Chấp Hành Cao Đài Cứu Quốc tỉnh.

Đến năm 1948, được lịnh triệu tập cuộc họp tổ chức mười hai phái Cao Đài dưới sự hướng đạo của tiền bối Cao Triều Phát thành lập Ban Chấp Hành mười hai phái Cao Đài Hiệp Nhứt tại Cao Lãnh (Đồng Tháp) với mục đích thành lập Ban Chấp Hành Cao Đài Cứu Quốc. Hội Thánh Bạch Y có hai vị tham dự: Nguyễn Đức Thắng và Nguyễn Hữu Có. Ông Nguyễn Đức Thắng được đề cử thay mặt Cao Đài Rạch Giá, nhận nhiệm vụ ủy viên Mặt Trận Việt Minh tỉnh.

Trong suốt thời gian từ 1947 đến 1954 Hội Thánh Bạch Y, từ xã Mông Thọ đến các họ đạo, đều đóng góp tích cực cho cuộc kháng chiến.

Thật ra Bạch Y từ ngày thành lập đến 15-10 Bính Tý chưa có Hội Thánh đúng danh nghĩa, vì chỉ có Ban Cai Quản và Ban Trị Sự. Nhưng từ năm 1946 đến năm 1954 hai ban này cũng không có người hành sự. Tất cả các việc đạo đều do ông Tô Bửu Tài quán xuyến, đôi khi có ông Trương Sĩ Tấn trở về giúp phần hành chánh.

Cuối năm 1954, kinh Ngọc Đế Chơn Truyền Tân Ước Tri Nguyên được đem qua Cao Đài Thượng Đế lập đàn kiểm duyệt và được ấn hành.

Sau ngày 15-3 Ất Mùi (1955) theo lệnh của Ban Tôn Giáo Vận khu Tây Nam Bộ do ông Ngô Tâm Đạo (Minh Chơn Đạo), Bạch Y trở về xã Mông Thọ bắt đầu xây đựng Hội Thánh theo đúng với kinh Ngọc Đế Chân Truyền Tân Ước Tri Nguyên để tiếp tục hoạt động theo nhiệm vụ mới.

1. Cửu Trùng Đài nam phái:

Chưởng Quản: Thượng Đầu Sư Kiến Đức Tô Bửu Tài;

Chưởng Quản Nội Viện: Ngọc Phối Sư Kiến Văn Trương Sĩ Tấn;

Công Viện Trưởng: Đinh Công Thiện;

Học Viện Trưởng: Giáo Sư Dương Văn Dưỡng.

2. Cửu Trùng Đài nữ phái:

Đầu Sư: Bạch Liên Tiên Võ Thị Huỳnh;

Quyền Chánh Phối Sư: Thạch Lựu Tiên Huỳnh Thị Vị.

3. Hiệp Thiên Đài:

Chưởng Quản: Liên Từ Trần Văn Phát;

Chơn Sư: Liên Tâm Huỳnh Văn Tho;

Tứ Bửu:

Đông Hiệp: Liên Thành Trần Văn Sáu; Tây Hiệp: Liên Châu Võ Văn Hành; Bắc Hiệp: Liên Sơn Trương Hữu Phước; Nam Hiệp: Liên Hải Huỳnh Văn Cúc;

Lục Đàn:

Văn Đàn: Thiện Luông Huỳnh Văn Luông; Võ Đàn: Trương Quang Thí.

Điển ký: Nguyễn Đức Thắng.

Mặc dù Hiệp Thiên Đài đã hình thành nhưng chưa có đồng tử.

Kinh Ngọc Đế Chơn Truyền Tân Ước Tri Nguyên bắt đầu đem ra thực hành, do đó Tân Luật không áp dụng nữa và tất cả kinh cúng thời trước đây, nay đều thay đổi.

Ngày 30-01-1957, sau liên tiếp ba cuộc họp, nội bộ lưỡng đài và lưỡng phái, quyết định phá Tòa Thánh cũ, xây cất mới Tòa Thánh Bạch Y to lớn hơn, bằng tiền tự lực của tín đồ. Lễ trí thạch quyết định ngày 15-02 năm 1958, nhằm ngày lễ Chơn Tu lần thứ 19.

Do hai đàn cơ đêm 15-2 và 15-8 Tân Hợi (1971) Hội Thánh lưỡng đài lưỡng phái được bổ sung như sau:

1. Hiệp Thiên Đài:

Chưởng Quản: Liên Hải Huỳnh Văn Cúc;

Chơn Sư: Liên Sơn Trương Hữu Phước;

Tứ Bửu:

Đông Hiệp: Liên Bửu Triệu Văn Huê; Tây Hiệp: Liên Châu Nguyễn Đức Thắng; Bắc Hiệp: Liên Thành Nguyễn Văn Cưu; Nam Hiệp: Liên Từ Đinh Văn Lý.

Lục Đàn:

Trị Đàn: Thiện Minh Thông Huỳnh Văn Kiểm; Giám Đàn: Thiện Luông Huỳnh Văn Luông; Hộ Đàn: Huệ Giác Võ Văn Ân; Thủ Đàn: Thiện Đức Lê Văn Tốt; Võ Đàn: Thiện Chí Phạm Văn Kiểm; Văn Đàn: Thiện Đức Huỳnh Văn Quý.

Điển ký: Huệ Vân Lý Hòa Đường, Huệ Sơn Lê văn Tư, Huệ Thanh Long, Trương văn Long.

2. Cửu Trùng Đài Nam phái:

Chưởng Quản: Ngọc Đầu Sư Kiến Vân Trương Sĩ Tấn.

Chưởng Quản Nội Viện: Chánh Phối Sư Vân Tử Đinh Công Thiện.

Phụ tá chung Nội Viện: Giáo Sư Thiên Sơn Nguyễn Văn Tòng.

Binh Viện: Phối Sư Thiện Minh Nhựt, Huỳnh Văn Tận.

Hộ Viện: Phối Sư Thiện Minh Hòa Nguyễn văn Huấn.

Học Viện: Giáo Sư Dương Văn Dưỡng (sau đến Giáo Sư Thiên Minh Phạm Văn Lưới, Giáo Sư Phạm Hành Thượng).

Công Viện: Giáo Sư Thiện Tâm Ngô Văn Lê.

Lương Viện: Giáo Sư Ngọc Thiên Hương.

Lễ Viện: Giáo Hữu Đoàn Hưng Thạnh.

Ngoại Viện: Giáo Sư Bùi Văn Đậu.

3. Cửu Trùng Đài Nữ Phái:

Đầu Sư: Thạch Lựu Tiên Huỳnh Thị Vị.

Đến cuối năm 1973 Bạch Y có tất cả 17 họ đạo: Kiên Giang (14 họ đạo); Thành phố HCM (1 họ đạo), và Đà Lạt (2 họ đạo).[3]

Tại Hội Thánh, mặc dầu có ban phong phẩm cấp nhưng các vị chức sắc các viện rất ít người hành đạo. Tất cả các công việc của Hội Thánh lưỡng đài lưỡng phái đều ủy thác cho Chưởng Quản Nội Viện và bộ phận Hiệp Thiên Đài chỉ thi hành nhiệm vụ trong những ngày có đàn cơ.

Ngày 02-4-1975 được lệnh của Ban Tôn Giáo Vận khu Tây Nam Bộ, các Hội Thánh liên giao miền Tây lên Sài Gòn tìm cách chặn đứng không cho các Hội Thánh Cao Đài miền Đông ủng hộ chánh quyền của Tổng Thống Dương Văn Minh. Đến sáng ngày 01-5-1975 đại diện các Hội Thánh đều quay trở về Cần Thơ để đợi lịnh Ban Tôn Giáo khu Tây Nam Bộ.

Đại Hội Nhơn Sanh

Sau khi nhận được thông báo số 01 TB/TGCP ngày 25-02-1998 của Ban Tôn Giáo Chánh Phủ chấp thuận nhân sự Ban Vận Đông Cao Đài Bạch Y gồm 20 người, và thông báo số 60/TB-UB ngày 10-3-1998 của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Kiên Giang chấp thuận cho Ban Vận Động Cao Đài Bạch Y tổ chức Đại Hội Đại Biểu Hội Thánh, lần đầu tiên Hội Thánh Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý đã tổ chức Đại Hội Nhơn Sanh ngày 15-02 Mậu Dần (13-3-1998) để thông qua hiến chương, luật công cử, đường hướng hành đạo, bầu ban lãnh đạo Hội Thánh.

Hội Thánh Bạch Y đã được công nhận tư cách pháp nhân ngày 08-7-1998 theo quyết định số 2363/QĐ-UB của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Kiên Giang. Thành phần Ban Lãnh Đạo gồm 36 vị, bầu ra Ban Thường Trực 5 vị để thường xuyên lo công việc đạo của Hội Thánh và các họ đạo:

Đầu Sư: Thiện Quang Nguyễn Đức Thắng;

Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài: Liên Chánh Phạm Tấn Bê;

Chánh Phối Sư: Thiện Đức Tâm Ngô Văn Lê;

Chánh Phối Sư: Huệ Khai Nguyễn Văn Lượm;

Nữ Đầu Sư: Diệu Hiền Cao Ngọc Dung.

Đến ngày 15-02-2002 nhiệm kỳ I của Ban Lãnh Đạo Hội Thánh đã mãn, đúng lý ra Đại Hội bầu lại Ban Lãnh Đạo, nhưng mãi đến 15-8-2002 mới được tổ chức chính thức Đại Hội Đại Biểu Nhân Sanh, và đã bầu ra Ban Lãnh Đạo gồm 19 vị đại biểu, trong đó Ban Thường Trực có 7 vị.

Chú thích

[] Lý Thiết Quải cũng gọi Thiết Quải Lý là một vị trong Bát Tiên. Ngài tên thật là Lý Huyền, thường chống gậy sắt. Thiết quải nghĩa là cây gậy sắt, nhưng người Việt thường gọi chệch đi là Lý Thiết Quài, Lý Thiết Quả.

[2] Hình trái tim (Tâm) cũng có trên hai bàn thờ ở hai bên Thiên Bàn.

[3] Bạch Y có 14 thánh thất ở các tỉnh, thành sau đây:
Thành phố HCM: Minh Tân Cao Tiên Đàn: 151B Nguyễn Văn Luông, quận 6.
Tỉnh Kiên Giang:
Huyện An Biên: (1) Thánh thất Minh Ngọc Đàn: Khu vực 3, thị trấn thứ 3; (2) Thánh thất Minh Vân Đàn: ấp Rọc Lá, xã Tây Yên A; (3) Thánh thất Minh Thiện Đàn: ấp Rạch Cốc, xã Tây Yên.

Huyện Châu Thành: (1) Thánh thất Hưng Chánh Đàn: ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Hòa Hiệp; (2) Thánh thất Bình Linh: ấp An Khương, xã Minh Hòa; (3) Thánh thất Minh Nghĩa Đàn: ấp Tân Bình, xã Giục Tượng; (4) Thánh thất Huỳnh Linh: ấp Điền, xã Giục Tượng; (5) Thánh Tòa Ngọc Kinh (thánh thất xã Mông Thọ): ấp Hòa An, xã Mông Thọ B.

Huyện Kiên Hải: (1) Thánh thất Hải Sơn: ấp Bãi Nhà, xã Lại Sơn; (2) Thánh tịnh Nam Hoa: ấp Bãi Nam, Hòn Nghệ, xã Bình An.

Thị xã Rạch Gíá: (1) Thánh tịnh Bửu Ngọc: 273 Nguyễn Chí Thanh, phường Rạch Sỏi; (2) Thánh thất Quang Linh: Khu phố Vĩnh Viễn, phường Vĩnh Hiệp; (3) Thánh thất Huyền Linh Đàn: Phường An Hòa.


Đạt Truyền & Đạt Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides