Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

Vài đặc trưng các hội thánh và thánh sở Cao Đài


Quả càn khôn
Hội Thánh Cầu Kho – Tam Quan

Đạt Truyền & Đạt Linh

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hiện có nhiều hội thánh. Mỗi hội thánh và các thánh sở Cao Đài trực thuộc đều có nhiều nét đặc trưng về hình thức cũng như về nội dung. Người tín đồ thường chỉ biết những nét đặc trưng của thánh sở mình hơn là của các thánh sở thuộc hội thánh khác. Vậy, nhìn vào những đặc trưng nào để nhận biết một thánh sở thuộc hội thánh nào?

Hầu hết các thánh sở của mỗi hội thánh thường cất theo kiểu mẫu của tòa thánh mình. Vì vậy đặc trưng của mỗi tòa thánh cũng là đặc trưng của các thánh sở trực thuộc.

I. TÒA THÁNH TÂY NINH

Đứng hàng đầu về số lượng thánh sở Cao Đài, Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh có Tòa Thánh nguy nga, gồm ba đài xây dựng xong năm 1947. Nội ô có 27 thánh sở phụ thuộc nằm trên diện tích 96 mẫu tây. Thánh sở ngoại vi có Trí Giác Cung, Trí Huệ Cung, Vạn Pháp Cung, 355 thánh thất, 110 điện thờ Phật Mẫu, phân bổ trong 32 tỉnh thành. Tỉnh Tây Ninh là nơi đặt Tòa Thánh Tây Ninh có nhiều thánh thất nhất (61 thất) và nhiều điện thờ Phật Mẫu nhất (31 điện).

1. Tháp Hiệp Thiên Đài của Tòa Thánh Tây Ninh mỗi bên có năm từng (không kể từng trệt), có bao lơn. (Tháp Hiệp Thiên Đài các thánh thất thường mỗi bên có bốn từng.)

2. Bên cửa chánh từng trệt, phía lầu chuông, có hình ông Thiện hướng ra ngoài, phía lầu trống có hình ông Ác.

3. Giữa hai cửa chánh, trên vách chắn ngang ngăn cách phần bên trong Cửu Trùng Đài, có bức họa Tam Thánh ký hòa ước (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đạo hiệu là Thanh Sơn Đạo Sĩ, mặc triều phục, cầm bút lông mèo viết tám chữ nho Thiên Thượng Thiên Hạ Bác Ái Công Bình; Victor Hugo, đạo hiệu là Nguyệt Tâm Chơn Nhơn cầm bút lông ngỗng viết mấy chữ tiếng pháp Dieu et Humanité Amour et Justice; Tôn Văn tức Tôn Dật Tiên, hiệu là Trung Sơn, cầm nghiên mực đỏ để hai vị kia chấm bút viết vào bia đá.)

4. Trên nóc Bát Quái Đài có một tháp tám mặt, cao ba từng.

Bên trong Bát Quái Đài có:

5. Thờ long vị, viết bằng chữ Hán tôn hiệu Tam Giáo Đạo Tổ, Tam Trấn Oai Nghiêm, Ngũ Chi Đại Đạo.

6. Hai dàn bát bửu, mỗi dàn gồm tám bửu bối của Bát Tiên: (1) hồ lô và gậy, (2) quạt và cây phất chủ, (3) gươm và phất chủ, (4) cặp ngọc bản, (5) hai cây gậy trong cái ống, (6) hoa sen, (7) giỏ hoa, (8) ống sáo.

7. Tên thánh thất thường lấy theo tên xã, huyện hoặc tỉnh. Thí dụ: Thánh thất Vĩnh Lộc B (ấp 4, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, Thành phố). Một số rất ít lấy tên đặc biệt như Khổ Hiền Trang, Huỳnh Đức, Thái Hòa, v.v... Các thánh thất nằm trong Châu Thành thánh địa cũ thì không có hai tháp Hiệp Thiên Đài; trước năm 1975 tên gọi theo số thứ tự từ đệ nhứt đến đệ nhị thập; hiện nay lấy tên theo tên ấp hoặc xã.

8. Đạo kỳ treo theo bề đứng, ba màu: trên vàng, giữa xanh, dưới đỏ. Phần màu vàng thêu sáu chữ Nho màu đen: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Phần màu xanh thêu Thiên Nhãn và cổ pháp Tam Giáo (kinh Xuân Thu, cây phất chủ, và bát vu).

9. Các thánh thất thường ở gần khu hành chánh, thuận tiện đi lại trên đường giao thông đường bộ. Gần thánh thất thường có một điện thờ Phật Mẫu.

10. Đền thờ Phật Mẫu xây dựng năm 1953. Mặt tiền đền có một tầng trệt và một lầu, ở giữa có một tháp cao hình vuông bốn từng với ba lớp mái ngói dùng làm tháp chuông (18m). trên thu lôi có gắn chữ Vạn. Mái lợp ba lớp ngói âm dương, trên nóc có chim thanh loan rất lớn màu xanh trong tư thế xòe cánh đáp xuống. Tại địa phương không gọi là đền nên chỉ có điện thờ Phật Mẫu từ kiểu số 2 đến số 4 giống như kiểu đền thờ Phật Mẫu, các kiểu nhỏ thì không có lầu, không có tháp. Ngoài Tây Ninh ra, các hội thánh khác không lập điện thờ Phật Mẫu ở địa phương.

II. TÒA THÁNH BẾN TRE

Thành lập tại tỉnh Bến Tre năm 1934, Hội Thánh lấy tên là Ban Chỉnh Đạo. Từ năm 1938 Hội Thánh xưng là Hội Thánh dưới quyền ủng hộ của Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương. Kể từ 01-01-1971, Hội Thánh Bến Tre tách ra thêm một “nhánh” lấy tên là Giáo Hội Bến Tre đặt tại thánh thất Đô Thành, quận 6, Sài Gòn. Từ năm 1997, Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo thực hiện chủ trương hoàn nguyên với vai trò chủ yếu thuộc về Giáo Hội ở thánh thất Đô Thành.

Tòa Thánh Bến Tre dùng thánh thất An Hội Bến Tre làm Tòa Thánh, không có quả càn khôn nơi Bát Quái Đài. Tòa Thánh xây cất trên 70 năm, xưa nhứt so với các tòa thánh khác. Sau Tòa Thánh là Thiên Phong Đường, nơi làm việc của các chức sắc lớn. Quanh Tòa Thánh có Diêu Trì Bửu Điện thờ Đức Diêu Trì Kim Mẫu (không gọi là đền thờ Phật Mẫu), vườn Kỳ Thọ (Thiên Lý Mật Truyền) xưa cũng là nơi tịnh luyện của Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, nhà tu trung thừa nam và nữ, nhà tu thượng thừa nam và nữ. Đứng hàng thứ nhì về số lượng thánh sở Cao Đài, Hội Thánh Bến Tre hiện còn 264 thánh thất và 36 cái bị hư hoại ở 25 tỉnh thành. Bến Tre là tỉnh có nhiều thánh thất Ban Chỉnh Đạo nhất (61 thất).

1. Mặt tiền Hiệp Thiên Đài có hai tháp, mỗi tháp có hai từng, trên chót vót mỗi nóc cao và nhọn gắn chữ Vạn.

2. Nóc Bát Quái Đài không xây tháp bát giác, mà liền với Cửu Trùng Đài. (Ngoại trừ hai thánh thất Trường Bình và Tân Sơn Nhì mới có tháp Bát Quái Đài tám mặt, ba từng giống như Tây Ninh.)

3. Khác với Hội Thánh Tây Ninh, Hội Thánh Bến Tre thờ cốt tượng Tam Giáo Đạo Tổ, Tam Trấn Oai Nghiêm, Gia Tô Giáo Chủ, Khương Thái Công.

4. Khác với Hội Thánh Tây Ninh, nơi thờ Đức Mẹ gọi là Diêu Trì Bửu Điện, không gọi là điện (hay đền) thờ Phật Mẫu. Ngoài Tòa Thánh, không địa phương nào có Diêu Trì Bửu Điện (trừ thánh thất Bình Hòa).

5. Nhà tu trung thừa có nhiệm vụ quy hiệp môn đồ của Đức Chí Tôn vào đó tu thân và làm công quả (theo bực Nhơn và Thần Đạo).

6. Giống như Hội Thánh Tây Ninh, tên thánh thất lấy theo tên xã, huyện hoặc tỉnh.

7. Đạo kỳ giống như Tây Ninh (từ trên xuống: vàng, xanh, đỏ), nhưng phướn thì đổi thứ tự từ trên xuống là xanh, vàng, đỏ.

8. Trong thánh thất, trước bàn nội nghi có bàn thờ với chân dung Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương. Cạnh hai bên bàn nội nghi có hai con hạc cao đứng trên lưng hai con rùa.

9. Trong Thiên Phong Đường có treo bài Thương Yêu do Đức Chí Tôn dạy.

III. TÒA THÁNH CHÂU MINH

Tòa Thánh Châu Minh của Hội Thánh Tiên Thiên đứng thứ ba về số lượng thánh sở Cao Đài, đặt tại xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, lạc thành năm 1956. Trong nội ô có Diêu Trì Bửu Điện (còn gọi là Tây Thiên Điện), không gọi là đền thờ Phật Mẫu, lạc thành năm 1955; còn có Tòa Nội Chánh, Báo Ân Từ. Có 127 thánh tịnh ở rải rác 15 tỉnh thành, trong đó trên 20 thánh tịnh đã hư hoại. Có 6 thánh tịnh đã trở thành thánh thất thuộc Hội Thánh Minh Chơn Đạo, 2 thánh tịnh thuộc về Hội Thánh Truyền Giáo (thánh tịnh Kim Quang Minh Đài và Ngọc Linh Đài). Bến Tre là tỉnh có nhiều thánh tịnh nhất (30 thánh tịnh).

1. Chỉ có Hội Thánh Tiên Thiên mới có hai Tòa Thánh là Tòa Thánh Châu Minh (được gọi là Tòa Thánh hữu vi) và Tòa Thánh Thiên Thai (được gọi là Tòa Thánh vô vi, ở xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, là nơi đầu tiên hình thành Hội Thánh Tiên Thiên). Cả hai Tòa Thánh đều có quả càn khôn. Một số thánh tịnh Tiên Thiên cũng có tạo quả càn khôn (đường kính 1,10m) trên vẽ Thiên Nhãn và treo trước Thánh Tượng (thánh tịnh Trung Thiên, Hòa Minh Trước Cảnh, v.v…).

2. Phướn huỳnh (0,36m x 3,60m) màu vàng, có hình Thiên Nhãn ở trên, có thêu tám chữ Hán: Thiên Khai Huỳnh Đạo Cao Đài Cứu Thế, treo liên tục suốt ngày đêm. Phướn Tam Thanh (0,72m x 7,20m) có ba màu vàng, xanh, đỏ có vẽ Thiên Nhãn trên nền màu vàng, treo vào ngày lễ cúng sóc, vọng và lễ vía các Đấng Tam Giáo, Tam Trấn, Ngũ Chi. Phướn Linh Thanh (0,36m x 7,20m) nền vàng, có tua viền vi rồng hai bên cạnh. Có hai mươi bốn chữ Hán: Tiên Thiên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Phổ Hóa Quần Sanh Giáo Dân Vi Thiện, Phụng Sự Đạo Đức Chính Nghĩa, Kiến Lập Cơ Tuyệt Khổ Đại Đồng; treo vào các ngày lễ rằm thượng, trung và hạ nguơn, Tết nguyên đán.

3. Thánh sở gọi là thánh tịnh, không gọi là thánh thất. Các thánh tịnh của Tiên Thiên được xây dựng theo kiểu và kích thước do Ơn Trên chỉ dạy. Ơn Trên đặt tên thánh tịnh không căn cứ theo địa danh, thí dụ: Ngọc Điện Huỳnh Hà, Diêu Trì Cung, Ngọc Thiên Cung, Bạch Long Cung Hoàng, v.v…

4. Hầu hết các thánh tịnh đều được Ơn Trên dạy thiết lập ở vị trí rất hẻo lánh, thậm chí sát bờ sông, có nơi không có đường bộ đi vào, nên rất khó tìm.

5. Bài Thương Yêu do Đức Chí Tôn dạy thường được viết trân trọng trên một tấm bia xây trước cột phướn, ở mặt tiền thánh tịnh.

6. Lầu chuông và lầu trống có hai từng, có bao lơn, nóc không nhọn như Ban Chỉnh Đạo. Mặt tiền nơi lầu chuông thường trang trí chữ Nhựt (dương), lầu trống có chữ Nguyệt (âm), đều viết bằng chữ Nho.

7. Nơi từng trệt giữa hai tháp Hiệp Thiên Đài các thánh tịnh Tiên Thiên thường vẽ con rồng xanh phun năm trái châu.

8. Trên nóc Bát Quái Đài xây nhô lên một tháp thấp tám mặt.

9. Trong sân trước thánh tịnh thường có xây một hồ nhỏ hình bát giác, cao khoảng 0,7m, có nắp đậy kín.

10. Bàn thờ Đức Giáo Tông Nguyễn Bửu Tài được kê sát trước bàn nội nghi.

IV. HỘI THÁNH TRUYỀN GIÁO

Không gọi là tòa thánh, Trung Hưng Bửu Tòa của Hội Thánh Truyền Giáo có ba đài không lớn lắm, nhưng uy nghiêm. Trong Bát Quái Đài thờ Thiên Nhãn trên quả càn khôn, không thờ linh vị Tam Giáo, Tam Trấn. Các thánh thất Trung Minh, Trung Hiền và Từ Vân thờ giống như Hội Thánh (dưới Thiên Nhãn không có Tam Giáo Tam Trấn). Các thánh thất khác thì dưới Thiên Nhãn có thờ Tam Giáo, Tam Trấn. Trung Hưng Bửu Tòa đặt tại số 63 đường Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng, lạc thành năm 1956, cũng là ngày thành lập Hội Thánh Truyền Giáo. Hội Thánh có số lượng thánh sở đứng hàng thứ tư với 52 họ đạo (có 4 họ đạo chưa có nơi thờ phượng), 47 thánh thất, 7 cơ sở đạo, 1 tịnh đường, 3 tịnh thất, 3 nhà tu nữ và trên 100 thiên bàn ở các xã đạo (chưa kể 9 thánh sở ở Phú Yên chưa hoàn nguyên), nằm rải rác 16 tỉnh thành. Đà Nẵng có nhiều thánh sở nhứt (23 thánh sở và 4 cơ sở đạo).

1. Những thánh sở lập trước 1956 do Ơn Trên đăt tên, như Từ Quang, Thanh Quang, Linh Bửu, v.v… Các thánh sở có sau năm 1956 thường lấy tên bắt đầu bằng chữ Trung như Trung Chính, Trung Tín, Trung Minh, Trung Hiền

2. Hầu hết các thánh sở đều có chân dung Đức Ngô Minh Chiêu đặt nơi trang trọng.

3. Quả càn khôn: Ngoài Trung Hưng Bửu Tòa, thánh đường Tuy Hòa ở Tuy Hòa, Phú Yên (chưa hoàn nguyên) có quả càn khôn thờ Thánh tượng.

4. Lầu chuông và lầu trống Hiệp Thiên Đài có hai từng, hai nóc mái cong giống như kiểu chùa ở miền sông nước. Trên chót vót có gắn chữ Vạn.

5. Trên nóc Bát Quái Đài xây hai từng tám cạnh với hai mái giống kiểu Tây Ninh.

6. Tuy không nhiều nhưng thánh sở Hội Thánh phân bổ khắp nơi, đặc biệt là thành phố HCM, Bà Rịa, Vũng Tàu, cao nguyên Pleiku, Daklak, Thanh Hóa, Nghệ An.

Thánh sở đặc biệt là thánh thất Trung Thành nay đã dời địa điểm, đựơc tạo tác và xây dựng gấp rút trong vòng một tháng để kịp đến ngày 08-4 Mậu Dần (1938) thì lạc thành và mở đại hội Long Vân kỳ Tám và làm cơ sờ đạo đầu tiên của Hội Thánh Truyền Giáo. Thánh thất Trung Thành cũng là nơi Ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang, chưởng quản Cửu Trùng Đài Minh Chơn Đạo và Bảo Đạo Cao Triều Phát, chưởng quản Hiệp Thiên Đài, đến để tiếp nhận đạo đồ các Phật đường Minh Sư quy hiệp về với Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Thánh thất Trung Thành còn là nơi phái đoàn Hội Thánh Tiên Thiên (do Chưởng Pháp Nguyễn Thế Hiển và Đầu Sư Nguyễn Bửu Tài) vận động hỗ trợ tinh thần và vật chất xây dựng. Riêng Chưởng Pháp Lê Kim Tỵ Hội Thánh Tiên Thiên được lệnh Thiêng Liêng ủy thác trọng trách tạo tác và xây dựng. Trong dịp lạc thành và đại hội Long Vân, Liên Hòa Tổng Hội do Ngài Nguyễn Phan Long dẫn đầu một phái đoàn hơn 80 người tham dự, được tiếp rước vô cùng trọng thể.

V. HỘI THÁNH MINH CHƠN ĐẠO

Từ 1933 đến 1946 Hội Thánh Minh Chơn Đạo với Tòa Thánh Ngọc Minh đặt tại ấp 7 (Giồng Bốm), xã Phong Thạnh Tây, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Ngày 14-3-1946, Pháp tấn công, tiêu hủy Tòa Thánh Ngọc Minh. Ngày 15-10 Giáp Ngọ (1954) lập Tòa Thánh Ngọc Sắc (nay tại Xóm Sở, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Bên cạnh Tòa Thánh là Diêu Trì Bửu Điện. Đứng hàng thứ năm về số thánh sở, Hội Thánh có 47 thánh thất (hư hoại 2) phân bổ trong bốn tỉnh, và tỉnh Cà Mau nhiều nhứt (23 thất).

1. Quả càn khôn trong Tòa Thánh nơi Bát Quái Đài không lớn bằng ở Tòa Thánh Tây Ninh. Tam Giáo và Tam Trấn thờ bằng linh vị.

2. Có sáu thánh thất nguyên là của Tiên Thiên (trước 1947): Bạch Chơn Đàn ở Hòa Tân, Cà Mau; Nguyệt Cảnh Đàn ở xã Cái Đôi, huyện Vàm Cái Nước; Linh Thiêng Đàn ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình; Cửu Linh Châu ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh; Huỳnh Long Cảnh ở xã Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời; và Ngọc Diệu ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi.

3. Hầu hết thánh thất đều được Ơn Trên đặt tên như: Bát Quái Đồ Thiên, Linh Tiêu Điện, Thiên Lý, Bạch Chơn, Ngọc Bửu Quang, v.v...

4. Các thánh thất đều đủ ba đài, giống như Hội Thánh Tiên Thiên.

Thánh thất đặc biệt là Ngọc Minh, nơi đây, trước kia đặt Tòa Thánh trong 13 năm đầu, và hiện nay có đài kỷ niệm mặt trận Giồng Bốm ghi công của 121 thánh tử đạo Cao Đài Minh Chơn Đạo.

VI. HỘI THÁNH CẦU KHO TAM QUAN

Đứng hàng thứ bảy về số lượng (33 thánh sở), Hội Thánh Cầu Kho Tam Quan (không gọi là Tòa Thánh) thành lập năm 1954 tại xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Hội Thánh đầu tiên xây dựng 1959, khánh thành 1960. Hội Thánh mới khánh thành ngày 12 và 13-3 Đinh Hợi (28 và 29-4-2007). Bát Quái Đài thờ quả càn khôn; không có linh vị Tam Giáo, Tam Trấn; không có bảy cái Ngai.

Cấu trúc: Quanh hông, các cửa không có hình Thiên Nhãn như ở Tòa Thánh Tây Ninh. Hai lầu chuông và trống ở Hiệp Thiên Đài có năm từng, không có bao lơn xung quanh, thay thế bao lơn là các mái cong lên như mái chùa Phật. Tỉnh Bình Định có nhiều thánh sở Cầu Kho Tam Quan nhứt (20 thất).

VII. HỘI THÁNH CHIẾU MINH LONG CHÂU

Tòa Thánh Long Châu được xây dựng năm 1956 tại xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ. Trong Bát Quái Đài thờ Thiên Nhãn (không có quả càn khôn). Cạnh Tòa Thánh có Diêu Trì Bửu Điện (cất năm 1996) và đền thờ Đức Võ Văn Phẩm, Nhị Thiên Giáo Chủ. Đứng hàng thứ tám về số thánh sở, Hội Thánh hiện có 16 thánh tịnh (6 hư hoại) và 1 tịnh trường, tập trung nhiều nhất ở Cần Thơ (12 thánh sở).

VIII. HỘI THÁNH BẠCH Y LIÊN ĐOÀN CHƠN LÝ

Thành lập năm 1955, Hội Thánh Bạch Y có 14 thánh sở. Ngày 15-02 Mậu Tuất (1958) làm lễ trí thạch xây dựng Thánh Tòa Ngọc Kinh tại xã Mông Thọ B, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Trong Bát Quái Đài không có quả càn khôn. Sát cạnh Thánh Tòa có Diêu Trì Bửu Điện.

1. Ngoài thánh thất Minh Tân Cao Tiên Đàn tại Thành phố HCM, 13 thánh sở còn lại nằm trọn trong tỉnh Kiên Giang, trong đó có hai cái ở ngoài đảo thuộc huyện Kiên Hải.

2. Khác với các tòa thánh khác, Hiệp Thiên Đài của Thánh Tòa Ngọc Kinh có năm tháp lầu: ba tháp bát quái và hai tháp thông thiên. Trong ba tháp bát quái có một tháp tám mặt cao hai tầng ở chính giữa bốn tháp còn lại. Ba tháp bát quái là Thiên Hoàng (bát quái tiên thiên), Địa Hoàng (bát quái hậu thiên), Nhơn Hoàng (bát quái nhân gian) và hai tháp Thông Thiên Đài của Hiệp Thiên Đài tạo thành ngũ khí). Các thánh thất trực thuộc thường xây dựng Hiệp Thiên Đài có hai tháp giống như các hội thánh khác.

3. Tên thánh sở hầu hết đều có chữ Đàn phía sau (Huyền Linh Đàn, Bình Linh Đàn, Minh Tân Cao Tiên Đàn, Minh Vân Đàn, v.v…) và không lấy tên địa phương.

4. Trong Bát Quái Đài của Thánh Tòa không có quả càn khôn. Thánh Tượng Thiên Nhãn có thêm quả tim nhỏ phía dưới. Nhưng ở thánh thất dưới Thánh Tượng Thiên Nhãn không có quả tim.

IX. CÁC THÁNH SỞ ĐƠN LẬP

Có 47 thánh sở đơn lập nằm rải rác 17 tỉnh thành, nhiều nhứt là tại Thành phố HCM (12 thánh sở), với nhiều nét đặc biệt:

1. Liên giao rộng rãi với các chi phái.

2. Hoạt động chuyên sâu đặc biệt, như Cơ Quan Phổ Thông Gíáo Lý Đại Đạo, các đàn Chiếu Minh…

3. Các thánh sở có hình thức xây dựng khác nhau, có nơi có đủ ba đài, có nơi không đủ; có nơi có điện thờ Phật Mẫu như Liên Hoa Cửu Cung, có nơi có Diêu Trì Bửu Điện như thánh thất Nam Thành; riêng thánh thất Bàu Sen lại cất theo hình chữ Vạn, v.v…

4. Nguồn gốc hình thành các thánh sở đơn lập cũng rất khác nhau, như Vĩnh Nguyên Tự (xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) là di tích của chi Minh Đường; Tam Giáo Điện Minh Tân là chi Minh Tân và từng là trụ sở Cao Đài Thống Nhứt.

Đạt Truyền & Đạt Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides