Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐẠO CAO ĐÀI



Thiện Hạnh

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (ĐĐTKPĐ) hay đạo Cao Đài khai minh vào đầu thế kỷ 20 tại Việt Nam là một sự kiện vô cùng trọng đại,đã mở ra một kỷ nguyên cứu độ mới và hy hữu trong lịch sử nhân loại từ khai thiên lập địa đến nay trên quả địa cầu nầy. ĐĐTKPĐ xuất hiện trong bối cảnh cuối thời Hạ nguơn mạt kiếp, nhân loại ngày càng tiến bộ vượt bực về mặt trí năng nhưng ngày càng mờ nhạt về mặt tâm linh.

Chúng ta đều biết rằng các nền chánh giáo khải thị cho nhân loại đều do các bậc giáo chủ làcác sứ giả của Đức Thượng Đế đến thế gian lập giáo cứu độ nhân sanh theo từng thời kỳ và địa phương khác nhau; tất yếu sẽ có những dị biệt về mặt hình thức bên ngoài như nghi thức thờ phượng, tổ chức hội thánh, v.v., còn điểm cốt lõi bên trong của các tôn giáo đều có cùng một lý duy nhất là “vạn giáo nhất lý”, do tất cả các tôn giáo đều có cùng một nguồn gốc là Thượng Đế hay Đạo.

Mục đích của tôn giáo, suy cho cùng, cũng không ngoài thế đạo đại đồng và thiên đạo giải thoát. Các tôn giáo thuộc về Thánh Đạo chú trọng mục đích thế đạo đại đồng nhưng cũng hàm chứa phần thiên đạo giải thoát. Các tôn giáo thuộc về Tiên Đạo và Phật Đạo chú trọng đến Thiên đạo giải thoát, nhưng cũng không bỏ qua mục tiêu thế đạo đại đồng.

Mục đích và đối tượng cứu độ của ĐĐTKPĐ hoàn toàn giống với các tôn giáo trong Nhứt kỳ và Nhị kỳ phổ độ.Tuy nhiên, ĐĐTKPĐ được Đức Thượng Đế khai minh cuối thời Hạ nguơn mạt kiếp phù hợp với căn trí chúng sanh được gọi là Tân pháp, trong khi các tôn giáo trong Nhứt kỳ và Nhị kỳ Phổ độ được gọi chung là Cựu pháp. Đây chính là điểm khác biệt căn bản giữa đạo Cao Đài và các tôn giáo khác.

Tuy nhiên, do tôn chỉ của đạo Cao Đài là “Tam giáo qui nguyên, ngũ chi phục nhứt”, nên nhân sanh thường suy diễn rằng đạo Cao Đài tổng hợp giáo lý của Tam giáo là Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo. Trong buổi ban đầu, người ta cho rằng đạo Cao Đài là “Phật giáo canh tân”. Có người cũng nói rằng đạo Cao Đài chỉ là một tôn giáo “vay mượn” hoặc “tổng hợp” từ các tôn giáo khác, chứ không có điểm gì mới hoặc đặc biệt cả. Những sự nhận định nêu trên chỉ là phiến diện và ngộ nhận mà thôi.

Chúng ta có thể nêu lên một số đặc điểm của đạo Cao Đài như sau:

1. Cơ lập giáo

Đức Thượng Đế đã sử dụng thần cơ diệu bút để khai mở nền ĐĐTKPĐ với đầy đủ trụ tướng của một tôn giáo như: Hội Thánh, Tân Luật Pháp Chánh Truyền, kinh điển, Thánh ngôn Thánh giáo, nghi thức thờ phượng, chánh trị đạo, v.v. Cơ lập giáo của Đức Thượng Đế bắt đầu từ hữu hình rồi dần dần đi đến chỗ vô vi nhằm bảo tồn cơ Đạo trường tồn cho đến thất ức niên (700.000 năm). Kinh Đại Thừa Chơn Giáo đã minh giải rất chi tiết lý nhiệm mầu của cơ lập giáo:

“Còn Đạo Thầy lại trái hẳn với Tam Giáo là bắt đầu truyền Đạo thì dụng hữu hình, lấy sắc tướng, âm thinh mà độ đời một cách lẹ làng, mau chóng. Vả lại Đạo Thầy bắt đầu do chỗ hữu hình mà truyền bá, rồi lần lần mới dẹp hết chỗ hữu hình mà đi đến chỗ vô vi, là cơ siêu phàm nhập thánh. Vậy thà trước dụng cơ hữu hình để phổ hóa cho cơ Đạo sẽ lưu thông, rồi cứ đó mà dắt dẫn cho nó tấn hóa mãi trên đường cao thượng, riết đến chỗ hư không tức là vô vi thì đạo pháp mới phát minh, cơ diệu lý huệ tâm ứng lộ; thế là Đạo Thầy không hư hoại đặng. Mà không hư hoại đặng là nhờ ở chỗ hữu hình đi riết đến tận vô vi. Còn Tam Giáo xưa lại từ vô vi mà lần sa sút xuống hữu hình mới thành đạo bế, rồi sai lầm ra ngoại giáo bàng môn.

Mà Thầy lập giáo kỳ này lại trái hẳn với nền cổ Đạo. Thầy chỉ dùng cái huyền cơ bí pháp mà truyền Đạo khắp dân gian.Thầy đem chơn pháp diệu huyền trao cho người luyện thành chánh giác thì phản bổn huờn nguyên. Thầy dùng huyền diệu cơ bút để hoằng khai cơ quan vô vi Đại Đạo. Thầy nhứt định không giao Thánh giáo cho tay phàm nữa, vì trước kia Tam giáo thất chơn truyền là cũng bởi Thánh giáo ở trong tay phàm, nên các con canh cải làm sai lạc pháp linh. Vậy Thiên thơ Thầy định ngày nay lập giáo như vầy:

1) Trên là dùng huyền diệu thiêng liêng mà bảo tồn cơ Đạo.

2) Dưới để tự Thầy định mới có thể chuyển hóa nổi nhơn tâm, đủ sức thần thông, vận hành Chơn giáo, chớ nếu Thầy mà mượn xác thịt nặng nề thì làm sao biến hóa thiên hình vạn trạng mà phổ độ chúng sanh cho mau chóng nổi sôi, rần rộ được, chớ dùng huyền cơ bí pháp tất có thể lưu thông nháy mắt khắp mọi nơi.”[1]

2. Giáo chủ & chánh pháp

Giáo chủ của ĐĐTKPĐ là Đấng vô hình, là Thượng Đế, trong khi giáo chủ các tôn giáo lại là các Đấng hữu hình, sứ giả của Thượng Đếgiáng trần giáo đạo.

“Sự bắt đầu từ chỗ khởi điểm tới Khai Minh để hình thành một Thánh thể, một thực tướng phổ độ nhơn sanh. Đó là một việc làm từ ngàn xưa đã có, nhưng có khác ở chỗ là Đấng Giáo Chủ trong thời kỳ ân xá nay là Đấng vô hình hay Chí Tôn Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Hơn nữa, về hình thức tổ chức cũng có một sắc thái tổng hợp đại đồng quy nguyên. Đó là Thánh ý Thiên cơ mà mỗi người Thiên ân hướng đạo phải tự tìm hiểu mới thông suốt lẽ huyền nhiệm ấy.

Chính Đức Chí Tôn mở đạo bằng huyền linh thiên điển mà không giao chánh pháp cho tay phàm. Chư Thiên ân nên lưu ý điều đó.”[2]

Hơn thế nữa, Đức Thượng Đế giáng trần khai mở ĐĐTKPĐ với sự phò tá của các bậc giáo chủ các tôn giáo và chư Phật, Tiên, Thánh, Thần nơi cõi thiêng liêng hằng sống.

“Thượng Đế đến khai minh Đại Đạo đã là một hi hữu, mà vấn đề hoát khai Đại Đạo để cứu độ vạn linh là một hi hữu khác.”[3]

Đức Thượng Đế giáng trần dùng cách xưng hô rất thân thiết và gần gũi. Ngài xưng là THẦY và gọi con người nơi thế gian là “các con”. Ngài không thể hiện uy quyền của bậc Chúa tể càn khôn thế giới, mà là một người Cha nhân từ và độ lượng.

Chánh pháp của ĐĐTKPĐ do chính Đức Thượng Đế trực tiếp nắm giữ chứ không giao cho người thế gian như trong Nhứt kỳ và Nhị kỳ phổ độ. Bởi lẽ, chánh pháp có thể bị sai lạc nếu truyền trao cho người thế gian và cơ cứu độ thời mạt kiếp vô cùng lớn lao cho toàn cả thế giới nhân loại.

Do đó, có thể nói đạo Cao Đài mang một nét đặc trưng là “Đạo vô vi, Sư vô vi”.

Đạo vô vi chí tôn chí trọng.

Sư vô hình chưởng thống chơn cơ,

Hoằng khai chánh pháp kịp giờ,

Cứu an sanh chúng trong cơ sảy sàng.[4]

3. Sứ mạng Qui nguyên

Trong Nhứt kỳ và Nhị kỳ phổ độ, tiến trình vận hành của cơ cứu độ là từ Đại Đạo phát sinh ra Tam giáo Đạo gồm: Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo. Đến Tam kỳ phổ độ, nhằm chấm dứt chu kỳ của vũ trụ, hoàn mãn cơ cứu độ, Tam giáo Đạo trở về cùng Đại Đạo. ĐĐTKPĐ thực hiện sứ mạng qui nguyên đó. Đây chính là một trong những đặc điểm rất quan trọng của ĐĐTKPĐ.

Do vậy, tôn chỉ của đạo Cao Đài là: Tam giáo qui nguyên, ngũ chi phục nhứt.Tam Giáo Đạo gồm Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo, tất cả các tôn giáo trên thế gian đều tương ứng trong Tam Giáo Đạo. Thí dụ:Thánh Đạo[5] gồm: Khổng giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Hồi giáo;Phật Đạo[6] gồm: Bà La Môn giáo, Thích Ca giáo, Pythagore.

"Ngày nay, Thầy đến đây, đem ba nền tôn giáo hiệp nhứt lại, tạo một tòa lớn lao để đời đời kiếp kiếp cho nhơn sanh nương vào đó mà lánh cơn nạn khổ thảm sầu.”

Ngũ chi Đại Đạo gồm: Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo. Ngũ chi Đại Đạo là năm nấc thang mà con người tu tiến từ thấp lên cao. Trong đạo Cao Đài, Đức Phật Thích Ca đại diện Phật đạo, Đức Lý Thái Bạch Đại Tiên Trưởng đại diện Tiên đạo, Đức Chúa Jésus đại diện Thánh đạo và Đức Khương Thái Công đại diện Thần đạo.

4. Hình thức tổ chức

Hình thức tổ chức bao gồm: Tổ chức Hội thánh, giáo lý, nghi lễ, v.v. có đặc điểm tổng hợp Tam Giáo Đạo gồm: Phật Đạo, Tiên Đạo vàThánh Đạo.

Tổ chức Hội thánh ĐĐTKPĐ gồm hệ thống Tam đài là Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài.Một cách khái quát, Bát Quái Đài thuộc phần vô hình, là nơi Đức Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng ngự trị để điều hành guồng máy Thiên cơ, cai quản toàn cả vũ trụ càn khôn thế giới, và trực tiếp điều hànhnền ĐĐTKPĐ. Hiệp Thiên Đài là cơ quan thực hiện chức năng thông công bằng phương tiện cơ bút giữa Đức Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng với con người và ngược lại. Cửu Trùng Đài thuộc phần hữu hình, là nơi thực hiện mối quan hệ cứu độ giữa con người và con người tại chốn nầy.Hệ thống Tam đài chính là Thánh thể của Đức Chí Tôn tại thế gian.

“Thánh thể của Đức Chí Tôn gồm có ba phần: Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài. Ba đài hiệp lại thành một Thánh thể chung. Thánh thể hữu hình tượng trưng cho guồng máy Đại Đạo xoay vần trong Càn Khôn thế giới. Vì nếu hầu hết con người trên thế gian đều chấp nhận cái hình thức Thánh thể ấy để đạt được cái lý siêu nhiên của Trời, của Đạo, gìn giữ được những bửu vật cố hữu của con người muôn thuở, thì Càn Khôn sẽ được an tịnh, thế giới sẽ được an ninh, phong hòa võ thuận, thế giới an khương.”[7]

Có thể nói Bái Quái Đài tượng trưng cho phần Thiên, Cửu Trùng Đài thuộc phần Nhơn, còn Hiệp Thiên Đài giữ chức năng nối liền giữa phần Thiên và Nhơn. Vì thế, Hội thánh ĐĐTKPĐ mang tính thiên nhân hiệp nhất.

Chức sắc Cửu Trùng Đài có 9 bực từ thấp lên cao tương ứng với 9 phẩm Thần Tiên nơi cõi Vô Hình: Đạo Hữu (Địa Thần), Thông Sự/ Phó Trị Sự/ Chánh Trị Sự (Nhơn Thần), Lễ Sanh (Thiên Thần), Giáo Hữu (Địa Thánh), Giáo Sư (Nhơn Thánh), Phối Sư/ Chánh Phối Sư (Thiên Thánh), Đầu Sư (Địa Tiên), Chưởng Pháp (Nhơn Tiên) và Giáo Tông (Thiên Tiên). Phẩm Giáo Tông chưởng quản Cửu Trùng Đài chỉ có một vị, các phẩm chức sắc khác từ Chưởng Pháp đến Lễ Sanh chia làm ba phái là Thái, Thượng và Ngọc tương ứng với Tam giáo lần lượt là Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo.

Giáo lý ĐĐTKPĐ mang tính chất dung hòa tổng hợp giáo lý Tam Giáo Đạo nói riêng, giáo lý các nền chánh giáo nói chung. Như đã nêu trên, các tôn giáo thuộc Thánh Đạo chú trọng phần nhơn sinh nhằm xây dựng thế đạo đại đồng, còn các tôn giáo thuộc Tiên Đạo và Phật Đạo chú trọng phần tâm linh nhằm thực hiện thiên đạo giải thoát.

“Riêng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có khác ở chỗ sơ khai và lập thành qui luật giáo điều trong một tính chất dung hòa tổng hợp giáo lý cổ kim.”[8]

Đức Vạn Hạnh Thiền Sư đã xác tín:

“Tục ngữ có câu: có bột mới gột nên hồ. Những tư tưởng dung hòa Tam Giáo từ xưa đã là những nền tảng của bột để sang đến thời kỳ này Đức Chí Tôn mới thị hiện để làm nên hồ, có đầy đủ một hệ thống giáo lý căn bản không sót từ xưa, chẳng những từ cổ tới kim mà còn từ Đông sang Tây nữa. Điểm phong phú dồi dào sinh lực tinh thần ở thời kỳ Hạ Nguơn này là như thế. Tam Giáo, Tứ Giáo và cả vạn giáo nữa để góp thành một tân tôn giáo mệnh danh là Cao Đài giáo hay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.”[9]

Kinh điển và Thánh giáo ĐĐTKPĐ do Đức Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng trực tiếp giảng dạy qua phương tiện cơ bút, dùng ngôn ngữ tiếng Việt làm chánh tự truyền giáo. Đây cũng là một đặc điểm rất nhiệm mầu của Đại Đạo. Lại nữa, kinh điển và thánh giáo do Ơn Trên truyền dạy bằng phương tiện cơ bút nên chỉ cần trong một thời gian rất ngắn chưa đến 50 năm mà đã có một khối lượng kinh sách đồ sộ. Tốc độ ban truyền kinh điển Thánh giáo nhanh chóng như thế mới có thể đáp ứng với tốc độ phát triển như vũ bão của nhân loại trong thời đại tân tiến hiện nay.

Ngoài ra, các Đấng Thiêng Liêng đã minh giải các chủ đề Đạo học khúc chiết của Tam Giáo Đạo bằng cách diễn tả giản dị nhưng rất sâu sắc, giúp chúng ta thấu hiểu giáo lý Tam Giáo Đạo. Chúng ta có thể tham khảo một ví dụ về lý sắc không của đạo Phật được Ơn Trên lý giải rất đơn giản nhưng không kém phần thâm sâu.

Chấp không chấp có thiên tà,

Lìa không, bỏ có cũng là bàng môn.[10]

5. Tân pháp Cao Đài

Như đã trình bày, pháp môn của ĐĐTKPĐ được gọi là Tân Pháp ĐĐTKPĐ hay còn gọi là Tân Pháp Cao Đài. Đây là pháp môn đại ân xá, phù hợp với căn trí của chúng sanh trong thời đại hiện nay.

“Tân Pháp Cao Đài là pháp môn Đại ân xá, là nấc thang cuối cùng trong kỳ mạt pháp để cứu nhân sanh. Người biết giác ngộ nhập cảnh vô vi sẽ được siêu thoát, kẻ biết hồi đầu hướng thiện chưởng duyên lành vào đời thánh đức khỏi đọa tam đồ hay tán khôi trần sau Hội Long Hoa.”[11]

Tân pháp Cao Đài được phổ cập cho tín đồ Cao Đài đã trọ trì thập trai (ăn chay 10 ngày) trở lên theo qui định của Tân Luật.

Trong hàng hạ thừa, ai giữ trai kỳ từ mười ngày sắp lên, được thọ truyền bửu pháp, vào tịnh thất có người chỉ luyện đạo.”[12]

Đây chính là một đặc điểm nổi bật của ĐĐTKPĐ. Bởi lẽ, theo Cựu pháp, hành giả muốn học đạo giải thoát buộc phải hội đủ nhiều điều kiện rất khó khăn như: trường chay tuyệt dục, minh sư, v.v.Đức Phục Đức Tôn Thánh đã so sánh về điều kiện thọ pháp và hành pháp giữa hành giả xưa và nay như sau:

Người xưa tầm đạo luyện tu,

Non cao rừng thẳm mịt mù xa xôi,

Muốn cầu giải thoát luân hồi,

Biết bao khổ hạnh vị ngôi mới thành.

Thời kỳ ân xá sẵn dành,

Cao Đài Tân Pháp chúng sanh thoát nàn.[13]

Hơn nữa, Ơn Trên luôn hộ trì cho từng hành giả trong quá trình tu luyện để có thể thành công, được Đức Chí Tôn điểm đạo.Xin được nêu lên một ví dụ để minh họa và đây cũng là một trường hợp rất hi hữu.

“Vừa rồi Đức Đông Phương Chưởng Quản phải đến Đâu Suất Cung hữu sự, có nhờ phần việc dạy pháp nầy cho Lão. (…) Vậy chư đệ muội đã thọ pháp hãy đồng ngồi lại, tất cả công phu một giây cho Lão xem. (…) Phải từ từ, chẳng nên phóng tâm.Sắc diện phải tươi lên như sắp được một việc vui mừng.Thôiđược rồi.Mặc dầu chư hiền đệ chưa niệm hết bài chú, nhưng cái thể đã biểu lộ trong sự công phu của chư hiền ở thời gian qua.”[14]

Do trình độ chúng sanh phát triển vượt bực về phần hậu thiên trong thời Hạ nguơn mạt kiếp nên cựu pháp không còn thích hợp nữa[15]. Tân pháp Cao Đài mang tính khế cơ nên phù hợp với căn trí của chúng sanh trong thời khoa học phát triển tân tiến này. Đức Đông Phương Chưởng Quản xác nhận:

“Như thời hiện tại vật chất thạnh cường, tinh thần băng hoại, hậu thiên hữu dư, tiên thiên bất túc, không thể dùng trọn vẹn cựu pháp kỳ bí để chế hãm được phàm tâm, nên phải đem phương pháp tùy căn trí mà truyền. Đạo đã xa lạc hậu thiên, phải có phương pháp chế hậu thiên để huờn phản tiên thiên. Nhưng phương pháp đối trị vô vi của các bậc Giáo chủ là căn trí cao dày, hàng phàm phu bị giam hãm trong thời suy vong đọa lạc này, không thể theo đó mà tu luyện nổi, nên phải cần các phương tiện thiết yếu hơn.” [16]

6. Thiên nhân hiệp nhất

Đức Thượng Đế đã ban cho con người một đặc ân vô cùng lớn lao là cùng chung trách nhiệm thực hiện sứ mạng của ĐĐTKPĐ với các Đấng Thiêng Liêng nơi cõi vô hình. Chính sự cộng thông sứ mạng giữa con người và Thượng Đế đã tạo ra một năng lực cứu độ vô cùng lớn lao, bởi lẽ đó chính là yếu tố Thiên nhân hiệp nhất. Một sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử cứu độ từ xưa đến nay là một sự gần gũi thiêng liêng giữa hai cõi sắc không vô cùng sâu sắc.

“Một sứ mạng chia hai đoàn người u hiển sắc không. Các em đã hiểu rồi, đã biết rồi, hữu hình mới phục vụ cho hữu hình, vô vi là tác năng của tiềm lực trí tuệ. Có hữu không vô ví như có hình vật mà không có cơ năng linh hoạt, có vô không hữu khác nào bốc gió chốn hư không, xây lâu đài trong mộng ảo, bởi vì rễ có sâu thì gốc mới vững, cây có tàn lớn thì hoa trái mới sum sê.”[17]

Đức Lý Thái Bạch Đại Tiên Trưởng đã đảm nhiệm quyền hành Giáo Tông vô vi Hội thánh ĐĐTKPĐ, Đức Quảng Đức Chơn Tiên (nguyên Tổng Lý Minh Đạo Huệ Lương khi còn tại thế) tiếp tục trách nhiệm Tổng Lý Minh Đạo vô vi tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, v.v. Sứ mạng đối với Đạo dù ở cõi vô hình hay nơi thế gian vẫn song hành, không phân biệt. Nhân kỷ niệm 60 năm Khai minh Đại Đạo, Đức Giáo Tông đã bộc bạch tâm tư của Ngài.

“Nhắc đến sứ mạng đối với Đạo, bản thân Bần Đạo đòi phen tủi hổ với Đức Chí Tôn.Sáu mươi năm hành đạo tuy kết quả có đôi phần, nhưng chưa đối xứng với cơ tận độ Kỳ Ba, với muôn ngàn nhân sinh còn lặn hụp trong trần thế.”[18]

Ngoài ra, sứ mạng Tam kỳ Phổ độ luôn là sự nối tiếp xuyên suốt nơi trần thế và cõi vô hình.Điều nầy có nghĩa là khi con người từ giã cõi trần và hội đủ điều kiện chứng quả nơi cõi vô sanh bất diệt, vẫn tiếp tục sứ mạng thiêng liêng cao cả trong Tam Kỳ Phổ Độ. Thật vậy, Chư vị Tiền Khai Đại Đạo đã khai sáng trụ tướng nền Đại Đạo từ đầuthập niên 20 của thế kỷtrước, đã trở về phục lịnh Đức Chí Tôn, vẫn đang tiếp tục gánh vác sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ.

“Thật sự, chúng Tiên huynh là những ánh thần quang bàng bạc bao la trên dải sơn hà cẩm tú này với sứ mạng của dân tộc được chọn và đang hiện diện cùng chư hiền, cùng các em đây.”[19]

Đây cũng chính là yếu tố thiên nhân hiệp nhất vô cùng thiêng liêng mầu nhiệm vậy.

7. Vai trò của nữ phái

Có thể nêu lên một sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử các tôn giáo là nữ phái được giữ các trọng tráchtrong Hội thánh nhưnam phái (Ngoại trừ hai phẩm Giáo Tông và Chưởng Pháp trong Cửu Trùng Đài chỉ dành cho nam phái).Ngay từ buổi đầu khai Đạo, Đức Chí Tôn đã truyền dạy nữ phái.

“Đường Thị! Thầy giao phe nữ cho con lập thành. Chẳng phải vì đờn bà mà sớm nồi cơm, chiều trả cháo hoài. Phần các con truyền Đạo kỳ phổ độ nầy cũng lắm nặng nề, bao nhiêu nam tức bao nhiêu nữ; nam biết thành Tiên Phật, chớnữ lại không sao? Thầy đã nói Bạch Ngọc Kinh có cả nam và nữ, mà phần nhiều nữ lấn quyền hơn nam rất nhiều. Vậy con phải tuân lịnh Thầy mà lập thành Nữ phái. Nghe và tuân. Thầy hằng ở bên con, lo chung cùng con, con chớ ngại.”[20]

Theo Pháp Chánh Truyền, Nữ phái ĐĐTKPĐ được công cử đến phẩm vị Đầu Sư.

“Đầu Sư nữ phái chịu công cử theo luật Hội Thánh ban hành, theo luật Hội Thánh phân xử về đường đời và đường Đạo.”

Có một điểm rất đặc biệt là chức sắc nữ phái thuộc phẩm Giáo Hữu, Giáo Sư và Phối Sư không hạn chế về số lượng[21] và không chia ra ba phái Thái, Thượng và Ngọc (chức sắc phẩm Đầu Sư và Chánh Phối Sư Nữ phái chỉ có 1 vị); trong khi chức sắc Cửu Trùng Đài Nam phái phẩm tương ứng có qui định số lượng chức sắc cụ thể (3.000 vị Giáo Hữu, 72 vị Giáo Sư và 36 vị Phối Sư) và chia ra ba phái.

Nữ phái ĐĐTKPĐ đã góp phần rất to lớn trong cơ cứu độ kỳ Ba.

8. Các phép bí tích ĐĐTKPĐ

Các phép bí tích trong Đại Đạo TKPĐ áp dụng cho tín đồ Cao Đài có đặc điểm là đều thuộc về Tân pháp Đại Đạo nên sẽ mang đến kết quả cứu độ nhất định theo luật Đại ân xá kỳ Ba. Có bảy phép bí tích thuộc hai lãnh vực độ sanh và độ tử: (1) Phép tắm thánh, (2) Phép giải oan, (3) Phép hôn phối, (4) Phép giải bệnh, (5) Phép xác, (6) Phép đoạn căn và (7) Phép độ thăng.

9. Đại ân xá Kỳ Ba

Đại ân xá Kỳ Ba là một đặc ân chung trong thời kỳ cuối Hạ nguơn mạt kiếp, chớ không áp dụng riêng cho môn đệ Cao Đài. Bỡi lẽ, luật công bằng của Đức Chí Tôn áp dụng cho toàn thể con cái của Ngài nơi cõi thế,bấtluận có tu hoặc không tu, bất luận theo tôn giáo nào.

“Ngày nay trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, không riêng một quốc gia, xã hội, chủng tộc nào, vẫn được những hồng ân đại xá của Đức Chí Tôn chan rưới.”[22]

Người môn đệ Cao Đài rất hữu duyên được Đức Chí Tôn ban truyền cho Tân Pháp Cao Đài, con đường ngắn nhất để có thể thành công chứng quả. Lại nữa, nhờ luật Đại ân xá Kỳ Ba nên con đường trở về cùng Đức Chí Tôn được thâu ngắn rất nhiều do công quả được nhân hệ số Ba.

“Thời đại ân xá, ai tu cũng có thể được đắc quả. Một việc làm thiện dầu nhỏ nhen đến thếmấy đi nữa cũng vẫn là việc thiện và được ghi ở hệ số BA.Trái lại, việc ác dầu cho nhỏ đến thế mấy đi nữa cũng vẫn là việc ác.”[23]

Cho nên, với Tân Pháp Cao Đài và Đại ân xá Kỳ Ba, người tín hữu Cao Đài có thể rút ngắn con đường tiến hóa của mình chỉ trong một kiếp thay vì phải trải qua vô lượng kiếp. Thật vậy, trong điều kiện tiến hóa bình thường, con người nơi quả địa cầu 68 nầy sẽ tiến hóa lên quả địa cầu 67, rồi từ đó lần lượt tiến hóa lên quả địa cầu thứ nhứt; sau đó tiếp tục chuyển sang 3.000 thế giới; rồi mới đến Tứ đại Bộ châu (4 châu lớn); chặng dừng chân cuối mới là Tam thập lục thiên (36 tầng Trời). Thông thường con người phải trải qua khoảng 90.000 kiếp mới có cơ hội trở về quê cũ nơi cõi Trời. Vì thế, có thể nói Đại ân xá Kỳ Ba là cơ hội VÀNG, và thậm chí còn rất nhiều lần hơn thế nữa, để con người có thể rút ngắn tối đa con đường tiến hóa của mình trong MỘT kiếp duy nhứt mà thôi.

Kỳ ân xá ngập tràn duyên phước,

Một kiếp tu mà được đắc thành,

Thoát vòng hệ lụy tử sanh,

Nghiệp xưa trả dứt, quả lành kết tinh.[24]


Tạm Kết

Đức Thượng Đế Chí Tôn vì lòng đại từ đại bi đã đến đất nước Việt Nam nhỏ bé nầy bằng huyền diệu cơ bút khai mở nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay đạo Cao Đài để cứu độ nhân loại. Đây là một sự kiện vô cùng hi hữu trong lịch sử cứu độtự cổ chí kim.

“Tam Kỳ Phổ Độ là một giai đoạn quan trọng trên lịch sử diễn tiến của nhân loại trong kỳ Hạ nguơn. Đây là thời kỳ có một không hai trong quá trình tiến hóa tâm linh nhân loại, vì được diễm phúc hồng ân lớn lao duy nhất: Thượng Đế giáng trần lập đạo, cứu độ và tận độ nhân loại.”[25]

Khai minh Đại Đạo tại trần gian, Đức Thượng Đế cùng với các sứ giả của Ngài là các bậc Giáo Chủ đã đến thế gian trong Nhứt kỳ và Nhị kỳ Phổ độ, thực hiện sứ mạng qui nguyên nhằm đưa Tam Giáo Đạo trở về nguồn gốc Đại Đạo lúc khởi nguyên.Mặt khác, toàn bộ hệ thống giáo lý Cao Đài mang tính dung hòa tổng hợp giáo lý của Tam Giáo Đạo.

Đức Thượng Đế đã thị hiện Thánh thể của Ngài tại trần gian qua trụ tướng của Hội thánh ĐĐTKPĐ là Bát Quái Đài, Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài.Hình thức tổ chức Tam đài đã thể hiện rõ nét đặc tính Thiên nhân hiệp nhứt.

Nhằm thực hiện sứ mạng cứu độ toàn nhơn loại trên quả địa cầu nầy, Đức Thượng Đế đã truyền trao chánh pháp Đại Đạo, là Tân pháp Cao Đài, là pháp môn Đại ân xá, là bánh thật để con người có thể thực chứng đạo giải thoát tại chốn nầy và siêu xuất thế gian. Thầy còn ban Luật đại ân xá Kỳ Ba nhằm giảm bớt tội lỗi và tăng hệ số công quả lên gấp ba lầnđể tạo điều kiện dễ dàng nhứt cho con cái của Ngài có thể “Một kiếp tu mà được đắc thành”.

Dân tộc Việt Nam rất hữu duyên được Đức Thượng Đế chọn với vai trò là hạt nhân ban đầu để hợp tác và cộng thông cùng các Đấng Thiêng Liêng nơi cõi vô hình thực hiện tôn chỉ và mục đích của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nơi quả địa cầu nầy.


Thiện Hạnh
12-7-2010

--------------------
[1]Kinh Đại Thừa Chơn Giáo, bài “Thầy lập Cao Đài Đại Đạo như thế nào?”
[2] Đức Ngô Minh Chiêu Đại Tiên, MĐTV, 27-01 Canh Thân (13-3-1980).
[3]Chư Tiền Khai Đại Đạo TKPĐ, CQPTGL, 14-02 Giáp Dần (07-3-1974).
[4] Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGL, 01-12 Bính Thìn (19-01-1977).
[5] “Phần Phó Ban: (…) Phải nghiên cứu Thánh Đạo, gồm chung Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Hồi Hồi giáo cho thông suốt.” (Đức Lê Văn Duyệt Đại Tiên, NMĐ, 15-4 Bính Ngọ, 03-6-1966).
[6] “Phần Vụ Trưởng: (…) Về Phật Đạo, Bà La Môn giáo, Thích Ca giáo, Pythagore đều phải nghiên cứu và tìm hiểu.” (Đức Lê Văn Duyệt Đại Tiên, NMĐ, 15-4 Bính Ngọ, 03-6-1966).
[7]Đức Đông Phương Chưởng Quản, Trúc Lâm Thiền Điện, 18-7 Canh Tuất (18-8-1970).
[8] Hội Đồng Tiền Khai ĐĐ, VNT, 22-3 Tân Hợi (17-4-1971).
[9] VPPTGL Hội Thánh Di Lạc, 30-8 Tân Hợi (18-10-1971).
[10]Đức Bác Nhã Thiền Sư, MLTH.
[11] Đức Đông Phương Chưởng Quản, CQ, 15-9 Giáp Dần (29-10-1974).
[12] Tân Luật, Chương II, Điều 13.
[13] Đức Phục Đức Tôn Thánh, VNT, 12-5 Đinh Tỵ (27-6-1977).
[14] Đức Thanh Hư Đạo Đức Chơn Quân, NMĐ, 15-6 Mậu Thân (10-7-1968).
[15]“Mỗi thời kỳ mở đạo, mỗi pháp môn khác nhau, vì phải tùy theo trình độ tiến hóa và hoàn cảnh xã hội của từng giống dân mà đem giáo lý thích hợp để dìu dẫn họ. Đến nay là thời kỳ thứ Ba mà Thượng Đế đem đạo dìu đời trong thời đại nguyên tử này. Do đó các pháp môn đều phải tân tiến để dìu dẫn nhơn sanh kịp theo trào lưu tiến hóa của nhơn loài.(…) Nếu không quan hệ thì không gọi là Nhứt kỳ, Nhị kỳ, Tam kỳ mà chi?” Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 21-6 Kỷ Dậu (03-7-1969).
[16] Đức Đông Phương Chưởng Quản, BNTĐ, 09-5 Giáp Dần (28-6-1974)
[17]CQPTGL, Tuất thời, 11-02 nhuần Ất Sửu (31-3-1985).
[18] Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo, CQPTGL, 15-10 Bính Dần (16-11-1986).
[19]Chư Tiền Khai Đại Đạo TKPĐ, CQPTGL, 14-02 Giáp Dần (07-3-1974).
[20] TNHT Q.1, ngày 17-7-1926 (8-6 Bính Dần).
[21] Đàn cơ tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày 15-11 Tân Hợi (01-01-1973), Phò loan: Hiến Pháp – Khai Đạo, Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo giáng cơ. Ngài Hiến Đạo bạch:
- Cầu xin Đức Ngài từ bi chỉ giáo số chức sắc Nữ phái Cửu Trùng Đài từ phẩm Phối Sư đổ xuống Giáo Hữu, mỗi phẩm có bao nhiêu vị?
Đức Giáo Tông đáp: - Vô định.
[22] Hội Đồng Tiền Khai Đại Đạo TKPĐ, VNT, 22-3 Tân Hợi (17-4-1971).
[23]Đức Đông Phương Chưởng Quản; CQPTGL, 30-12 Tân Hợi (14-02-1972).
[24] Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGL, 13-8 Kỷ Mùi (03-10-1979).
[25]Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL,11-8 Bính Dần (14-9-1986).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides